I. THIỀN TRONG NHỮNG HOÀN
CẢNH THUẬN NGHỊCH.
Vì
Thiền không xa rời sự sống, nên Thiền cũng muôn màu muôn vẻ theo sự
sinh động của dòng sống luân lưu. Người sống với bản tâm chân thật biết
ứng xử linh hoạt tùy hoàn cảnh tùy đối tượng, không theo một khuôn mẫu
cố định nào.
Ngày xưa có
hai ngôi đền Thiền, mỗi đền có một chú tiểu hầu cận. Một lần, thiền sinh
ở ngôi đền phương bắc gặp thiền sinh phương nam giữa đường, bèn hỏi:
- Huynh đi
đâu vậy ?
Thiền sinh
phương nam đáp:
- Đôi chân
nầy đưa đến đâu, tôi đi đến đó.
Thiền sinh bắc
không biết nói sao, về trình lại sư phụ. Sư phụ bày : “Nếu lần sau
nó nói vậy, con hãy hỏi lại : Nếu không có chân thì huynh đi đến đâu?”
Hôm sau hai
chú gặp nhau, thiền sinh bắc hỏi lại câu trên, nhưng chú kia lại trả
lời:
- Gió cuốn
đi đâu, tôi đi đến đó.
Thiền sinh bắc
lại bí, về cầu cứu sư phụ, được chỉ dạy: “Con hỏi lại: nếu không có
gió, huynh đi đâu?”
Không ngờ lần
gặp sau, thiền sinh nam lại đáp một cách đơn giản:
-Tôi đi
chợ.([1])
Câu chuyện trên cho thấy rõ sự khác
biệt giữa hai người. Thiền sinh phương nam sống với tâm Thiền nên ứng xử
một cách linh hoạt và hồn nhiên. Thiền sinh bắc thì sắp dặt trước với
sự hỗ trợ của thầy, nhưng vì không có vốn thật của mình, nên không thể
đối phó kịp thời. Như thế, vốn sống thật sự là do tâm mỗi người lưu
xuất, không nhờ sự giúp đỡ tiếp sức của một ai, và hiện thực thế nào thì
ứng cơ tiếp vật thế ấy.
1. Trong đau khổ - nghịch
cảnh:
Theo quan niệm của người xưa, có ba mức
độ ở ẩn: Tiểu ẩn là tu hành trong tu viện; Trung ẩn
là sống đời tục gia cư sĩ; Đại ẩn là làm quan trong triều. Môi
trường tự viện ít náo động, tăng ni sống theo tinh thần lục hòa cộng
trụ; ấy là ngôi nhà chung êm đềm ấm cúng, là môi trường tốt cho sự tu
tập. Nhưng hoàn cảnh quá thuận tiện nên người tu ít được thử thách, ít
được rèn giũa nghị lực và ít có điều kiện phát huy khả năng đối phó với
ngoại trần; cho nên gọi là Tiểu ẩn. Đời sống gia đình nhiều ràng buộc hệ
lụy, phải lo toan nhiều bề cho cuộc sống bản thân và quyến thuộc, phải
lo toan nhiều bề cho cuộc sống bản thân và quyến thuộc. Phải làm tròn
nghĩa vụ với xã hội và đất nước. Nếu người tu được trong hoàn cảnh này
là có đạo lực khá, tu có kết quả lại càng khá hơn, vì thế là Trung ẩn.
Đặc biệt nhất là trường hợp người giữ chức vụ cao trong triều đình,
trong chính phủ. Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, một quyết
định ban ra làm ảnh hưởng biết bao người. Công việc dồn dập và căng
thẳng mà có thể tu được thì vị ấy quá siêu xuất, tu hành mà ngộ lại càng
kỳ tuyệt, nên gọi là Đại ẩn.
Những người luyện khinh công, đầu tiên
đào một hố sâu dưới đất, đổ đất vào ống quần và buộc túm lại cho người
nặng thêm, tập nhảy từ hố lên mặt đất. Lần lần hố đào sâu hơn, đổ cát
nặng hơn. Khi tập thuần thục, trở lại trang phục bình thường, người ấy
có thể nhảy rất cao. Đây là cách luyện võ trong nghịch duyên. Người tu
chúng ta cũng thế, đôi khi hoàn cảnh khó khăn giúp ta tiến nhanh trên
đường đạo, vì đây là cơ hội để ta phát huy trí sáng tạo, khả năng ứng
phó, và cũng là thước đo định lực của mình. Nhà Thiền quan niệm, tu
không phải trốn chạy nghịch cảnh mà là dũng cảm đương đầu với mọi tình
huống; là trong mọi cảnh ngộ đều biểu hiện sức tự chủ kham nhẫn; là thể
hiện sự tự do tự tại trước những ràng buộc của tiền trần. Trong đời,
nhiều lúc bình thường ta thấy tâm thanh tịnh an lạc, ta nghĩ mình tu có
kết quả. Nhưng khi gặp việc không hay xảy đến, những kiết sử lâu nay ngủ
ngầm bỗng sống dậy, phát tác; vỡ lẽ ra rằng, ta vẫn còn tâm thị phi
nhân ngã, vẫn còn nguyên là phàm phu với mọi nỗi phiền não khổ đau. Cho
nên, chúng ta cần duy trì sức cảnh giác liên tục, phát hiện ngay những
vọng niệm từ lúc mới manh nha. Câu chuyện sau đây đáng để chúng ta suy
gẫm : Có một chàng thanh niên nghèo khổ, cha mẹ không còn, vợ con không
có. Nghe nhà vua ban chiếu chống giặc ngoại xâm, chàng hăng hái gia nhập
quân ngũ. Nhờ chiến đấu dũng cảm, chàng lập nhiều công trận, được vua
phong làm quan. Một thời gian sau lại có giặc, chàng phụng mệnh vua lãnh
quân đi dẹp, nhưng đánh trận nào thua trận ấy. Nhà vua tức giận, triệu
chàng về hỏi nguyên do. Chàng thật thà tâu rằng: “Muôn tâu bệ hạ,
ngày xưa hạ thần là kẻ vô gia cư vô nghề nghiệp, không có gì để mất, nên
không sợ chết; do vậy vào chỗ quân địch như chỗ không người. Ngày nay
được bệ hạ ban cho phẩm lộc, hạ thần thấy mình là quan trọng, đâm ra sợ
chết, vì thế không còn tinh thần chiến đấu nữa”.
Bài pháp đầu
tiên Đức Phật dạy tại Lộc Uyển là Tứ Diệu Đế, trong đó Khổ đế được đặt
lên hàng đầu. Trong Phạn ngữ, Dukkha ngoài nghĩa Khổ còn có
nghĩa là Bất toàn, bất như ý, Vô thường … Tựu trung, con người có tám
điều khổ chính: Sanh-Già-Bệnh-Chết-Cầu mong không thành tựu-Thương mà
phải xa lìa-Ghét mà gặp gỡ - Thân năm ấm lẫy lừng. Trong văn học Việt Nam
cũng có nhiều lời thơ rất hay diễn tả nỗi khổ của kiếp người. Ngay từ
phút đầu làm quen với cuộc sống, có phải em bé đã biết khổ nên mới cất
tiếng khóc chào đời, như Nguyễn Công Trứ đã tự hỏi:
Thoạt
sinh ra thì đà khóc choé
Trần
có vui sao chẳng cười khì?
Khi lớn lên, trải qua nhiều phen thăng
trầm vinh nhục, con người thấy rõ việc đời mình có khác gì việc của
trăng :
Tuy là soi khắp mọi nơi
Khi mờ khi tỏ,
khi vơi khi đầy.
(Nguyễn Đình Chiểu)
Dù vất vả đua tranh với đời suốt kiếp,
cuối cùng sẽ còn lại những gì ngoài những nếp nhăn trên trán và hố thẳm
trong tâm hồn ?
Nếu chỉ dừng
lại nơi phạm vi ý thức về sự khổ, chúng ta có cái nhìn bi quan yếm thế
về cuộc đời. Đạo Phật với tinh thần tích cực và tôn trọng sự thật, nhận
chân về cái khổ nhưng còn đi xa hơn, biết rõ nguyên nhân của khổ, cách
thoát khổ và kết quả cuối cùng của việc làm ấy. Nhìn chung, khổ là do
tập khí chấp ngã quá nặng. Chấp ngã thô là Phân biệt ngã chấp,
có tính chất nông cạn trên mặt ý thức; chấp ngã tế là Câu sanh ngã
chấp, rất khó nhận diện và khó tẩy trừ. Tập khí là thế lực hùng
mạnh vô biên, làm chuyển động bánh xe luân hồi, lôi cuốn con người vào
guồng máy sanh tử không cách nào thoát khỏi, nếu không biết đường tu.
Chính vì chấp ngã nên ta thích khen sợ chê, thích sướng sợ khổ. Ta
thương người nhưng muốn người ta thương phải là sở hữu của riêng ta; nên
khi xa người, ta lại như Hàn Mặc Tử :
Làm sao giết được người trong mộng,
Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng.
Một thi sĩ có bốn câu thơ sau đây :
Không đau khổ lấy chi làm chất liệu
Không buồn thương sao biết chuyện con
người
Không nghèo đói làm sao thi vị hoá
Không lang thang sao biết gió mưa nhiều.
Đau khổ là
chất liệu của cuộc sống, vì nhờ đau khổ con người mới có kinh nghiệm
trên trường đời, mới thức tỉnh tìm cách thoát khổ. Trong bốn châu nhân
gian, chỉ có cõi Diêm-phù-đề là Nam-thiệm-bộ-châu, nơi chúng ta đang ở
là có đủ điều kiện tu hành; trong khi Bắc-câu-lô-châu quá sung sướng,
người ở đó không có cơ hội thức tỉnh. Mặc khác, nhờ những khi mưa nắng
dãi dầu, ta mới hiểu rõ nỗi khổ của người nghèo khó. Nếu suốt đời chỉ
sống trong nhung lụa, luôn được thành công đắc ý, làm sao ta thấm thía
sự bần cùng thất chí của kẻ khác, làm sao thông cảm được tội lỗi của
người ? Cho nên sự từng trải đủ mùi đắng cay của cuộc sống cũng là một
điều kiện phát khởi tình thương và lòng bao dung đối với đồng loại.
Nhưng có khi
nào ta tự hỏi : những cảnh thuận nghịch vui buồn ấy có phải do từ bên
ngoài đưa đến? Cũng cùng một cảnh giới, sao bậc đạt đạo luôn an lạc mà
chúng ta lại thấy phiền não khổ đau? Cùng một buổi chiều trên sông,
người vui cho là êm đềm thơ mộng, người buồn lại cảm thấy cô đơn trống
vắng : “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thi hào Nguyễn Du
đã có nhiều kinh nghiệm sống, nên diễn tả thật sâu sắc tâm trạng con
người. Tất cả hoàn cảnh trên đời đều do tâm ta vẽ vời hết thảy; và nếu
ta có sự an lạc nội tâm, ta có thể trực diện với
mọi tình huống, giải quyết tốt đẹp mọi vấn đề. Nguyễn Công Trứ khi còn
hàn vi, dù trong cảnh nghèo cùng cực vẫn thi vị hoá cuộc sống của mình :
Ngày hai bữa vỗ bụng rau bình bịch,
Người quân tử ăn chẳng cầu no.
Đêm năm canh ngon giấc ngáy pho pho,
Thời thái bình ngủ thường mở cửa.
Đến khi làm quan lại thăng trầm nhiều
nỗi, có lúc tột đỉnh là Tể tướng, có khi bị giáng xuống làm lính thú,
ông vẫn bình thản bảo rằng: “ Lúc làm Tể tướng ta không cho đó là
vinh, thì khi làm lính sao gọi là nhục?”. Đôi lần thấm thía mùi
đời, ông cũng đã cay đắng thốt lên :
Kiếp
sau xin chớ làm người,
Làm
cây thông đứng giữa trời mà reo.
Nhưng những lúc khủng hoảng ấy cũng qua
đi, ông trở lại con người thật của mình, bằng lòng với những gì đang
có, bởi vì hạnh phúc hay đau khổ cũng chỉ ở nơi mình.Cho nên:
Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời
nhàn.([2])
Cầm kỳ thi tửu với giang sơn
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.
Chúng ta hiểu thực chất của cuộc đời là
khổ, không phải để buông xuôi phó mặc dòng đời đưa đẩy, mà phải dùng
trí tuệ để giải quyết mọi công việc, để chiến thắng mọi nghịch cảnh một
cách hiệu quả nhất. Nhờ công phu thiền tập, biết thiểu dục tri túc nên
gặp khó khổ, ta có sức định tĩnh để vượt qua; ta không mất nhiều thời
giờ lo cho cái ăn cái mặc, dành tâm trí giải quyết việc lớn của đời
mình. Chánh niệm trên từng biến chuyển của thân, trên từng vận hành của
tâm và trên từng đổi thay của cảnh, ta thấy rõ tất cả đều như huyễn.Tất
cả đều như huyễn, nghĩa là tuy huyễn mà vẫn ở trong Như
tánh, do vậy ta được bình an trước mọi cảnh ngộ, dù xấu nhất, và
đặc biệt trước sự tráo trở của lòng người. Ví như lúc ta giàu có, nhiều
người nhờ vả kính trọng; khi ta nghèo, họ ngoảnh mặt khinh khi. Ta vẫn
là ta, sao có lúc được trọng có lúc bị khinh? –Ấy là do họ khinh trọng
cái nghèo giàu của ta, chứ con người thật tuyệt đối trong ta có gì dính
dáng ? Vả lại, trong đời người đâu phải lúc nào cũng an ổn hạnh phúc,
ngay Đức Phật còn chịu nạn kim thương mã mạch, huống gì là phàm phu
chúng ta. Đã mang thân năm uẩn thì phải gặp những cảnh ngộ thuận nghịch
vui buồn khác nhau, vì đó là bản chất của cuộc đời. Trong Luận Bảo Vương
tam muội, Đức Phật dạy Mười điều tâm niệm là cách đối phó với
những hoàn cảnh khó khổ. Tu không phải là trốn chạy chính mình để tìm an
ủi nơi ngoại duyên, nơi người khác- mà cũng không thể chạy trốn được.
Người tu phải gan dạ trực diện với nỗi khổ trong tâm, với tình huống khó
khăn bên ngoài; chánh niệm soi rọi từng ngõ ngách của tâm thức và thực
trạng của hoàn cảnh, để cuối cùng chuyển hoá.
Mặt khác, hành
giả tu Thiền phải trực diện với những phút giây cô đơn. Một mình đối
diện với chính mình, ta mới có cơ hội thấy lại con người thật từ muôn
thuở. Chúng ta thường sợ sự cô đơn trống vắng, lúc nào cũng muốn có bạn
bè, người thân bên cạnh; nhất là khi có chuyện đau buồn, phải tìm người
để tâm sự hoặc tìm những thú vui tạm bợ để giải khuây. Nếu gặp bạn tốt,
có trí tuệ đạo đức, ta có thể khuây khỏa hay được góp ý để giải quyết
vấn đề. Nhưng nếu gặp bạn không tốt, không có trí tuệ thì nỗi đau ấy lại
càng nhân lên, đôi khi bị xúi dục làm điều càn quấy. Cho nên, thiền tập
là chánh niệm trên những nỗi buồn niềm đau ấy, là nhận rõ bản chất
không thật của chúng và thực hiện sự chuyển hoá, chứ không phải tô đậm
thêm nỗi đau khổ đã có. Người tu đúng theo chánh pháp, càng ngày càng
thấy bình an tươi mát, và có thể đứng vững trước mọi thử thách nghiệt
ngã của cuộc đời. Những bậc đạt đạo, khi đã nhận ra và sống hoàn toàn
với lẽ thật tuyệt đối, sẵn sàng thỏng tay vào chợ, lăn lộn trong sáu nẻo
luân hồi làm lợi ích cho chúng sanh. Tâm thênh thang không hình tướng
nên bụi trần không thể bám, như mưa gió bão bùng cỡ nào cũng chẳng hề
dính dáng đến hư không.
2. Trong hạnh phúc - thuận
cảnh:
Tuy đau khổ là
bài học cần thiết cho con người, nhưng không ai không muốn mình hạnh
phúc. Mỗi người quan niệm về hạnh phúc theo suy nghĩ tưởng tượng của
mình, theo hoàn cảnh mình đang sống; nhưng tựu trung, ít ai bằng lòng
với cuộc sống hiện tại. Người nghèo muốn giàu, người giàu muốn giàu
thêm; người có thứ nầy mong được thêm thứ khác. Họ cứ phóng tâm theo một
ngày mai không thực, chẳng biết ngày mai ấy liệu có đến không; mà dù có
đến, họ lại tiếp tục mơ về một ngày mai khác với những điều kiện tiêu
chuẩn cao hơn. Tất cả đều do lòng tham, và tham chính vì vô minh mà có.
Cũng vì vô
minh, con người tự chui vào lưới ngũ dục, cho đó là hạnh phúc, là cứu
cánh của đời mình, gọi đó là Thú đau thương, dù đau thương
nhưng vẫn thú vị, vẫn cám dỗ không cùng. Nhiều người biết tứ đổ
tường là những thứ cần lánh xa vì tác hại rất lớn cho bản thân và
cho xã hội, nhưng vẫn nhắm mắt lao vào. Đây là do tập khí thúc đẩy,
khiến họ cảm thấy hạnh phúc trong những đam mê ấy. Chư Phật nhìn thấy
chúng sanh lặn hụp trong ngũ dục một cách say sưa, chẳng khác nào đám
côn trùng chui rúc trong phân rác, thấy rất tội nghiệp nên tận tình cứu
vớt không hề mệt mỏi.
Một triết gia
Tây phương nói: “Hạnh phúc là cái gì khi bạn đuổi bắt thì nó vuột
khỏi tầm tay; nhưng khi bạn dừng lại thì nó cùng với bạn”. Có ý
niệm truy đuổi tìm cầu tức không bằng lòng với hiện tại, như kẻ thả mồi
bắt bóng, tìm đến bao giờ mới thấy hạnh phúc. Biết dừng lại tức ổn cố
được tâm, không dính mắc với trần cảnh bên ngoài, biết vui với những gì
mình đang có, ta sẽ thấy hạnh phúc tại hiện tiền. Có lần, Đức Phật đã
khuyên những người dân Kalamas: “Hãy dùng trí tuệ như tấm gương soi
lại chính mình, xem còn tham lam sân hận không. Khi tham lam sân hận
không còn trong tâm ta thì niềm hạnh phúc an lạc hiện bày”. Ta hiểu
rằng đau khổ là do mình tự tạo, nên không huân tập những hạt giống tham
lam sân hận là những yếu tố phá hoại hạnh phúc. Thiền sinh chúng ta có
quyền hoạch định tương lai, vạch chương trình cho cuộc sống, nhưng làm
sao không để tham sân chi phối, không đánh mất thực tại sinh động, đó là
cái khéo của mỗi người. Có chủ trương tu là không nghĩ đến tương lai,
không màng đến mọi chuyện bên ngoài. Chủ trương ấy e là tiêu cực không
tưởng. Thiền sinh cần nhịp nhàng theo dòng sống đang vận hành, cần phù
hợp với đà tiến hoá của xã hội; quan trọng là ở chỗ biết phản quan tự
kỷ, chánh niệm tỉnh giác và an trú nơi đương xứ. Khi đạt đến mục đích mà
không mục đích, ấy mới là sự minh triết đời đời, là bình an vĩnh cửu,
là hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc ấy không đến từ bên ngoài, không phụ
thuộc vật chất, không có tính cách nhất thời, mà do từ nội tâm an định,
có tính vĩnh cửu và siêu việt thọ tưởng. Thọ là cảm giác, Tưởng
là hy vọng tưởng tượng. Chỉ trong trạng thái thiền định ta mới vượt
thoát mọi cảm thọ đối đãi và quan niệm hình dung, và hạnh phúc vĩnh cửu
ấy là cảnh giới của riêng hành giả tự thầm nhận biết.
Lão Tử nói : “Vinh
nhục phải đều sợ”. Khi vinh hiển, được nhiều người xưng tụng, nếu
ta thấy đó là hạnh phúc thì lỡ khi bị sỉ nhục, ta sẽ đau khổ vô cùng.
Chúng ta có công phu, quán chiếu thân tâm cảnh đều không thật, sự vinh
nhục cũng như những chiếc áo khoác bên ngoài, thì bất cứ lời khen chê
nào, bất cứ tình huống nào ta đều phải tỉnh giác. Không kiêu mạn khi
được tôn vinh, không buồn đau khi bị hạ nhục; một bề ta sống với bản tâm
thênh thang thanh tịnh, từng bước thảnh thơi trước mọi biến đổi thuận
nghịch của dòng đời.
Chúng ta đang
từng bước điều phục con trâu tâm, nên dễ choáng ngợp trước những niềm
vui sướng bất ngờ. Ví như một người thân tưởng đã mất bây giờ gặp lại;
được thăng chức tăng lương trước thời hạn; con cái báo tin vui đã đỗ đạt
thành danh hay vừa hạ sanh quý tử; hoặc hôm nào đó đẹp trời, Thần tài
gõ cửa mang cho ta một phần thưởng độc đắc nằm mơ cũng chưa thấy… Nhưng
rồi, sự vui sướng ấy cũng qua mau khi xung quanh ta còn nhiều bộn bề
chưa giải quyết; hoặc bất hạnh hơn, chính cái hạnh phúc trước đó lại đưa
đến cho ta những hệ luỵ khó lường, cũng như tấm huy chương nào cũng có
mặt trái của nó. Chúng ta đã thấy nhiều trường hợp được của bất ngờ, đâm
ra tiêu xài phung phí, hoặc tranh chấp tiền bạc gây cãi vã, thậm chí
sát hại nhau. Có người được đề bạt lên một chức vị cao, có quyền thế
sanh ra hủ hoá, phạm tội và cuối cùng thân bại danh liệt. Cho nên, không
có đạo đức dẫn đường, bất cứ cám dỗ nào của ngũ dục cũng làm con người
sa ngã; và người biết tu càng phải cảnh giác trước những viên đạn
bọc đường ấy.
([1]) Phỏng theo: “Đối thoại Thiền”. Góp nhặt cát đá.
Thiền sư Muju. Đỗ Đình Đồng dịch.
([2]) Tạm dịch: Biết đủ ấy là đủ, đợi
đủ bao giờ mới đủ
Biết
nhàn ấy là nhàn,đợi nhàn bao giờ mới nhàn.