Theo quan điểm của tôi, cả hai con đường (hay hai thừa )- A-la-hán đạo
và Bồ tát đạo - có thể xem như những biểu hiện có giá trị về lời giảng
dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, cả hai phải tuân theo một số tiêu chuẩn
chính thức. Về vấn đề nguyên tắc, cả hai phải tuân theo những giáo pháp
căn bản như Tứ diệu đế, Bát Chánh Đạo, Tam pháp ấn, Lý Duyên khởi ; về
vấn đề thực hành, cả hai phải biểu hiện nền tảng đạo đức tốt đẹp, tuân
theo khuôn mẫu rèn luyện của tam vô lậu học về Giới, Định, và Tuệ. Tuy
nhiên, ngay cả khi ba tiêu chuẩn ấy được hoàn thành, trong lúc đi tìm
một sự hoà hợp lành mạnh của hai con đường này, chúng ta phải tránh cái
mà tôi gọi là chủ trương dung hòa " nhẹ nhàng kiểu đế quốc" như lý
thuyết Nhất Thừa, lý thuyết này cho rằng chỉ có Bồ tát thừa là rốt ráo
và Thanh văn thừa chỉ là phương tiện. Lý thuyết này cuối cùng đưa đến
việc hạ thấp giá trị những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật lịch sử. Lý
thuyết này nói rằng những lời dạy của chính Đức Phật trong suốt 45 năm
hành đạo chỉ là những lời mô phỏng của bầu không khí tôn giáo ở Ấn độ
thời đại ấy và không diễn đạt được ý định của Ngài, mà những ý định này
chỉ được làm sáng tỏ trong các kinh điển Đại thừa giảng giải giáo lý
Nhất Thừa 400 trăm năm sau ngày Đức Phật nhập diệt. Công nhận giá trị
ngang nhau của hai thừa (hay ba thừa, nếu kể thêm Độc giác thừa) cho
phép chúng ta có một thái độ bao dung hơn, biết tôn trọng tính xác thực
của Phật giáo Nguyên thủy và những sự kiện lịch sử về những lời giảng
dạy nguyên thủy của Đức Phật. Điều này cũng trang bị tốt hơn cho chúng
ta để công nhận khả năng của Phật giáo, trải qua nhiều biến chuyển đích
thực của lịch sử, đã bộc lộ những tiềm năng còn tàng ẩn trong lời dạy
của Đức Phật, những tiềm năng mà chính Đức Phật cũng không tiên liệu
được, nhưng đã làm phong phú truyền thống phát xuất từ Ngài như là suối
nguồn đầu tiên.
Khi chúng ta chấp nhận phương pháp này, chúng ta
có thể thành tâm kính trọng những vị hành giả đã tích cực hoạt động để
thực hiện mục đích cuối cùng của Phật pháp ngay trong hiện tại là chứng
đắc Niết bàn, là sự chấm dứt mọi khổ đau, bằng cách tu tập theo Bát
Chánh Đạo cho đến giai đọan cuối cùng. Chúng ta có thể tôn kính những vị
đã thắp sáng lời dạy của Đức Phật bằng cách chứng minh rằng những lời
dạy này thực sự dẫn dắt chúng ta đến giải thoát rốt ráo, đưa đến trạng
thái vô sinh bất diệt, mà Đức Phật vẫn thường ca ngợi, gọi đó là sự giải
thoát vi diệu, thuần tịnh,và vô thượng. Lại nữa, bằng cách dùng phương
pháp này, chúng ta cũng có thể tôn kính những vị đầy lòng từ bi đã phát
nguyện đi theo Bồ tát đạo, những vị đã phát đại nguyện này như một hành
động vượt quá bổn phận của họ, họ làm như vậy không phải vì đó là điều
kiện cần thiết cho sự giải thoát đích thực của chính họ. Chúng ta có thể
tôn trọng và trân quý lòng từ bi rộng lớn, những hạnh nguyện cao
thượng, và tinh thần hy sinh phục vụ chúng sanh của họ. Phật giáo đích
thực cần cả ba: những vị Phật, A-la-hán và Bồ tát. Phật giáo cần phải có
Đức Phật khám phá và giảng dạy con đường giải thoát; cần phải có các vị
A-la-hán đi theo con đường đó và xác nhận rằng Phật pháp đích thực đưa
đến giải thoát, minh chứng cho lời giảng dạy đó bằng những tấm gương của
những vị đã sống cuộc đời phạm hạnh thuần tịnh; Phật giáo cũng cần
những vị Bồ tát phát nguyện quyết tâm hoàn thiện đức hạnh để trong một
thời điểm tương lai nào đó, gần hoặc xa, chính họ có thể trở thành Phật
và một lần nữa lại tiếp tục chuyển Pháp Luân vô thượng của Đức Phật cho
thế gian này.