[04]
VÔ VI CƯ ÐIỆN CÁC
Phật giáo
là ánh sáng. Ánh sáng của Phật giáo là từ bi, trí tuệ. Ánh sáng ấy soi rọi lòng
người, phá tan màn vô minh, vị kỷ, tật đố, tham sân si, để cùng nhau tạo lấy
một cuộc sống an vui hạnh phúc và xây dựng đức tính tốt đẹp: đức tính vô ngã vị
tha.
Ánh sáng của Phật giáo đã lan
truyền hầu khắp các nước Châu Á và ngày nay nó đã lan truyền qua các nước Châu
AÂu, Châu Mỹ, Châu Úc, Châu Phi...
Ánh sáng của Phật giáo đã đến
nước Việt Nam từ thế kỷ thứ I và đã hòa nhập vào lòng dân tộc, cùng dân tộc
Việt Nam tạo nên những trang sử oanh liệt, mang lại độc lập, tự do và hạnh phúc
vững vàng cho đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, các vị Thiền sư của Phật giáo
luôn luôn có mặt, gắn bó với các triều đại: nhà Lê, nhà Ðinh, nhà Lý, nhà
Trần... Trong đó có những vị Thiền sư mà bất cứ một người viết sử Việt Nam
nào cũng không thể bỏ qua được. Chính lúc Lê Ðại Hành ở ngôi đã có nhờ thiền sư
Ngô Chân Lưu, Ðỗ Pháp Thuận... là những vị Thiền sư bác học, đạo đức cao thâm
cùng chung giúp sức, cố vấn, cho nên khi vua Lê Ðại Hành hỏi Thiền sư Ðỗ Pháp
Thuận rằng "Vận nước hiện nay như thế nào?". Thiền sư Ðỗ Pháp Thuận
liền trả lời:
"Quốc tộ như đằng lạc
Nam
thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh" [*]
Tạm dịch:
Vận nước như mây quấn
Trời Nam
mở Thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh
(Lê Mạnh Thát dịch)
[*] Vận nước như dây quấn
Trời Nam
ôm thái bình
Ðạo đức ngự cung điện
Muôn xứ tức đao binh (Nguyễn Lang – Sử luận I, tr. 146)
Nghĩa là: "Vận nước ngày
nay nó vững chắc như dây quấn, trời Nam mở thái bình, vô vi ở trên điện
các, nơi nơi bặc hết đao binh".
Chữ "Vô vi cư điện
các" này phải hiểu: Vô vi không có nghĩa là không làm gì hết, nhưng có
nghĩa là làm mà không có tư dục, không có tư tâm. Không những thế, chữ vô vi
trong đạo Phật khác với chữ vô vi trong đạo Lão. Ðạo Lão nói đạo là thường hằng
tự nhiên, không có danh, không thể nói. Muốn được an thì cứ thả tâm tự nhiên
theo đạo, không tác vi gì cả, chữ vô vi trong đạo Phật là dịch từ chữ Phạn
"Asamskrita", có nghĩa là không tạo tác, chỉ cho pháp lành thường trụ
không do nhân duyên tạo tác, không có sanh diệt biến hoại, khác với pháp hữu vi
là pháp do nhân duyên tạo tác, có sanh diệt biến hoại, nên pháp vô vi chính là
một tên khác của Niết-bàn. Như trong luật Tứ phần, đức Phật Tỳ-bà-thi dạy:
"Nhẫn nhục đệ nhất đạo, Phật thuyết vô vi tối..." nhẫn nhục là hạnh
tu cao nhất, Niết-bàn là đạo tối thượng. Niết-bàn là tịch tịnh vô vi an lạc,
ngoài mọi vọng tình tà kiến chấp trước. Như kinh Ðại nhật phẩm Trụ tâm nói:
"Bồ-tát vì chúng sanh trong pháp giới, không từ mệt nhọc, thành tựu an trụ
học giới vô vi, xa lìa tà kiến, thông đạt chánh kiến". Hay "thâm quán
pháp tánh vô vi, hoặc sanh hoặc pháp (tức hoặc chấp thật có ngã, thật có pháp)
đều vô sở đắc". Chính trong tinh thần vô sở đắc đó, kinh Kim cang dạy rõ:
"Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm" là hãy đừng trụ vào tướng gì cả mà
sanh tâm bố thí, trì giới v.v...
Như vậy, chữ "vô vi"
trong đạo Phật đâu có nghĩa là không làm gì hết, trái lại vô vi là làm tất cả
những gì thuận với pháp tánh, Niết-bàn, chân như, theo đó không có chút ý tưởng
chấp ngã, chấp nhân, chấp pháp... Ngồi ở ngôi cao cai trị muôn dân với một tinh
thần vô vi, vị tha trị nước, không có tư dục, không có tư tâm, tất nhiên nước
sẽ yên, dân sẽ bình, không có những sự rối rắm và không có giặc giã nổi lên.
Lão Tử nói: "Bất quí nan
đắc chi hóa, sử nhân bất đạo", người ở ngôi cao mà không thèm quí những
vật khó kiếm được, thì dân sẽ học theo đó mà không sanh tâm trộm cắp.
Với cái nghĩa như vậy nó gắn
liền với lịch sử, gắn liền với Thiền sư Ðỗ Pháp Thuận, với Lê Ðại Hành. Thế
nhưng, tiếc thay cho đến ngày hôm nay, cũng có những vị học giả cắt nghĩa rằng:
"Vận nước như dây quấn
Nam
thiên mở thái bình
Không làm gì ở điện các
Nơi nơi dấy đao binh"
Từ một nghĩa này lật ngược lại
thành một nghĩa khác. Từ nghĩa vô vi như vừa nói lại bảo là không làm gì hết,
cho nên từ "tức đao binh" là dứt hết đao binh lại bảo là "dấy
đao binh", và nếu như các nghĩa sai lầm đó mà tiếp tục được nhận định,
được cắt nghĩa, thì tất nhiên lịch sử Việt Nam sẽ bị giải thích một cách sai
lệch. Trong thời Lê Ðại Hành độc lập mà nói rằng, một vị Thiền sư đã từng giúp
cho Lê Ðại Hành đánh Tống bình Chiêm giữ ngôi, giữ nước mà nói không làm gì ở
điện các, nơi nơi dấy đao binh, cắt nghĩa như thế là đã đi ngược lại lịch sử.
Cắt nghĩa như thế chẳng những đã không hiểu Phật giáo mà còn cố tình làm sai
lệch lịch sử Việt Nam.
Do đó cho nên các nhà nghiên cứu Phật học Việt Nam cần phải khai mở tất cả những
gì khuất lấp, những gì bị che đậy, hầu làm sáng tỏ những trang sử vẻ vang mà
Phật giáo đã đóng góp và xây dựng cho đất nước. Khi đã khai mở tất cả những sự
khuất lấp đó để cho Phật giáo được phát huy, cùng nhau xây dựng đất nước thì đó
là một công trình, một việc làm hết sức thích đáng.
Giáo lý của đức Phật vô cùng
thậm thâm, nhưng không có nghĩa là hư huyễn, ảo tưởng. Cái vô cùng thậm thâm đó
ở chính trước mắt, chính ở bên tai, chính ở trong hành động của chúng ta hằng
ngày. Cái vô cùng thậm thâm ấy nó chuyển hóa lòng người, là kim chỉ nam cho các
vị Thiền sư khi cần bảo vệ Phật pháp và đất nước thì họ hy sinh tính mạng của
mình mà không biết tự ngã.
Nhìn bên ngoài, đọc những câu
kinh Phật có lắm người chê. Chê rằng: các ông thầy chỉ biết chuông mõ, đọc lên
những câu kinh Phật, thấy rõ cả một hơi tiêu cực, yếm thế, bi quan! Thế nhưng
họ quên đi rằng tại sao lại có những vị Thiền sư yêu đạo yêu đời như Ngô Chân
Lưu, Ðỗ Pháp Thuận, như Vạn Hạnh đến thế! Làm sao lại có những vị đã hy sinh
cao cả, đã đem lại vinh dự không những cho Phật giáo Việt Nam mà còn làm vinh dự cho dân tộc Việt Nam như Bồ-tát
Thích Quảng Ðức đến thế! Thế mới biết rằng đằng sau cái nhìn có vẻ tiêu cực,
Phật giáo có một sức mạnh vô cùng tích cực. Ðó chính là một câu hỏi mà ngày hôm
nay cũng còn nhiều người đang đặt ra và đang suy nghĩ về nó. Họ nói: không biết
tại sao khi đọc trong kinh Phật, không thấy câu nào nói đến yêu nước hết, chẳng
có chữ nào nói đến Tổ quốc hết, thế nhưng tại sao lại có những vị Thiền sư lại
làm nên việc mà thiết tưởng trong chúng ta ít mấy ai làm được? Thế cho biết nơi
mỗi con người chúng ta từ trong bản chất, theo như đức Phật gọi: "Tất cả
mọi người đều có tính Phật", cái tính Phật đó nó gồm đủ các nghĩa đại từ
bi, đại trí tuệ, đại giải thoát, đại hùng lực. Nhưng cái tính Phật đó đồng thời
nó cũng bị những cái tính chúng sinh như: tham, sân, si, ngã mạn, tật đố, hẹp
hòi, nhỏ mọn, ích kỷ, che lấp. Khi đã bị những cái tiêu cực đó nó che khuất,
nên cái tính tích cực bị chôn vùi mà không phát triển ra được. Do đó phải đọc
kinh, học kinh, tụng kinh để tiêu diệt tính tiêu cực tham, tiêu cực sân, tiêu
cực si, tiêu cực ngã mạn, tật đố... Khi mà những cái tiêu cực đó đã tiêu đi thì
tự nhiên tính tích cực bộc lộ ra, không cần nhắc tới nó cũng bộc phát.
Mặt trời vẫn sáng nhưng bị làn
mây khuất lấp, khi làn mây tan đi thì mặt trời tự sáng, không cần đòi hỏi ánh
sáng mặt trời thì mặt trời cũng tự sáng. Chính những điều đó đã cắt nghĩa cho
chúng ta, giải đáp các câu hỏi: tại sao đọc những câu kinh Phật thấy có vẻ bi
quan yếm thế, nhưng đến khi làm những việc tích cực thì rất lớn lao?
Trong thời đức Phật, Ngài cũng
dạy cái đạo lý tương tợ như thế. Có những kẻ ngoại đạo đến chỉ trích đức Phật
rằng: "Ồ, ông Phật, ông cứ đi truyền bá cái Ðạo phá hoại sự sống, truyền
bá cái Ðạo hư vô, người ta nói như vậy có đúng không thưa ông?"- Ðức Phật
trả lời: "Ðúng đấy! Ta truyền bá cái Ðạo phá hoại sự sống, nhưng là cái
Ðạo phá hoại sự sống tham lam, phá hoại sự sống ích kỷ, phá hoại sự sống tật đố
và truyền bá cái Ðạo hư vô, nhưng là Ðạo hư vô tính xấu, hư vô hành động ích
kỷ, hư vô hành động phá hoại. Ðây chính là cái Ðạo ta truyền". [Tăng
Chi, Phẩm thắng Tri Tham – HT. Minh Châu dịch]
Nếu như không nghiên cứu chúng
ta sẽ chấp chặt cái hư vô phá hoại đời sống, rồi chúng ta cũng sẽ mang một cái
lầm như các nhà ngoại đạo kia gán lên cho là lời dạy của đức Phật. Vì lẽ đó cho
nên cần phải có người nghiên cứu Phật học để phát huy cái cao cả, phát huy cái
sáng suốt, cái tinh hoa trong kho tàng giáo lý đức Phật, để sửa sai những cái
hiểu lầm, những cái hiểu không đúng, đã, đang và sẽ có hại đối với đạo Phật chúng
ta.