Tuy nhiên, cũng không hẳn đúng khi nói rằng yếu tố ưu tiên về thời gian
là điểm duy nhất phân biệt Đức Phật với các vị A-la-hán. Để đưa ra điểm
khác biệt, tôi muốn lấy hai công thức quen thuộc được dùng rất nhiều
trong các văn bản kinh điển, một công thức cho Đức Phật và một cho các
vị A-la-hán. Tôi đã trích dẫn lời mở đầu ca tụng Đức Phật, nay tôi xin
được trích dẫn đầy đủ : " Ngài là bậc Ứng cúng (A-la-hán), Chánh biến
tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ , Điều ngự
trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật , Thế Tôn".
Có mười danh hiệu
trong câu tán thán Phật. Trong số mười danh hiệu này, bốn danh hiệu cũng
được dùng cho các vị đệ tử là: Ứng cúng, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Bậc
Giác ngộ (Phật); sáu danh diệu chỉ dùng riêng cho Đức Phật là: Chánh
biến tri, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn
sư, Thế Tôn. Cần ghi nhận là trong năm danh hiệu ấy, ba danh hiệu (Vô
thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư) rõ ràng nói lên ý nghĩa
đặc biệt của Đức Phật đối với mọi người, trong lúc theo tôi hiểu, thì ý
nghĩa này cũng bao hàm trong chữ 'Bhagava'. Ngay cả thuộc từ mang ý
nghĩa tuệ giác cũng có chủ ý chứng tỏ rằng Ngài là bậc có thẩm quyền
đáng tin cậy, nghĩa là, nhờ tuệ giác của Ngài, người khác có thể tín
nhiệm Ngài như một bậc dẫn đường cho họ. Vì thế khi Đức Phật được tán
thán như là ' Samma Sambudha', là một 'Bậc Chánh biến tri', điều này làm
nổi bật không những sự giác ngộ trọn vẹn của Ngài mà còn là địa vị thẩm
quyền và đáng tin cậy của Ngài như một bậc thầy hướng dẫn tâm linh.
Công
thức dành cho các vị A-la-hán như thế này: "Vị tỳ kheo này là một bậc
A-la-hán, người đã đoạn trừ các lậu hoặc, đã sống đời phạm hạnh, đã làm
những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã viên mãn cứu cánh, đã
hoàn toàn đoạn tận các kiết sử, người đã giải thoát hoàn toàn nhờ đạt
được tri kiến rốt ráo". Tất cả các thuộc từ này cũng đúng đối với Đức
Phật, nhưng Đức Phật không được mô tả theo cách này, vì những từ ngữ này
nhấn mạnh đến việc thành tựu giải thoát của chính mỗi cá nhân, và Đức
Phật được ca ngợi, trước hết không phải là một vị đã đạt được giải thoát
cho riêng mình, mà là người đã mở cánh cửa giải thoát cho mọi người.
Nghĩa là, ngay cả trong những bài kinh cổ điển của tạng Nguyên thủy, ý
nghĩa " có quan tâm đến kẻ khác" đã được dùng một cách tế nhị để mô tả
địa vị của Đức Phật, nhưng đã không dùng để mô tả các vị A-la-hán.
Theo
kinh tạng Nguyên thủy, nội dung của sự giác ngộ của Đức Phật không khác
với các vị A-la-hán về mặt phẩm chất, sự giác ngộ này đóng một vai trò
khác trong điều mà chúng ta có thể gọi là một kế hoạch vĩ đại để cứu độ
toàn thể chúng sanh trong vũ trụ. Sự giác ngộ của Đức Phật có một yếu tố
chính là "hướng đến kẻ khác" đã được xây dựng ngay từ đầu. Nhờ đức hạnh
của sự giác ngộ, Đức Phật đã phục vụ như một bậc thầy vĩ đại, người đã
"mở cánh cửa bất tử"cho chúng sanh. Trong Tăng Chi Bộ kinh I, xiii, I ,
nói rằng Ngài là bậc đã đản sanh vào cuộc đời vì an lạc của chúng sanh,
vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh, vì hạnh phúc của chư thiên và loài
người. Trung bộ Kinh số 9 so sánh Ngài như một vị hiền giả chăn dắt một
đàn nai ( mang ý nghĩa tất cả loài hữu tình) đi từ nơi hiểm nguy đến nơi
an ổn, TBK số 34 so sánh Ngài với một người chăn bò,dẫn dắt đàn bò (
các vị đệ tử ) qua sông an ổn. Theo TBK số 35, Đức Phật được các vị
A-la-hán khác tôn kính bởi vì Ngài là người sau khi tự mình chứng đắc
giác ngộ, đã giảng dạy giáo pháp đưa đến giác ngộ, sau khi đạt được an
lạc, Ngài đã giảng dạy giáo pháp đưa đến an lạc, sau khi chứng đắc Niết
bàn, Ngài đã giảng dạy giáo pháp đưa đến Niết bàn. Ngài là bậc toàn hảo
về mọi phương diện, và điểm toàn hảo quan trọng nhất của Ngài là khả
năng giảng dạy giáo pháp thích hợp với căn cơ của tất cả những ai đến
xin Ngài hướng dẫn. Giáo pháp của Ngài luôn luôn thích hợp chính xác với
căn cơ của những ai đến cầu xin Ngài giúp đỡ, và khi tuân theo lời chỉ
dạy của Ngài, họ đều nhận được kết quả tốt đẹp, cho dù đó chỉ là đạt
được đức tin hay là đạt được giải thoát.
Các vi A-la-hán khác dĩ
nhiên cũng có thể giảng dạy được, và nhiều vị đã giảng dạy cho các nhóm
đệ tử. Tuy nhiên, dù họ là những vị thầy, họ cũng không thể so sánh được
với đức Phật. Điều này đúng ít nhất là về hai phương diện : thứ nhất,
giáo pháp mà họ dạy cho người khác chính là giáo pháp do Đức Phật thuyết
giảng, và rốt cuộc thì Đức Phật là cội nguồn trí tuệ của họ; thứ hai,
khả năng giảng dạy của họ không bao giờ sánh được với kỹ năng của Đức
Phật về mọi phương diện, vì Đức Phật là người duy nhất biết được trọn
vẹn con đường giải thoát. Đức Phật là một vị thầy có thể giảng dạy hết
sức hữu hiệu như thế bởi vì sự giác ngộ của Ngài – tuệ giác về Tứ diệu
đế đưa đến đoạn trừ mọi phiền não – đã đi cùng với việc chứng đắc thêm
nhiều tuệ giác thù thắng khác được xem như là kho báu đặc biệt của Đức
Phật. Theo các kinh điển cổ xưa nhất, một số tuệ giác chính yếu là thập
lực của Như Lai ( TBK 70-71), gồm có tuệ giác về khuynh hương khác nhau
của chúng sanh, tuệ giác về mức độ trưởng thành của năng lực chúng sanh.
Những tuệ giác này giúp cho Đức Phật hiểu được khuynh hướng tinh thần
tự nhiên và căn cơ của bất cứ ai đến xin Ngài hướng dẫn, và Ngài đã
giảng dạy người đó theo một phương pháp đặc biệt chứng tỏ hữu hiệu nhất,
xét theo tính tình và hoàn cảnh riêng của người đó. Vì vậy, Ngài là bậc
'vô thượng sĩ điều ngự trượng phu". Trong lúc các vị đệ tử A-la-hán chỉ
có khả năng giao tiếp giới hạn, Đức Phật có khả năng giao tiếp hữu hiệu
với chúng sinh trong nhiều cõi khác nhau, cũng như với mọi người thuộc
nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội. Khả năng này đã đưa Ngài lên địa
vị " bậc thầy của Trời và loài người ( thiên nhơn chi đạo sư).
Như
vậy chúng ta có thể thấy Đức Phật và các vị đệ tử A-la-hán cùng chia sẻ
một số đức tính chung, trước hết là sự giải thoát mọi phiền não và tất
cả các sợi dây ràng buột các Ngài với vòng luân hồi sinh tử. Và chúng ta
cũng đã thấy Đức Phật khác biệt với các đệ tử của Ngài như thế nào, có
thể kể là :
1) Ngài đã đắc đạo trước tiên.
2) Chức năng của Ngài là một bậc thầy và là người hướng dẫn
3) Ngài đã đạt được một số đức tính và tuệ giác thù thắng khiến Ngài có thể hành xử như một vị thầy và một người dẫn đường.
4)
Ngài cũng là vị được trời ban cho đầy đủ 32 tướng tốt và nhiều nét đẹp
khác. Điều này sẽ tạo được niềm tin ở những người muốn nương theo dung
sắc bên ngoài.