Chương 3.
Một cuộc chạy trốn
Khi cởi
bỏ y áo rời chùa, trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ: về nhà.
Tuy nhiên, trước hết, tôi ghé
qua nhà chị gái. Anh rể tôi hình như chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy tôi. Anh đã
nghe kể về những khó khăn của tôi, nên anh mỉm cười nói: “Em rời chỗ đó là đúng
rồi. Cứ ở đây một lúc, anh sẽ tìm cho em một ngôi chùa khác.” Nhưng tôi lo sợ
rằng nếu tôi ở đó, đại đức Sonuttara sẽ đến tìm tôi. Vì thế tôi chạy về nhà cha
mẹ tôi.
Mẹ tôi bị sốc khi nhìn thấy tôi.
Bà hỏi tại sao tôi bỏ chùa, vì thế tôi kể cho mẹ nghe những gì đã xảy ra. Bà
không nói gì nhiều, chỉ bắt đầu khóc.
Buổi tối cha tôi từ ngoài ruộng
lúa trở về nhà. Tôi kể với ông về những sự ngược đãi mà tôi đã phải chịu đựng ở
chùa. Nhìn nét mặt cha, tôi biết rằng ông không tin tôi, nhưng ông vẫn giữ bình
tĩnh. Các anh chị em tôi, tất cả đều rất vui được gặp lại tôi, nhưng không ai
nói gì nhiều. Họ chỉ chấp nhận sự có mặt của tôi ở đó.
Tuy nhiên, tất cả chúng tôi dường
như đều biết rằng việc này không thể kéo dài lâu hơn. Việc nhà sư cởi bỏ y áo
là điều cấm kỵ. Nó sẽ mang lại những điều bất hạnh, hay ngay cả sự tủi nhục,
cho cả gia đình.
Ngay chiều hôm sau, thầy tôi đã
có mặt ở nhà tôi. Cha mẹ tôi, vì lòng kính trọng đối với tăng sĩ, đã không đòi
ông giải thích tại sao tôi phải chạy trốn khỏi chùa. Họ giả vờ như không biết
bất cứ điều gì đã xảy ra.
Sau vài phút chuyện trò xã giao,
sư Sonuttara yêu cầu tôi trở về chùa với ông. Tôi nhìn cha mẹ, cầu khẩn trong
im lặng sự giúp đỡ của họ, hy vọng rằng họ sẽ đứng lên để bảo vệ tôi, và nói
rằng họ muốn tôi ở nhà với họ.
Nhưng không ai nói gì trong
những giây phút đó. Hoàn toàn im lặng. Cha mẹ hình như không dám nhìn tôi. Sau
đó thầy tôi lặp lại yêu cầu của ông.
Cha tôi gật đầu, nói nhỏ, “Con
phải đi theo Thầy.”
Tim tôi chùn xuống. Tôi biết
rằng nếu tôi cố ở lại, thì cha tôi cũng sẽ dùng sức mạnh để bắt tôi về chùa
ngày hôm sau, hay ngày hôm sau nữa. Và tôi không muốn mang lại sự tủi nhục cho
gia đình.
Vì thế tôi ra đi theo sư Sonuttara.
Ngay khi chúng tôi trở lại chùa, Sư lại làm lễ xuất gia cho tôi lần nữa, trong
một buổi lễ kém quan trọng hơn lần đầu rất nhiều. Lần thứ hai trong cuộc đời,
tôi lại mặc lên mình bộ y vàng. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng lần này nó sẽ tốt
hơn.
Sư Sonuttara, thầy tôi, là một
thành viên của hội đồng Tăng già, bộ phận quản lý tông phái của chúng tôi, phải
trải qua một tháng giữa rằm tháng sáu và rằm tháng bảy ở Kandy. Trong tháng đó,
hội đồng Tăng già tổ chức các buổi lễ thọ đại giới cho các sadi, đôi khi truyền
giới tỳ kheo cho đến ba mươi vị trong một ngày. Trong lúc thầy tôi vắng mặt,
tôi đảm nhiệm việc quản lý chùa, dầu rằng tôi chỉ mới mười ba tuổi và hãy còn
là một Sadi.
Một ngày kia, khi thầy tôi vắng
mặt, và tôi coi sóc chùa, có một người đàn ông đã đến chùa xin cam. Chúng tôi
có hai cây cam trong khuôn viên chùa, vì thế khi nào dân làng cần cam, họ đến
xin chúng tôi. Anh ta trả cho tôi khoảng gần một rupee, tương đương với khoảng
hai mươi lăm xu tiền Mỹ.
Một trong những đứa trẻ ở chùa
đã đi Kandy với
sư Sonuttara, vì thế chỉ còn một đứa ở lại với tôi, tên là Hinnimahattaya.
Thường thì chúng tôi chia sẻ với nhau mọi thứ, giống như cặp bài trùng. Vì thế
ngay khi người đó đã ra đi với một bao cam, Hinnimahattaya đòi tôi phải chia
phần cho hắn.
"Ông ta chỉ đưa cho tôi hai
mươi lăm xu," tôi nói với Hinnimahattaya, "mà trong đó chúng ta phải
mua đường, trà, và một ít dầu cho đèn tối nay."
Hinnimahattaya rất bực mình. Hắn
xổ ra một tràng chửi rủa tục tĩu, nên tôi đánh hắn một trận.
Một lần khác, chúng tôi không
còn diêm để đốt đèn dầu. Tôi bảo Hinnimahattaya chạy qua nhà hàng xóm mượn đốm
lửa. Đó là việc rất thường vào thời ấy, ‘đi mượn’ lửa từ nhà hàng xóm.
Nhưng Hinnimahattaya từ chối
không đi. Nên tôi đe dọa hắn: nếu hắn không đi lấy lửa, tôi sẽ không chia cho
hắn nửa điếu thuốc của tôi. (Thường thì chúng tôi chia nhau thuốc hút; tôi sẽ
hút một nửa rồi đưa cho hắn một nửa.) Nhưng Hinnimahattaya không nghe. Nó thà
là không có nửa điếu thuốc hơn là phải chạy đi công việc.
Vì thế tôi phải tự đi, và khi
tôi trở lại với cây lửa, tôi đốt một điếu thuốc. Hinnimahattaya nhìn tôi nôn
nóng. Khi điếu thuốc vừa hết một nửa, nó đòi tôi chia phân nửa còn laị.
"Hãy quên đi," tôi
nói. "Luật là luật. Tao đã phải chạy đi lấy lửa, thì mầy đừng hòng được
hút chút thuốc nào.’
Hinnimahattaya bắt đầu chửi rủa
tôi. Quá tức giận, tôi đẩy nó vào tường, rồi dí thuốc vào hai khóe miệng của
nó.
Cũng có chuyện xảy ra nữa là,
trong lúc Thầy tôi đi Kandy,
có vài thiếu niên trong làng lên chùa ở với chúng tôi. Chúng tôi bày ra nhiều
trò chơi. Dĩ nhiên là một sadi, đáng lý ra tôi không được tham dự những trò
chơi này, nhưng ai mà biết được khi thầy không có ở nhà?
Một trong những trò chơi mà
chúng tôi rất thích, được gọi là panca
ganahava, có nghĩa là ‘trò chơi năm số’. Chúng tôi thấy các vỏ sò
trên sàn nhà và tính điểm tuỳ thuộc vào số vỏ sò lật úp hay ngửa.
Một ngày kia người hàng xóm kế
bên đến, bảo rằng anh ta muốn dạy chúng tôi chơi đánh bài. Anh ta chỉ cách
chơi, và tất cả chúng tôi đều thích. Anh ta cho chúng tôi thắng liên tiếp mấy ván,
rồi nói, "Nếu mấy em có tiền, thì đặt cược trong ván bài này. Hôm nay là
ngày may mắn của mấy em. Mấy em chắc sẽ thắng."
Tôi nói rằng tôi chỉ có một
rupee. Anh ta nói, "Tốt. Hãy chơi bằng tiền."
Tôi cá đồng rupee của mình và
lập tức ăn được thêm hai cái nữa! Tôi khoái quá. Anh ta khuyến khích tôi chơi
nữa. Dĩ nhiên, sau đó tôi thua. Người hàng xóm bỏ túi ba đồng rupee rồi ra về,
mỉm cười.
Vậy là kết thúc sự nghiệp cờ bạc
ngắn ngủi của tôi, và tôi đã được một bài học chỉ trong lần thử duy nhất đó.
Chiều hôm đó thầy tôi từ Kandy trở về, việc đầu
tiên sư làm là xem xét cái tô chúng tôi dùng đựng thức ăn cúng Phật trong chánh
điện. Chúng tôi đã được dặn là phải rửa sạch nó mỗi ngày trước ngọ.
Ngày hôm đó, sư Sonuttara thấy
là nó vẫn còn đầy thức ăn lúc một giờ trưa. Lúc đó tôi đang ở trong bếp, chuẩn
bị trà cho sư. Sư gọi tôi và tôi bước ra khỏi nhà bếp, bắt đầu bước xuống những
bậc thềm để vào gian nhà chính.
Bỗng nhiên tôi thấy một vật đang
bay về phía mình -cái tô đựng thực phẩm trong chánh điện! Thầy tôi quá giận đến
nỗi ông đã liệng cái tô về phía tôi ngay trước khi hỏi tại sao nó vẫn còn đầy.
Cái tô trúng ngay trán tôi, rất mạnh, và tôi ngã xuống đất, chảy máu đầu.
Cho đến ngày nay tôi vẫn còn vết
thẹo trên trán.
Thầy chúng tôi cũng thấy vết
bỏng quanh miệng của Hinnimahattaya.
"Đã xảy ra chuyện gì?"
Sư hỏi tôi.
Tôi đã dặn Hinnimahattaya không
được nói với thầy về vụ hút thuốc. Nếu nó nói, cả hai chúng tôi sẽ bị phạt vì
đã hút thuốc. May mắn thay, Hinnimahattaya đã không nói gì.
Tôi thưa với sư Sonuttara rằng
thằng bé đã chửi tôi, vì thế tôi châm lửa vào miệng hắn để phạt. Ngạc nhiên
thay, hình như Sư đã tin như thế, nên không nói gì thêm nữa.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong
những trường hợp hiếm hoi mà tôi có thể trốn tránh tội mình. Tánh thầy tôi nóng
nảy, ít khi kiềm chế được, và việc đánh đập vẫn tiếp diễn, đôi khi chỉ vì những
sự vi phạm luật lệ nhỏ nhặt nhất. Sư là một nhà độc tài, và chúng tôi phải thi
hành tất cả mệnh lệnh của sư mà không được thắc mắc hay bàn cãi.
Ngoài tính độc đoán và nóng nảy,
sư Sonuttara thật sự cũng có những điều tử tế. Đặc biệt, sư rất thương thú vật;
đó là lý do tại sao sư cho tất cả đám mèo chó hoang trong vùng được ăn. Và nếu
có những người bệnh tìm đến chùa để nhờ giúp đỡ, sư cũng cho họ thuốc, miễn
phí. Thỉnh thoảng có những đứa trẻ trong chùa chạy trốn, đem theo một vật gì đó
có giá trị, như là một cây đèn dầu bằng đồng hay ngay cả một trong những bức
tượng Phật.
"Hãy tha cho nó," thầy
tôi sẽ nói. "Nó cũng nghèo.
Nó có thể bán những thứ đó để
kiếm chút tiền. Chúng ta có thể mua cái khác để thay cho cái đã bị lấy
đi."
Giờ xét lại những hành động của
sư Sonuttara, tôi nghĩ rằng sư thực sự chỉ muốn tôi trở thành một người tu sĩ
tốt, không bị lôi cuốn theo các bản năng của tuổi trẻ, chỉ muốn được tự do, độc
lập. Và sư ‘khuyến khích’ thiện tánh bằng cách dùng những hình thức trừng phạt
phổ biến thời đó: sự đánh đập.
Dĩ nhiên, tôi không thể hiểu
được như thế cho đến mãi sau này, khi tôi đã trưởng thành. Còn lúc tôi là sadi,
sống ở chùa của sư, thì tôi rất khổ đau. Tôi luôn bị hành hạ dưới sự cai quản
của sư.
Đến một lúc, tôi bắt đầu bàn với
một trong những đứa trẻ ở chùa về việc bỏ trốn. Nó cũng rất bất mãn. Cả hai
chúng tôi đều để dành tiền, và tích trữ đèn cầy, chúng tôi dự định đêm nào đó
sẽ bỏ trốn. Một ngày kia cả hai chúng tôi đồng ý sẽ trốn đi đêm đó. Ngày hôm đó
cả hai chúng tôi đều làm việc chăm chỉ hơn ngày thường, cố gắng làm vừa lòng sư
để ông không nghi ngờ gì.
Đêm đó, sau khi mọi người trong
chùa đã đi ngủ, tôi cởi y ra, mặc trở lại áo sơmi và xà rong. Tôi và người bạn
đồng lõa lén lút ra đi bằng cửa sau.
Trước hết chúng tôi phải đi qua
một nghĩa trang, là việc cả hai đều rất sợ. Rồi chúng tôi đi trên một chiếc cầu
gỗ bắc qua một con suối nhỏ. Chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện từ dân địa
phương, rằng đây là nơi mà những con quỷ dữ và chằng tinh thường ăn thịt người.
Truyền thuyết cũng nói rằng dấu hiệu đầu tiên về sự có mặt của chúng, sẽ là một
con chó đen to lớn.
Thông thường, nếu người ta phải
đi qua chiếc cầu đó, họ sẽ đi thành từng nhóm, mọi người sẽ nói lớn tiếng, và
cầm những bó đuốc cháy bùng để xua đuổi lũ quỷ. Nhưng vì đang chạy trốn, chúng
tôi phải im lặng và không thể đốt đèn cầy mà chúng tôi đã mang theo mình, vì sợ
rằng ai đó sẽ phát hiện ra chúng tôi.
Chúng tôi đi qua cầu đúng lúc
giữa đêm. Chúng tôi run rẩy, miệng khô đắng. Tóc dựng đứng. Chúng tôi không thể
nói lời nào với nhau, chỉ chầm chậm bước đi trong bóng tối dày đặc.
Thình lình, một con chó đen to
lớn hiện trước mặt chúng tôi, và tim tôi bắt đầu đập mạnh hơn. Rồi cả hai chúng
tôi đều bị tát vào mặt, mạnh đến nỗi suýt té khỏi cầu, và rơi xuống nước.
Thì ra con chó đen to lớn đó là
con chó ở chùa và những cái tát tay là của thầy chúng tôi, người đã nghe được
chúng tôi lén lút trốn đi ở cửa sau, nên đã đi theo chúng tôi đến tận cây cầu.
Theo lệnh của ông, chúng tôi đành theo ông trở lại chùa, nơi tôi lập tức được
thọ giới lần thứ ba, giữa đêm khuya.
Không có một đứa trẻ nào khác ở
chùa biết về chuyện này, cả dân làng cũng thế. Ngày hôm sau, mặc trở lại chiếc
áo người tu, tôi ôm bình bát vào làng để khất thực như lệ thường.
Khi tôi được mười lăm tuổi hay
khoảng đó, tôi bắt đầu để ý đến một cô gái trong làng khoảng tuổi tôi. Mỗi ngày
cô đứng trước cửa nhà khi tôi ôm bình bát đi ngang qua. Cô cao gần bằng tôi,
với mái tóc đen dài. Cô cũng có khuôn mặt tròn như tôi, với màu da trắng hơn da
của người Sinhala bình thường, và một hàm răng hoàn hảo được phô bày mỗi khi cô
cười. Theo tôi cô rất đẹp. Một ngày kia, khi cô bỏ gạo vào bình bát của tôi,
chúng tôi thầm thì trao đổi vài lời ngắn ngủi -một điều rất trái với giới luật
người tu.
Tối hôm đó, khi ra giếng tắm,
tôi cố ý va mạnh chiếc thùng vào thành giếng để gây tiếng động đủ lớn cho cô có
thể nghe thấy từ nhà. Đó là tín hiệu mà chúng tôi đã đồng ý với nhau.
Chỉ một lúc sau cô đã chạy ra
giếng, mang theo một chiếc bình như thể cô cần lấy thêm nước. Tôi rất sung
sướng thấy cô đến.
Chuyện như thế kéo dài khoảng
mười ngày. Tôi sẽ va thùng vào giếng; cô ta sẽ chụp lấy bất cứ bình nước nào
trong nhà và nếu nó còn đầy nước thì cô sẽ đổ nước đi để có lý do ra giếng. Dầu
còn e dè chưa dám bày tỏ tình cảm thân thiết dành cho nhau, nhưng chúng tôi
cũng có những buổi chuyện trò rất lâu, rất dễ thương, và càng ngày chúng càng
dài hơn. Tôi kể với cô rằng cuộc sống ở chùa giống như ở tù. Chúng tôi cũng nói
chuyện người khác trong làng. Cô kể cho tôi nghe về cuộc sống ở nhà cô.
Dần dần thầy tôi cũng bắt đầu
thắc mắc tại sao tôi tắm quá lâu, và một ngày ông ra đó xem, bắt gặp chúng tôi
đang nói chuyện và cười đùa.
Dĩ nhiên là ông rất giận. Tăng
sĩ ở bất cứ độ tuổi nào cũng không được tiếp xúc thân mật với nữ giới. Ông cấm
cô gái không được ra giếng khi tôi ở đó. Trở về chùa, ông nặng lời rầy la tôi,
và ra lệnh cho tôi phải đi tắm trễ hơn, vào lúc mà ông nghĩ rằng sẽ quá trễ cho
cô gái ra giếng.
Thực ra, điều đó còn tốt hơn vì tôi
biết rằng chúng tôi sẽ được trò chuyện kín đáo lúc đêm khuya, khi không ai có
thể thấy chúng tôi bên nhau. Vì thế chúng tôi tiếp tục những cuộc gặp gỡ thầm
lén này.
Dĩ nhiên, thầy tôi lại bắt gặp
chúng tôi lần nữa, và lần này sự phản kháng của ông còn mạnh mẽ hơn. Ông cấm cô
gái không bao giờ được ra giếng nữa. Ông dọa rằng ông sẽ báo cho cha mẹ cô biết
về những hành động của cô.
Cô gái khóc, van xin ông đừng
nói cho cha mẹ cô biết. Cô hứa không ra giếng nữa và cô đã giữ lời. Tôi chẳng
bao giờ gặp lại cô nữa.
Giờ khi nhìn lại sự việc đó, sau
nhiều năm học và thực hành pháp, tôi thấy rõ ràng là người ta không nên xuất
gia quá sớm, như thường xảy ra vào thời của tôi. Trước hết họ cần được học thế
học, được phép chơi thể thao, trò chơi, bạn bè và hội hè - tất cả những thứ mà
người trẻ thường ham thích. Rồi khi đã trưởng thành, họ có thể chọn lựa một
cách chín chắn về việc có nên xuất gia hay không. Gia nhập Tăng đoàn là một
việc rất nghiêm trọng, và tôi không nghĩ rằng một người còn nhỏ tuổi có thể sẵn
sàng chọn lựa một cách đúng đắn. Và cũng ít có đứa trẻ nào có thể chuẩn bị tinh
thần, sẵn sàng chấp nhận những gian khổ và trói buộc của đời sống xuất gia.
Cách suy nghĩ cũ xưa ở xứ tôi là
các chú bé, với tâm nhạy bén trẻ trung, có thể học thuộc các thánh điển dễ dàng
hơn là người lớn. Cá tính của chúng cũng có thể được uốn nắn và rèn luyện để có
được phong thái tự tại của một tăng sĩ thiền định. Nhưng giờ tôi cũng không dám
chắc rằng điều đó là đúng. Tôi cũng đã thấy rất nhiều người trưởng thành xuất
gia ở tuổi trung niên hay lớn hơn thế nữa, sau khi đã lập gia đình, có con cái,
và họ cũng là những tỳ kheo xuất sắc. Ngược lại, tôi cũng đã thấy rất nhiều vị
tu sĩ xuất gia trước tuổi trưởng thành, vẫn tiếp tục cư xử như trẻ con.
Sau khi sư Sonuttara cắt đứt sự
lãng mạn thân thiết của tôi với cô gái bên giếng, thì sự bất mãn với đời sống ở
chùa trong tôi càng sâu nặng hơn. Tôi là một thiếu niên, với tâm tính bướng
bỉnh và ước muốn được giáo dục một cách chính thống hơn là những gì mà thầy tôi
có thể mang đến cho tôi. Tôi vẫn muốn làm người tu sĩ nhưng không phải dưới sự
cai quản của vị thầy này. Tôi không thể tìm ra giải pháp nào ngoại trừ lại chạy
trốn lần nữa, nhưng đi đâu chứ? Tôi biết rằng tôi không còn thể nào trở lại nhà
được nữa. Cha mẹ tôi sẽ rất đau lòng nếu tôi lại hoàn tục. Tôi không thể mang
lại sự tủi nhục cho họ nữa.
Vào khoảng thời gian đó, có hai
cha con người kia đến sống ở chùa. Đứa con trai tên là Gunawardhena, và tôi với
nó trở thành bạn tốt của nhau. Nó luôn nói với tôi rằng nó biết một nơi tốt hơn
là chùa này, vì thế chúng tôi lại rấp tâm chuẩn bị chạy trốn với nhau. Lần này,
tôi quyết định phải làm cho chắc ăn. Tôi phải chạy trốn làm sao mà không ai có
thể tìm được tôi.
Vào ngày đã định, tôi nhờ người
thợ hớt tóc trong làng cạo tóc cho tôi như thường lệ. Cả ngày hôm đó tôi luôn ở
trong tình trạng phấn chấn với những dự tính của mình; và Gunawardhena cũng
thế. Mười một giờ đêm hôm đó, tôi đi nhà vệ sinh, và khi trở lại tôi để cửa
trước hơi hé mở.
Khoảng mười hai giờ rưỡi khuya,
chúng tôi nghe tiếng sư phụ đã ngáy ngủ. Chúng tôi lấy một ít đèn cầy rồi xuống
nhà bếp, nơi tôi lại cởi bỏ y áo và một lần nữa lại mặc vào chiếc áo sơ-mi và
cái xà rong.
Rời khỏi khuôn viên chùa, chúng
tôi đi về hướng ngược lại với hướng mà tôi đã đi trong lần chạy trốn trước. Với
tất cả sức lực, chúng tôi chạy băng qua những ruộng lúa ra con đường chánh,
cách đó khoảng ba cây số. Chung quanh chúng tôi chỉ có âm thanh của các con
chim đi ăn đêm, cóc nhái, dế, và tiếng chó sủa ở đằng xa.
Khi ra đến đường lộ, chúng tôi
bước chậm lại. Chẳng lâu sau chúng tôi thấy hai người cầm đèn tiến về phía
chúng tôi. Đó là năm 1942, thời thế chiến thứ hai, và luật giới nghiêm đã được
áp dụng ở khắp nơi trên Ceylon.
Gunawardhena run rẩy nói với
tôi, không dùng pháp danh nhưng gọi tên thế tục của tôi. "Ukkubanda, đó là
cảnh sát. Họ sắp tra vấn chúng ta với đủ các câu hỏi đây. Chúng ta phải nói với
họ làm sao?"
Trong chớp mắt, tôi đã nghĩ ra
một câu chuyện hoàn toàn tưởng tượng: "Hãy nói rằng mẹ tôi chết hôm qua,
và đã sai người đến chùa nhắn tin với chúng ta. Chúng ta trễ chuyến xe buýt đi
dự đám tang của bà, nên giờ chúng ta phải đi dọc theo đường, hy vọng sáng nay
sẽ có thể bắt được chuyến xe buýt khác."
Mấy người cảnh sát đến gần, nhìn
tôi một cách nghi ngờ. Tôi đã dùng một khăn tay cột quanh cái đầu không tóc của
mình, và một cái nữa cột chung quanh cổ. Vì không có dây nịt, nên tôi lại dùng
một cái khăn nữa cột ngang thắt lưng để giữ chiếc xà rong. Số đèn cầy trong tay
tôi cũng được gói trong một chiếc khăn tay.
"Hãy nhìn thằng quỷ
này," một người cảnh sát nói. "Cả người nó đầy khăn mùi xoa."
Họ tách tôi ra khỏi Gunawardhena
và dẫn chúng tôi ra xa nhau khoảng mười thước, rồi hỏi mỗi đứa chúng tôi cùng
một câu hỏi: Chúng tôi đi đâu giữa đêm hôm khuya khắt thế này?
Cả hai chúng tôi đều nói giống
nhau, nên hai người cảnh sát để chúng tôi đi, không đá động gì đến chuyện giới
nghiêm. Họ chỉ nói là khi đi chúng tôi cần phải đốt đèn cầy lên.
Hai tiếng sau chúng tôi đến
Kurunegala, cách chùa khoảng hơn mười lăm cây số. Giờ thì chúng tôi cảm thấy an
toàn hơn, vì chắc chắn rằng sư Sonuttara không thể nào đi theo chúng tôi xa đến
vậy.
Khi trời bắt đầu sáng, chúng tôi
tìm được một nơi trú ẩn bên đường, một trong những hình thức thường được biết
đến như là những nhà nghỉ dành cho người hành hương. Căn lều có tường thấp, mái
tranh, nền đất mà người ta trải chiếu nằm lên đó. Phần lớn, những căn lều thô
sơ, trống trải này được người lữ hành sử dụng để tránh nắng mưa và mấy gã ăn
mày dùng làm nơi nấu nướng bất cứ thứ gì mà họ đã cuỗm được.
Gunawardhena và tôi thật may
mắn. Buổi sáng đó không có ai ở trong căn lều nọ. Mừng rỡ, chúng tôi nhào xuống
đất và đánh một giấc ngay tức thì.
Vài giờ sau, chúng tôi thức dậy
rửa mặt với nước giếng lạnh. Chúng tôi lại bắt đầu đi tiếp, không rõ mình sẽ đi
về đâu. Chúng tôi chỉ đi tới.
Cảnh vật chuyển đổi không ngừng.
Chúng tôi đi qua những hàng dừa, những đồn điền cao su và trà, những thửa ruộng
lúa, vườn chuối và các khu vườn trồng rau nhỏ bên ngoài những túp lều một gian.
Hình như ở đâu cũng có chó hoang, nhiều con đã hoàn toàn rụng hết lông, và cũng
lắm con mình đầy thương tích, vì bị chó khác cắn hay bị người ta đánh. Chúng
tôi cũng thường thấy khỉ rừng đong đưa trên cây hay chạy rong dưới đất. Thỉnh
thoảng chúng tôi nghe từ xa xa tiếng voi rống.
Đôi khi cũng có xe hơi, xe hàng,
xe buýt, xe máy và xe kéo, tất cả đều nhấn kèn để cảnh báo cho người đi bộ và
người bên đường.
Nhưng phần lớn lưu thông trên
đường là người đi bộ. Chúng tôi đã đi qua bao người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em
đi trên đường hay chăn bò, đuổi gà. Có người đánh những chiếc xe bò bằng gỗ thô
sơ.
Dọc theo đường có những căn nhà
nhỏ làm bằng bùn là những tiệm buôn bán. Người ta ngồi trước các cửa tiệm này,
nhai trầu, uống trà và tán gẫu. Khách qua đường có thể dừng chân mua trà, bánh
mì, cau ăn trầu, khô, dây thừng làm từ các sợi dây dừa và lương thực như đường,
muối, gạo, đậu, và dầu lửa.
Gunawardhena và tôi đã lấy cắp
được ít tiền trong phòng của sư Sonuttara trước khi rời chùa, nên chúng tôi có
tiền mua ít ổ bánh mì. Chúng tôi thấy một trong đống dừa trong vườn nhà ai đó
cạnh bên đường. Chúng tôi ăn cắp một trái, đập xuống đất cho đến khi bể ra.
Thịt dừa, cùng với bánh mì, là bữa ăn đầu tiên của chúng tôi trong cuộc hành
trình này.
Ngày hôm đó chúng tôi đã đi ba
mươi lăm cây số. Chiều tối chúng tôi đến một thành phố gọi là Dambulla. Chúng
tôi lại tìm được một nhà nghỉ cho người hành hương còn trống nữa. Chúng tôi
trải vài tàu lá dừa trên sàn nhà, và nằm xuống. Chúng tôi hoàn toàn kiệt sức.
Sáng hôm sau thức dậy chúng tôi
thấy cả người đầy rận và ruồi đất. Chúng tôi ra một giếng gần bên, bẻ vài cọng
cây trong bụi rậm và bắt đầu đánh răng bằng cọng cây đầy sơ.
Một tăng sĩ tiến lại phía chúng
tôi, nhìn tôi lom lom. Tôi cố gắng phớt lờ ông.
"Con là tu sĩ?" ông
hỏi, nhìn cái đầu không tóc của tôi.
"Không," tôi nói dối
một cách dễ dàng. "Tôi bị bệnh. Tôi vừa ra viện hôm qua."
"Con trông không giống
người bệnh," vị tăng nói. "Sư nghĩ con là tu sĩ. Hãy theo sư. Sư sẽ
truyền giới lại cho con, ở chùa của sư."
Tôi suy nghĩ về điều đó. Tự đáy
lòng, tôi vẫn còn muốn làm người tu. Tôi chỉ cởi bỏ y áo vì thầy tôi quá ác
độc. Vị sư này có vẻ tử tế hơn. Nhưng dĩ nhiên là tôi không thể đi mà không bàn
với bạn tôi.
Tôi quay qua Gunawardhena.
"Bạn nghĩ sao?" tôi
hỏi nó. "Tôi thật sự không muốn hoàn tục. Đây là cơ hội để tôi được trở về
làm người tu sĩ."
"Bạn điên à?"
Gunawardhena nói. "Bạn không nhớ thầy mình đã làm gì chúng ta à? Tất cả
các thầy đều giống nhau. Họ không có trái tim. Họ chỉ nghĩ về luật lệ và giới
cấm. Đừng có điên, hãy đi thôi."
Vị tăng sĩ càng dỗ ngọt. Ông bảo
rằng ông quen biết vài viên chức người Anh ở một phi trường quân sự cạnh bên.
Ông hứa sẽ tìm cho Gunawardhena một việc làm ở đó. Cả hai chúng tôi đều có thể
sống ở chùa, tôi có thể là tu sĩ trong khi Gunawardhena làm việc ở phi trường.
Gunawardhena không muốn nghe bất
cứ điều gì, và tôi không muốn bỏ rơi bạn mình. Vì thế chúng tôi từ giã vị sư và
bắt đầu đi tiếp.
Ngày hôm sau chúng tôi gặp một
người đàn ông, làm việc cho một nhà thầu xây dựng nhân sự. "Nếu muốn kiếm
việc làm thì hãy đi theo tôi," hắn nói với chúng tôi. "Chúng tôi có
rất nhiều việc cần người làm."
Chúng tôi đồng ý.
Công việc của chúng tôi thật ra
là công việc lao động tay chân nặng nề. Họ trao hai cái xẻng và hai cái cần xé
cho chúng tôi, rồi bảo chúng tôi đi xúc cát dưới suối, đổ thành đống lớn.
Nhiều tháng qua, chúng tôi đã
làm việc ở đó trong một nhóm khoảng hai mươi thanh niên, từ bảy giờ sáng đến
bảy giờ tối. Lương là một chấm hai rubi một ngày, tương đương với khoảng năm
mươi xu. Từ số lương đó, chủ còn trừ hai mươi lăm xu ăn uống. Mặc dù, điểm tâm
là một ly trà với đường, và buổi tối là cơm với súp. Chúng tôi ngủ trong những
chiếc võng được làm bằng cách cột một bao tải giữa hai thân cây.
Rừng đầy muỗi. Chúng tôi bị
chúng cắn ngày đêm và không lâu sau đó thì Gunawardhena bị sốt rét. Nó bị sốt
cao và không thể làm việc.
Tôi xin ông chủ hai ngày phép,
để tôi có thể chăm sóc bạn mình. Ông ta từ chối.
"Tôi đã làm cho ông hàng
tháng, bảy ngày một tuần, mười hai giờ một ngày," tôi nói. "Mà tôi
chỉ xin một vài ngày nghỉ."
Ông ta nhất định từ chối. Một là
tôi phải tiếp tục làm việc, hai là cả tôi và Gunawardhena phải rời trại lao
động.
"Được rồi," tôi nói.
"Hãy trả hết lương cho chúng tôi đi."
Ông chủ trả tiền và chúng tôi ra
đi.
Thế là chúng tôi bắt đầu cuộc
đời của những kẻ ăn mày. Ban ngày chúng tôi lang thang dọc theo những con đường
bụi bặm. Ban đêm chúng tôi chia phần thức ăn ít ỏi của những người ăn xin khác
trong các căn lều bên đường, rồi đùa giỡn, ca hát, nhảy múa và kể chuyện phím
để giết thì giờ.
Mấy tuần chúng tôi không tắm.
Quần áo chúng tôi dơ bẩn và chúng tôi hôi thối. Mỗi sáng những người ăn xin
khác sẽ rời nhà đi "làm việc" và hỏi chúng tôi định ngày đó xin ăn ở
địa điểm nào.
"Không biết," luôn là
câu trả lời của chúng tôi. Sự thật là, chúng tôi không đi xin chỗ nào hết. Chúng
tôi chỉ ăn bất cứ thứ gì mà người khác muốn chia sẻ với chúng tôi. Chúng tôi là
những người ăn xin lười biếng.
Dần dần Gunawardhena khỏi bệnh
sốt rét và hồi phục sức khoẻ trở lại. Nhưng rồi, một buổi sáng kia, khi thức
dậy tôi cảm thấy đau buốt ở chân phải và gây gây sốt. Quan sát kỹ, tôi thấy một
vết đỏ ở trên đùi cách đầu gối khoảng mười centimet. Một người ăn xin ở chung
chỗ, săm soi vết thương và bảo rằng đó là vết rắn cắn. Sự đau nhức tăng dần
lên, và tôi gần như không thể nhấc nổi chân.
Gunawardhena và tôi phải ở lại
phía sau khi những người ăn xin khác ra đi. Khoảng hai giờ sau đó, tôi cố gắng
đứng lên và đi cà nhắc ra khỏi lều.
Chúng tôi chỉ mới đi được khoảng
mười thước thì gặp một thanh niên khoảng hai mươi lăm tuổi. Chúng tôi chưa từng
gặp anh ta trước đó. Nhưng vì một lý do gì đó tôi không biết, anh ta và
Gunawardhena trở nên thân thiết ngay. Họ bắt đầu cười đùa giống như những người
bạn thân lâu ngày. Có lẽ Gunawardhena cảm thấy tôi và cái chân cà nhắc của tôi
là một trở ngại cho anh; anh ta như trút được gánh nặng khi gặp một người vui
vẻ hơn.
Ba người chúng tôi đi với nhau,
nhưng tôi đi chậm ở đằng sau. Khoảng chừng năm phút sau Gunawardhena quay lại
nói với tôi.
"Ukkubanda, vì bạn không
thể đi nhanh, tôi sẽ đi trước với anh bạn này? Còn bạn, cứ thong thả, cần đi
chậm cứ đi. Chúng tôi sẽ đợi bạn ở Lovamahapaya."
Ngay lập tức tôi cảm thấy vô
cùng sợ hãi. Muốn đến Lovamahapaya phải đi bộ sáu đến bảy tiếng.
"Không, đừng bỏ tôi lại một
mình," tôi van nài. "Tôi không thể đi một mình. Tôi cần bạn giúp đỡ.
Xin hãy ở lại với tôi."
Rồi thì chuyện không thể hiểu
được đã xảy ra: Gunawardhena phớt lờ tôi và bước thẳng tới với người bạn mới
của mình.
Tôi ngồi xuống và bắt đầu khóc.
Chân tôi buốt đau. Tôi không thể tin điều gì đã xảy ra.
Gunawardhena thật là vô ơn.
Chúng tôi đã sắp đặt cuộc hành trình này với nhau, nhiều tuần trước đó, và tôi
đã từ bỏ cuộc sống tu hành để chạy trốn theo nó. Khi nó bị bệnh trong rừng, tôi
đã bỏ luôn việc làm của mình. Bao nhiêu ngày tháng, chúng tôi đã đi với nhau
như bạn bè. Chúng tôi đã dựa vào nhau để sống. Vậy mà bây giờ, khi tôi cần nó,
nó lại bỏ rơi tôi.
Tôi không có bạn bè, không nhà
cửa, không tiền bạc, không lương thực. Tôi ở tận cùng vực thẳm và tôi hoàn toàn
cô đơn.
Bây
giờ tôi phải làm sao đây?