Chương 8.
Bảy kiết sử
Chúng ta sống đời phạm hạnh để chế ngự và vượt qua
bảy kiết sử(1). Bảy kiết sử đó là gì? Tham kiết sử, sân kiết sử, kiến kiết sử,
nghi kiết sử, mạn kiết sử, hữu tham kiết sử và vô minh kiết sử.
Nếu có người chế ngự được bảy
kiết sử này, hoàn toàn đoạn diệt chúng, bứng gốc chúng như bứng cây cọ khỏi mặt
đất, để chúng hoàn toàn bị hủy diệt và không thể mọc trở lại, thì có thể nói là
người đó đã dứt trừ được tham ái, vứt bỏ được các kiết sử, với chơn chánh hiện
quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
Anguttara-Nikiya vii 8-9 (Tăng
Chi Bộ vii 8-9(2))
Trong bài thuyết pháp này đức
Phật nói - một cách khá ngắn gọn - về bảy kiết sử làm trở ngại chúng ta đạt
được hạnh phúc, giải thoát. Phần kinh phía trên là trọn đoạn kinh. Trong bài
giảng súc tích, đầy thuyết phục này, chúng ta được khuyên dạy rằng chỉ cần đoạn
trừ được bảy kiết sử này, ta sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Các kiết sử
này là những trói buộc giam cầm ta, và trong nội tâm, tất cả chúng ta, đều bị
giữ trong gọng kiềm của chúng. Do đó, việc đối trị chúng đòi hỏi rất nhiều nghị
lực của chúng ta.
ÁI
Điều đầu tiên này nghe không
giống như một kiết sử. Đúng ra nghe nó còn có vẻ như một điều gì khá tốt. Dĩ
nhiên cũng tốt nếu ta có sức lôi cuốn đối với ai đó, nhưng chớ lầm tình cảm yêu
thương với sự bám víu, chấp chặt, vì đó chính là nguồn gốc của bao phiền não -
đó là vấn đề mà ta thường phải đối diện khi ta yêu ai đó, nhưng không hiểu rằng
tình yêu là một chức năng của con tim. Thay vào đó, cái mà ta gọi là tình yêu
là cái mà sự hấp dẫn, lôi cuốn ngay lập tức biến thành sự bám víu với ước muốn
được chiếm hữu, và sự lệ thuộc vào việc đối tượng của tình yêu của ta có đáp
trả lại sự chiếu cố của ta không. Chúng ta không thể sống mà không có sự hiện
diện, quan tâm, và lòng chung thủy của họ.
Loại tình thương này luôn bị sợ
hãi làm hoen ố và sân hận phủ mờ. Sợ hãi, sân hận có cùng những đặc tính tiêu
cực: vì chúng ta không thể thật sự yêu những gì ta sợ, mà chính là những gì ta
sợ có thể đem lại sân hận cho ta. Chúng ta sợ phải mất người ta yêu. Nói như
thế không có nghĩa là ta ghét họ: chúng ta chỉ ghét cái ý nghĩ phải mất họ và
tình yêu của họ.
Một khi chúng ta đã chọn lựa một
hoặc hai người (trong sáu tỷ người trên trái đất) để yêu, thì dường như họ cũng
phải yêu trả lại ta. Nếu điều đó không xảy ra, hay nếu ta không giữ được họ, do
họ chết, hay vì họ thay đổi quan điểm, đối tượng để yêu, ta coi đó là một bi
kịch. Nhưng đó không phải là cách hiểu đúng vế ý nghĩa của tình yêu hay cuộc
sống, và không đúng với giáo lý của đức Phật.
Mấu chốt của tình yêu và cuộc
sống là để phát triển hơn nữa khả năng yêu thương của trái tim ta. Cũng như là
tri thức thì được huấn luyện bằng sự nỗ lực nắm bắt các dữ liệu, trái tim cũng
cần những cơ hội để phát triển, và bất cứ nỗ lực để thương yêu nào cũng giúp
cho trái tim được trưởng thành. Mục đích duy nhất của trái tim là để thương
yêu, nhưng nếu chúng ta chỉ áp dụng điều đó với một người, một số trường hợp ta
chọn lựa, thì ta đã làm cho khả năng phát triển của trái tim bị hạn hẹp, và tự
xây những bức tường quanh ta để giam cầm bản thân.
Khi ái kết hợp với chấp, thì sự
tiến hóa của cá nhân đó bị cản trở vô cùng. Chấp là đeo bám người ta - thường
chỉ là một người - và điều đó cản trở khả năng yêu thương của ta được phát
triển, trong khi khả năng đó lý ra phải là vô điều kiện thì nó mới có thể tự do
phát triển. Khi không có điều kiện, chúng ta sẽ không còn chọn lựa người nào đó
để yêu thương, như là họ phải dễ thương, họ sẵn lòng yêu thương ta hay họ là
người đã thương yêu ta trước.
Tất cả những điều kiện trong
tình thương yêu chế chính tình thương của ta. Dầu hạn chế như thế, loại tình
thương này lại đưa đến bao tấn bi kịch trong đời sống hằng ngày, bao nỗi sợ
hãi, bao xáo trộn không ngừng trong tâm hồn ta, và nó sẽ không bao giờ có thể
giải phóng được con tim ta. Giáo lý của đức Phật là giáo lý để giải thoát mọi
khổ đau. Qua sự thực hành các giáo lý này, đời sống của ta mỗi ngày đều được
deã chịu hơn, nhưng đó chỉ là yếu tố phụ, không phải là trọng tâm của Phật
giáo. Để có thể hoàn toàn hiểu rõ được ý nghĩa của các giáo lý, chúng ta phải
hoàn toàn chuyển đổi cách suy nghĩ thông thường, và vun trồng khả năng yêu thương
của ta là một phần trong quá trình chuyển đổi này. Điều này không thể tự động
xảy ra, mà ta phải coi mọi giao tiếp với người như là những cơ hội để ta huân
tập, rồi bắt đầu thực hành trong những hoàn cảnh này.
Cơ hội tuyệt vời là khi ta phải
đối đầu với những người ta thấy khó ưa nhất, vì ta có thể phát triển tình
thương yêu trong một sự liên hệ không phải lệ thuộc nhiều vào các điều kiện, và
tất cả những thứ gì khác mà ta cần để ươm mầm cho tình yêu thương sẽ tự động từ
đó tuôn trào. Điều này lúc đầu có thể khó thực hành, nhưng chúng ta sẽ không
phải quá khó nhọc nếu như ta đã tập luyện cho mình tánh quan tâm, lo lắng đối
với những người mà ta chỉ có mối liên hệ bình thường. Dĩ nhiên là yêu thương
người ta có lòng ưa thích sẽ không khó khăn gì, nhưng để tập yêu thương người
mà bình thường ta cũng chẳng hứng thú gì thì đó là một việc đáng thực hành.
Cuối cùng ta còn phải thực tập yêu thương những người mà ta không cảm thấy ưa
thích. Nhưng nếu chúng ta không cố gắng làm việc đó, thì trong tận cùng sâu thẳm,
chính là ta tự làm tổn thương bản thân và trái tim ta sẽ không bao giờ được yên
ổn.
SÂN
Kiết sử thứ hai, sân, phát khởi
từ sự thiếu khả năng thương yêu không giới hạn của chúng ta. Phần đông chúng ta
không mong đợi một cuộc sống không có sân hận, nên ta cảm thấy quá phiền phức
khi cố gắng chế ngự chúng – vì dầu sao khi sinh ra đời là ta đã mang theo bao
sân hận, nếu không ta đâu có mặt ở nơi này. Tuy nhiên, sân hận ở đây bao gồm
căm ghét, ác ý, giận hờn, và các tình cảm này có những ảnh hưởng rất tiêu cực.
Dầu tình cảm tham ái suy cho cùng cũng tai hại không kém, nhưng tình cảm sân
hận này có ảnh hưởng độc hại hơn đối với chúng ta.
Phần đông chỉ cố gắng dẹp bỏ
những tình cảm xung đột của họ khi chúng đã bành trướng lên thành giận hờn, căm
ghét, và thường được thực hiện không đúng cách, bằng cách tránh mặt người khiến
ta cảm thấy khó chịu. Đây là một hành động khó thể thực hiện, vì chúng ta sẽ
chẳng bao giờ có thể hoàn toàn trốn tránh những hoàn cảnh khó xử, kể cả việc
phải gặp gở những người khó chịu. Trốn tránh họ không phải là giải pháp; chạy
trốn vấn đề không phải là cách giải quyết vấn đề. Cũng có những lúc ta bó buộc
phải lùi bước trước những tình huống quá sức chịu đựng của ta. Tuy nhiên, khi
điều đó xảy ra, ta phải tự thú nhận rằng ta không có khả năng thương yêu, trong
mọi hoàn cảnh, hơn là viện cớ rằng vì ta không thể chịu đựng nổi người kia. Đó
là sự thất bại nơi chính bản thân ta, không phải ai khác hơn.
Tất cả đều xảy ra ngay nơi tâm
ta. Ta không cần một nơi chốn đặc biệt nào cho cuộc sống tâm linh, không cần y
áo đặc biệt nào, không cần ngôn ngữ bí truyền nào. Chúng ta cần biết rằng tất
cả tùy thuộc vào ta, rằng hoàn cảnh, trạng thái, tha nhân và ngoại cảnh, không
là gì hơn là những chất kích hoạt. Chỉ khi nào ta nhìn ra được như thế, ta mới có
thể cất bước trên con đường tâm linh, trái lại khi nào ta còn thấy thế giới
quanh ta đáng trách, thì ta không thể tu tập được. Mong đợi người khác thay đổi
tốt hơn căn bản là tự đánh lừa mình, vì cuối cùng thì ai cũng làm những gì họ
nghĩ là đúng theo quan điểm của họ, không phải của chúng ta.
Bất cứ ai trong chúng ta khi gặp
phải một hoàn cảnh khó xử, đều cố gắng thoát ra khỏi đó, nhưng nếu ta đang thực
hành theo một con đường tâm linh thì ta chỉ bỏ cuộc sau khi đã nhiều lần cố
gắng thương yêu, hoà giải với một người hay một nhóm người nào đó mà không
thành công. Lúc đó ta sẽ hiểu rằng sự bực bội, căm ghét, tranh chấp là mảnh đất
để ta tu tập, và những người liên quan chính là các vị thầy của ta. Họ giúp ta
khám phá ra những gì đang diễn ra trong nội tâm ta.
Chúng ta sẽ hoàn toàn đánh mất
sự tự do ngay khi ta để mình bị vướng mắc trong các xúc cảm của mình - dầu đó
là tham hay sân. Chúng ta sẽ không có tự do nếu để tham trói buộc hay sân chế
ngự – và cuối cùng thì hai loại phản ứng này sẽ đi chung với nhau, vì cả hai
chỉ là biến tướng của sự bám víu, cố chấp. Càng có nhiều những quan điểm cá
nhân, ta càng chất chứa nhiều xung đột trong nội tâm. Trái lại, càng tách biệt
khỏi sự bám víu, cố chấp, chúng ta càng có thể phát triển tình cảm thân thiện,
tương trợ đối với người.
Sự đối nghịch tích cực của sân
là từ bi, và Đức Phật đã mạnh mẽ khuyên chúng ta vun trồng tình cảm đó đến với
mọi chúng sanh qua thiền quán từ bi (metta
bhavana).Trước hết, đức Phật khuyên ta nên coi mọi nghịch cảnh, sự
đối đầu với người như một cơ hội để tu tập. Mỗi ngày, từ sáng đến tối, chúng ta
đều có cơ hội để xem người khác như thầy của mình, bất cứ khi nào ta giao tiếp
và đối xử với họ với lòng từ bi; chúng ta luôn có cơ hội để hành động với trái
tim thương yêu, không bám víu.
Tình thương yêu của ta bị cản
trở bởi thành kiến, chỉ trích, so sánh và phán đoán, dầu chắc chắn rằng mục
đích sống của nhân loại không phải là để đảm nhiệm vai trò của một quan toà, để
phán xét bản thân hay người khác. Nhưng thực tế là chúng ta thường phán đoán người
khác, do đó ta cần phải tự khẳng định với mình rằng hành động đó chỉ là một sự
lãng phí thời gian, năng lượng và cản trở sự phát triển của một trái tim yêu
thương.
Thật thú vị khi đức Phật so sánh
sân hận với sự rối loạn hoạt động của túi mật, vì ngay như bây giờ, khi ai đó
nổi giận, người ta cũng bảo là họ sôi mật (sôi gan). Điều đức Phật muốn chỉ rõ
ở đây là không phải đối tượng của sự nóng giận của ta bị tổn thương, mà là
chính bản thân chúng ta.
Đức Phật cũng so sánh sân hận
với ngọn gió thổi trên mặt hồ nước, làm dậy sóng khiến ta không thể soi rõ mình
dưới đó. Cũng thế, sân hận cản trở sự tự biết mình, vì tình cảm giận dữ không
cho ta có cái nhìn rõ ràng về bản thân. Đó là nguyên nhân của bao khổ đau trong
các mối liên hệ giữa người với người, của những sự đổ vỡ trong tình bạn, khiến
nội tâm ta bị xáo trộn. Không biết phải phản ứng với tha nhân như thế nào, ta
tránh gặp họ trừ những người mà ta có thể dựa vào sự thân thiện, lòng tốt của
họ - dầu rằng ta cũng không bảo đảm là có được sự thân thiện đó. Vấn đề là sự
quá bám víu vào sự hỗ trợ tình cảm của kẻ khác; chúng ta chạy đuổi theo những
lời khen tặng và trốn tránh những lời khiển trách – là những việc làm phí sức
và phí thời gian. Khi nào ta còn là nô lệ cho các cảm xúc và các vấn đề của
mình, thì sự liên hệ giữa ta và người có thể chỉ yên ổn ở bề mặt, chứ không
phải ở một mức độ sâu hơn, từ trái tim đến trái tim. Chúng ta sẽ có đủ tự tin
trong các phản ứng của mình, chứ không phải đợi người khác phải thân thiện hay
chấp nhận ta trước khi ta sẵn sàng đến với người – chỉ khi ta đã tu tập tưới
tẳm trái tim mình - để phát triển khả năng yêu thương của chúng ta. Chúng ta
phải học nhìn mọi việc như là một cơ hội để hiểu về bản thân hơn; và với cái
nhìn đó, với sự hiểu biết rõ ràng hơn về bản thân, ta sẽ dễ hòa đồng với người
hơn.
Bằng cách đó chúng ta có thể
chấp nhận được mọi hoàn cảnh. Mọi người ta gặp đều có thể giúp ta nhìn rõ mình
hơn - dầu đó là người phát thư, hàng xóm, đồng nghiệp hay chỉ là một ai đó ngồi
trong chiếc xe đậu ở kế bên, hay kẻ mới vừa giành chỗ đậu xe với mình. Lúc nào
chúng ta cũng có thể phát khởi tâm thương yêu đối với họ. Điều này còn dễ thực
hiện hơn nhiều nếu ta nhận ra rằng tất cả mọi người đều ở trong những hoàn cảnh
như nhau; nếu chúng ta có thể nhận thức được rằng dầu khổ đau chỉ là do ta tạo
ra, nhưng không phải ta là người duy nhất khổ đau. Khổ đau là đặc tính chung
của muôn loài, và tất cả những hoàn cảnh riêng của từng cá nhân mà ta biết tới
đều là các biến thể của chung một chủ đề. Sự hiện hữu của nhân loại thắm đẫm khổ
đau trong từng giây phút, từng giờ, từng ngày. Dĩ nhiên là chúng ta rất muốn
gạt chúng sang một bên, nhưng điều đó khó thể thực hiện. Một khi ta biết chấp
nhận điều này, cuộc sống sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều, và khi lòng bi mẫn đối
với bao nỗi khổ đau quanh ta phát khởi, ta sẽ không còn nhiều phiền não trong
liên hệ với người nữa.
KIẾN
Kiết sử thứ ba bao gồm tất cả
mọi ý kiến, quan điểm cá nhân để tạo nên một nền tảng qua đó ta có thể dùng để
đưa ra các phán đoán. Theo đức Phật, nói cho cùng, tất cả đều sai, vì chúng
được dựa trên những cái nhìn hai chiều của ‘tôi’ và ‘anh/chị’. Quan điểm này
khiến chúng ta nghĩ rằng các ý niệm về tốt, xấu của ta là tiếng nói của chân
lý. Chúng ta sống trong một thế giới tương đối qua đó có rất nhiều cách khác
nhau để nhìn sự vật. Do đó, ta thường thấy ý kiến của người khác với của ta.
Cái mà ta thấy tốt, thấy đẹp, thì người khác thấy xấu, thấy không ưa. Chưa
chứng ngộ, chúng ta không thể biết đâu là sự thật tuyệt đối – và ngay nếu như
có chứng ngộ, ta cũng không thể phán đoán về điều gì đó mà được tất cả mọi
người đều đồng ý, vì phàm nhân chỉ có thể chấp nhận sự thật tương đối.
Điều đó có nghĩa là chúng ta
đang sống trong một thế giới huyễn hoặc, vì có sự khác biệt giữa quan điểm, ước
vọng của ta và thực tại. Sự việc không bao giờ diễn ra theo như ý ta muốn, dĩ
nhiên rồi, và ta sẽ phản ứng bằng sự chống đối lại với những gì không giống như
ý ta mong muốn. Trên thế giới này, do đó, chỉ có những cái nhìn sai lầm, nhưng
ta tiếp tục sử dụng những quan điểm cá nhân của ta như một nền tảng đạo đức mà
ta dựa vào đó để sống cuộc đời mình - để ước mơ và hành động.
Trên bình diện của sự thật tuyệt
đối, chúng ta không thể chọn lựa một quan điểm về sự thật; ta chỉ có thể chứng
nghiệm nó. Và khi chúng ta đã kinh nghiệm được sự thật tuyệt đối, ta sẽ không
còn có nhu cầu phán xét, kết tội ai, không còn cần phải nắm bắt hay xua đuổi
điều gì. Khi chúng ta đã chứng nghiệm được rằng mọi thứ đều luôn bị chi phối
bởi vô thường, sinh sinh diệt diệt, từ sát na này qua sát na khác, thì không
còn cần phải phiền muộn về bất cứ điều gì. Nếu ta có thể huân tập sao cho tâm
trí mình có thể phát triển tình thương yêu và hiểu biết, thì trở ngại lớn nhất
mà ta còn phải đối đầu chính là các quan điểm của ta. Vì chúng ta đầy các quan
điểm nên không thể học hỏi thêm điều gì mới lạ.
Đức Phật so sánh trạng thái tâm
này với một chiếc bình đất chứa nước đầy tới miệng bình, nên không thể chế thêm
nước vào. Khi đối diện với điều gì mới lạ, tự động chúng ta xét xem những điều
ấy có thích hợp với các quan điểm đã thành hình trong ta không trước khi chấp
nhận chúng. Nhưng dựa trên căn bản đó thì con đường ta đi sẽ bị cản trở, vì một
con đường tâm linh thật sự, dựa trên sự thật tuyệt đối, không bao giờ có thể
hợp với các ý kiến, quan điểm cá nhân đó. Vì thế càng có nhiều ý kiến, cuộc
sống tâm linh của ta càng khó khăn. Trái lại, một thái độ cởi mở như một đứa
trẻ thơ có thể giúp ta nhiều hơn, một khả năng để nhìn các sự kiện mới như
chúng là mà không có thành kiến chen vào. Là người trưởng thành, chúng ta
thường có thói quen bám víu vào tính đáng tin cậy của hồi ức hay thói không thể
bỏ được các ý kiến chúng ta về sự vật phải như thế nào. Nhưng một trong những
giây phút đại ngộ thực sự chỉ có thể xảy ra khi ta có thể nhìn sự vật như chúng
là, chứ không phải như chúng ta đã tưởng tượng ra trước đó. Không được bảo đảm
bởi sự khách quan tuyệt đối, những suy nghĩ chủ quan của ta không bao giờ có
thể phản ảnh được thực tại, vậy mà chúng ta a dua theo bất cứ các phong trào tư
tưởng thời thượng đương thời nào, khiến cho ta trở nên phụ thuộc vào ý kiến của
người khác thay vì sự tự tin ở mình và tự suy nghĩ mọi sự rốt ráo.
Đức Phật đã nói Ngài chỉ là
người hướng dẫn, và chính chúng ta phải ứng dụng các phương pháp Ngài đã chỉ
dạy bằng cách tự kiểm chứng chúng với thực tế cuộc sống. Bất cứ đối tượng nào
chúng ta hướng tới - đồng loại, bản thân, cuộc sống, thế giới - những gì chúng
ta theo đuổi vẫn là những tình cảm, cảm thọ dễ chịu, với hy vọng rằng khổ đau,
phiền não sẽ có thể qua đi càng nhanh càng tốt. Dĩ nhiên, hy vọng đó thật hão huyền:
vì những gì tốt đẹp, dễ chịu sẽ không kéo dài và những khổ đau, khó chịu không
thể đè nén chúng lâu.
Chỉ việc có thân đã đủ để khiến
cuộc sống không dễ chịu. Thân luôn đòi hỏi ta phải chăm sóc nó, và vì ta đã đặt
ra cho mình một trách nhiệm khó hoàn thành là giữ cho nó luôn ở trong trạng
thái khỏe mạnh, không bao giờ bị gián đoạn, tâm ta sẽ luôn lo nghĩ phải làm sao
để được như thế, khiến chúng ta vô cùng căng thẳng. Tự cố gắng để theo đuổi
điều gì khác hơn là mục đích tâm linh - kể cả sự tìm kiếm những gì dễ chịu- đều
không ích lợi cho đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh là sự tìm kiếm không
phải những gì dễ chịu, mà là những gì đúng, là tuệ giác về bản chất của sự vật
như chúng là.
Việc đầu tiên chúng ta quan sát
được ở sự vật như chúng là, là chúng thay đổi từ giây phút này sang giây phút
khác. Mỗi ngày qua đi rất nhanh và cuộc đời của chúng ta cũng qua nhanh. Tất cả
những tư tưởng đã qua đi trong đầu hoàn toàn biến mất. Chúng ta có thể cẩn thận
viết một vài điều xuống với chi tiết, nhưng ta sẽ không bao giờ có thể khôi
phục lại được sự tinh nguyên của tư tưởng lúc ban đầu. Tình cảm và cảm xúc
chúng ta nhớ lại không còn ở đó nữa, vậy mà ta vẫn tin rằng mình là một cái gì
vững chắc. Khi nhìn lại những hình ảnh cũ , chúng ta có thể nói, ‘À tôi nhớ cái
này’, nhưng ta không thể hoàn toàn tin tưởng vào ký ức - chúng chỉ là biểu hiện
của quá khứ. Nếu ta nhìn hình ảnh của mình một cách trung thực, thì cái ý nghĩ
về sự vững bền của chúng ta trở nên khó chấp nhận.
Bằng cách đó và trong quá trình
thực tập tâm linh, chúng ta có thể dần dần nhận thức được rằng mỗi giây phút là
một chuyển đổi, và bắt đầu hiểu được sự thật tuyệt đối là gì. Thông thường, tất
cả mọi thứ chúng ta kinh nghiệm qua chỉ là tương đối, và loại thực tại này là
những gì chúng ta cố gắng nắm bắt qua các giác quan, khi ta nhìn, nghe, nếm,
ngửi, sờ và nghĩ. Điều đó sẽ không bao giờ là một sự thực tập hoàn toàn thành
công khi nói về kinh nghiệm của những gì đang xaûy ra, vì mục đích của nó làm
cho chúng ta cảm thấy dễ chịu thoải mái. Với một mục đích như thế tâm lập tức
phân loại các xúc chạm giác quan nhö là dễ chịu hay khó chịu, và sẽ không có sự
suy nghĩ chân chánh nào phát sinh vì mọi người nghĩ và cảm xúc khác nhau về sự
vật. Một cách nhìn sự vật không thể bao giờ cũng đúng cho tất cả mọi người: tiếng
chuông bò và mùi phân bò có thể gợi những kỷ niệm dễ chịu cho ai đó, trong khi
người khác có thể thấy khó chịu và bực bội. Vì thế tất cả mọi việc ta cảm nhận
qua mũi, mắt, tai và xúc chạm, là hoàn toàn có tính cách cá nhân và tự động
liên hệ tới một cái nhìn cá nhân. Những quan điểm này làm cho cuộc đời chúng ta
khó khăn và càng khiến ta sân hận và tham ái. Chúng ta luôn bị lôi kéo giữa hai
tình cảm này, kéo tới kéo lui, kéo lên kéo xuống, giống như một lưỡi cưa.
Để chấm dứt tình trạng khổ đau
này và tìm được sự thanh tịnh, tâm trí ta phải kết hợp với nhau để tạo ra những
kinh nghiệm thực chứng. Chúng ta phải kinh nghiệm các sự kiện như chúng thật sự
là, không phải như ta tưởng tượng chúng như thế nào. Đức Phật đã so sánh cách
sống của chúng ta với trẻ con chơi trong căn nhà lửa. Chúng không muốn ra khỏi
nhà vì chúng không muốn để lại đồ chơi - những quan niệm đã giữ chúng ta lại
trong nhà. Vì thế những ‘quan điểm sai lầm’ không phải là việc không nắm bắt
được những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và đưa ra những kết luận
sai lầm. Mà đúng ra, chúng là biểu hiện của khuynh hướng cấu thành ý kiến, đánh
giá, và phán đoán sự vật. Sự quán sát về các sự vật như chúng là, mặt khác, đòi
hỏi sự thực tập, thời gian, và ý muốn nhận thức được sự thật. Với một ý chí như
thế ai cũng có thể đạt được tri kiến thực sự.
NGHI
Kiết sử kế tiếp, nghi như một
trạng thái cố định của tâm, đôi khi cũng được gọi là hoài nghi. Đức Phật so
sánh nghi với những người lữ hành lạc hướng, đi lòng vòng trên sa mạc, mà không
có bản đồ hay lương thực. Cuối cùng rồi họ cũng bị bọn cướp trấn lột và giết
đi. Kiết sử nghi là khuynh hướng đối chiếu mọi thứ với những ý kiến riêng của
chúng ta, và loại bỏ tất cả những gì không hợp với chúng. Nếu những suy nghĩ
của chúng ta đủ mạnh, ta sẽ nghi ngờ tất cả những gì không đúng theo ý kiến của
ta.
Để có thể chấp nhận một quan
điểm mới mẻ, chúng ta phải chuẩn bị để nghi vấn ngay chính quan điểm của mình.
Thiền quán là một phương cách hữu hiệu để bắt đầu quá trình này: bất cứ ai đã
hành thiền một vài lần phải biết rằng tư tưởng của chúng ta căn bản là không
đáng tin cậy. Chúng tự phát khởi lên không cần mời mọc, rồi sau đó biến mất đi.
Hơn thế nữa, chúng thường là vô nghĩa. Nếu chúng ta rời khỏi chiếu thiền và
tiếp tục coi những tư tưởng này là nghiêm túc, mà không nghi nghờ gì về những ý
kiến mà chúng dựa vào, là chúng ta đã không tập trung khi hành thiền.
Cần phải có thời gian trước khi
ta đạt đến một thời điểm trong thiền khi chúng ta có thể định tâm đến nỗi không
có tư tưởng nào phát khởi lên. Ngay bây giờ thì, thiền sinh có cơ hội để kinh
nghiệm sự phát khởi của các tư tưởng như là những chuyển động của tâm, cũng như
hơi thở là chuyển động của thân, để nhận thấy rằng cả hai hiện tượng vừa sinh
vừa diệt. Lúc ấy sự việc trở nên rõ ràng rằng các suy nghĩ của ta chắc chắn
không phải là chân lý. Khi chúng ta bắt đầu đặt nghi vấn về các quan điểm và
phán đoán của chính mình, ta bắt đầu được giải phóng khỏi kiết sử nghi, và có
thể bắt đầu buông bỏ các quan điểm của mình để đón nhận những điều mới lạ. Lòng
nghi hoặc lúc đó sẽ không còn là một kiết sử nữa mà là một sự cởi mở đối với
những điều mới lạ.
Đó thật là một thử thách, vì
cách suy nghĩ của chúng ta đã huân tập theo những con đường, mẫu mực quen thuộc
suốt cuộc đời, và thái độ nghi ngờ đối với những gì trái ngược với chúng đã
tiềm ẩn trong ta, khiến con đường tâm linh khó khăn hơn. Nó đòi hỏi một sự
chuyển hướng hoàn toàn ngược lại - không phải trong cái nghĩa là không còn có
thể sống trên thế gian này nữa nhưng là một sự chuyển đổi hoàn toàn trong thái
độ của chúng ta.
Kiết sử nghi cũng là một vấn đề
trong mối liên hệ hàng ngày của phần đông chúng ta. Không phát triển được khả
năng thương yêu của con tim, chúng ta không chỉ nghi ngờ về khả năng của chính
mình, chúng ta còn cho phép mình chấp nhận sự nghi ngờ của người khác về mình.
Một thái độ như vậy hoàn toàn không cần thiết: nếu người khác không chấp nhận
chúng ta, đó là thái độ và nghiệp của họ. Đó là điều tiên quyết chúng ta cần
nhận thức - rằng bất cứ điều gì người khác làm đó là vấn đề của họ, không phải
của chúng ta, ta không cần phải phản ứng lại. Chúng ta thường vội vàng xem
những phản ứng của người khác đối với ta như là một điều gì đó có liên quan đến
ta, trong khi thật ra chúng chỉ là những việc ngẫu nhiên xảy ra hàng ngày ở
quanh ta. Chúng ta không cảm thấy phiền muộn bởi những gì một người nào đó ở
Phi Châu có thể nói hay làm vào lúc này; vậy thì tại sao, ta lại bị phiền toái
bởi những gì người láng giềng của ta vừa nói hay làm - là một điều thật ra cũng
chẳng quan trọng gì với ta? Điều quan trọng trong quan hệ giữa ta với người là
phát triển tình thương yêu đối với nhau.
Khi lòng hoài nghi còn hiện hữu,
chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng một điều gì đó có ích lợi, tốt đẹp
cho chúng ta không, ta có khả năng thực hiện một điều gì đó không, hay người
khác có vui lòng, có chấp nhận điều gì đó không. Để có thể thực hành theo lời
dạy của đức Phật, chúng ta trước hết phải chấm dứt cách suy nghĩ này. Chỉ khi
thực hành rồi chúng ta mới có thể khám phá ra là chúng có tốt, có hữu ích hay không
và chúng sẽ có những ảnh hưởng gì.
MẠN
Kiết sử mạn (tự cao) bao gồm có
lẽ không nhiều về thái độ cao ngạo, tự phụ, mà là sự tin tưởng, về mặt tri thức
và tình cảm, rằng có một điều gì đó về chúng ta thường hằng, cá biệt, cần được
bảo vệ. Đây là một trong những kiết sử nguy hại nhất. Ngã mạn, niềm tin rằng
chúng ta là một ai đó – hay hơn nữa, là một người đặc biệt, một người thông
minh hơn người - là hình thức căn bản của tự cao, tạo nên bao vấn đề không dứt
cho ta, và sẽ tiếp tục khiến cuộc sống thêm căng thẳng nếu như ta vẫn khư khư
bám lấy nó. Đó là cái ngã khiến ta ảo tưởng rằng mình hiểu biết, và chạy đuổi
theo những gì mang lại cho ta sự thoải mái, dễ chịu, trốn tránh sự khổ đau, khó
chịu. Ngã là một ảo tưởng, một huyễn hoặc mà tất cả nhân loại đều tin vào đó,
khiến cho không biết bao thảm họa đã xảy ra. Lý do duy nhất khiến nhân loại tạo
ra chiến tranh, dối trá, sát hại, tham ô là vì họ muốn được an toàn, muốn bảo
vệ cái ngã của họ.
Chúng ta tin vào cái ngã cũng
giống như ta tin vào tất cả mọi vọng tưởng khác. Ngã mạn đã sẵn ươm mầm trong
quá trình tư duy của chúng ta, do đó nó đã cắm rể sâu trong lãnh địa cảm xúc
của ta: nếu ta nghĩ về vấn đề gì đó đủ lâu, ta có thể cảm giác được nó. Khi nào
ta còn tự nhìn mình như những con người tách biệt, và tiếp tục suy nghĩ theo
cách đó, ta sẽ tiếp tục có những tình cảm ‘Tôi, của tôi’ là nguồn gốc không
dừng dứt của bao vấn đề, bao phiền não. Chúng ta sẽ tiếp tục coi màn kịch này,
và nền tảng mà ta dựa trên đó để đóng vai trò của mình, một cách tuyệt đối
nghiêm chỉnh. Khi chúng ta ngồi trước màn ảnh truyền hình để xem một vở tuồng,
ta không coi nó là thực – nhưng đối với cuộc đời thì ta coi thật sự nghiêm
trọng, dầu rằng căn bản thì nó cũng được dựng thành bởi những điều tương tự.
Ngã mạn là gốc của mọi vấn đề,
các vấn đề khác phát sinh từ đó, và chúng ta không thể hy vọng sẽ giải quyết
được nó ngay lập tức – các kiết sử tham sân và nghi cần được chuyển đổi trước.
Con đường hành đạo theo sự hướng dẫn tâm linh của đức Phật không phải là để hủy
diệt tự ngã, mà là để chúng ta có thể buông bỏ, và nhìn thấu suốt ngã tưởng, để
một ngày ta có thể nhận ra rằng tất cả mọi lăng xăng, bao lo toan của ta không
để làm gì cả, và cuộc đời ta sẽ giống như một cuộn phim đang diễn ra trước mắt
ta.
ĐỐ KỴ
Kiết sử đố kỵ, ganh ghét là một
biểu hiện của sân và sự thiếu vắng tình thương yêu. Nó phát sinh từ sự thiếu
hiểu biết rằng chúng ta thuộc về một tổng thể mà bản năng muốn tách biệt chỉ có
thể làm nguy hại cho ta. Do đó, nó có thể được đối trị bằng tâm hoan hỉ, lòng
thông cảm, phát sinh từ nhận thức rằng tất cả chúng ta tùy thuộc vào nhau và
không có gì khác nếu ta hay ai đó được điều tốt lành nào. Tất cả chúng ta đều
có mặt ở đây trên trái đất này với nhau, cùng như tất cả chúng ta đều được cấu
tạo bởi những thành phần giống nhau. Dầu có ý thức được điều đó hay không, tất
cả chúng ta đều tương quan với nhau. Nếu thảm hoạ xảy ra ở một nơi nào đó, tất
cả chúng ta đều bị ảnh hưởng. Khi chiến tranh bùng nổ ở một nơi nào trên thế
giới, thì những chấn động tiêu cực cũng lan đi khắp hành tinh nhỏ bé này. Dĩ
nhiên khi điều tốt lành xảy ra cũng giống như thế, niềm hân hoan thông cảm cũng
phát đi những chấn động tích cực, chế ngự sự phát khởi của lòng ganh tỵ.
Đức Phật đã khuyên chúng ta chỉ
cần vun trồng bốn loại tình cảm, không cần gì khác hơn. Chúng được gọi là ‘brah- ma vihara’ hay tình cảm thánh
thượng. Đầu tiên là một trái tim thương yêu vô điều kiện, thứ hai là lòng bi
mẫn, thứ ba là tâm hoan hỷ (đối nghịch với lòng ganh tỵ), và từ những tình cảm
này phát sinh tâm xả, là điều thứ tư và cao thượng nhất của mọi tình cảm.
CHẤP NGÃ
Kiết sử cuối cùng - được dịch
thẳng từ tiếng Đức Selbst- sucht (self-addiction),
mà tôi dùng ở đây để nói đến kiết sử này - là sự bám víu vào ngã. Chúng ta quá
quan tâm đến cái ngã của mình, hay là những gì mà ta coi là ngã. Ngoài nó ra,
ta không thấy điều gì tốt lành ở người hay ở hoàn cảnh mà ngã không quan tâm
đến. Chúng ta hoàn toàn tập trung vào những vấn đề của ngã; điều quan trọng là
ta phải xét xem cuộc đời mình được tạo dựng trong sự ích kỷ đến mức độ nào và để
nhận thức rằng điều đó thật sự đã làm cuộc sống hàng ngày của ta khó khăn đến
độ nào - rằng không có bất cứ kết quả tích cực nào có thể phát sinh từ đó. Lòng
ích kỷ ngăn trở sự hình thành của bất cứ sự thực hành tâm linh nào, khiến cho
lý tưởng về tình thương yêu vô điều kiện vẫn là một ảo tưởng vô vọng. Nếu cái
ngã là trung tâm điểm của mọi việc và không có gì quan trọng hơn, thì ta không
thể nào diệt trừ được sân hận vì bất cứ điều gì có thể đe dọa cái ngã hay khiến
nó lo sợ phải đánh mất sự hỗ trợ mà nó mong muốn, sẽ bị chống đối.
Tánh ích kỷ là một thái độ luôn
có mặt, hình thành theo thói quen và rất phổ biến: tất cả nhân loại đều coi
rằng mình rất quan trọng và cả thế giới phản ảnh sự chấp ngã này.
Những khó khăn mà một cá nhân
phải đối mặt có thể truy nguồn từ ngã chấp. Chỉ khi nào ta có thể quán sát về
điều này một cách nghiêm chỉnh, thì ta mới không tưởng tượng rằng nếu buông bỏ
cái tôi sẽ là một thiệt hại, và không thể tránh khỏi thất bại. Sự thật là điều
ngược lại; đó mới chính là cách để đoạn trừ những vấn đề của chúng ta. Điều này
cũng chẳng mới lạ gì, vì những hành động và cách sống theo thói quen, dựa trên
chấp ngã, đã đưa ta đến không biết bao nhiêu vấn đề (không kể đến việc nghiện
rượu hay các chất độc hại khác). Chỉ việc bảo vệ cái ngã một cách điên cuồng và
đặt nó ở trung tâm của mọi hành động của chúng ta cũng đủ khiến cuộc đời thêm
khó khăn. Nó luôn là nguyên do đưa đến sự xung đột, hiềm khích giữa người với
nhau, tất cả cùng với một sự chấp ngã như nhau.
Việc buông bỏ cái ngã chỉ có thể
xảy ra khi ta có tri kiến. “À, điều đó nghe cũng tốt – tôi sẽ thực hành buông
bỏ nó”, tự nhủ mình như thế chưa đủ, vì nó không dễ dàng như thế. Chúng ta cần
phải thực tập buông bỏ trong cuộc sống hằng ngày cũng như khi hành thiền, đối
mặt với nó từng phút giây. Suốt con đường tâm linh là một cuộc hành trình của
sự buông bỏ -đó là, buông bỏ mà không trước hết phải có sự thay thế. Tuy nhiên
ở cuối cuộc hành trình, một khi chúng ta đã buông bỏ tất cả, Đức Phật bảo rằng
chúng ta sẽ được tự do, chấm dứt mọi đau khổ - một cuộc đời không bám víu, đoạn
diệt sân hận, thoát khỏi tà kiến, khỏi nghi, khỏi tự cao, khỏi ganh tỵ và khỏi
chấp ngã.
Sống được như thế sẽ giúp chúng
ta hỗ trợ người khác đi cùng con đường. Những người đang tìm kiếm sự giải thoát
cho chính mình thường có thể cảm nhận và cuốn hút theo tinh thần giải thoát ở
người khác. Đây là những lời dạy của đức Phật và cơ hội để thực hành chúng dành
cho tất cả mọi người.
1. Kiết Sử (hay Kết Sử): là sự
ràng buộc, sai khiến chúng sanh, khiến chúng sanh toan tính, hành động không
đúng với chánh Pháp và mãi chịu luân hồi sinh tử.
2. Hòa Thượng Thích Minh Châu,
Tăng Chi Bộ Kinh, Tập 3, trang 285, NXB Tôn Giáo 2005