I.- ĐỊNH NGHĨA
Hỷ là vui hay muốn nói cho đủ là tùy hỷ: vui theo, cùng vui với người khác. Phản nghĩa của hỷ là ưu (buồn phiền).
Xả là bỏ, không chấp, không ghi giữ trong lòng. Phản nghĩa của xả là cố chấp.
Hỷ xả là hai hạnh lành, có hai nghĩa, hai phạm vi, nhưng thường người ta
hay nói chung với nhau, vì chúng nó có tương quan mật thiết, làm nhân
làm quả cho nhau.
Trong một tầng bậc thấp thì xả làm nhân cho hỷ, nghĩa là muốn vui theo
với người, muốn làm cho người vui, thì trước tiên mình phải đừng chấp,
phải xả bỏ những điều ngang trái, những điều thiệt thòi sỉ nhục mà người
khác đã làm cho ta. Nếu ta chưa có thể bỏ qua những điều ấy được thì
không thể nào ta vui được và làm cho người khác vui được.
Nhưng trong một từng bực cao hơn, hỷ cũng cần phải xả. Nếu chấp chặt cái
hỷ ấy, cho nó là nấc thang cuối cùng mà không rời nó để tiến lên nữa,
thì cái hỷ ấy rất dễ trở thành ưu.
II.- TÁNH CHẤT CỦA HỶ XẢ TRONG ĐẠO PHẬT
Hỷ của đạo Phật không có nghĩa là vui đùa một cách vô tư, không phải là
không cho cái gì là quan trọng, không phải là "phớt qua" tất cả, để được
vui cười một cách ào ạt, sôi nổi "rồi ngày mai ra sao thì ra". Hỷ đây
không phải là buông thả cõi lòng để vui theo những cảnh dục lạc ở đời,
cũng không phải là tán thành, tùy hỷ để cho người ta làm quấy, làm ác.
Hỷ của đạo Phật là vui theo những điều chân thiện, mỹ; là vui vì thấy
người khác tạo nhân lành, được quả tốt; là vui vì mình làm cho người và
chúng sanh được vui. Cái vui ở đây phát sanh từ lòng từ bi, bình đẳng,
chứ không phải là vì một lý do ích kỷ nào khác, cái vui bao la rộng lớn
toàn thiện, có tánh cách giải thoát, thanh tịnh, chứ không phải hẹp hòi,
thiển cận. Cái xả ở đây cũng không phải chỉ là sự tha thứ, khoan dung
đối với những ai đã làm ta đau khổ; không phải chỉ là sự vứt bỏ ra khỏi
lòng ta những bực bội, xót đau mà người khác đã gieo vào lòng ta; không
phải chỉ là bỏ qua những gì trái tai gai mắt đối với ta. Xả ở đây có
tánh cách tuyệt đối, nghĩa là bỏ ra ngoài tất cả, không chấp trước một
cái gì, dù là vật chất hay tinh thần, dù là xấu xa hay tốt đẹp, dù là ở
địa vị phàm phu hay đã chứng được quả thánh. Nếu còn chấp trước nắm giữ
một cái gì là còn cái ngã, mà còn cái ngã là còn tất cả, nghĩa là còn
chưa giải thoát.
Nói như thế không có nghĩa là người tu hành phải nhắm mắt bịt tai để
không thấy, không nghe gì cả; không phải là dửng dưng trước mọi sự mọi
vật như đá, như gỗ, không phải là không làm gì cả, đứng khoanh tay như
tượng đá - Không! Người theo hạnh xả vẫn thấy, vẫn nghe, nhưng không đắm
sắc, mê thanh, không để cho mình vương vấn vào cái thấy cái nghe ấy;
người theo hạnh xả vẫn làm việc, làm việc nhiều hơn ai cả, nhưng vẫn
không thấy mình có làm gì cả, nhất là khi làm được những việc có kết quả
tốt đẹp.
III.- CÔNG NĂNG CỦA HỶ XẢ
Nếu đem so sánh với tánh nhẫn nhục thì hỷ xả còn cao hơn một bậc. Tánh
nhẫn nhục làm cho ta không phát ra nóng giận, bực tức, làm cho ta có sức
chịu đựng những khổ nhục, đau xót ở đời; nó cản ngăn cái xấu không cho
phát ra. Còn tánh hỷ xả làm cho lòng ta nhẹ nhàng thư thái phát ra cái
vui hồn nhiên trong sáng. Nhẫn nhục như người đang gánh một gánh nặng,
phải luôn luôn cố gắng đi cho đến đích. Hỷ xả như người đã trút được
gánh nặng, thân xác nhẹ nhàng, tâm hồn khoan khoái, vui vẻ, không bận
tâm về một điều gì nữa. Nhẫn nhục như người điều phục voi dữ, luôn luôn
phải đề phòng, lao tâm khổ trí, để cho nó khỏi phá phách. Hỷ xả như
người cởi ngựa hay đã thuần, có thể thảnh thơi ngao du đây đó, mà không
cần chú ý đến con vật mình đang cởi.
Do đó, người có tánh hỷ xả, bao giờ nét mặt cũng vui tươi, nụ cười luôn
luôn nở rộng trên môi, tâm hồn sáng sủa, phóng khoáng như một gian phòng
rộng, mà tất cả các cửa đều mở toang cho ánh sáng không khí tràn vào.
Người hỷ xả luôn luôn được cảm mến và được tiếp đón nồng hậu khắp nơi,
vì đã gây được tín nhiệm và đem không khí hòa vui lại cho mọi người.
Riêng đối với mình, người có tánh hỷ xả không bao giờ bị phiền não quấy
nhiễu, không có thù địch ngăn lại, được nhiều trợ duyên cho nên dễ tiến
bước trên đường đạo và mau chứng quả Bồ đề.
IV.- GƯƠNG HỶ XẢ CỦA ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI
Hình ảnh đức Bổn sư đã được người đời sau tạc lại trong các pho tượng
với nụ cười hiền hòa, thanh thoát ở trên môi. Nụ cười ấy tượng trưng cho
lòng từ bi, hỷ xả của Ngài. Một pho tượng không có được nụ cười ấy cũng
như không có được đôi mắt tượng trưng cho trí tuệ, pho tượng ấy chưa
phải là tượng đức Bổn Sư Thích Ca, vì nó thiếu mất những đức tánh căn
bản cần thiết đã đưa ngài lên địa vị Phật, và đã làm cho người đời sau
phân biệt được ngài với các vị Giáo chủ khác.
Về vật chất, đức Phật trước khi xuất gia đã hoan hỷ xả bỏ những gì quí
báu nhất mà người phàm phu ít có thể có được: ngai vàng, điện các, ăn
ngon, mặc ấm, ngọc ngà, châu báu, vợ đẹp, con ngoan...
Về tinh thần, ngài xả bỏ tất cả những gì xấu xa mà con người có thể có,
do vô minh, di truyền, tập quán, nghiệp báo gây nên. Ngài bỏ qua tất cả
những ác ý và hành động nhiễu hại Ngài, của bọn Đề bà đạt đa, A xà thế,
chàng Vô não, cô gái ngoại đạo độn bụng vu oan cho Ngài... Ngài đã không
chấp nhất, buồn phiền, mà còn thường xót tế độ cho họ.
Ngài xả bỏ luôn tất cả những kết quả tốt đẹp mà ngài đã thành tựu, làm
tất cả mọi việc quý báu trên đời mà vẫn tự thấy không làm gì cả. Ngài
hoan hỷ bỏ dần, bỏ dần cho đến khi không còn gì để bỏ nữa. Ngài bỏ ra,
bỏ ra tất cả, với một nụ cười trên môi, một nỗi thanh thoát trong lòng.
Ngài vui cái vui của người khác, vui như cái vui của người mẹ khi thấy
con nhỏ bập bẹ nói những tiếng đầu tiên, hay bước những bước chập chững.
Cái vui của Ngài không phân biệt thân sơ, không có từng bậc cao thấp,
thoát ra ngoài vòng bỉ, thử, bao giờ cũng hồn nhiên trong sáng. Nỗi vui
ấy đã được thể hiện trong nụ cười bất tận ở trên đôi môi những pho tượng
của ngài, và đã làm cho tất cả Phật giáo đồ trên thế giới cảm mến, kính
yêu.
V.- NGƯỜI PHẬT TỬ PHẢI DƯỠNG TÁNH HỶ XẢ NHƯ THẾ NÀO TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Trước tiên trong phạm vi thấp nhất, người Phật tử phải tập tánh khoan
hòa độ lượng, biết tha thứ những lỗi lầm của người chung quanh. Đừng ghi
vào lòng, đừng chấp nệ những lời nói, cử chỉ, hành động không đẹp đẽ
của người khác đối với ta. Hãy nghĩ rằng đó là những điều sơ xuất vì vô
tình hay vụng về mà ra. Nếu ta có bằng chứng về lòng xấu xa, độc ác của
người muốn hại ta đi nữa thì cũng nên tự nhủ rằng những người ấy đáng
thương hơn đáng trách, vì họ thiếu sáng suốt, thiếu căn lành; và sự
thiếu thốn ấy sẽ đem lại cho đời họ nhiều đau khổ lắm rồi ta không nên
làm cho họ đau khổ hơn nữa. Nếu ta ôm ấp những nỗi bực tức oán thù thì
ta chỉ tạo cho ta thêm nhiều đau khổ, như ta bị bắn trúng mũi tên độc mà
không chịu rút ra. Ta sẽ mất ăn mất ngủ, mất thì giờ, mất bình tĩnh
trong công việc làm ăn, tu học. Ta sẽ ung độc đời ta một cách khờ dại,
vô ích; và ung độc luôn cả gia đình, xã hội trong ấy ta đang sống nữa.
Tiến lên một tầng cao hơn, ta phải tập biến dần tánh thù ghét ra thành
tánh hoan hỷ. Thấy người khác thành công, ta không ghanh ghét, dù đó là
kẻ đã làm cho ta đau khổ! Trái lại, ta còn vui mừng với họ, hoan hỷ tán
thán sự thành công của họ, nhất là khi sự thành công ấy tiến về nẻo
thiện, hướng đến mục đích giải thoát.
Tiến lên một tầng cao hơn nữa, ta phải tập xả bỏ những gì ta quý báu dù
vật chất hay tinh thần. Có bỏ bớt hành lý nặng nề, ta mới đi xa được,
mới lên cao được. Nếu ta ôm giữ một cái gì, thì cái ấy chỉ làm vướng
chân ta, níu ta lại. Trong đời, ta thường thấy những người giàu có bao
nhiêu, chức phận bao nhiêu, lại bận bịu, vương vấn bấy nhiêu, như chim
vướng phải lưới, càng gỡ càng mắc thêm.
Về phương diện tu hành cũng thế, những người chứng được quả nầy quả khác
mà chấp chặt quả ấy thỏa mãn với sự thành công của mình, những người cố
chấp như thế, không bao giờ tiến được xa. Cho nên người Phật tử phải
tập xả dần, xả tất cả. Con tằm sở dĩ thành bướm bay lượn đó đây, vì nó
đã rời bỏ cái kén, dù đó là một cái kén bằng tơ vàng óng ánh, ấm áp, đẹp
đẽ mịn màng vô cùng. Cùng một nghĩa ấy, Đức Phật có dạy: "Niệm mà không
chấp có niệm mới là niệm, hành mà không chấp có hành mới là hành, nói
mà không chấp có nói mới là nói, tu mà không chấp có tu mới là tu" (Kinh
42 chương).
Nhưng xả mà buồn rầu thì tốt hơn là đừng xả. Xã không phải là một sự hy
sinh thường làm cho người hy sinh phải đau khổ. Xả mà còn tiếc nuối, còn
than thở cho cái mà mình đã bỏ đi, xả với bộ mặt buồn rầu, than khóc
như kẻ đi đưa đám ma, xả như thế, nào có ích gì?
Xả phải đi đôi với hỷ. Phải xả với vẻ mặt hân hoan, vui mừng như người
tù khi tháo gỡ xiềng xích. Ta sung sướng, vui mừng vì thấy mình nhẹ
nhàng, khoan khoái hơn trước. Xả là một cử chỉ tháo gỡ để được giải
thoát, cho nên ta vui mừng; chứ không phải là một sự trói buộc mà phải
khóc than.
Phát triển được tánh hỷ xả như thế, tức là dưỡng tánh hỷ xả của Phật mà ta đã sẵn có, ở trạng thái tiềm tàng trong ta.