Giờ đây vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn này, việc diễn giải về
sự kiện thành đạo của Đức Phật đã đạt đến cao điểm trong khái niệm về Bồ
tát đạo hướng về cộng đồng Phật tử và đã mang một sức mạnh có tính qui
định, ít ra là đối với một số thành viên. Khi những vị đệ tử Phật này
suy nghĩ sâu xa về hình ảnh một người Phật tử lý tưởng phải như thế nào,
họ đã kết luận rằng đi theo bước chân Phật trong ý nghĩa cao nhất, sẽ
không còn đầy đủ nếu chỉ theo con đường Bát Chánh Đạo nhằm đạt đến Niết
bàn. Điều này vẫn được xem là một lựa chọn có giá trị, một sự lựa chọn
mà cao điểm là đạt đến giải thoát cho chính mình và những người có thể
chịu ảnh hưởng trực tiếp nhờ sự giảng dạy và đời sống gương mẫu của
mình; nhưng các vị hành giả này cho rằng, chính Đức Phật đã nhắm đạt đến
một quả vị cho phép Ngài hoạt động vì lợi lạc và hạnh phúc của chư
thiên và loài người. Vì vậy, họ cảm thấy rằng sự lựa chọn tối ưu, con
đường cao hơn để noi theo Đức Phật, là ra đi để tìm đường giải thoát đau
khổ cho chúng sanh mà Đức Phật đã đặt ra cho chính Ngài: bằng cách phát
tâm theo đuổi hạnh nguyện Bồ tát và đi theo Bồ tát đạo. Điều này đã
đánh dấu sự xuất hiện của Bồ tát thừa như một khái niệm về nếp sống lý
tưởng của người Phật tử, con đường ràng buột người đệ tử chân chính của
Bậc Giác Ngộ.
Lý tưởng này xuất hiện từ một điểm khởi đầu khác
với thời kỳ Phật giáo tiền Nguyên thủy, từ một bối cảnh với tầm nhìn
khác. Trong lúc Phật giáo tiền Nguyên thủy lấy điều kiện chung của con
người như điểm khởi đầu của họ (như chúng ta đã thấy ở trên), và thậm
chí họ còn nhìn Đức Phật cũng bắt đầu như một con người phải hứng chịu
những hệ lụy mong manh của kiếp người, Phật giáo tiền Đại- thừa đã dùng
bối cảnh vũ trụ trong một phạm vi lâu dài cho việc hoàn thành Phật đạo
của một vị Phật như là điểm khởi đầu. Họ nhìn lại việc phát khởi
Bồ-đề-tâm đầu tiên của Ngài, những hạnh nguyện ban đầu của Ngài, việc
Ngài tu tập hạnh nguyện ba-la-mật trải qua vô lượng kiếp, và dùng những
hạnh nguyện này như là mục tiêu để tu tập. Nghĩa là, họ nhìn quá trình
này, không phải chỉ là việc mô tả con đường một vị Phật đi theo, nhưng
như là một lời khuyến cáo về con đường mà người đệ tử Phật chân chính
phải noi theo; những phiên bản sau này của tông phái Đại thừa xem việc
này như là hiện thực hóa khả năng thành Phật đã tiềm ẩn sâu xa trong mỗi
con người chúng ta.
Chúng ta có thể tưởng tượng một thời kỳ mà
Bồ-tát-thừa đã được một số đông ngày càng gia tăng những Phật tử chấp
nhận một cách có ý thức (trước tiên có lẽ chỉ bên trong nội bộ của một
nhóm nhỏ các vị tăng), họ là những người đi tìm sự hướng dẫn cho chính
mình qua các bài giảng dạy của tạng kinh Nguyên Thủy-Ahàm và các tập
truyện Tiền Thân Đức Phật nói về quá trình tu tập hạnh ba-la-mật trong
các đời quá khứ của Đức Phật. Họ vẫn là thành viên của các cộng đồng
Phật giáo Bộ Phái và họ chưa có ý thức rằng chính họ đang kết hợp lại
như một chi nhánh để thành lập một tông phái mới. Họ không nghĩ chính họ
là Phật tử Đại thừa, nhưng chỉ là một cộng đồng Phật tử phát tâm đi
theo Bồ-tát-thừa, mà có lẽ họ đã chọn tên Đại thừa chỉ với ý nghĩa là
điều này tạo nên một "con đường vĩ đại" đưa đến giác ngộ. Tuy nhiên, mặc
dù họ có thể đã cố gắng giữ gìn trong phạm vi truyền thống Phật giáo
chính thống, một khi họ đã bắt đầu quảng bá lý tưởng Bồ-tát, họ sẽ thấy
rằng kinh tạng Nguyên Thủy-A hàm, vốn mô tả những công phu tu tập cần
thiết để giải thoát bản thân ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, không còn
đáp ứng được nhu cầu của họ. Dĩ nhiên, họ phải chấp nhận lời giảng dạy
của kinh tạng Nguyên thủy là đầy đủ thẩm quyền và uy tín, nhưng họ có
cảm giác còn thiếu, vì những lời giảng dạy ấy không cung cấp chi tiết về
phương pháp tu tập và các giai đoạn của con đường đưa đến quả vị
Bồ-tát, mà mục đích không gì khác hơn là hoàn thành viên mãn quả vị
Phật. Giờ đây, cái mà họ cần là nguồn tài liệu hướng dẫn chi tiết và đầy
đủ thẩm quyền về phương pháp hành trì các hạnh nguyện Bồ-tát. Có lẽ vì
thế, để đáp ứng nhu cầu này, kinh tạng Đại thừa bắt đầu xuất hiện trong
bối cảnh Phật giáo Ấn độ thời ấy. Nói một cách chính xác các kinh tạng
ấy đầu tiên được sáng tác và xuất hiện như thế nào vẫn còn là một vấn đề
mà các học giả đương đại chưa biết được, vì tất cả những gì chúng ta có
được ngày nay là các kinh tạng Đại thừa phát triển khá đầy đủ và đại
diện cho Phật giáo Đại Thừa ở điểm mà chúng ta có thể gọi là " giai đoạn
hai" của sự phát triển tông phái này. Thật không may là chúng ta không
thể dùng chúng để soi rọi lại các giai đoạn đầu tiên của tông phái Đại
thừa, khi các bản kinh ấy bắt đầu được hình thành, ngay cả sau thời kỳ
ấy , khi tư tưởng Đại thừa vẫn còn trong thời kỳ phôi thai, đang tìm
cách lên tiếng tuy vẫn chưa có hình thức diễn đạt bằng văn bản tài liệu.
Giờ
đây có hai thái độ đáng chú ý trong các kinh điển tiền-Đại thừa khi đề
cập đến mẫu mực dựa trên lý tưởng A-la-hán. Một thái độ xác nhận rằng lý
tưởng này có giá trị đối với người Phật tử tiêu biểu, trong lúc ca ngợi
Bồ-tát đạo như là cổ xe thích hợp cho những người có đại nguyện. Thái
độ này vẫn xem lý tưởng A-la-hán, hay mẫu mực Thanh văn, với lòng kính
ngưỡng, trong lúc không tiếc lời ngợi khen cao quý nhất cho lý tưởng
Bồ-tát. Khi thái độ này được chấp nhận, hai con đường – cùng với con
đường đưa đến giác ngộ của vị Độc giác Phật - trở thành ba thừa có giá
trị, để tùy ý người đệ tử lựa chọn. Thái độ thứ hai được thấy trong kinh
điển Đại thừa là một thái độ đánh giá thấp và có vẻ miệt thị. Thái độ
này không những chỉ so sánh con đường đưa đến quả vị A-la-hán một cách
kém thuận lợi so với quả vị Bồ tát (vì tất cả tông phái Phật giáo đều
công nhận Bồ tát đạo đưa đến quả vị Phật là tối thượng ), mà lại còn hạ
thấp giá trị và chế nhạo lý tưởng cũ của Phật giáo cổ đại, và đôi lúc
còn đề cập đến lý tưởng này với sự khinh miệt. Thái độ đầu tiên đưọc
thấy trong các văn bản kinh điển Đại thừa như là Kinh Chư Hiền giả
(Ugrapariprccha ). Tuy nhiên, qua thời gian, thái độ thứ hai trở nên nổi
bật cho đến khi chúng ta tìm thấy những văn bản kinh như là Kinh Duy Ma
Cật (Vimalakirtinirdesa Sutra),trong đó đã chế nhạo các đại đệ tử của
Đức Phật như ngài Xá -Lợi Phất, Ngài Ưu-Ba-Ly, ngài Phú Lâu Na; hay Kinh
A-Dục Vương ( Asokadatta Sutra), trong đó có một vị nữ Bồ tát trẻ tuổi
từ chối không chịu bày tỏ lòng kính trọng đối với các vị đại đệ tử
A-la-hán; hay Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ( (Saddharmapundarika Sutra),
trong đó so sánh Niết bàn của các vị A-la-hán với lương của một người
lao động làm thuê. Trong môt số kinh, thậm chí họ còn nói rằng các vị
A-la-hán cảm thấy hổ thẹn và tự quở trách mình vì đã đắc quả A-la-hán,
hay các vị A-la-hán là kiêu mạn và đầy vọng tưởng. Không có gì cần phải
tranh luận khi nói rằng kinh Đại thừa thường có những đoạn rất sâu sắc
và tuyệt mỹ. Tuy nhiên, tôi tin rằng một thái độ hoà hoãn hơn đối với
hình thái Phật giáo cổ xưa đáng lẽ đã làm cho nhiệm vụ hòa hợp giữa các
tông phái Phật giáo dễ dàng hơn nhiều so với tình trạng hiện nay. Bên
trong tông phái Nguyên thủy, giáo lý Đại thừa về lý tưởng Bồ tát và việc
tu tập các hạnh nguyện ba-la-mật đã được thể nhập vào trong các bộ luận
sau này, nhưng không bao giờ mang tính cách miệt thị quả vị A-la-hán
của Phật giáo lịch sử cổ xưa.