[02]
TỔNG LUẬN KINH LĂNG NGHIÊM TRỰC CHỈ
Từ Phật
Oai Âm Vương về trước, không có tên Phật và tên chúng sanh. Bấy giờ chính là
Đạo. Chỉ có điều là không người giác tri. Lớn thay lời nói ấy! Có thể gọi lời
đó là phơi bày ánh sáng giữa ban ngày, ngợi khen sự mênh mông của biển cả. (Ý
nói đã sáng càng thêm sáng, đã mênh mông càng thêm mênh mông). Ngộ tức là đề
hồ, mê vẫn là độc dược. Do đó cho nên đức Phật đóng cửa thất nơi nước
Ma-kiệt-đà, ngài Duy Ma Cật ngậm miệng tại thành Tỳ-da-ly. Ðâu chỉ vì chơn cơ
tuyệt đãi, mà thật là chí đạo khó nói. Cho nên đức Thế Tôn trải tọa dưới cội
Bồ-đề, bèn muốn thị hiện nhập Niết-bàn, bày ngực giữa rừng cây Song thọ, lại
tuyên bố không từng nói một chữ. Trước sau cùng một ý chí này, đầu cuối toàn
nêu bày trọn vẹn. Lời dạy trong Mười hai bộ kinh, đúng thật đều là phương tiện.
Ba thời năm giáo, quyền giáo Tiểu thừa đều thu nhập vào tính Diệu viên.
Pháp giới đâu thể biết, đồng
giác mê mà thành chung thủy; trí sáng tự chiếu soi, bao hàm chơn vọng bởi tánh
viên thường. Từ trước đến nay vẫn là như thế. Cổ động sự vào ra của muôn loài
mà không cùng với Thánh nhân đồng một lo nghĩ, (muôn loài ra vào từ diệu tánh,
mà diệu tánh không có sự lo nghĩ như Thánh nhân). Tận cùng chỗ chỉ quy của Ba
tạng, cốt yếu gạn rõ việc khó rõ của trăm họ. Vốn tự không mê đâu lại có ngộ?
Trỏ nhĩ diệm (sở tri) là Bồ-đề, luống uổng khơi bày cái thấy của đấng Ðộc tôn:
trả Niết-bàn về sanh tử, ai biết được tâm đấng Ðại giác.
Phải biết vọng xoay theo bất
giác, mới tin diệu tánh tức vô minh. Hội ba đời trong một sát-na, dung mười
phương nơi đương niệm. Trong đây rất khó dung hợp, động niệm liền dính trần sa,
vừa tự tin đã là trôi mất thời gian, còn để mặc tự nhiên thì lại đồng mờ mịt.
Việc hằng ngày của kẻ dung
thường, chính là chỗ để tâm của hàng Thượng triết: sự có không của phàm phu,
ngoại đạo đều là chỗ cứng lưỡi của bậc Chí nhân. Ðộng cũng không phải là vọng,
tánh trí vốn tự lặng yên. Lý chơn thật rốt ráo về đâu, tánh hư không đồng với
tịch chiếu. Còn không phải là kiếp ngoại, thì đâu gọi là thời nay.
Chơn như không thật tánh, sáng
và tối tùy theo duyên, sanh diệt do tâm, năng nhân và sở nhân lẫn hiện.
Từ nhất chơn pháp giới, vọng
thấy có tự và tha; từ nơi cửa như huyễn, mà riêng thành tâm và sắc. Sáu trần
ngăn bít thành động và tịnh hai duyên, năm ấm ngưng chắc, nên người hiền kẻ ngu
đều chấp.
Từ cửa mắt vào gọi đó là sắc; từ
cửa tai vào gọi đó là tiếng, mũi, lưỡi, thân, ý tự giữ việc riêng; hương, vị,
xúc, pháp cùng nhau hiển hiện. Căn và trần đâu có khác, phân biệt cũng là
thường. Chính cái ngã cảnh ngã tâm của kẻ mê loạn tức là chơn trí, chơn lý của
bậc Thánh Hiền. Cái sai biệt như thế, cần phải một phen xoay trở lại.
Chung ngồi nơi Ðạo tràng của Như
Lai mà hằng trọn đời không giác ngộ; ai chỉ ra cảnh giới trần lao, hầu khai mở
cho kẻ mê muội đồng trở về.
Sanh tử tiếp nối, đều bởi dâm
tâm; phân biệt theo vọng duyên, đều do tánh thấy. Tánh vốn chẳng phải thấy, gá
nơi căn mà soi sáng; tâm không là dâm, nhân vì sắc che lấp. Thấy sắc thì tâm mờ
tối, thấy tướng thì tâm phát sanh: đồng nơi tâm và mắt này, mà phân chia có hơn
có kém.
Nhơn tâm nên có tưởng, đạt tưởng
chính là tâm. Há có tạm và thường, do giác mê bèn có khác. Biết lưu chuyển do
từ đâu, thì tâm cảnh nào có khác. Rõ thường trú hằng như vậy, thì thấy nghe
không đổi dời. Gạn cùng bảy chỗ (bảy chỗ hỏi gạn tâm), thì đa văn ích gì.
Từ cửa mặt phóng hào quang, là
chỉ cho thấy căn tánh mỗi mỗi đều tròn sáng; thế giới hợp lại hay chia ra, là
tiêu biểu thân và độ lớp lớp thu nhiếp lẫn nhau, thân tâm vốn không rộng hẹp,
mà thể dụng như tuồng có trệ ngại và viên dung. Bởi do chưa rõ hai món căn bản
nên khiến cho cái "năng suy" lìa trần không có tự thể, do đó tướng và
kiến hiện tiền có thể biện biệt, nhưng tâm và mắt đen tối vẫn còn mê.
Ðèn hay hiển bày các sắc, như
vậy cái thấy là con mắt chứ không phải đèn; con mắt hay hiển bày các sắc, như
vậy tánh hay thấy là tâm chứ không phải con mắt. Mới tin tâm vốn thường trụ, mà
con mắt thì có khuyết có toàn.
Thường trú gọi là chủ, không
thường trú gọi là khách. Cũng như hư không vốn đứng lặng, mà bụi trần tự lay
động; tâm tánh vốn chơn không, mà sanh diệt thì theo niệm. Ðâu không biết niệm
là sở duyên, còn chưa rõ tâm ắt chẳng diệt.
Bởi do ở lâu trong mê nên tâm đã
thành tưởng. Lấy tưởng duyên tâm, thì tâm đồng với tưởng tàn tạ. Lìa tưởng gạn
cái thấy, cái thấy hiển lộ thì tưởng không còn. Nên ngoài phân biệt vẫn còn lưu
lại căn tánh để chờ đợi phát minh. Tuy đối hiện nói là tạm có, lại trải qua năm
xưa cũng như hiện tại.
Quán thân dời đổi, niệm niệm
không dừng, xem sông Hằng vẫn y nhiên, lúc trẻ với lúc già không khác, đối cảnh
rõ ràng, không rơi vào suy nghĩ (kiến tánh ngoài suy nghĩ), nhớ lại tức đành
rành, đâu phải nhọc tụng tập. Cho nên biết Phật tánh của chúng sanh, ở ngay
trước mắt; nhận thấy Niết-bàn Như Lai thoạt vào nơi tâm niệm. Nương theo chỗ
tâm phân biệt không đến kịp, để chỉ ra hiện lượng (tánh thấy) ngay đương thời
(bây giờ). Thoáng chốc xoay đầu thì nhiều kiếp tợ như mới hôm qua.
Lại gạn cùng chỗ điên đảo, để
cứu xét nguyên do sót mất (bản tánh). Mới biết tánh thấy nghe bị mê lầm nơi sắc
không, nên không thể nói ngộ, nhưng tâm không sanh diệt vẫn ở trong thân thì
đâu được nói không mê; chỉ một cánh tay không khác mà mỗi người bảo là xuôi
ngược khác nhau. Ðã lầm nước, toàn biển cả thì ai bàn chi đến bọt nổi. Ở nơi
cái bất giác này, vọng ý thừa đương thì tâm địa thường trú, chẳng qua chỉ là
cái "sở ngộ", mà hiện lãnh pháp âm chỉ là cái "năng duyên".
Tâm phân biệt năng duyên đã không tự tánh (thật tánh) thời tâm tánh sở ngộ ắt
có chỗ trả về. Ðâu biết tám thứ (có thể trả về) sai biệt đều thuộc thế gian, mà
tám thứ kiến tính rốt cuộc không ngoài ông. Tiền trần là vật, còn cái thấy của
ông không phải vật. Tánh tri giác không xen tạp với vô tình; mà tôi và ông vẫn
phân cách nhau trên thân thể. Mỗi mỗi đều tự cùng khắp, trong tánh thấy đâu có
chia ra trong ngoài; cũng không dứt nối, như thế hư không nào có vuông tròn.
Nói lý thì rất rành rẽ mà nói
chứng ngộ vẫn còn phần lượng. Nếu chỉ tâm "sở ngộ" là phải, ắt cho
tâm "năng duyên" là trái. Phải trái rõ ràng thì vật ngã khó tiêu.
Trong sự vật gạn bày cái thấy,
là trước dứt bặt tâm sở ngộ. Phải hết thì trái cũng không còn, lại gạn cùng
thức năng ngộ.
Ðại đạo không riêng khác, chẳng
phải hàng Nhị thừa có thể nghĩ bàn. Tự trú trong Tam-ma-địa, phải bậc Ðại trí
mới nói được.
Tướng hoa đốm giữa hư không,
tánh Bồ-đề cùng khắp, thị phi đều dẹp, chỉ một Văn Thù; một và hai đều mất,
diệu giác riêng treo cao. Nếu không thấu triệt cội nguồn các pháp, thì ít ai
chẳng lầm cho là thần ngã. Lại nếu quanh quẩn trong bốn loại thì sẽ lầm cho là
nhân duyên. Ðệ nhất nghĩa đế tức ngay trong các tướng thế gian. Chỉ một phen
phát minh sẽ không còn việc khác.
Bốn nghĩa đã thành tựu thì vượt
ra ngoài sáng, tối, thông, bít. Nếu thấy được tánh thấy thì liền được Bồ-đề.
Muốn biết nguyên do ngộ được cái thấy, phải biết nguyên do cái thấy sanh ra.
Cái thấy vốn tánh là chơn, còn cảnh chính từ vọng hiện. Do vọng thấy cảnh, mới
làm cho tánh minh diệu bị buộc vào trong căn; biết tâm không vọng, liền khiến
kiến tính vượt khỏi ngoại trần.
Biệt nghiệp ví dụ căn thân, đồng
phận, ví dụ khí giới; căn mê đã hết như mắt nhậm bỗng lành; lượng khí giới vốn
không, tợ bóng lòa chẳng phải đã có. Chơn trí thì không có thấy, chơn lý thì
không có trần. Mắt thấy là theo hiện nay, kiến duyên y như thuở trước. Mười
phương cõi nước đều là tánh diệu minh; cái thấy cái nghe ngay đây đâu từng hư
vọng.
Trong Như Lai tạng, ngũ ấm, lục
nhập đều chơn; trong tánh chơn như, mười hai xứ mười tám giới vốn thật. Tự tánh
sắc là chơn không, cho đến giác minh là chơn thức, vốn sẵn cùng khắp mà tùy
theo chỗ hiểu biết của chúng sanh. Từ đó phát minh được điều chưa từng có. Tự
tín tâm linh không ở ngoài cũng không ở trong thân, trở lại xem mười phương thế
giới đều nương hư không, hư không lại ở trong tâm.
Cảm cái ân tha thiết trở về
nguồn, nguyện sâu xa với tâm từ bi đồng thể. Ðã ngộ được pháp thân, lại mong
trừ lỗi lầm nhỏ nhặt. Ngã chấp phân biệt dễ trừ, câu sanh ngủ ngầm khó thấy.
Vẫn còn phải thưa thỉnh để giải thích cho những người đồng nghi.
Tánh thanh tịnh bỗng nhiên sanh
ra, biết sự vọng lập của giác minh; thấy đồng thấy khác, mà khởi ra pháp hữu vi
về hàm thức. Thế giới đã thành, chúng sanh lưu chuyển; nhân duyên kết cấu,
nghiệp quả tìm nhau. Ở trong giác minh khởi diệt, như ráng nắng khởi sóng; ở
trong tánh giác diệu minh, tợ thái hư thường lặng.
Ngộ nguyên không vay mượn, chỉ
cần tin giác tánh của chúng sanh vốn thường như; mê đâu có nguyên nhân, ai bảo
thế giới diệu không vẫn thường tại? Mặt trời thì sáng, mây phủ thì tối, gió lay
thì động, mưa tạnh thì trong, hư không chẳng động, còn các tướng thì lưu
chuyển.
Quán tánh vốn là chơn, quán tưởng
nguyên là vọng. Hợp với vọng thành vọng, hợp với tánh toàn chơn chỉ có tánh
diệu giác, tất cả đều "phi"; chơn thời tùy duyên biến khắp, tất cả
đều "tức". Do đó mà ứng hiện có tục có chơn, có phàm có Thánh. Tâm
phú cảm của bậc đại giác thì thường cùng khắp, tánh đương niệm của quần sanh tự
đầy đủ, toàn nương ngón tay khéo mà phát ra âm thanh chơn thật sẵn có. Chẻ
trong hạt bụi mà lấy quyển kinh, đồng trong hải ấn mà phát hào quang soi khắp.
Vừa mới tin tánh diệu giác vốn viên mãn, không nguyên nhân mà tự vọng; ắt khiến
cho tánh cuồng bỗng hết, tánh thanh tịnh thù thắng vốn trùm khắp.
Rõ tánh không, nên không ở trong
sanh tử; ngộ duyên khởi, nên không trú Niết-bàn. Ba thứ tương tục vẫn tại trong
mộng, một niệm huân tu liền tạm ra khỏi buộc ràng. Ấy đều không thể do dụng
công mà được, há lại dùng việc hý luận mà thành. Do đó muốn phát minh để giác
ngộ kẻ sơ tâm, thì trước phải xét nhân địa tu tập, rồi sau mới thẩm trừ mê
hoặc. Tánh thấy, nghe, hay, biết được phát minh đây, tức là đức thường, lạc,
ngã, tịnh rốt ráo.
Chỉ cần chín chắn phân biệt sanh
tử, liền có thể xa xa khế hợp Niết-bàn. Không theo hư vọng, cứ nhậm vận yên
lặng càng sâu, thì nước trong hiện tiền, không đợi gạn bỏ bùn; rốt ráo đến tận
nguồn, đâu vượt qua thuần tịnh. Chỉ là căn tánh trong mê không tự biết, nên
duyên trần sanh thức; chỗ gút sau khi ngộ nên biện biệt, như dẹp giặc phải tìm
kẻ môi giới. Chướng ngại phần phân biệt nơi địa vị Sơ tâm, tiêu dung phần chủng
tử tập khí nơi địa vị hậu trí, vẫn gọi là phương tiện, chưa nghĩ đến viên tu. Mỡ
sáu gút đồng như một, dính và gở đều xoay lại. Trừ bỏ vật để xem hư không, thì
tướng đồng và khác đều bỏ hết. Biết cái niệm trạm của tâm tánh diệu viên thoáng
thế, thời sự thanh tịnh của căn thắng nghĩa vẫn còn nguyên. Tối và sáng là cái
thấy, mê vọng mới thành hôn mê. Căn hay biết chứ không phải trần, nếu không
chạy theo nó thì tự nhiên giải thoát.
Thể tánh của bảy thứ (Bồ-đề,
Niết-bàn, Chơn-như, Phật-tánh, Yếm-ma-la thức, không Như Lai tạng, Ðại viên
cảnh trí) vốn bền chắc, đâu đợi phải có tiếng chài mới nghiệm biết; tánh tri
giác nơi sáu cửa vẫn thường diệu, đâu vì ngủ thức mà sai khác. Diệu tánh vốn
thanh tịnh, do tánh mình dính cái vọng mà phát ra hiểu biết. Mở phải từ nơi
lòng gút, căn trần vốn không lỗi. Tánh nương nhờ nơi sức tịnh, lý và hạnh thành
tựu lẫn nhau.
Lựa sự viên dung hay trệ ngại
nơi căn cảnh, mượn làm gương soi các căn cơ: ngộ thẳng tắc nơi sự tu trì, chóng
vượt qua quyền thừa hữu học. Tất cả sắc pháp đều tụ nơi mắt, xưa do cái thấy mà
mờ tối, nay do cái thấy mà giác ngộ, mười phương âm thanh đều đạt đến nơi cái
nghe, không bị tai làm ngại, lại lấy tai mà xoay chuyển. Xoay cái nghe trở về
tánh giác, kíp chuyển cái cơ không dừng trụ: Không và giác cùng cực viên mãn,
ai hiểu thấu tánh lặng lẽ ở hiện tiền này? Ðây là chỗ căn bản chứng ngộ của đức
Quán Thế Âm, đã được viên thông; cũng là căn được đức Văn Thù lựa chọn, làm
phương tiện đầu tiên. Lựa chọn 23 vị Thánh, chỉ cho ba đời theo một cửa (nhĩ
căn viên thông). Y theo chỗ ngộ mà viên tu, chỉ có hai nghĩa quyết định; theo
chỗ tu mà khởi ngộ, lại có Ba vô lậu học. Hành không hư dối, dứt sạch mà ái
kiến, tâm thẳng như dây đờn, thành nhân địa chân chánh.
Hiện nghiệp dễ chế phục, tự hành
có thể trái bỏ, nhưng tập quán cũ rất khó trừ, vẫn phải nhờ thần lực. Do đó
kiến lập đạo tràng, nhờ tha lực gia bị; nhưng chương cú diệu vi, phải do tự
mình khế hội. Mười phương chư Phật, từ đây xuất sanh; hậu thế kẻ tu hành, không
rời nơi tòa. Nếu muốn phát sanh Sơ càn tuệ địa, hoàn toàn trước phải do lần
lượt tiến thầm, lại còn mong đầy đủ 55 tâm; vậy sau mới thành quả địa tu chứng.
Ấy là khuôn phép tu hành của Phật để lại, bỏ đây bèn lạc vào đường tà. Dẫu được
thẳng đến giác ngộ sáng suốt, cũng tự mình thầm hợp với chánh quán. Không có ai
ba nghiệp chưa trong, sáu căn chưa sạch mà có thể làm mô phạm cho người trời.
Chính mười nhân không dính, sáu căn không giao xen này, mà đâu tránh khỏi
Thiền-na sai lạc. Bởi vậy do vì thuần tình mà sa vào địa ngục, chỉ do một niệm
sai khác; hoặc vì thuần tưởng mà sanh thiên, cũng phải biết hễ phước báo hết
vẫn sa đọa. Nghiên cứu tận cùng tâm thức thì tột đến nơi trời Tứ không, còn
phóng túng chìm đắm trong mê muội thì thành ra địa ngục A-tỳ. Phật tánh lưu
chuyển tùy theo niệm mà có thăng trầm; vọng tánh chẳng phải gì khác, như bàn
tay lật ngược. Chỉ cần biết rõ tự tâm sẵn có, không chạy theo thấy biết, bèn có
thể tùy thuận giác tánh; kíp hiểu rõ Thánh tình. Ở trong Tam-ma-địa, đắc và
thất đều dứt, chỗ ngũ ấm diệt tận, cảnh giới không còn lưu lại. Từ đầu đến
cuối, từ phàm vào thánh, xoay nhìn lại chỗ ngộ không vượt ngoài sơ tâm. Không
phải pháp nhãn có thể nhìn thấy, há lại thiên Ma được dịp khuấy phá. Nếu chỉ
nương giáo pháp tiến tu, do giới vào định, nếu không tùy thời tự giác, thì chưa
khỏi nhân thấy cảnh thù thắng trong định mà sanh tâm. Dính nơi cảnh bèn rơi vào
tà tư, hễ động niệm liền bị Ma nhiếp phục. Ðến chỗ sanh diệt đã diệt thì thức
tánh hiện tiền, nếu lầm cho là Bồ-đề thì quên mất chánh trí chánh kiến.
Riêng thành lập các luận không
cứu xét tánh diệu viên, dẫu chúng định tánh Thanh văn, chưa thể cho là kiến
tánh. Ðộc giác đư?c chút ít vẫn còn xa trái Niết-bàn. Bởi vì không do tích lũy
(tu hành) thẳng đó tâm khai ngộ, cùng với đây thứ lớp đi sâu vào Thiền định,
tuần tự cho đến phá được thức ấm, đồng gọi là Càn tuệ địa, chóng vào Kim cang
địa. Kia do ngộ rồi mà tu, đây do tu rồi mới ngộ. Do tu mà ngộ là trước hành bố
(tiệm tu), sau viên dung hành bố. Ngộ thời đều ngộ mà đắp đổi có dị đồng, tu
thời đều tu, lại chia ra có khó dễ. Người đốn ngộ thì về lý, do có sai khác,
người tiệm tu thì về sự, dính có tạp loạn lỗi lầm. Lý mà sai biệt là tại mất
chơn khi ngộ, sự mà sai lầm là thường e khi tu có nhiều đường rẽ. Thế là vì
kiến tánh ly trần, vượt lên trên phân biệt mà tùy duyên tự tại; chơn tâm không
vọng, ra ngoài thị phi lấy Diệu huệ trang nghiêm. Ngộ đã tinh tường thì tu mới
viên mãn giải thoát.
Hành lấy lý ấn chứng, thì nghĩa
sai biệt không thiếu sót; lý phải lấy hành mà trang nghiêm, thì cửa căn bản
(pháp môn tu căn bản) không bị vượt qua. Ngũ ấm tiêu trừ theo thứ lớp, đâu ngại
viên dung; nhân giới hạn rõ ràng, mà không chìm vào sự chứng ngộ thiên lịch.
Bản giác tịnh tâm, ban đầu không
trần cấu, vì vọng tưởng kế đạt mới hiện có sắc tâm. Sắc nhân không mà hiện có,
xúc do lìa ra mà biết. Nhớ chẳng phải vì quên mà hóa không, sanh đâu phải vì
diệt mà mất hẳn. Tức khiến cho cái sanh diệt xoay về trong tánh trạm, thì vào
hiệp càng bày rõ ở mé thức. Cho nên hành ấm tuy hết mà giác tâm khó viên mãn.
Hàng nhị thừa đã lầm nhập vào vô vị, kẻ sơ tâm vẫn lầm nghĩ nghì nơi tức sắc.
Ngộ lý chưa viên mãn, vừa mới
hướng đến cửa giải thoát, liền đã thành ra nhàm chán cảnh; mê tình chẳng dứt
sạch, dẫu có nói hành vi trái đạo, rốt cuộc ắt đi đến sự bác không. Vạn pháp
tuy không mà lý nhất chơn đâu có chỗ trụ; tâm trong tam giới đã tuyệt dứt thì
hiện hành đâu xen lạm câu sanh. Con mắt của ngàn Thánh đã siêu, mà không thân
vẫn còn e hữu sự. Do đó việc thốt mổ đồng thời phải trả lại hàng tác gia (mô
phạm), được chơn tông vô trước, chưa xưng là tôn quý.
Trong kinh này việc A-nan thị
hiện bị đọa, là cốt yếu trước tiên phải rửa sạch thức tâm; cuối cùng đến sự
viên tu cũng tức là dứt trừ Thánh giải. (nhược tác Thánh giải tức thị quần tà).
Ði trong dị loại mới cho là đồng triền. Ai chẳng thấy? Ai chẳng nghe? Mắt thấy
không phải sắc, tai nghe không phải tiếng. Toàn thể đại dụng, thu nhiếp xưa nay
ngay trên đường; dứt trí tuyệt ngu, vật và ta ngang bằng nơi kiếp ngoại (vượt
ngoài không thời gian); vẫn thuộc về chỉ dấu vết, chứ chưa phải đến chỗ chơn.
Lặng lẽ mà thành, không thấy
được dấu vết; lấy thần mà rõ đó đều do tại nơi người.
Xuân
Giáp Tuất - 1995.