Thiền học
Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
25/09/2556 18:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 8. Phấn đấu để được học

 

 

Nhờ hành thiền, hai năm sống trong ác mộng vì mất trí nhớ của tôi cuối cùng cũng đã chấm dứt. Trí não tôi dường như được chữa lành khỏi cơn kích động gây ra bởi bảy ngày tụng niệm. Nhưng giờ thì, dầu tôi đã có thể nhớ mọi thứ gần như người bình thường, trí nhớ như in của tôi chẳng bao giờ trở lại nữa.

Hai năm sau, vào năm 1949, tôi đã có thể đi học trở lại. Điều đó làm tôi rất hạnh phúc. Cuối năm học đó, lần đầu tiên tôi tham dự cuộc thi chung cho tất cả các trường, được biết như là cuộc thi lấy bằng cao cấp, tương tự như những cuộc thi cuối năm ở trung học. Chúng tôi phải thi tám môn (Sinhala, Tamil, Pali, văn chương Sinhala, lịch sử Ceylon, toán, khoa học sức khỏe, và Phật giáo) và tôi đều đủ điểm đậu cả.

Tôi rất hãnh diện về thành tích này vì chỉ vài tháng trước đó, tôi đã không thể đọc hay nhớ điều gì.

Tuy nhiên cũng năm đó, tôi gặp nhiều khó khăn do nhiệt tình muốn học tiếng Anh của mình. Tôi tham dự một cuộc thi ở trường Phật học nơi tôi đã là một tăng sinh vài năm nay, và điểm tiếng Anh của tôi cao hơn điểm tiếng Sanskrit nhiều. 

Thầy hiệu trưởng trường cho gọi tôi đến văn phòng. Gương mặt không vui, ông nói: "Gunaratana, thầy nên nhớ rằng giáo lý của Đức Phật được lưu truyền trong vòng hai ngàn năm trăm năm nay không phải bằng tiếng Anh mà bằng tiếng Pali và Sanskrit. Tôi khuyên thầy nên để ý đến các ngôn ngữ này nhiều hơn.” Vào năm 1950 tôi được nhận vào Vidyalankara Pirivena, một đại học cộng đồng dành cho tăng sĩ gần thủ đô Colombo, và là một trong hai đại học có tiếng ở Ceylon. Ban giảng huấn gồm khoảng mười người -những vị thầy khiêm tốn, uyên thâm về tôn giáo, thông suốt Pháp, lịch sử Phật giáo, tiếng Pali, Sanskrit, Sinhala, Tamil và Ấn Độ.

Tôi rất hạnh phúc được theo học ở đây, nhưng tôi lại không có khả năng trả tiền trọ. Tôi không có nơi nào để tạm trú, vì thế tôi dành vài tuần thăm viếng những chùa gần đó, mong tìm được nơi trọ học. Cuối cùng, tôi tìm được một ngôi chùa bên bờ sông Kelaniya, và vị trụ trì cho phép tôi được dọn vào. Tôi trở lại với những bổn phận của một tu sĩ sống ở chùa. Khất thực ở ngôi làng gần nhất cũng không mấy kết quả. Thường tôi chỉ nhận được cơm trắng trong bình bát, không có rau hay bất cứ thứ gì. Tôi đành trở về chùa, rắc đầy muối vào cơm, rồi ăn.

Từ chùa đến trường cũng là một con đường dài và rất phức tạp. Trước hết, tôi phải sang sông trong một chiếc thuyền nhỏ do Jinadasa, một cư sĩ ở chùa làm chủ. Mỗi ngày sau bữa trưa, ông sẽ đợi ở dưới thuyền để đưa tôi sang sông.

Thường trên những chuyến đò qua sông hằng ngày, tôi lại nghĩ về kinh Alagaddupama, kinh “Ẩn dụ về chiếc bè” vì, trong bài kinh đó, Đức Phật đã so sánh Pháp như là một chiếc bè: chúng ta có thể sử dụng Pháp để vượt qua con sông cuộc đời đầy sóng gió, Đức Phật dạy, nhưng một khi đã đến bờ bên kia, chúng ta cần để chiếc bè lại đằng sau. Tham ái, bám víu vào bất cứ điều gì, kể cả những điều tốt, cũng có thể khiến chúng ta sanh phiền não.

Mỗi ngày, sau khi qua sông, tôi phải đi bộ đến một trạm xe buýt để lấy xe buýt đến trường trên đường Kandy-Colombo. Dĩ nhiên, tôi cũng không có tiền mua vé xe buýt, nhưng ông chủ công ty xe buýt đã tử tế cho phép tôi được đi miễn phí.

Cuối tuần, tôi lại đi đến Yakkala, một làng gần bên, để giảng Pháp cho trường Sunday (ND: các lớp giáo lý cuối tuần). Vào những ngày rằm, tôi cũng thuyết pháp ở ngôi chùa tôi đang tạm trú. Mặc dầu tôi còn khá trẻ, người ta cũng tôn trọng tôi và muốn được nghe tôi giảng.

Đôi khi tôi giảng về những vấn đề quan trọng như là nghiệp, tái sinh, và lý duyên sanh, nhưng tôi không chắc rằng mình thực sự hiểu những điều mình giảng vào thời điểm đó. Thường tôi chỉ học thuộc lòng các đoạn giảng giải trong sách, rồi lặp lại.

Tôi cũng kể những câu chuyện dân gian Phật giáo. Tôi rất thích những chuyện về Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa, vị tỳ kheo luôn tìm cách ám hại Đức Phật. Họ đã là kẻ thù của nhau trong nhiều tiền kiếp. Có rất nhiều chuyện kể về những xung đột của họ. Trong câu truyện mà tôi thích, Bồ Tát (Đức Phật) tái sinh làm một chú khỉ đầy lòng nhân ái và Đề Bà Đạt Đa là một lữ hành lạc lối trong rừng.

Khi ở trong rừng, người lữ hành bị rơi xuống một cái giếng bỏ hoang, và chú khỉ tình cờ đi ngang qua, đã cố gắng hàng giờ để kéo anh ta lên. Sau đó mệt nhoài, chú khỉ nằm xuống đất nghỉ. Gã lữ hành cũng mệt và đói, đã lượm một cục đá to, đập lên đầu khỉ với hy vọng có thể giết nó lấy thịt ăn.

Vì yếu đuối, gã ta không giết được chú khỉ. Mình đầy máu, chú khỉ chạy lên cây, ngồi suy nghĩ: “Mặc dầu anh ta vừa định giết mình, nhưng nếu mình chạy trốn và bỏ anh ta lại,” chú khỉ nghĩ. “Thì anh ta có thể chết đói. Anh ta sẽ không bao giờ có thể tìm đường ra trong khu rừng rậm này. Ta cần phải dẫn anh ta đến ngôi làng gần nhất.”

Thế là chú khỉ bắt đầu chuyền từ cây này đến cây khác, nhào lộn như thể nó đang bị đau. Gã lữ hành nghĩ rằng con khỉ có thể ngã chết bất cứ lúc nào, nên đi theo nó. Khi đến bìa làng, gã ta không để ý đến chú khỉ nữa mà vào làng để xin thức ăn và nước uống, còn chú khỉ quay trở vào rừng.

Câu chuyện này cho ta thấy những đặc tính đáng ngưỡng mộ của Đức Phật, ngay trước khi Ngài được có thân người hay được hoàn toàn giác ngộ, và câu chuyện đó lúc nào cũng khiến cho thính giả của tôi ở trường Sunday lấy làm thích thú.

Một ngày kia, Jinadasa nói ông muốn cúng dường cho tôi trong lần thuyết pháp sau. Ông ta hỏi tôi cần gì, nhưng tôi không trả lời, vì biết ông quá nghèo và thực sự không có khả năng mua quà.

Dầu vậy, vào ngày rằm kế tiếp, ông cúng dường cho tôi một cây đèn pin. Cả hai chúng tôi đều không biết món quà đó sẽ đem lại tai hại gì.

Một buổi chiều kia, tôi thuyết pháp trong một phòng ăn mới ở trường đại học. Đó là một dịp quan trọng; tất cả các thầy, các bạn học của tôi và hàng trăm cư sĩ đã đến để nghe tôi nói chuyện. Bài thuyết pháp của tôi là về kinh Culamalunkyaputta trong Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya), khuyên chúng ta không nên bỏ phí thời gian vào những việc vô ích. Đức Phật dạy rằng chúng ta cần phải cảm thấy nôn nóng muốn tu tập để đạt được giải thoát khỏi khổ đau.

Khi bài giảng của tôi chấm dứt và mọi người đã hỏi xong các câu hỏi, thì đã gần nửa đêm. Tôi đã trễ chuyến xe buýt cuối cùng nên tôi phải đi bộ gần mười cây số đến bờ sông nơi tôi hy vọng Jinadasa sẽ đưa tôi sang bờ bên kia.

Con sông, tràn bờ bởi mưa, chảy xiết. Đã gần hai giờ sáng và tôi biết Jinadasa đang ngủ. Tôi bật cây đèn pin mà ông đã tặng tôi, quét ánh sáng qua bờ bên kia, và réo gọi tên ông thật lớn. Sau một lúc, ông xuất hiện ở bờ bên kia và xuống đò. Ông rất bực tức vì bị đánh thức giữa đêm.

Khi ông chèo đò qua, tôi nghe đủ lời sỉ vả. Ông nguyền rủa, nhục mạ tôi đủ điều. Rõ ràng là vì ông nghĩ tôi đã ở lại dưới phố hành xử không đúng với tư cách một vị tu sĩ, như trò chuyện, đùa giỡn với phụ nữ hay những việc đại loại như thế. Ông không biết rằng tôi vừa thuyết pháp xong.

Tôi bước xuống đò, xin lỗi vì đã làm phiền ông giữa đêm. Tôi cố gắng giải thích tại sao tôi bị trễ như vậy, nhưng ông không muốn nghe. Ông tiếp tục tuôn ra những lời chửi bới thô tục, buộc tội tôi về đủ các thứ mà tôi chẳng bao giờ tưởng tượng mình có thể làm. Rồi ông trao cho tôi cái dằm, bảo tôi phải tự chèo.

Trước đó, tôi chưa bao giờ chèo thuyền, và chắc chắn là không bao giờ trên một dòng nước chảy xiết như thế này. Tôi bỏ dằm xuống nước và ngay khi tôi làm thế, chiếc thuyền bắt đầu nghiêng triền. Tôi thật sự sợ hãi. Tất cả những kinh nghiệm suýt chết vì nước hiện ra trước mắt tôi.

Jinadasa giựt cây dằm từ tay tôi, lại tuôn ra thêm một tràng chửi rủa khác. Ông ta bắt đầu chèo chống dòng nước ngược cuồng xiết chảy, cằn nhằn, chửi rủa suốt thời gian. Thường chuyến đò chỉ mất mười phút, nhưng đêm đó mất gần hai tiếng. Đó là hai tiếng đồng hồ dài nhất trong cuộc đời tôi.

Sáng hôm sau, sau một đêm chợp mắt ngắn ngủi, tôi thức dậy và quyết định rời ngôi chùa tôi đang tạm trú, vì không thể chịu đựng được nữa những chuyến đò qua sông với Jinadasa.

Sau khi khất thực về, tôi sắp xếp vài quyển sách vào tay nải, rồi đi ra bờ sông. Jinadasa đang ở đó, vẻ mặt không vui.

“Tại sao tay nải của thầy hôm nay to thế?” ông hỏi tôi.

“Vì tôi không trở về chùa nữa,” tôi trả lời.

Ông hỏi tại sao nên tôi cho ông biết những lời sỉ nhục, nguyền rủa của ông đêm hôm qua đã tổn thương tôi như thế nào. Tôi bảo rằng tôi có lý do chính đáng về sự trễ muộn của mình, nhưng ông đã không muốn nghe. Tôi kể rằng tôi đã suýt bị chết đuối vài lần, rằng tôi rất sợ nước và sự trách mắng của ông chỉ làm tôi thêm đau khổ.

Jinadasa chực trào nước mắt. Với đôi mắt xụp xuống, ông van nài tôi ở lại, nhưng tôi đã quyết định.

“Tôi muốn tìm một nơi mà tôi không phải qua sông mỗi ngày để đến trường,” tôi trả lời.

Và như thế, một lần nữa tôi lại phải đi tìm một nơi để tạm trú.

Cuối cùng, tôi tìm ra được một ngôi chùa cách trường khoảng mười sáu cây số. Vị sư ở đó bảo rằng tôi có thể ở trong cái thất nhỏ trong khuôn viên chùa. Cái thất này đã không có ai ở nhiều năm nay, hoàn toàn trống rỗng, trừ khoảng năm mươi chú dơi! Đôi khi, mùi nước tiểu dơi quá hôi đến nỗi tôi không thể ngủ được.

Buổi trưa, sau khi khất thực xong, tôi đón xe buýt đến trường. Sau giờ học, khi tôi chuẩn bị về nhà, đó là giờ cao điểm, xe buýt luôn đầy -không có chỗ cho những người không thể trả tiền như tôi- tôi đành phải đi bộ mười mấy cây số từ trường về nhà mỗi ngày.

Khi tôi về đến thất thì đã chín hay chín giờ rưỡi tối, nên phải đốt đèn dầu lên. Ở gần đó có một thương nhân tên là Albert. Ông là người Sinhala, nhưng giống như nhiều người ở xứ tôi, tên gọi của ông là tên tiếng Anh. Một số người Sinhala đặt cho con cái họ những tên tiếng Anh hay Hà Lan hay Bồ Đào Nha, tuỳ thuộc vào việc quốc gia nào đang chiếm đóng Ceylon vào lúc đó, vì họ hy vọng rằng điều đó sẽ giúp con cái họ được vào các trường Thiên Chúa giáo nổi tiếng, hay một công việc làm với chính phủ sau này khi chúng lớn lên.

Albert là một người rộng rãi. Mỗi đêm, khi nhìn thấy đèn trong thất của tôi thắp sáng lên, ông sẽ sai người giúp việc mang qua cho tôi một tách trà nóng. Dầu đó chỉ là trà, nhưng sau một ngày dài, một tách trà nóng bao giờ cũng ngon tuyệt vời. Sau đó tôi sẽ học cho tới nửa đêm rồi đi ngủ.

Albert rất quan tâm đến tôi và đến ước muốn được học xong đại học của tôi. Ông đề nghị sẽ mang thức ăn cho tôi mỗi ngày, để tôi không phải đi khất thực. Và ông cũng đề nghị được trả tiền sách vở cho tôi. Tôi không muốn phải dựa vào ông, nhưng là một tăng sĩ không có của cải vật chất gì, tôi đành phải nhận bất cứ sự giúp đỡ nào mà các cư sĩ có lòng cúng dường. Vì thế tôi chấp nhận lòng tử tế của ông.

Rủi thay, sự hỗ trợ của Albert dần dần đem đến rắc rối cho tôi. Khoảng một tháng sau khi tôi dọn vào thất, Albert bảo với vị trụ trì ở chùa rằng ông nghĩ tôi là một tăng sĩ trẻ xuất sắc, có khả năng giảng Pháp tuyệt vời.

Vị trụ trì lập tức trở nên nghi ngờ, cho rằng tôi đang toan tính để chiếm đoạt ngôi chùa của ông, vì thế ông sai một trong những đệ tử của mình đến bảo tôi phải rời khỏi chùa. Ông buộc tôi phải đi ngay lập tức, đến nỗi tôi không có cơ hội đến chào từ giã Albert. Tôi được gửi đến sống ở một thất trống trong ngôi chùa gần đó, nhưng rồi một tháng sau, tôi cũng bị đuổi ra khỏi đó nữa. Tôi đoán là vị sư đầy lòng nghi hoặc muốn tôi hoàn toàn biến khỏi khu vực đó.

May mắn thay, tôi tìm được một nơi ở mới, một cái thất gần đường Kandy-Colombo, chỉ cách trạm xe buýt một đoạn đường ngắn. Cái thất này đã được một phụ nữ giàu có tạo ra để cúng dường cho các tăng sinh ở trường. Thật là tuyệt vời. Tôi bắt đầu thuyết pháp trở lại, và người dân địa phương đã đến để nghe pháp. Họ có vẻ rất hoan hỷ vì sự có mặt của tôi, họ còn tặng tôi một cái bếp gas để nấu nước.

Buồn thay, tôi cũng chưa được yên thân. Vị trụ trì, người đã coi tôi là một mối đe doạ, lại gửi đệ tử đến phá rối tôi nữa. Lần này, ông bảo là có hai tăng sinh khác cần đến ở trong thất đó, nên không đủ thực phẩm cho cả ba người. Vì thế, ông lệnh tôi phải ra đi. Vị trụ trì của các chùa ở địa phương rất có quyền hạn đối với những vấn đề như thế.

Tôi khẩn thiết van xin. ‘Gia đình tôi rất nghèo,’ tôi nói, ‘tôi không có mười xu mỗi tháng để trả tiền trọ ở trường. Tôi chỉ còn sáu tháng nữa là ra trường -hãy để tôi ở đây cho đến lúc đó.’

Dầu vậy, ông vẫn nhất quyết buộc tôi ra đi.

Tôi mang sách vở trở về Yakkala, nơi tôi đã được tiếp đón nồng hậu một năm trước đó. Lần này, tôi được cho một căn phòng trong chùa.

Buồn thay, ngay với sự tiếp đón nồng hậu đó, tất cả những vất vả trước đây để tìm một chỗ nương thân vẫn đè nặng tâm trí tôi. "Tại sao tôi phải cố gắng như thế để được đi học ?" tôi tự hỏi. "Các môn học này không có ích lợi gì đối với một tu sĩ. Tại sao tôi phải quá vất vả để đạt được mục đích đó ?"

Tôi cũng rất tủi nhục về việc phải luôn vay mượn tiền bạc. Không có khả năng mua sách, tôi phải năn nỉ các sinh viên khác để mượn sách của họ. Rồi tôi phải trả sách trước khi đọc xong. Khi cần một vài rupee để đóng tiền thi, tôi cũng phải về hỏi mẹ, bổn sư hay người bảo trợ, để xin vài đồng xu. Thật là xấu hổ, tôi ghét phải xin những người mà chính họ cũng không dư giả.

Vì thế vào năm 1952, tôi quyết định bỏ học, mặc dầu chỉ còn kỳ thi cuối khóa là tôi hoàn tất chương trình. Lệ phí để thi là mười lăm rupee, khoảng bốn đô rưỡi, nhưng tôi không có tiền. Thế là tôi bỏ học.