Chương
19. Nghĩa vụ lao khổ
Tôi đến
New York với chỉ một hướng dẫn - địa chỉ và điện thoại của một ngôi chùa Trung
Hoa ở Bronx, mà nhiều năm trước đó ở Malaysia, một vị sư đã cho tôi, và mời tôi
đến thăm họ nếu có bao giờ tôi đến Mỹ.
Tôi lang thang quanh phi trường
Kennedy cho đến khi tôi thấy một máy điện thoại công cộng.
Tôi bước đến, cầm ống nghe lên
và quay con số chùa trên tấm danh thiếp. Tôi thấy lỗ bỏ tiền xu trên điện thoại
nhưng lúc đó tôi không biết đó là gì. Mà nếu như có biết, tôi cũng chưa có đồng
xu Mỹ nào, chỉ có tiền giấy.
Trong suốt ít nhất cũng là bốn
mươi lăm phút, tôi quay đi, quay lại số điện thoại mà cũng chẳng được gì. Tôi
không hiểu tại sao lại không có gì xảy ra. Và tôi cũng không thể hiểu lời hướng
dẫn đã ghi âm sẵn trong máy bảo tôi phải bỏ mười xu vào.
Cuối cùng tôi bỏ cuộc. Tôi thấy
một phụ nữ trẻ ngồi ở một nơi giống như bàn hướng dẫn. Tôi tiến đến và cố gắng
phát âm tiếng Anh với hết khả năng của mình, để hỏi cô cách sử dụng điện thoại.
Cô ta không trả lời. Cô chỉ trố
mắt nhìn tôi. Tôi lặp lại câu hỏi của mình. Cô ta nhìn tôi như thể bị hớp hồn.
Tôi nghĩ có thể cô ta không hiểu tôi. Hay cách tôi phát âm tiếng Anh quá nặng.
Rồi tôi chợt hiểu ra: Cô gái trẻ
này chưa bao giờ thấy ai giống như tôi. Một người đàn ông nhỏ thó với cái đầu
trọc, mình lại quấn y vàng. Có thể cô ta đã nghĩ tôi là một loại hippy tâm
thần, mặc y phục của người Ấn Độ -dầu gì đây cũng là thời kỳ của những năm sáu
mươi.
Chán nản, tôi quay đi, kéo lê
hai chiếc va-li nặng nề của mình. Tôi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Cho tới lúc
này, tôi đã lang thang trong phi trường ít nhất là một giờ. Trong tuyệt vọng,
tôi bắt đầu hỏi bất cứ ai đi ngang thử xem họ có biết đường đến chùa Trung Hoa
ở Bronx. Tôi chặn bất cứ ai lại, tất cả mọi
người.
Dĩ nhiên, sau này tôi mới biết,
đó là điều mà bạn không nên làm ở Queens.
Người ta nhìn tôi như thể tôi điên.
Hoặc họ chỉ phớt lờ tôi, lướt qua mà chẳng để ý đến câu hỏi của tôi.
Cuối cùng, có người cảm thấy tội
nghiệp cho tôi. Ông ta bảo tôi ra cửa phi trường, lấy taxi về Bronx.
Tôi làm theo lời ông, rồi chẳng
bao lâu sau tôi đứng đợi trong một hàng dài với các hành khách khác, ở trạm
taxi. Khi đến phiên tôi, vì lý do gì đó, người tài xế taxi từ chối không chở
tôi. Chiếc kế tiếp và kế tiếp nữa cũng vậy. Không ai muốn chở tôi.
Tôi hoàn toàn bối rối. Vẻ bề
ngoài của tôi đáng sợ đến thế sao? Tôi có thể nói tiếng Anh, tôi cũng có tiền
để trả họ mà. Nhưng không ai muốn chở tôi.
Cuối cùng, một bác tài đồng ý
cho tôi lên xe. Ông có vẻ chẳng thích thú gì khi ông vứt hành lý tôi vào thùng
xe. Khi xe vừa tách khỏi lề đường, ông hỏi tôi muốn đi đâu.
“Chùa Phật giáo Trung Hoa ở Bronx,” tôi trả lời.
Bác tài lập tức tấp lại bên
đường và thắng mạnh. Ông ta nhảy ra khỏi xe.
“Ra khỏi xe đi,” ông ra lệnh. “Tôi
không đi Bronx.”
Chán nản và hoang mang, tôi kéo
hành lý trở lại sắp hàng chờ taxi khác. Lần nữa, cũng cảnh chán nản đó tái
diễn: Khi tôi cuối cùng đến được đầu hàng, thì người tài xế này đến người tài
xế khác đều từ chối chở tôi.
Lúc đó trời đã tối và đã khuya
lắm rồi. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Tôi sẽ làm sao qua đêm nếu không có bác tài nào
chịu cho tôi lên xe? Tôi đã tưởng Mỹ là một nơi thân thiện, cởi mở, nhưng giờ ở
đây tôi đã bị đối xử với sự nghi ngờ, thô lỗ.
(Dĩ nhiên, mãi sau này, tôi mới
hiểu rằng đi đến Bronx vào đêm khuya như thế
không an tòan. Cộng thêm với vẻ bề ngoài lạ lùng của tôi, có lẽ đã khiến cho
các bác tài xế taxi phải lo sợ.)
Mãi đến hơn 10 giờ 30 tối, khi
hành khách đã thưa đi, các bác tài mới chịu đi xa một chút, cuối cùng một người
bằng lòng chở tôi đến Bronx. Tôi thật sự hoàn hồn.
Khi đến nơi, chúng tôi thấy chùa
tối đen nhưng khi tôi nhấn chuông, đèn ngoài hiên bật sáng. Tôi tự giới thiệu
mình và sau đó cửa mở, để lộ ra gương mặt của một tu sĩ người Trung hoa. Ông
không nói tiếng Anh, nhưng nhận thấy tôi mặc y áo, nên để tôi vào. Ông mang cho
tôi một ly trà xanh ngút khói và đưa vào một căn phòng ấm áp để ngủ. Cuối cùng
thật là tuyệt vời để có một chỗ ngả lưng.
Sáng hôm sau, sau bữa điểm tâm,
một phụ nữ Mỹ trẻ xuất hiện. Cô có mái tóc đen, cắt ngắn và mang kính gọng
sừng. Cô tự giới thiệu là Martha Sentnor, một Phật Tử ở chùa này.
Khi tôi nói rằng tôi đến Mỹ để
sống ở chùa Phật Giáo Washington,
cô nở rộng nụ cười.
“Tôi là một thành viên của
chùa,” cô nói.” Tôi đã đến đó nhiều lần rồi.”
Tôi kể lại những phiền phức mà
tôi gặp ở phi trường cho cô nghe.
“Ồ, Bhante,” cô nói, dùng thuật
ngữ để gọi một cách thân mật, có nghĩa là thưa đại đức, "đó là chuyện bình
thường trong một thành phố lớn như New
York. Người ta có thể rất bất lịch sự. Sư có thể coi
như may mắn là đã không bị mugged
(trấn lột).”
Cô phải giải thích cho tôi nghe
từ mugged nghĩa là gì.
Những ngày sau đó, Martha tử tế
chở tôi đi quanh thăm các điểm du lịch ở Manhattan:
Tượng nữ thần tự do, tòa Empire
State, cảng Nữu Ước.
Không gian, sự hối hả và tiếng ồn của thành phố choáng ngợp tôi. Tôi chưa bao
giờ kinh nghiệm thứ gì giống như vậy. Tưởng chừng như đây là một thế giới khác
với thế giới của ngôi làng nhỏ bé của tôi ở Henepola.
Một tuần lễ sau, tôi bay từ Nữu
Ước đến Washington,
chặng cuối cùng của cuộc hành trình của tôi. Tôi đặt chân đến phi trường
National vào ngày 26 tháng 9. Có hai người chờ đón tôi ở đó: Đại đức Dickwela
Piyananda và Michael Roehm, một thanh niên Mỹ, Phật tử chùa Phật giáo Washington.
Nơi trú ngụ mới của tôi là một
ngôi nhà bằng gạch, ba tầng đã xuống cấp, nằm trên đường số 16 Tây Bắc. Một bên
chùa là nhà thờ Cơ Đốc Hy Lạp, bên kia là một nhà tư nhân. Cuối đường là tòa
Đại sứ Nga và Canada.
Chùa Phật giáo Washington
là chùa Phật Giáo Nguyên thủy đầu tiên ở Mỹ, do hội Sasanasevaka ở Ceylon thành
lập.
Năm 1965 một tu sĩ trẻ người
Sinhala, tên là đại đức Bope Vinita sang Mỹ để học ở trường Harvard Divinity
nhờ vào học bổng của Quỹ Tài Trợ Á châu. Trong khi sống và học ở Boston, đại đức Vinita
thấy rằng người Mỹ rất thích nghiên cứu về các tôn giáo phương Đông. Đó là
khoảng thời gian của Jack Kerouac, các nhà thơ trường phái Beat, Alan Watts và
Thiền, và Richard Alpert tự là Ram Dass.
Khi đại đức Vinita trở về Ceylon, ông
trình lại điều này với đại sư Madihe Pannasiha Mahanayaka, hội trưởng Hội
Sasanasevaka. Một năm sau đó, năm 1966, Đại sư Pannashiha tự thân hành đến Mỹ,
và đã đi thăm viếng nhiều thành phố. Ông cũng thấy có nhiều người rất thích tìm
hiểu Phật Giáo. Khi trở lại Ceylon,
đại sư thuyết phục Hội quyên tiền để xây chùa ở Mỹ.
Với số tiền $16,500 đô trong
tay, đại đức Vinita trở lại Mỹ vào đầu năm 1967, và tham khảo ý kiến của Oliver
Weerasinghe, Đại sứ của Ceylon ở Mỹ lúc đó.
“Tại sao không xây dựng ngôi
chùa mới đó ngay tại đây ở Washington?”
Weerasinghe đề nghị. Sau đó hai người tìm được một tòa nhà thích hợp trước kia
là tòa đại sứ của Thái, đang cần bán. Trong lúc họ đang thương lượng với chính
phủ Thái để mua ngôi nhà, thì một tu sĩ người Sinhala khác cũng đến Mỹ, đại đức
Dickwela Piyananda. Ông và đại đức Vinita sống chung trong một căn phòng nhỏ bé
trên đường Harvard ở Washington.
Cuộc thương lượng phải mất nhiều
tháng. Cuối cùng khi việc ngã giá bán mua gần hòan tất, chính phủ Thái cho phép
Đại đức Piyananda dọn vào tòa nhà, dầu giấy tờ mua bán chưa ký xong. Đại đức
Vinita ở lại căn phòng thuê.
Ngay khoảng thời gian đó, vào
mùa thu năm 1968 tôi đến.
Ngay buổi tối đầu tiên của tôi ở
chùa, đại đức Piyananda bảo tôi, “Tôi là một người già cả ở đây. Nhưng sư còn
trẻ, đầy nhiệt huyết và có nhiều kinh nghiệm. Nơi này rất nhiều việc, và tôi
muốn sư đảm trách công việc này. Tôi sẽ là người chủ trì ở đây, để cố vấn sư
khi nào sư cần giúp đỡ. Nhưng tôi muốn sư đảm trách các công việc.”
Đại đức Piyananda không già đến
thế, còn chưa đến sáu mươi, nhưng tôi nghĩ ông không quen với công việc chân
tay. Ý nghĩ phải tái tạo lại tòa nhà đã xuống cấp này khiến ông ái ngại. Vì
thế, ông rất mừng được có một tăng sĩ trẻ đến góp tay.
Vì thế tôi bắt đầu làm việc một
mình. (Đại đức Vinita đã trở lại Ceylon ngay khi tôi vừa đến Mỹ).
Tòa nhà rộng mênh mông: Tám
phòng ngủ, bốn nhà tắm, một tầng hầm và một căn gác. Tòa đại sứ Thái đã chứa
các sinh viên đại học ở đó, mà những sinh viên này có thể đã không nương tay
với tòa nhà. Các cửa sổ, cửa ra vào đều hỏng. Nhiều phòng, giấy dán tường loang
lổ. Trần nhà của căn hầm vôi vữa ra. Nhiều cửa không có khóa. Mái nhà cũng
xuống cấp. Vườn tuợc thì giống như một khu rừng rậm.
Máy nước nóng bị nhiễu, toilet
cũng vậy. Trong một phòng tắm, vòi sen tắm giống như chỉ được gắn đại vào. Khi
vặn vòi, nước sẽ chĩa lên trần nhà, vì thế chúng tôi đã gắn một miếng kiếng
trên đó để nước dội trở lại. Để tắm được bằng vòi sen, nếu bạn có thể gọi như
thế, tôi phải ngồi dưới vòi nước chảy ngược lại đó.
Nói đến việc tu sửa, tôi cũng
không biết tôi đang làm gì? Tôi không có kinh nghiệm xây dựng gì cả, vì thế tôi
đi đến một tiệm bán đồ gia dụng gần nhất, cách chùa khoảng một dặm và bắt đầu
bằng nhiều câu hỏi. Đối với những công trình tu sửa lớn, tôi phải đợi đến khi
có đủ tiền cúng dường để trả cho vật liệu xây dựng. Sau đó, tôi phải khiêng vác
bất cứ vật liệu nào tôi mua, kể cả gỗ.
Sau một thời gian tôi được một
vài người Thái đến chùa giúp đỡ. Rồi dần dần, một số gia đình người Burma, Việt Nam cũng đến góp tay. Chúng tôi đập
tường ở tầng dưới ra, ghép mấy phòng nhỏ thành một phòng lớn, dùng làm chánh
điện. Rồi chúng tôi bắt tay vào sửa sang phòng ngủ để có thể ở được.
Tôi đóng đinh, mài dũa, dựng
cột, thọc các ống thông hơi -làm tất cả mà không đeo mặt nạ. Tôi nghĩ tất cả
những bụi bặm và mảnh vụn mà tôi hít thở trong những tháng ngày này đã khiến
tôi phát sinh bịnh dị ứng, mà vẫn còn cho đến ngày nay.
Tôi cũng phụ trách luôn các việc
thường nhật ở chùa –đi chợ, dọn dẹp, cắt cỏ, công việc văn phòng, thâu tiền
cúng dường, và dạy các lớp giáo lý. Để kêu gọi thêm nhiều thành viên, tôi đã
quyết định in một tờ tin hàng tháng. Tôi làm báo trên một máy in quay bằng tay.
Số đầu tiên rất đơn giản: tôi viết về hành trình đến Washington của tôi và công việc trùng tu sửa
Chùa. Tôi cũng kêu gọi sự hỗ trợ về tài chánh để trả nợ tiền mua lại tòa nhà.
Phần lớn thời gian, tôi mệt
nhoài. Ngày của tôi bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, với những công việc
không dừng dứt. Và nếu có khách đến thăm Chùa, tôi phải bỏ tất cả công việc
đang làm để tiếp họ.
Dĩ nhiên vì đang ở Mỹ, chúng tôi
không thể đi khất thực. Khất thực ở cửa nhà người có thể khiến chúng tôi phải
đi tù. Một vài gia đình là đệ tử chùa mang đồ ăn đến như là một hành động của dana, hay cúng dường, nhưng việc đó
chắc chắn không thể xảy ra mỗi ngày. Vì thế tôi phải tự học nấu ăn.
Là một tăng sĩ ở Á châu, tôi
luôn được phục vụ. Chưa bao giờ tôi nghĩ là khi đến Mỹ tôi phải lao động chân
tay, làm đầu bếp, thợ sửa nhà.
Thú thật, tôi khá muộn phiền.
Nhưng dĩ nhiên là tôi không thể
quay về, trở lại Á châu. Không có nơi nào để trở về, và tôi đã dự định là ở lại
Mỹ luôn. May mắn thay, sự vận động tay chân và các nỗ lực trong việc sửa chữa
chùa đã giúp tôi thật sự “giải tỏa” sự sân hận của mình.
Dần dần, tôi bắt đầu yêu thích
công việc mình làm. Học được nhiều kỹ năng cũng thú. Và cuối cùng tôi nhận ra
rằng sân hận không có gì hơn là một sự lãng phí năng lượng – năng lượng mà tôi
rất cần để dán giấy lên tường!
Tuần thứ 3 của tháng mười, chưa
đầy một tháng sau khi tôi đến, Sư Piyananda về Ceylon nghỉ phép hai tháng. Giờ thì
tôi thật sự quản lý, và tôi chỉ có một mình.
Vào một ngày cuối tháng 10
khoảng giờ ăn tối, chuông cửa vang lên.
Tôi mở cửa trước ra và thấy một
đám trẻ đứng ở đó, mang những mặt nạ dễ sợ. Những chú quỷ nhỏ, ma cà-rong, và
phù thủy đang trố mắt nhìn tôi. Đây có thể là một trong những “kẻ cướp” mà
Martha Sentnor đã nói với tôi chăng?
"Các cháu là ai?” tôi hỏi
một cách lo lắng.
“ TRICK OR TREAT!”, lũ trẻ la
lên.
“Xin lỗi?” tôi hỏi. Tôi hoàn
toàn không hiểu tại sao lũ trẻ la hét với tôi.
Một trong những đứa lớn, tròn
mắt lên giải thích là chúng muốn kẹo. Nếu tôi không cho chúng, chúng sẽ liệng
trứng vào nhà chúng tôi.
Tôi vẫn không hiểu, nhưng tôi
nghĩ tốt hơn hết là làm vừa lòng những đứa trẻ này. Tôi vào nhà bếp và tìm thấy
một vài hộp bánh do các đệ tử Chùa để lại. Tôi trở ra cửa trước, chia cho mỗi
đứa trẻ một cái bánh. Tôi thở phào, khi đám trẻ nhận bánh rồi chạy đi.
Vài phút sau đó, chuông cửa lại
vang lên. Tôi không thể tin được: Lại thêm nhiều đứa trẻ nữa, lại đòi kẹo! Lần
nữa tôi lại mang bánh ra cho chúng.
Cứ như thế suốt buổi tối. Ngày
hôm sau tôi kể chuyện lại với một thành viên người Mỹ của Chùa. Tôi nghĩ ông sẽ
không tin câu chuyện khó tưởng tượng của tôi. Nhưng ông ngồi xuống và giải
thích với tôi về lễ Halloween. Chúng tôi được một bữa cười no bụng. (ND: Lễ
Halloween của Mỹ rơi vào ngày cuối tháng 10, khi trẻ con hóa trang đi từ nhà để
xin kẹo bánh).
Tháng
12, vào ngày sinh nhật thứ 41 của tôi, việc mua tòa nhà cuối cùng đã kết thúc.
Ngôi chùa Phật giáo Washington,
với giá bán là $33,000, chính thức thuộc về chúng tôi.