Thiền học
Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
25/09/2556 18:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 24. Ra riêng

 

 

Khi Matt và tôi bắt đầu tìm địa điểm, tôi có $50,000 trong ngân hàng. Tôi đã để dành ít nhất mười năm nay. Đó là số tiền mà Văn phòng Tiểu bang (State Department) đã trả cho tôi khi làm việc ở trại tỵ nạn ở Florida, cộng với tiền thù lao của các bài diễn văn, các lớp tôi dạy ở các trường đại học –bất cứ gì tôi đã tự kiếm được, bên ngoài công việc của tôi ở chùa Phật giáo Washington.

Matt và tôi bắt đầu lái xe vòng quanh Virginia, tìm những nơi bán đất. Một ngày kia vào năm 1983, chúng tôi tìm được một khoảng đất rất đẹp với diện tích 189 mẫu Anh (hay 75 mẫu ta) và mười hai dãy nhà trên đó. Giá bán là một triệu rưỡi đô. Cả hai chúng tôi đều đồng ý là miếng đất thật hoàn hảo. Matt, là một người nói chuyện khôn khéo, đã nói để người chủ bớt xuống còn $700,000. Chúng tôi đã đưa cho họ tấm ngân phiếu $2000 ngay tại chỗ, như tiền để “làm tin”, để họ không quảng cáo bán trên thị trường nữa. Trong vòng ba tháng, chúng tôi phải có đủ $100,000 tiền đặt cọc.

Trở lại xe, tôi nói: "Chúng ta thiệt là điên. Làm sao chúng ta có được số tiền lớn như vậy. Chúng ta cũng không có cách gì để quyên một số tiến như thế trong ba tháng.”

Matt có vẻ không hề suy chuyển.

"Tôi biết một người gây quỹ," anh nói, "người ấy sẽ giúp chúng ta có $100,000 đó."

Vài ngày sau, chúng tôi nghiên cứu biểu đồ mà người gây quỹ đã phác họa cho chúng tôi. Đó là một dạng gây quỹ theo hình kim tự tháp. Những người dưới đáy tháp sẽ đóng mười đô. Con số người này rất nhiều. Khi lần lên mỗi bậc tháp sau đó, những người cúng dường sẽ ít hơn, nhưng tiền cúng sẽ nhiều hơn: hai mươi, năm mươi, một trăm đô.

Khi cộng tất cả lại, chúng tôi sẽ có được hơn 1 triệu.

"Biểu đồ này trông rất hấp dẫn," tôi nói với Matt. "Nhưng người này đâu có giúp chúng ta có được số tiền này miễn phí. Anh ta đòi $5000 đô mỗi tháng. Số tiền $5000 đầu tiên sẽ tìm đâu ra? Và nếu anh ta chỉ gây quỹ được có $5000 thì sao? Chúng ta sẽ tiêu tiền ra nhanh hơn tiền anh ta gây quỹ được.”

Matt có thể thấy tôi lo lắng thế nào. Anh biết tôi không thích việc mua trả góp hay vay mượn, vì làm thế chúng tôi bắt buộc phải trả lãi.

Vì thế anh đề nghị một chuyến đi gây quỹ. "Hãy lên xe con," anh nói, "hãy đến viếng những người Sư biết và những người con biết. Hãy hỏi xem họ giúp đỡ được gì mình không?"

 Tháng sau đó, chúng tôi đi ngang dọc miền đông bắc nước Mỹ trong chiếc Toyota Cressida của Matt. Chúng tôi đến Nữu Ước, New Jersey, Rhode Island, New Hampshire và Massachusetts. Chúng tôi băng qua biên giới Canada, đến thăm những người ở Montreal, Ottawa và Toronto. Chúng tôi còn lên đến cả Newfoundland và Nova Scotia.

Đôi khi chúng tôi lái mười bốn tiếng một ngày. Có khi chúng tôi đến nhà người quen lúc giữa khuya. Có người ủng hộ chúng tôi mười, mười lăm hay hai mươi đô, tôi nghĩ, đôi khi chỉ là để cho chúng tôi đi khuất mắt. Đôi khi họ cảm thấy tội nghiệp chúng tôi và mời chúng tôi ở lại qua đêm.

Nhiều người khá rộng rãi. Có người viết cho chúng tôi ngân phiếu $500 đô. Người khác biếu $1000 đô canada. Phong cách đầy thuyết phục của Matt đã khiến cho nhiều người tin tưởng.

"Chúng tôi làm việc này là vì lợi ích của nhiều người," anh sẽ nói khi ngồi ở bàn ăn của ai đó. "Hãy giúp chúng tôi nếu bạn có khả năng."

Cuối chuyến đi, xe của Matt đã ghi thêm hơn 5000 dặm (hơn bảy ngàn kilo mét) đường dài. Và chúng tôi cũng quyên góp được $5000 USD.

"Có vẻ khá đấy chứ," tôi nói với anh.

Chúng tôi mở một tài khoản dưới tên công ty mới của chúng tôi: Hội Bhavana. (Từ Bhavana -vun trồng tâm linh- có vẻ tóm tắt được ý định của chúng tôi về ngôi lâm tự viện.)

Nhưng rõ ràng là chúng tôi không thể nào kiếm được $95,000 đô trong hai tháng nữa. Chúng tôi phải hủy bỏ hợp đồng mua đất ở Virginia và chịu mất $2000 tiền làm tin. 

Trong lúc đó tôi đã báo với các vị tu sĩ ở chùa và ban chấp hành rằng chúng tôi đang gây quỹ cho một trung tâm thiền ở một nơi nào đó xa Washington. Tôi chưa bao giờ nói trung tâm thiền đó sẽ thuộc quyền của chùa Phật giáo Washington, nhưng đó là điều họ nhầm tưởng.

Sau này, khi chúng tôi đã quyên góp được đủ tiền để mua một miếng đất, họ hỏi thẳng tôi rằng chỗ địa điểm mới này có trực thuộc chùa không.

"Không," tôi trả lời.

"Tại sao không?" họ hỏi tiếp.

"Vì đó không phải là điều tôi muốn," tôi nói.

Sự thật là, tôi đã quá chán những chuyện chính trị ở chùa. Vị tổ sáng lập ra chùa Phật giáo Washington thuộc về phái Amarapura của Phật giáo Nguyên thủy. Tôi lại thuộc về một phái khác, phái Siyam. Buồn thay, điều đó đã gây ra nhiều xung đột suốt mấy năm qua.

Một vị sư, được chuyển đến chùa năm 1980, không thích tôi. Ông nói vì tôi thuộc phái Siyam Nikaya, tôi không quan hệ gì với ngôi chùa do phái Amarapura dựng lên. Ông cố gắng tạo ra những xích mích để các vị sư khác chống lại tôi.

Đến khoảng giữa năm 1980, tôi đã quá mệt mỏi bởi những sự chỉ trích này. Tôi cảm thấy rằng các vị tăng sĩ trẻ mới đến không biết tất cả những việc tôi đã làm suốt bao năm để phát triển chùa. Năm 1985 tôi thỉnh vị hội trưởng của phái Amarapura Nikaya ở Tích Lan đến chùa để giải quyết những xung đột này. Ông đã đến, nhưng cũng không kết quả gì. Ông ta chỉ muốn thăm viếng bà con và có được một kỳ nghỉ phép ngắn.

Tôi bắt đầu nghĩ đến việc đi khỏi chùa ngày càng nhiều hơn, đến việc sống ở một nơi yên tịnh, thanh bình mà tôi có thể chỉ nghĩ đến việc giảng Pháp mà không lo lắng gì đến những chuyện chính trị trong việc quản lý một ngôi chùa.

Đến tháng năm, năm 1984, chúng tôi có được khỏang $18,000 trong tài khoản của Hội Bhavana. Tôi đề nghị với Matt nên bắt đầu suy nghĩ về một dự án nhỏ hơn. Hãy tìm khoảng mười hay mười lăm mẫu Anh, tôi bàn với Matt. Hãy thử tìm ở miền Tây Virginia. Ở đó đất rẻ hơn.

Matt hẹn với một chuyên viên nhà đất gặp nhau ở quán cà-phê trên Lộ số 50, trong vùng đồi núi ở phía đông của West Virginia. Khi chúng tôi có mặt vào ngày đã hẹn, nhà địa ốc không xuất hiện. Matt hỏi thăm những người có mặt trong quán cà-phê xem có ai gặp người đó không. Một trong những vị khách ở đó hỏi chúng tôi đang cần bao nhiêu đất. 

"Khoảng mười đến mười lăm mẫu Anh," Matt trả lời.

"Tôi có mười ba mẫu," người đàn ông nói. "Giá tôi bán $18,000. Anh bạn có muốn coi không?"

Matt và tôi lái xe ra đường Back Creek, một con đường nhựa nhỏ hẹp, để đi coi đất. Chúng tôi rất vừa ý, mà giá cả cũng vừa đúng với khả năng của chúng tôi. Chúng tôi trao cho người bán tấm ngân phiếu $8000 và ký hợp đồng ngay ngày hôm đó.

Tháng 7, chúng tôi tổ chức một nhóm người giống như đi hành hương đến thăm miếng đất mới. Tất cả những người đã đóng góp cho trung tâm thiền mới này đều được mời tham dự. Chúng tôi rời Washington đi một đoàn 10 xe. Có hai vị sư ở chùa cũng đi theo tôi. Có người mang theo một tấm bảng để chúng tôi có thể cắm lên miếng đất. Tấm bảng đề "Ngôi làng Pháp," cái tên mà chúng tôi đã quyết định đặt cho chỗ mới này.

Giữa mùa hè, nơi này nhìn rất đẹp. Đầy bóng cây phủ và một dòng suối nhỏ chảy qua đó. Chúng tôi ngồi xuống đất và mỗi người bày tỏ lòng biết ơn đối với nơi này. Hai vị sư kia và tôi tụng kinh cầu nguyện.

Ngay khi có tin chúng tôi đã mua được miếng đất, một vài thành viên của chùa Washington lên tiếng phản đối. Số khác không cúng dường nữa; có người còn không chào hỏi đến tôi. Những buổi họp bí mật được tổ chức và tôi không được mời dự.

Vì tôi đã hình thành một số nhóm tu thiền ở Washington và tôi cũng có một số trách nhiệm giảng dạy tại chùa, tôi định sẽ tiếp tục ở lại chùa, khi miếng đất ở West Virgnia đang được phát triển. Vì thế, một năm rưỡi trôi qua mà ở Ngôi Làng Pháp cũng không có nhiều hoạt động. Có người bảo họ lo là tôi đã sai lầm.

"Bhante, tại sao Sư lại mua đất cách Washington cả trăm dặm?" họ hỏi. "Ai sẽ đi xa đến tận nơi đó? Ai sẽ hỗ trợ Sư? Thiệt là phí tiền.”

Nhiều đêm tôi không ngủ, tự hỏi không biết điều đó có đúng không? Thật là chán nản.

Cuối năm 1984, tôi quyết định trở về thăm Tích Lan. Gần chín năm rồi tôi không trở lại đó, và gia đình yêu cầu tôi về dự lễ cúng hồi hướng cho mẹ tôi. Cũng có một số nước mời tôi đến thuyết giảng, nên tôi định sẽ gom tất cả lại trong một chuyến đi.

Cũng có nhiều chuyện bất ngờ thú vị trong chuyến đi đó. Ở Thụy Điển, tôi khánh thành một chùa Phật giáo vừa xây dựng xong. Ở Pháp, tôi trú tại một chùa Sinhala, nơi mà, một đêm kia, khi cuộc nội chiến bắt đầu nóng bỏng ở Tích Lan, nó cũng đã tràn sang cả những con đường dễ thương của Paris. Tất cả các xe đậu trước chùa Tích Lan đều bị đâm bể bánh, có lẽ phần lớn là do người Ấn Độ Tamil biết có người Sinhala viếng chùa.

Ở Malawi, tôi cũng giúp khánh thành một chùa Phật giáo mới, ngay cạnh bên một chùa của người Sikh. Ở Nairobi, tôi đi thăm các loại thú ở khu bảo tồn động vật hoang dã Masai Mara. Và ở Úc, tôi được gặp một thần đồng về Phật giáo.

Tôi đã nghe về đứa trẻ này nhiều năm trước đó, khi có ai đó bí mật để một băng cassette trên bàn làm việc của tôi ở chùa Washington. Qua cuộn băng, tôi nghe được một giọng thánh thót, rõ ràng của một đứa trẻ đọc tụng các kinh tiếng Pali, phát âm rất chuẩn. Tôi đã tìm hiểu thêm và đã biết đứa bé đó là ai. Vào thời điểm người ta thu băng, em chỉ mới bốn tuổi. Em sống ở Tích Lan. Người ta nói đứa bé này đã tụng các kinh một cách trôi chảy không có sự dẫn dắt hay nhắc nhở từ một người lớn nào.

Vì thế khi tôi về nhà năm 1984, một vài năm sau khi tôi lần đầu được nghe cuộn băng tụng đọc rất ấn tượng, tôi quyết định tìm gặp đứa bé. Có người cho tôi địa chỉ em ở Kandy, nhưng tôi không tìm ra được ngôi nhà, dù tôi đã ba lần đi tìm.

Sau khi rời Tích Lan, tôi đi Malaysia, Singapore, Thailand, và Úc. Ở Úc, tôi giảng Pháp ở Canberra, Perth và Sidney. Ở ga xe lửa Sidney, một phụ nữ trẻ tên Elizabeth Gorski đã đón để chở tôi đến một chùa Thái, nơi tôi sẽ tạm trú. Trong xe của cô có một cậu bé tóc đen, độ tuổi mười mấy. Cô giới thiệu cậu bé là Ruwan.

Ngày hôm sau cô đến chùa để chở tôi đi đâu đó. Cậu bé cũng ngồi ở băng ghế sau, giống như ngày hôm trước.

"Elizabeth," tôi nói, “cô có nghe về một cậu bé ở Tích Lan có thể tụng kinh bằng tiếng Pali?”

"Bhante, nó đang ngồi ngay cạnh Sư đó,” cô ta trả lời.

Tôi sửng sốt. Tôi đã tìm được đứa bé Sinhala nổi tiếng ở tận Úc. Elizabeth giải thích rằng cô đã gặp cậu bé tên là Ruwan Seneviratne, ở Tích Lan và hoàn toàn bị chinh phục bởi giọng tụng đọc của em. Vì thế mỗi mùa hè khi cậu bé nghỉ học, cô cho cậu bé sang Úc chơi với cô, với sự cho phép của cha kế của em.

"Con đã học tụng kinh bằng cách nào?" tôi hỏi Ruwan. "Có ai dạy cho con không?"

"Thưa không, Bhante," cậu bé trả lời. "Khi còn rất nhỏ, mỗi sáng con thường ngồi trên ghế và đọc kinh. Giống như là con đang đọc ra từ trong trí nhớ."

Elizabeth yêu cầu tôi đừng có nói với ai là tôi đã gặp Ruwan. Nếu tin tức đồn ra là cậu bé đang ở đây, thì mọi người sẽ đổ xô đến nhà cô để nghe cậu bé tụng kinh. Dựa vào lời kể của chính cậu bé, nhiều người tin rằng trong một kiếp trước vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, cậu bé là phụ tá cho một vị học giả nổi tiếng Buddhaghosa, và đó là lý do tại sao em có thể tụng tiếng Pali một cách rõ ràng, lưu loát như thế.

Ngày nay bất cứ khi nào đi Tích Lan, tôi đều thăm Ruwan. Cậu đã lập gia đình, có hai con và là một Phật tử thuần thành. Thật ra, cậu cũng muốn thành lập một trung tâm thiền.

Khi tôi trở lại Washington vào tháng 5 năm 1985, không khí ở chùa lạnh lẽo. Trong khi tôi đi vắng, người ta đã bắt đầu nói này nọ về trung tâm thiền mới của chúng tôi ở West Virginia. Người ta đồn là Matt và tôi đang bắt tay kinh doanh một thứ gì đó.

Ban giám đốc yêu cầu tôi phải gặp họ ngay. Tôi còn chưa quen với giờ giấc thay đổi nhưng tôi đồng ý ngồi lại với họ. Đúng ra đó là một cuộc thẩm vấn, hơn là một cuộc họp. Bao nhiêu câu hỏi chĩa vào tôi như những mũi tên.

Tại sao Sư thành lập hội Bhavana?

Ai tài trợ?

Ai sẽ là người điều khiến?

Tại sao sư phải đi xa như vậy để giảng Pháp?

Tôi đã trả lời từng câu hỏi của họ với hết khả năng của mình. “Này,” tôi nói, "không phải là tôi đang xây một nhà thổ, một tiệm rượu hay một chỗ đánh bài. Đó sẽ là một trung tâm thiền. Tại sao quý vị cảm thấy căng thẳng như thế?"

Sau đó, thì họ nói lên nguyên nhân chính của vấn đề: “Tại sao Sư không liên kết chỗ mới đó với chùa Phật giáo Washington.”

"Vì tôi muốn nó là một trung tâm thiền thực sự," tôi nói, "không phải là một trung tâm văn hóa. Và tôi không muốn những chuyện chính trị ở Tích Lan chen vào. Tôi muốn nơi đó hoàn toàn độc lập.”

Những khuôn mặt hằn học nhìn tôi.

Sau đó, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Một đêm người thủ quỹ trong ban chấp hành bảo tôi rằng có một cuộc họp ở chùa và tôi phải đến dự.

Có khoảng hai mươi người đêm đó. Ngay khi chúng tôi vừa ngồi xuống, một người Sinhala đứng dậy và bắt đầu lăng nhục tôi.

"Sư chẳng bao giờ làm gì cho nơi này,” ông ta nói. "Sư chỉ ngồi đó lo học hành. Con dán trong nhà bếp Sư cũng không quan tâm. Sư chỉ lo mang bà con thân quyến ở Tích Lan đến đây để tìm việc cho họ, nhưng không tìm cho ai khác nữa. Sư phải dạy cho con em chúng tôi tiếng Sinhala, nhưng sư dành hết thời gian đi đây đó, giảng pháp cho người Tây phương mà họ cũng không phải là Phật tử."

Tôi kinh hoàng. Vị này bình thường rất bình tĩnh, từ tốn và tôi đã coi ông là một người bạn.

Tôi biết rằng ông đã bị những người muốn đuổi tôi ra khỏi chùa ảnh hưởng. Và tôi biết rằng mọi phản ứng của tôi trong lúc này sẽ bị xem xét đánh giá. Vì thế tôi không trả lời những cáo buộc của ông. Thay vào đó, tôi chỉ bắt đầu truyền tam quy và ngũ giới cho cả nhóm, đọc tụng với tất cả sự bình tĩnh mà tôi có thể có được.

Ở một buổi họp sau đó của ban chấp hành, họ yêu cầu Matt Flickstein và một người bạn khác của tôi, Albert Cambarta, rút tên ra khỏi chùa. Khi điều đó xảy ra, tôi biết rằng đã đến hồi kết cuộc.

Nhưng chúng tôi chưa xây được dãy nhà nào trên miếng đất ở West Virginia. Nếu tôi đi ra khỏi chùa luôn, tôi sẽ không có nơi nào để tá túc. Tôi cần ở lại chùa Washington ít nhất cho đến khi chúng tôi có được một chỗ tạm trú ở địa điểm mới.

Cuối cùng, tôi đã phải chịu đựng ở lại đó hơn ba năm nữa, nhưng không phải dễ dàng gì. Chúng tôi tiếp tục gây quỹ cho hội Bhavana, riêng biệt với chùa Washington. Điều đó thường tạo ra một không khí căng thẳng, đầy sân hận.

Cuối cùng ban giám đốc cho tôi ba lựa chọn. Tôi có thể rút khỏi chức chủ tịch của chùa Phật giáo Washington. Tôi có thể rút tên ra khỏi ban chấp hành của hội Bhavana hay là tôi phải để cho hội Bhavana sát nhập với chùa.

Tôi cho họ câu trả lời ngay lập tức: "Tôi sẽ rút lui khỏi chùa,” tôi nói. Tôi có thể thấy từ vẻ kinh hoàng trên gương mặt họ rằng họ chẳng bao giờ nghĩ là tôi có thể ra đi. Tôi đã ở đó hai mươi năm, trong khi nhiệm vụ của tôi dự tính chỉ là năm năm. Tôi là người đã chọn tất cả họ vào ban chấp hành. Có lẽ họ nghĩ rằng tôi quá bám víu vào địa vị của mình, đến nỗi tôi không thể nào ra đi.

Thật ra đó là một sự lựa chọn đơn giản. Nếu họ đã có can đảm yêu cầu tôi rút lui, thì tại sao tôi phải ở lại đó? Hơn nữa tôi rất phấn khởi nghĩ tới việc tôi có thể đến sống ở Làng Pháp (Dhamma Village), dầu chúng tôi chỉ mới làm được cái khung của dãy nhà đầu tiên.

Ngay sau đó, tôi gửi thư từ chức đến vị hội trưởng của phái Amarapura Nikaya ở Tích Lan. Tôi yêu cầu ông cho phép đại đức Maharagama Dhammasiri, một vị khách tăng ở chùa, thay thế tôi. Thư trả lời đồng ý. Vì thế tôi giúp đại đức Maharagama Dhammasiri xin visa thường trú. Vị sư này đã nhận được thẻ xanh ở Mỹ vào ngày 26 tháng 5, 1988.

Ngày hôm sau, tôi trao cho đại đức Dhammasiri xâu chìa khóa của tôi, có tất cả các chìa khóa trong chùa. Tôi báo với sư tài khoản chùa ở ngân hàng nào và còn có bao nhiêu tiền trong đó. Tôi cũng chỉ cho sư nơi cất giữ tất cả những giấy tờ quan trọng của chùa.

Rồi tôi lên xe, một mình, và lái đi.

Tôi không cảm thấy gì ngoài cảm giác được giải thoát, một sự giải thoát mạnh mẽ, tràn đầy.