- Con Đường Thoát Khổ
- Đại đức W. Rahula
Thích Nữ Trí Hải dịch
Chương V
Diệu đế thứ tư: Đạo (Magga), Con Đường
Chân lý cao cả thứ tư là về Con Đường dẫn đến sự chấm dứt Dukkha. Con đường này được gọi là Trung Đạo (Majjhimà Patipadà), bởi vì nó tránh hai cực đoan: một cực đoan là chạy theo hạnh phúc qua khoái lạc giác quan (dục lạc), vốn "thấp kém, tầm thường, không lợi ích và là con đường của những người tầm thường", cực đoan kia là sự tìm kiếm hạnh phúc qua sự tự ép xác dưới nhiều hình thức khổ hạnh khác nhau, sự tìm kiếm này cũng là "khổ nhọc, không đáng và không lợi ích". Trước tiên Ngài đã thử hai cực đoan ấy, và nhận thấy chúng vô dụng. Đức Phật với kinh nghiệm của chính Ngài, đã tìm ra Trung Đạo "đem lại kiến giải và trí thức, đưa đến an tĩnh, trí huệ, giác ngộ, Niết Bàn". Trung Đạo này thường được tả là Bát Chánh Đạo (Ariya-Atthangika-Magga): tám con đường chân chính, bởi vì nó gồm có tám phạm trù hay phần:
1. Chánh kiến (sammà ditthi): sự thấy biết chân chính.
2. Chánh tư duy (sammà sankappa): suy nghĩ chân chính.
3. Chánh ngữ (sammà vàca): lời nói chân chính.
4. Chánh nghiệp (sammà kammanta): việc làm chân chính.
5. Chánh mạng (sammà àjìva): sự sống chân chính.
6. Chánh tinh tiến (sammà vàyàma): cố gắng chân chính.
7. Chánh niệm (sammà satti): nhớ tưởng chân chính.
8. Chánh định (sammà samàdhi): tập trung chân chính .
Hầu hết giáo lý của Đức Phật mà Ngài giảng dạy suốt 45 năm đều đề cập bằng cách này hay cách khác đến con đường này. Ngài giảng giải nó bằng những lối khác nhau và những danh từ khác nhau cho những người khác nhau, tùy trình độ phát triển của họ. Nhưng tinh túy của hàng ngàn bài thuyết pháp rải rác trong các kinh điển Phật giáo ấy, được tìm thấy trong Bát Chánh Đạo.
Người ta không nên nghĩ rằng tám phạm trù hay tám ngành trong con đường phải được theo và thực hành cái này sau cái khác, theo thứ tự ở trên. Chúng phải được phát triển gần như đồng thời với nhau, càng nhiều càng tốt tùy theo khả năng từng người. Tất cả tám ngành đều liên kết với nhau và mỗi ngành giúp cho sự đào luyện những ngành khác.
Tám yếu tố ấy nhằm mục đích làm phát sinh và hoàn thiện ba khía cạnh cốt yếu trong việc tu tập và kỷ luật tâm linh theo Phật Giáo, ấy là:
Giới (Sila)
Định (Samàdhi) và
Huệ (Pannà)
Bởi thế ta sẽ dễ hiểu rõ hơn về Bát Chánh Đạo, nếu ta phân nhóm và giải thích chúng theo ba đề mục ấy.
Giới (sila) được xây dựng trên quan niệm rộng rãi về tình yêu phổ quát và thương xót đối với tất cả mọi sinh vật, quan niệm căn bản của giáo lý Đức Phật. Tiếc thay nhiều học giả đã quên đi lý tưởng vĩ đại nầy của Phật giáo, mà chỉ chuyên chú vào những phiêu lưu triết lý, siêu hình khi họ nói hay viết về Đạo Phật. Đức Phật ban bố giáo lý của Ngài "vì muốn lợi ích cho nhiều người, hạnh phúc cho nhiều người, do từ bi đối với thế gian".
Theo Phật học, một con người muốn toàn thiện phải có hai đức tính mà họ phải phát triển như nhau: bi (karunà) và trí (pannà). Ở đây, "Bi" có nghĩa là lòng thương, bác ái, sự tử tế, khoan dung và những đức tính cao quý tương tự về mặt cảm xúc, hay những đức tính của trái tim, trong khi trí tượng trưng khía cạnh tri thức hay những đức tính của khối óc. Nếu người ta chỉ phát triển phần cảm xúc mà quên phần tri thức, thì người ta dễ trở thành một người ngu tốt bụng, trong khi nếu chỉ phát triển khía cạnh tri thức mà bỏ quên cảm xúc, người ta dễ trở thành một người trí có tim sắt đá không biết cảm thương kẻ khác. Bởi thế muốn toàn thiện, người ta phải phát triển đồng đều cả hai khía cạnh. Đấy là mục đích của lối sống theo Đạo Phật; trong đó trí huệ và từ bi liên quan mật thiết với nhau như ta sẽ thấy sau này.
Trong Giới, căn bản trên tình yêu và từ bi, có bao gồm ba yếu tố của Bát Chánh Đạo: Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng (số 3, 4, 5 trong bảng kê trên).
Chánh ngữ có nghĩa là:
- không nói dối
- không nói trả đũa và vu khống, hay nói lời có thể gây thù hằn, ghét bỏ, bất hòa, hay gây gỗ giữa những cá nhân hay những nhóm người,
- không nói lời thô lỗ, vô lễ, ác độc, thóa mạ
- không nói lời mách lẻo, vô ích, xuẩn ngốc.
Khi nhịn được không nói những hình thức ngôn ngữ sai quấy và có hại ấy, tất nhiên người ta phải nói sự thật, phải dùng những từ ngữ thân thiện, khoan hòa, êm ái và nhã nhặn, có ý nghĩa và lợi ích. Người ta không nên nói năng bừa bãi: lời nói cần đúng lúc và đúng chỗ. Nếu không thể nói điều gì lợi ích, tốt hơn nên giữ sự "im lặng cao quý".
Chánh nghiệp nhằm phát sinh những hành vi hợp đạo đức, khả kính và hòa nhã. Nó khuyên ta nên dứt bỏ sự sát hại sinh mạng, sự trộm cắp, làm ăn không sòng phẳng, sự tà dâm và khuyên ta đồng thời cũng nên giúp kẻ khác sống một đời hòa nhã đáng kính trong con đường chánh.
Chánh mạng có nghĩa người ta nên từ bỏ sự sinh nhai bằng một nghề nghiệp mang thiệt hại cho kẻ khác, như buôn bán khí giới, đồ uống say sưa, độc dược, giết hại súc vật, lừa dối v. v.. và nên sinh sống bằng một nghề nghiệp đáng kính, vô tội và không có hại cho người, vật. Ở đây ta có thể thấy rõ rằng Đạo Phật cực lực chống đối bất cứ loại chiến tranh nào, khi đặt điều luật rằng sự buôn bán khí giới là một phương tiện sinh sống xấu xa và bất chính.
Ba yếu tố này (Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng) của Bát Chánh Đạo lập thành Hành vi Đạo đức. Cần nhận chân rằng hành vi đạo đức và luân lý trong Phật học cốt nhằm mục đích khiến cho đời sống của cá nhân và xã hội đều hạnh phúc an hòa. Không thể có sự phát triển tâm linh nào, nếu không có căn bản Đạo đức này.
Kế đến là Kỷ luật Tâm linh, trong đó bao gồm ba yếu tố khác của Bát Chánh Đạo: Chánh tinh tiến, Chánh niệm và Chánh định (số 6, 7, 8).
Chánh tinh tiến là ý chí mạnh mẽ:
- để ngăn ngừa những điều xấu ác chưa phát sinh
- trừ bỏ những điều xấu ác đã phát sinh
- làm phát sinh những điều thiện chưa được phát sinh; và
- tăng trưởng những điều thiện đã phát sinh
Chánh niệm (sự để ý, chú ý chân chính) là luôn luôn rõ biết, đầy đủ ý thức và chú ý về:
- những hoạt động của thân xác (kàya)
- những cảm giác hay cảm thọ (vedanà)
- những hoạt động tâm ý (citta) và
- ý tưởng, tư tưởng, quan niệm và sự vật (các pháp - dhamma).
Sự thực hành pháp quán hơi thở (sổ tức quán - ànàpànasati) là một trong những pháp tập luyện danh tiếng liên quan đến thân xác để phát triển tâm linh. Có nhiều cách khác để phát triển sự chú tâm liên quan đến thân xác, như các phương pháp thiền quán.
Về các cảm giác và cảm thọ, người ta phải ý thức rõ ràng về tất cả mọi hình thái của cảm thọ và cảm giác, vui, khổ, hoặc không vui không khổ, chúng đã hiện ra và tan biến ra sao ở trong ta.
Về những hoạt động của tâm ý, người ta phải ý thức xem tâm mình tham dục hay không, thù hận hay không, có vọng tưởng hay không, phân tán hay tập trung v.v..
Với phương thức ấy người ta phải nên luôn luôn ý thức về mọi động tác của tâm ý, chúng sinh và diệt ra sao.
Về những ý nghĩ hay tư tưởng, quan niệm và các pháp người ta cần phải biết tính chất của chúng, chúng sinh diệt ra sao, phát triển ra sao, bị áp đảo và tiêu diệt ra sao v.v..
Bốn hình thức của sự đào luyện tâm hay thiền quán sẽ được bàn chi tiết trong chương VII về Kinh Quán Niệm (Satipatthàna sutta) (2).
Phần thứ ba cuối cùng của kỷ luật tâm linh là Chánh định, đưa đến bốn tầng Thiền-na (dhyàna).Trong tầng đầu của Thiền, những dục vọng, đam mê và một vài tư tưởng không lành như nhục dục, thù hận, biếng trễ, lo âu, bất an, và hoài nghi - được loại bỏ và những cảm giác hoan hỉ hạnh phúc được duy trì, cùng với vài hoạt động tâm linh. Trong tầng thứ hai, tất cả mọi hoạt động tri thức đều bị loại, sự an tĩnh và nhất tâm được phát triển, và những cảm giác hoan hỉ hạnh phúc vẫn còn được giữ lại. Trong tầng thứ ba, cảm giác hoan hỉ, một cảm giác hoạt động cũng biến mất, nhưng tính chất hạnh phúc vẫn còn, cộng với sự khinh an thanh thoát của ý thức. Trong tầng Thiền thứ tư, mọi cảm giác, ngay cả cảm giác về lạc và khổ, vui và buồn đều tan biến; chỉ có sự thuần tịnh và ý thức còn lại.
Như thế tâm được huấn luyện, khép vào kỷ luật và phát triển nhờ Chánh tinh tiến, Chánh niệm và Chánh định.
Hai yếu tố còn lại Chánh tư duy và Chánh kiến tạo thành Trí huệ.
Chánh tư duy chỉ những tư tưởng về sự khước từ hay giải thoát, ý tưởng về tình thương yêu vô ngã, và về bất bạo động, trải ra đến muôn loài. Một điều thú vị và quan trọng cần chú ý ở đây là: những ý tưởng về sự giải thoát, tình yêu vô ngã và bất bạo động được nhóm họp về phía trí huệ. Điều này tỏ rõ rằng trí huệ chân thật vốn có những đức tính cao quý ấy, rằng mọi tư tưởng về dục vọng vị kỷ, sân hận hay bạo động đều là kết quả của sự thiếu trí huệ trong mọi lãnh vực đời sống như cá nhân, xã hội, chính trị.
Chánh kiến là sự thấy biết mọi sự đúng như thật, và chính Tứ Diệu Đế mới giải thích sự vật đúng như thật. Bởi vậy Chánh kiến rốt cuộc là thấy, hiểu Tứ Diệu Đế. Sự hiểu biết này là trí huệ cao cả nhất, thấy được thực tại tối hậu. Theo Phật giáo có hai thứ hiểu: Cái gì ta thường hiểu gọi là tri thức, một trí nhớ tích trữ, một sự lãnh hội của tri thức về vấn đề tùy theo một vài chi tiết đã cho. Đấy gọi là "biết tùy theo đó" (anubodha). Nó không sâu sắc lắm. Sự hiểu biết sâu sắc thực sự gọi là sự thâm nhập (pativedha), thấy biết sự vật trong bản chất của nó mà không cần tên và nhãn hiệu, sự thâm nhập này chỉ có thể có khi tâm đã sạch mọi cấu bẩn và hoàn toàn phát triển nhờ thiền định (3).
Từ sự miêu tả sơ lược về Bát Chánh Đạo, ta có thể thấy rằng đấy là một lối sống phải được mỗi người tuân theo, thực hành và phát triển. Nó là tự-kỷ-luật trong thân xác, lời nói và ý nghĩ, tự-phát triển và tự thanh lọc. Nó không dính líu gì đến đức tin, cầu nguyện, thờ phụng hay nghi lễ. Trong nghĩa đó, nó không có gì có thể gọi là có tính cách "tôn giáo" thông thường. Nó là con đường dẫn đến sự thực chứng chân lý tối hậu, dẫn đến tự do hoàn toàn, hạnh phúc và bình an nhờ sự hoàn thiện về đạo đức, tâm linh và trí thức.
Trong những xứ theo Phật giáo, có những thói tục và nghi lễ đơn giản và đẹp, vào những dịp lễ tôn giáo. Chúng không liên quan gì lắm đến Con Đường thực sự. Nhưng chúng có giá trị ở chỗ làm thỏa mãn vài cảm xúc tôn giáo và nhu cầu của những người còn thấp kém, và giúp họ dần dần đi đến Con Đường.
Về Tứ Diệu Đế ta có bốn nhiệm vụ thi hành:
Diệu Đế thứ nhất là Dukkha, bản chất sự sống, nỗi khổ đau của nó, những buồn vui của nó, sự bất toàn và không thỏa lòng, sự vô thường và huyễn hóa. Về chân lý này, việc làm của ta là phải hiểu nó như một sự kiện, hiểu rõ và đầy đủ (parrinneyya).
Diệu Đế thứ hai là Nguồn gốc của Dukkha tức dục vọng, khát khao, và cùng với nó, tất cả những đam mê xấu xa và bất tịnh khác. Chỉ hiểu sự kiện này thôi không đủ, ở đây việc làm của ta là phải loại bỏ nó, diệt trừ và nhổ nó tận gốc rễ (pahàtabba).
Diệu Đế thứ ba là sự Chấm dứt Dukkha, Niết Bàn, Chân lý tuyệt đối, Thực tại tối hậu. Ở đây việc của ta là phải thực chứng nó (sacchikàtabba).
Diệu Đế thứ tư là Con Đường đưa đến thực chứng Niết Bàn. Chỉ hiểu biết về Con Đường, dù có thấu triệt bao nhiêu cũng không ích. Trong trường hợp này, việc của ta là phải đi theo con đường ấy và tuân giữ nó (bhàvetabba). (4)
Chú thích
(1) M I (PTS), p. 301
(2) Xem Chương VII về thiền định hay quán tưởng.
(3) Vism (PTS), p. 510
(4) Mhvg (Alutgama), 1922, p. 10