Đời sống
Hãy Đến Để Thấy - Phật Giáo, Con Đường Đưa Đến Hạnh Phúc
Ni Sư AYYA KHEMA Việt dịch: Chơn Minh Nguyễn Văn Phú Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường Diệu Liên Lý Thu Linh NHÀ XUẤT BẢN THỜI ĐẠI - 2010
26/10/2554 06:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chương 9. Bốn pháp cơ bản

 

 

Có bốn pháp cơ bản, được coi là xác thực, lâu đời, được lưu lại từ truyền thống xưa.

Giá trị của chúng không hề suy chuyển từ xưa đến nay, và sẽ còn mãi vững bền. Người trí, dầu là tỳ kheo hay cư sĩ, đều không thể bài bác. Bốn pháp cơ bản đó là gì?

Vô tham là một điều dạy cơ bản, được coi là xác thực, . . . vô sân là một điều dạy cơ bản,…chánh niệm là một điều dạy cơ bản,… chánh định là một điều dạy cơ bản…

Tham diệt, ta sẽ được an,

Không còn dấu vết hận thù trong tim; Với định và niệm bên trong,

An bình, ổn định ta thì được ngay.

Anguttara Nikaya iv.29 (Tăng Chi Bộ iv.29)

Trong bài thuyết pháp này, đức Phật đề cập đến bốn nguyên tắc cơ bản: vô tham, vô sân, chánh niệm và chánh định. Bốn pháp căn bản này, được nhắc đến trong nhiều bài thuyết pháp của đức Phật, đôi khi còn được coi là bốn chủ đề chánh trong cuộc sống tâm linh. Khi đức Phật dạy rằng chúng xác thực, lâu đời, truyền thống, rằng chúng có giá trị hôm nay cũng như trong quá khứ, và chúng sẽ vẫn còn giá trị trong tương lai, chúng ta có thể kết luận rằng chúng không phải chỉ đặc biệt trong riêng cộng đồng tôn giáo của chúng ta, tính xác thực của chúng không bị chi phối bởi lòng tin nào – hay sự thiếu lòng tin nào - của chúng ta. Giải thoát khỏi tham, giải thoát khỏi sân, chánh niệm và định tâm là điều kiện thiết yếu cho một cuộc sống an lạc, cũng như trên con đường đạo. Và sự tuyên bố của đức Phật rằng chúng sẽ luôn có giá trị đối với ngày nay vẫn đúng cũng như đã đúng hơn 2.500 năm trước; chân lý đó dễ dàng được chấp nhận. Nếu chúng ta có thể nhận ra được rằng chúng mang một thông điệp cho quá khứ, hiện tại và tương lai, thì điều này có thể tạo cho chúng ta đủ lòng tin vào những lời dạy này, cho phép chúng ta phát triển được những trạng thái tâm căn bản này ở bản thân.

Chúng ta đã có sẳn bốn đặc tính này. Phát triển chúng có nghĩa là làm cho chúng đủ mạnh để có thể nghiêng cán cân thăng bằng về hướng chúng và chế ngự sự yếu đuối thường có khuynh hướng cản trở chúng trong ta. Trái ngược lại với chánh niệm là vô tâm, trái ngược với định tâm hay sự tự tại là sự bất ổn tình cảm, trong khi vô tham và vô sân thì trái ngược lại, hiển nhiên, là với tham và sân. Ta càng bồi dưỡng sự thánh thiện, tinh xảo trong ta, thì các yếu tố uế nhiễm, xấu xa càng khó phát khởi, cho đến một ngày nào đó, ta sẽ không còn phải đối phó với chúng ở bất cứ nơi đâu, lúc đó nội tâm an bình, thanh tịnh sẽ hiển bày.

Chánh Niệm

Chúng ta bắt đầu với chánh niệm, vì chánh niệm luôn đứng trước tiên trong bất cứ sự thực hành nào. Không có chánh niệm sẽ không thể học hỏi được gì, nói chi đến việc tự hiểu mình. Tất cả chúng ta đều sử dụng chánh niệm trong những sinh hoạt hằng ngày như quay đúng số điện thoại, dán đủ tem trên bì thư. Ở sở làm, ta cũng cần có chánh niệm mới có thể hoàn thành công việc của mình tốt đẹp, vì nếu không ta sẽ khó giữ được việc làm.

Loại chánh niệm đó thật rất cần thiết, vì nó là một đòi hỏi thiết yếu trong cuộc sống. Chúng ta bắt buộc phải sử dụng nó vì không còn cách chi khác nữa. Chúng ta sử dụng nó cùng với một mục đích như khi ta làm việc - chính là để sinh tồn. Tuy nhiên, sự chánh niệm này chỉ có thể biến thành một yếu tố tâm linh, nếu như ta áp dụng nó ngay trên bản thân mình. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách quán sát bản thân một cách khách quan - bằng cách đó để có thể hiểu được bản thân - và dựa vào đó thay đổi cho tốt hơn.

Chánh niệm chỉ biến thành một yếu tố tâm linh khi nào ta áp dụng nó ngay nơi bản thân, và sự quán thân chánh niệm này là một công việc rất thú vị. Chúng ta sẽ cần thường xuyên chánh niệm về môi trường quanh mình - đó là, biết chuyện gì đang xảy ra quanh ta - nhưng không phải để chỉ trích hay phán đoán, vì tính phán đoán là một trạng thái tâm tiêu cực, có tác động tai hại. Ngay cả khi thế giới quanh ta trở thành đối tượng của sự chú tâm của ta, có nhiều trường hợp, trong đó, ta có khuynh hướng phản ứng lại, nhưng nếu có chánh niệm, ta cũng có được đôi điều lợi ích từ đó. Thí dụ, khi chúng ta phản ứng lại với những gì một người nào đó đã nói, hay với vẻ bề ngoài, với hành động của ai đó, thì sự chánh niệm có thể biến đổi mọi thứ, bằng cách cho ta một cái nhìn sáng suốt hơn về cuộc sống nội tâm của mình. Rồi mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng vì sao quanh ta hay trong ta được an lạc. Mọi người đều bị dính mắc trong chính các phản ứng của họ, lúc nhiều lúc ít, đôi khi ồn ào, lúc lắng đọng. Có những lúc ta phải ghìm nén các phản ứng của mình, lúc khác lại cho nó tuôn tràn. Kết quả có thể khá nguy hại, vì tư tưởng và hành động tiêu cực có thể chất chứa lại trong tâm, là nơi chúng sẽ được hình thành chặt chẽ hơn, để tới lần sau chúng sẽ còn bùng nổ nhanh chóng hơn.

Chánh niệm khiến ta nhận biết được các phản ứng này, nhận thức được rằng chúng không đem lại lợi ích gì cho ta. Đúng ra, cá nhân hay hoàn cảnh đã châm ngòi cho các phản ứng tiêu cực của ta không hề hấn gì. Chỉ có chúng ta là bị thiệt thòi.

Chánh niệm giúp chúng ta ý thức được các trạng thái tình cảm, các đối tượng suy tư, và cho phép ta chuyển hoá các tình cảm tiêu cực thành tích cực. Đặc biệt trong những trường hợp khi ta có thể cảm nhận được các trạng thái tình cảm của ta, trước khi ta bị dính mắc vào đó. Một khi đã vướng vào các trạng thái tiêu cực, thì tự tháo gỡ ra sẽ khó khăn hơn nhiều. Điều quan trọng là ta phải thường xuyên mang chánh niệm soi đến các trạng thái tình cảm của mình. Một trạng thái u buồn thường khiến ta tô lên mọi thứ một màu đen, ngược lại một trạng thái vui vẻ, dễ chịu lại thay đổi hoàn toàn cái nhìn của ta. Dĩ nhiên đây là cách người ta tạo ra những cái nhìn khác nhau về sự vật. Chúng ta thường hoang mang khi người khác không nhìn thấy vấn đề giống như ta nghĩ, rồi kết luận rằng họ không biết phân biệt, kém thông minh, trong khi thật ra là do trạng thái tình cảm của họ đã khiến họ phản ứng khác ta.

Điều quan trọng nhất trong công phu tu tập là chánh niệm về thân, bao gồm ý thức về các oai nghi và chuyển động của thân. Cũng dễ thực hành điều này vì thân thì rõ ràng, xúc chạm được, trong khi các trạng thái tình cảm và quá trình tư duy thì không thể nắm bắt và ta chỉ có thể kinh nghiệm được chúng khi chúng đã xảy ra trong tâm. Chánh niệm về thân là cần thiết để sinh tồn, nhưng tôi đoan chắc rằng một vài chuyển động vô thức thông thường có thể bộc lộ khá nhiều về ta. Nếu chúng ta có thể quán sát mình đủ cẩn thận - chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi như thế nào - ta bắt đầu nhận biết về các ngôn ngữ của thân, cách nó biểu lộ tư tưởng, tình cảm của ta, và chúng ta sẽ có thể, nếu cần, khiến chúng trở nên khéo léo tế nhị hơn.

Lý do tầm thường nhất để chánh niệm về thân trong những sinh hoạt hằng ngày là để ta tránh đứt tay, té ngã, hay đụng đầu. Nếu chúng ta không phải lo về những tai nạn này, ta sẽ không chú tâm, cho đến khi tai nạn xảy ra khiến ta phải ân hận sau này. Dầu thế cũng chưa chắc là ta có thể hiểu được mình, ngoài việc ngầm nói ‘tôi là như thế đó’. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể sử dụng lợi thế của người quan sát về các hành động của mình, ta sẽ có khả năng để phán đoán những sửa đổi nào là cần thiết và khả thi.

Dĩ nhiên việc đọc được các hành động đầy cá tính của người khác thì dễ dàng hơn là tự nhận ra các ngôn ngữ của bản thân mình. Thật vậy, đó là cách chúng ta đánh giá đúng nhất về người. Chúng ta thấy dễ hiểu người khác qua hành động của họ hơn là ý nghĩa lời nói của họ. Chuyện thường xảy ra là ai đó có thể nói đúng, nhưng cách nói không thuyết phục. Đó bởi là vì thân và lời nói không đi đôi với nhau, và chúng ta có thể cảm nhận được điều đó - ta cảm thấy thân họ biểu lộ điều gì đó khác với lời họ nói. Rõ ràng, những sự quán sát đó nơi người khác có thể giúp ta phát hiện được sự khác biệt giữa lời nói và cử chỉ của mình, và bằng cách đó giúp ta hiểu được bản thân hơn. Sự quán sát khách quan như thế không phải là chỉ trích hay phán đoán. Đơn giản đó chỉ là cách để học hỏi từ người khác những hành động, cử chỉ nào là ích lợi hay có hại.

Chúng ta có thể thực hành chánh niệm ở bốn lãnh vực: thân, thọ, tâm và pháp (dầu các lãnh vực này tương quan nhau, và không thực sự tách biệt). Bốn lãnh vực này thường được gọi theo truyền thống là bốn căn bản chánh niệm. Chánh niệm về thân, chúng ta đã vừa bàn qua. Chánh niệm về thọ là sự ý thức xem một cảm thọ là lạc, khổ hay trung tính. Chánh yếu là những cảm giác ở nơi thân, nhưng cũng liên quan đến cảm xúc, và chúng có thể dẫn đến những phản ứng mãnh liệt trong tâm tư ta. Các cảm giác đau đớn, khó chịu nơi thân có thể kèm theo trạng thái tâm bực dọc, cũng như những phản ứng tâm tiêu cực. Như thế ta có thể thấy rằng cảm giác, tình cảm và tâm thức đi chung với nhau.

Các trạng thái tình cảm khó nhận biết hơn là các phản ứng tâm thức, hình thành nội dung tư tưởng của ta. Trong bốn lãnh vực, chúng ta chánh niệm về lãnh vực nào không quan trọng, nhưng ta phải đặt trọng tâm vào một trong bốn nếu ta muốn hiểu rõ về mình hơn, vì chỉ khi biết rõ mình, ta mới có thể biết được những gì đang xảy ra trên thế giới. Một khi ta đã trở thành đối tượng quán sát của chính mình thì rõ ràng thế giới quanh ta, tha nhân, và cả bản thân chúng ta, tất cả đều có những đặc tính cơ bản giống nhau.

Các nghiên cứu khoa học thành công có thể mở mang thêm tri thức cho ta, nhưng chỉ có thế; chúng không mang được cho ta nội tâm an bình. Ngược lại, sự quán sát bản thân có thể không làm tăng thêm kiến thức của ta, nhưng nó phát triển trí tuệ và mang lại thanh tịnh cho ta. Chính vì nhiệm vụ này mà ta cần đến chánh niệm. Chúng ta sẽ hiểu được một trong sáu tỷ người trên thế giới này, và nhận thức được rằng dưới những vỏ bề ngoài khác biệt, thực sự chúng ta rất giống nhau. Ta cũng sẽ khám phá ra được điều gì ích lợi cho ta và điều gì có thể kéo ta xuống vực thẳm.

Đức Phật luôn đặt chánh niệm ở trọng tâm của con đường hành đạo, vì nhờ có chánh niệm ta mới có thể hiểu được bản thân và thế giới đúng như chúng là. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với một loại thực tại qua đó mọi người có vẻ như là một thực thể tách biệt, mỗi cá nhân hướng đến những gì họ thích; tầng thức ở đó ta tự đồng hóa mình với người thân cận, với sở hữu, với công việc của mình, và trong phạm trù đó ta lại sống tách biệt với những người khác và môi trường chung quanh. Ở cấp độ đó sẽ không bao giờ có sự bình an vì mỗi người là một vương quốc biệt lập, không thể xâm phạm. Với công phu tu tập chánh niệm, chúng ta có thể nhận ra rằng trong thực tế tất cả chúng ta đều tương quan, liên hệ lẫn nhau, hợp thành một tổng thể mà ta không thể có cách nào hiện hữu khác hơn. Tất cả chúng ta đều thở cùng một bầu khí quyển, cùng chết nếu không có nó; ta chia sẻ tất cả mọi điều kiện căn bản để cùng hiện hữu, kể cả việc tùy thuộc lẫn nhau. Qua chánh niệm ta biết rằng thân và tâm có thể gây bao khó khăn cho ta, và điều đó không ngoại lệ chúng sanh nào. Như thế ta sẽ củng cố thêm tình đoàn kết với tất cả chúng sanh, là một điều rất quan trọng trong việc làm giảm bớt khó khăn cho ta.

Vô Sân

Vô tham và vô sân là những điều dạy khác mà đức Phật cũng coi là căn bản đối với đời sống đạo. Không ai nghi ngờ về sự đáng có mặt của các đức tính này, nhưng một số người nghĩ rằng sân là một phản ứng hợp lý đối với những điều bất thiện. Cũng như phần lớn các quan điểm của chúng ta, ý nghĩ này, dầu là rất phổ biến, cũng hoàn toàn sai. Theo đức Phật, chúng ta chỉ có thể đạt được giải thoát bằng cách buông xả tất cả mọi quan điểm của mình một cách rốt ráo, và thay thế chúng với chân lý của những kinh nghiệm thực chứng.

Sân nộ đối với những điều xấu không thể làm giảm đi bao tiêu cực trên thế gian. Nó chỉ làm tăng trưởng thêm sân hận trong lòng ta, khiến ta thêm khổ sở. Và điều này lại cộng thêm vào niềm hận thù chung trên hành tinh của chúng ta, khiến bao vấn đề của ta bị nhân lên, dầu trong gia đình, ở sở làm hay giữa các quốc gia.

Sân nộ dưới hình thức nào cũng làm kiệt quệ tình cảm vì nó tiếp tục xâm lấn sự bình an trong tâm ta. Nhiều người chẳng bao giờ đi đến chỗ thực sự bắt đầu giảm lòng sân hận của mình vì họ quan niệm rằng họ có quyền căm ghét bất cứ điều gì làm tổn hại họ. Họ đã hoàn toàn đồng hoá mình với những gì mà họ xem là đúng, và cảm thấy có quyền được bày tỏ sự phẫn nộ đối với những gì họ nghĩ là sai, đưa đến một kết quả không thể tránh khỏi là không có hòa bình trong tâm họ cũng như trong thế giới quanh họ. Trái lại, chỉ có một cuộc chiến dằng co trong tâm họ giữa sự chấp nhận và kết tội. Chính đức Phật đã nói, hận thù không thể giải hận thù, chỉ có tình thương mới làm được điều đó.

Chấp nhận được điều gì mà mình cho là xấu là một thách thức lớn. Chúng ta có thể khởi đầu bằng cách tự hỏi mình - khi ta cảm thấy sân, hờn hay giận ghét, khinh thị ai - những tình cảm này có đem lại điều gì lợi ích cho ta không? Đây là bước khởi đầu nên ta rất cần đến sự trợ giúp của chánh niệm. Dầu tình cảm sân hận của ta đúng hay sai, đó không phải là điểu đáng bàn, quan trọng là chúng ta cảm thấy thế nào trong nội tâm. Một khi đã thực tập chánh niệm về các tình cảm sân hận, cay cú trong ta một vài lần, ta sẽ nhận thức được rằng trạng thái tâm tương ứng với các tình cảm ấy không dễ chịu chút nào. Sẽ có lúc những câu hỏi sau khởi lên trong ta: ‘Tất cả là cho cái gì? Tại sao tôi phải khiến cuộc sống của tôi thêm khó khăn với các tình cảm này?’ Suy cho cùng, người mà ta căm ghét, khinh bỉ hay không chịu nổi thường không biết chi nhiều về các tình cảm của ta. Phần lớn các tình cảm này cũng chỉ là những ý nghĩ trong đầu ta vì ta muốn tránh sự va chạm, cãi vả hay đối đầu công khai có thể xảy ra từ việc bộc lộ chúng ra bằng lời nói.

Ở một giai đoạn nào đó khi ta đã đạt được tri kiến, ta sẽ nhận thức được mức độ mà tư tưởng bất thiện có thể làm nẩy sinh ra những trạng thái tâm không bình yên, hoang vắng, ngăn cản mọi tình cảm vui vẻ, phấn khởi trong ta, và sân hận có thể biến thành trạng thái điên cuồng như thế nào, làm phát sinh những sự nung nóng tình cảm đáng sợ, khiến người ta giận đến tím tái.

Nếu muốn chuyển đổi, ta phải nhận ra rằng chỉ tự mình ta tạo ra cuộc sống nội tâm của mình, không ai khác chịu trách nhiệm cho việc đó. Vì thế, ta cần phải có khả năng nhận diện được sân hận, oán hờn hay ghẻ lạnh khi chúng phát khởi trong ta, với sự hiểu biết rằng chúng không đem lại chút hạnh phúc nào cho ta. Khi đó, có lẽ ta cũng nên ‘vun trồng’ điều ngược lại - như đức Phật đã dạy - dầu rằng việc thay thế lòng sân hận, nhẫn tâm với lòng từ bi thì không dễ.

Điểm mấu chốt của cả quá trình này là sự nhận thức được rằng những tình cảm tiêu cực này chỉ làm hại chính ta. Càng có nhiều sân hận, oán thù trong lòng, cuộc sống của ta càng khó khăn, và ta càng thấy xa cách với mọi người. Tuy nhiên, điều lợi ích lớn nhất của các trạng thái tình cảm này - nếu chúng ta có thể quán niệm chúng - là nỗi đau khổ khiến chúng ta thực sự muốn thay đổi điều gì đó. Những người có tánh sân thường dễ đi theo con đường đạo vì họ không có được sự an bình trong nội tâm.

Điều quan trọng ở giai đoạn này là phải biết rằng khi ta tự quán sát bản thân thì ta mới có thể có những chuyển hoá sâu xa. Sự chuyển hoá này không thể thay đổi cả thế giới - ngay cả đức Phật hay chúa Jesus của Nazareth cũng không làm thế được. Thế giới ngày nay rất khác thế giới của 2500 hay 2000 năm trước. Dân số đã tăng lên nhiều và đã có biết bao tiến bộ kỹ thuật vượt bực. Nhưng những khó khăn của cá nhân chúng ta căn bản cũng như xưa, vì lòng hận thù, chiến tranh và khổ đau vẫn luôn tiếp diễn. Chúng ta khó thể biến thế giới thành tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta có thể khiến cá nhân mình tốt hơn, và đó là điều tốt đẹp nhất ta có thể đóng góp cho thế giới.

Vì thế không ích lợi gì để khiển trách người khác hay kết tội họ thiếu trách nhiệm. Khi chúng ta có thể tạo ra an bình trong nội tâm, là ta đã tạo ra thêm hoà bình trên trái đất này, bởi ít nhất là cá nhân mình, và cũng có thể ảnh hưởng đến những người quanh ta - một sự ảnh hưởng hoàn toàn phụ thuộc vào sức mạnh và ổn định của một nội tâm thanh tịnh. Một khi đã biết điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, rằng đó là bổn phận của ta, và ta đã quyết định không muốn tiếp tục sống như trước đây, chúng ta sẽ khám phá ra mình tự nhiên thường kiểm soát các cảm xúc trào dâng bằng cách chánh niệm hơn về các cảm thọ của mình, và bằng cách đó chúng ta thoát khỏi những dằn thúc, xung đột nội tâm. Ta nhận ra rằng mình cảm thấy bực bội vì không có được điều mình muốn, và giận dữ khi phải lấy cái ta không thích, và ta cũng sẽ thấy rằng sự phản kháng lại những sự việc này cũng có thể được chấm dứt.

Với sự hỗ trợ của chánh niệm và phương pháp tự quán sát mình do đức Phật đề ra, chúng ta đã ở tư thế sẵn sàng để bắt đầu vun trồng những tình cảm tích cực, trái ngược lại với các tình cảm tiêu cực này. Khó thể chuyển đổi sân hận thành thương yêu, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể thay thế sân hận với bi mẫn. Nếu ai có gây khó khăn cho ta, trước hết ta có thể nhận ra rằng chính họ cũng phải đối đầu với bao vấn đề như chúng ta. Ta phải nhớ rằng người này suy cho cùng cũng không khác gì ta, những sự khác biệt chỉ là ở ngoài mặt. Chỉ cần liên hệ với người khác, ta sẽ nhận ra rằng tất cả chúng ta đều tương quan nhau trên một bình diện sâu hơn. Người khác cũng lập tức chia sẻ kinh nghiệm của bản thân họ khi ta tiếp chuyện với họ, nhìn họ hay đơn giản là ở cùng một nơi với họ. Đồng thời ta cũng không thể biết những gì họ đã trải qua – thí dụ, những mất mát, đau khổ gì - nên nếu ta xem họ như những người không đáng cho ta quan tâm, hoặc nghĩ họ không tốt bằng ta, thì hoàn toàn không thích hợp. Điều này đúng trên nhiều lãnh vực, dầu trong gia đình, ngoài xã hội, hay trên cả thế giới. Là con người ta phải biết tất cả những gì tốt, xấu trong nội tâm mình. Sống theo con đường đạo có nghĩa là phải phát triển, củng cố cái thiện để điều xấu bị đẩy lùi về phía sau. Có lẽ trong muời người thì chín đã sống theo nguyên tắc là tự bằng lòng với những cái tốt của mình, và biện minh cho cái xấu bằng cách đổ lỗi cho người khác, nhưng ai muốn đi theo con đường đạo thì phải chọn lựa một thái độ hoàn toàn khác.

Có rất nhiều phương cách để vun trồng vô sân. Cách tốt nhất là quán từ bi – metta bhavana, là điều chắc chắn có thể đóng góp đáng kể vào việc phát triển một thái độ tích cực hơn. Tuy nhiên, chỉ có thế thì chưa đủ, cuộc sống hằng ngày cho ta biết bao cơ hội để thực hành bằng cách tỏ ra thân thiện, dễ thương. Sự bình đẳng trong cách đối xử cơ bản với người, sự liên hệ, tình thương yêu, bằng hữu, chỉ có thể được phát triển bằng cách bồi dưỡng cho chúng thêm lên trong mọi hoàn cảnh. Thí dụ, ta có thể phát triển nó đối với người ta mới quen, với những người ta chỉ có liên hệ chung chung trong các sinh hoạt đời thường. Chúng ta cần phải nhắc nhở bản thân về mục đích của mình từng giây phút trong ngày, vì tâm rất dễ quên. Ta lại cần đến chánh niệm - để nhớ thực hành.

Tất cả chúng ta đều có thể chọn lựa điều mình muốn tìm hiểu, khám phá thêm, nhưng buồn thay, chúng ta ít khi tò mò về những gì đang xảy ra trong tâm ta. Chỉ có chánh niệm mới giúp ta bắt đầu nhận ra cách ta đối xử với những người quanh ta trong cuộc sống hằng ngày như thế nào – có thể là một cách bình thường, hoặc với lòng sân nộ hay với sự thân thiện. Đó là một sự thực tập không ngừng nghỉ, luôn hiện diện để tạo ra những ứng xử thân thiện, cởi mở với tha nhân, nhưng cần thiết phải làm thế. Ngay cả như khi ta không thể chịu đựng nổi ai đó, chúng ta cũng không có lý do chính đáng để biện minh cho tình cảm của mình. Điều quan trọng là đến một lúc nào đó ta phải hiểu rõ ràng, thấu suốt rằng nếu ta tiếp tục với quan điểm đó, thì ta sẽ không thể nào chuyển hoá được gì. Lòng sân hận hiện hữu, nhưng ta không có lời biện minh cho nó. Đó là một yếu điểm của bản tính con người mà ta bắt buộc phải chấp nhận, mà ta không thể thiếu, nhưng ta có thể chuyển hoá nó thành ra sức mạnh của ta, đó là tình thương yêu.

Vô Tham

Phần lớn những người có tánh tham thì không dễ khuyên họ tu tập như là những người hay sân vì họ thường cảm thấy hạnh phúc hơn. Tham không khiến cho cuộc sống nội tâm của ta bị xáo trộn như là với sân. Đó chỉ là một cảm giác khó chịu: thí dụ như khi chúng ta không có được những gì mà chúng ta muốn - dầu rằng nếu điều đó xảy ra quá thường - tham có thể trở thành sân hận đối với hoàn cảnh hay người mà đã không đem lại cho chúng ta sự thoả mãn. Trừ điều đó ra phần lớn những người có tâm tham thường có một sự dễ dàng hơn vì họ có thể đạt được một mức độ thoả mãn nào đó một cách dễ dàng vì lúc nào họ cũng hướng đến việc hưởng các lạc thú ngay lập tức. Kết quả có thể là chánh niệm về sự đau khổ ở một mức độ thấp hơn, và do đó một mức độ thấp hơn trong việc tham gia vào sự tu tập hơn là những người hay sân. Đồng thời một người có tánh tham thường cảm thấy sự thực tập của họ được nhiều kết quả hơn. Vì thế chúng ta có thể kết luận rằng về phương diện này cả hai loại người tham và sân đều có những thuận lợi và bất thuận lợi riêng.

Để thoát được khỏi tham là một lý tưởng sâu sắc. Căn bản thì tham là một hình thức của ngã chấp: chúng ta chỉ chú tâm đến những gì mà chúng ta tham cầu cho bản thân và xếp đặt sao cho cuộc đời ta được dễ chịu, thoải mái, trong lúc chúng ta bỏ qua, không để ý đến nhu cầu của người khác, ngay cả khi chúng ta ở trong hoàn cảnh có thể giúp đỡ họ. Ở một bình diện sâu hơn là sự có mặt của cái mà trong thuật ngữ Phật giáo gọi là “ước muốn được hiện hữu”, là nguyên nhân sẽ tiếp tục mang chúng ta trở lại thế giới này qua sự tái sinh. Sự thôi thúc mãnh liệt nhất trong tất cả mọi thôi thúc – muốn được sống - là một tướng của tham, che giấu sự sợ hãi cái chết. Sợ mất sự hiện hữu trong hình tướng hiện tại của chúng ta. Chúng ta có thể có vài khái niệm về những gì sẽ đến sau đó, nhưng cái thân mà qua đó chúng ta đã tự đồng hóa mình sẽ hủy hoại. Ứơc muốn được hiện hữu là một động lực sâu xa đứng phía sau của sân hận cũng như những tham cầu khác.

Dĩ nhiên lòng tham cầu không chỉ là sự muốn có mặt ở đây. Chúng ta còn muốn một cái gì hơn là cái cơ thể vật lý này, chúng ta muốn được là ai đó, muốn được công nhận, được thương yêu, và hỗ trợ bởi những người quen biết, thân thuộc – và chúng ta muốn được đẹp đẽ, thông minh, thành đạt, giàu sang hay danh tiếng. Nhưng bất cứ gì mà ta muốn có, tựu trung lại cũng là - muốn được hiện hữu: tất cả cũng đều bắt nguồn từ ước muốn đó. Do chưa được giác ngộ, tất cả chúng sanh đều có sự thôi thúc này, và nó càng phát triển mãnh liệt, ta càng kiên quyết thỏa mãn nó.

Chúng ta có thể cố gắng để tạo cho mình một cảm giác về giá trị tự thân: phải sở hữu những gì đáng giá. Chúng ta có thể cố gắng đạt được một cảm giác về giá trị của mình, và tạo ra chúng bằng các công việc hay nghề nghiệp của mình. Dầu có thể chúng ta cũng biết rằng tất cả những điều đó điều khó thể thực hiện, ta vẫn hành động ngược lại, vì chúng thực sự khiến ta có cảm giác có mặt, hiện diện, và tạo cho chúng ta cảm giác về sự hiện hữu của bản thân qua cảm giác tạm bợ rằng chúng ta xứng đáng là cái gì đó.

Ý muốn được hiện hữu mang nhiều bức xúc trong đó. Tất cả chúng ta đều biết thật khó để tự ngồi xuống, tĩnh lặng và không làm gì hết - chỉ có mặt mà không suy nghĩ, không hành động, không đọc hay viết, không coi truyền hình, nghe radio hay điện thoại – và đó là vì không có ai ở đó để xác nhận rằng chúng ta là một ai đó. Đó là lý do thực sự của sự bức xúc, áp lực ta phải làm điều gì đó - bất cứ là gì. Đồng thời chúng ta cũng luôn tìm ra những lý do hoàn toàn chánh đáng để làm những gì đó: ta sẽ không bao giờ thấy sự chấm dứt của trách nhiệm và công việc, mỗi ngày lại mang đến cho ta những công việc mới để làm, vì thế không bao giờ ta có thể hoàn thành tất cả.

Do đó một cách tự nhiên và đáng tiếc là ước muốn được hiện hữu cũng ảnh hưởng đến việc hành thiền của ta. Các tư tưởng phát sinh để xác nhận rằng ta có mặt ở đây. Ngay giây phút mà sự suy nghĩ dừng lại, thì sự bức xúc, hay ngay cả nỗi sợ hãi, cũng phát khởi - ‘Tôi sẽ ở đâu nếu tôi không suy tư?’- và rồi ngay lập tức những luồng tư tưởng mới lại thành hình. Bất cứ ai mới tọa thiền đều biết rằng rất khó để đạt được trạng thái an tĩnh là nơi khi không có gì xảy ra và cũng không cần phải tự xác nhận mình, vì tất cả những ước muốn của chúng ta đều được dựa trên những ước muốn được xác nhận, được bao gồm trong một cái gì đó.

Phương cách để phát triển vô tham là kiểm soát tư tưởng của chúng ta để xem coi chúng có quá tập trung vào bản thân không, hay chúng cũng bao gồm người khác, dầu gần hay xa ta. Vô tham cũng có thể phát triển đến độ ta có thể chấp nhận cái nhìn của người khác, bên cạnh cái nhìn của ‘tôi’.

Vô tham phát sinh cùng lúc với tâm rộng lượng, và niềm vui được chia sẻ. Thực ra tâm rộng lượng có thể được huân tập, và một khi ta đã thực tập được nó, ta luôn vui mừng hạnh phúc được có cơ hội để chia sẻ mà không có ý nghĩ muốn được nhận trả lại điều gì. Một khi sự chia sẻ đã trở thành một bản năng tự nhiên thứ hai, thì những rào cản giữa ‘tôi’ và ‘anh/chị’ sẽ biến mất, hay ít nhất cũng giảm bớt. Vì suy cho cùng, nếu ta có thể mang lại hạnh phúc cho ai đó, là chúng ta đã mang niềm vui đến cho thế gian, và chính bản thân chúng ta cũng đầy an vui như thế. Có một cách suy nghĩ rất phổ biến nhưng hoàn toàn sai lầm là chúng ta chỉ có niềm vui từ những gì mang đến cho ta niềm vui. Thế giới sẽ khá buồn thảm nếu sự thật là như thế. Câu hỏi chúng ta cần đặt ra cho bản thân là: ‘Thật sự điều gì mang lại niềm vui cho tôi và tôi có thể san sẻ bao nhiêu niềm vui đó cho người khác?’ Niềm hoan hỷ thực sự đó là cách ta nhân rộng thêm niềm vui trên thế giới này.

Dầu cho đó là người hàng xóm hay một người ở thật xa xôi, nếu họ có được hạnh phúc, niềm vui thì ta cũng sẽ được những ảnh hưởng tích cực. Vì ta thở cùng một bầu không khí, tất cả chúng ta đều tham gia vào lương tâm toàn cầu, trong đó, niềm vui, niềm hạnh phúc, tánh tham, không tham, sân hận và thương yêu đều có những dấu ấn riêng của chúng. Vì thế ta càng có khả năng khơi nguồn được những tình cảm tích cực nơi bản thân và san sẻ điều đó, thì thế giới càng trở nên tốt đẹp hơn.

Định

Lãnh vực thứ tư của những điều dạy căn bản là khinh an, thiền định. Tâm định (samma Samadhi, trong tiếng Pali) là kết quả viên mãn của công phu hành thiền rốt ráo, đòi hỏi sự nhất tâm, trú tâm vào chỉ một đối tượng. Tâm bình thường trong cuộc sống hằng ngày của ta luôn nhảy từ ý này sang ý nọ, và tiếc thay, nó cũng không khác khi ta bắt đầu hành thiền, vì đã quen suy nghĩ, tính toán như thế qua bao nhiêu năm tháng, tâm ta không thể ngay lập tức tách khỏi thói quen đó. Nhưng nếu ta thường xuyên tạo ra các cơ hội để nó có thể lắng đọng xuống, tâm sẽ dần dần được tĩnh lặng. Tìm cho ra được điểm dừng của tâm, và trú tâm vào đó là một chứng nghiệm tuyệt vời. Ai đã từng kinh qua đều biết nó an lạc đến thế nào. Đối với người chưa từng hành thiền, điều này nghe có vẻ quá khó, nhưng tất cả mọi người đều có khả năng đó. Giáo lý của đức Phật không phải dành cho các vị thầy tâm linh thông thái mà là cho những người bình thường, cho chúng ta. Chúng ta cũng có thể học hành thiền.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thực hành mỗi ngày để đạt được kết quả. Thân ta chỉ dễ uốn nắn, mềm dẻo với sự luyện tập thường xuyên, và tâm ta cũng như thế. Nói chung, chúng ta thường hiểu việc rèn luyện tâm như là một sự tập trung cao độ. Như thế rất dễ mệt, bất cứ ai đã từng làm những công việc đòi hỏi sự suy nghĩ nhiều đều đồng ý như thế. Nhưng suy tư là một tâm hành khó thể đưa ta đến mức độ sâu xa nhất của tâm; chúng ta không thể chứng nghiệm được bản thể của sự vật chỉ bằng nghĩ suy. Điều đó chỉ có thể đạt được qua công phu hành thiền – nói là ‘qua cánh cửa của thiền’ vì sự chứng nghiệm trong thiền không phải là mục đích của việc tu hành theo Phật giáo, mà chỉ là một bước quan trọng trên con đường đạo, vì chúng ta không thể nghĩ về sự Tuyệt Đối – ta chỉ có thể chứng nghiệm nó. Dầu ta có đạt được sự chứng nghiệm hay chỉ tìm được sự an tĩnh sâu lắng, trong lúc hành thiền, ta vẫn có thể hiểu rằng niềm hạnh phúc mà ta từng kiếm tìm trong cuộc sống, thực ra nằm ở ngay trong ta. Từ những kinh nghiệm tự thân, ta biết rằng ta không thể tìm được hạnh phúc qua người khác, vì họ cũng đang đi tìm hạnh phúc cho chính họ. Chỉ có qua con đường hành thiền, chúng ta mới có thể tiến đến sự chứng nghiệm được hạnh phúc, tự tại, niềm vui và sự tuyệt đối nơi chính bản thân, nơi nội tâm ta.

Tâm định tĩnh bắt đầu bằng cách hướng đến một đối tượng thiền quán, và hơi thở là đối tượng đặc biệt thích hợp cho mục đích này, vì nó hoàn toàn trung tính: mọi người đều cần đến nó để sinh tồn, và nó có những chuyển động không dừng nghỉ để tâm có thể trụ vào. Chúng ta cũng có thể thêm vào đó một tên gọi – thí dụ, ‘an bình’ - để tâm có việc gì đó mà làm. Vì vậy, ta tự nhủ thầm ‘an bình’ khi thở vào, và ‘an bình’ khi thở ra. Sau những công phu thực hành liên tục, tâm có thể trụ nơi hơi thở, có thể không phải là hằng giờ không dừng nghỉ, nhưng đủ lâu để buông bỏ quá trình tư duy, và bước vào những trạng thái sâu lắng hơn. Rồi ta sẽ bước qua ngưỡng cửa để đặt chân vào những ngõ ngách sâu lắng của tâm.

Điều quan trọng cần nhớ lúc bắt đầu của mỗi buổi hành thiền là ý thức về lãnh vực thứ tư của chánh niệm - đối tượng của các suy nghĩ của ta - để đặt tên chúng một cách có ý thức, phù hợp. Lúc đó ta sẽ nhận thức được rằng phần lớn những suy nghĩ của ta xoay quanh những chuyện của quá khứ hay tương lai, và ta có khuynh hướng không sống trong phút giây hiện tại, ngay bây giờ, mà luôn suy tư về những gì đã qua hay mơ mộng đến những gì có thể xảy ra. Ta trở nên ý thức rằng những suy nghĩ như thế không phải là cuộc sống thực tế, chúng chỉ là sự bám víu vào quá khứ hay mong đợi ở tương lai. Ta ý thức được rằng hoàn toàn không thể tiên đoán tương lai hay thay đổi quá khứ, do đó tốt nhất là hãy sống trong giây phút hiện tại. Chúng ta chỉ có thể sống ngay giây phút này đây.

Khi thiền quán, ta chỉ có thể ý thức được hơi thở hiện tại; không thể trụ vào hơi thở trước đó hay hơi thở tiếp theo. Khi bắt đầu hướng tâm chánh niệm vào hiện tại bằng cách đó, ta sẽ ý thức được ý nghĩa thực sự của chánh niệm. Bất cứ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai hay đã xảy ra trong quá khứ, không có ý nghĩa gì. Nếu chúng ta nhận thức đủ sâu xa rằng ta thực sự chỉ sống ngay trong giây phút này, ta sẽ cố gắng để tĩnh thức trong từng phút giây của cuộc sống. Khi hành thiền, có nghĩa là ta theo dõi từng hơi thở, nhưng ta cũng phải ý thức đến các vọng tưởng để đặt tên cho chúng.

Như thế là ta đã thực hành hai trong bốn lãnh vực của chánh niệm (tứ niệm xứ): chánh niệm về thân (quá trình theo dõi hơi thở) và chánh niệm về đối tượng của những suy nghĩ của ta (đặt tên các vọng tưởng). Điều này sẽ giúp chúng ta có thể duy trì sự thực tập chánh niệm suốt trong ngày, vì sự rèn luyện chánh niệm thường xuyên sẽ đưa ta đến tâm tự tại, định tĩnh, giúp ta có thể nhìn thế giới này trong một ánh sáng hoàn toàn khác. ‘Cái tôi’ không còn được coi là một cá thể riêng biệt hay trung tâm của vũ trụ; thay vào đó, một thế giới hoàn toàn mới lạ với những không gian, vẻ đẹp chưa từng thấy sẽ mở ra trước mắt ta.

Trên hết, ta sẽ có thể nhận ra được chân lý tuyệt đối, hoàn toàn trái ngược với chân lý tương đối – thí dụ như là niềm tin rằng mỗi cá nhân ngồi trên chiếu thiền với những suy nghĩ của chỉ riêng mình.

Sự tự tại hay chánh định, thì cũng giống như vô tham và vô sân, là kết quả của tâm chánh niệm. Chúng ta càng phát triển tâm chánh niệm, thì tâm phản quang của ta càng sâu lắng, việc duy trì đời sống tâm linh của ta càng trở nên dễ dàng hơn. Ta không nên nghĩ rằng mình phải đạt được tất cả ngay lập tức, chỉ vì chúng ta đã có ý hướng tu tập. Cũng như mọi thứ trong cuộc đời, ta phải tiếp tục mỗi ngày, từng bước từng bước, dần dần tiến lên. Sau này, khi nhìn lại, ta sẽ thấy cả hai, ngoại hình lẫn nội tâm của ta đều thay đổi. Ngoại hình thì ta đã già hơn, trong khi nội tâm ta có biết bao chuyển hoá, bao tái tạo. Ngôn từ ta sử dụng có thể không thay đổi nhưng một kinh nghiệm mới mẻ về cuộc đời đã phát sinh. Đến lúc này ta phải thấy rõ rằng bốn điều dạy cơ bản về vô tham, vô sân, chánh niệm và chánh định, lúc nào cũng quan trọng, đối với bất cứ tôn giáo nào, và cho bất cứ con đường tâm linh nào.