Thiền học
Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
25/09/2556 18:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 15. Đám tang cha

 


Tôi điếng người. Tôi đã trở về Ceylon chỉ trễ một vài giờ. Cha tôi mất ở tuổi 79. Tôi đã không về kịp để thực hiện nghi lễ tụng niệm cầu an cho cha như tôi đã hứa với gia đình. Tôi biết mẹ chắc buồn lắm.

Tôi mướn một chiếc taxi khác, chạy về Henepola. Vừa nhìn thấy tôi xuất hiện trong sân ngôi nhà nhỏ, bà đã oà khóc.

“Đáng lý ra con về làm lễ cầu an cho cha,” bà sụt sùi.  “Nhưng bất ngờ chưa! Cha con đã ra đi.”

Nước mắt tuôn tràn xuống mặt tôi.

Trước hiên nhà, xác cha tôi mặc áo chemise và xà-rong trắng, được đặt nằm ngay trên chiếc giường nơi ông mất đã hai ngày. Để che lấp mùi hôi, chúng tôi đốt nhang và lá chanh. Mấy cây đèn dầu cháy nhấp nháy ở đầu và chân giường. Công việc đầu tiên của chúng tôi là mời vị sư ở chùa trong làng đến để làm đám táng. Vị sư này lại có thể mời thêm nhiều vị khác, bằng cách đi từ chùa này đến chùa kia chuyển lời. Đám táng ở Ceylon không cử hành trong chùa, mà làm ngay tại nhà người chết, nếu nhà đó có sân rộng đủ cho mọi người đến viếng ở bên ngoài. Nếu nhà không đủ rộng, các thầy sẽ đến nghĩa trang làm lễ, tụng kinh ở ngoài huyệt chôn người chết.

Mặc dầu mọi người trong làng đều đã biết việc cha tôi mất, nhưng chúng tôi cũng phải đích thân đến từng nhà mời mọi người đến dự đám táng. Việc này do anh tôi, Rambanda, đảm nhiệm. Lý ra Tikiribanda, là con trai cả, phải làm chuyện này, nhưng anh đang đi xa và mẹ tôi không biết làm sao để nhắn tìm anh. Anh còn không biết rằng cha của chúng tôi đã mất.

Theo truyền thống Sinhala, lá trầu được dùng để mời cho tất cả mọi trường hợp. Ở mỗi nhà, bạn sẽ cầm ba lá trầu trong tay, và khi chủ nhà mở cửa, bạn sẽ trao các lá trầu cho người ấy. Chỉ bằng cách nhìn sự xếp đặt của các lá trầu, người đó sẽ biết là họ được mời cho dịp nào.

Đối với những chuyện vui –đám cưới, tân gia, đặt tên con- thì các lá trầu sẽ được sắp xếp với cọng trầu hướng về khách. Khi là tang lễ, thì đuôi lá trầu sẽ hướng về khách.  Đây là một nghi lễ quan trọng và chúng tôi không thể bỏ qua nhà nào, nếu không họ sẽ cảm thấy rất buồn lòng. Ở Ceylon, tất cả mọi người trong làng đều đến thăm viếng đám tang, dù họ có quen với người chết hay không.  Bạn sẽ bị coi là thất lễ khi không đến dự lễ tang vì bất cứ lý do gì.  Trong hai ngày trước khi chôn, nhiều bạn bè và hàng xóm đến nhà chúng tôi để chia buồn. Vì một gia đình đang có tang chế không nấu ăn nên các vị khách mang đồ ăn đến cho chúng tôi. Tất cả mọi hình và kiếng trong nhà đều được xoay mặt trở vào tường. Mẹ và các chị em tôi khóc suốt. 

Rambanda và tôi đi bộ gần năm cây số để đến tiệm mua một khúc vải trắng dùng trong đám tang. Thường, miếng vải đó phải dài khoảng hai mươi thước, nhưng chúng tôi chỉ đủ sức mua tám thước.

Trong lúc đó, những người bạn của gia đình đi thu gom gỗ để đóng cho cha tôi một cái hòm. Nhóm khác thì ra nghĩa trang đào mộ, một công việc phải mất cả ngày mới xong.

Ngày tẩn liệm, gia đình và tôi chuyển xác cha vào hòm trong lúc những người hàng xóm đốt pháo ngoài sân theo đúng tục lệ. Nắp hòm được hé mở để chúng tôi có thể nhìn mặt cha lần cuối. Dân làng cứ tiếp tục đến, cho đến khi có khoảng bốn trăm người rảo quanh trong vườn.

Chiều hôm đó, có mười vị tu sĩ đã đến nhà chúng tôi.  Sau khi thăm viếng người chết, họ đến ngồi trên những chiếc ghế mà chúng tôi đã phủ vải lên. Vị sư trưởng truyền tam quy và ngũ giới cho mọi người. Rồi Rambanda mở xấp vải trắng mà chúng tôi đã mua ra, trao cho vị sư trưởng. Vị này lại chuyền nó xuống cho các vị sư khác, để mỗi người có thể nắm một phần của miếng vải.

Rồi tất cả đồng loạt tụng bài kinh truyền thống của Đức Phật về vô thường. Những lời kinh tụng dĩ nhiên là bằng tiếng Pali, nhưng trong tiếng Anh, chúng có nghĩa là:

Tất cả mọi hữu lậu đều vô thường, đều đến rồi đi.

Đã có sinh tất phải có diệt. Biết được như thế, ta sẽ an lạc.

Các ý niệm về vô thường và sự chết là một trong những phần khó nhất để thuyết pháp. Người ta bực tức khi phải  nghe những điều như, "Tất cả chúng ta đều đang chết, từng giây phút," hay “Tất cả đều vô thường; chúng ta không thể bám víu vào điều gì.” Nhưng đó chỉ là vì chúng ta bám víu vào những vật đang biến chuyển, những thứ mà chúng ta sẽ không thể tránh khỏi mất mát, vì thế mà chúng ta đau khổ.

Nhưng nếu chúng ta thực sự nhìn thẳng vào vô thường, ta sẽ bắt đầu thấy rằng nó cũng có mặt tốt. Ta có thể đoan chắc rằng bất cứ hoàn cảnh nào đang hiện hữu trong cuộc sống của ta, chúng cũng sẽ phải thay đổi. Chúng có thể trở nên tệ hơn, nhưng cũng có thể tốt hơn. Do vì vô thường, chúng ta có cơ hội để học hỏi, phát triển, trưởng thành, dạy dỗ và thực hiện những sự thay đổi tích cực khác, kể cả việc tu tập theo con đường Phật pháp. Nếu mọi thứ trên thế gian này đều cố định, thì không có sự thay đổi nào có thể xảy ra. Người thất học sẽ luôn thất học; người nghèo đói sẽ luôn nghèo đói. Chúng ta sẽ không có cơ hội để chế ngự tham, sân, si, và những hậu quả tiêu cực của chúng.

Về việc không thể tránh được cái chết, chúng ta phải nhớ rằng không chỉ là cơ thể ta trở nên già yếu, hư hoại và chết, mà các cảm giác và trạng thái tâm của ta cũng thế.  Nếu bạn nhắm mắt lại chỉ trong một phút, bạn có thể cảm nhận được một cảm giác hay tình cảm đã phát sinh, trở nên già cỗi và qua đi. Nó giống như một làn sóng, trồi cao lên và rồi đổ xuống. Tương tự, những suy nghĩ của ta cũng trở nên cũ kỹ và hư hoại. Tư tưởng của ta, thức của ta, cũng trở nên già cỗi và chết. Đó là bản chất của sự hiện hữu của chúng ta, và điều đó xảy ra từng giây phút.

Buổi lễ đơn giản đánh dấu sự ra đi của cha tôi kết thúc với sự hồi hướng. Mẹ, anh và các chị em tôi quỳ gối trên sàn nhà và chế nước trong bình ra các tách trong khi đọc tụng những lời hồi hướng truyền thống.

Nguyện hướng công đức này đến các thân quyến của chúng tôi. Cầu cho thân quyến của chúng tôi được hạnh phúc.

Khi họ tiếp tục chế nước vào tách, các vị sư tụng kinh cầu nguyện cho cha tôi được tái sinh:

Như những con sông đầy nước chảy ra biển đầy nước, mong rằng những công đức này sẽ đem lại lợi ích cho người ra đi. Như nước chảy từ trên cao nguyên xuống dưới đồng bằng, mong rằng những công đức này sẽ đem lại lợi ích cho người ra đi. Với các công đức này, mong người sẽ được sống lâu, sức khỏe, tái sinh lên các cõi trời và đạt được niết bàn. Mong rằng tất cả những hy vọng và ước muốn của người đều được thành tựu, tất cả những mong cầu đều được thỏa mãn, như là được ước từ những viên ngọc ước hay mặt trăng vào ngày trăng rằm.

Những lời tốt đẹp về sự tái sinh ở cõi trời biểu hiện một phần giáo lý của Đức Phật phải được người ta tin theo bằng tín tâm. Thiên văn Phật giáo tả có ba mươi mốt hành tinh hiện hữu. Có cõi của địa ngục, cõi của quỷ đói, cõi thú, cõi người và nhiều cõi trời. Người ta được sinh vào các cõi này với những mức độ sung sướng khác nhau tùy theo nghiệp của họ. Đó là do luật nhân quả quyết định cả quá trình.

Niềm tin này có thể tạo nên vấn đề trong một giáo lý nhấn mạnh vào sự cố gắng và trách nhiệm của mỗi cá nhân.  Nhưng sự thật là chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi ta chết, vì thế chúng ta phải quyết định xem có muốn chấp nhận những lời dạy của Đức Phật chỉ dựa trên lòng tin. Đôi khi làm thế là khôn ngoan. Thí dụ như bác sĩ cho bạn một toa thuốc và nói rằng nó sẽ chữa được bịnh của bạn.  Bạn không biết rằng nó sẽ chữa bạn hết bịnh hay không; nhưng bạn phải có lòng tin vào sự hiểu biết và kinh nghiệm của người bác sĩ.

Dầu vậy, người thiếu lòng tin cũng có thể nghĩ, “Tôi không quan tâm cho đời sống tương lai. Tôi chỉ muốn biết tôi sẽ được gì ngay trong cuộc sống này.” Do vậy, Đức Phật khuyên chúng ta hãy nghĩ đến một khả năng khác.

Ngài dạy, ngay nếu như không có một đời sống ở tương lai, thì làm việc thiện cũng sẽ mang đến cho bạn hạnh phúc và tâm thanh tịnh trong kiếp này. Còn nếu thực sự một đời sống ở tương lai sau khi chết, thì người làm việc thiện sẽ được thưởng đến hai lần: bây giờ và trong kiếp sau.

Mặt khác, thí dụ như bạn chọn con đường bất thiện. Ngay nếu như không có đời sống trong tương lai, bạn vẫn cảm thấy tội lỗi và khổ đau trong kiếp sống này. Còn nếu như thực sự có một đời sống tương lai sau khi chết, thì bạn sẽ phải khổ lần nữa sau này.

Vì thế, dầu việc tái sinh có là một thực tại hay không, hãy buông bỏ điều ác và vun trồng điều thiện để đảm bảo cho hạnh phúc của chúng ta.

Ở đám tang của cha tôi, vị sư trưởng thuyết về những điều này. Sau đó một vài người bạn, và thân quyến đứng lên, từng người một, nói vài lời ngắn ngủi về cha tôi.

Cuối cùng, đến lượt tôi cảm ơn mọi người đã đến. Cho đến lúc đó, tôi đã có thể kiềm chế xúc động của mình. Nhưng khi bắt đầu mở lời, tôi không kiềm giữ được và bật khóc. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm thay lời cảm ơn.

Sau đám tang của cha, tôi nán lại thêm vài ngày với mẹ; rồi sau đó tôi đi Colombo. Tôi muốn viếng trường truyền giáo Phật giáo và đến đảnh lễ lão sư Vajirananda Nayaka.

Một sự thật phũ phàng đang chờ đợi tôi ở đó!

“Sư đang làm gì ở đây?” là những lời chào đón không được nồng hậu của lão sư Vajirananda đối với tôi. “Chúng tôi huấn luyện cho sư, rồi sư bỏ rơi chúng tôi và gia nhập Hội Mahabodhi Ấn Độ! Giờ sư muốn trở lại ở đây, ăn cơm của chúng tôi? Sư không có quyền đến đây. Chúng tôi không muốn có mối liên hệ gì với sư nữa.”

Đó là bài học thứ hai của tôi về sự chia rẽ sâu xa giữa các phân hội Sinhala và Ấn Độ của Hội Mahabodhi. Rõ ràng họ là những người chống đối nhau dữ dội và lão sư Vajirananda nổi giận đối với tôi vì tôi đã cố gắng phục vụ cả hai.

Không chỉ là vị lão sư đã quên lá thư tôi viết cho Sư, giải thích lý do tôi phải rời Sanchi, mà Sư cũng không muốn nghe tôi phân trần. Sư không hỏi tôi lấy một câu về tình hình ở Sanchi mà cũng không cho tôi một cơ hội để giải bày.

Khi tôi đến viếng Moonasinghe, ông này cũng giận dữ.  Ông vẫn ngồi trong ghế, mặc dầu người cư sĩ thường phải đứng lên chào hỏi người tu sĩ, rồi ngồi xuống sàn nhà để bày tỏ lòng kính trọng. Ông không muốn tiếp chuyện với tôi hay cả đến nhìn tôi.

Đó là cung cách trong nền văn hoá Sinhala trải qua bao thế hệ. Người trẻ tuổi là không được quyền nói lên ý kiến của mình. Ngày nay nhiều tăng sĩ trẻ hoàn tục, bỏ chùa ra đi chỉ vì quá bức xúc với những sự đối xử như thế. Kết cục là chỉ còn lại các vị sư lớn tuổi phải xoay sở, cố gắng duy trì để cho chùa hoạt động. Tất cả chỉ vì cách quản lý sai, không đối xử công bằng đối với cả thế hệ già và trẻ.

Khi còn nhỏ, chúng tôi không bao giờ được trả lời lại với cha mẹ. Không bao giờ. Chúng tôi phải im lặng để bày tỏ lòng kính trọng đối với người lớn. Suốt thời thơ ấu, chưa bao giờ tôi dám không đồng ý với cha tôi hay ngay cả nói to tiếng với ông. Ở trường cũng thế; các thầy biết tất cả mọi việc. Họ tuôn tràn tri thức, và chúng tôi không được quyền chất vấn hay bàn cãi về bất cứ điều gì.

Vì thế suốt thời thơ ấu, tôi im lặng một cách cam phận.  Khi có mặt người lớn, tôi hầu như không mở miệng. Và điều đó vẫn còn trường tồn, một cách khó tin, cho đến ngày nay, bảy mươi năm sau. Đôi khi tôi mơ thấy mình ngồi bên cha hay quý sư, mà sợ hãi không dám nói. Nỗi sợ hãi đó đã bám sâu gốc rễ vào tâm thức tôi.

Vào ngày 6, tháng 5, 1957, một tháng sau đám tang của cha, tôi trở lại Ấn Độ.  Tôi ở một tháng ở Madras, thăm viếng bạn bè, rồi trở về New Delhi. Ở đó tôi lại tiếp tục những bổn phận ở chùa và ở trường đại học Das Gupta.

Khi Devapriya, thư ký Hội Mahabodhi, nghe rằng tôi đang theo học các lớp ở trường đại học, ông ta rất giận.  Ông cố gắng thuyết phục tôi đi Bodhgaya, để thay thế vị tu sĩ ở đó, người mà ông nói là đã bị “tiếng xấu” -một ám chỉ rằng vị tu sĩ đó có lẽ đã phạm một giới trọng.

Đó là vào đầu tháng 7, bắt đầu mùa mưa khi các vị tu sĩ theo truyền thống phải ở trong tu viện ba tháng, để tuân theo thời gian khi Đức Phật và đệ tử của Ngài thực hành an cư mùa mưa. Vì thế tôi bảo với Devapriya tôi không thể đi đâu ngay lập tức.

Vào tháng mười, ngay khi mùa an cư vừa chấm dứt, Devapriya lại quấy nhiễu tôi. Ông gửi một lá thư khác, lần này ra lệnh cho tôi đi Bombay.

“Nếu Sư không đi, chúng ta có thể bị mất một trung tâm của Hội ở đó," ông viết. “Xin vui lòng khởi hành ngay lập tức”.

Tôi được biết, chùa đó không còn có vị sư nào trụ trì, và các vị lãnh đạo trong Hội Mahabodhi sợ rằng một số trong hàng triệu người vô gia cư ở Bombay sẽ dọn vào toà nhà trống đó, rồi đòi quyền cư ngụ. Lúc đó, những việc như thế vẫn thường xảy ra.

Vì thế tôi đi Bombay. Trung tâm đó được gọi là Ananda Vihara; vihara là một thuật ngữ Pali thực sự có nghĩa là “chốn cư ngụ của Phật;” ngày nay vihara được sử dụng rộng rãi hơn để chỉ cho nơi ở của bất kỳ tăng sĩ nào, cũng như là chánh điện, thiền đường và tất cả những nơi nào mà chỉ chung là chùa hay trung tâm thiền Phật giáo.

Trung tâm Ananda nằm trên đường Lamington, trong khung viên của một bệnh viện. Một bác sĩ trong bệnh viện đã bỏ kinh phí xây dựng lên. Tầng dưới có một thư viện.  Tầng trên là chánh điện, phòng tắm, phòng ngủ và một nơi được coi là văn phòng của tôi.

Đối diện với văn phòng tôi là khu phụ sản của bệnh viện. Ngày hay đêm bất cứ khi nào ngồi vào bàn làm việc, tôi cũng có thể nghe những tiếng la hét, rên rỉ của các sản phụ. Tuy nhiên, phần lớn thời gian khi ở Bombay, tôi thường ra ngoài thăm viếng cộng đồng của những người thuộc giai cấp Hạ tiện ở quanh thành phố. Ở chùa còn có một tu sĩ nữa, nhưng vị này không nói tiếng Ấn Độ hay tiếng Anh, vì thế những người Hạ tiện thích chọn tôi. Tôi thường thực hiện các buổi lễ quy y, truyền giới, dạy tiếng Pali, tụng kinh cầu an cho người bệnh, tụng kinh cho đám tang và dạy các lớp giáo lý. Tôi cũng đi thăm các bệnh nhân phải nằm viện.

Mỗi chủ nhật có ít nhất năm trăm người đến chùa dự lễ.  Đó là một tiến bộ lớn cho trung tâm so với thời gian qua, khi trung tâm chỉ có những sinh hoạt xã hội, nơi người ta tụ hội lại để hút thuốc, uống rượu. Chúng tôi cũng thành lập một thư viện và tiệm sách nhỏ. Nhân dịp giỗ đầu năm của tiến sĩ Ambedkar, chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ long trọng với sự có mặt của thống đốc tiểu bang Bombay.

Đôi khi tôi phục vụ cho những người Hạ tiện liên tục trong một hay hai tuần một lúc, cứ đi từ làng này sang làng khác chứ không trở về chùa. Những người này sống trong những ngôi nhà rất tồi tàn - phần lớn là những cái chòi một gian với tường bằng bùn, mái tranh và sàn nhà làm bằng phân bò. Khi tôi bước vào nhà ai, gia đình sẽ trải chiếu trên sàn cho tôi ngồi lên. Rồi họ đãi tôi ăn, với chút ít gì mà họ có. Thường có một người nào đó ngồi gần tôi, phe phẩy miếng vải trong không khí để đuổi ruồi.

Bên ngoài, sân nhà đầy những vũng nước đọng, phân người và phân gà, những chiếc nồi vỡ và các thứ rác rưởi khác. Các loại côn trùng bay khắp nơi. Tôi biết rằng thọ thực ở những nơi điều kiện quá mất vệ sinh như thế này sẽ khiến tôi bị bệnh, và điều đó xảy ra, lần này đến lần khác. Nhưng tôi chẳng bao giờ từ chối lời mời của họ; tôi không thể từ chối lòng mến khách chân thành của những người Hạ tiện.

Khi sư phụ tôi đến thăm vào năm 1958, ông rất ngạc nhiên khi thấy tôi trở nên gầy yếu đến vậy. Việc thường xuyên đến thăm viếng các ngôi làng của người Hạ tiện đã làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn nhiễm của tôi. Tôi nghĩ là sư phụ tôi đã báo cáo việc này lại với hội Mahabodhi.

Vào tháng chín tôi nhận được một lá thư của đại đức Dhammananda, người mà tôi đã gặp ở Sanchi. Ông gửi cho tôi một đơn xin visa, yêu cầu tôi điền vào và gửi trở lại cho ông.  Ông muốn tôi đi Malaysia.

Vì thế vào ngày 1 tháng 10, sau 18 tháng ở Bombay, một lần nữa tôi lại chuyển đến một ngôi chùa mới. Trước khi ra đi, tôi vội trở về thăm quê để chào từ giã mẹ và bà con.  Rồi tôi lên tàu ở Madras.  Chuyến tàu hướng đến Nhật Bản, nhưng trên đường sẽ dừng lại ở Malaysia, là nơi tôi sẽ xuống – và bắt đầu một chương mới trong công tác truyền giáo của tôi.