Như tôi đã nói trên rằng mỗi thái độ cực đoan –' Nguyên thủy thuần túy'
hay 'Thượng trí Đại thừa' đều bỏ qua những sự kiện không thuận lợi theo
quan điểm của họ. Phái "Thượng trí Đại thừa" bỏ qua sự kiện - bao lâu mà
chúng ta có thể xác chứng qua các văn bản ghi chép đầu tiên về những
lời giảng dạy của Ngài – là trong thị hiện lịch sử Đức Phật không dạy Bồ
tát đạo, lý tưởng này chỉ mới xuất hiện trong những tài liệu bắt đầu có
mặt ít nhất là một thế kỷ sau khi Ngài nhập diệt. Điều mà Đức Phật đã
dạy môt cách nhất quán, theo các văn bản đầu tiên, là việc chứng đắc
Niết bàn nhờ đạt quả vị A-la-hán. Vấn đề gây quan ngại cho phái " Nguyên
thủy thuần túy" chính là hình ảnh của Đức Phật, vì trong Đức Phật chúng
ta gặp một con người, mà trong lúc Ngài là một vị A-la-hán, lại không
đắc quả A-la-hán như các vị đệ tử của Ngài, nhưng lại đắc quả vị Phật.
Trong chính kinh tạng Nguyên thuỷ, Ngài đã được mô tả không những là một
vị A-la-hán đầu tiên, mà còn là thành viên của một đẳng cấp khác – là
các bậc Như Lai - những vị đã sở đắc những đặc điểm phi thường khiến các
ngài khác biệt với tất cả chúng sinh, kể cả các vị đệ tử A-la-hán của
các ngài. Hơn nữa, kinh tạng Nguyên thủy đã xem các bậc Như Lai là tối
thượng trong toàn bộ thế giới hữu tình: "Này các tỳ kheo, ở bất cứ cấp
độ nào, có những loài hữu tình, dù không chân hay có hai chân, bốn chân,
hay nhiều chân, dù có sắc hay không sắc, dù có tưởng hay không tưởng,
hay không có tưởng và cũng không không có tưởng, ta tuyên bố Như Lai,
bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác là bậc tối thượng trong tất cả "(Tăng Chi
Bộ Kinh 4:34).
Giờ đây, vì Đức Phật được phân biệt với các vị đệ
tử đã giác ngộ của Ngài theo cách như đã trình bày trên, hầu như đã quá
rõ ràng là trong các đời quá khứ, Ngài chắc hẳn đã đi theo con đường
chuẩn bị cho Ngài đạt đến kết quả tối thượng như vậy, và đó chính là con
đường của một vị Bồ tát. Thật ra, kết luận này là điểm đồng thuận chung
giữa các trường phái Phật giáo, dù là "Tiểu thừa" hay Đại thừa, điều
này đối với tôi khỏi cần bàn cãi. Theo tất cả các truyền thống Phật
giáo, để đắc quả giác ngộ tối thượng của một vị Phật đòi hỏi hành giả
phải phát tâm theo đuổi một đại nguyện và hoàn thành viên mãn hạnh
nguyện Ba la mật, và chính Bồ tát là vị đã hoàn thành được đại nguyện
ấy.Tuy nhiên, kinh tạng Nguyên thủy và kinh A- hàm, là những văn bản
kinh điển cổ xưa nhất, lại im lặng một cách lạ lùng về vấn đề này. Trong
kinh Nguyên thủy, Đức Phật có đề cập đến chính Ngài như là một vị Bồ
tát trong giai đoạn trước khi Ngài thành đạo: trong tiền thân ngay trước
đó, Ngài đã ở cung trời Đâu suất, và trong giai đoạn đời sống cuối cùng
trước khi thành đạo, Ngài là Sa môn Gotama thuộc bộ tộc Thích ca. Nhưng
Ngài đã không nói gì để gợi ý là Ngài đã nhận thức rõ con đường Ngài
theo đuổi là nhắm đến Phật quả. Hơn nữa, không lâu sau khi Ngài thành
đạo, khi Đức Phật suy xét xem có nên giảng dạy giáo pháp của Ngài hay
không, Ngài nói rằng trước tiên Ngài có khuynh hướng muốn "nghỉ
ngơi"(TBK 26/I/168), có nghĩa là, không giảng dạy, điều này gợi ý là
ngay cả sau khi thành đạo có thể Ngài đã không hoàn thành sứ mạng của
một vị Phật Thế Tôn , mà có thể sẽ trở thành một vị Độc giác Phật.
Tuy
nhiên, có những đoạn kinh khác đó đây trong tạng kinh Nguyên thủy đã
ngăn không cho chúng ta rút ra một kết luận xác định rằng Đức Phật chỉ
thành Phật một cách tình cờ hay thái độ do dự của Ngài bao hàm một khả
năng lựa chọn đích thực. Trái lại, những đoạn kinh ấy gợi ý rằng việc
thành tựu quả vị Phật đã được chuẩn bị từ nhiều kiếp trước. Mặc dù những
đoạn kinh ấy không nói rằng trong các tiền kiếp ngài đã đi theo con
đường Bồ tát hạnh để đạt đến Phật quả, kinh tạng Nguyên thủy đã có mô tả
Ngài ở cung trời Đâu suất trong tiền kiếp ngay trước đó (như tôi vừa
ghi nhận trên đây), và đã định sẽ trở thành vị Phật toàn giác trong kiếp
tiếp theo như là Sa môn Gotama của bộ tộc Thích ca, và điều này bao hàm
rằng trong những tiền thân quá khứ, chắc hẳn Ngài đã hoàn thành những
điều kiên tiên quyết khó khăn nhất để có thể đạt được địa vị tối thắng
như vậy, và trở thành một bậc cao thượng đáng kính trọng nhất trên đời.
Khi Ngài đầu thai vào bụng của mẫu hậu, một luồng ánh sáng vô lượng xuất
hiện trên trời, vượt qua ánh sáng của chư thiên, và luồng ánh sáng ấy
xuất hiện trở lại lúc Ngài chào đời. Khi Ngài ra đời, trước tiên Ngài
được các vị thần đón chào, và một giòng nước từ trên trời rót xuống để
tắm cho Ngài và mẫu hậu. Ngay lúc Ngài mới hạ sinh, Ngài đã đi bảy bước
và tuyên bố Ngài là bậc tối thượng trên đời ( TBK 123/III/ 120-123). Chư
thiên ca hát vui mừng, tuyên bố rằng vị Bồ tát đã xuất hiện vì lợi lạc
và hạnh phúc của chúng sanh (TUBK 686). Dĩ nhiên, những đoạn kinh ấy, có
thể xem như là đã được thêm vào kinh Nguyên thủy sau này, cho thấy một
giai đoạn mà " huyền thoại về Đức Phật" đã tìm cách chen vào các bản
kinh cổ điển nhất. Tuy nhiên, nếu cho rằng luật nhân quả đã hoạt động
theo chiều hướng tâm linh trong lãnh vực con người, thì hình như khó ai
có thể đạt đến địa vị phi thường của Đức Phật mà không quyết tâm nỗ lực
trải qua nhiều kiếp để đạt đến quả vị tối thượng ấy.
Mặc dù có
những suy xét như vậy, trong kinh tạng Nguyên thủy chúng ta chưa bao giờ
được thấy Đức Phật giảng dạy cho người khác đi theo con đường hướng đến
quả vị Bồ tát. Bất cứ lúc nào Ngài thúc đẩy các vị đệ tử xuất gia của
Ngài nỗ lực đạt đến mục tiêu gì, thì đó là nỗ lực đắc quả A-la-hán, đạt
được giải thoát, Niết bàn. Bất cứ khi nào các vị đệ tử xuất gia đến yết
kiến Đức Phật, họ đều xin Ngài hướng dẫn con đường đưa đến quả vị
A-la-hán. Những vị tỳ kheo được đức Phật khen ngợi giữa tăng đoàn là
những vị đã đắc quả A-la-hán. Khi các vị đệ tử tại gia đến yết kiến đức
Phật, họ luôn luôn xin Ngài hướng dẫn con đường tu tập để được tái sanh
vào cõi Thiên, đôi lúc đạt được quả Dự lưu hay những con đường siêu việt
vượt thế gian ngay trong cõi đời này. Những đoạn kinh ấy cho ta biết
chắc rằng đối với kinh tạng Nguyên thủy, thì con đường đưa đến quả vị
A-la-hán là mục tiêu được qui định cho đời sống xuất gia, còn con đường
tái sanh lên cõi trời và các quả vị thấp hơn là mục tiêu được qui định
cho các đệ tử tại gia.
Tuy nhiên, chúng ta không cần phải chấp
nhận kinh tạng Nguyên thủy theo giá trị hiện có bề ngoài, mà chúng ta có
thể đặt nghi vấn. Tại sao trong kinh tạng Nguyên thủy, chúng ta chưa
bao giờ thấy một ví dụ nào về một đệ tử đến thỉnh cầu Đức Phật hướng dẫn
con đường đi đến quả vị Bồ tát hay Phật quả ? Và tại sao chúng ta không
bao giờ thấy Đức Phật thúc đẩy các đệ tử đi theo Bồ tát đạo ? Những câu
hỏi này tự nó có vẻ hoàn toàn hợp pháp, và tôi đã cố gắng tìm ra nhiều
lời giải thích, dù cho không được thành công hoàn toàn. Một giải thích
cho là đã có lúc việc này xảy ra, nhưng các nhà kết tập kinh điển đã
thanh lọc và loại bỏ, bởi vì những lời giảng dạy ấy không nhất quán với
những lời giảng dạy hướng đến quả vị A-la-hán. Giả thuyết này có vẻ
không đứng vững, bởi vì nếu các bài thuyết pháp về con đường đưa đến
Phật quả đã có dấu ấn trên lời giảng dạy đích thật của Đức Phật, thì các
vị tăng kết tập kinh điển không thể nào bỏ sót chúng. Một giải thích
khác cho rằng trong giai đoạn khởi thủy của Phật giáo, giai đoạn chưa có
văn tự, Đức Phật chỉ là vị A-la-hán đầu tiên giảng dạy quả vị A-la-hán
và Ngài không khác biệt gì nhiều so với các vị đệ tử A-la-hán của Ngài,
những người đã đắc tam minh và có các thần thông. Theo tài liệu này,
kinh tạng Nguyên thủy là sản phẩm của nhiều thế hệ tỳ kheo kết tập lại
và như vậy đã làm tỏ lộ những dấu tích của Đức Phật như một vị thánh và
sự thăng hoa Ngài lên đến bậc tối thượng (nhưng chưa phải là địa vị siêu
nhân). Theo giả thuyết này, nếu chúng ta có thể quay ngược cổ máy thời
gian đến thời đại Đức Phật, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Phật khác với
những vị đệ tử A-La-hán của Ngài chính là ở chỗ Ngài đã đắc đạo đầu tiên
và Ngài đã có những kỹ năng đặc biệt của một bậc thầy, nhưng những khác
biệt ấy không nhiều như kinh tạng Nguyên thủy cổ xưa đã tạo nên. Tuy
nhiên, địa vị này hình như đã tước bỏ những đặc điểm nổi bật của Đức
Phật: Ngài có khả năng phi thường soi rọi đến tận đáy lòng những ai tìm
đến Ngài để được hướng dẫn, và Ngài đã giảng dạy họ bằng phương cách độc
đáo thích hợp với cá tính và hoàn cảnh của họ. Khả năng này biểu lộ một
lòng từ bi sâu sắc, một tinh thần phục vụ vị tha, phù hợp với khái niệm
về Bồ tát hạnh hơn là khái niệm kinh điển về hạnh nguyện bậc A-la-hán
như chúng ta đã thấy mô tả trong các bài thi kệ " mâu ni" trong Tiểu Bộ
Kinh.
Trong phần phân tích cuối, tôi phải thú nhận là tôi không
thể đưa ra một lời giải thích có tính thuyết phục. Dựa theo sự kiện là,
trong những thời gian sau này, rất nhiều Phật tử, theo truyền thống
Nguyên thủy cũng như Đại thừa, đã được lý tưởng Bồ tát khơi nguồn cảm
hứng, thế mà quả thật rất khó hiểu khi chúng ta thấy không có một lời
giảng dạy nào về Bồ tát đạo hay phương pháp hành trì Bồ tát đạo trong
các bài kinh được xem là đã truyền lại từ thời kỳ cổ sơ nhất của lịch sử
văn học Phật giáo. Đối với tôi, điều này vẫn là một câu đố bí hiểm
không thể nào hiểu được. Dù sao chăng nữa, những bản kinh chúng ta kế
thừa không chứng tỏ một sự khác biệt rõ ràng giữa chức năng "quan tâm
đến chúng sanh" của Đức Phật và cái gọi là " tự giác ngộ" của vị
A-la-hán như truyền thống sau này đã mô tả. Chúng ta tìm thấy trong kinh
tạng Nguyên thủy sự nhấn mạnh khá nhiều đến các hoạt động vị tha nhắm
đến việc chia sẻ giáo pháp với người khác (mặc dù phải công nhận rằng,
phần lớn sự nhấn mạnh này do Đức Phật nói trong hình thức mệnh lệnh đưa
ra cho các đệ tử của Ngài). Như vậy, có rất nhiều bài kinh phân biệt bốn
hạng người: những người chỉ quan tâm làm lợi cho mình, những người chỉ
quan tâm làm lợi cho kẻ khác, những người không quan tâm làm lợi cho ai
cả, và những người quan tâm làm lợi cho cả hai; những bài kinh ấy ca
ngợi nhất những người quan tâm làm lợi cho cả hai. Và làm lợi cho cả hai
có nghĩa là người thực hành Bát Chánh Đạo và dạy cho người khác cũng
thực hành như vậy; giữ đúng năm giới và khuyến khích người khác cũng làm
như vậy (TCBK 4:96-99). Trong những bài kinh khác, Đức Phật cũng thúc
giục những ai biết Tứ Niệm Xứ nên giảng dạy cho bà con bạn bè về phương
pháp tu thiền này, cũng vậy đối với việc đoạn trừ ba hạ phần kiết sử để
đắc quả Dự lưu, và Tứ diệu đế ( TUBK 47:48, 55:16-17, 56:26). Trong thời
kỳ đầu của công tác giáo huấn đệ tử, Đức Phật đã thúc giục các đệ tử đi
khắp nơi để thuyết giảng " vì lòng từ bi đối với đời, vì lợi lạc, an
vui, hạnh phúc của chư thiên và loài ngườI"(LTI 21).Trong số những đức
tính quan trọng của một vị đệ tử xuất chúng là tài đa văn và khả năng
thuyết pháp, hai đức tính có liên quan trực tiếp đến lợi ích cho kẻ
khác. Cũng vậy, chúng ta phải nhớ rằng Đức Phật thành lập tăng đoàn ràng
buột bởi giới luật, và nội qui được soạn thảo để giúp cho tăng đoàn
hoạt động như một tập thể hoà hợp, những giới luật ấy thường đòi hỏi từ
bỏ lợi ích của cá nhân vì lợi ích của tập thể. Đối với đệ tử tại gia,
Đức Phật khen ngợi những người tu tập vì lợi lạc cho bản thân, lợi lạc
cho người khác, vì lợi lạc cho tất cả thế gian. Nhiều vị đệ tử tại gia
xuất sắc đã cải đạo cho đồng nghiệp và láng giềng của họ và hướng dẫn họ
tu tập đúng chánh pháp. Như vậy, chúng ta có thể thấy trong lúc Phật
giáo tiền Nguyên thủy nhấn mạnh rằng mỗi người cuối cùng phải chịu trách
nhiệm đối với số phận của mình, nêu rõ là không ai có thể làm thanh
tịnh kẻ khác hay cứu rỗi kẻ khác khỏi nỗi khổ đau của vòng luân hồi,
Phật giáo tiền Nguyên thuỷ cũng bao gồm một chiều hướng vị tha vốn đã
phân biệt Phật giáo với hầu hết các hệ thống tôn giáo khác phát triển
đồng thời ở miền bắc Ấn độ. Chiều hướng vị tha này có thể được xem như
là "hạt giống" từ đó lý thuyết Bồ tát phát triển, và như vậy là một
trong những yếu tố của Phật giáo cổ đại đã đóng góp cho sự xuất hiện của
tông phái Đại thừa.