ĐỨC PHẬT VÀ CON NGƯỜI [^]
Nếu đạo Phật phát xuất
từ sự sống con người để nhằm đáp ứng những nguyện vọng thâm sâu nhất của
con người, thì đức Phật chính thực là người yêu của nhân loại.
Ngài tượng trưng cho
những tinh hoa đúc kết nên bởi những phần cao khiết nhất và sáng mạnh
nhất của con người và bởi vì Ngài đích thực là một con người nên Ngài đã
hiểu con người một cách thấu triệt. Dạy đạo giải thoát cho chúng ta
Ngài là một bậc Thầy, nhưng nhìn chúng ta, Ngài có ánh mắt từ hòa và
thân mật của một người bạn sống giữa xã hội loài người, hiểu biết con
người, và thắm thiết tình người.
Cho nên cái ý tưởng cho
rằng Ngài là một nhân vật thần linh vạn năng từ một cõi trời xa hiện về
để ban phúc trừ họa là một ý tưởng sai lạc. Thần linh không hiểu được
con người, không biết được ý nguyện và tâm lý con người. Ta mến yêu đức
Phật vì bản thân Ngài là một thực thể đúc kết bằng những yếu tố nhân bản
và vì trí tuệ, đức độ và giáo lý Ngài là những châu ngọc đúc kết bằng
những chất liệu con người. Ta mến yêu đức Phật bởi vì ta có thể thấy ở
Ngài hình ảnh của chúng ta. Cũng bởi vì vậy cho nên trong suốt hai ngàn
năm trăm năm lịch sử, đạo Phật một nguồn sống tràn đầy tính chất nhân
bản. Đức Phật là người khơi mở nguồn sống ấy, khơi mở chứ không phải là
hóa hiện và tạo dựng. Con người khổ đau vì con người sống xa bản tính,
sống ngược bản tính. Con người không ý thức được thực thể của chính
mình, không hiểu được mình là gì. Nói tóm lại con người không có được
một nhận thức rõ rệt về hiện hữu và bản chất của hiện hữu. Đức Phật đã
khám phá trên bước đường tri hành những phương pháp giúp Ngài đi đến sự
trực nhận giá trị và bản chất của hiện hữu. Tiếp xúc thẳng với dòng sinh
lực mầu nhiệm ấy, tâm linh Ngài đột nhiên trở thành cao cả, sáng tỏ,
nhân cách Ngài trở thành siêu việt, vĩ đại. Và trên lịch sử, bỗng nhiên
nhân loại trông thấy dòng sinh lực nhiệm mầu kia hiển lộ sung mãn và
linh hoạt nơi con người đức Phật. Bỗng nhiên bản thân của đức
Phật trở thành một hiện tượng sinh hoạt linh diệu và dòng đạo pháp được
khơi mở từ con người của Ngài. Một ngàn hai trăm năm mươi vị Tăng sĩ bao
quanh Ngài, nhìn vào nhân cách Ngài, nương vào đạo phong Ngài, tiếp
nhận sức sống mãnh liệt của tâm linh Ngài để mà sinh hoạt, để mà xây
dựng nếp sống của chính mình. Bài thuyết pháp hùng hồn hơn hết, tha
thiết hơn hết là sự sống của chính đức Phật. Người đương thời nương
vào nhân cách của đức Phật mà sống, mà tu tập, mà chứng ngộ. Hàng trăm
năm sau, dư ảnh của nhân cách ấy vẫn còn hướng dẫn được hàng vạn người
sống theo nguồn đạo từ bi. Người ta có thể không cần nghe một bài kinh,
dự một buổi thuyết pháp : Người ta chỉ cần nghe nói đến nhân cách của
đức Phật là có thể phát tâm sống được đời sống Phật tử rồi.
Thế cho sự xuất hiện của
đức Phật quan trọng hơn là chính sự xuất hiện của Tam Tạng giáo điển.
Đọc thuộc ba tạng kinh điển chưa chắc đã bằng được sống một vài giờ bên
cạnh Ngài. Chỉ cần được nhìn hình dáng Ngài, được tiếp nhận cái nhìn của
Ngài trong chốc lát, được nghe Ngài nói một vài lời ngắn ngủi, ta có
thể thấm nhuần được một cách sâu xa trong biển đạo pháp của Ngài hơn là
đọc tụng nhiều lần những kinh điển lưu truyền. Như vậy có nghĩa rằng bản
chất của đạo Phật nằm trong sự sinh hoạt theo chính pháp, thể hiện nơi
những con người sinh hoạt theo chính pháp. Cho nên ở thời nào có xuất
hiện cao tăng nhiều nhất, thời nào sinh hoạt chính pháp được thể hiện
trong quần chúng nhiều nhất là thời ấy Phật giáo hưng thịnh nhất.
Tam Tạng giáo điển có
giá trị như những ghi chép đạo pháp. Mà đã là ghi chép thì chỉ là ghi
chép mà thôi. Không bao giờ ta có thể ghi chép được bản thân của đạo
pháp; người ta chỉ ghi chép được những mảnh rời rạc và cứng đọng của đạo
pháp mà thôi.
Bởi vậy, người nào muốn
hiểu được đạo pháp một cách thấm thiết thì người ấy phải thể nhập đạo
pháp, phải tiếp nhận cho được sinh khí đạo pháp, phải thực hiện đạo
pháp. Tam Tạng giáo điển chỉ là những phương tiện giúp đỡ, hướng dẫn,
chỉ là những công án cần thiết cho sự suy tư và thể nhập.
Người xưa nói rằng tri
đạo tức là học đạo, kiến đạo, tu đạo và chứng đạo. Chữ tri đã có
một phạm vi rộng rãi thế ấy thì để đi đến kết quả của sự học đạo, ta
phải có những điều kiện tâm lý cần thiết như thành khẩn, vô tư ý, không
cố chấp, không hình thức và sẵn sàng thể nhập.
Có được nhận định như
thế thì ta mới đến gần được đức Phật. Nếu không, càng học hỏi, càng phân
tích, càng nghiên tầm ta càng đi xa đạo Phật. Phải nhận định rằng đức
Phật và những thế hệ Phật tử nối tiếp Ngài là những thực hiện linh động
của dòng sinh hoạt đạo pháp. Nhìn vào dòng sinh hoạt ấy, thể nhập dòng
sinh hoạt ấy, và xem xét lại những ghi chép của kinh điển ta có thể thực
chứng được những nguyên lý Phật học. Thực chứng được những nguyên
lý ấy rồi, ta mới xây dựng cho ta và cho những con người của xã hội ta,
của thời đại ta một quan niệm nhân sinh có thể đáp ứng được nhu cầu sinh
hoạt tiến bộ hướng thượng của con người thời đại. Có hai điều lầm lỗi
to lớn có thể làm ngưng đọng giòng sinh hoạt đạo pháp và cũng có thể làm
tàng ẩn và mai một bản lai diện mục (mặt mũi xưa nay) của chân lý : đó
là đặt đạo Phật dưới sự nghiên cứu của mình như một đối tượng cứng nhắc
bất biến, và bảo thủ những hình thức sinh hoạt không còn thể hiện được
bản chất của đạo pháp.
Như chúng ta đã biết,
đạo Phật là một thực tại linh động ta cần thể nhập nó để hiểu biết nó và
như vậy ta không thể coi nó như một đối tượng cứng nhắc và bất biến.
Nếu ta đặt nó dưới kính hiển vi của sự phân tích, ta sẽ mất nó; hoặc giả
ta chỉ còn nắm được những cái xác khô cứng của nó. Trong kinh có câu
chuyện một ông vua sai quần thần chẻ vụn một cây đàn để tìm những tiếng
đàn. Kinh điển đạo Phật cũng thế, những hình thái sinh hoạt của đạo Phật
cũng thế. Ta không thể chẻ những thứ ấy ra để tìm đạo pháp. Ta phải
linh động để tiếp nhận đạo pháp qua những thứ ấy, bằng thể nhập, bằng
thực hiện, bằng cảm thông.
Xã hội luôn luôn chuyển
biến vì các cơ cấu xã hội luôn luôn chuyển biến. Các yếu tố tạo nên
những sinh hoạt xã hội như văn hóa, kinh tế, chính trị, nhân chủng không
phải ở đâu cũng như ở đâu, thời nào cũng như thời nào. Mà các cơ cấu xã
hội đã biến chuyển thì những hình thức sinh hoạt cũng phải biến chuyển.
Một xã hội mới cần có những tương quan sinh hoạt mới. Giữ mãi những
hình thức sinh hoạt không còn đáp ứng được với nhu cầu sinh hoạt mới tức
là làm một công việc vụng dại. Những hình thức sinh hoạt của đạo pháp
là để thực hiện bản chất của đạo pháp. Xã hội đã thay đổi vì những hình
thức sinh hoạt cũ không phù hợp với xã hội nữa, do đó không thể thực
hiện được bản chất của đạo pháp nữa. Phải có những hình thức sinh hoạt
mới, một mặt đáp ứng với nhu cầu của xã hội mới, một mặt thể hiện được
những nguyên lý căn bản của đạo pháp. Nếu cố chấp bảo thủ mãi những hình
thức sinh hoạt cũ tức là vô tình (hay cố ý ?) muốn cho xã hội lùi lại
và làm cho đạo pháp khô héo trong những cái xác cũ, những cái xác có thể
rất cổ kính và sơn phết rất đẹp đẽ. Đạo pháp cần có những hình thức
sinh hoạt mới để được thể hiện trong xã hội mới; khi ta cố thủ những
hình thức cũ, kết tội những hình thức mới thì ta chận đường không cho
đạo pháp thể hiện và như thế là ta có thể làm ngưng đọng giòng sinh hoạt
đạo pháp.
Ở một hình thái sinh
hoạt xã hội mà đạo pháp chỉ còn là nguồn an ủi của một thế hệ luống tuổi
muốn sống những ngày còn lại của đời mình một cách yên ổn, một phương
tiện của một số người vin vào để lăng xăng danh lợi, đạo pháp làm sao
thể hiện trọn vẹn ?
Ở những hình thức sinh
hoạt mà những thế hệ trẻ tuổi không tìm thấy một lối đi sáng của tương
lai, không tìm thấy một chất liệu để đốt lên ngọn lửa lý tưởng trong tâm
hồn mà chỉ thấy một chỗ trú ẩn tuy an lành nhưng tạm thời - để chui về
trong cơn phong ba bão táp, thì ta có thể nói rằng đạo pháp đã được hiển
lộ và thực hiện toàn vẹn hay chưa ?
Nhận thức chứa đầy đau
xót, nhưng có thể là khởi điểm cho những cố gắng mới, nỗ lực mới.