I. DẪN NHẬP.
Đề tài nầy,
mới nghe qua có vẻ lạ lẫm và khó hiểu, nhưng rất quan trọng vì liên hệ
đến tư tưởng vút cao của nhà Thiền. Thuần nhất và Đa thù là
những thuật ngữ Triết học; các triết gia đã định nghĩa bằng hàng loạt
ngôn từ rối rắm, người càng nghe càng sa vào mớ bòng bong của chữ nghĩa.
Riêng các vị Thiền sư, bằng sự thấy biết của trực giác không qua tư duy
suy luận, đã có những cách giải thích rất đơn giản nhưng kỳ đặc, đưa
môn nhân đi thẳng vào trạng thái tâm chứng, tức khắc nhận ra bộ mặt thật
xưa nay của chính mình.
Thế giới chúng
ta đang sống luôn biểu hiện muôn hình vạn tướng. Nhà Phật dùng sáu
trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) để chỉ chung tất cả pháp
tướng, trong đó mỗi trần lại gồm vô số hình thức với những tính chất
khác nhau. Chỉ nói về sắc trần, liệu trí óc con người đã phân biệt được
bao nhiêu loại, từ vi mô đến vĩ mô ? Đôi mắt hoạ sĩ có thể phân biệt 25
màu trắng khác nhau, nhưng đó mới chỉ là nhục nhãn, có nghĩa là chỉ thấy
một phần vô cùng nhỏ của vạn tượng. Chính vì những biểu hiện trùng điệp
của các pháp dàn trải xung quanh ta, nên thế giới hiện thực ta đang
sống có tính Đa thù. Đây là thế giới tương đối, là cảnh giới vô thường
duyên sinh bất thực, phát khởi từ ý thức phân tích nhị nguyên. Ngày nay,
do khoa học muốn đáp ứng thị hiếu của con người nên chế tạo nhiều vật
dụng tiện ích, từ những phương tiện giải trí ăn mặc đến
học tập rèn luyện, với đủ chủng loại màu sắc. Do vậy, tính chất Đa thù
ngày càng phát triển.
Đa thù là
cành lá hoa quả, là phần nổi, là những hình thức đa dạng của một thực
thể toàn vẹn; còn nguồn gốc, bản chất, nội dung của thực thể ấy được gọi
là Thuần nhất. Thuần nhất chỉ trạng thái chưa phân ranh, là
cảnh giới lý tưởng tuyệt đối, là bổn tâm bổn tánh của mọi chúng sanh .
Từ Thuần nhất phát sinh vô số hiện tượng, nếu chạy theo hiện tượng là
theo ngọn quên gốc. Tu là trở về nguồn cội, tìm lại bản tâm; là vẫy vùng
để thoát khỏi thế giới tương đối Đa thù, trở về thế giới tuyệt đối
Thuần nhất. Một vị Tôn túc đã luận về hai chữ Hòa thượng như sau: Hòa
là thuần nhất bất tạp, là khởi nguyên của vạn loại nhân sinh tức tri
kiến Phật; Thượng là vạn loại xưng tôn, được muôn loài chúng
sanh xưng tụng tôn kính. Người tu đến lúc tâm trở nên thanh tịnh thuần
nhất thì xứng đáng được muôn loài tôn kính cúng dường.
Thuần nhất và
Đa thù không phải là hai mặt đối lập, tương phản nhau, cái này có thì
cái kia không và ngược lại. Chúng tồn tại song song nhau, nương nhau mà
hiện hữu. Thuần nhất nằm ngay trong Đa thù, Đa thù là hiển hiện bề mặt
của Thuần nhất. Không tìm Thuần nhất ở ngoài Đa thù, không tìm bản chất ở
ngoài hiện tượng. Thuần nhất không phải một khái niệm thuần lý, cũng
không là một thực thể có hình tướng cho ta nắm bắt, một trạng thái có
thể thức tri tưởng tri. Nếu không nhận định rõ điều nầy, thì dù đạt cảnh
giới thiền định sâu xa, đó vẫn là trạng thái bị phân hóa có sở đắc như
Niết-bàn Hoá thành.
II. KHẢ
TÍNH BẤT NHỊ CỦA THUẦN NHẤT VÀ ĐA THÙ.
Khả tính bất
nhị của cặp phạm trù nầy biểu hiện trên rất nhiều phương diện, vì thế
giới hiện thực vốn muôn màu muôn vẻ. Ở đây, chúng ta sẽ khảo sát một vài
khía cạnh để minh họa vấn đề nầy.
1. Tĩnh và động:
Thiền sư
Sư-Nhan Đoan-Nham, lúc còn hành khước, đến Ngài Nham Đầu, hỏi:
- Thế nào là lý bản thường?
Ngài Nham Đầu
đáp:
- Động.
- Khi động thì
thế nào?
- Chẳng
phải lý bản thường.
Sư
trầm ngâm giây lâu. Ngài Nham Đầu liền nói:
- Chấp nhận tức chưa ra khỏi căn
trần; chẳng chấp nhận tức hằng chìm sanh tử.
Sư nhân đây
lãnh hội.
Câu trả lời
của Ngài Nham Đầu điều hợp giữa Tĩnh và Động, hiển bày lý Trung Đạo. Sư
Đoan Nham hỏi về lý bản thường là thể tánh bất động tuyệt đối, Ngài dùng
cái động để đáp và ngược lại. Những câu đáp dường như mâu thuẫn nhau,
trườn uốn, văn vẹo khó nắm bắt, nhưng đó là thủ thuật rất khéo giúp
người nghe khỏi chấp chặt một bên. Sư Đoan Nham trầm ngâm suy nghĩ là đã khởi ý hiểu thức tưởng, nên Ngài Nham Đầu phải bồi
một gậy cho con khỉ ý thức chết lịm: “Chấp nhận tức chưa ra khỏi căn
trần; chẳng chấp nhận tức hằng chìm sanh tử”. Chấp nhận lý bản
thường là có sở thủ sở đắc, tức đã phân chia năng- sở chủ – khách, vì
thế chưa ra khỏi sự phân biệt căn trần. Chẳng chấp nhận lý bản thường
tức trạng thái trầm không trệ tịch, không phải là sự buông xả tự tịnh tự
tri của bản tánh, nên vẫn còn chìm trong sanh tử. Phần đông phàm phu
chạy theo động tức những hiện tượng đa thù, sanh tâm ái luyến các pháp
nên tạo nghiệp, không thoát khỏi luân hồi. Nhị thừa thì chấp vào trạng
thái chứng đắc, vào sự tĩnh lặng của tâm, như thế vẫn còn có ngã là ta
chứng, ngã sở là cảnh giới chứng đắc của ta. Tâm chấp vào động của phàm
phu và vào bất động của Nhị thừa đều chưa phải yếu chỉ, vì còn mắt kẹt
hai bên, chưa phù hợp Trung đạo đệ nhất nghĩa đế.
Thật ra, động
và tĩnh chỉ là hai trạng thái đắp đổi của tâm, không phải tồn tại độc
lập với nhau, cũng không phải đối nghịch nhau một cách cứng nhắc. Khi tu
theo lối đè dẹp vọng tưởng, ta nghĩ tâm được an nhưng một thời gian
sau, gặp chướng duyên ta lại thấy vọng tưởng còn lẫy lừng hơn trước. Do ý
thức phân biệt tiềm ẩn, ta không nhận trạng thái động là ngã nhưng lại
nhận tĩnh là ngã, dù là cái ngã vi tế. Ta không biết rằng, bản tâm chân
thật vốn tự an tự tri, chứ không miễn cưỡng để có an có biết. Chỗ lặng
lẽ vốn có của tự tánh là lặng lẽ mà vẫn có dụng chiếu soi, như gương
sáng vốn lặng mà vốn chiếu. Nơi bất động thanh tịnh vẫn khởi động dụng
của thân tâm, đây là ý nghĩa uyên áo của cặp phạm trù Thuần nhất – Đa
thù trên lĩnh vực Tĩnh và Động.
Truyện ngụ
ngôn của La Fontaine kể về một cô gái bán sữa. Buổi sáng, cô đội bình
sữa đi bán. Vừa đi vừa suy tính, bán xong sữa nầy sẽ mua trứng gà về ấp.
Trứng nở thành gà con. Gà lớn, cô bán mua heo. Heo nuôi lớn, cô bán mua
dê… Dê cái sinh được mấy chú dê con, chạy nhảy rất vui. Cô tưởng tượng
đàn dê nhảy nhót, cô nhảy theo và làm rơi vỡ bình sữa. Thế là chẳng còn
sữa, chẳng còn gà heo dê. Con người chúng ta vẫn thường cho tư tưởng
chạy bốn phương tám hướng như thế, khác nào cô gái nói trên. Hình ảnh Tề
Thiên Đại Thánh có phép Cân đẩu vân là tượng
trưng của ý thức con người , có khả năng bay lượn khắp nơi chốn, lại có
thể trở về bao nhiêu thời gian quá khứ hoặc mơ tưởng bao nhiêu bước
tương lai. Tuy nhiên, dù tài phép đến bậc nào, Tề Thiên cũng không thể
bay qua khỏi bàn tay Phật Tổ; dù ý thức suy tưởng động dụng cỡ nào, cũng
không ra khỏi nguồn gốc thường tịnh của thể tánh chơn như. Ví như muôn
đợt sóng to nhỏ trong đục khác nhau, dù sanh dù diệt cũng không bao giờ
ra ngoài mặt biển. Chúng ta nhiều lúc thấy bất an nên có ý niệm đi tìm
sự an ổn nội tâm. Nhưng tâm an ấy cũng chỉ là khách; còn cái gì quán
xuyến tất cả những tình huống an – bất an, tĩnh – động…, cái ấy luôn
hiện tiền và siêu việt mọi chấp trước nhị biên. Sự chứng ngộ không phải
trạng thái bất động mà là thường chuyển, nhưng tuy thường chuyển mà vẫn
tự do. Phàm phu chúng ta ở nơi động và động chuyển theo, nên quay cuồng
theo cảnh. Các bậc ngộ đạo thì ở nơi động mà vẫn luôn ở trong sát-na
hiện tiền bất động, nên các Ngài rất tự tại nơi trần thế; vẫn làm mọi
việc giúp người mà luôn sống với tự tánh thanh tịnh thường nhiên. Và vì
tự tánh là “Không một vật”, không đến không đi, không hề biến đổi, nên
Lục Tổ bảo rằng: “Đối cảnh tâm thường sanh, Bồ-đề làm gì lớn”.
2. Thể và dụng:
Kinh Hoa
Nghiêm có câu: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”.
“Nhất” là trạng thái chưa phân hóa của vạn vật, là thể tánh thanh tịnh
thuần nhất của muôn pháp. “Nhất thiết” là tình trạng đã phân hoá, là
biểu tướng đa thù sanh diệt, là diệu dụng của Nhất. Kinh Niết –Bàn, Đức
Phật dạy mọi chúng sanh đều là Phật vì đều sẵn đủ thể tánh chân như. Ví
như vàng trong quặng, dù còn lẫn nhiều tạp chất nhưng bản chất vàng
không bao giờ mất. Vì bản chất vàng không bao giờ mất nên khi được tinh
luyện, liền trở thành vàng ròng. Tu hành có nghĩa là lọc bỏ những tập
khí phiền não để hiển lộ Phật chất có sẵn của mỗi người.
Muôn loài
chúng sanh, thật ra chỉ khác nhau về nghiệp. Do nghiệp tự tạo không đồng
nên chánh báo và y báo không ai giống ai. Tuy nhiên, tận cội nguồn tâm
thể thì tất cả đều bình đẳng; như muôn ngàn đợt sóng, dù khác nhau về
hình tướng nhưng cùng bản chất nước. Hình tướng thì đa thù, bản chất
luôn thuần nhất; trong lúc động dụng thi vi thì hình tướng biến đổi sanh
diệt, còn bản chất luôn hiện hữu và không hề thay đổi bao giờ.
Thiên
giang hữu thủy thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân
vạn lý thiên.
Một
vầng trăng trên trời soi bóng thành ngàn vầng trăng dưới nước; bầu trời
có một, nhưng nơi nào không mây nơi đó có bầu trời. Trăng và bầu trời
chỉ thể tánh thuần nhất; ngàn trăng dưới nước và muôn dặm trời chỉ diệu
dụng đa thù. Thể thì có một nhưng phát sanh vô số dụng, và tu có nghĩa
là phăng từ dụng tìm về thể tánh. Ý nghĩa chăn trâu của nhà Thiền, từ
dấu chân trâu là dụng, phăng tìm về nguồn thấy trâu là thể, tức từ vọng
phăng về chơn tâm. Vì thế, không thể bỏ vọng tìm chơn, bỏ đa thù mà tìm
được thuần nhất. Con người chúng ta nhỏ nhoi và sống đời sống ngắn ngủi
trong vũ trụ bao la, trong thời gian vô tận, nhưng trong cái nhỏ nhoi có
biểu hiện của bao la, trong đời sống hữu hạn có biểu hiện nguồn nhân
sinh vô hạn. Trong cuộc trường chinh sanh tử, lăn lộn theo sáu nẻo luân
hồi, chúng ta đều sống chung với Phật; có điều ta không biết nên cứ mãi
làm kẻ bần cùng sống bên gia tài đồ sộ. Đây là bi kịch của chúng sanh,
và các bậc Giác ngộ thương tất cả chúng sanh cũng vì bi kịch vô minh ấy.
Một lần Tôn
giả Xá-Lợi-Phất đến bạch cùng Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, tất cả chư
Phật mười phương không vị nào có trí tuệ như Thế Tôn”. Đức Phật trả lời: “Này Xá-Lợi Phất, Ông đừng nói
như thế. Chư Phật mười phương đều bình
đẳng ở trí tuệ và công hạnh đô sanh”. Nhiều cây đèn cùng đặt trong
phòng, tuy hình dạng khác nhau nhưng ánh sáng chỉ có một thể. Chư Phật
đều có trí tuệ như nhau, công hạnh viên mãn; chỉ có những phương tiện đô
sanh khác nhau nên mỗi vị thiết lập Tịnh- độ riêng , tùy nguyện lực của
mình. Các bậc Đại Bồ-tát cũng thế, tùy hạnh nguyện của các Ngài mà
chúng ta tôn xưng bằng nhiều hồng danh riêng biệt: Vị Bồ-tát chuyên quán xét tiếng kêu cứu của thế gian, tùy cảm tùy ứng
mà hoá độ, được tôn la Đại từ Đại bi Quán-Thế-Âm Bồ-tát ; vị
Bồ-tát thệ nguyện đô tất cả chúng sanh cõi Địa ngục với lời nguyền sấm
sét : “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”, được chúng ta vô
cùng kính ngưỡng dưới danh xưng U minh Giáo chủ Đại nguyện
Địa-Tạng-Vương Bồ-tát… Các ngài từ thể tánh chân như thuần nhất,
phát khởi diệu dụng như hằng sa, muôn hình ngàn trạng để muôn loài đều
được thấm nhuần ơn đức.
Tinh thần Thể -
Dụng được biểu hiện rõ trong Tâm kinh Bát-Nhã chúng ta đọc tụng mỗi
ngày: Sắc là dụng với muôn màu muôn vẻ, nhưng bản thể của tất cả đều
Không. Không ở đây chẳng phải không có gì, mà là không có tự thể. Muôn
pháp đều do các duyên hợp lại mà thành, khi hết duyên, chúng trở về
không. Một cái hoa do từ những cái không phải hoa tụ hội theo một cách
thức, một trình tự nào đó; rồi sau một thời gian, hoa héo rồi tàn và
cuối cùng trở lại hư không. Như vậy, Sắc do các Phi sắc kết hợp theo
duyên, tức từ Không mà có; lúc hết duyên, Sắc thành Không. Lại nữa,
chẳng phải trước khi Sắc sanh hoặc sau khi Sắc diệt mới là Không, mà
trong hình tướng Sắc đã là bản thể Không ngay đó. Vì thế, Sắc tức Không
và Không tức Sắc; Không là thể tánh thuần nhất, Sắc là động dụng đa thù.
3. Lý tưởng và hiện thực:
Lục Tổ có bài
kệ nổi tiếng:
Phật
pháp tại thế gian
Bất
ly thế gian giác
Ly
thế mích Bồ đề
Kháp
như tầm thố giác.
Lông rùa và sừng thỏ được xem như những
vật không có thực, và người tu xa lánh thế gian tìm cầu giác ngộ cũng
giống như kẻ bỏ công kiếm sừng thỏ lông rùa. Ngày nay, tại một vùng ở
Trung Quốc đã thấy xuất hiện loại rùa xanh có lông trên mai, và có người
đã chụp được bức ảnh một con thỏ có sừng. Nhưng dù lông rùa và sừng thỏ
là thực tại đã hiện hữu, thì ý nghĩa của bài kệ vẫn luôn là chân lý.
Không thể tìm Phật pháp ngoài thế gian, không thể tìm thế giới lý tưởng
ngoài cảnh đời hiện thực.
Thế giới hiện
thực chúng ta đang sống là hoàn cảnh chánh báo và y báo của tất cả chúng
sanh. Thế giới nầy có tính lưỡng thể: âm và dương, sanh và tử, hạnh
phúc và đau khổ…, biến đổi không dừng và biểu hiện bằng vô số ảnh tượng,
tùy nghiệp lực của từng loài. Ví như cùng một dòng sông, đối với loài
cá là môi trường sống, với loài ngạ quỷ là một dòng thác lửa, với chư
thiên lại là dãy lưu ly … Loài người chúng ta, nhìn một cảnh nhưng cũng
có những cái thấy khác nhau; hoặc tùy tâm trạng lúc vui lúc buồn mà thấy
cảnh tượng khi thế nầy khi thế khác. Tất cả những biến đổi thiên hình
vạn trạng của thế giới đa thù nầy đều do tâm ta xáo động bất an, lại đem
tri kiến đầy ngã chấp của ta áp đặt lên các pháp. Rồi sau đó, chúng ta
thấy cuộc đời nhiều khổ não, đầy bon chen xấu ác, muốn tìm đến một nơi
hoàn toàn an lạc thiện lành. Ta phân biệt rạch ròi giữa một thế giới lý
tưởng thuần nhất với cảnh giới hiện thực đa thù ta đang sống. Ta tu hành
cũng với mục đích vươn đến cái vô hạn, cái mênh mông phi thời gian,
nhất là khi gặp hoàn cảnh bức bách khốn cùng, vì ta thấy
mình là sinh linh nhỏ nhoi yếu đuối.
Tuy nhiên, ý
nghĩa tu hành không phải là sự trốn tránh thế gian tìm cầu Phật pháp, mà
là chuyển hoá tự tâm. Khi tâm ta thanh tịnh thì nơi nào cũng là Tịnh
độ, dù đang ở cõi trần; nếu còn phiền não bất an thì ở đâu cũng chỉ là
cảnh đời đau khổ. Các Thiền sư khi nghe hỏi thế nào là đại ý Phật pháp,
thường trả lời bằng những cảnh những vật đang hiện hữu, như cây bá
trước sân, ba cân gai, chén trà … Phật pháp ở ngay hiện tượng giới,
là bất cứ pháp thế gian nào. Phàm phu chúng ta để tâm dong ruổi bốn
phương, lúc đối duyên xúc cảnh luôn khởi niệm phân tích, nên mỗi ngày
đều uống trà mà có thấy Phật pháp ở đâu. Các Ngài do tâm tĩnh lặng mà
hằng tri, dung thoát mọi trần cảnh, nên Phật pháp tại hiện tiền. Hoa sen
chỉ mọc tốt tươi và tỏa hương tinh khiết ở chỗ bùn nhơ nước đục, các
bậc Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ phải thị hiện vào cõi Ta-bà mới thành tựu
Phật quả. Đối với các Ngài, Tịnh độ và Ta bà không hai, như Thiền sư Đạo
Giai nói: “Sanh không thích Thiên đường, tử không sợ Địa ngục.
Buông tay đi ngang ngoài tam giới, mặc tình vươn bổng nào buộc ràng”.
Có
người hỏi một Thiền sư :
- Thế nào
là Phật ?
Ngài trả lời :
- Ông già phàm phu.
Câu đáp mới nghe dường như quá vô lễ,
nhưng thật đã đền ơn Đức Phật đến tột cùng. Chúng ta thường nghĩ về Đức
Phật như một đấng siêu nhiên, luôn ở trong tư thế kiết già trên toà sen,
hay khoác cho Ngài những chiếc áo mầu nhiệm khác thường. Nhưng khi Đức
Phật còn tại thế, Ngài vẫn sinh hoạt, nói năng, vẫn làm mọi việc như
người thường; chỉ khác ở chỗ Ngài làm mà không khởi vọng niệm, làm với
tâm vô trụ vô trước nên luôn ở trong đại định. Ngài không sống nơi thế
giới lý tưởng xa rời thực tế, mà là một người bình thường nhưng phi
thường vì dứt sạch phiền não lậu hoặc. Những pháp tu Ngài dạy chúng ta
không trốn chạy sự sống, không xa lánh cuộc đời, mà luôn biểu hiện sức
sống nơi dòng chảy bất định của muôn pháp. Từ chỗ nầy, nhà Thiền có công
án nổi tiếng : “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ ?” (muôn
pháp về một, một về chỗ nào ?). Muôn pháp và một là
bất khả phân, vì muôn pháp là ngọn, còn một là nguồn.
Đã là nguồn thì còn trở về đâu nữa ? Muôn pháp hình thành nên
thế giới hiện thực; một là thế giới lý tưởng, là bản tâm chân
thật bất sanh của tất cả mọi loài. Nếu ta còn thấy lý tưởng và hiện thực
là hai đối cực, thì ta vẫn còn tâm lấy bỏ, còn trụ vào Niết-bàn Hoá
thành mà không siêu vượt được mọi đối đãi nhị nguyên, thể nhập Niết-bàn
Bảo sở.
4. Thể tánh và vạn tượng:
Thiền sư Tam
Bình Nghĩa Trung có bài kệ :
Tức thử kiến văn phi kiến văn
Vô dư thinh sắc khả trình quân.
Cá trung nhược liễu toàn vô sự
Thể dụng hà phòng phân bất phân.
Dịch:
Chính nơi thấy nghe chẳng thấy nghe
Không còn thinh sắc để trình anh.
Trong ấy nếu liễu toàn vô sự
Thể dụng ngại gì phân chẳng phân.
Nơi thấy nghe
vẫn hay biết rõ ràng, nhưng không khởi niệm biện giải nên cũng như chẳng
thấy nghe. Tri kiến vô kiến chính là Niết-bàn, vì không tạo ý
nghiệp tức không còn sanh tử. Nơi thinh sắc nếu tự liễu hội tất cả đều
vô sự, tức hiện tiền không một vật, thì như trồng hoa trên đá, cần chi
phân biệt tánh-tướng lý-sự. Đây là cái thấy của bậc đạt đạo, hoàn toàn
thể nhập bản tánh bất sanh.
Nhưng từ đâu
bậc đạt đạo ngộ ra thể tánh ? Một Thiền sư bảo tri sự đánh kiểng họp
chúng tại phương trượng. Ngài bảo, ta chuẩn bị ra đi, hãy nghe ta nói
kệ. Toàn chúng yên lặng chờ nghe, lúc ấy bỗng có tiếng chuột kêu. Ngài
an nhiên thị tịch, không thêm lời nào, vì tiếng chuột kêu là bài kệ quá
sống động rồi. Một thiền khách mới đến, nghe tiếng roi của Tri sự đánh,
liền ngộ đạo. Thiền sư Linh Hựu tỏ ngộ nhờ Tổ Bá Trượng vạch trong lò
được chút than lửa, đưa cho. Đạo lý gì ở những biểu hiện trùng điệp của
vạn tượng?.
Các pháp tuy
thiên sai vạn biệt nhưng đồng nhau ở tính chất duyên sinh giả hợp. Chúng
là sự hội tụ của các duyên, Sanh là tạo ra; Chúng
sanh có nghĩa là nhờ các duyên tụ họp nhau mà sanh khởi. Các pháp
trong vũ trụ là chúng sanh vô tình, con người và các động vật là chúng
sanh hữu tình; tất cả được gọi theo danh từ Duy thức học là Y tánh
duyên khởi pháp.Y tánh là từ tánh Không, Duyên khởi là nhờ duyên mà
sanh khởi. Không có pháp nào rời thể tánh mà có thể sanh ra, nên dù
hình tướng khác nhau nhưng vẫn đồng nhau ở thể tánh. Vạn tượng thì đa
thù, thể tánh thì thuần nhất không tạp. Tất cả đạo lý đều quy thú về thể
tánh, như đạo Phật có thuyết Chơn như duyên khởi, Chơn như là
thể tánh, Duyên khởi ra vạn tượng; Lão Tử chủ trương “Muôn vật sanh
ra từ cái có, Có sanh từ nơi Không”. Khổng Tử gọi cái Không ấy là Thiên
lý, Thiên mệnh; Đạo Thiên chúa cho rằng Chúa trời là Đấng
sáng thế tạo ra toàn thể vũ trụ nhân sinh. Triết thuyết Đông phương có
khái niệm Hình nhi thượng là Chơn như, Hình nhi ha là
vạn tượng. Tuy các học thuyết dùng nhiều danh từ khác nhau, nhưng tựu
trung cũng chỉ nói về cái bản thể không tên gọi ấy mà thôi.
Chúng ta tu,
chính là trở về với bản tâm thể tánh. Nhưng nhận ra thể tánh phải từ vạn
tượng, như từ những con nước mà phăng tận đầu nguồn. Từ thể tánh phát
sanh vạn tượng, và trong sự sống động của vạn tượng luôn luôn hiển bày
thể tánh, nên thể tánh và vạn tượng không hai. Khi mê, chúng ta chạy
đuổi theo các pháp, khởi niệm phân biệt, tạo nghiệp và thọ khổ. Nhưng
ngay trong mỗi thân tứ đại vô minh đều có sẵn tánh giác chưa hề vắng
thiếu. Nếu không có tánh giác thì người tu không thể thành Phật, như nấu
cát không bao giờ thành cơm được. Có thể nói, lúc mê là chúng sanh,
thấy các pháp hiện bày ngàn sai muôn khác; khi giác là Phật, các pháp
trở về trạng thái nhất như. Các pháp không tự biến đổi, chỉ do tâm ta
thanh tịnh hay não loạn mà hiển hiện nơi thể tánh thuần nhất hay vạn
tượng đa thù. Mê là bóng tối, giác là ánh sáng. Khi đèn bật lên, mọi vật
trong phòng hiện bày rõ rệt ; nhưng lúc chưa có đèn, mọi vật vẫn chưa
hề biến đổi, chỉ vì tối tăm nên người lẫn lộn chúng mà thôi. Bậc Giác
ngộ nhìn các biệt tướng rõ ràng trong một bản thể duy nhất, như gương
soi rõ vật nào ra vật ấy, và khi không có vật, gương vẫn sẵn bản chất
vốn lặng vốn chiếu xưa nay. Hiểu tường tận vấn đề này, ta sẽ rõ vì sao
nhà Thiền không loại bỏ Đa thù thủ chứng Thuần nhất, vì chúng sanh và
Phật là hai mặt của một tổng thể toàn vẹn bất khả phân ly.
III. ÁP DỤNG THỰC TẾ.
1. Khoa học và Đạo học:
Pascal nói: “Tôi tư duy, do vậy tôi
hiện hữu”(Je pense, donc je suis). Tư duy là hành vi của ý
thức, có phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, có lúc sanh lúc diệt, khi
đến khi đi. Nếu nhận tư duy là mình thì khi không suy nghĩ gì cả mà vẫn
biết, cái biết đó là ai? Và nếu tư duy là mình thì chẳng lý nào mình
lại biến thiên nhiều mặt buồn vui thiện ác … đến thế? Quan niệm “ Có tư
duy là có mình” thật ra cũng hợp lý trên phương diện tục đế
nhưng không chính xác trên chân đe, bởi vì ta lầm cái giả ngã
động dụng là mình mà không thấy chân ngã bất động, nhận hình tướng sai
biệt đa thù mà không nhận bản chất thuần nhất bất sanh. Đây là sự mê lầm
của con người, và chư Phật thương chúng sanh một cách bình đẳng cũng vì
cái vô minh ấy.
Ngày nay, khoa
học đã đi đôi hia bảy dặm để có những bước đột phá về cả hai lĩnh vực
vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần khoa học là dám hoài nghi và tiếp thu có
chọn lọc những tri thức và kiến thức của nhân loại. Sở trường của khoa
học là vận dụng chất xám trong suy luận, phân tích và tổng hợp để khám
phá những bí mật của con người và thế giới, mục đích phục vụ cho cuộc
sống con người. Tuy nhiên, vì có đối tượng là bản ngã nên khoa học lầm
lẫn ngay từ đầu, vì còn ngã chấp là còn đau khổ, còn bất an. Nhiều thành
tựu của khoa học lại bị áp dụng để phục vụ cho
tham vọng của con người, tạo điều kiện cho kẻ mạmh ức hiếp kẻ yếu, nước
giàu lấn át nước nghèo. Ngay đối với ngành Y, một ngành khoa học có ý
nghĩa cao đẹp là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người, hiện tại cũng bị
những người vô đạo đức biến thành một thứ kỹ nghệ, một ngành kinh doanh
mới, thậm chí trở thành tội ác. Ví như kỹ thuật ghép nội tạng, mục đích
cứu mạng sống cho bệnh nhân, nhưng có những tổ chức biến công việc này
thành thị trường mua bán nội tạng, con người trở thành món hàng trao
đổi. Từ đó những phương pháp điều trị hiện đại bỗng trở nên xa lạ với
truyền thống nhân bản của ngành Y. Cho nên, một nhà khoa học đã nói “Khoa
học không có lương tâm chỉ là sự hũy hoại linh
hồn”.
Từ sự bế tắc
của khoa học, một số nhà bác học quay sang nghiên cứu về Đạo học, và cho
rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học và tâm linh. Albert Einstein, nhà
bác học hàng đầu thế giới của thế kỷ 20 đã nhận xét: “Tôn giáo
tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi ý nghĩa thần linh,
giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự
nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm
tổng thể mà không rời nhất thể. Phật giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy”.
Đạo Phật vượt lên ý nghĩa thần linh, vì Đức giáo chủ đã xác nhận mình
chỉ là một vị Thầy dẫn đường, không là một đấng quyền năng ban phước
giáng hoạ. Đạo Phật không có giáo điều vì không hề đưa ra những khuôn
khổ cứng nhắc, không hề có giáo quyền bắt buộc người khác tuân theo; và
nhờ uyển chuyển tùy duyên, suy tiến sự tự nguyện tự giác nên suốt 25 thế
kỷ truyền đạo, chưa bao giờ làm hại một ai. Giáo lý của
đạo Phật không mang tính mặc khải thần học, mà bao quát cả tự nhiên lẫn
siêu nhiên; tự nhiên là tự nó vốn có, tồn tại độc lập với ý thức con
người như lý vô thường, nhân quả; siêu nhiên là sống ngay cảnh đời mà
không bị đời ràng buộc. Người tu Phật biết thân mình là vô thường sanh
diệt, nhưng ngay thân vô thường nhận ra tự tánh bất sanh; biết con người
nhỏ nhoi hữu hạn, nhưng ngay thân phận hữu hạn nhận ra bản thể vô hạn
bao la. Tự nhiên là thuộc Tục đế có sanh có diệt, siêu nhiên là Chân đế
bất sanh; cả hai đều được liễu hội và tiêu dung trong tinh thần bất nhị
độc đáo của nhà Phật. Và chính trong tinh thần ấy, những bậc đạt đạo đã
có kinh nghiệm tổng thể lẫn biệt thể về vũ trụ vạn loại bằng sự thấy
biết như thật. Đây là hành vi của trực giác Bát-Nhã, của trí vô sư nên
không có ngã tướng. Những nhà tu Phật cũng là những khoa học gia, nhưng
là khoa học tâm linh vượt lên trên khoa học vật thể, vì các Ngài khám
phá được bản thể của muôn pháp và thực hành những phương tiện giúp mình
giúp người vượt thoát trần lao sanh tử.
Như vậy, khoa học muốn là công cụ hữu
ích thì phải song hành với Đạo học. Khoa học là hình thức đa thù của
cuộc sống, Đạo học là nội dung thuần nhất của cuộc sống ấy. Hình thức và
nội dung phải đi đôi, phải hòa hợp, phải quân bình. Nhiều người là Phật
tử, nhưng do choáng ngợp trước sự phát triển vượt bực của khoa học mà
muốn xét lại quan điểm của đạo Phật, cho rằng như thế là phù hợp với
thời đại. Quả thật khoa học là phương tiện hữu ích để kiểm chứng và xác
định giá trị của giáo lý đạo Phật, nhưng không vượt qua được hệ thống
giáo lý ấy. Cái nhìn của khoa học chỉ phiến diện theo thức tri tưởng tri
trong phạm vi thế gian mà không khám phá được pháp giới, và không bơi
lội vào trạng thái siêu nhiên của những bậc đạt đạo. Đối tượng nghiên
cứu của khoa học chỉ ở trong thế giới hữu hình, tinh tế nhất là dạng
sóng và hạt cũng chỉ là hữu hình trong vũ trụ; trong khi đạo Phật bao
quát cả pháp giới vừa hữu hình vừa vô hình. Đức Phật bằng cái thấy minh
triết, đã triển khai cặn kẽ về lý duyên sinh vô thường của các pháp,
đồng thời chỉ dạy cùng tột về bản thể chân như vô tướng. Ánh sáng khoa
học lần lượt soi rọi những bí mật về vũ trụ nhân sinh, càng chứng minh
những điều Đức Phật đã nói trước đây 25 thế kỷ là vô cùng chính xác. Và
trí tuệ siêu xuất của Ngài đã làm thế giới văn minh phương Tây ngạc
nhiên bái phục, đến nỗi một lần nữa, Einstein phải thừa nhận: “Nếu
có một tôn giáo nào thoả mãn được các nhu cầu của khoa học hiện đại, thì
đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập
nhật hoá với những khám phá mới. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của
mình để theo khoa học, vì Phật giáo bao gồm cả khoa học, và hơn thế,
vượt qua khoa học”.
Trong cuộc
sống thường nhật, nếu con người áp dung khoa học song song với Đạo học,
nếu nền văn minh nhân loại có đạo đức soi đường, thì cuộc đời là Thiên
đàng hạnh phúc. Có đạo lý, sự vui tươi giải trí mới có ý nghĩa, nếu
không thì chỉ thỏa mãn những thị hiếu, những dục vọng tầm thường. Một số
thanh thiếu niên ngày nay không có hướng đi đúng đắn, gia đình quá
nuông chìu, đã lãng phí tuổi xuân vào những cuộc vui không lành mạnh,
cuối cùng chuốc lấy những hậu quả khó lường. Ngay cả những tiện nghi
sinh hoạt, người sản xuất phải luôn thay đổi kiểu dáng, mặt hàng và đủ
cách tiếp thị , khuyến mãi. Con người cứ thế bị vây hãm trong trường hỗn
độn của màu sắc, mùi vị, âm thanh; bị lôi kéo bởi tính đa thù của sự
vật bên ngoài mà quên mất thể tánh thuần nhất bên trong. Từ đó, đánh mất
luôn sự bình an muôn thuở.
Ném một hòn
sỏi xuống hồ, sức chấn động từ hòn sỏi tạo thành những vòng tròn đồng
tâm lan khắp mặt hồ. Đây là ảnh hưởng tương tác. Biệt nghiệp của mỗi
chúng sanh khác nhau, nhưng cộng nghiệp cũng ví như sự lan truyền của
chấn động nói trên. Mỗi người có ảnh hưởng hỗ tương với những người xung
quanh và môi trường họ đang sống. Ta khởi một niệm ác thì niệm ác này
có tác dụng xấu ra chung quanh; nếu tâm từ phát sinh thì cả cây cỏ chim
muông cũng đều cảm nhận được. Điều này thấy rõ khi ta ở gần một vị chân
tu đắc đạo, từ trường của Ngài tỏa lan khiến ta có cảm giác bình an tươi
mát, dù Ngài không làm gì, nói gì.
Đức Khổng Tử
đã nói : “Chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là chẳng thể dời đổi.
Những hạng trung gian có thể chuyển đổi từ ác sang thiện và ngược lại”.
Chúng sanh đa phần không hiểu đạo lý, mãi tạo nghiệp hư vọng điên đảo,
không việc ác nào chẳng làm, không việc làm nào chẳng ác, như kinh Hoa
Nghiêm diễn tả: “Giả sử nghiệp ác có hình tướng thì mười phương hư
không cũng chẳng dung chứa hết”. Đó là nhân đọa vào ba đường dữ.
Người biết đạo đức, bỏ ác làm lành là tiến một bước trên đường hướng
thượng, tạo phước báo nhơn thiên, nhưng còn hữu vi hữu tướng, nên chưa
ra khỏi luân hồi. Các vị Thánh Nhị thừa lánh xa tướng đa thù, rũ sạch nợ
đời đoạn ly sanh tử, trở về bản thể thuần nhất
bất động và an trú trong đó. Các Bậc Bồ–tát và những vị A-la-hán lợi căn
thì sau khi liễu đạo, các Ngài thấu triệt tinh thần bất nhị nên siêu
vượt thiện-ác, phiền não và Bồ đề, phát nguyện trở lại Ta-bà độ tận
chúng sanh.
2. Áp dụng trong công
phu:Từ đa thù nhận ra thuần nhất.
Là thiền sinh,
chúng ta phải có công phu thiền tập. Dù tư biện huyền đàm khéo giỏi đến
bao nhiêu mà không đi sâu vào mảnh đất tâm của chính mình, thì chỉ như
đếm tiền dùm người khác. Chứng nghiệm Thiền không nhờ chữ nghĩa chuyên
chở, mà nhờ quá trình tu tập giúp mình nhận rõ từng dấu vết của tâm
niệm, từng sự biến đổi của vạn hữu, từ đó phăng tìm nguyên uỷ là thể
tánh tự tịnh tự tri. Đây là tiến trình bơi ngược dòng nước, từ vạn tượng
đa thù nhận ra bản thể thuần nhất.
Con
người chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe, và cho đó mới là trí
tuệ. Thật ra, có những việc ở ngay trước mắt mà nhục nhãn không thấy
được, trí óc giới hạn của con người không hiểu thấu. Thấy biết được thì
cho là có, không thấy biết cho là không; nhưng có và không đều do ý thức
lập bày, mà ý thức chỉ là phần nổi của tâm. Tâm là bản thể, là nguyên
ủy của mọi sự vật hiện tượng, là họa sĩ vĩ đại vẽ ra hoàn cảnh chánh báo
và y báo của chúng sanh. Đức Phật dạy: “Tam giới hư vọng đản thị
nhất tâm tác”, ba cõi đều hư vọng, chỉ do
một tâm tạo ra. Tùy phước nghiệp và tâm mỗi người mà các pháp biểu hiện
thành nhiều vẻ khác nhau. Chỉ một tâm mà tạo dựng muôn loài chúng sanh
cùng khắp pháp giới; nên nếu muốn nhận ra tâm, phải phăng tìm từ muôn
pháp hay từ thân năm uẩn của chính mình.
Kinh Pháp Hoa
có bốn câu kệ:
Chư
pháp tùng bổn lai
Thường
tự tịch diệt tướng.
Phật
tử hành đạo dĩ
Lai
thế đắc tác Phật.
Nghĩa:
Các
pháp từ xưa nay
Tướng
thường tự vắng lặng.
Phật
tử hành đạo rồi
Đời
sau được thành Phật.
Từ xưa đến
nay, tuy biểu tướng các pháp là biến đổi vô thường, nhưng thực tướng
thường tự vắng lặng. Chúng ta chỉ có cái thấy hời hợt bên ngoài, lại đem
ý thức áp đặt lên các pháp nên thấy chúng náo động sanh diệt. Nếu nhìn
thấu thể các pháp, nhận ra thực tướng vô tướng của chúng, là cái thấy
phản tỉnh trở về nguồn cội. Công phu như thế, Phật tử có thể cùng chư
Phật chư Tổ song hành. Sơ Tổ Trúc Lâm Yên Tử lúc sắp tịch, bảo môn đệ
Bảo Sát: “Đến giờ ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đến nơi nào?”. Ngài đáp:
Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi liễu dã.
Nghĩa:
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu khéo hiểu như thế
Chư Phật luôn trước mắt
Làm gì có đến đi.
Khi nhận rõ
các pháp xưa nay tướng thường tự vắng lặng, thì đương sanh mà vô sanh,
đương diệt lại vô diệt. Do vậy, phải tìm vô sanh ngay các pháp sanh, tìm
vô diệt ngay các pháp diệt. Khéo hiểu điều này, chư Phật ở ngay đương
xứ chưa hề đến đi, nên gọi Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ. Chư
Phật thường hiện tiền vì chư Phật là thể tánh thanh tịnh nơi mọi chúng
sanh cùng khắp pháp giới.
Trong kinh Hoa
Nghiêm, Đức Phật dạy:
Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo.
Nếu muốn liễu
hội trọn vẹn ba đời chư Phật, hành giả phải quán tánh pháp giới, tất cả
đều do tâm tạo. Tánh pháp giới là Không tánh, bản chất bất động an
nhiên; khi châu lưu thì thể hiện bằng nhiều hình tướng. Mọi cảnh giới
đều do tâm tạo, thân năm uẩn cũng từ tâm mà có. Khi nào còn phân biệt
giữa chủ thể và đối tượng nhận thức, giữa ta và cảnh, ta còn chưa vượt
được rào cản nhị nguyên, còn quẩn quanh giữa hình thái đa thù của pháp
giới. Khi tâm hoàn toàn lặng lẽ, đối cảnh không khởi niệm mà vẫn thường
hay biết, ta nhận ra thực tướng của các pháp. Như vậy, ngay những hình
tướng muôn trùng của sự vật, khi không còn hoạt động của thức tri tưởng
tri tức sản phẩm của thức, hành giả thấu suốt pháp giới tánh nhờ thắng
tri, nhờ trực giác phóng xuất. Ấy là từ biểu tướng đa thù nhận ra thực
tướng thuần nhất của muôn pháp.
Tổ Lâm Tế một
hôm bảo trước chúng:
- Trên cục
thịt đỏ có Vô vị chân nhân, thường từ cửa mặt các ông ra vào. Người
chưa được chứng cứ hãy xem, xem!
Một vị tăng
bước ra thưa hỏi:
- Thế nào
là Vô vị chân nhân?
Tổ bước xuống
pháp toà, nắm cổ áo của vị tăng và nạt: “Nói! Nói!”. Vị tăng
không đáp được. Tổ buông thỏng một câu:
- Càn thỉ
quyết! (Que phân khô)
“Vô vị chân
nhân” là chân nhân không ngôi thứ, chỉ bản tâm vô nhất vật. Bản tâm
không hình tướng, trùm khắp vạn tượng, lưu xuất từ thân ngũ uẩn nên nói
trên cục thịt đỏ có Vô vị chân nhân. Từ bản tâm hiển lộ ra sáu căn, nên
nhà Thiền gọi là tánh thấy nghe hay biết. Tổ bảo người chưa chứng cứ hãy
xem, nhưng chưa nhận ra bản tâm thì làm sao xem thấu? Vị tăng cũng đã
có chỗ thấy, nhưng chưa sống hoàn toàn với bản tâm, nên khi Tổ lấn át
bằng cơ phong cao vút thì vị tăng mất định tĩnh, không thể trả lời. Cuối
cùng, Tổ buông câu Càn thỉ quyết, có tính cách thô lỗ giúp
đương cơ bặt vọng niệm trực nhận vấn đề, nhưng vị tăng chạy theo tiếng
nên đã lầm qua. Những người sau nầy cũng mãi mê giải thích bao điều về
que phân khô, tất cả đều bị đầu lưỡi Thiền sư đánh lừa.
Ngài Ngưỡng
Sơn Huệ Tịch là môn đệ xuất cách của Tổ Qui Sơn Linh Hựu. Bữa nọ chăn
trâu dưới núi, Ngài thấy một vị tăng lên núi cầu pháp với Tổ, nhưng
chẳng bao lâu lại xuống. Ngài bèn hỏi:
- Thượng
tọa sao không lưu lại?
Vị tăng đáp:
- Vì nhơn
duyên không hợp.
- Có nhơn
duyên gì, hãy nói xem !
- Hòa thượng hỏi tôi tên gì, Tôi đáp Qui Chơn. Hòa thượng hỏi tiếp, Qui Chơn ở đâu? Tôi
không đáp được.
Ngài Ngưỡng
Sơn nói:
- Thượng tọa hãy trở lên, trình Hòa
Thượng rằng, Qui Chơn trong mắt, trong tai, trong mũi…
Vị tăng nghe theo, trình Tổ đúng như
thế. Tổ quở:
- Kẻ nói suông vô ích, đây là lời Thiện
tri thức của năm trăm người!
“Qui Chơn” là
trở về nguồn cội. Nhân tên của vị tăng hành khước, Tổ muốn người nhận ra
thể tánh từ sáu căn. Vị tăng chưa rõ lối vào, chỉ theo lời Ngài Ngưỡng
Sơn mà đối đáp, nên bị Tổ quở là kẻ nói suông. Chúng ta ngày nay có
nhiều cơ hội nghe giảng về yếu lý trong đạo, dễ dàng hiểu được những
điều mà người xưa trăn trở nhiều năm. Nhưng người xưa khi nhận ra là
thực thấy bằng trực giác Bát-nhã, còn chúng ta chỉ hiểu bằng ý thức phân
biệt, thật cách nhau muôn trùng. Đây là điều chúng ta cần ghi nhớ.
Thiền sư Bảo
Phước khi thấy Ngài Sư Bị đến, liền lấy gậy đánh cây cột cái, sau đó
đánh Ngài. Ngài Sư Bị la đau. Thiền sư hỏi: “Sao ta đánh cây cột nó
không la đau?”. Ngài không đáp được. Ngày nay ta có thể trả lời
ngay, vì cây cột là vật vô tri, làm sao biết đau, làm sao biết la ?
Nhưng thật sự, đây là cách Thiền sư giúp Ngài Sư Bị phản tỉnh. Thân mình
có khác gì cây cột, cũng do các duyên hợp lại mà thành. Chỉ do thức tâm
gá vào nên chấp ngã, bảo tôi đau. Cái tôi chủ thể tức bản tâm,
cái biết đau ấy, có đau bao giờ ? Đau khổ là do tâm chấp ngã, nhưng nếu
từ cái đau mà phăng ra cái biết đau, ta trực nhận Tánh biết nơi thân.
Đọc trong Thiền sử, ta thấy rất nhiều cơ hội các Thiền sư tạo cho môn
sinh, nhân các pháp hiện tiền nhận ra Tánh biết lung linh qua sáu căn.
Đây cũng là cách Đức Phật chỉ cho Ngài A-Nan nhận ra Tánh thấy Tánh
nghe, diễn tả trong kinh Lăng Nghiêm: Cánh tay Đức Phật giơ lên, Ngài A
Nan thấy có cánh tay; lúc cánh tay hạ xuống, cái thấy đâu có mất, nếu
mất làm sao thấy không có cánh tay? Khi đánh tiếng chuông, Ngài A-Nan
nghe có âm thanh; khi tiếng chuông lặng, vẫn nghe không có tiếng chuông
chứ chẳng phải không nghe. Có tay có tiếng là do đủ duyên mà các pháp
hiện hữu, không tay không tiếng là vì hết duyên; còn tánh thấy tánh nghe
luôn luôn hiện tiền, có lúc nào vắng mặt?
3. Công hạnh đô sanh: Từ
thể tánh thuần nhất phát khởi diệu dụng đa thù.
Khi vừa thành
đạo, Đức Phật thấy tất cả chúng sanh đều có mầm mống giác ngộ, nhưng vì
vô minh nên chìm đắm trong sanh tử. Nhưng lý Đạo lại quá cao siêu, nói
làm sao cho người khác hiểu; e người nghe không tin không hội, trở lại
phỉ báng càng thêm tạo tội. Vì thế, Ngài định nhập Niết-bàn.
Chư thiên lúc
ấy cầu thỉnh bao phen bằng nhiều lời thống thiết, Đức Phật mới trụ thế
và chuyển pháp luân, nhưng dùng phương tiện tùy duyên giáo hoá. Mở đầu
là Tứ Đế, Bát thánh đạo, Thập nhị nhân duyên…, tất cả ba thừa mười hai
phần giáo đều là ngón tay chỉ mặt trăng, là những phương pháp tùy bệnh
cho thuốc. Phương tiện thì vô số nhưng đều chỉ nhằm một mục đích duy
nhất. Mục đích ấy, đến cuối đời tại pháp hội Linh Sơn, Đức Phật xương
minh bằng cành sen xanh đưa lên và đôi mắt màu sen xanh nhìn khắp lượt
đại chúng. Toàn thể pháp hội, im lặng ngơ ngác; nhưng kìa, một ánh mắt
tri âm ! Đức Phật và Ngài Ca-Diếp nhìn nhau, một phút giây thành vĩnh
cửu. Ấy là hội tam quy nhất, cả ba thừa Thanh văn, Duyên giác,
Bồ-tát quy về một Phật thừa. Dù chỉ một Phật thừa nhưng trùng điệp tám
vạn bốn ngàn pháp môn. Tinh thần bất biến- tùy duyên là như
thế.
Nhà Thiền có
hai câu kệ:
Phật chơn pháp thân du như hư không
Ứng vật tùy hình như thủy trung
nguyệt.
Pháp thân chơn
thật của chư Phật giống như hư không, nhưng ứng hoá thân như bóng trăng
dưới nước. Hình ảnh tỉ dụ này thật đẹp đẽ huyền diệu. Hư không trùm
khắp không hình tướng, bàng bạc siêu vượt không-thời gian. Hư không chỉ
một nhưng diệu dụng như hằng sa, giống mặt trăng trên trời có một nhưng
hiện trùng trùng bóng trăng dưới nước. Đó là tùy cảm tùy ứng, theo tâm
nguyện chúng sanh mà thị hiện nhiều hình tướng thích hợp. Bồ-tát Quan Âm
thiên thủ thiên nhãn, ngàn mắt là cái thấy thấu thể mười phương cõi
nước, ngàn tay là diệu dụng cứu độ tất cả muôn loài. Con đường Bồ- tát
đạo là lộ trình các bậc Giác ngộ phải đi qua, khi viên mãn tự giác-giác
tha mới thành tựu quả vị Phật. Các Ngài làm tất cả Phật sự mà không
ngoài thể tánh, nên nói Xứng tánh tác Phật sự. Từ thể tánh, các
Ngài thị hiện nhiều báo thân và ứng thân làm lợi ích cho muôn loài. Đức
Phật Di-Đà với báo thân ở cõi Cực lạc phương Tây, Đức Phật Dược Sư ở
phương Đông … thiết lập Tịnh độ tiếp dẫn chúng sanh hữu duyên, một lòng
tin tưởng ở các Ngài và nguyện cầu được thác sanh về nơi đó. Vào ra
trong tam giới, các Ngài có những Ứng hoá thân, tùy duyên hoá độ theo
hạnh Đồng sự nhiếp, như 32 hoá thân của Bồ-tát Quán Âm, Hòa thượng Bố
Đại là hoá thân của Ngài Di- Lặc…
Mặt khác, các
bậc Giác ngộ khi nhận ra lý Đạo thì cái thấy trở nên toàn triệt và thấu
thể. Trong trạng thái tịch tĩnh của tâm mà các Ngài quán xuyến mọi
chuyển biến của các pháp. Tịch tĩnh là thuần nhất, chuyển biến là đa
thù; vì quán triệt cái một nên bao quát tất cả. Sự
thấy biết của các Ngài không phụ thuộc vào tri thức hữu vi hữu sự của
thế gian, có tính chất phiến diện tương đối; mà do trí vô sư , trí tuệ
tự thân thẩm thấu một cách toàn diện triệt để vào thực tướng muôn pháp.
Các Ngài biết rõ căn cơ trình đô của đương sự, nên có thể sử dụng phương
tiện thích hợp để giáo hoá. Phương tiện tùy duyên nhưng chân lý chỉ có
một, đó là tinh thần khế cơ khế lý. Nhờ vậy, môn đệ của các
Ngài có nhiều cơ hội trực nhận bản tâm; như ở thời Đức Phật, ngàn người
tu rất nhiều người ngộ nên gọi là thời kỳ Chánh pháp; đến thời Tượng
pháp, do các Thánh đệ tử của Đức Phật giáo hoá, ngàn
người tu cũng được trăm người ngộ Đạo. Ngày nay, các bậc ngộ đạo vẫn
thỉnh thoảng xuất hiện nơi này nơi khác nhưng ít hơn so với thời kỳ
trước rất nhiều, vì thế được xem là thời Mạt pháp.
Vua Trần Thái
Tông có bài kệ mượn lời hai câu trong kinh Pháp Hoa:
Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.
Trạng thái
vắng lặng tự nhiên của tự tánh không chống trái với sự sinh động muôn
màu của pháp giới. Tuy các pháp xưa nay, thực tướng là tịch diệt, nhưng
đến mùa xuân trăm hoa vẫn nở, chim hoàng oanh vẫn hót trên cành liễu.
Người tu không nên tiêu cực ẩn trú mãi trong cảnh giới tĩnh lặng, mà khi
liễu tri lẽ thật, các Ngài thổi một luồng sinh khí vào cuộc đời. Đây là
tinh thần tích cực nhập thế của đạo Phật, vì sắc tức thị
không, thể dụng bất nhị, thuần nhất và đa thù không hai không khác. Các
Ngài làm mọi việc có ích cho đời trong trạng thái buông xả, buông xả
hoàn toàn nhưng mọi việc đều có kết quả mỹ mãn. Buông xả ở đây có nghĩa
buông hết những vướng mắc của Căn- Trần-Thức, buông hết những buộc ràng
của phiền não tham-sân-si, chứ không quên mất bản tâm. Trong thời Đức
Phật, một số ngoại đạo chỉ trích Ngài phá hoại cuộc
sống, vì theo họ, nhờ tham mới có tư hữu, nhờ đấu tranh thì xã hội mới
thăng tiến, mức sống mới tăng trưởng. Đức Phật trả lời: “Ta chỉ bảo
tham sân si làm vẩn đục cuộc sống nên chủ trương dẹp trừ tham sân si ;
không phải dẹp trừ luôn cuộc sống”. Ngài bảo “Dẹp trừ tham sân si”,
ấy chỉ là một cách nói; thật sự chỉ cần thấu rõ bản chất không thật của
tham sân si, thì ngay đó chấm dứt phiền não. Bằng trí tuệ Bát- Nhã soi
thấu căn để của vạn pháp, thấy rõ bản chất không thật của chúng, các bậc
Giác ngộ vẫn đi vào trần lao mà vẫn sống trọn vẹn với Bồ-đề. Hình tượng
Đức Di-Lặc với nét cười tự tại giữa sáu đứa trẻ là một biểu hiện tuyệt
vời của người tu Bồ-tát đạo hành Bồ-tát hạnh, hòa quang đồng trần giáo
hoá quần sanh.
IV.
KẾT LUẬN.
Những điều
trình bày trên đây phần nào cho chúng ta một tầm nhìn về sự tương liên
bất khả phân của cặp phạm trù Thuần nhất-Đa thù. Chúng ta tu, khởi đầu
là bỏ những hình tướng đa thù trở về bản thể thuần nhất, cuối cùng thấy
cả hai đều thuộc về một thực tại toàn vẹn đắp đổi cho nhau và tạo nên ý
nghĩa đích thực của cuộc sống. Từ đó ta có cái nhìn vượt thoát, ngay nơi
hiện tượng đa thù mà biểu hiện tự do. Ta có
nguồn cội là chỗ chưa phân ranh thiện- ác tốt-xấu, là bản tâm thể tánh
của vạn loại chúng sanh, là giá trị bản hữu của mỗi người. Giá trị đó ở
ngay đương xứ, chúng ta phải tự thầm nhận lấy. Khi nói thế, chúng ta
không hiểu lầm có một cái gì bên ngoài để nhận, mà nên hiểu là thầm nhớ
lại cái sẵn đủ của chính mình. Gương khi hết bụi, để lộ bản chất trong
sáng chiếu soi; nhưng lúc đang còn bụi, bản chất ấy cũng chỉ tạm ẩn tàng
chứ không bao giờ mất. Đôi khi chúng ta tưởng bụi và gương là thật có,
nên thấy cần lau cần tách bụi ra khỏi gương; thật sự tâm vọng tưởng
nhiễm ô đều không thật, tâm vọng hay tâm chơn cũng chỉ một tâm, do vậy
nói Dâm nộ si là tự tánh Niết–bàn. Tướng cướp Anguilimala tuy
là người xấu ác, nhưng do có chủng tử Bát-Nhã nên tội chướng tiêu dung
nhanh chóng khi được Đức Phật nhiếp phục giáo hoá, liền chứng Thánh quả.
Trái lại, có nhiều người tập khí mỏng, nghiệp chướng ít nhưng tu chậm
tiến, vì chủng tử Bát-Nhã cạn mỏng, khó nhận ra
tự tánh hằng tri. Thiền Đốn ngộ chủ trương phát khởi trí tuệ Bát-Nhã,
nhận ra thể tánh một cách trực tiếp, nhanh chóng. Sau khi đốn ngộ phải
tiệm tu, nghĩa là tẩy trừ tập khí nhưng không tác ý hữu vi, chỉ thấu
triệt bản chất không thật của nghiệp chướng phiền não, ngay đó qua hết
khổ nạn.
Vấn đề Thuần
nhất và Đa thù là sự tâm đắc của những hành giả có trực giác mạnh mẽ,
nhận ra lẽ thật một cách nhanh chóng và toàn diện. Các vị thấy rõ những
sự vật hiện tượng trong pháp giới, tuy ngàn sai muôn khác, biến đổi
không dừng nghỉ, nhưng vẫn luôn ở trong một trật tự ổn định vĩnh hằng.
Bản chất của các pháp đều bình đẳng trong Không tánh, mọi chúng sanh đều
có khả-năng-tính-thành Phật và khả-năng-tính đô thoát muôn loài. Quán
triệt tinh thần bất nhị của hình thái Đa thù và thể tánh thuần nhất, ta
trở về nguồn cội sẵn có xưa nay. Muốn vậy, ta phải vận dụng trí tuệ
Bát-Nhã, vượt qua mọi chấp trước về ngã và pháp, vượt thoát những mớ
bòng bong của tư biện luận giải làm che mờ tự tánh Thiên chân. Khi uống
được ngụm nước đầu nguồn, ta mới hay ra, cái mặc
nhiên lặng lẽ mà liễu liễu thường tri đã sẵn ở đây tự bao giờ!
Luật Sa-di có
hai câu sách tấn:
Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ
Bất ưng tự khinh nhi thối khuất.
Người kia là
bậc trượng phu, sao ta lại không được như thế? Không nên tự khinh mình
mà thối chí ngã lòng. Chúng ta dù mang hình thức nào, sống trong hoàn
cảnh nào, cũng đều có Phật tánh như nhau. Vì thế, Phật Bồ-tát và chư vị
Tổ sư mới tốn công nhọc sức khô hơi đắng miệng tận tình chỉ dạy cho
chúng ta con đường sáng phải đi. Nếu không có Phật nhân, chúng ta tu
cách nào đạt quả vị Phật?