Có lẽ để có một giáo lý Bồ tát đạo phát triển trọn vẹn xuất hiện trong
Phật giáo, cần phải có một cái gì khác hơn là khái niệm về Phật quả mà
chúng ta tìm thấy trong các văn bản kinh điển Nguyên thủy cổ đại. Như
vậy, công trình thông thường so sánh quả vị A-la-hán của kinh tạng
Nguyên thủy với hình ảnh của vị Bồ tát trong kinh điển Đại thừa có lẽ đã
bị lệch lạc đôi chút. Theo tôi thấy, thì một trong những yếu tố tiềm
tàng bên dưới sự xuất hiện của lý thuyết Bồ tát được phát triển trọn vẹn
chính là sự chuyển hoá của khái niệm Phật quả cổ điển trong kinh tạng
Nikayas thành hình ảnh Đức Phật của đức tin và huyền thoại Phật giáo.
Điều này đã xảy ra trong thời kỳ Phật Giáo Bộ Phái, nghĩa là, giữa giai
đoạn Phật giáo tiền Nguyên thủy mà đại diện tiêu biểu là bộ kinh Nikayas
và việc xuất hiện của Phật giáo tiền Đại thừa. Trong thời kỳ này, đã
xảy ra hai khuynh hướng phát triển có ý nghĩa về khái niệm Phật quả. Thứ
nhất, con số các Đức Phật đã gia tăng, và thứ hai, các Đức Phật đã được
ban cho nhiều đức tính thù thắng hơn trước. Những phát triển này xảy ra
hơi khác nhau trong những trường phái Phật giáo khác nhau, nhưng cũng
có những nét chung nối kết họ lại với nhau.
Kinh tạng Nikayas đã
đề cập đến sáu vị Phật xuất hiện trước Sa môn Gotama và một vị sẽ xuất
hiện sau Ngài, đó là Đức Phật Di Lặc. Giờ đây, vì thời gian vũ trụ không
có sự khởi đầu một cách rõ ràng hay sự chấm dứt có thể quan niệm được,
người ta có thể rút ra kết luận rằng ắt hẳn phải có những vị Phật quá
khứ, và như vậy số chư Phật quá khứ được gia tăng; có những câu chuyện
về một số vị Phật đã được lưu truyền và đưa vào thực tại đời sống. Vì
không gian là vô biên, với hệ thống thế giới như của chúng ta được trải
ra "mười phương trời", một vài trường phái đã đặt sự hiện hữu hiện tại
của chư Phật trong những hệ thống thế giới ngoài thế giới của chúng ta –
chư Phật vẫn còn tại thế mà người ta có thể tôn thờ, và nhờ uy lực của
thiền định, người ta có thể thấy được thực sự bằng cái nhìn thiền quán.
Những
văn bản kinh điển của thời kỳ Phật Giáo Bộ Phái đã nâng cao năng lực
tuệ giác của Đức Phật đến mức độ cuối cùng gán cho Ngài những đức tính
của một đấng toàn năng. Ngài trở thành một bậc sở hữu được vô số phép
thần thông kỳ diệu. Mười tám "Pháp Phật nhiệm mầu", không được đề cập
trong các kinh tạng cổ điển, đã được thêm vào. Huyền thoại và những câu
chuyện được lưu truyền mô tả những phương cách kỳ diệu Ngài đã giảng dạy
và chuyển hóa kẻ khác. Một số câu chuyện được tìm thấy trong các bài
kinh như: câu chuyện Ngài gặp tên giết người hàng loạt Angulimala, ác
quỷ Alavaka, người cùi khốn khổ Suppabuddha, vị Bà-la-môn nóng tính
Bharadvaja. Những chuyện ấy đã gia tăng theo cấp số nhân, tô vẽ một hình
ảnh Đức Phật như là một bậc đạo sư đầy sức sáng tạo không thể nghĩ bàn,
đã cứu rỗi đủ hạng người khổ đau và si ám. Ngài đã phá vỡ tính ngã mạn
của những người Bà-la-môn kiêu căng; đem lại an ủi cho những người mẹ
đau khổ và các bà vợ goá khốn cùng; Ngài xoá tan tính tự mãn của những
kiêu binh và giới quý tộc triều đình; Ngài đã xuất sắc vượt qua các học
giả thông thái trong các cuộc tranh luận và các du sĩ khổ hạnh muốn cạnh
tranh với ngài về các ngón kỹ xảo thần thông; Ngài giáo huấn các vi
trưởng giả keo kiệt về điều kỳ diệu của hạnh bố thí; Ngài khơi nguồn
tinh tấn nơi các tỳ kheo phóng dật; Ngài chinh phục lòng kính trọng của
các vị vua và hoàng tử. Khi những người Phật tử nhìn lại bậc Đạo sư đã
nhập diệt của họ và suy nghĩ về những gì đã tạo nên tính cách vĩ đại phi
thường của Ngài, không bao lâu họ nhận ra rằng đức tính nổi bật nhất
của Ngài chính là lòng từ bi vô biên của Ngài. Không hài lòng với việc
giới hạn đức từ bi của Ngài đối với chúng sanh trong môt kiếp, họ còn
thấy lòng từ bi ấy trải rộng ra đến vô lượng kiếp trong vòng luân hồi
sanh tử.
Trí tưởng tượng của họ đã sản sinh ra một kho tàng
truyện tích rộng lớn về các tiền thân của Đức Phật. Những câu chuyện ấy -
Chuyện tiền thân Đức Phật - kể về những tiền kiếp Ngài đã có ý thức
chuẩn bị sứ mạng thành Phật như thế nào bằng cách thực hành Bồ tát hạnh
trong vô lượng a-tăng tỳ- kiếp.
Trọng tâm của những câu chuyện ấy
là tinh thần phục vụ và hy sinh. Chính nhờ phục vụ kẻ khác và hy sinh
thân mình vì lợi ích của kẻ khác mà Bồ tát đã tạo được nhiều công đức và
đạt được những đức hạnh đưa đến chứng đắc Phật quả. Như vậy, trong tư
tưởng Phật giáo được nhận thấy rõ ràng qua các trường phái của thời kỳ
Phật giáo tiền Nguyên thủy, chiều hướng vị tha trong sự kiện thành đạo
của Đức Phật đã được nhấn mạnh. Từ quan điểm này, sự thành đạo của Đức
Phật là đầy ý nghĩa, không những chỉ vì điều này đã mở ra con đường đi
đến Niết bàn cho nhiều người khác, mà việc thành đạo ấy đã hoàn tất một
công trình tu tập trải dài qua nhiều a-tăng -tỳ-kiếp, khởi đầu bằng động
lực vị tha và trải qua vô lượng kiếp vẫn được duy trì bằng quyết tâm
sống vì người khác. Trong giai đoạn tu tập này, theo các truyện tích,
thì vị Bồ tát tự mình thành tựu nhiều công đức để chứng đắc Phật quả
bằng cách hoàn thành viên mãn một số đức hạnh tối cao, hạnh nguyện
ba-la-mật, mà giờ đây những hạnh nguyện này đã chiếm vị trí của các chi
phần trong Bát Chánh Đạo của Phật giáo tiền Nguyên thủy. Tôi phải nhấn
mạnh rằng, tất cả các trường phái của thời kỳ Phật giáo Bộ Phái đều có
chung hiểu biết này về Đức Phật, kể cả Phật giáo Nguyên thủy.
Trong
thời kỳ Phật Giáo Bộ Phái, các trường phái Phật giáo đã chấp nhận ba
"cổ xe" đi đến giác ngộ: cổ xe của bậc đệ tử A-la-hán, hay Thanh văn
thừa, được đa số đệ tử đi theo; cổ xe của vị "Độc giác Phật", là vị tự
mình chứng đắc mà không có đạo sư và cũng không giáo huấn chúng sanh,
hay Độc giác thừa, con đường này còn khó hơn; và cổ xe của các đệ tử có
nguyện vọng thành Phật, hay Bồ tát thừa. Một khi tư tưởng này đã trở
thành phố biến trong dòng Phật Giáo Ấn Độ chính thống, tư tưởng về ba cổ
xe không những đã được phái Đại thừa chấp nhận, mà cuối cùng cũng thể
nhập vào phái Phật giáo Nguyên thuỷ bảo thủ. Như vậy, chúng ta đọc thấy
trong các bài nghị luận của phái Nguyên thủy sau này, như là bài của
Acariya Dhammapala và những vị khác, nói về ba cổ xe như thế hay ba loại
bồ đề: sự giác ngộ của các vị đệ tử, của vị Độc giác Phật, và của Phật
Thế tôn.