Chương
12. Giữa những người hạ tiện
Mặc dầu
tôi rất thích sống ở ngôi chùa trên đồi ở Sanchi, nhưng mà hình như lúc nào
cũng có vấn đề, những vấn đề khá nghiêm trọng, khiến tôi dần dần bắt đầu nghĩ
đến việc rời bỏ nơi này.
Một buổi tối, người đầu bếp của
chúng tôi, Anuruddha, đến gặp tôi và nói, “Đại đức Gunaratana, tôi đã hỏi mượn
sư Pannatissa số tiền hai mươi lăm rupee. Sư bảo rằng không có tiền, vì đại đức
chưa trả tiền cơm tháng rồi.”
Tôi kinh hoàng. Mỗi tháng khi
nhận được bảy mươi lăm rupee tiền chi tiêu từ hội Mahabodhi, việc đầu tiên tôi
làm là trả ngay cho đại đức Pannatissa bốn mươi rupee tiền ăn uống. Tiếc thay
tôi chẳng bao giờ đòi hỏi biên lai. Đối với giới luật của người tu, đó là một
sự sỉ nhục. Chúng tôi phải tin lời nói của nhau, vậy mà giờ đại đức Pannatissa
đã không ngại ngùng nói dối với người đầu bếp.
Chiều hôm đó, vào giờ trà ẩm,
đại đức Pannatissa và tôi gặp nhau ở nhà bếp, như lệ thường. Tôi ngồi kế bên
ông trên một ghế đẩu thấp, và Anuruddha ngồi trên sàn nhà, cách chúng tôi không
xa, đang chuẩn bị trà. Tôi quay qua đại đức Pannatissa.
“Thưa, có đúng là sư đã bảo với
Anuruddha rằng con chưa trả tiền ăn tháng rồi không? Sư biết rằng con đã trả
rồi mà. Tại sao sư lại làm cho anh ta nghĩ rằng con không chân thật? Ngay nếu
như con chưa trả cho sư, sư cũng nên nói với con trước. Chúng ta là những tỳ
kheo duy nhất ở nơi này. Chúng ta có thể trao đổi với nhau bất cứ chuyện gì,
như là những người bạn.”
Đại đức Pannatissa mặt đỏ như
trái gấc. Ông đứng dậy, đá cái ghế tôi đang ngồi và vùng vằng đi ra khỏi phòng.
Tôi cũng có vấn đề với một trong
những người cảnh sát Ấn Độ làm bảo vệ ở chùa. Một lần nọ, tôi đang tiếp một vài
vị khách trong chánh điện, thì nhớ ra tôi cần phải lấy ít đồ nơi khu nội điện.
Tôi bước vào phòng mình và thấy người cảnh sát đang lui cui nơi hộc tủ chúng
tôi cất tiền bán sách trong tiệm sách nhỏ của chúng tôi.
Ngay khi người cảnh sát vừa thấy
tôi, ông vội rút tay ra khỏi tủ, trong tay còn nắm đầy tiền! Thật sự mà nói tôi
cảm thấy xấu hổ cho ông hơn là giận dữ. Tôi không biết phải làm gì hay nói gì,
vì thế tôi vội vã quay ra khỏi phòng.
Ngay khi các vị khách vãng lai
rời chùa, tôi gửi giấy nhắn cho viên thanh tra cảnh sát ở trong làng dưới đồi,
mời ông đến gặp tôi.
Chỉ một tiếng sau, ông ta đã có
mặt. Tôi kể cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra và yêu cầu ông thuyên chuyển viên
cảnh sát đi nơi khác.
Sau khi vị thanh tra cảnh sát ra
về, người cảnh sát tội lỗi vào, quỳ xuống chân tôi khóc, ông xin tôi tha thứ
cho ông.
“Anh đến đây để bảo vệ chúng
tôi,” tôi nói. “Vậy mà tôi lại thấy anh ăn cắp tiền bán sách của chúng tôi. Tại
sao anh lại làm một việc dại khờ như thế?”
Ngày hôm sau, vị tổng thanh tra
cảnh sát ở tận Bhopal
cũng đến. Ông hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra và tôi thưa chuyện lại với ông. Ông
rất giận, nói rằng ông sẽ đuổi viên cảnh sát kia.
“Xin ông đừng làm như thế,” tôi
nói. “Anh ta là một người nghèo, có đông con cái phải chăm lo. Xin ông đừng
đuổi anh ta; chỉ chuyển nhiệm sở đi chỗ nào khác. Tôi không muốn thấy anh ta ở
đây nữa.”
Đó là những vấn đề khiến tôi suy
nghĩ đến việc rời bỏ Sanchi.
Ngoài ra còn một yếu tố khiến
tôi muốn ra đi là việc tôi rất nôn nóng muốn đi học lại, nên khi một vị giáo sư
ở Đại học Benares Hindi đến viếng thăm Sanchi, tôi cảm thấy cơ hội của mình đã
đến. Đại đức tiến sĩ Hammalawa Saddhatissa dạy tiếng Pali ở trường đại học đó
và đã viết nhiều cuốn sách về Phật pháp bằng tiếng Ấn Độ, Sinhala và tiếng Anh.
Năm 1956, tôi được nghe một bài thuyết pháp rất đặc sắc của ông về ngày Phật
đản sinh. Cá tính ôn hoà và trình độ hiểu biết Phật pháp sâu sắc của ông đã gây
ấn tượng sâu đậm đối với tôi. Tôi nhìn ông và thấy rằng đó chính là hình ảnh
tôi hy vọng sẽ trở thành trong vài năm tới.
Khi đại đức Saddhatissa đến
viếng Sanchi, tôi đã nhờ ông giúp đỡ. Tôi thưa với ông rằng tôi đã học tiếng
Anh một thời gian, nhưng rất khó tìm được những người thầy giỏi.
“Để tôi gửi cho sư một đơn nhập
học ở trường đại học,” ông nói.
Tôi thật sung sướng. Trong khi
chờ đợi, tôi nghĩ là mình cần phải chuẩn bị, vì tôi đã bỏ học một thời gian.
Tôi quyết định viếng thăm một trường đại học cộng đồng nhỏ cách Sanchi khoảng
một phần tư dặm để tìm một gia sư. Bằng cách ăn uống tiện tặn, tôi để dành được
một phần tiền hàng tháng của tôi, do đó tôi có thể trả tiền thuê gia sư.
Vị hiệu trưởng của trường đại
học cộng đồng đồng ý kèm tôi học. Nhưng sau một vài buổi ông bắt đầu chấp vấn
động lực khiến tôi muốn học tiếng Anh. Một ngày kia, ông vụt nói, “Sư là người
tu, tại sao sư muốn học tiếng Anh?”
Giọng ông đầy vẻ mỉa mai, chê
trách, như muốn nói rằng, “Sư nghĩ sư là ai -một Bà La Môn giai cấp thượng lưu
muốn có bằng đại học?” Tôi đoán biết ông nghĩ rằng tôi không có việc gì phải
nghĩ đến chuyện học hành thành đạt.
“Tôi không phải là một trong
những người ăn xin Ấn Độ lõa thể, đi lang thang cùng khắp với khuôn mặt trát
đầy than tro, xướng tụng tên các vị thần thánh Ấn Độ!” tôi trả lời. “Tôi là một
tu sĩ Phật giáo, và tu sĩ Phật giáo có thể học bất cứ môn gì mà họ muốn. Tôi
còn là thầy truyền giáo, vì thế tôi cần phải học tiếng Anh để dạy Phật pháp ở
những xứ sở khác. Dầu ông có muốn dạy cho tôi nữa hay không, tôi vẫn tiếp tục
học.”
Chiều hôm đó, vị hiệu trưởng và
phó hiệu trưởng đến chùa ở Sanchi. Tôi pha trà cho họ, và chúng tôi ngồi xuống
nói chuyện. Vị hiệu trưởng xin lỗi đã chỉ trích tôi sáng nay. Ông nói rằng từ
nay tôi có thể được kèm học miễn phí.
Cuộc thi tuyển sinh vào đại học
bắt đầu vào tháng 3, 1956. Tôi rời bỏ nhiệm sở ở Sanchi vào tháng hai và đi đến
Benares lần đầu tiên.
Benares đã là
và vẫn là một trong những thành phố đông dân cư nhất của Ấn Độ. Nó cũng là một
trong những nơi thiêng liêng nhất. Rất nhiều người Ấn Độ trong những năm cuối
đời họ đã đến Benares, sống ven bờ tây của
dòng sông Gange huyền bí. Họ tắm trong dòng sông, rồi uống nước sông đó, dầu nó
rất dơ bẩn. Họ tin rằng nếu họ chết ở đây, mặt hướng về phương đông, họ sẽ đi
thẳng lên thiên đàng.
Dọc theo bờ sông Gange là những
lò hoả táng ngoài trời gọi là ghat, nơi
người ta thiêu người chết. Đó là một quá trình thô sơ, không giống chút nào với
việc hoả táng tân tiến. Trước hết, người chết được đặt trên một vài thanh củi
trên một lò bằng sắt. Những miếng phân bò khô, giống như những miếng bánh tráng
nâu, được đặt thẳng ngay lên thân người chết. Ghee (bơ tinh chất) được đổ lên
người và củi, rồi đốt lửa, công việc này thường do người con trai trưởng của
người chết thực hiện. Khi tử thi đã bị thiêu huỷ gần hết và lửa đã tắt, tro và
những gì còn lại được thải xuống sông.
Phần còn lại của Benares thì bụi bặm và ồn ào. Những con đường hẹp đầy ổ
gà thì đông nghẹt với những chiếc xe đạp, xe máy, xe buýt, xe tải, xe hai bánh
và xe ba bánh không mui. Bên đường, thiên hạ ngồi ngoài trời để đi vệ sinh. Các
vị thực hành tôn giáo kỳ bí, những người mà người Ấn cho là các vị thánh, lõa
thể lăn lộn trong bụi cát, ca tụng tên của thượng đế. Ăn xin, gồm người già và
trẻ em, đi đầy đường với những bàn tay chìa ra.
Những con chó hoang, dơ dáy, rụi
lông chạy rong ngoài đường, mấy con bò cũng thế. Vì người Ấn Độ coi bò là
thánh, nó được tự do đi nghênh ngang khắp đường phố. Đôi khi các chú bò này đi
thẳng đến các hàng bán rau quả để gặm rau cải và trái cây. Chó, ngược lại,
không được để ý hoặc bị đá ra khỏi đường.
Ngay khi vừa đến Benares, tôi bắt đầu đi tìm chỗ trọ ở gần trường đại học.
May mắn thay, khi đang đi trên campus (khuôn viên trường đại học), tôi gặp được
một vị sư. Ông bảo tôi có thể đến ở chung dầu rằng chúng tôi vừa mới gặp nhau.
Tình cờ ông cũng có cùng tên lót như tôi: Gunaratana. Ông cũng có một thứ mà
tôi coi là rất quý giá: đó là một quyển sách giáo khoa tiếng Pali. Biết bao
ngày chúng tôi đã cùng nghiền ngẫm quyển sách đó với nhau. Tôi không thể tin
được sự may mắn của mình.
Rồi chỉ hai ngày trước khi cuộc
thi tuyển sinh bắt đầu, vị huynh đệ kia bỗng tuyên bố rằng ông sẽ dời đến ở chỗ
khác. Duyên ở chung với nhau thật ngắn ngủi, tôi không còn chỗ nào để đi. Quá
tuyệt vọng tôi đến văn phòng của hội Mahabodhi ở Benares
cầu cứu. Vị sư ở đó ân cần tìm cho tôi phòng ở một chùa của người Burma gần
trường. Từ chùa, chỉ đi bộ một đoạn ngắn là đến phòng thi.
Tôi phải thi nhiều môn: tiếng Ấn
Độ, Sanskrit, Pali, lịch sử Ấn Độ và Ấn Độ Giáo. May mắn thay tôi đã có học về
Ấn Độ Giáo trong thời gian theo học ở trường Phật học Vidyalankara.
Mỗi môn thi vào một ngày khác
nhau. Một ngày trước ngày thi, tôi tìm gặp người bạn Gunaratana để hỏi mượn
quyển sách Pali của ông trong vài tiếng đồng hồ.
“Sư có biết về ngũ giới không?”
ông hỏi. "Bát giới? Thập giới? Sư cần biết có vậy, vì họ cũng sẽ chỉ hỏi
có vậy. Hơn nữa, tôi cũng đã mất quyển sách Pali đó rồi."
Chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ
thi, tôi rất cần quyển sách đó, nên tôi đến tìm Đại Đức Sadhatissa, nhờ ông
giúp đỡ. Ông đưa cho tôi một quyển sách Pali, và nói, “Tuần rồi tôi cũng đưa
copy của quyển sách này cho một vị cũng tên Gunaratana. Lý ra sư có thể hỏi
mượn người đó trong vài giờ."
Suốt đêm tôi cắm cúi học quyển
sách Pali đó. Sáng hôm sau, khi bước vào phòng thi, vị giám khảo bảo chúng tôi
phải để tất cả các xách tay trên bàn ngoài hành lang. Khi tôi sắp trở lui ra
cửa, Gunaratana dúi túi xách của ông vào tay tôi, nhờ tôi đặt nó lên bàn với
các túi xách khác.
Dĩ nhiên, ngay khi vừa ra đến
hành lang, tôi lén nhìn vào túi xách của Gunaratana. Đúng như tôi đã nghi ngờ,
trong đó có quyển sách Pali mà ông đã nói rằng ông không có. Đó không phải là
lần đầu tiên hay là lần cuối cùng mà tôi khám phá ra một huynh đệ đã phạm giới.
Nó khiến tôi rất buồn, vì người tu sĩ lý ra phải làm gương cho hàng cư sĩ.
Người cư sĩ đã hết lòng tin tưởng chúng ta. Chúng ta đã truyền giới cho họ,
nhưng nếu chính bản thân chúng ta không tuân theo các giới luật này, thì chúng
ta là những người đạo đức giả.
Dầu chỉ có một vị tu sĩ bị bắt
gặp nói dối, điều đó cũng ảnh hưởng đến lòng tin của họ đối với tăng đoàn.
Người ta bắt đầu kết tội chung rằng có thể tất cả các tu sĩ đều nói dối. Vì thế
các vị tu sĩ chân chính phải cố gắng hơn nữa để có được lòng tin và sự tôn kính
của người khác.
Tôi cảm thấy buồn bất cứ khi nào
tôi thấy ai nói dối, vì tôi biết rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu tới đâu.
Tôi biết điều đó bằng kinh nghiệm bản thân của mình. Hồi còn nhỏ khi tôi nói
dối, tôi phải làm bất cứ điều gì để che đậy sự giả dối đó. Tôi nói dối điều này
để che giấu điều khác, rồi lại dối nữa để che đậy lời nói dối sau cùng. Dần
dần, tôi chìm đắm trong sự gian dối và cảm thấy tội lỗi vô cùng. Phải một thời
gian dài, có lẽ cho đến sau khi tôi đã thọ đại giới, tôi mới nhận ra mình đã
sống giả dối như thế nào và đã phải đau khổ biết bao nhiêu khi sống trong giả
dối. Cuối cùng tôi mới hiểu lời Phật dạy về sự giả dối, trong kinh Pháp Cú:
“Người nói dối đã phạm luật (của sự chân thật), người ấy từ đó phải chịu sự quở
trách, và không có điều xấu gì mà họ không thể làm.”
Cuối năm đó, lần đầu tiên tôi
tiếp xúc với một nhóm người mà sau này trở thành một phần quan trọng trong công
việc truyền giáo của tôi: những người hạ tiện. Nhóm người này ở tận cùng của
chế độ phân chia giai cấp khắt khe trong xã hội Ấn Độ.
Chế độ phân chia giai cấp cũng
lâu đời như là Ấn Độ giáo, đã hơn ba ngàn năm, và vẫn còn bền vững. Người theo
Ấn Độ giáo tin rằng một người được sanh vào một giai cấp nào đó, dầu cao hay
thấp, là tuỳ theo ý muốn của đấng tạo hoá. Có bốn giai cấp chánh.
Bà La Môn, là giai cấp thượng
đẳng, được tin là sanh ra từ miệng của đấng Brahma. Bổn phận của họ là phải học
kinh Vệ đà (Kinh thánh Ấn Độ giáo), dạy cho các Bà la Môn khác, giảng đạo, hành
các lễ nghi tôn giáo, phục vụ, cố vấn nhà vua cách trị vì xứ sở.
Giai cấp thứ hai, gọi là
Kshatriyas (nghĩa là “những người cai trị”), được cho là sanh ra từ nách của
đấng Brahma. Những người Kshatriyas là các chiến sĩ và các vị vua vì thế họ
được quyền sử dụng vũ khí để củng cố luật lệ và bảo vệ xứ sở.
Giai cấp thứ ba là Vaisyas. Họ
được coi là sanh ra từ bụng của đấng Brahma. Bổn phận của họ là nuôi dưỡng dân
chúng. Do đó họ nắm giữ một số nghề nghiệp khác nhau như là: nông dân, nhà
buôn, người trao đổi hàng hóa. Họ cũng tham gia vào các dịch vụ thương mại như
ngân hàng, chứng khoán, cho vay và kinh doanh.
Giai cấp thứ tư là Sudras, được
tin là sanh ra từ chân của đấng Brahma. Họ làm những công việc thấp hèn như là
giúp việc nhà cho các giai cấp cao hơn hoặc lượm lặt đồng nát hay những thứ có
thể tái chế.
Người Hạ tiện thì còn dưới cả
giai cấp Sudras rất nhiều đến nỗi họ không được coi là có một giai cấp. Họ buộc
phải làm những công việc tay chân rất gớm ghiếc như là: dọn dẹp ống cống, kéo
rác, dọn dẹp xác súc vật chết ngoài đường và nhặt phân bò để làm nhiên liệu.
Khi tôi ở Ấn Độ, giai cấp hạ tiện không được quyền đi học, hay đi xem phim,
hoặc đến tiệm ăn, vào công viên, vì họ có thể làm 'lây nhiễm' cho những người ở
giai cấp cao hơn. Khi đi ra đường, họ bị buộc phải mang một cái chuông quanh
cổ, để cho người khác có thể nghe họ đến gần mà tránh xa đi. Những người hạ
tiện này không được phép uống nước ở các giếng nước công cộng; nước uống của họ
phải lấy từ các cống rãnh ngoài trời.
Khi người Anh cai trị Ấn Độ, họ
ra các luật chống lại sự phân biệt dựa trên giai cấp này. Năm 1947, hiến pháp
mới ở Ấn Độ đã chính thức xoá bỏ chế độ phân chia giai cấp, dầu vậy nó vẫn còn
tồn tại cho đến ngày nay. Ý tưởng phân chia giai cấp đã quá ăn sâu trong tín
ngưỡng của Ấn Độ giáo, lại được các giai cấp thượng lưu ủng hộ, nên gần như
không thể nào xoá bỏ được. Hôn nhân giữa các giai cấp gần như không hiện hữu,
và các nhà chính trị thường lợi dụng sự phân chia giai cấp để làm lợi cho mình.
Điều đó rất giống như sự phân
chia màu da mà tôi đã thấy ở Mỹ, dầu không được chấp nhận một cách chính thức,
nhưng mà nó vẫn hiện hữu một cách vi tế và rất khó biết để xử phạt.
Đức Phật đã phản đối việc phân
chia giai cấp một cách quyết liệt như ta đã thấy rõ trong kinh Pháp Cú:
Không phải vì màu tóc, không
phải vì gia tộc, không phải vì sinh ra ở đâu mà người ta trở thành người thánh
thiện. Nhưng người có lòng tin và chân thật, người ấy trong sạch, người ấy là
người thánh thiện. Màu tóc của ngươi thì có nghĩa lý gì, hỡi những kẻ vô minh?
Quần áo sang trọng của ngươi che giấu được điều gì? Trong tâm ngươi tán loạn;
thì ngươi chỉ làm sạch được ở phía bên ngoài.
Ta không gọi một người là thánh
thiện bởi vì dòng tộc hay bởi vì mẹ họ quyền quí. Nếu người ấy đầy các chướng
ngại, bám víu, thì người ấy chỉ là một người cao ngạo. Nhưng nếu người ấy được
giải thoát khỏi chướng ngại, bám víu, thì ta gọi đó là người thánh thiện.
Và trong kinh Vasala thuộc tạng
kinh Khuddaka, Đức Phật giảng về một định nghĩa chính xác của một người không
được xã hội chấp nhận, hay người đã bị loại ra khỏi chế độ phân chia giai cấp:
"Không phải do sinh ra ở đâu mà
người đó bị ruồng bỏ. Không phải do sinh ra ở đâu mà người đó là một Bà La Môn.
Nhưng do hành động khiến họ bị ruồng bỏ. Do hành động khiến họ là một Bà La
Môn.”
Nói một cách khác, một Bà La Môn
có thể trở thành một kẻ hạ tiện và một người hạ tiện có thể trở thành một Bà La
Môn, tuỳ thuộc vào hành động và sự bám víu của họ. Không phải vì do ai sanh ra
mà có thể quyết định được số phận của chúng ta, đó là do những gì chúng ta đã
làm trong cuộc đời. Đây là một trong những quan điểm căn bản mà người Phật tử
có cái nhìn khác với người Ấn Độ giáo.
Khi tôi ở Ấn Độ vào khoảng những
năm 1950, có tám mươi triệu người thuộc giai cấp hạ tiện. Tháng 10 năm 1956,
bác sĩ Bhimarao Ambedka, vị lãnh đạo xuất sắc của phong trào đòi thay đổi cuộc
sống của người hạ tiện, đã cải đạo thành Phật giáo, một tôn giáo mà ông đã khám
phá, oái ăm thay, trong thời gian học tại Anh. Đối với Ambedkar, Phật giáo là
con đường của lòng bi mẫn, là lối thoát ra khỏi hệ thống phân chia giai cấp khắc
nghiệt mà Ấn Độ giáo ủng hộ.
Đối với những người hạ tiện, câu
chuyện đời của bác sĩ Ambedkar là một nguồn cảm hứng tuyệt vời. Khi còn là một
cậu bé, ông lắng nghe các bài giảng bên ngoài các lớp học mà ông bị cấm không
được vào vì giai cấp của mình. Một ngày kia, khi không có ai trong lớp có thể
giải một bài toán, người thầy giáo đã gọi Ambedkar vào lớp để thử giải trên
bảng. Ông đã giải được bài toán, nhưng những đứa trẻ khác sau đó đều vứt túi
đựng đồ ăn trưa của chúng vào sọt rác vì đã có bóng của ông in lên khi đi ngang
qua chúng.
Được cha khuyến khích, Ambedkar
tiếp tục học hành. Những năm học trung học, ông phải ngồi bên ngoài để dự các
kỳ thi. Nhưng điểm thi của ông rất cao đến nỗi vị thống đốc của bang cũng chú ý
đến người thanh niên trẻ này, và giúp đỡ để ông được sang học tại New York, rồi sau này là London. Ở đó, trong một thế giới không có sự
phân chia giai cấp, tài năng của Ambedkar đã nở rộ. Ông có bằng về luật và hai
bằng tiến sĩ về triết và kinh tế.
Tuy nhiên, lần đầu tiên khi ông
bước vào tòa án Ấn Độ với tư cách là một luật sư, thì tất cả mọi người trong
phòng -thẩm phán, các vị luật sư khác, bồi thẩm đoàn, và những người dự thính-
đều bỏ ra ngoài. Chế độ phân chia giai cấp vẫn còn rất mạnh mẽ.
Vì thế Ambedkar tham gia chính
trị. Ông dễ dàng được một ghế trong quốc hội vì tất cả những người hạ tiện ở
bang Maharashtra đều bầu cho ông. Khi Ấn Độ
sẵn sàng để tuyên bố độc lập khỏi sự thống trị của Anh năm 1947, Ambedkar là
chủ tịch của hội đồng phác thảo bản hiến pháp mới của xứ sở này. Trong đó có
những đoạn nói đến sự thống khổ của những người hạ tiện và những người thuộc
giai cấp thấp. Hiến pháp mới đề nghị cho họ học bổng ở các trường dạy nghề,
được ở nhà dành cho người có thu nhập thấp, được giảm thuế và những sự giúp đỡ
khác về kinh tế.
Ambedkar là một người anh hùng
đối với những người hạ tiện. Ông là vị lãnh đạo được họ kính trọng, yêu thương
suốt mười năm, và khi ông cải đạo sang Phật giáo, nửa triệu người hạ tiện cũng
làm theo gương ông. Đáng tiếc, hai tháng sau đó ông đã ra đi, vào tháng 12 năm
1956.
Vì tôi nói tiếng Ấn Độ giỏi, tôi
thường được yêu cầu đi giao tiếp với những người hạ tiện đã cải đạo sang Phật
giáo, nhất là sau khi Ambedkar mất. Tháng 12 năm 1956, không lâu sau khi
Ambedkar mất, một buổi sáng kia, đại đức Pannatissa đến gặp tôi lúc bốn giờ
rưỡi. Đi cùng với ông có hai người nghèo khổ, áo quần tả tơi. “Đây là những
người hạ tiện,” đại đức Pannatissa bảo với tôi. “Hôm nay tro của Ambedkar sắp
được mang đến Nagpur
để thờ trong nhà tưởng niệm. Và hàng ngàn người hạ tiện đang chờ đợi ở đó để
được quy y. Họ cần một vị tu sĩ để truyền năm giới và quy y tam bảo cho họ. Sư
có thể đi không?"
“Thưa vâng, dĩ nhiên là được
rồi.” tôi đáp, không một chút do dự.
Cuộc hành trình bằng xe lửa mất
gần một ngày. Chúng tôi đến Nagpur
vào khoảng ba giờ chiều. Rồi chúng tôi lại lấy xe buýt đi khoảng sáu mươi dặm
nữa đến Amarawati, mất thêm năm tiếng nữa.
Khi chúng tôi đến Amarawati, tôi
thật kinh hoàng khi nhìn thấy hàng ngàn người tụ tập trên một cánh đồng trống
cạnh bên những tòa chung cư cao ngất mà chính phủ đã xây dựng cho người hạ
tiện. Người ta ở khắp nơi, hoặc đứng hay ngồi trên mặt đất. Trẻ con, bò, chó,
và gà tự do đi rong khắp nơi.
Ngay khi họ nhìn thấy tôi trong
y áo người tu, một giọng tụng lớn bằng tiếng Marathi nổi lên từ đám đông: “Bhagavan Buddhanca jayaho! ahaparinirvanprapta
parama puyya baba saheb doctor. Ambedkar yanca jayaho!" (Đảnh lễ Đức Thế
Tôn! Đảnh lễ vị giáo sư tiến sĩ Ambedkar, người xứng đáng được kính trọng vô
cùng và đã đạt được giải thoát cuối cùng!).
Âm thanh của một trăm ngàn giọng
nói tán thán Đức Phật và tán thán vị lãnh đạo vừa mất của họ là một âm thanh
rung động tuyệt vời, và gần như làm điếc tai người nghe.
Tôi leo ba bậc thang lên một sàn
gỗ nhỏ, và một người vẫy tay ra hiệu cho đám đông im lặng.
Tôi cầm lấy micro, đọc lời quy y
tam bảo và truyền ngũ giới cho họ bằng tiếng Pali. Đám đông nhiệt tình hưởng
ứng, lặp lại những câu kinh truyền thống sau khi tôi đã xướng chúng. Chưa từng
có bao giờ và cũng chưa từng xảy ra sau này việc tôi đã truyền giới cho một đám
đông người như thế. Thật là phấn khởi. Những giọt nước mắt vui mừng làm cay mắt
tôi.
Sau khi đã xong phần quy y và
truyền giới, tôi được mời thuyết pháp. Vì chuyến đi này quá bất thình lình, tôi
đã không kịp chuẩn bị gì. Dù thế, tôi vẫn cố gắng để thuyết pháp trong ba mươi
phút bằng tiếng Ấn Độ về sự quan trọng của việc quy y và thọ giới, và về việc
trở thành một người Phật tử bằng chính sự tự do lựa chọn của mình. Ngày hôm
sau, bài nói chuyện ngay tại chỗ của tôi được tóm tắt và đăng trong tờ báo hằng
ngày.
Suốt bốn ngày sau đó, tôi luôn
phải giao tiếp với những nhóm người hạ tiện từ khắp nơi trong vùng đó của Ấn
Độ. Người ta đưa tôi đi từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, bắt đầu từ bảy giờ
sáng và đôi khi tiếp tục cho đến thật khuya trong đêm. Những người hạ tiện này
hình như rất đói khát các món ăn tinh thần.
Vào ngày 24 tháng mười hai,
chúng tôi đến Wardha, một thành lũy của Ấn Độ giáo. Đây là lần đầu tiên một
buổi họp ở nơi công cộng dành cho Phật tử được tổ chức ở đây.
Vào lúc mười giờ tối đó tôi đi
ngủ, mệt nhoài vì chương trình liên tục của mấy ngày vừa qua.
Ngay sau khi tôi vừa vào giường,
một người đàn ông chạy vào phòng tôi, đưa cho tôi một lá thư, rồi chạy ra. Lá
thư được viết bằng tiếng Anh. “Đừng dự buổi họp ngày mai,” lá thư cảnh báo,
“nếu không người ta sẽ giết ông.”
Tôi gọi người chủ nhà, và đưa
cho ông xem lá thư. Ông cau mày lo lắng.
“Ai đưa cho sư cái này?” ông
hỏi.
Tôi tả lại người đàn ông đã chạy
vào phòng tôi. Người chủ nhà lắng nghe chăm chú, rồi đi kêu gọi thêm vài người
đàn ông nữa để canh gác phòng tôi suốt đêm.
Tôi cố gắng ngủ. Nhưng khoảng
một tiếng sau, tôi nghe lào xào ở ngoài hành lang.
“Chúng tôi muốn thưa chuyện với
Swamiji,” tôi nghe một vài giọng nói cùng một lúc. Họ dùng cách gọi phổ biến
của người Ấn Độ để bày tỏ lòng cung kính đối với người tu. Nó có nghĩa là “Sư
kính mến.”
"Không được," người
chủ nhà trả lời. "Đại đức đã mệt. Ông ấy đã thuyết pháp không ngừng nghỉ
suốt mấy ngày nay, nên cần được nghỉ ngơi. Không ai được gặp ông tối nay."
Họ phản đối, "Swamiji không
phải chỉ của ông, mà của chúng tôi nữa. Hãy cho chúng tôi gặp đại đức."
"Không! Đại đức đang nghỉ. Hãy
đi đi."
"Chúng tôi sẽ không đi đâu
cho đến lúc được gặp Đại đức."
Cuộc giằng co kéo dài thêm một
lúc nữa, rồi cuối cùng các vị khách cũng đồng ý ra về, khi người chủ nhà hứa sẽ
cho họ được gặp tôi ngày hôm sau.
Người chủ nhà xin lỗi tôi vì sự
náo động vừa xảy ra.
"Swamiji, đây là địa bàn
của người Ấn Độ giáo," ông nói. "Có rất nhiều kẻ cuồng tín về tôn
giáo và chủng tộc ở đây. Họ không thích việc Sư giảng giải Phật Pháp ở đây. Lại
còn việc quá nhiều người Hạ tiện cải đạo sang Phật giáo là quá nguy hiểm. Nếu
ai mời Sư đi dự hội họp ở đâu ngày mai, xin đứng đi. Không an toàn đâu."
Nhưng đã có một buổi hội họp dự
định vào ngày hôm sau lúc 4 giờ chiều, ở một thành phố gọi là Goregaong, cạnh
bên một dự án xây nhà cho người Hạ tiện. Tôi phải làm lễ quy y, truyền giới và
thuyết pháp cho một đám đông khác. Khi lái xe đến đó, chúng tôi đi qua những
đoàn người đang hào hứng tiến về nơi tập họp.
Ở cửa ra vào xảy ra việc lộn xộn
-xô đẩy nhau, chửi bới nhau. Tôi được dặn cứ ở trong xe cho an toàn.
Cuối cùng khi mọi thứ đã trật tự
trở lại, tôi được bảo vệ đưa đến một khán đài vừa dựng tạm lên. Người tổ chức
báo rằng đã có vài kẻ côn đồ muốn xông vào phá cuộc mít-ting. Chúng đòi tôi
phải đi theo chúng mà không được thuyết pháp, rồi ấu đả với những người tổ chức
chương trình khi những người này từ chối giao tôi cho họ. Có một người bị gãy
chân trong cuộc hỗn chiến, còn đồng bọn thì đã tháo chạy.
Sau
này tôi được biết tôi đã thoát được một vụ mưu tính bắt cóc trong gang tấc.