Thiền học
Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
25/09/2556 18:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 10. Vượt đại dương đến Ấn Độ

 

 

Chuẩn bị để rời Ceylon lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cần hai thứ: tiền và một hộ chiếu.

Nhưng vì tôi là một tu sĩ, không có chứng từ thu nhập, tôi không thể lấy được hộ chiếu. Chỉ những người có đóng thuế thu nhập mới có thể nộp đơn xin hộ chiếu cho bản thân họ, vì thế vị giám hiệu trường truyền giáo đã nhờ một ân nhân giàu có, một người đã đóng rất nhiều tiền thuế, làm người bảo trợ cho tôi. Ông đã ký những giấy tờ cần thiết và tôi được người ta cấp cho một thứ gọi là công văn khẩn. Như thế là tôi được quyền đến và đi khỏi Ceylon trong thời hạn hai năm.

Tôi biết rằng hội Mahabodhi sẽ trả tiền tàu cho tôi đến Ấn Độ. Dầu đó là điều tuyệt vời, nhưng tôi cảm thấy tôi cũng cần có một ít tiền dằn túi khi đặt chân đến Ấn Độ, để có thể được tự lập chút đỉnh. Nhưng một nhà sư mà đi xin tiền người khác thì không tiện lắm, vì thế tôi đến chùa Yakkala, nơi tôi đã sống một thời gian, để hỏi ý kiến Đại Đức Candajoti.

“Gune !” ông nói, gọi tôi một cách thân mật, “Đừng khờ vậy. Sư là tu sĩ. Mọi người đều biết sư không có tiền, và mọi người biết sư phải cần một ít tiền trong chuyến đi này.”

 Ông giúp tôi viết một lá thư nói về chuyến đi của tôi và những thứ tôi cần cho chuyến đi đó. Ông cho in ra bảy trăm tờ copy. Tôi phân phát một ít tận tay người nhận và gửi phần lớn qua đường bưu điện.

Khi tất cả mọi thứ đã kết thúc, tôi nhận được hai trăm rupee (khoảng sáu mươi đô la), là một khoảng tiền khấm khá vào thời điểm đó. Mẹ tôi cũng cho một rupee và cha tôi cho năm. Em gái tôi cho hai rupee, và sư phụ của tôi gửi năm rupee từ tiền cúng dường mà ông nhận được của các cư sĩ ở chùa ông.

Cuộc hành trình của tôi bắt đầu ở ga xe lửa Colombo vào ngày 15 tháng 1 năm 1955. Không có ai trong gia đình tôi có thể đi hơn trăm cây số đến tiễn đưa tôi, nhưng sư phụ của tôi đã cùng đáp xe lửa đi với tôi tới Colombo. Sau khi chúng tôi chia tay, tôi chỉ còn lại một mình. Tuy nhiên tôi không sợ hãi; tôi rất phấn khích được bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời mình. Cuối cùng thì chân trời cũng mở rộng trước mắt tôi. Dầu lúc ấy tôi khó có thể tưởng tượng ra trước, nhưng năm bảy mươi lăm tuổi tôi đã đi hoằng pháp trên sáu lục địa.

Ở Colombo tôi gặp được những người đồng hành là một nhóm Phật tử hành hương trên đường đến các thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Chúng tôi đáp xe lửa qua đêm đến một thành phố gọi là Talaimanner, ở tận phía bắc của Ceylon. Ở đó chúng tôi lên một chiếc phà để vượt qua hai mươi hai dặm đường biển.

Đó là lần đầu tiên tôi ở trên một chiếc tàu lớn như vậy, và không kể những kinh nghiệm suýt chết đuối của tôi, tôi không hề cảm thấy lo sợ chút nào. Chỉ một tiếng đồng hồ sau là chúng tôi đã đến Ấn Độ.

Tàu đỗ bến ở Mandapam, một thành phố ở bờ phía Nam của quần đảo Ấn Độ. Địa phận đó của Ấn Độ giống như một sa mạc; không cây cối, chỉ có đất khô cằn và ánh nắng mặt trời rực lửa. Chúng tôi lại lên một chuyến xe lửa khác.

Trên xe lửa, chúng tôi được ăn xôi gói bằng lá chuối. Khi chúng tôi vứt lá chuối ra ngoài của sổ, một số người ăn mày chạy đến nhặt lá chuối dưới đất lên và liếm láp đến những hột nếp cuối cùng. Dầu những ngôi làng nhỏ ở Ceylon chắc chắn là không được giàu có, nhưng ở đây rõ ràng là sự nghèo khổ còn tồi tệ hơn tất cả những gì tôi đã chứng kiến.

Trưa hôm sau chúng tôi đến Madras, trên bờ biển phía đông của Ấn Độ. Chương trình của tôi dự định là nghỉ ngơi một tuần và làm quen với Ấn Độ trước khi đến ngôi chùa mà tôi được gửi đến.

Đại Đức Batuvangala Jinananda, hội trưởng của hội Mahabodhi ở Madras, đón tôi tại nhà ga xe lửa. Ông và các vị tăng đi theo đoàn nói tiếng Tamil, nên chúng tôi có thể trao đổi chuyện trò. Tôi trải qua một tuần lễ thư thả, viếng thăm các chùa và hội Thần Học, một trung tâm độc lập chuyên nghiên cứu việc giảng dạy các tôn giáo khác nhau.

Chẳng bao lâu thì đã đến lúc tôi phải đi Sanchi, là nhiệm sở đầu tiên của tôi. Sanchi thuộc bang Bhopal của Ấn Độ, ở giữa Delhi và Bombay. Bảy giờ tối hôm đó, tôi lên xe lửa ở Madras. Hơn hai mươi bốn giờ sau, sau khi xuyên qua gần nửa lãnh địa Ấn Độ, tôi đến được Sanchi. Tôi là người duy nhất xuống ga xe lửa ở một chấm li ti trên bản đồ. Nhà ga không có thềm để lên xuống; tôi bước xuống xe lửa và chân tôi chạm ngay xuống đất cạnh đường ray. Khi xe lửa chuyển bánh đi tiếp, một người đàn ông mặc đồng phục tiến đến bên tôi. Tôi đoán ông là trưởng trạm xe lửa.

Đã gần nửa đêm, trời lạnh và tối đen. Đây là lần đầu tiên kể từ khi rời Ceylon, tôi mới cảm thấy sợ chết được. Tôi không hiểu người trưởng trạm xe lửa nói gì. Mặc dầu đã học tiếng Ấn Độ ba năm ở Ceylon, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe một người bản xứ nói tiếng Ấn Độ.

Cuối cùng, bằng thứ tiếng Anh lõm bõm, mà tôi hy vọng là vị trưởng trạm xe lửa có thể hiểu, tôi nói với ông là tôi đến để sống ở ngôi chùa tại Sanchi. Hình như điều đó khiến người kia hiểu tôi. Cũng bằng thứ tiếng Anh tồi tệ như tôi, ông nói là chùa ở cách đây khoảng hơn một cây số, trên đồi cao, và chỉ có điên mới đi đến đó đêm nay. Ông khuyên tôi nên qua đêm ở nhà ga rồi ngày mai hãy đi.

Đêm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy lạnh, một cảm giác hoàn toàn mới lạ đối với một thanh niên đã sống gần trọn cuộc đời trong khí hậu nhiệt đới của Ceylon. Nhưng tháng giêng ở miền trung Ấn Độ thật khó có thể coi là nhiệt đới.

Cũng may là các vị sư ở Madras đã tặng tôi một chiếc túi ngủ mỏng. Tôi trải nó ra trên sàn nhà ga xe lửa, rồi chui vào bên trong. Suốt đêm tôi không ngủ được chút nào, phần vì lo sợ nhưng phần lớn là vì cái lạnh thấu xương.

Sáng hôm sau, ông trưởng trạm sai người khiêng hành lý theo tôi lên chùa. Chúng tôi đi bộ khoảng một dặm rồi bắt đầu leo lên một ngọn đồi lớn. Cuộc leo đồi kéo dài khoảng ba mươi phút, men theo một lối mòn quanh co. Tới đỉnh đồi, chúng tôi bước vào khuôn viên chùa, được bao bọc bởi những bức tường bằng đá cao. Dọc theo tường, mỗi mười thước hay khoảng đó là những cây cột xi măng với những cái đĩa tròn ở phía trên cột, trông giống như những cây dù, gợi nhớ đến những cây dù trang trí trên các chùa.

Bên trong khuôn viên là một khoảng sân làm bằng đá mô sắc (mosaic) rất đẹp. Một cầu thang ngắn dẫn lên chánh điện, nơi có hai phòng đối mặt nhau. Chánh điện mát mẻ, không có cửa sở, với một sàn nhà láng bóng. Cuối phòng, tôi có thể thấy một bàn thờ với một tượng Phật uy nghiêm trong tư thế tọa thiền. Tượng được làm bằng đá trắng, và chỉ có một ngọn đèn cầy trắng được đốt dưới chân tượng.

Tôi tràn ngập hân hoan được có mặt ở đây; cuộc đời tôi với tư cách là một vị thầy truyền giáo Phật giáo bắt đầu ở một nơi rất hẻo lánh này. Ngôi chùa ở Sanchi này được tạo dựng từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên, khi vua Ashoka, một Phật tử Ấn Độ thuần thành, đã gửi con trai và con gái ông, Mahinda và Sanghamitta, làm những người truyền giáo mang Phật pháp đến Ceylon. Trước khi họ rời Ấn Độ, Mahinda và Sanghamitta đã đến thăm viếng thân mẫu của họ, đang sống trong một ni viện Phật giáo trong khuôn viên chùa Sanchi.

Vào cuối thế kỷ thứ mười chín, những nhà khảo cổ học người Anh đã khai quật khu vực Sanchi, khám phá ra một số tháp trang hoàng đẹp đẽ, dùng chứa hài cốt người chết, phần nhiều là các mảnh xương tìm thấy được sau khi hỏa táng. Các câu ghi khắc trên tháp cho biết đây là xá lợi của Phật và hai trong số những đệ tử lớn của Ngài, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Đến năm 1941, những xá lợi này bị chính phủ Anh chiếm đoạt, đem trưng bày ở bảo tàng viện Victoria và Albert ở Luân Đôn. Khi người Anh quyết định trả lại các báu vật này, các xá lợi được chia ra làm ba phần. Một phần ba được gửi đến Burma, một phần ba đến Vidyalankara Pirivena, trường Phật học mà tôi từng theo học, và phần ba cuối cùng được gửi về Sanchi. Ở đó hội Mahabodhi đã xây thêm một ngôi chùa để thờ những xá lợi linh thiêng này. Ngôi chùa sau được hoàn thành năm 1954, và Đại Đức Hedigalle Pannatissa được chọn làm trụ trì ở đó.

Một năm sau, năm 1955, tôi được gửi đến để phụ tá Đại Đức Pannatissa ở Sanchi. Tôi làm thư ký cho ông suốt năm năm, và không thể mong đợi một công việc nào tốt hơn thế.