Phật học cơ bản
A La Hán, Phật Và Bồ Tát
Ánh Ngọc St
30/06/2556 02:45 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Trong phần trình bày này, tôi muốn dùng việc phân tích lịch sử để phá bỏ khuôn mẫu cố định xưa cũ và những thành kiến đã chia rẽ tín đồ của hai tông phái chính của Phật giáo. Từ đó chúng ta có thể xây dựng sự hoà hợp của hai tông phái một cách lành mạnh chứ không mang tính cạnh tranh nhau. Hai khuôn mẫu cố định xưa cũ như sau :

1) Các vị A-la-hán và Phật tử phái Nguyên thủy chỉ quan tâm đến việc tự giải thoát chính mình, chứ không quan tâm đến lợi lạc của kẻ khác, họ có chủ đích hẹp hòi về vấn đề giải thoát cá nhân, bởi vì họ "sợ hãi vòng sinh tử", và vì vậy ít có lòng từ bi đối với kẻ khác, và không đảm nhận các hoạt động nhằm đưa đến lợi lạc cho kẻ khác.

2) Đệ tử của lý tưởng Bồ tát và các Phật tử theo phái Đại thừa, quá quan tâm đến các công tác xã hội nhắm mục đích làm lợi lạc cho kẻ khác đến nỗi họ không thực hiện việc tu tập mà Đức Phật đã giáo huấn các đệ tử, chẳng hạn như, điều phục tâm và phát triển trí tuệ. Họ đã quá bận rộn với các nhiệm vụ xã hội nên đã từ bỏ việc tu tập thiền định.

Tôi sẽ nói đến hai khuôn mẫu cố định này theo thứ tự, và bắt đầu với khuôn mẫu các vị A-la-hán cổ đại. Mặc dù Đức Phật là vị tiền phong trong việc khám phá ra con đường giải thoát, điều này không có nghĩa là các vị đệ tử A-la-hán của Ngài chỉ gặt hái một cách ích kỷ những lợi lạc của con đường ấy mà không làm gì cho chúng sanh. Trái lại, chúng ta đã tìm thấy trong kinh điển rất nhiều vị đã tự mình trở thành những bậc thầy vĩ đại có khả năng hướng dẫn kẻ khác đi đến giải thoát. Những vị nổi tiếng nhất trong số đó là Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Đại Ca-Chiên-Diên, Ngài Mục Kiền Liên và Ngài A Nan. Có tôn giả Phú-Lâu-Na đã đi đến một vùng quê man rợ là Suncparanta, chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng để giảng pháp cho dân chúng ở đó. Có những nữ tôn giả như Khema và Dhammadina là những vị giảng sư xuất chúng. Nữ tôn giả Patacaca, một bậc ni sư về giới luật, và nhiều vị khác nữa. Trải qua 400 năm, kinh Phật được truyền khẩu, truyền từ thầy sang đệ tử, và rõ ràng đã phải có hằng ngàn tăng ni đã cống hiến cuộc đời để học kinh và dạy lại cho học trò, tất cả chỉ vì mục đích duy trì Phật pháp cho thế gian.

Những tấm gương sáng do các vị đại đệ tử của Đức Phật tạo nên đã là mẫu mực cho những Phật tử đi theo con đường A-la-hán trong suốt lịch sử. Trong lúc những vị theo đuổi lý tưởng A-la-hán không phát những hạnh nguyện cao thượng như những vị chọn lý tưởng Bồ tát, họ được khơi nguồn cảm hứng nhờ tấm gương của Đức Phật và các vị đại đệ tử của Ngài để hoạt động nhằm mục đích nâng cao đạo đức và tâm linh của chúng sanh với tất cả khả năng của họ: bằng cách giảng dạy, bằng cách nêu gương, bằng ảnh hưởng tâm linh trực tiếp, họ đã được khơi nguồn cảm hứng theo mệnh lệnh của Đức Phật là: "Hãy ra đi để làm lợi lạc cho chúng sanh, vì hạnh phúc của chúng sanh, vì lòng từ bi đối với thế gian, vì lợi ích, an lạc, và hạnh phúc cho chư thiên và loài người".

Mẫu mực đời sống của một đệ tử theo lý tưởng A-la-hán phù hợp với mẫu mực đời sống của Đức Phật trong nhiều phương diện. Tôi lấy ví dụ về những vị có thể chưa thật sự đắc quả A-la-hán nhưng đang tu tập theo mẫu mực này và đã đạt đến một giai đoạn chứng đắc tâm linh cao hơn. Trong giai đoạn đầu của đời sống xuất gia, họ có thể đi đến một ngôi chùa trong rừng hay một trung tâm thiền định để được một vị thầy đạo đức cao trọng huấn luyện. Rồi sau khi đã đạt đến một mức độ trưởng thành đủ để có thể tự mình tu tập, họ sẽ đi sống riêng một mình để phát triển công phu tu tập trong một thời gian chừng năm năm hoặc hơn. Rồi, vào một thời điểm nào đó, thành quả tu tập của họ bắt đầu có ảnh hưởng đến người khác. Họ có thể bắt đầu giảng dạy theo sáng kiến của mình, hoặc vị thầy của họ có thể yêu cầu họ bắt đầu giảng dạy, hoặc những học trò tương lai có thể nhận thức rằng các vị tỳ kheo này đã đạt đến một trình độ cao siêu nào đó và yêu cầu những vị này hướng dẫn họ. Từ lúc này trở đi, các vị tỳ kheo ấy bắt đầu thuyết giảng, và sẽ đến lúc họ có thể trở thành những vị thầy hướng dẫn tâm linh đáng kính trọng, với nhiều đệ tử và nhiều trung tâm tu học đặt dưới sự hướng dẫn của những vị tỳ kheo này.

Trái ngược với hình ảnh " giải thoát riêng mình một cách ích kỷ" mà những Phật tử Đại thừa đã gán cho những vị tu theo hạnh A-la-hán và những vị theo Thanh văn thừa, những vị thầy xuất sắc nhất của truyền thống Nguyên thủy thường giảng dạy cho hàng ngàn đệ tử xuất gia và tại gia. Có nhiều vị làm việc một ngày mười giờ hoặc hơn. Ví dụ, trong thời gian gần đây, Thượng tọa Mahasi Sayadaw ở Miến điện đã thiết lập hằng trăm trung tâm thiền định ở Miến và đã làm chủ tọa Hội Đồng Phật Giáo Thứ Sáu; Ngài Ajahn Chah đã có một tu viện chính và nhiều tu viện chi nhánh ở Thái lan, Thượng tọa Pa Auk Sayadaw, U Pandita, và Ngài Blante Gunaratana – là những vị thiền sư Nguyên thủy hiện nay – đã du hành khắp thế giới để hướng dẫn các khóa tu; Ngài Ajahn Mahaboowa, vào tuổi 93 đã nổi tiếng là một bậc A-la-hán, đã hổ trợ 60 bệnh viện ở Thái lan, và thường xuyên thăm viếng bệnh viện để an ủi bệnh nhân và phân phát thuốc men. Những vị không có khả năng hoạt động như các vị thiền sư vẫn có thể trở thành những giảng sư về triết lý và giáo lý đạo Phật và cống hiến cuộc đời của họ một cách vị tha để hướng dẫn quần chúng hiểu được Phật pháp, hoặc bằng cách huấn luyện tăng ni, hướng dẫn Phật tử tại gia, giảng dạy trong các trường thuộc tu viện Phật giáo, hay thuyết pháp tại các chùa Phật giáo.

Theo quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy, hoạt động xã hội dĩ nhiên là rất đáng ca ngợi, nhưng trong số tất cả các công đức có thể hiến tặng cho kẻ khác, bố thí pháp vẫn là công đức cao quí nhất. Như vậy, việc theo đuổi con đường giải thoát của một vị A-la-hán không phải là một nỗ lực cá nhân riêng tư, mà có một ảnh hưởng sâu rộng và có thể tác động lên toàn xã hội. Trong các quốc gia theo truyền thống Nguyên thủy, trước khi có ảnh hưởng hư hỏng của Tây phương tràn vào, cả sinh hoạt của cộng đồng xoay quanh sinh hoạt Phật sự. Các vị tỳ kheo tu thiền trong rừng núi là nguồn cảm hứng và gương mẫu cho xã hội, những vị thuyết pháp và giảng dạy trong làng đã giúp truyền bá Phật pháp vào đại chúng. Cộng đồng Phật tử tại gia, từ vua cho đến dân làng, đều thấy nhiệm vụ chính của họ là hộ trì tăng chúng. Vì vậy mục đích tối thượng của quả vị A-la-hán đã trở thành mục tiêu của toàn hệ thống xã hội, được khơi nguồn cảm hứng và duy trì bền vững nhờ lòng tận tâm phục vụ Phật pháp.

Những vị tìm đến cứu cánh Niết bàn không chờ đến lúc các ngài đắc quả A-la-hán mới bắt đầu công tác hoá độ chúng sanh. Trong hệ thống này, bố thí được xem là nền tảng của tất cả mọi đức hạnh khác, đó là công đức đầu tiên và cũng là hạnh đầu tiên của thập độ Ba-la-mật. Như vậy, kinh tạng Pali, và các vị tăng lúc thuyết pháp đều khuyến khích quần chúng bố thí hết sức mình. Các Phật tử tại gia hộ trì tăng chúng với những nhu cầu đơn giản như thực phẩm, y áo, chỗ ở và thuốc men. Họ cũng bố thí rộng rãi cho những người nghèo khó và tàn tật. Ví dụ, ở Sri Lanka, những cuộc vận động hiến máu rất phổ biến trong các ngày nghỉ lễ Phật giáo, và nhiều người đã hiến mắt cho ngân hàng mắt,và hiến các cơ phận của họ sau khi chết cho các công trình nghiên cứu khoa học. Tôi biết mới đây ở Sri Lanka, hơn 200 vị tăng đã hiến thận, và không hề có ý nghĩ được đền bù hay được lợi lộc riêng, mà chỉ vì họ muốn có cơ duyên được bố thí một phần thân thể họ mà thôi. Các vị tăng có kiến thức Phật pháp và có biện tài trở thành các vị thầy thuyết pháp và giảng sư. Những vị có khả năng quản lý có thể trở thành những người phụ trách hành chánh quản lý các tu viện. Một số ít có động cơ mạnh mẽ muốn nỗ lực để đạt được giải thoát ngay trong đời này sẽ dành trọn tâm trí để hành thiền trong các cốc nhỏ trong rừng. Các vị thiền sư đã đạt đạo sẽ cống hiến thời giờ để giảng dạy thiền tập và cũng sẽ cố gắng dành thời giờ trau dồi công phu tu tập của mình. Đôi lúc các vị ấy phải trì hoãn công phu tu tập để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy.

Đã có quá nhiều hiểu lầm liên quan đến lý tưởng A-la-hán, và bây giờ đến lượt lý tưởng Bồ tát. Tôi nghĩ rằng sẽ quá đơn giản khi đồng hoá việc theo đuổi hạnh nguyện Bồ tát với việc tham gia công tác phuc vụ xã hội, và cho rằng vị Bồ tát đã từ bỏ công phu tu tập trên con đường giải thoát. Theo sự hiểu biết của tôi, nền tảng của Bồ tát đạo là phát khởi tâm bồ đề, là nguyện vọng đạt đến giác ngộ tối thượng. Tâm này chỉ phát khởi qua tinh tấn tu tập thiền định. Theo những nguồn văn bản có thẩm quyền về thiền định của Phật giáo Đại thừa, để phát khởi tâm bồ đề, hành giả phải rèn luyện tâm thức một cách có hệ thống để có thể nhận thấy tất cả chúng sanh đều như cha mẹ, anh chị em của mình, và khởi tâm từ bi vô lượng đối với họ, cho đến khi tri giác ấy trở thành hoàn toàn tự nhiên. Điều này không dễ chút nào. Tôi đã đọc bài viết về đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài nói chính Ngài đã cảm nhận được tâm bồ đề đích thực trong một vài lần mà thôi, mỗi lần kéo dài một lúc thôi, điều này cho chúng ta đôi chút khái niệm về việc đạt được tâm bồ đề là khó khăn như thế nào. Tâm bồ đề không thể đạt được bằng cách thỉnh thoảng tham gia một ít công tác xã hội rồi tự tin rằng mình đã phát khởi tâm bồ đề.

Đúng là vị Bồ tát phát nguyện làm lợi lạc cho chúng sanh theo con đường rộng lớn hơn đệ tử của Thanh văn thừa, nhưng tất cả nỗ lực ấy có vẻ hời hợt nếu chúng không đươc hổ trợ bởi tâm bồ đề. Ngoài việc phát nguyện tâm bồ đề, vị Bồ tát phải áp dụng tâm bồ đề qua việc thực hành lục độ Ba-la-mật và những hành động hy sinh quên mình của vị đại Bồ tát. Lục độ ba-la-mật bắt đầu bằng bố thí ba-la-mật. Hoạt động xã hội chắc chắn có thể xếp vào hạnh này, vì nó liên hệ đến tài thí và vô úy thí. Nhưng những việc bố thí đó, dù có giá trị như thế, cũng không thể sánh bằng giá trị của việc bố thí pháp, vì bố thí pháp đưa đến chấm dứt vĩnh viễn mọi khổ đau. Để có đủ khả năng bố thí pháp đòi hỏi những kỹ năng vượt xa các công tác xã hội.

Hạnh ba-la-mật tiếp theo là trì-giới ba-la mật, việc tham gia công tác xã hội có thể được xếp vào hoạt động đạo đức vị tha, những hành động có lợi ích cho kẻ khác. Trong lúc tham gia công tác xã hội, vị Bồ tát cũng phải tu tập hạnh nhẫn nhục - nhẫn nhục chịu đựng các hoàn cảnh khó khăn, nhẫn nhục chịu đựng sự xem thường và xúc phạm của kẻ khác, như vậy vị này đã hoàn thành hạnh nhẫn nhục ba-la-mật. Và công tác xã hội đòi hỏi năng lực tinh tấn. Điều này giúp hành giả hoàn thành hạnh nguyện tinh tấn ba-la-mật. Như vậy tham gia công tác xã hội có thể đóng góp vào việc hoàn thành bốn hạnh nguyện trong lục độ ba-la-mật.

Nhưng vị Bồ tát cũng phải hoàn thành viên mãn hạnh nguyện thiền định ba-la-mật và trí tuệ ba-la-mật, và hai hạnh này đòi hỏi việc thực hành nếp sống thiền. Kinh Bát Nhã Ba-la-mật nói rằng trí tuệ ba-la-mật hướng dẫn và điều khiển năm hạnh ba-la-mật kia, và năm hạnh ba-la-mật chỉ trở thành "viên mãn" hay những đức hạnh siêu thế gian khi nào năm hạnh này được nối kết với trí tuệ ba-la-mật. Nhưng trí tuệ ba-la-mật chỉ có thể đạt được qua thiền định, bằng cách sống một cuộc đời tương tự như vị tu theo hạnh A-la-hán.

Những kinh tiền-Đại- thừa, như Kinh Chư Hiền Giả ( Ugrapariprccha), không khuyên các vị Bồ tát xuất gia cấp bậc sa-di nên tham gia công tác xã hội, mà họ đã chỉ đường cho các vị sa-di ấy đi vào rừng và căn dặn các vị ấy dành trọn nỗ lực để tu tập thiền định. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử Phật giáo Đại thừa, dù ở Ấn độ, Trung hoa hay Tây tạng, chúng ta sẽ thấy những vị đại sư Đại thừa như ngài Long Thọ ( Nagarjura), Vô Trước (Asanga), và A-Đề-Sa (Atisha) ở Ấn Độ; ngài Huệ Năng ( Hui-Neng), Trí Khải ( Zhi-Yi) và Huyền Trang ( Xuan Zang) ở Trung hoa; ngài Lonchen, Gampola và Tsongkhapa ở Tây tạng; đều không nổi tiếng về việc tham gia công tác xã hội, nhưng nổi tiếng nhờ những thành tựu của họ như những triết gia, học giả hay Thiền sư. Chính Đức Phật đã chứng đắc quả vị cao nhất về thiền định. Vì các vị Bồ tát nhắm mục đích thành Phật, điều tự nhiên là họ phải rèn luyện thật hoàn hảo những kỹ năng thiền định, vốn là đặc điểm của một vị Phật.

Mặc dù động cơ và nền tảng triết lý đối với những vị đệ tử theo Bồ tát thừa khác với các vị đệ tử theo Thanh văn thừa, nếp sống của những vị đệ tử thuộc cả hai tông phái không khác nhau nhiều. Hình ảnh quen thuộc phổ biến của vị A-la-hán ẩn cư, đơn độc và hình ảnh rất tích cực hoạt động và thân tiện với quần chúng của vị Bồ tát thật ra chỉ là giả tưởng. Trong đời sống thực tế, cả hai giống nhau nhiều hơn người ta vẫn tưởng. Những vị A-la-hán, và những người tìm cầu quả vị A-la-hán, thường hoạt động để cải thiện đời sống vật chất và tâm linh của chúng sanh. Các vị Bồ tát và những người có nguyện vọng theo Bồ tát hạnh, thường phải trải qua nhiều thời gian dài nhập thất hành thiền để tu tập những kỹ năng thiền định vốn rất cần thiết để họ có thể đạt đến quả vị Phật. Họ cũng phải học tất cả giáo lý và con đường của Thanh văn thừa, tuy không cần phải thực hiện con đường ấy. Các vị theo Bồ tát đạo phải học để biết nhập định, thực hành thiền định và cuối cùng phải trở thành thiện xảo với những pháp môn này. Các vị ấy sẽ phải quán chiếu Tam pháp ấn của Phật giáo là vô thường, khổ và vô ngã. Các vị ấy phải đạt được tri kiến tối thượng về Tam pháp ấn ấy. Những vị này khác với các vị Thanh văn ở chỗ là các vị Thanh văn nhằm mục đích dùng tri kiến tối thượng để đạt đến Niết bàn. Một vị Bồ tát sẽ kết hợp công phu tu tập của mình với tâm bồ đề, với những hạnh nguyện Bồ tát, và lòng từ bi vô lượng. Nhờ được nâng đỡ bởi các hạnh nguyện ấy, một vị Bồ tát sẽ có thể quán chiếu bản chất của thực tại mà không đắc quả Niết bàn cho đến khi vị ấy đã viên mãn tất cả những đức hạnh toàn thiện của quả vị Phật. Trong số các hạnh nguyện ấy là hạnh bố thí và hồi hướng công đức về khắp tất cả chúng sanh. Nhưng bố thí pháp là bố thí tối thượng mà một hành giả có thể hiến tặng cho người khác, và công đức tối thượng mà một hành giả có thể hồi hướng cho chúng sanh là giảng dạy Phật pháp và hướng dẫn họ thực hành Phật pháp. Mặc dù một vị Bồ tát dĩ nhiên có thể tham gia các hoạt động xã hội như một biểu hiện của lòng từ bi, nhưng để đạt được những giai đoạn cao hơn của bồ tát đạo, vị hành giả sẽ cần nhiều kỹ năng khác hơn là các kỹ năng dùng trong công tác xã hội, những kỹ năng này gần giống với kỹ năng của vị tu theo hạnh A-la-hán.