Phật học cơ bản
TÁM quyển sách quý - Quyển 2: Dưỡng tánh
Tâm Minh St
23/07/2556 22:45 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



I.- ĐỊNH NGHĨA
Từ bi là do hai chữ "Từ" và "Bi" ghép chung lại. Theo trong kinh Phật, "Từ" là lòng thương yêu, thường đem vui cho tất cả chúng sanh (Từ năng dữ nhất thế chúng sanh chi lạc). "Bi" là lòng thương xót, thương dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sanh (Bi năng bạt nhứt thế chúng sanh chi khổ). Trong "Tứ vô lượng tâm" (bốn món tâm rộng lớn không lường được), thì từ bi đứng đầu. Hai chữ từ bi sắp theo văn phạm Trung hoa, thì ý nghĩa không nghịch, nhưng theo tiếng Việt chúng ta thì nên để Bi trước và Từ sau, vì "Bi" là nhân mà "Từ" là quả, cũng như "xả" là nhân mà "hỷ" là quả". Tại sao thế? - Vì nếu có lòng thương yêu, muốn ban vui cho chúng sanh, trong khi họ đang bị đau khổ dày vò, thì cái vui ấy chỉ là cái vui gắng gượng. Vậy muốn cho họ hưởng sự vui vẻ đầy đủ, trước phải trừ giùm đau khổ cho họ, rồi cho vui. Như thế, cái vui mới được hoàn toàn.

II.- TÍNH CHẤT CỦA TỪ BI:
1.- Từ bi rất bao la và bình đẳng:
Trong đời hay trong các học thuyết, tôn giáo khác cũng thường nói đến tình thương yêu, lòng bác ái. Nhưng những danh từ nầy chứa đựng một nội dung hẹp hòi, có khi đó chỉ là tình yêu thương vợ con, gia đình quyến thuộc, bạn bè; rộng hơn thì ra đến quốc gia, chủng tộc là nhiều. Chũ từ bi của đạo Phật không có phạm vi, nó bao la, vô tận. Nó lan từ gia đình, xã hội, chủng tộc, nhân loại ra đến toàn thể chúng sanh, cây cỏ. Nó không có thân sơ, bạn thù, xa gần, mạnh yếu; nó lan bằng như nước, chỗ nào thấp thì nước chảy đến trước, nhận được nhiều, chổ nào cao thì chảy đến sau, nhận ít, nhưng bao giờ cũng đồng đều ở trên mặt. Kẻ nào đau khổ nhiều thì được cứu nhiều, kẻ nào đau khổ ít thì cứu ít, nhưng mục đích bao giờ cũng làm cho mọi người, mọi vật đều thoát khổ và yên vui bằng nhau. Lòng Từ bi rất bình đẳng, không có cao hạ, gần xa, nặng nhẹ. Nhưng vì chúng sanh có loại khổ nhiều, có loại khổ ít, nhân loại cũng có kẻ cực nhiều, có kẻ cực ít, cho nên lòng từ bi cũng tùy theo trường hợp, tùy theo căn bịnh, mà gia giảm ít nhiều để san bằng biển khổ. Như thế, ta nhận thấy rằng tinh thần từ bi bao giờ cũng bình đẳng, nhưng trong thực hành thì có sai khác tùy trường hợp, có nơi cần trút nhiều tình thương, có nơi vừa phải, có nơi ít. Và đó, mới thật là bình đẳng.

2.- Từ bi rất sáng suốt:
Từ bi không những bao la, bình đẳng, mà còn sáng suốt vô cùng. Lòng thương ở ngoài đời có nhiều khi rất mù quáng. Khi thương thì trái ấu cũng tròn, khi ghét thì bồ hòn cũng méo. Thương thì xấu cũng thành tốt, ghét thì tốt cũng hóa xấu. Nhất là tình yêu, lại càng mù quáng hơn. Trong báo chí, không ngày nào là không có năm, ba vụ chém nhau, giết chết nhau vì tình yêu. Tình yêu và thù oán đi song song nhau. "Không yêu được thì ghét", một nhà tâm lý Pháp đã nói rất đúng như thế. Tình yêu thương giữa đời sở dĩ mù quáng như thế, là vì nó xuất phát từ thất tình lục dục, là vì nó dựa lên tình thương mình, lên cái ngã.

Trí tuệ của Phật đã đánh tan cái ngã, cho nên từ bi của Phật không dựa lên cái ngã hẹp hòi. Do đó, từ bi rất sáng suốt. Từ bi nhờ trí tuệ soi sáng, nhận thấy được rằng toàn thể mình, mình là toàn thể; chúng sanh mặc dù chia ra làm sáu loại: Thiên, Nhân, A tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, nhưng tựu trung vẫn đồng một bản thể như nhau như chất ướt mặc dù khi đông thành nước đá, khi tan thành nước, khi biến thành hơi, khi tụ thành mây, khi hóa thành mưa, cũng có chung một tánh: tánh ướt. Chúng sanh từ vô thủy, quay lộn trong sáu đường, tiếp nối muôn triệu kiếp, đã từng làm cha mẹ anh chị em, thân bằng quyến thuộc của nhau, cho nên phải thương yêu nhau.

Nói một cách tổng quát thì từ bi là tình thương phát xuất từ sự sống, trở lại thương sự sống và quyết tâm trừ dứt đau khổ đã bám víu vào sự sống, trong muôn hình vạn trạng. Sự sống đã bao la bình đẳng, sáng suốt, thì từ bi cũng bao la, bình đẳng, sáng suốt.

III.- CÔNG NĂNG CỦA TỪ BI
Từ bi không phải là một lý thuyết suông; không phải là một lý tưởng tốt đẹp để cho người đời nhìn ngắm. Nó không phải là một sức mạnh thụ động, mà là cả một sức mạnh hoạt động không ngừng. Từ bi là nguồn gốc của muôn hạnh lành; những hành động tốt đẹp đều do lòng từ bi mà ra cả. Trước hết, vì từ bi nên ta bố thí, do bố thí mà dứt được lòng tham lam, bỏn xẻn. Vì từ bi nên ta trì giới, do trì giới mà ta không sát sanh hại vật. Vì từ bi nên ta nhẫn nhục, nhờ nhẫn nhục mà ta dập tắt được tánh nóng giận, thù hằn. Vì từ bi nên ta tinh tấn, do tinh tấn mà ta trừ được lười biếng. Vì từ bi nên ta chuyên tâm định tĩnh, do định tĩnh mà ta hết bối rối loạn động. Vì từ bi nên ta luyện trí tuệ, do luyện trí tuệ mà mê lầm tiêu tan.

Nhờ từ bi mà muôn vật đỡ bị sát hại, đau đớn; nhờ từ bi mà nhân loại đỡ chiến tranh; nhờ từ bi mà loài người bớt thù oán; nhờ từ bi mà người nghèo bớt đói lạnh, người giàu bớt tham lam; nhờ từ bi mà người ngu được khai ngộ, người độc ác trở lại hiền lành, người sợ hãi trở lại yên tâm.

Tóm lại, nhờ từ bi mà cõi Ta Bà nầy bớt tiếng than khóc, bể sâu vơi nước mắt, nụ cười nở lại trên môi.

IV.- GƯƠNG TỪ BI CỦA ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA
Để có một bằng chứng cụ thể về lòng từ bi và công dụng của nó, chúng ta hãy hướng nhìn lại đời sống của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài đã vì lòng từ bi, muốn cứu độ chúng sanh đau khổ nên ngài đã thành Phật. Từ khi lên bảy, trong cái tuổi mà người ta thường bảo là tuổi không biết tội nghiệp (Cet âge sans pitié), chính lúc ấy đức Thích Ca đã rơi lụy xuống đường cày, khi ngài nhận thấy cảnh giành giựt giết hại nhau giữa sanh vật để bảo tồn sự sống riêng của chúng. Càng lớn lên, lòng thương của ngài càng mở rộng. Ngài không thể thấy một con chim bị bắn mà cứu, một con cừu bị què chân mà không bồng nó lên. Vì lòng thương rộng lớn, ngài lìa bỏ tình thương nhỏ hẹp của gia đình, lìa bỏ ngôi vàng lộng lẫy, lìa bỏ danh vọng cao sang; chính vì lòng từ bi mà ngài đã nằm sương gối tuyết, không quản gian nguy trong lúc đi tìm đạo cứu đời. Chính vì lòng từ bi mà bốn mươi chín năm ngài không ngừng thuyết pháp một ngày. Chính vì lòng từ bi mà ngài đặt gót chân trên khắp cõi Ấn Độ rộng lớn. Chính vì lòng từ bi mà ngài đã quên già yếu, thuyết pháp độ sinh cho đến phút cuối cùng trước khi lìa thế. Chính vì lòng từ bi mà ngài đã phát đại nguyện: "Ta nguyện đem thân ta chịu hết cả hằng hà sa số khổ đau của chúng sanh" hay: "Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật thì ta quyết chưa thành Phật". Chính vì lòng từ bi mà ngài đã tuyên bố những câu nói rất hùng dũng: "Nếu ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục?" hay những câu nói đầy khoan hòa, độ lượng, đã và sẽ là khuôn vàng thước ngọc cho muôn đời: "Với người dữ, ta nên ở lành, với người câu nệ, ta không nên câu nệ, với người gian tham, ta chớ nên gian tham. Hãy lấy từ bi đáp lại nộ khí, lấy thành thực đáp lại điêu ngoa, lấy lành đáp dữ".

V.- NGƯỜI PHẬT TỬ PHẢI NUÔI TÁNH TỪ BI NHƯ THẾ NÀO TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Tánh từ bi đã nằm sẵn trong tâm mỗi chúng ta. Chúng ta không cần cần phải cầu xin, mua chuộc nó ở một vị chúa tể nào, thần linh nào cả. Hạt giống ấy đã nằm sẵn trong tâm hồn chúng ta. Nhưng nó đang bị phủ lấp dưới bao lớp sân hận, tham lam, ích kỷ, nên không thể đâm chồi nẩy mộng, trồi đầu lên được. Vậy, công việc đầu tiên của người dưỡng tánh từ bi là phải phanh gở lần những lớp chương ngại, để cho mầm từ bi nẩy lên. Khi nó đã nhô lên khỏi mặt đất, chúng ta phải tìm mọi nhân duyên, mọi cơ hội thuận tiện cho nó chóng đâm chồi nẩy lá. Công việc không phải chỉ trong năm ba ngày, một tháng, một năm, mà suốt cả đời. Cũng không phải chỉ săn sóc nó trong những cơ hội thuận tiện lớn lao, mà bỏ mặc nó trong những hành vi, cử chỉ nhỏ nhặt tầm thường hằng ngày. Có nhiều người có thể làm được những việc từ thiện lớn lao, như mở nhà thương, phát chẩn bần, tốn từng chục vạn bạc, thế mà khi thấy một người đau, một người đói hay lạnh rênh xiết trước mặt mình, lại đành đoạn làm ngơ. Có người có thể nhảy xuống sông cứu người chết đuối, bỏ bạc ngàn mua chim, mua cá phóng sinh, thế mà vẫn điềm nhiên ngồi nhìn một con kiến vô tội sắp chết chìm trong ly nước, hay một con chuồn chuồn sắp bị đứa nhỏ của mình ngắt cánh ngắt đuôi. Chúng ta hãy coi chừng, hãy tìm hiểu lý do của tâm trạng hành động nói trên. Có khi đó là do quan niệm sai lầm tưởng rằng làm những việc vĩ đại, lớn lao mới là từ thiện, mới là từ bi, còn những việc nhỏ nhặt thì ai làm cũng được, có làm hay không làm cũng không có hậu quả gì; có khi đó là do tánh háo thắng, ham danh chuộng lợi mà làm. Nếu thế thì không phải là dưỡng tánh từ bi, mà trái lại là vùi dập nó sâu thêm dưới lớp si mê, dục vọng của lòng mình. Muốn dưỡng tánh từ bi, ta phải làm tất cả việc lành, tránh các việc dữ, dù to dù nhỏ, dù trước mặt muôn người, hay chỉ một mình ta, dù được khen hay bị chê, dù dể hay khó.

Muốn dưỡng tánh từ bi ta phải tiếp xúc, gần gũi với những cảnh khổ đau của đời. Những người ở luôn trong những dinh thự nguy nga, khó biết được cái cảnh nửa đêm chồn con dưới túp lều tranh khi mưa dột, cái cảnh trốn nắng dưới mái nhà tôn khi giữa trưa. Những người luôn luôn ngồi trên xe ngựa, khó nghe được những tiếng rên khóc bên lề đường, trong xó chợ. Những người ăn mặc ấm áp, sang trọng khó cảm nhận được cái lạnh buốt đến tận xương tủy của những kẻ rách rưới trần truồng. Những kẻ luôn luôn ngồi trước bàn tiệc cao lương, mỹ vị, khi nghe được những tiếng rú, tiếng thét hãi hùng, những cái dãy dụa đớn đau của những gia súc bị làm thịt dưới nhà bếp. Cho nên, muốn trao dồi tình thương, phải gần gũi với cảnh khổ. Thái tử Sĩ Đạt Ta ở trong cung vua, mà cứ nằn nặc xin Phụ Vương ra xem ngoài bốn cửa thành là vì thế. Có thấy, có cảm, có chia xẻ cái khổ cho nhau, mới thương nhau. Có thương nhau mới tìm cách cứu khổ cho nhau. Có cứu khổ được khổ cho nhau thì tình thương mới thêm phấn khởi và phát triển. Tình thương càng phấn khởi và phát triển thì ta còn cám ơn những kẻ đau khổ đã tạo nhân duyên cho tình thương của ta mở rộng và hoạt động mạnh mẽ. Chính những kẻ đau khổ là phước điền nuôi dưỡng lòng từ bi phát sinh và lớn mạnh. Đất hoạt động, đất sống của từ bi là cảnh khổ. Ly cảnh khổ, cây từ bi sẽ mất sanh lực và không thề đâm hoa kết trái được. Cảnh khổ không phải chỉ có trong loài người, mà chung cho cả sinh vật. Cho nên người dưỡng tánh từ bi không phải chỉ cứu giúp loài người đỡ khổ mà còn biết thương yêu gia súc, xem chúng như những người giúp việc trong nhà, tránh làm đau khổ chúng một cách vô ích. Hãy nghĩ rằng chúng cũng có tình mẫu tử, có dạ trung thành, biết đau khổ, biết lo sợ. Chúng ta không nên hất hủi, hành hạ chúng nó. Chúng ta cũng không nên tìm thú vui trong những cuộc săn bắn hay câu cá. Những ai có thể vui thích được trước cảnh tượng đau đớn hãi hùng của những con thú, con chim, con cá, bị bắn giết, sẽ quen dần với những cảnh giết chóc, tàn bạo giữa người và người.

Cho đến cây cỏ, người dưỡng tánh từ bi cũng không nên tàn phá một cách vô ích. Nên nhớ rằng nó cũng có sự sống, và đã có sự sống tất nhiên muốn bảo tồn sự sống. Những kẻ bứng cây sống, trồng cây chết, ngắt hoa, bẻ lá, phá cành mà không có một mục đích gì cả chỉ để thỏa mãn cái tánh ưa thích tàn phá, những người ấy cũng đã làm tổn hại lòng từ bi của mình nhiều lắm. Lòng thương yêu cây cỏ, giúp cho ta nhận thấy được lẽ huyền vi của sự sống, thông cảm với cái chung của muôn vật và trực nhận được cái bản thể của vũ trụ.

Tóm lại, làm được tất cả các việc trên, từ nhỏ đến lớn, từ ddễ đến khó, không bao giờ thối chuyển ngã lòng; mở rộng mãi lòng từ bi cho nó bao trùm được cả pháp giới: Như thế là dưỡng tánh từ bi của Phật, mà mỗi chúng ta đều có sẵn ở trạng thái tiềm tàng trong tâm chúng ta.