Chương
11. Xá lợi Phật và Đức Đạt Lai Lạt Ma
Ngay khi
vừa đến chùa Sanchi, tôi sang đảnh lễ Đại Đức Pannatissa. Tôi có rất nhiều quà
để trao lại cho Đại Đức, những thứ tôi đã mang giúp cho thân hữu của Đại Đức ở Ceylon và của
Hội Mahabodhi. Tôi cũng trình cho Đại Đức xem một bàn máy đánh chữ do Phật tử
cúng dường, để tôi có thể thực hiện bổn phận người thư ký, đánh máy những lá
thư bằng tiếng Anh cho ông.
Đại Đức Pannatissa rất vui lòng,
nhưng có điều ông không biết là tiếng Anh của tôi còn rất yếu và tôi chưa từng
sử dụng bàn máy chữ bao giờ.
Cuộc sống ở Sanchi rất dễ chịu
và bình lặng. Rất ít người có thể trèo lên đồi thăm chùa, vì thế nơi đây yên
tĩnh hơn nhiều so với những ngôi chùa ở làng mà tôi biết. Vì không có dân làng
sống gần bên để cúng dường thực phẩm, hội Mahabodhi phải mướn người nấu ăn cho
Đại Đức Pannatissa và tôi. Còn có thêm một người đàn ông lo chuyện dọn dẹp và
xách nước cho chúng tôi. Anh ta phải gánh từng thùng nước từ giếng dưới chân
đồi.
Vì có các xá lợi thiêng liêng
được thờ ở Sanchi, chính quyền Ấn Độ đã cử nhân viên cảnh sát phải túc trực ở
đó suốt hai mươi bốn giờ một ngày. Những người bảo vệ này làm việc theo ca, tám
tiếng một ngày. Họ thường ngồi đó trò chuyện với khách vãng lai hay với chúng
tôi, khi chúng tôi có thời gian.
Vào mùa hè, Sanchi rất nóng,
nóng đến nỗi bạn gần như không thể thở được. Trong ngày nhiệt độ có thể lên đến
120 độ Fahrenheit (ND: Khoảng bằng 48 độ Celsius). Trong ngày, tôi thường tọa
thiền trong nội điện, ngồi trên một chiếc khăn lông ướt trải trên nền xi măng.
Đến bảy giờ chiều, tôi mang giường ngủ ra ngoài trời. Đó là một khung giường
bằng gỗ đơn sơ, gọi là carpai (nghĩa
đen, là 'bốn chân’) với những sợi dây đan trên mặt giường và một tấm chiếu mỏng
trải lên trên.
Tôi ngồi hàng giờ trên giường,
toạ thiền trong không khí buổi chiều mát mẻ, thực tập chánh niệm hơi thở, như
tôi vẫn thường làm trước khi ngủ kể từ khi tôi bắt đầu tu thiền. Rồi tôi ngủ đi
ở ngoài trời như thế.
Điện thờ các xá lợi ở phía dưới
chánh điện. Một cánh cửa nhỏ về phía bên phải của bàn thờ dẫn xuống những cầu
thang hẹp, đến một căn phòng tối, khoảng ba thước vuông. Một bên tường có một
cửa dẫn đến một phòng khác nhỏ hơn, giống như một ngôi mộ. Một tủ lớn bằng
thiếc để giữa phòng. Tủ có ba ngăn, mỗi ngăn đựng một bộ xá lợi. Bên trong các
ngăn tủ được lót vải trắng và có những nắp bằng kiếng. Bên trong, các xá lợi
được đựng trong những chiếc tách tròn nhỏ bằng bạc. Chiếc tách đựng xá lợi Phật
lớn hơn mấy chiếc tách đựng xá lợi của hai vị đệ tử của Ngài.
Các ngăn kéo này được khoá hai
lớp, cũng như là mấy cánh cửa đi vào phòng chứa xá lợi. Có ba người giữ chìa
khoá -vị tổng thư ký của hội Mahabodhi, thống đốc bang Bhopal, và vị sư trụ trì chùa. Nhưng không có
ai trong ba người này có đủ bộ chìa khoá cho tất cả các ổ khoá. Do đó, để có
thể mở tất cả các cửa dẫn đến nơi chứa xá lợi, cả ba người này đều phải có mặt.
Hai viên cảnh sát cũng luôn luôn có mặt ở đó. Mỗi năm một lần, vào ngày Phật
Đản rằm tháng năm, các ngăn tủ chứa xá lợi được mở ra và đưa lên chánh điện.
Những đoàn người hành hương được phép sắp hàng đi ngang qua các ngăn tủ. Rất
nhiều người đảnh lễ các xá lợi.
Mặc dầu là trụ trì của Sanchi,
Đại Đức Pannatissa chỉ sống ở đó giữa các tháng mười một và tháng hai. Thời
gian còn lại trong năm, ông sống ở Ceylon, và khi ông vắng mặt, tôi là
người quản lý ở đó. Bổn phận của tôi bao gồm tiếp khách, hành các buổi lễ sáng
chiều, trả tiền công thợ và đánh các báo cáo cho hội Mahabodhi ở Ceylon.
Tôi đã tự học đánh máy với một
quyển sách dạy thực hành đánh máy viết tay mà ai đó đã cho mượn. Tôi nghĩ là
tôi khá giỏi, cho đến một ngày Đại Đức Pannatissa yêu cầu tôi đánh một lá thư
quan trọng gửi cho thư ký hội Mahabodhi. Ông đọc bằng tiếng Sinhala và tôi dịch
sang thứ tiếng Anh yếu kém của mình.
Với bài dịch đặt kế bên bàn máy,
tôi đánh lá thư, không cần nhìn các mặt chữ. Tôi còn trẻ và quá tự tin. Tôi
đánh xong lá thư, vẫn không coi lại và đưa nó cho Đại Đức Pannatissa ký. Ông
nhìn qua những dòng chữ lạ lẫm, tưởng rằng nó chứa đựng những điều ông vừa đọc,
ký tên và lá thư được gửi đi.
Ba tuần sau chúng tôi nhận được một lá thư từ người
thư ký ở Colombo.
Ông kèm theo lá thư của tôi mà giờ khi nhìn kỹ lại, thì nó giống như vẽ bùa cả
đối với tôi. “Tôi không hiểu một chữ trong lá thư này,” ông viết bằng tiếng
Sinhala cho Đại Đức Pannatissa. “Sư định nói gì đây?”
Đại Đức Pannatissa khá giận. Tôi
đỏ mặt vì xấu hổ, rồi đánh máy lại lá thư, lần này cẩn thận đặt các ngón tay
của tôi vào đúng các chữ và đọc lại lá thư lần cuối trước khi gửi. Sau đó tôi
không còn tự mãn về khả năng đánh máy của mình nữa, dầu còn có một lần nữa sự
cao ngạo của tuổi trẻ lại làm khổ tôi.
Vị tổng thư ký của hội Mahabodhi
đã đến viếng Sanchi. Hai ngày sau đó, tôi nhận được lời nhắn từ vị hiệu trưởng
của một trường đại học gần đó. Rõ ràng là vị tổng thư ký đã viếng thăm trường
đại học, sau khi rời Sanchi và để quên lại đó một gói đồ. Ông nhờ vị hiệu
trưởng gọi tôi đến lấy gói đồ và gửi đi Calcutta.
Tôi cảm thấy rất bực. Tại sao
tôi phải đi tận xuống đồi để mang gói đồ đi gửi cho người thư ký? Tại sao ông
hiệu trưởng không tự mình làm chuyện đó? Tôi giận dữ viết một lá thư gửi cho vị
hiệu trưởng. “Vì ông ta đã để lại gói đồ chỗ ông, sao ông không đi gửi?”, tôi
viết. “Có một bưu điện chỉ cách trường một con đường. Ông đến đó dễ hơn tôi
nhiều!”.
Mười ngày sau vị hiệu trưởng lại
gửi cho tôi một lời nhắn khác, lặp lại yêu cầu của ông. Tôi lờ đi, và mười ngày
sau nữa, lời nhắn thứ ba lại đến. Cuối cùng tôi đi xuống đồi để nhận gói đồ,
nhưng tôi cằn nhằn suốt dọc đường đi. Khi gửi đi, tôi để dành lại biên lai, mà
vị thư ký sẽ cần để hoàn tiền trả lại tôi.
Khi gói đồ đã đến bưu điện ở Calcutta, người thư ký
viết thư cho tôi, hỏi về biên lai gửi đồ. Tôi gửi biên lai cho ông cùng với
những dòng chữ giận dữ.
Cuối cùng, khi người thư ký mở
gói đồ ra, một tháng sau khi ông đã đóng gói nó, một mùi hôi thối khủng khiếp
bay ra. Gói đồ có chứa đồ ăn mà vì những sự chậm trễ của tôi, đồ ăn đã mốc rữa.
Giờ thì tới phiên ông ta gửi cho tôi một lá thư giận dữ.
“Sư nổi sân vì một việc nhỏ mà
tôi nhờ sư làm,” ông viết. “Rồi sư còn gửi cho tôi một lá thư trách móc. Nếu sư
muốn tiếp tục làm việc cho hội Mahabodhi, tôi khuyên sư nên kiềm chế tính khí
của mình.”
Sân nộ là một trong những uế
nhiễm khó đối trị nhất; tôi biết điều đó từ chính kinh nghiệm bản thân. Khi tôi
còn là một tu sĩ trẻ ở Ceylon, tôi đã giảng nhiều bài pháp về sân nộ và phương
cách để chế ngự nó, dầu rằng sự sân hận của chính tôi cũng khiến tôi nhiều lần
mất tự chủ. Tôi gọi đó là sự sân hận "của tôi”, nhưng điều đó không hoàn
toàn đúng, sân hận chế ngự, lấn áp tâm tôi và tôi để nó làm như thế, mặc dầu rõ
ràng nó làm tôi cảm thấy rất khổ sở. Khi giận dữ, tôi cảm thấy đau trong ngực
và nóng trong bao tử. Mắt tôi nhoè đi, sự suy nghĩ của tôi không rõ ràng và
những lời cọc cằn thô lỗ được thốt ra từ miệng tôi.
Khi bình tĩnh lại, lúc nào tôi
cũng có cảm giác xấu hổ, điên rồ. Lúc đó, tôi quán chiếu những lời Đức Phật dạy
về sân hận: “Ta cần buông bỏ sân hận, kiêu mạn, và chế ngự mọi kiết sử. Người
không bám víu vào tâm hay thân, biết buông xả thì không thể khổ đau. Người biết
kiềm chế sự phát sinh của sân hận giống như người đánh xe biết kiềm chế con
ngựa của mình, người đó ta gọi đúng là người biết cầm cương.”
Có một câu chuyện rất nổi tiếng
từ tạng kinh Phật giáo minh chứng cho ta thấy sự khéo léo của Đức Phật khi đối
phó với sân hận. Một ngày, một người Bà La Môn, thuộc dòng quý tộc và thế lực,
đến gặp Đức Phật. Vị Bà La Môn này có một tánh khí nóng nảy và thường cãi cọ
với mọi người. Ngay chính như khi người khác bị hại mà không tỏ vẻ giận dữ, ông
cũng không bằng lòng. Vì thế, khi ông nghe rằng Đức Phật chẳng bao giờ nổi
giận, ông quyết định đến thử Ngài.
Người Bà La Môn đi đến gặp Đức
Phật và tuôn ra những tràng chửi rủa. Đức Phật lắng nghe một cách bình tĩnh
trong im lặng. Khi người Bà La Môn cuối cùng ngưng chửi và chờ đợi phản ứng của
Đức Phật. Lúc đó, Đức Phật bình tĩnh hỏi ông, “Ông có gia đình hay bạn bè
không?”
“Dĩ nhiên rồi,” vị Bà La Môn trả
lời. “Tại sao?”
“Ông có thăm viếng họ thường
xuyên không?” Đức Phật hỏi.
“Có,” người Bà La Môn trả lời
cọc cằn.
“Khi đi thăm họ ông có mang quà
theo không?”
“Dĩ nhiên là tôi có!” vị Bà La
Môn gầm lên.
“Nhưng nếu họ không nhận quà của
ông thì sao?” Đức Phật hỏi. “Ông sẽ làm gì với món quà?”
“Tôi sẽ mang nó về nhà và chia
sẻ với gia đình tôi,” người Bà La Môn trả lời.
"Vậy thì,” Đức Phật nói,
“nay ông đã mang cho tôi một món quà của những lời sỉ nhục giận dữ. Tôi không
muốn nhận chúng, tôi xin trả lại cho ông. Hãy mang về nhà và chia sẻ với gia
đình.”
Giá mà tôi đã có thể sống theo
trí tuệ của những lời dạy này lúc tôi còn trẻ.
Những người hành hương thường
đến Sanchi để tỏ lòng kính trọng các xá lợi và để được nhìn những chiếc cổng
hoành tráng do vua Ashoka xây dựng. Có bốn cái tất cả, xây dựng vào thế kỷ thứ
ba trước công nguyên. Mỗi cổng gồm có hai trụ đá, cao hơn sáu mét, với những
thanh gỗ bắt chéo qua chúng. Những cảnh từ các chuyện tiền kiếp của Đức Phật
được khắc lên các trụ cột. Những chữ khắc cùng với các bức tranh được viết bằng
một loại ngôn ngữ cổ xưa tương tự như tiếng Sanskrit và Pali.
Nhiều lần các đoàn hành hương
đến viếng thăm cùng với người hướng dẫn viên để giải thích những lời khắc trên
trụ cột cho họ. Khi không có người hướng dẫn,
thì các vị khách yêu cầu tôi giải thích. Lúc đầu tôi chỉ bảo với họ là tôi
không biết, rồi bỏ đi. Nhưng dần dần sự thiếu hiểu biết này làm tôi xấu hổ. Tôi
nhận thấy rằng, dầu gì, khi Đại Đức Pannatissa vắng mặt, tôi là vị sư duy nhất
ở đó; tôi thật sự phải có khả năng để trả lời các câu hỏi về nơi chốn này.
Vì thế tôi yêu cầu một trong
những người hướng dẫn viên ở địa phương dạy tôi về ý nghĩa của những cột trụ
này. Anh ta vui vẻ nhận lời và sau đó, tôi có thể giải thích giúp các khách
vãng lai về những hình ảnh này. Dần dần, tôi viết một cuốn sổ tay hướng dẫn
khách đến Sanchi bao gồm cả việc giải thích các trụ cột và những hình ảnh trên
đó.
Thí dụ, một cảnh diễn tả lại lúc
Đức Phật đản sinh với hoàng hậu Mahamaya, mẹ của ngài, đang lâm bồn dưới một
cây sala trong rừng, với những người hầu của bà vây quanh dùng màn che chắn cho
bà, và chư thiên tưới nước để tắm cho đứa bé. Một cảnh khác lại tả lúc Đức Phật
giác ngộ, cũng xảy ra dưới một gốc cây. Khi thái tử Siddhattha Gotama ngồi tĩnh
lặng dưới cây bồ đề, hàng chục ngạ quỷ, biểu tượng cho những uế nhiễm của tâm,
đe doạ ngài bằng gươm, dao, cung và tên. Ở một cảnh khác, Đức Phật trở về từ
cõi trời sau khi đã giảng pháp cho mẹ của ngài, đã tịch bảy ngày sau khi sanh
ra ngài.
Lại một cảnh khác diễn tả một
con khỉ và hai con voi làm lễ trước Đức Phật, khi người đang ở Parileyya vào
mùa mưa. Đó là, sau khi Đức Phật không thể dàn xếp được một cuộc tranh cãi giữa
hai nhóm tăng sĩ, Đức Phật vào rừng ở Parileyya sống một mình trong mùa mưa đó.
Theo truyền thuyết, khỉ đã mang đến cho ngài mật ong để ăn mỗi ngày và các chú
voi đun nóng nước trên lửa để ngài tắm.
Tất cả các cảnh khắc trên trụ
cột, dĩ nhiên đã làm phát khởi lòng tin rộng lớn nơi những người hành hương đến
đây để chiêm ngưỡng chúng.
Vào tháng 4, 1956, chúng tôi bắt
đầu lên chương trình cho lễ Phật đản ở Sanchi sẽ cử hành trong tháng năm. Chúng
tôi quyết định mời thủ tướng Ấn Độ, Jawarharl Nehru. Đại Đức Pannatissa và tôi
đi Delhi để tận
tay trao giấy mời. Dầu đã có hẹn qua thư, khi chúng tôi đến văn phòng của ngài
Nehru, nơi này đầy các vị chức trách nước ngoài, kể cả các đại sứ từ những nước
Á châu.
Là người lãnh đạo chính trị,
nhưng Nehru có vẻ mặt rất thanh tịnh và cử chỉ khoan thai. Ông cao trung bình,
tóc bạc, và ăn vận theo truyền thống Ấn Độ: quần trắng, áo dài tay rộng rãi,
với đôi dép dây đơn giản.
Nehru chào đón chúng tôi bằng
một giọng nói nhẹ nhàng và cử chỉ thân thiện. Dầu ông đang dở chừng trong một
buổi họp dài với các vị khách chức phận, ông cũng đưa Đại Đức Pannatissa và tôi
vào văn phòng của ông. Cả ba chúng tôi trao đổi khoảng hai mươi phút. Nehru nói
rằng ông xin lỗi, nhưng ông không thể dự lễ vì nó trùng với một hội nghị chính
trị sắp diễn ra ở Indonesia.
Vị thủ tướng nói tiếng Ấn Độ trôi chảy, nhuần nhuyễn. Tôi phải vất vả dịch
những lời ông nói sang tiếng Sinhala cho Đại Đức Pannatissa.
Cuối cùng, ông Nehru chúc chúng
tôi những điều tốt đẹp nhất và đứng dậy để báo hiệu chấm dứt cuộc gặp gỡ. Ông
đứng chụp hình với chúng tôi, rồi cúi chào từ giã, hai tay chắp vào nhau.
Bên cạnh lần gặp gỡ ngắn ngủi đó
với thủ tướng Nehru, tôi còn may mắn được gặp những người nổi tiếng khác nữa.
Vào tháng 11, 1956, vua xứ Nepal
có chương trình đến viếng Sanchi. Tôi muốn trang hoàng lại chùa để đón tiếp ông,
nên tôi quyết định treo vài cây cờ Phật giáo với những đường sọc màu sắc, mà
người ta cho rằng đó là để biểu hiện hào quang đã phát ra sau khi Đức Phật giác
ngộ. Một giải thích khác nữa là cây cờ biểu hiện cho thân của Đức Phật: màu
trắng biểu tượng cho xương và răng của ngài, đỏ cho máu, vàng cho mật, xanh cho
tóc, và vàng cam cho da của ngài.
Tôi trèo lên các vách đá dọc
theo tường rào chùa để cột sợi dây treo cờ. Khi tôi kéo xiết sợi dây, nó bị
đứt, khiến tôi mất thăng bằng té ngửa ra. Tôi té trên mặt đất đầy đá và bị gãy
cổ tay. Khi nhà vua xứ Nepal
đến, tôi ở trong bệnh viện. Ông nghe kể về sự rủi ro của tôi, nên đã đến bệnh
viện thăm tôi.
Không kể các vị vua và thủ
tướng, cuối năm 1956, chúng tôi lại có một vị khách nổi tiếng cách khác: Đức
Đạt Lai Lạt Ma. Điều trùng hợp là ông đến viếng thăm nhằm vào ngày sinh nhật
của tôi. Và tôi lại là vị thầy duy nhất có mặt ở đó để đón tiếp ngài.
Lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ
mới mười chín tuổi, trẻ hơn tôi, nhưng đã là người cầm quyền của hoàng tộc ở
Himalaya mà gần đây đã bị Trung Quốc chiếm. Tôi không ngờ ông là một nhân vật
lỗi lạc đến thế. Ông đến Sanchi không báo trước, không có lính hay người theo
bảo vệ quanh ông như bây giờ. Tuy nhiên có vài vị sư đi theo trong đoàn. Họ rất
cung kính đối với ông, coi sóc không để y áo của ông dính bụi và đưa ông đi đến
nơi nào ông cần. Khi ông cởi giày để bước vào chùa, họ cũng giúp ông, rồi họ
đặt các xâu chuỗi của mình vào bên trong đôi giày trống của ông, như một hành
động tỏ lòng cung kính.
Đức Đạt Lai Lạt Ma có khuôn mặt
trầm lặng nhưng thường nở những nụ cười rạng rỡ. Ông đeo kiếng có gọng bằng kẽm
nhỏ và rất đẹp người. Da mặt mịn màng khiến ông nhìn còn trẻ hơn tuổi.
Ông khẽ chào tôi, hai tay chắp
lại và nói bằng tiếng Anh, “Đây là một nơi rất yên tĩnh, đẹp đẽ. Khá mát mẻ. Sư
ở đây có dễ chịu không?”
“Dạ có,” tôi trả lời ông, cũng
vái chào đáp lại. “Con rất dễ chịu và con vui mừng đón tiếp ngài ở nơi thiêng
liêng này.”
Ông tỏ ra là người rất khiêm
cung. Chúng tôi cùng đi bên nhau đến chánh điện, khi bất ngờ chúng tôi được tin
thống đốc của bang Bhopal
và tổng thư ký của hội Mahabodhi cũng đến. Sau này tôi được biết, họ đã được
báo trước về chuyến viếng thăm Sanchi của Đức Đạt Lai Lạt Ma và ý muốn được
viếng thăm các xá lợi Phật của ông. Họ biết rằng họ phải mang bộ chìa khoá của
họ đến để chúng tôi có thể mở các ngăn tủ đựng xá lợi trong căn phòng tối ở
phía dưới chánh điện.
Sau khi người thị giả trải một
miếng vải trắng sạch trên sàn nhà trước tượng Phật, Đức Đạt Lai Lạt Ma đảnh lễ
ba lần, đầu chạm trên miếng vải. Rồi ông đặt hoa lên bàn thờ, đốt ba cây nhang
và ba cây đèn cầy. Sau đó tất cả chúng tôi đi xuống lầu đến phòng đựng các xá
lợi và mở các ngăn tủ. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn thấy các xá lợi thiêng liêng
này, ông lại đảnh lễ ba lần.
Rồi ông trao cho tôi một món quà
tặng chùa: một cây đèn dầu bằng vàng, cao khoảng hai mươi lăm centimét. Chúng
tôi đặt cây đèn vàng trong căn phòng dưới hầm cùng với các xá lợi.
Ba năm sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma
và một ít tùy tùng cưỡi ngựa băng qua núi để chạy trốn sự chiếm đóng của người
Trung Quốc ở Tibet.
Ông sống lưu vong ở phía bắc Ấn Độ và câu chuyện buồn về Tibet bắt đầu
được lan truyền khắp thế giới.
Nhưng
dĩ nhiên tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra được điều này, khi ông và tôi đứng
cạnh bên nhau ở Sanchi.