[01]
NGUYÊN LÝ DUYÊN KHỞI
TRONG GIÁO PHÁP ÐỨC PHẬT
Hễ nói
đến Giáo pháp của đức Phật, chúng ta không thể không nói đến pháp Duyên khởi
hay nguyên lý Duyên khởi (Pratìtyasamutpàsa). Vì pháp Duyên khởi là nguyên lý
cơ bản và thiết yếu của sự giác ngộ.
Ðức Phật thành Phật là do Ngài
chiêm nghiệm hai mặt lưu chuyển và hoàn diệt của nguyên lý 12 Duyên khởi mà
thành tựu.
Trong kinh A-hàm đức Phật nói:
"Thế nào là nguyên lý Duyên khởi? Nghĩa là do duyên với Vô minh mà Hành
khởi sinh, dù Phật có ra đời hay không ra đời, nguyên lý ấy vẫn thường trú, vẫn
an trú trong pháp giới. Như Lai tự mình chiêm nghiệm nguyên lý ấy để giác tri,
để thành tựu Vô thượng Bồ-đề, rồi tuyên thuyết, rồi khai thị, rồi hiển phát cho
mọi người". (Tạp A-hàm, q.12 tr. 84b ÐTK2).
Do giác ngộ nguyên lý Duyên
khởi, đức Phật hiển nhiên trở thành Phật. Nên khi dạy dỗ, giáo hóa chúng sanh,
đức Phật đã khai thị nguyên lý này qua nhiều dạng thức, qua nhiều cấp độ và qua
nhiều phương tiện sâu cạn khác nhau.
Kinh Pháp Hoa nói: "Chư
Phật là đấng tôn kính, đầy đủ trí tuệ và từ bi, biết tất cả pháp luôn luôn là
không có tự tánh. Phật chủng cũng chỉ từ duyên mà khởi. Vì vậy mà tuyên bố Nhất
thừa. Sự an trú, sự định vị của tất cả pháp là vốn như thế. Nó vốn là hình thái
thường trú của thế gian, từ đạo tràng biết một cách chân xác như thế rồi, đấng
Ðạo sư mới tùy phương tiện mà tuyên nói". (Kinh Pháp Hoa tr. 9b ÐTK9).
Giác ngộ một cách chân xác về
nguyên lý Duyên khởi là giác ngộ rằng, tất cả các pháp không bao giờ sinh khởi
cô độc, mà nó sinh khởi trong nguyên tắc tất yếu: "Nếu cái này hiện hữu,
thì cái kia hiện hữu; nếu cái này không hiện hữu, thì cái kia không hiện hữu.
Nếu cái này sinh khởi, thì cái kia sinh khởi. Nếu cái này không sinh khởi, thì
cái kia không sinh khởi".
Toàn bộ Giáo pháp của đức Phật
thuyết giảng chỉ trụ vào điểm này. Và cũng chính ở điểm này làm nguyên lý phổ
biến chung cho sự sinh khởi của tất cả khí thế gian và tình thế gian.
Khí thế gian là mọi sự kiện hiện
hữu và tồn tại hoàn toàn về vật lý. Tình thế gian là mọi sự kiện hiện hữu và
tồn tại gồm đủ cả tâm lý và vật lý, cũng có khi tồn tại thuần về tâm lý.
Tính Duyên khởi đối với tình thế
gian, hay nói gọn lại nơi con người là Mười hai Duyên khởi, gồm có Vô minh
duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Sáu xứ, Sáu xứ
duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên
Sanh, Sanh duyên Lão tử.
Mười hai Duyên khởi này làm nhân
làm duyên cho nhau, sinh khởi liên tục trong vòng nhân quả, khiến con người bị
đắm chìm trong sinh tử luân hồi. Và nhân quả của 12 Duyên khởi này cứ tiếp tục
sinh khởi khắp cả ba thời gian tạo thành cả một dòng sông vô tận.
Chẳng hạn, Vô minh và Hành là
nhân của quá khứ. Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu là nhân của
hiện tại; Sanh, Lão tử là quả của vị lai.
Nhân quả ba đời trong 12 Duyên
khởi, cứ cái này làm duyên cho cái kia, cái kia làm nhân cho cái này, cứ như
thế sinh khởi cho đến vô cùng vô tận.
Trong 12 Duyên khởi này, mỗi yếu
tố có thể là nhân, có thể là duyên, và không có yếu tố nào là nhân hoàn toàn
hay duyên hoàn toàn.
Chính 12 yếu tố Duyên khởi này
đã làm nhân làm duyên cho nhau, để sinh khởi và chi phối toàn bộ sinh mệnh,
cũng như đời sống của con người.
Khi nào con người hiểu được 12
yếu tố Duyên khởi này và quán chiếu thường trực về chúng, thì khi ấy, tùy theo
mức độ sâu cạn của quán chiếu mà tầm cỡ giác ngộ được khẳng định.
Kinh Ðại Bát Niết-bàn nói:
"Có bốn hạng giác ngộ về
nguyên lý Duyên khởi: Bậc hạ trí quán chiếu mà không thấy được Phật tính, và do
vì không thấy được Phật tính, nên chỉ thành tựu được đạo quả Thanh văn mà thôi.
Bậc trung trí quán chiếu mà
không thấy Phật tính, và do vì không thấy nên chỉ thành tựu được Duyên giác mà
thôi.
Bậc thượng trí quán chiếu thật
tính có sự thấy hiểu, nhưng không thấu triệt, và do vì thấy hiểu nhưng không
thấu triệt, nên chỉ an trú vào địa vị Thập trú của Bồ-tát mà thôi.
Bậc thượng trí, quán chiếu thật
tính, do vì thấy rõ và quán triệt, nên chứng đắc đạo quả Vô-thượng" (Ðại
Bát Niết-bàn kinh - Vol 27, tr. 524b. ÐTK 12).
Nguyên lý Duyên khởi là một thực
tại tính (Tathata) là chơn như tính hay còn gọi là Phật tính (Buddhata). Phật
tính của giác ngộ. Phật do giác ngộ 12 Duyên khởi mà thành Phật. Vậy, 12 Duyên
khởi là tính ngộ của Phật.
Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào,
con người giác ngộ được tính ấy, thì lúc đó và ngay đó, con người có thể tự trả
lời được câu hỏi, ta là ai? do đâu mà có? và tại sao ta bị khổ đau. Cũng chính
lúc đó, ngay đó, con người có thể tự giải cứu những khổ đau đang triền buộc lấy
chính mình.
Tùy thuận theo 12 Duyên khởi,
đây là điều kiện ắt có và đủ, để con người luân lưu trong sanh tử luân hồi
(Samsàra). Hoàn diệt và đình chỉ 12 Duyên khởi, đây cũng là điều kiện ắt có và
đủ, để con người dứt bỏ khổ đau, đi đến Niết-bàn (Nirvana).
Ðiều kiện ắt có và đủ hay còn
gọi là mệnh đề điều kiện (clause condition) của "nếu và thì";
"thì" luôn luôn phản ảnh rất trung thực đối với "nếu".
"Nếu" tác nhân như thế này, "thì" hậu quả sẽ xảy ra như thế
này; "nếu" tác nhân như thế kia, "thì" hậu quả sẽ xảy ra
như thế kia...
Nhân (heru) và quả (phala) gắn
liền và sinh khởi là do duyên (pràtitya). Nếu thiếu duyên nhân không thể nào
phát sinh ra quả được.
Trong quá trình sinh diệt để
biến thái từ nhân đến quả và biến thái từ quả trở thành nhân, thì duyên đã đóng
vai trò khá tích cực trong sự quan hệ này.
Duyên, tiếng Phạn gọi là
Pratitya và chữ Pratitya đã được Ngài Long Thọ (Nàgàrjuna) giải thích ở trong
Màdhyamika như sau: "Utpadyate pratìtyèmàn itìme pratyayah kìla"
(Màdhyamika pratyaya parìksa gàtha V). Nghĩa là, do làm điều kiện cho cái kia
sinh khởi, nhưng cái này người ta gọi nó là những duyên.
Duyên hay là pratitya ở trong
văn học Abhidharma, các luận sư Phật giáo đã phân chia thành nhiều loại, nhưng
sự phân chia có tính thống nhất, giữa các luận sư, thì duyên (pratitya) gồm có
4 loại như sau:
a. Nhân duyên (Pratyàyàhetu): Tất cả
các pháp sinh khởi và tồn tại đều do quan hệ giữa nhân và duyên. Nhân (hetu) là
năng lực động chính; duyên (pratitya) là điều kiện hỗ tương phụ, để cho năng
lực tác động ấy được sinh khởi và hình thành.
b. Ðẳng vô gián duyên (Anantara
pratitya): Ðẳng vô gián duyên hay còn gọi là Thứ đệ duyên. Nghĩa là
tất cả các pháp làm nhân làm duyên cho nhau một cách liên tục, không bị gián
cách.
Hay nói khác đi, pháp trước làm
nhân cho pháp sau, pháp sau làm nhân cho pháp trước, các pháp cứ tuần tự làm
nhân làm duyên cho nhau, mà sanh khởi liên tục, nếu bị cách trở gián đoạn tức
là thiếu cái duyên này, pháp không sanh ra được.
c. Sở duyên duyên (Alambana
pratìtya): Sở duyên tiếng Phạn gọi là Alambana; Alambana đi từ động
từ gốc Lam, có nghĩa là leo, vin vào, dựa vào, nương vào, vướng vào... Như vậy,
Alambana là đối tượng để cho cái khác vin vào, dựa vào...
Alambana hay Sở duyên có thể là
thế giới khách quan, pratìtya hay duyên có thể là thế giới nội tại, thế giới
khách quan là đối tượng (sở duyên) để cho thế giới nội tại khởi sinh sự nhận
thức.
Bất cứ cái gì hàm đủ cả chủ thể
năng phân biệt (pratìtya) lẫn đối tượng được phân biệt (alambana), thì cái ấy
gọi là Sở duyên duyên (alambana pratìtya).
Hay nói theo trường phái Duy
thức (Vijnàptimàtrata Siddhi), cái nào có khả năng dẫn sinh sự nhận thức và sự
nhận thức ấy, mang ảnh tượng tương tợ với chúng, thì cái ấy gọi là Sở duyên
duyên.
d. Tăng thượng duyên
(Adhipateyam pratìtya): Tăng thượng duyên gồm có thuận duyên và nghịch
duyên.
- Thuận duyên: là duyên thuận
chiều để cho các pháp sinh khởi một cách nhanh chóng từ nhân đến quả.
- Nghịch duyên: là duyên đối
kháng làm trở ngại sự sinh trưởng của nhân.
Tất cả pháp có thể sinh khởi,
tồn tại hay hủy diệt, đều lệ thuộc vào bốn duyên này.
Trong bốn duyên, thì Ðẳng vô
gián duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên là biệt tướng, còn Nhân duyên là
tổng tướng. Nên khi chúng ta nói nhân duyên, thì có thể hàm đủ cả ba duyên kia.
Tất cả pháp là duyên khởi, thì
nhất định không có tự tính (asvabhava), do không có tự tính nên chúng mới sinh
động vô thường (anitya). Vô thường là tính thường trực của các pháp Duyên khởi,
tính thường trực của các pháp Duyên khởi là tính không có tự tính, do tính
không có tự tính nên các pháp luôn luôn sinh thành và luôn luôn hủy diệt.
Bởi vậy, 12 Duyên khởi nó cũng
không có tự tính cho chính nó, nên nó có thể trở thành bất cứ tính nào. Nếu
duyên xấu, nó có thể trở thành tính xấu; nếu duyên tốt, nó có thể trở thành
tính tốt.
Do đó, trong 12 Duyên khởi,
chúng ta có thể thay thế Vô minh bằng chánh kiến, Thức bằng chánh trí, Hành
bằng chánh nghiệp v.v... để đi đến đời sống cao thượng.
Sở dĩ chúng ta có thể thay thế
được như vậy, vì tự thân của chúng ta là duyên khởi.
Ðứng ở mặt nhận thức chung mà
nói, nếu chúng ta chiêm nghiệm về nguyên lý Duyên khởi, thì chúng ta có thể
thấy được toàn bộ cơ hợp của vũ trụ và chúng ta có thể chuyển đổi vũ trụ tùy
theo ý chí cá nhân và ý chí cộng đồng.
Ðứng ở mặt nhân sinh mà nói, nếu
chúng ta chiêm nghiệm nguyên lý 12 Duyên khởi, chúng ta có thể thấy được chính
chúng ta, và chúng ta có thể sửa soạn cho chúng ta một cách sống hợp lý.
Và đứng vào lập trường giác ngộ
mà nói, nếu chúng ta quán sát về nguyên lý Duyên khởi, chúng ta có thể thấy
được Phật, vì chúng là phẩm tính giác ngộ của Phật, chúng ta có thể thấy được
pháp thân của Phật, vì Phật lấy pháp làm bản thân và bản thân của pháp là duyên
khởi.
Chúng ta quán sát lý Duyên khởi,
chúng ta có thể thấy được thực trạng đau khổ của cuộc đời và nguyên nhân phát
sinh những đau khổ ấy, có thể nhìn thấy con đường đi đến Niết-bàn và cảm nhận
sự tịch tịnh của Niết-bàn.
Ngài Long Thọ (Nàgàrjuna) ở
trong Trung quán luận, đã mượn một thành ngữ nổi tiếng của Trung A-hàm để nói
lên ý nghĩa này:
"Thị cố kinh trung thuyết,
Nhược kiến nhân duyên pháp,
Tốc vi năng kiến Phật,
Kiến khổ, tập, diệt, đạo".
(Trung Quán Luận, tr. 334c. ÐTK
30)
Tạm dịch:
"Vì thế trong kinh nói,
Nếu thấy pháp Duyên khởi,
Có thể là thấy Phật,
Thấy khổ, tập, diệt, đạo".
Ðức Phật đã thấy pháp Duyên khởi
bằng hai cách quán chiếu. Ðó là cách quán chiếu lưu chuyển và cách quán chiếu
hoàn diệt.
Cách quán chiếu lưu chuyển là
cách quán chiếu mà đức Phật đã giác ngộ nó theo chiều thuận - nghĩa là cái này
sinh nên cái kia sinh - vì Vô minh sinh khởi nên Hành sinh khởi...
Cách quán chiếu hoàn diệt là
cách quán chiếu mà đức Phật đã giác ngộ duyên khởi theo cách đình chỉ và diệt
tận. Nghĩa là do cái này diệt nên cái kia diệt. Vì do Vô minh diệt nên Hành
cũng diệt...
Do giác ngộ duyên khởi đủ cả hai
mặt lưu chuyển và hoàn diệt mà đức Phật thành Phật.
Bất cứ ai, thấy được pháp Duyên
khởi cả hai mặt, người đó có thể thấy Phật, có thể thấy được pháp thân của Phật
và ngay trong Duyên khởi có thể thấy được khổ, tập, diệt, đạo.
Chẳng hạn, quán chiếu 12 Duyên
khởi theo lưu chuyển, đó là cách quán chiếu về khổ và tập, cách quán chiếu
Duyên khởi theo hoàn diệt, đó là quán chiếu về diệt và đạo.
Hay nói theo ngài Uất-lăng-ca,
thấy Vô minh, Hành, Ái, Thủ, Hữu là thấy Tập đế; thấy Thức, Danh sắc, Lục nhập,
Thọ, Sanh, Lão tử là thấy Khổ đế; hủy diệt 12 chi phần của Duyên khởi ấy, là
Diệt đế; hiểu biết tính chất như thật của 12 Duyên khởi ấy, là Ðạo đế (Duyên
sanh luận tr. 468a ÐTK 32).
Như vậy, chúng ta có thể nói,
chủ yếu của giáo pháp đức Phật chính là pháp Duyên khởi và pháp Tứ đế cũng chỉ
được trình bày qua những giác khác, dễ hiểu hơn của pháp Duyên khởi mà thôi.
Ðối với tất cả loài hữu tình,
tính Duyên khởi là Phật tính (Buddhata), đối với tất cả loài vô tình, tính
Duyên khởi là Pháp tính (Dharmata).
Phật tính hay Pháp tính đối với
tình (sattva) hay phi tình (asattva) đều là tính thường trú, tính quyết định và
tính y tha.
a. Tính thường trú: Nguyên
lý Duyên khởi là nguyên lý có tính thường trú - Nghĩa là tất cả pháp trong quá
khứ cũng do duyên mà khởi, hiện tại cũng do duyên mà khởi, nơi này cũng do
duyên mà khởi, nơi kia cũng do duyên mà khởi. Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào,
pháp vốn là như thế, pháp vốn là duyên khởi, nên tính duyên khởi là tính thường
trú của tất cả pháp.
Lại nữa, tính ấy, nếu đứng ở mặt
thuần giác ngộ mà nói, thì chư Phật trong quá khứ, như đức Phật Tỳ-bà-thi
(Nipasì), Phật Thi-khí (Sikhì), Phật Tỳ-xá-phù (Vessàbhù), Phật Câu-lưu-tôn
(Kakusandha), Phật Câu-na-hàm (Konàgamana), Phật Ca-diếp (Kassapa), tất cả chư
Phật đều do quan sát chiêm nghiệm về lý Duyên khởi mà thành tựu Vô thượng Bồ-đề
(Anuttara Samyaksambodhi).
Ngay trong hiện tại, đức Phật
Thích-ca Mâu-ni (Sakyamuni) cũng do quán sát, chiêm nghiệm lý Duyên khởi mà
thành Phật. Và vị lai chư Phật cũng sẽ như thế, thì không thể không quán sát
nguyên lý Duyên khởi. Vì thế nguyên lý Duyên khởi ở quá khứ nó đã xảy ra và
hiện hữu như thế. Vị lai nó sẽ xảy ra và nó sẽ hiện hữu như thế ở nơi này, hoặc
nơi kia; nó đã, đang và sẽ xảy ra; và nó cũng đã, đang và sẽ hiện hữu như thế.
Vì do bất cứ ở đâu và bất cứ lúc
nào, chính Duyên khởi cũng xảy ra như vậy cả, nên gọi chúng là pháp có tính
thường trú, siêu việt và bất tư nghị.
b. Tính chất quyết định: Pháp
Duyên khởi hay nguyên lý Duyên khởi, là nguyên lý có tính cách quyết định sự
hiện hữu và không hiện hữu của tất cả pháp hay của tất cả sự vật. Nếu đủ duyên
thì các pháp sinh khởi; không đủ duyên thì các pháp tán loạn.
Nói cách khác, nếu không có
duyên, thì không có một pháp nào tự thân nó duyên khởi được.
Bởi vậy, Kinh nói: "Tất cả
pháp tự nhân duyên sinh khởi, nếu không có nhân duyên thì không có sự sinh khởi
của tất cả pháp". (Quán Thế AÂm Bồ-tát thọ ký kinh. Tr. 353c, ÐTK 12).
Do đó, nguyên lý Duyên khởi có
tính cách quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của tất cả pháp hay của tất
cả sự vật.
c. Tính y tha: Pháp
Duyên là pháp có tính nương tựa lẫn nhau để sinh khởi. Do tính này, nên các
pháp không bao giờ có sự tồn tại độc lập nếu có chăng là có ở cách nói, chứ
không bao giờ thực sự có ở bản chất.
Vì tự bản chất của chúng là hỗ
tương, là nương tựa, là tác động qua lại lẫn nhau để sinh thành và hủy diệt.
Nên một sự hủy có thể kéo theo muôn ngàn sự hủy; một sự sinh có thể kéo theo
muôn ngàn sự sinh. Và nếu chúng ta biết lắng nghe, thì chỉ cần một cánh bướm vỗ
nhẹ, cũng nghe chao động cả ba ngàn đại thiên thế giới. Và nếu chúng ta biết
ngắm nhìn, thì chỉ cần nhìn thẳng vào một hạt cát, cũng đủ để thấy rõ bản chất
của thế giới mười phương.
Nói tắt, tính của các pháp là
tính luôn luôn nương tựa, luôn luôn tác động lẫn nhau để sinh khởi. Vì vậy,
tính y tha là tính của pháp.
Ba tính vừa nêu, có thể nói đó
là ba tính hệ trọng của pháp Duyên khởi hay nguyên lý Duyên khởi.
Pháp Duyên khởi có thể nói là
giáo pháp chủ yếu của Phật giáo, vì pháp ấy bao hàm đủ cả các pháp ấn vô
thường (anitiya), khổ (dukkha), không (sùnya), vô ngã
(àntama).
Các pháp ấy, không có trường
phái nào trong Phật giáo, không xem chúng là giáo lý có tính cách ngăn để.
Ðành rằng, các pháp ấy, được các
trường phái Phật giáo xem chúng là giáo lý có tính cách ngăn để, nhưng tại sao
Duyên khởi lại là giáo lý nội hàm các pháp ấn ấy? Giáo lý Duyên khởi nội hàm
các pháp ấy, vì tất cả pháp là duyên khởi, cái gì do duyên khởi, thì cái ấy là
vô thường, cái gì vô thường, thì cái ấy phải có thành, trụ, hoại, không. Nếu
chấp chặt và cảm thọ vào những thành, trụ, hoại, không ấy, thì nhất định phải
khổ đau.
Tất cả pháp là duyên khởi nên
không có tự tính, vì không có tự tính cho nên vô ngã, do vô ngã nên không có
thần ngã nào gọi là bất biến và vĩnh cữu. Do không có một thần ngã nào gọi là
bất biến và vĩnh cửu, nên con người có thể tu tập, có thể cải tạo, có thể
chuyển đổi từ ngu dốt đến trí tuệ, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ ác sang thiện,
từ ích kỷ đến vị tha, từ phàm tục đến thánh giả.
Dựa vào chừng ấy lý do, cũng đủ
để cho chúng ta có thể kết luận rằng: nguyên lý Duyên khởi là giáo pháp
chủ yếu của đạo Phật. Chúng ta thường trực quán chiếu và thường trực
thấu triệt nguyên lý ấy, thì nhất định chúng ta sẽ là Phật như chư Phật đã làm.