Lý tưởng A-la-hán thường được xem là lý tưởng dẫn đạo cho Phật giáo
Nguyên Thủy và và lý tưởng Bồ tát là lý tưởng dẫn đạo của Phật giáo Đại
Thừa. Nhận định này không hoàn toàn đúng, vì truyền thống Nguyên Thủy đã
thể nhập lý tưởng Bồ tát trong giáo lý cơ bản và như vậy đã công nhận
giá trị của quả vị A-la-hán và quả vị Phật đều là hạnh nguyện tu tập của
người xuất gia. Vì thế, nói một cách chính xác hơn thì lý tưởng
A-la-hán và lý tưởng Bồ tát là những lý tưởng dẫn đạo cho cả Phật giáo
Tiền Nguyên Thủy lẫn Phật giáo Đại thừa.
Theo hình thái được
truyền lại cho chúng ta ngày nay, điều quan trọng là chúng ta phải nhận
ra những lý tưởng này bắt nguồn từ nhiều khối lượng văn bản khác nhau
xuất phát từ nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử phát triển Phật giáo.
Nếu chúng ta không cứu xét điều này và chỉ so sánh hai lý tưởng ấy như
đã được mô tả trong các văn bản kinh điển Phật giáo, chúng ta có thể cho
rằng hai lý tưởng này khởi thủy đã được chính đức Phật lịch sử thuyết
giảng, và rồi chúng ta có thể giả định rằng đức Phật – sống và giảng dạy
ở thung lũng sông Hằng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên – đã cho các
đệ tử sự lựa chọn giữa hai lý tưởng này, như thể Ngài đã nói "Đây là lý
tưởng A-La-Hán, có những đặc điểm như thế này, và đó là lý tưởng Bồ tát,
có những đặc điểm như vậy. Hãy chọn con đường nào các người thích". Các
kinh Đại thừa, như là Kinh Bát Nhã Ba La Mật hay Kinh Pháp Hoa, cho
chúng ta cảm tưởng rằng Đức Phật đã giảng dạy cả hai lý tưởng ấy. Tuy
nhiên những kinh này không phải là những bản kinh xưa cổ đầu tiên. Trái
lại, đây là những nỗ lực tương đối về sau này để hệ thống hóa những hình
thái tu tập khác nhau đã phát triển qua một thời gian khoảng 400 năm
sau khi đức Phật nhập Niết bàn.
Văn bản kinh điển Phật giáo cổ
xưa nhất là bộ kinh Nikayas bằng tiếng Pali ( Nam Phạn) và những văn bản
tương đương từ những trường phái đầu tiên (được lưu lại trong bộ kinh
A-Hàm bằng chữ Hán )- đã mô tả lý tưởng của đệ tử Phật là quả vị
A-la-hán. Kinh Đại thừa được hình thành một vài thế kỷ sau bằng tiếng
Sankrit ( Bắc Phạn), đã mô tả lý tưởng Bồ tát là hạnh nguyện của đệ tử
theo tông phái Đại thừa. Giờ đây, một số người tranh luận rằng bởi vì
A-la-hán là lý tưởng của Phật giáo Nguyên thủy, trong lúc Bồ tát là lý
tưởng của tông phái Đại thừa sau này, như vậy thì Đại thừa phải là tông
phái Phật giáo tiến bộ hơn hoặc phát triển cao hơn, một giáo lý thượng
thừa so với giáo lý đơn giản và có tính chất căn bản của bộ kinh
Nikayas. Đây quả thật là một thái độ rất phổ biến trong những tín đồ
theo Đại thừa, mà tôi sẽ gọi là ' Phái thượng căn Đại thừa". Có một thái
độ đối lập rất phổ biến trong những người bảo thủ cổ xúy cho giáo lý
kinh Nguyên thủy Nikayas, một thái độ mà tôi sẽ gọi là "Phái Nguyên thuỷ
thuần túy", những người này bác bỏ hoàn toàn những phát triển sau này
của lịch sử tư tưởng Phật giáo như là một sự lệch lạc biến dạng, xa hẳn
"tinh thần trong sáng ban đầu" của giáo lý xưa cổ. Các vị theo Nguyên
thủy thuần túy chỉ chấp nhận lý tưởng A-la-hán là có giá trị và đôi lúc
đã bác bỏ lý tưởng Bồ tát một cách mạnh mẽ.
Tôi cố gắng tìm một
quan điểm công bằng cho vấn đề kinh tạng Nguyên thủy và Đại thừa nhìn từ
hai góc độ khác nhau, một quan điểm có thể dung nạp sức mạnh của cả hai
mà không rơi vào một sự hòa hợp dễ dãi, xuề xòa, không xóa bỏ những bất
đồng về mặt khái niệm giữa hai phái, không từ bỏ tính trung thực đối
với những văn kiện có tính cách lịch sử (tuy nhiên vẫn công nhận rằng
những văn kiện ấy không phải là hoàn toàn trong sáng và không có thiên
vị ). Điều này không dễ chút nào. Sẽ đơn giản hơn nhiều khi chấp nhận
lập trường của phái ' Nguyên thủy thuần túy' hay 'Thượng căn Đại thừa'
và giữ chặt quan điểm ấy không thay đổi. Tuy nhiên, cả hai lập trường
này đều có vấn đề ở chỗ cả hai đều bắt buộc phải bỏ qua những sự kiện
không thuận lợi cho họ. Mặc dù tôi đã xuất gia theo tông phái Nguyên
thủy, trong bài tham luận này, tôi sẽ không bảo vệ cho ý kiến của một
tông phái nào, hoặc cố gắng ủng hộ một quan điểm có tính cách bộ phái.
Mục đích của tôi là rút ra từ kinh điển những gì kinh đã nói rõ ràng, và
những gì kinh ngụ ý muốn nói, về hai lý tưởng mang tính cạnh tranh nhau
trong đời sống của người Phật tử. Cuối cùng, khi tôi rút ra kết luận,
tôi sẽ nói rõ kết luận là như vậy, và kết luận này hoàn toàn của riêng
tôi. Đôi lúc tôi sẽ không rút ra kết luận, thay vào đó, tôi sẽ đặt câu
hỏi, vạch ra những vấn đề trong lịch sử Phật giáo mà tôi biết rõ, mà tôi
không có may mắn để giải quyết được. Rất có thể những gì tôi cho là
quan điểm quân bình và tế nhị này sẽ bị những người cổ vũ cho cả hai
tông phái đả kích.