6
CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO
Đức tin
là một yếu tố quan trọng nhất trong những yếu tố cấu thành xã hội tính của con
người. Nhờ xã hội tính mà các quốc gia hay các liên bang thực hiện được sự đoàn
kết để thống nhất ý chí và tạo nên thế trung hòa giữa các khối trên thế giới.
Không ai không công nhận tính chất trọng yếu của tôn giáo trong hiện tình chính
trị cũng như trong lịch sử chính trị, và dù có sự phân định rõ rệt giữa giáo
quyền và chính quyền, người ta cũng thấy vai trò quan trọng của hàm số tôn giáo
trong bài toán chính trị. Auguste Comte khi chủ trương thuyết "ba thời
kỳ," nói rằng thời đại chúng ta là thời đại của khoa học thực nghiệm, và
mọi xây dựng đều phải thực hiện trên khoa học thực nghiệm. Theo ông thời kỳ
trước thế kỷ thứ mười sáu là thời kỳ tôn giáo, từ thế kỷ mười sáu đến đầu thế
kỷ thứ mười chín là thời kỳ của triết học, từ thế kỷ thứ mười chín trở về là
thời kỳ của khoa học. Sự phân định ranh giới của ba thời kỳ đó không được đích
xác và không cho ta thấy rõ vai trò của tôn giáo và của triết học trong hiện
đại. Thực ra, ba thứ tôn giáo, triết học và khoa học đều có nguồn gốc riêng và
lịch trình diễn biến riêng, và cả ba đều là những biểu hiện cụ thể cho tư tưởng
nhân loại. Vào thời cổ đại, tuy không khí tôn giáo bao trùm mọi sinh hoạt nhưng
tư tưởng tôn giáo vẫn còn non nớt, và ta không thể không công nhận sự hiện diện
của một ít suy luận triết học tuy cũng rất ấu trĩ. Khoa học lúc này cũng đã
được khởi đầu trong những hình thái đơn giản nhất. Điều này có thể nhận thức
qua ý hướng tìm kiếm và sáng tạo những khí cụ và vật dụng cần cho sinh hoạt
hằng ngày. Lợi dụng sức nước để giã gạo, phát sinh ra lửa để nấu nướng v.v… đó
là những thành tích ban đầu của khoa học. Không có thời kỳ ấu trĩ thô vụng thì
làm gì có thời kỳ trưởng thành tinh xảo?
Từ thế kỷ thứ mười chín đến nay,
khoa học tiến triển một cách vô cùng nhanh chóng, và chịu ảnh hưởng ấy, triết
học cũng rất có tiến bộ. Triết học Tây phương cận đại từ độ ấy đã bắt đầu được
kiến thiết trên những khám phá khoa học nên đã lìa bỏ được rất nhiều giả thuyết
và huyền đàm vu vơ, thiếu căn cứ. Một mặt, triết học xông vào lĩnh vực tôn giáo
để chỉ rõ những gì chỉ là thần thoại và huyển tượng, một mặt khác phóng những
chân trời mới cho khoa học hướng tới. Cả ba giòng tôn giáo, triết học và khoa
học vì thế đều được thúc đẩy tiến bộ. Nhận thức về tôn giáo, dù muốn công nhận
hay không, cũng đã biến đổi một cách đáng kể. Triết học và khoa học không phụ
thuộc vào thần học như ở thời Trung cổ nữa mà đã tách riêng ra một cách hoàn
toàn độc lập và trở về chỉnh lý cho nhận thức tôn giáo.
Những tư tưởng gia quá khích đã
cho rằng thời đại mới chỉ cần đến khoa học. Đây là một điều nhầm lẫn bởi vì
giữa khoa học và triết học có những liên hệ mật thiết, nhất là những liên hệ có
tính cách khai thông và gợi ý về phần triết học. Về phần tôn giáo, lịch sử đã
chứng tỏ rằng tôn giáo là nền tảng, là yếu tố quan trọng của đoàn kết xã hội. Tín
ngưỡng tính cũng là xã hội tính của con người. Nói rằng thời đại
khoa học không cần đến tôn giáo hoặc nói rằng phải hủy bỏ tôn giáo tức là không
nhận thức được sự thực ấy, tức là tin tưởng quá ở giá trị của thuyết tam thời
kỳ của nhà triết học Pháp.
Cứ nhìn vào thực trạng xã hội
thế giới ngày nay thì biết. Tôn giáo đang đóng vai trò tạo nên xã hội tính của
các khối. Đại khái khối Âu Châu có Công giáo, khối Cận Đông có Hồi giáo, khối
Trung Đông có Ấn giáo. Và rốt cuộc ta thấy xã hội không thể không có những hệ
thống tín ngưỡng được xem như yếu tố tạo thành xã hội tính. Yếu tố tôn giáo
trong thế thăng bằng của chính trị là một cái gì không thể phủ nhận được.
Nhưng có hai câu hỏi được đặt ra.
Câu hỏi thứ nhất liên hệ đến sự phân biệt ranh giới giữa tôn giáo và chính trị,
câu hỏi thứ hai liên hệ đến bản chất của tôn giáo và ảnh hưởng tôn giáo trong
sinh hoạt xã hội và trong những xung đột chủ nghĩa.
Ta hãy đặt câu hỏi thứ nhất. Nếu
tôn giáo là chất liệu của xã hội tính, và nếu chính trị là quyền bính sử dụng
xã hội tính ấy để thực hiện những điều mơ ước, thì đâu là ranh giới và quyền
hạn giữa giáo quyền và chính quyền? Giáo quyền và chính quyền có phải là hai
thứ quyền hạn hoàn toàn không lệ thuộc gì nhau không? Theo chúng tôi tưởng, mọi
sự giản lược hóa vấn đề đều không đem đến cho ta một cái nhìn xác thực. Mọi
hiện tượng trong xã hội đều có liên hệ với nhau một cách rất mật thiết và không
bao giờ có những ranh giới tuyệt đối giữa hiện tượng này với hiện tượng kia,
đúng như nguyên lý vô ngã đã cho ta thấy. Vì vậy trong khi xét vấn đề chúng ta
phải cố gắng tránh lề lối cắt xén, bằng trí óc ta, cái thực tại phiền tạp kia
ra thành nhiều miếng nhỏ rời rạc.
Đối tượng của tôn giáo là con
người mà đối tư?ng của chính trị cũng là con người, và dù con người tinh thần
hay con người vật chất cũng là con người, cũng là những khía cạnh liên hệ nhau
của con người. Như thế làm sao tôn giáo và chính trị không có những tương quan
cho được. Điều ta có thể nói là trong khi chính trị dùng những quyền hành quân
sự thì tôn giáo dùng những quyền hành tinh thần và tình cảm; trong khi chính
trị dùng những phương tiện luật pháp thì tôn giáo dùng những phương tiện đạo
đức.
Một bên là pháp trị và một bên
là đức trị. Nếu có sự áp dụng đức trị thêm vào trong mặt pháp trị tức là có sự
sử dụng tinh thần tôn giáo đạo đức trong phạm vi chính trị. Trong phạm vi tôn
giáo nhất là trong những tôn giáo mà giáo quyền quyết định mọi sự áp dụng pháp
trị. Và như thế phương pháp của chính trị được áp dụng ít nhiều trong phạm vi
tôn giáo. Đáng lý ra, theo ước muốn của con người, tôn giáo chỉ được thuần túy
dựng trên đức trị. Ta cũng nên hiểu tôn giáo như những lực lượng văn hóa mà
trung tâm là một ý thức hệ. Tôn giáo cũng như chính trị, nhắm đến đối tượng con
người và đến sự thực hiện thế giới lý tưởng của con người, hoặc ngay trên trái
đất này, hoặc ở một thiên đường ngoài trái đất này. Nhưng dù trên trái đất này
hay ở một thiên đường ngoài trái đất này thì cũng vẫn là những con người này,
những con người mà ta gặp gỡ và cùng chung sống hôm nay. Cũng những con người
ấy chịu ảnh hưởng, chịu sự hướng dẫn, chịu sự chi phối và chịu những mệnh lệnh
của tôn giáo và của chính trị - dù là do chính con người tạo ra. Và như thế
phải có mâu thuẫn, bởi vì có hơn một đường lối, hơn một mênh lệnh. Từ xưa đến
nay đã có những chống báng và những hợp tác giữa các nhà văn hóa (ta tạm gói
chữ tôn giáo trong chữ văn hóa) và các nhà chính trị. Các nhà chính trị luôn
luôn đi tìm những nhà văn hóa để lợi dụng (xin nói trắng - với lại chữ lợi dụng
không có nghĩa gì xấu), bởi vì chính trị nào cũng phải có quần chúng mà tư trào
văn hóa nào lôi kéo được quần chúng thì có thể bảo đảm cho sự đứng vững của một
thế chính trị.
Ta hãy lấy ít ví dụ ở xã hội
nông nghiệp Trung Hoa ngày xưa. Một nền văn hóa chủ trương đề cao chữ Trung cố
nhiên được các ông vua ưa thích. Chữ Trung đã mang ý nghĩa trung với một ông
vua, trung với một triều đại, một dòng họ. Và lệnh vua phải được triệt để tuân
theo, dù đó là lệnh ban cho mình cái chết: "quân sử thần tử, thần bất tử
bất trung." Giáo lý Trung quân khi đã được nhiều người theo và sùng kính
như một nguyên lý tôn giáo (đó là công trình của nhà văn hóa cũng như nhà tôn
giáo) có thể bồi đắp và giữ gìn một cách rất hữu hiệu cho sự tồn tại của một
ông vua, một chính quyền. Thường thường một ông vua, vì muốn tỏ cho người sĩ
phu biết là mình phục thiện, mới miễn cưỡng bằng lòng nguyên tắc: "dân vi
quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh," kỳ thực rất muốn người ta xem mình
như là cha mẹ. Không những thế, còn bằng lòng tự nhận mình là con trời
nữa, như sự sắp xếp của nhà văn hóa và tôn giáo. Thờ vua trở thành một tôn
giáo, bởi vì vua không những là nhà chính trị mà còn là thiên tử, người thuận
thiên hành đạo. Và giáo quyền hợp lực với quân quyền. Cả hai bên đều có lợi,
một bên là chính quyền được vững chãi, một bên là giáo quyền và giáo lý được
nâng đỡ, tôn giáo, phát triển ảnh hưởng và thế lực trong quần chúng. Nếu nhà
chính trị đi tìm nhà văn hóa, thì nhà văn hóa cũng đi tìm nhà chính trị.
Tuy nhiên ta phải ghi nhận điều này:
thường thường nhà chính trị, vì tin tưởng quá nhiều ở khả năng của quyền bính
pháp trị, nên có thể tìm đến với bất cứ một tư trào văn hóa nào tạo được xã hội
tính mạnh nhất trong xã hội mình, trong khi đó nhà văn hóa (tôi nói nhà văn hóa
chân chính) thường chỉ nhìn vào khả năng thực hiện đường lối văn hóa mình nơi
nhà chính trị để mà chọn mặt gửi vàng. Lý do là các nhà văn hóa biết rằng nếu
có nhà chính trị giỏi chịu đi theo họ thì họ sẽ có thêm một phương tiện sắc bén
nữa để thực hiện nền văn hóa ấy, ngoài những phương tiện văn hóa của chính họ.
Những nhà văn mà cứ xu phụ vào bất cứ một chính quyền nào thì đều là những nhà
văn hóa nô dịch không có lý tưởng. Những nhà văn hóa có lý tưởng thì luôn luôn
hướng đến một tương lai đẹp hơn hiện tại, và có ý dùng lực lượng văn hóa của họ
để buộc nhà chính trị thực hiện ước muốn chân chính và tiến bộ của lý tưởng kia.
Văn hóa nào cũng muốn là văn hóa dân tộc, tôn giáo nào cũng muốn là quốc giáo.
Quốc giáo không phải như một chức vị, mà là một hiện thực, để mà thực hiện lý
tưởng. Trong xã hội ta ít ai chịu đựng được ý niệm một quốc giáo, nhưng mà sự
thực của tâm trạng các nhà tôn giáo thì chưa chắc.
Cố nhiên là nhà chính trị
"sợ" nhà văn hóa trong trường hợp nhà văn hóa không ủng hộ cho mình
và còn muốn cho mình làm những điều mà nếu mình làm thì mình phải đổ. (Như
trong trường hợp nhà chính trị độc tài: độc tài là phương tiện để đứng vững lâu
thêm). Và vì vậy có hiện tượng đàn áp những tư trào văn hóa nào có cơ hội kéo
được đa số quần chúng theo và đang là một sự đe dọa cho sự tồn tại của chính
quyền. Chỉ có những nhà văn hóa nô dịch mới được bảo đảm trong một chính thể
độc tài, còn những nhà văn hóa chống đối bao giờ cũng bị đe dọa. Khi một tư
trào văn hóa lớn mạnh, nhà chính trị sẽ không dám đe dọa nữa và bắt buộc phải
vuốt ve, hoặc thoa dịu, hoặc nâng chiều. Sự nâng chiều đứng đắn nhất là thực
hiện sốt sắng những lý tưởng văn hóa kia dù sự thực hiện đó đòi hỏi can đảm,
nhượng bộ và hy sinh. Trong trường hợp một tư trào văn hóa nào đó mà được hướng
dẫn bởi những động cơ quyền thế và danh lợi, và nếu tư trào đó lớn mạnh thì đó
là một điều đại bất hạnh cho xã hội. Chính quyền sẽ phải xu phụ theo đó, nếu
muốn đứng vững; và xu phụ theo tức là phụng sự cho bóng tối và cho đau khổ của
xã hội. Nhà văn hóa mà đi lầm đường thì còn tàn hại hơn nhà chính trị nhiều.
Trong khi nhà chính trị đi tìm hậu thuẫn quần chúng nơi nhà văn hóa thì nhà văn
hóa, ngoài công việc phát huy hướng dẫn và thực hiện bằng những phương tiện của
mình, cũng để mắt tới những nhà chính trị mà họ nhắm có khả năng thực hiện văn
hóa họ.
Việc đi chu du của Khổng Tử qua
các nước chẳng hạn là để tìm những chính quyền có thiện chí và khả năng thực
hiện đường lối văn hóa Khổng Tử. Ít có ông vua nào chịu là vì văn hóa đó chưa
phải là một thực thể mà mới là một dự án. Nếu đức Khổng Tử trước tiên chịu khó
mở trường dạy học, chịu khó phổ biến đường lối, làm cho ý thức hệ mình trở
thành xã hội tính của một xứ sở thì không cần chu du tìm kiếm cũng sẽ có nhà
chính trị tìm đến. Nhưng nhà làm văn hóa không hẳn là để cho nhà chính trị tìm
đến: làm văn hóa là cố thể hiện một ý thức hệ trong sự sống của con người, bằng
những phương tiện sẵn có trong phạm vi văn hóa. Và chừng đó cũng đã là đáng kể
lắm rồi. Khi văn hóa đã trở thành sự soi sáng cho ước vọng và ý chí của quần
chúng thì tự khắc bằng cách này hay cách khác nó được thực hiện. Chất liệu văn
hóa của một lực lượng xã hội bao giờ cũng có ảnh hưởng trên sinh hoạt mọi mặt
của xã hội ấy. Nhà chính trị bao giờ cũng cần đến nhà văn hóa và do đó không
thể nào có sự phân biệt rõ rệt về phương diện nội dung. Chính trị muốn văn hóa
phục vụ mình và văn hóa cũng muốn chính trị phục vụ mình: đó là một sự thực
lịch sử. Tôn giáo, dưới con mắt của nhà xã hội học, nằm gọn trong phạm vi văn
hóa, và vì vậy cũng nằm trong sự thực đó. Nhà thần học có thể không đồng ý về
điểm này.
Nếu có ranh giới giữa văn hóa và
chính trị thì ranh giới đó chính là sự phân biệt những khí cụ, những phương
tiện. Nhà chính trị có những khí cụ và phương tiện khác nhà văn hóa; sự lạm
dụng khí cụ của nhau khiến cho hai bên dính vào nhau và văn hóa sẽ mất đặc tính
văn hóa.
Rõ ràng nhất là trong trường hợp
tôn giáo: tôn giáo xen vào chính trị có nghĩa là tôn giáo muốn dùng đến những
phương tiện chính trị hoặc để thực hiện lý tưởng mình hoặc để phát triển uy
quyền và thế lực mình trong xã hội. Có thể có tôn giáo quan niệm rằng điều đó
là điều tự nhiên, nhưng cũng có những tôn giáo khác không thể chấp nhận như vậy.
Ví dụ trong trường hợp đạo Phật. Đạo Phật có thể nhận sự bảo trợ của chính
quyền trong trường hợp nhà chính trị thấy lý tưởng đạo Phật thích hợp với đường
lối họ (như trường hợp vua Asoka ở Ấn và các vua triều Lý Việt Nam) nhưng đạo
Phật không bao giờ muốn nắm lấy quyền bính hoặc có ý thao túng chính quyền. Tuy
thế có những tôn giáo tự nhận quyền hành chỉ đạo tinh thần cho cả chính trị và
như thế, ngoài phương diện đức trị, những tôn giáo ấy, qua trung gian của chính
quyền, dùng cả phương tiện pháp trị nữa. Người lãnh đạo tôn giáo trở thành vua
của các ông vua, tổng thống của các ông tổng thống. Ở những xã hội chỉ có một
tôn giáo đáng kể thì điều này có thể thực hiện, nhưng ở những xã hội có nhiều
tôn giáo, điều này là một điều nguy hiểm.
Tôn giáo đã đành phải có những
đóng góp trong xã hội - đóng góp những gì rất quan trọng như là tạo nên xã hội
tính chẳng hạn - nhưng chỉ có thể đóng góp với tư cách tôn giáo. Nếu không, tôn
giáo sẽ không còn là tôn giáo nữa. Nói rằng hàm số tôn giáo rất quan trọng
trong bài toán chính trị không có nghĩa là nói rằng tôn giáo có thể đóng vai
trò chính trị. Nếu tôn giáo không còn là hàm số tôn giáo nữa mà lại là một thứ
hàm số khác.
Bây giờ ta hãy thử xét đến câu
nói thứ hai, câu hỏi có liên hệ đến vấn đề bản chất và ảnh hưởng của tôn giáo
trong mọi sinh hoạt xã hội, trong đó có sinh hoạt chính trị. Cố nhiên ai cũng
thấy rằng mọi sinh hoạt xã hội chịu ảnh hưởng ít nhiều của tôn giáo, nghĩa là
chịu ảnh hưởng cái chất liệu đã tạo nên xã hội tính của con người trong xã hội
đó. Tuy nhiên không phải các tôn giáo đều có công như nhau. Xã hội chỉ có thể
tiến bộ nếu nhận thức về tôn giáo có tiến bộ. Những nhận thức cố chấp về tôn
giáo đã kềm hãm sự tiến bộ của nhân loại nhiều lắm, lịch sử văn hóa cho ta thấy
điều đó. Nhưng tiến bộ của xã hội, trong đó có tiến bộ khoa học, giúp cho sự
tiến bộ về nhận thức tôn giáo và ngược lại những tiến bộ về nhận thức tôn giáo
cũng làm điều kiện cho xã hội tiến bộ. Vậy nên cố chấp vào những giáo điều đã
trở thành ngây thơ trước sự tiến bộ của khoa học tức là cản trở bước đi của
khoa học và cũng tức là quá tin ở sự lý giải của mình đối với nội dung của tôn
giáo mình đang theo.
Tuy nhiên thái độ không cởi mở
của người tín đồ không hẳn là kết quả của một lề lối nhận thức đã đóng khung
người tín đồ ấy lại, mà còn là kết quả của cái bản chất tôn giáo mà giáo điều
căn bản được xây dựng trên những nhận thức có tính cách thần thoại và không thể
đứng vững hoài được trước sự tiến bộ của nhận thức khoa học.
Đành rằng tín ngưỡng tính trong
con người là một cái gì không thể tiêu diệt được và đành rằng đức tin tôn giáo
quả thực cần thiết cho sự kết hợp của các lực lượng xã hội, nhưng có những tôn
giáo (và có những thái độ nhận thức về tôn giáo) có thể ngăn cản và làm chậm
lại sự tiến hóa của tư tưởng, khoa học, xã hội, và gây nên tâm trạng cuồng tín
rất nguy hại cho nhân loại, trong khi đó có những tôn giáo có bản chất thích hợp
với sự phát triển của tinh thần tự do, dân chủ và khuyến khích mọi tiến bộ của
nhân loại về phương diện sinh hoạt xã hội cũng như về phương diện tâm linh,
tình cảm.
Tinh thần vô tư của nhà khoa học
và tâm trạng thao thức đi tìm chân lý một cách khách quan của nhà triết học
(chứ không phải là nhà thần học) cần phải được chiếu rọi vào tôn giáo để giúp
cho nhận thức về tôn giáo được sáng tỏ và tiến bộ. Một khi con người có được
nhận thức tỉnh táo về tôn giáo (đức tin nơi tôn giáo không cần và không nên là
một đức tin say mê vô điều kiện) thì con người sẽ có những khám phá mới lạ về
tôn giáo và tránh được cho nhau những va chạm không cần thiết - những va chạm
bao giờ cũng gây oán thù chết chóc và khổ đau cho nhân loại.