Chương
13. Dưới cây đại Bồ đề
Mùa hè
năm 1956 tôi sốt sắng lên kế hoạch để rời khỏi Sanchi. Dầu rất yêu thích ngôi
chùa này và công tác Phật sự của tôi ở đó, nhưng tôi đã chán ngán cách đối xử
không tốt của đại đức Pannatissa. Tuy nhiên hợp đồng tôi ký ban đầu với hội
Mahabodhi là năm năm, vậy là vẫn còn ba năm nữa.
Một ngày kia chùa đón tiếp một
nhóm các vị khách rất đặc biệt, trong đó có đại sư Narada và đại đức
K.Dhammananda. Vào lúc đó, đại sư Narada là một vị giảng sư nổi tiếng nhất ở
Ceylon, vì sư có thể giảng pháp bằng cả hai thứ tiếng Sinhala và tiếng Anh, và
đại đức Dhammananda là chủ tịch của Tăng Đoàn Phật giáo ở Malaysia.
Tôi biết đại đức Dhammananda có
một ngôi chùa rất lớn ở Kuala Lumpur.
Tôi đánh bạo đến bên đại đức và hỏi nếu như người có cần một tu sĩ trẻ ở Malaysia.
“Có chứ,” Sư trả lời. “Nếu sư
thích đến Malaysia,
tôi sẽ giúp. Cho tôi biết khi sư đã sẵn sàng.”
Vài phút sau đó, đại sư Narada
bỗng nhiên nói với tôi: “Gunaratana, kiến thức của sư về Sanchi và cách sư giải
thích về các khắc chạm trên cổng rất tốt. Sư lại nói được tiếng Anh, tôi có thể
dàn xếp cho sư đến Malaysia
nếu muốn.”
Hai lời mời đầy hứa hẹn trong
năm phút –tôi thật là may mắn! Tôi thưa với cả hai vị sư rằng tôi bị ràng buộc
bởi một hợp đồng năm năm với hội Mahabodhi, nhưng tôi sẽ xem nếu tôi có thể dàn
xếp như thế nào đó.
Điều mà tôi không thưa với họ là
tôi cũng đã nhận được một lời mời khác vài tháng trước đó, khi Devapriya, Tổng
thư ký của hội Mahabodhi, đến thăm Sanchi. Sau khi tôi chất vấn đại đức
Pannatissa về việc không chân thật với người đầu bếp, đại đức đã than phiền với
Devapriya rằng ông không muốn có một tu sĩ như Gunaratana ở trong chùa của ông
nữa. Devapriya không nói gì đáp lại, nhưng sáng hôm sau ông mời tôi cùng đi với
ông đến Bhopal.
Ông muốn nói chuyện riêng với tôi, và trên xe lửa, ông nói thẳng với tôi rằng
ông biết đại đức Pannatissa là người không thành thật.
“Tôi muốn sư chuyển đến Calcutta hay Bodhgaya,”
ông nói. “Tôi sẽ gửi cho sư một lá thư bổ nhiệm mới.”
Trong khi chờ đợi lá thư đó, tôi
tự viết một lá thư gửi cho vị Cao ủy ở New
Delhi. Hộ chiếu khẩn cấp của tôi, được xuất khi tôi
rời Ceylon
để đến Ấn Độ, sẽ hết hạn trong một vài tháng và cần phải được gia hạn.
Đến tháng 12, 1956, tôi vẫn chưa
nhận được hồi âm, và tôi bắt đầu lo lắng. Hộ chiếu của tôi sẽ hết hạn vào cuối
tháng giêng, vì thế tôi lại viết một lá thư khẩn thiết hơn.
Vào ngày 5 tháng 1, với không
hơn ba tuần còn lại trên hộ chiếu của mình, tôi nhận được thư trả lời. Vị Cao
uỷ gửi cho tôi một lá đơn xin hộ chiếu khẩn cấp mới và bảo nếu tôi nộp đơn trở
lại với sự bảo lãnh của một bác sĩ hay luật sư uy tín ở Ceylon, thì đơn
của tôi sẽ được chấp thuận. Một lần nữa, vì tôi không có đồng nào, tôi lại cần
một người đỡ đầu.
May mắn thay một vị bác sĩ người
Ceylon
đã đến thăm viếng Sanchi vài ngày sau đó. Tuy nhiên khi tôi nhờ ông ký giùm
giấy bảo lãnh, ông từ chối vì cảm thấy ông chưa biết tôi đủ. Vài ngày sau đó,
lại có một vị luật sư đến Sanchi. Ông mời tôi cùng đi với ông trong chuyến hành
hương để thăm viếng bốn thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng nếu tôi đi
với người này, ông ta có thể giúp tôi, vả lại tôi vẫn luôn mong muốn được thăm
viếng những nơi này.
Ngày hôm sau chúng tôi lên
đường, hướng đến New Delhi.
Buổi sáng kế tiếp, chúng tôi viếng đền thờ Taj Mahal lộng lẫy ở Agra. Rồi, sau khi chúng
tôi đến New Delhi
tôi nhờ vị luật sư ký giấy bão lãnh để tôi xin hộ chiếu khẩn cấp. Ông bảo rất
vui lòng.
Tôi đến văn phòng của vị Cao ủy,
và đối mặt với người đã phớt lờ lá thư mà tôi gửi bảy tháng trước đó.
“Thưa ông,” tôi nói, “tôi đã gửi
cho ông một lá đơn bảy tháng về trước. Ông có nhận được không?”
“Đừng hỏi tôi bất cứ điều gì về
việc đó,” vị cao ủy ngắt lời.
“Tại sao không?” tôi hỏi.
“Tôi cũng không thể trả lời câu
hỏi đó.”
Tôi giận sôi và sự ngông cuồng
của tuổi trẻ nổi lên trong tôi. Tôi tức giận vì nghĩ do tôi là một tu sĩ, nên
bị coi thường. Tôi cũng giận vì phải cần người làm chứng cho mình.
“Thưa ông, tôi đã đi sáu trăm
cây số để gia hạn hộ chiếu với ông. Ông đại diện cho xứ sở của tôi ở Ấn Độ này.
Tôi có quyền để hỏi ông những câu đơn giản này chứ.”
Bỗng nhiên người luật sư lên
tiếng.
“Tôi đến đây để giúp vị tu sĩ
này, nhưng giờ tôi cảm thấy phải phản đối ông ấy. Ông ấy nghĩ mình biết hết mọi
việc.”
“Tôi không nghĩ là tôi biết tất
cả mọi việc,” tôi chống chế. “Nhưng tôi biết mình có quyển để hỏi vị này một
câu hợp lý.”
Người luật sư chồm tới và nói
nhỏ vào tai tôi. “Đừng lo, tôi đồng ý với sư. Vị Cao ủy này là người cao ngạo,
đáng ghét, nhưng ông ta có quyền từ chối không cho sư hộ chiếu, vì thế tốt hơn
hết là hãy kiên nhẫn với ông ta.”
Dĩ nhiên, người luật sư nói
đúng. Không bao giờ nên tranh cãi với người có quyền hạn mà người đó lại tự mãn
với quyền lực của mình. Tôi không nói thêm một lời nào nữa và vị cao ủy, với
một nụ cười gượng gạo, nói rằng ông sẽ gửi hộ chiếu mới đến Sanchi cho tôi
trong ba ngày tới. Chúng tôi rối rít cảm ơn ông, chào đi, chào lại, rồi đi ra.
Cuộc hành hương của chúng tôi
bắt đầu ở Kushinagar, nơi Đức Phật nhập diệt ở miền Bắc Ấn Độ. Ở đó có một ngôi
chùa bằng vàng nhỏ, với chỉ một vị sư già trông coi. Vị sư này rất thân thiện,
dẫn chúng tôi đi cùng khắp quanh chùa. Tôi cảm thấy tràn đầy niềm vui được đến
nơi mà Đức Phật đã từng có mặt. Vị lão sư và tôi đọc lại một số đoạn của Kinh
Mahaparinibbana (Kinh Đại Niết Bàn), chứa đựng những lời dạy của Đức Phật ngay
trườc khi Ngài nhập diệt: “Hãy tinh tấn tu tập giải thoát. Đừng sao lãng việc
tu tập.”
Chỉ hai câu đơn giản đó đã tóm
tắt tất cả bốn mươi lăm năm thuyết pháp của Đức Phật. Điều Đức Phật muốn nhắn
nhủ là người tu hành không được lãng phí một giây phút nào. Chúng ta phải luôn
cố gắng chánh niệm không ngừng, với mục đích là để hiểu được chân lý cuộc sống,
để chúng ta có thể được giải thoát khỏi khổ đau. Đây là những lời Đức Phật
thuyết giảng cho các đệ tử của ngài trong một bài kinh khác:
Đừng
sống trong quá khứ,
hay hy vọng ở tương lai,
vì quá khứ đã qua
và tương lai chưa tới.
Dùng trí tuệ để thấy
từng giây phút phát khởi;
hãy biết và biết rõ điều đó,
không suy chuyển, chẳng nghi ngờ
Phải cố gắng hôm nay;
ngày mai ai biết được, thần chết đến hay
không?
Không thể trì hoãn với tử thần,
không thể xua đuổi hay tránh né,
ai siêng năng quán tưởng (điều đó)
đêm ngày không ngừng nghỉ
bậc hiền triết sẽ nói người đó
được duyên lành theo sau.
Sau thời gian ở Kushinagar,
chúng tôi đi taxi đến Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sinh, ở ngay biên giới với Nepal.
Lâm Tỳ Ni rất xuống cấp, cỏ mọc
đầy, và bò tự do chạy rong. Chỉ có một đền thờ nhỏ đánh dấu nơi mẹ của thái tử
Siddhattha, hoàng hậu Mahamaya đã lâm bồn trong rừng cây. Một trụ đá do vua
Ashoka dựng lên, để báo rằng đây là nơi thái tử Siddhattha Gotama được sinh ra.
Gần đó trong một túp lều chỉ vừa đủ lớn để bước vào, có một bàn thờ bằng đá có
khắc cảnh hoàng hậu Mahamaya níu vào một cành cây, trong khi các cung nữ giăng
màn che quanh bà. Bàn thờ chất đầy hoa tươi, đèn nhang.
Chúng tôi ngồi tọa thiền ở đó
một lúc. Đó là một nơi đặc biệt nhưng tôi cảm thấy buồn khi thấy một thánh địa
không được ai chăm sóc.
(Hiện tại, Lâm Tỳ Ni đã tốt hơn.
Xứ Nepal,
dầu quốc đạo là Ấn Độ giáo, vẫn cho phép các Phật tử trùng tu lại nơi Phật đản
sinh. Một vài quốc gia, kể cả Tích Lan và Burma, cũng đã có chùa ở đó, và
“ngôi chùa hoà bình” quốc tế vĩ đại đã được dựng lên).
Ngày hôm sau chúng tôi đến
Sarnath, miền bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên trong Vườn Nai (Deer Park) nổi tiếng.
Trong lúc đi quanh những vườn cây yên tĩnh đầy xoài, ổi và các loại cây nhiệt
đới khác, tôi gặp Ponnamperuma, một người bạn làm việc ở văn phòng hội
Mahabodhi vùng Sarnath.
“Huynh nhận được thư chưa?” ông
hỏi tôi ngay lập tức.
“Thưa chưa,” tôi trả lời.
“Có một lá thư bảo đảm của đại
học Benares gửi đến văn phòng chúng tôi. Lá
thư đề chỉ trao cho đại đức Gunaratana, vì thế tôi mang lá thư đến cho một tu
sĩ cùng tên ở Benares. Ông mở thư ra và nói
rằng đó là thư của Sư, không phải của ông. Ông ấy bảo sẽ chuyển thư cho sư.”
Vì chúng tôi đang ở gần Benares, nên tôi đến chùa, tìm đại đức Potuwila
Gunaratana. Đó là vị tăng sĩ mà tôi đã sống chung một thời gian ngắn, ngay
trước kỳ thi tuyển sinh đại học. Ông đã từ chối cho tôi mượn sách và đã nói dối
với tôi. Tôi biết ông không phải là bạn mình.
“Tôi đã chuyển thư cho Sư lâu
rồi,” ông bảo tôi. “Có thể bưu điện đã làm mất.”
Tôi nghi là ông đã nói dối,
nhưng điều tôi quan tâm nhất là nội dung lá thư.
“Sư đã mở thư,” tôi nói. “Vậy
thư nói gì?”
“Tôi không biết, tôi không đọc
kỹ,” ông trả lời. “Hình như về đơn xin nhập học của ông. Hình như đã bị từ
chối.”
Ông mỉa mai. Hình như ông rất
thích thú về điều đó.
Không thể hỏi thêm được điều gì,
nên tôi đến gặp đại đức Hammalawa Saddhatissa, là vị giáo sư người Benares,
người đã khuyên tôi nộp đơn vào đại học. Ông bảo đúng là tôi đã bị từ chối,
nhưng ông giúp tôi tìm ra lý do tại sao: tôi đã quên ký tên vào phía sau bức
ảnh mà tôi nộp với đơn xin nhập học, và thế là đơn nhập học của tôi không được
xét đến!
Còn năm ngày nữa mới hết thời
hạn, và đại đức Saddhatissa khuyên tôi nên nộp một đơn nhập học mới. Tôi báo
cho người bạn luật sư biết tôi cần ở lại Benares
một vài ngày và khuyên ông nên tiếp tục cuộc hành trình một mình. Rồi tôi bắt
đầu bị cuốn vào việc phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để nộp đơn trở lại.
Trước hết tôi phải chụp ảnh lại
và tôi đã van nài người thợ ảnh nhanh chóng rửa ảnh. Nhưng tôi không tìm ra
được tờ đơn xin nhập học nào -trường đại học cũng không còn. Có người mách rằng
Potuwila Gunaratana có thể còn vài tờ, nên tôi lại cùng với Ponnamperuma, người
bạn ở hội Mahabodhi, đến phòng vị này. Đứng ở cửa, Gunaratana nói ông không còn
tờ đơn nào nữa, nên chúng tôi quay đi.
“Ponnamperuma, tại sao ông đến
đây với con người khốn khổ đó?” vị tu sĩ gọi với theo. Dĩ nhiên là ông ám chỉ
tôi. “Nếu ông đi một mình, có thể tôi sẽ cho ông một tờ đơn. Nhưng ông đi với
người đó... thì hãy quên đi!”
Lần nữa tôi lại quay qua đại đức
Saddhatissa cầu xin giúp đở. Cả hai chúng tôi đi khắp trường cho đến khi chúng
tôi tìm được người có dư một tờ đơn. Lúc đó đã chín giờ rưỡi tối, đêm hôm trước
ngày hết hạn nộp đơn. Ngày đã qua đi nhanh chóng và không còn thời gian nữa.
Tôi ngồi xuống để điền đơn. Ngay
hàng đầu tiên người ta đã đòi biên lai chứng nhận rằng tôi đã nộp mười lăm
rupee trong lần nộp đơn trước. Họ đòi con số trên tờ ngân phiếu mà tôi đã gửi
và dĩ nhiên tôi không thể nào nhớ được chi tiết đó.
Vì thế sau tất cả những cố gắng
điên cuồng đó, tôi cũng đành bó tay. Tôi không thể nộp đơn xin học. Lúc đó,
trước khi máy vi tính trở thành thông dụng, một việc đơn giản như thế cũng có
thể khiến người ta không thể nộp đơn và vì thế tôi không thể vào đại học.
Để giảm bớt sự thất vọng của
mình, tôi quyết định tiếp tục cuộc hành hương. Tôi tụ họp một số bạn để cùng đi
đến Bodhgaya.
Đến được đó, ở tại nơi mà Đức
Phật đã đạt được giác ngộ, khi ngồi dưới cội cây, tôi cảm thấy như được tái
sinh. Khi được nhìn thấy cây bồ đề to lớn, xum xuê, trong tôi tràn đầy xúc động
và hạnh phúc với tâm chí thành.
Tuy nhiên, đó không phải là cây Ficus religiosa đầu tiên đã được trồng
ở đó vào thời Đức Phật còn tại thế. Cây bồ đề nguyên thủy đã bị hủy diệt -đốt
cháy và đầu độc- bởi vợ của vua Ashoka vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, vì
bà ghen tỵ với việc chồng mình bỏ quá nhiều thế gian ở tu viện ở Bodhgaya. Sau
này, vị vua thành tín đó đã trồng một cây bồ đề khác tại thánh địa này. Theo
truyền thuyết, Đức Phật đã yêu cầu thị giả của Ngài, đại đức Ananda, chiết một
nhánh từ cây bồ đề nguyên thủy, đem trồng ở Jetavana, nơi Đức Phật thường
thuyết pháp. Vì thế cây bồ đề mới ở Bodhgaya của vua Ashoka, được chiết nhánh
từ cây bồ đề của đại đức Ananda, là có nguồn gốc từ cây nguyên thủy mà vợ vua
đã hủy diệt.
Ngày nay, địa điểm này là nơi
thu hút các đoàn hành hương Phật giáo. Người ta đi vòng quanh cây cổ thụ nhiều
lần, xướng tụng “Sadhu, Sadhu, Sadhu”
(Lành thay, lành thay, lành thay). Không khí đầy khói bụi của nhang. Những cây
đèn đất cháy sáng dưới gốc cây, bao bọc bởi hàng chồng hoa, trái cây và đèn
cầy. Vải xà-rong quấn đầy quanh thân cây. Các vị tăng ni người Tây Tạng úp mặt
lạy khi họ làm lễ.
Tôi cảm thấy là tôi có thể ngồi
tọa thiền hằng giờ dưới gốc cây. Tôi cảm nhận sự hiện diện của Đức Phật khi
ngài sắp hoàn thành bước nhảy cuối cùng, vĩ đại vào giải thoát. Tôi tưởng tượng
ra quỷ dạ xoa, trong một cố gắng cuối cùng, đưa những người con gái của nó –
Tham, Sân và Si- đến để quyến rũ Đức Phật.
Đứng
ở đó trong bóng cây bồ đề bao la, tôi dường như nghe được tiếng của Đức Phật
khi Ngài chạm mặt đất với những đầu ngón tay của một bàn tay, gọi nó chứng kiến
việc đạt được giác ngộ giải thoát của Ngài.