I. DẪN NHẬP.
Trong những
thời kỳ hưng thịnh của Thiền tông Trung Hoa, nhất là thời Ngũ gia
tông phái (Lâm Tế, Tào Động, Qui Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn), các
vị Thiền sư vì lòng từ bi đối với học nhơn, đã có nhiều cách khai thị về
yếu chỉ nhà Thiền. Người nghe giảng về nghĩa lý uyên thâm, dễ sanh lòng
tín kính, dễ phát tâm tu hành, ra sức nghiên tầm ngữ lục, nghiền ngẫm
suy lý. Tuy nhiên, một số người không thấu rõ lẽ thật vô ngôn, nhận thức
tưởng phân biệt làm phương pháp, nhận tri thức lý luận làm cứu cánh,
nên ngày càng xa đạo lý.
Bằng tâm lão
bà tha thiết, các vị Thiền sư sử dụng những thủ thuật đặc biệt khiến môn
sinh bặt đường suy nghĩ. Các Ngài không giải thích dài dòng cặn kẽ khi
được tham vấn, chỉ trả lời một câu bâng quơ khó hiểu, một cử chỉ kỳ lạ
hoặc đánh hét... Cốt ý các Ngài làm môn sinh khởi nghi và đẩy khối nghi
ấy đến chỗ bí cùng thành một khối. Hành giả ngày đêm trăn trở với khối
nghi, bao nhiêu tâm tư chỉ dồn vào việc giải tỏa khối nghi, không thiết
tha đến việc gì khác. Khi đủ thời tiết nhân duyên, chỉ cần một tác động
nhẹ như chiếc lá rơi, tiếng chim hót..., đột nhiên khối nghi bùng vỡ,
hành giả đại ngộ. Đây là khởi đầu của thuật khai tâm qua một công án .
Tham công án
là một phương tiện khai tâm của Thiền tông; và
cũng ngay tự nó đã đầy đủ tinh thần Giới–Định-Huệ: Chỉ chuyên tâm với
công án, không màng đến mọi thứ bên ngoài là Giới; không xao động theo
trần cảnh khởi vọng niệm là Định; khi khối nghi bùng vỡ, hành giả thấu
suốt mọi vấn đề là Huệ. Định ở đây cũng không tùy thuộc thời gian, không
gian và tư thế của hành giả, không có nhập không có xuất. Tuy vậy, Tham
công án có nhiều điểm khác Tri vọng trong quá trình tu tập, dù cứu cánh
vẫn là Kiến tánh, tức nhận ra bộ mặt thật xưa nay của chính
mình. Pháp Tri vọng về cơ bản là nhận diện mọi ý tưởng xuất hiện trong
tâm đều hư dối, biết chúng hư dối không theo là phá ngã chấp về tâm; kết
hợp với sự quán chiếu thân và cảnh đều là duyên hợp không thật, hành
giả phá ngã chấp về thân–cảnh. Lối tu này không hạn chế việc học hỏi
kinh sách, miễn là không chấp chặt những kiến thức vay mượn làm mục đích
cuối cùng. Ngược lại, hành giả tham công án phải dứt bặt mọi lý luận
biện giải và nghiên tầm kinh sách; khối nghi như một nỗi ám ảnh triền
miên, phải được đề khởi liên tục mà không một niệm nào khác len lỏi vào.
Mặt khác, tu theo Tri vọng có thể nương vào kinh sách mà biết đường lối
tu; đôi trường hợp có nhân duyên nhiều đời, nghe một đoạn kinh lục,
hoát nhiên đại ngộ, như Lục Tổ Huệ Năng hay vua Trần Thái Tông kiến tánh
nhờ câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang.
Người tham công án, trước tiên phải nương một vị thầy ngộ đạo; vị thầy
sau khi tiếp xúc, sẽ trao cho hành giả một công án thích hợp. Hành giả
cần được thầy chỉ dẫn từng bước trong lúc công phu mới khỏi lạc lầm .
Hệ thống Thiền
công án được hình thành nhờ các Thiền sư đời Tống, trong đó phải kể đến
Ngài Đại-Huệ Tông-Cảo (1089-1163), đệ tử nối pháp Thiền sư Viên Ngộ
(1063-1135) thuộc tông Lâm Tế. Ngài chủ trương Ngộ là cứu cánh, là sinh
mạng của Thiền. Tham công án được xem là Độn công phu vì khi
khối nghi chưa được giải quyết thì chưa có Huệ; tuy nhiên, khi bùng vỡ
khối nghi thì lập tức Định-Huệ quân bình. Lúc mới ra hoằng hoá tại am
Trường Lạc, bằng pháp tham công án áp dụng cho năm mươi ba môn đệ, Ngài
đã ấn chứng mười ba người đắc pháp chỉ sau năm mươi ngày. Về sau, đồ
chúng của Ngài có khi lên đến hai ngàn người. Điều nầy cho thấy, người
tu Thiền công án nếu có duyên lành gặp Minh sư chỉ dạy, thường đạt kết
quả nhanh, thẳng tắt.
Tác phẩm nổi
tiếng về công án trong nhà Thiền là Bích Nham Lục gồm 100 tắc công án.
Nguồn gốc của tác phẩm nầy là do Thiền sư Tuyết Đậu (978-1052), cháu đời
thứ tư trong tông Vân Môn, thu thập và chọn lựa từ Nội điển, Ngoại điển
và Văn sử thành 100 tắc, mỗi tắc làm một bài tụng chỉ ra những chỗ sâu
mầu, gọi là Tuyết Đậu Tụng cổ. Sáu mươi năm sau khi Thiền sư Tuyết Đậu
thị tịch, Ngài Viên Ngộ chú thích thêm và biên tập thành tác phẩm Bích
Nham Lục. Người mới đến với Thiền, đọc các công án ấy không thể hiểu
được gì; nhưng chính chỗ không hiểu ấy mới làm khởi mối nghi. Khi chiêm
nghiệm tới mức độ nào đó, bừng hiểu ra ta sẽ vô cùng tâm đắc vì những ý
nghĩa sâu xa trong đó.
II. Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH.
1. Từ đa niệm đưa về nhất
niệm:
Trạng thái của
tâm thức như một dòng thác, như vượn chuyền cành, không lúc nào dừng
nghỉ; lại còn bị kích thích bởi trí nhớ, sự tưởng tượng và hoạt động một
cách thầm kín, nên con người luôn bị quay cuồng trong đa niệm. Cả những
khi lạy Phật tụng kinh, tuy miệng đọc thân lạy mà nhiều lúc ta vẫn nghĩ
lan man chuyện nầy chuyện khác. Chính do tâm lăng xăng suy nghĩ mà tạo
nghiệp thiện ác, động cơ của guồng máy luân hồi.
Tuy nhiên, con
người cũng có khả năng tập trung vào một vấn đề, một nghi vấn. Khi ấy,
những việc khác bị gác qua một bên. Các nhà nghiên cứu, khi toàn tâm
toàn ý suy nghĩ về một đề tài khoa học, thường quên hết chuyện xung
quanh. Đây là nguyên nhân của sự đãng trí, tạo ra nhiều giai thoại.
Chính nhờ sự tập trung nên trí óc sáng ra, con người có thể tự mình giải
quyết vấn đề, như ánh sáng mặt trời đi qua thấu kính hội tụ có thể đốt
cháy mảnh giấy để dưới thấu kính. Có điều, vì do tập khí và vì không có
công phu tập luyện, nên con người chỉ chuyên chú trong một thời gian nào
đó, rồi vọng niệm cũng trở lại lẫy lừng.
Nhà Phật có
nhiều phương pháp giúp tâm hành giả từ đa niệm trở về nhất niệm. Người
tu Tịnh Độ niệm Lục tự Di-Đà, Mật tông dạy trì chú, Thiền Nguyên thuỷ có
Tứ Niệm Xứ, Thiền Phát triển có Lục diệu pháp môn… Những phương tiện ấy
đều nhằm đưa hành giả đạt định. Pháp tham công án của Thiền tông cũng
vậy. Có thể vị thầy cho ta một công án, hoặc ta tự chọn một vấn đề khó
hiểu trong kinh sách, thường là những nghi vấn trọng đại, như công án “Vô”
của Ngài Triệu Châu hay “Tiếng vỗ một bàn tay” của Ngài Bạch
Ẩn, hoặc các câu hỏi “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang ?”, “Đại ý
Phật pháp là gì ?”…Khi đến tham vấn, thường vị thầy không giải
thích mà còn dùng nhiều thủ thuật vun bồi mối nghi thêm lớn mạnh, khiến ý
thức không còn chỗ bám víu, bặt đường lý luận suy tư. Một Thiền sư dạy:
“Vọng tưởng khởi lên, làm nó lặng đi; vọmg tưởng lặng, làm nó không
khởi lên nữa. Được vậy thì chẳng nhọc công mười năm hành khước”. Ở
đây, hành giả không loại trừ vọng tưởng bằng cách đè nén, vì muốn trừ
dẹp vọng, sẽ có niệm hướng đến chỗ không vọng tức sa vào sở đắc, lại là
một loại vọng tưởng vi tế. Hơn nữa, nếu sợ động và ưa thích trạng thái
bất động, hành giả vẫn còn ý niệm phân biệt hai bên. Hành giả phải ôm
mối nghi trong thao thức triền miên, một bề chuyên tâm vào mối nghi thì
vọng tưởng tự nhiên lặng. Nhờ kề cận bên thầy, vị thầy có cách giúp môn
đệ công phu một cách dũng mãnh và vững chãi. Mối nghi dần dần ung đúc
thành khối, nghi niệm trở thành nghi tình, nghi đoàn, tức từ đa niệm trở
về nhất niệm.
Một điều quan trọng khi tham công án,
hành giả không phải để tâm suy luận lý giải, tìm hiểu ý nghĩa của công
án, vì đó là hành vi của ý thức. Ví như đối với công án Vô, hành giả
không suy nghĩ “Vô là không, không là Tánh Không chứ chẳng phải không
ngơ”…, vì như thế một lúc sau sẽ sa vào mớ bòng bong của ý niệm. Hành
giả phải đề khởi “Vô” như thế nào để nó gắn chặt,
đóng chặt vào tâm, không một phút giây ngừng nghỉ, không một kẻ hở cho
niệm khác len vào. Một Thiền sư đã ví người tham công án giống như rơi
xuống giếng sâu, chỉ nghĩ một việc duy nhất là làm cách nào ra khỏi
giếng. Thiền sư Viên Ngộ trước tác Bích Nham Lục với văn chương siêu
xuất, biện biệt tuyệt luân; nhưng người sau chỉ đọc tụng ngôn cú, bàn
huyền nói diệu, nên Ngài Đại Huệ mang những bản khắc gỗ đốt hết, chấm
dứt lưu truyền tác phẩm nầy đến 200 năm. Cả hai vị Thiền sư đều có tâm
lão bà, vì người mà giảng giải, cũng vì người mà đốt bỏ.
Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc bắt đầu tham
công án Vô năm 22 tuổi. Suốt ba năm trường, Ngài vật lộn với chữ Vô,
quên hết mọi chuyện xung quanh. Ngài đã diễn tả quá trình công phu của
mình, từ lúc bắt đầu được trao công án đến khi thành khối nghi : “Tôi
tham chữ Vô cả ngày lẫn đêm, không giây phút nào xao lãng, chỉ chăm lo
sao cho được thanh tịnh và kết mối nghi thành khối. Năm được 24 tuổi,
một mình tôi vật lộn trong đau đớn, quên cả ăn ngủ. Bỗng nhiên, tôi nhận
thấy một cảm giác trong suốt cực độ như đang bị đóng băng, chết cứng
trong một cánh đồng giá rét trải rộng cả ngàn cây số. Tôi không thể
tiến, cũng không thể lùi. Tôi như người mất hết trí khôn, không còn gì
hiện hữu trong tôi ngoài Vô. Tôi biết trong tôi đã kết thành khối nghi”.
Những trạng huống thay đổi của tâm thức
như trên có thể chứng minh bằng quan điểm triết học. Bình thường, con
người không tự chủ được đối với ý niệm vì chịu sự chi phối của hai yếu
tố: Một là kích thích của cảm quan đối với trần cảnh bên ngoài, nhà Phật
gọi là năm căn tiếp xúc với năm trần phát sinh năm thức; hai
là hoạt động của tiềm thức, pháp trần khởi dậy tạo nên dòng chảy liên
tục của vọng niệm. Khi tâm chuyên chú vào một đề mục, hai yếu tố kích
thích trên không thể chi phối được. Trước tiên, hành giả không bị dính
mắc theo sắc thinh hương vị xúc; sau đó, hạt giống có sẵn trong tiềm
thức không có điều kiện khởi hiện hành. Khi công phu thuần thục, hành
giả thoát khỏi sự chi phối của tiềm thức. Đây là lúc mà Ngài Bạch Ẩn bảo
rằng cảm thấy mình “trong suốt như bị đóng băng”.
2. Bùng vỡ khối nghi:
Một hình ảnh linh động diễn tả người ôm
khối nghi, như cảnh một con chó thấy chảo mỡ sôi thật hấp dẫn; chó muốn
liếm nhưng sợ phỏng, mà bỏ đi thì tiếc, nên cứ quanh quẩn bên chảo mỡ
mà không biết làm cách nào. Tình trạng bế tắc nầy là triền miên; khối
nghi cứ đeo đẳng không rời khiến hành giả quên ăn bỏ ngủ. Vị thầy biết
rõ tình trạng ấy của môn đệ, nhưng không can thiệp vào khi chưa đến thời
kỳ. Lúc đủ nhân duyên, vị thầy dùng một thủ thuật đặc biệt, hoặc nhờ
một ngoại duyên nào đó, tự nhiên khối nghi bùng vỡ, hành giả đại ngộ.
Sự bùng vỡ khối nghi là thời điểm cuối
cùng của quá trình tìm lại con người thật của chính mình. Thời điểm này
xảy ra thật đột ngột, không có dấu hiệu gì báo trước, biểu hiện mỗi
người mỗi vẻ, cơ hội không ai giống ai, thời gian cũng khác nhau tùy
trường hợp. Thiền sư Linh Vân và Quốc sư Huệ Trung mất 30 năm. Thiền sư
Bạch Ẩn mất 3 năm …. Cũng có những người ôm khối nghi suốt đời, đến lúc
chết cũng chưa tìm ra lời giải đáp. Đó là những trường hợp rất đáng tiếc
mà vị thầy cũng không thể làm gì để giúp môn đệ. Vì sao có sự khác nhau
đó ? – Theo Philip Kapleau, một môn sinh của Thiền sư Suzuki và được
lão sư Yasutani ấn chứng, sự giác ngộ nhanh hay chậm là do chính tự thân
của hành giả. So với các pháp tu khác, tham công án đưa đến giác ngộ
nhanh hơn, nhưng còn tùy nghiệp lực, tùy sự khát ngưỡng được giải thoát
cấp bách hay không, và tùy công phu tham cứu miên mật nhiều hay ít. Cho
nên, tự lực là chủ yếu, tha lực là trợ duyên. Tha lực đóng vai trò một
tia lửa điện khởi phát phản ứng hoá học, một cái ấn trên nút khởi động
máy. Không có tia lửa, phản ứng không xảy ra; không có cái ấn nút, máy
không vận hành. Nhưng những sự chuyển động ấy không phải chỉ nhờ tia lửa
hay cái ấn nút, mà chủ yếu do đủ yêu cầu về lượng và chất của những
thành phần trong phản ứng, do máy móc đã hoàn bị và sẵn sàng hoạt động.
Cũng vậy, sự thao thức trăn trở, sự dấn thân đến tột độ, sự toàn tâm
toàn ý sống chết với khối nghi làm vắng bặt mọi vọng niệm, là công việc
của bản thân hành giả. Sự giúp đỡ của Tôn sư, như cố ý kích thích khối
nghi ngày càng mãnh liệt để kết thành khối nghi (nếu môn đệ không tự
mình làm được), hoặc tạo cơ hội thúc đẩy quá trình công phu sớm đến đỉnh
cuối, hay đập một phát dứt điểm khi thời cơ chín muồi… là tha lực cần
thiết đối với hành giả. Do đó, trong Thiền công án, cả tự lực và tha lực
đều quan trọng không thể thiếu, song hành giả phải nhận định yếu tố
chính và phụ để khỏi lầm lẫn khi dụng công.
Định Thượng tọa hỏi Tổ Lâm Tế: “Thế
nào là đại ý Phật pháp?”. Câu hỏi nầy là một vấn đề trọng đại của
người tu. Thượng tọa cũng đã ôm ấp nghi vấn từ lâu, có thể cũng tham vấn
nhiều nơi nhưng chưa tìm ra giải đáp. Tổ Lâm Tế nghe hỏi, lặng thinh
bước xuống toà, nắm cổ áo Thượng tọa, tát một cái thật mạnh. Thượng tọa
Định kinh ngạc đứng sững. Một vị tăng đứng kế bên vụt bảo : “Định
Thượng tọa sao không lễ Hòa thượng đi !”. Thượng tọa sắp cúi xuống
lạy, tức khắc bừng ngộ.
Đây là một câu chuyện có tác động rất
mạnh đến những hành giả tu Thiền. Tổ Lâm Tế là một vị Thiền sư rất kỳ
đặc, cơ phong cao vút, người thường không thể lường nổi. Ngày trước, Tổ
cũng ba lần ăn gậy của sư phụ Hoàng Bá chính vì câu hỏi nầy, đã từng đau
khổ tột cùng vì ôm khối nghi : “ Hỏi như vậy có lỗi hay không lỗi
?”. Nay nghe Thượng tọa Định hỏi lại câu ấy, Tổ bằng tâm lão bà như
Tôn sư khi xưa, tát Thượng tọa một cái nẩy đom đóm mắt. Uy lực của các
Thiền sư rất lớn, nên dù làm gì, học nhơn cũng không dám phản ứng.
Thượng tọa Định bị bất ngờ, mọi vọng niệm đều dứt bặt. Cơ duyên đã chín
muồi, nên khi cúi xuống lạy liền hoát nhiên đại ngộ.
Tổ Qui Sơn một hôm gởi cho Ngài Ngưỡng
Sơn tấm gương. Ngài Ngưỡng Sơn thượng đường bảo đại chúng: “Các vị
hãy nói, đây là gương của Qui Sơn hay của Ngưỡng Sơn ? Nếu của Qui Sơn,
sao ở trong tay ta? Nếu của ta, sao nhờ Qui Sơn gởi đến mới có ?
Ai nói được thì không đập nát”. Toàn chúng đều không đáp được.
Ngài liền đập nát tấm gương.
Tấm gương ở đây trở thành một bài pháp
siêu tuyệt. Trả lời gương của Qui Sơn hay của Ngưỡng Sơn đều bị lỗi .
Môn đệ lúng túng vì không thể đáp, như thế là đã khởi mối nghi. Ngài đập
nát tấm gương làm khối nghi càng lớn. Tấm gương là thực tại hiện tiền,
nhận ra thì vượt thoát rào cản nhị biên, vượt thoát cái bẫy của Thiền
sư. Thủ thuật khai tâm của các Ngài nhằm chấm dứt mọi lý giải biện luận,
nhằm đập chết con khỉ ý thức, dồn môn sinh vào chỗ bế tắc và tự mình
tìm chỗ thoát thân, trực nhận tánh giác sẵn đủ. Công án Chích thủ
diệu thanh ( tiếng vỗ một bàn tay) của Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc
nhằm giúp học nhơn phản tỉnh trở về con người biết nghe luôn
luôn hiện diện. Có tiếng hay không tiếng là duyên bên ngoài, còn cái
thường biết mới là chân thật.
Thượng tọa Huệ Minh đuổi theo Lục Tổ
muốn giành lại y bát. Ngài đã có công phu trước đó, đã từng trăn trở làm
sao tìm được bộ mặt thật xưa nay, nên khi thấy y bát để trên tảng đá mà
không ôm lên được, Ngài đổi lòng cầu y bát thành tâm cầu đạo. Lục Tổ
bảo Ngài đứng im giây lát, sau đó hạ một câu: “Không nghĩ thiện
không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?” Ngài
liền đại ngộ. Thời gian tu trước, Ngài đem tâm
bỏ ác cầu thiện, bỏ vọng cầu chơn theo tinh thần phất bụi trừ dơ của
Ngài Thần Tú. Thật ra, chơn và vọng cũng chỉ là sự phân biệt tương đối
của ý thức, cũng đều cùng một tâm; vọng sanh từ tâm và diệt cũng không
ra khỏi tâm. Lục Tổ dạy Ngài siêu vượt thiên ác tức vượt khỏi ý niệm
phân biệt hai bên; làm sao nhận ra bản tâm bất diệt nơi vọng tâm sanh
diệt, ấy là tu có chánh kiến. Các vị Thiền sư sử dụng các thủ thuật khác
nhau tùy đương cơ, như thầy thuốc giỏi tùy bệnh cho thuốc, và khác với
lối dạy của Pháp sư. Pháp sư thường giản trạch Phật pháp một cách biện
chứng, rõ ràng khúc chiết; còn Thiền sư thường dùng lối dạy nửa vời khó
hiểu, nhưng giúp môn đệ mau khai ngộ, và khi ngộ rồi thì không thể nào
quên. Tuy vậy, trong thời đại khoa học hiện nay, mỗi vấn đề đều phải
được trình bày minh bạch và hợp lý, nếu dạy đồ chúng theo cách xưa e khó
thuyết phục người nghe. Ngài Trường Sa Cảnh Sầm ngày xưa còn bảo: “Nếu
lúc nào ta cũng nói tột lý Thiền, thì sân chùa nầy mọc đầy cỏ dại”, vì
chẳng còn môn đệ nào quét đất Già-lam. Vì thế, các ngài phải kết hợp
Thiền và Giáo, trừ một số người có căn cơ đặc biệt hoặc thích hợp với
Thiền công án thì các Ngài có cách dạy riêng, nhằm khơi dậy tiềm năng vô
tận vượt khỏi tri kiến lập tri, là trực giác Bát-Nhã sẵn đủ nơi mỗi
người.
Sau đây là tự thuật của Ngài Bạch-Ẩn
lúc vượt thoát nhị biên đối đãi giữa ta-người, sanh-tử, tất cả đều được
bao trùm trong ánh giác: “Một buổi chiều nọ, tôi bỗng nghe từ xa
vọng đến tiếng chuông chùa, giống tiếng ầm của một tảng băng hay một
ngọn tháp ngọc rơi xuống. Tôi chợt nhận ra, mình
là vị tiền bối Nham Đầu. Dù đã xa xưa rồi, Ngài vẫn chẳng có gì thay
đổi. Khối nghi vỡ tan tành. Tôi la lớn: Thật là vi diệu! Không còn sanh
tử để thoát ra, không còn giác ngộ để tìm kiếm. Tất cả 1700 công án từ
trước đến nay, không cần tham nữa!”. Khi trực giác phóng xuất, hành
giả thâm nhập vào cảnh giới tuyệt đối, nhận ra con người thật, là giải
quyết xong vấn nạn của đời mình. Đến đây rồi, mới thấy con người thật ấy luôn luôn hiện hữu, có lúc nào vắng thiếu; chỉ vì
quên mất gia tài đồ sộ nên chúng ta mới làm kẻ bần cùng. Tâm trạng của
một người nghèo khổ mạt hạng bỗng dưng lạc vào cung điện nguy nga tráng
lệ, hay vào một kho tàng đồ sộ đầy ngọc ngà châu báu; lại biết tất cả
những thứ quý giá đẹp đẽ ấy đều là của mình, mặc tình cho mình sử dụng,
tâm trạng ấy liệu có thể diễn tả được bằng lời?
III. MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN HỖ
TRỢ.
Để công phu có kết quả và không bị sai
lạc, hành giả tu Thiền công án cần có những điều kiện hỗ trợ. Sau đây là
một số điều kiện trọng yếu:
1. Ba điều kiện quyết
định:
Gọi là “quyết định”, vì nếu thiếu một
trong ba điều nầy, hành giả không thể thành công khi tham công án.
a) Đại tín:
Người tu Phật
phải có niềm tin, nhưng tùy theo trình đô, pháp môn mà mỗi người có niềm
tin khác nhau. Lòng tin chân chánh của người tu Phật khác xa với sự mê
tín; đồng thời trái ngược với nỗi nghi đối với Tam Bảo và về khả năng
của bản thân, là một trong năm triền cái làm chướng ngại công phu tu
hành.
Chánh tín được chia làm ba mức độ: Tin
vào nhân quả tội phước, tu theo Nhân Thiên thừa là Tiểu tín,
niềm tin nhỏ. Tin ở khả năng mình, khi diệt sạch kiết sử phiền não sẽ
được giải thoát, nhưng bỏ ngã phàm mà vẫn còn ngã Thánh nên mới là Trung
tín, niềm tin trung bình. Người tin chắc mình có bản tánh bất sanh
bình đẳng cùng muôn loài muôn vật, và tất cả đều có thể tu thành Phật
nếu biết đi đúng đường đúng hướng, ấy là niềm tin lớn -Đại tín.
Hành giả tham công án, trước tiên phải
có Đại tín, người ấy còn phải có lòng tin tuyệt đối vào Đức Phật và vào
giáo lý Ngài đã dạy, đồng thời tin vào vị Thầy hướng dẫn. Sự tin tưởng
vào vị Thầy ở đây hết sức đặc biệt, dường như phó thác cả sinh mạng vào
tay Thầy, nhất nhất tuân theo lời dạy của Thầy vì biết rằng nếu nghiêm
ngặt thực hành theo chỉ dẫn, có ngày mình sẽ đạt kết quả mong muốn. Vai
trò của vị Thầy hướng dẫn rất quan trọng, và vì thế, sự kết duyên thầy
trò với một bậc Minh sư là một đại hạnh ngộ đối với hành giả. Nhà Thiền
có câu “Hãy nghe đạo lý, phát tín tâm và hành trì”. Nghe đạo lý
tức trực tiếp được nghe lời dạy của Thầy, không phải thông qua sách vở.
Kề cận một vị Thầy giác ngộ, chúng ta được cảm nhận một từ trường rất
lớn, và những câu nói của Thầy có sức chấn động mãnh liệt đến tâm thức
chúng ta. Điều nầy giải thích tại sao nhiều người chỉ nghe Đức Phật
thuyết pháp một lần, đã đắc Thánh quả.
b)
Đại ý chí:
Hành giả phải có
ý chí vững chắc như núi, bền cứng như kim cương, dù hy sinh thân mạng
cũng dốc lòng đi tới. Không những cương quyết phá tan khối nghi cho xong
việc đại sự của mình, hành giả còn phát đại
nguyện phổ độ chúng sanh trong tam giới. Ý nghĩa hiến dâng theo Bồ-tát
đạo rất vĩ đại, vì một mặt tiêu trừ bản ngã đẩy lui tập khí, mặt khác tự
do tự tại cứu độ muôn loài. Sự vong ngã là vì đại cuộc, là quên mình vì
người khác, có tánh cao thượng hơn nhiều so với tinh thần tiêu cực yếm
thế. Vì phát đại nguyện tu Bồ-tát đạo hành Bồ-tát hạnh, nên Thiền giả
phải có Đại ý chí. Đại ý chí và Đại tín có sự liên hệ hỗ tương với nhau.
Nhờ có lòng tin kiên cố không lui sụt, hành giả mới có ý chí vượt qua
mọi thử thách gian nan trên đường đạo. Ôm ấp khối nghi trong tâm thức là
một trận chiến khốc liệt và liên tục, nếu không có ý chí kim cương thì
hành giả khó lòng tiến bước.
c) Đại nghi:
Mối nghi ở đây
không tương đồng với sự nghi ngờ trong năm triền cái, cũng không mâu
thuẫn với Đại tín nói trên.
Chúng ta tu, thường có những thắc mắc
nhỏ: “Tu Thiền có cần ăn chay trường không ? Tọa thiền là phương tiện
hay cứu cánh ? Tại sao một số Thiền sư không chủ trương tọa thiền?”. Đó
là những tiểu nghi và khi có đáp án, hiểu ra vấn đề, được gọi là tiểu
ngộ. Một số hành giả đặt vấn đề trọng đại hơn, như “Bản lai diện mục là
gì ? Làm thế nào thành Phật? Tại sao mình có Phật tánh mà không nhận ra
?”. Giải quyết được những vấn đề trọng đại nầy là đại ngộ, và những đại
nghi ấy là điều kiện tối cần của hành giả. Bởi vì
khởi đại nghi là làm trổi dậy khát vọng tìm ra chân lý, khát vọng trực
nhận tánh giác đang bị che lấp bởi trùng điệp những lớp bụi phiền não vô
minh. Khát vọng ấy lấn át tất cả các vọng niệm, ví như mèo rình chuột,
như người đi trên dây. Mèo biết chuột là một món ăn ngon nên để hết tâm
lực vào việc rình từng cử động của chuột, mọi giác quan đều tập trung
vào khát vọng bắt chuột. Người đang đi trên dây bắt ngang hai bờ vực,
biết nếu mình sơ sẩy là tan thân mất mạng, nên chăm chú vào từng bước
chân, bao nhiêu tâm trí sức lực đều dồn vào mục đích duy nhất là đến bờ
bên kia an ổn.
Tổ Lâm Tế dạy : “Tình sanh trí
cách, tưởng dấy thể sai”. Tình là ý thức phân biệt khi tiếp xúc với
trần cảnh, trái ngược với trí là cái biết không phân biệt, nên khi xúc
cảnh sinh tình thì ngay lúc ấy trí đã cách xa ngàn trùng. Tưởng là sự
hiểu biết không đúng sự thật do ý thức vẽ vời, như bóng cây mà tưởng ma
quỷ, mèo kêu trong đêm mà tưởng người gào… Khi tưởng dấy lên là đã sai
với bản thể chân thật. Tình và tưởng làm che lấp thực tại, khiến con
người không có cái thấy đơn thuần vô phân biệt mà Đức Phật gọi là Như
thị tri, như thị kiến. Một bề chuyên tâm với nỗi nghi trọng đại,
hành giả không dính mắc với trần cảnh bên ngoài, không khởi vọng tưởng
điên đảo bên trong, ấy là đang công phu thiền định một cách đắc lực. Ở
đây, chúng ta lại bắt gặp tư tưởng của Lục Tổ đã đề cập trong Pháp Bảo
đàn: “Ngoại ly tướng tức thiền, nội bất loạn tức định”.
Một điều tế nhị chúng ta cần nhận định
rõ: Hành giả khởi đại nghi là có khát vọng tìm ra chân lý, nhưng không
phải có tâm chờ ngộ. Bởi vì, ngộ là thầm nhận tánh giác sẵn có, là nhận
ra con người thật chính mình chứ không phải từ bên ngoài mà được. Nếu
đem tâm chờ ngộ tức tìm cầu bên ngoài, ở một thời điểm xa xôi nào đó.
Rồi khi công phu có một chút tỏ sáng, lại sanh tâm thủ đắc, sự chấp ngã
càng nặng và vì thế giác ngộ càng xa thăm thẳm. Chúng ta sẽ có dịp khảo
sát kỹ vấn đề nầy trong chương cuối.
2. Không cố công giải
thích công án:
Một vị tăng hỏi Ngài Triệu Châu: “Vạn
pháp về một, một về chỗ nào?”. Câu hỏi nầy là một công án nổi
tiếng trong nhà Thiền. Ngài Triệu Châu đáp : “Khi ở Thanh Châu, ta
có may một chiếc áo nặng bảy cân”. Lời đáp chẳng dính dáng gì với
câu hỏi, mới nghe qua tưởng Thiền sư muốn đùa
cợt, thật ra đó là lòng từ bi của Ngài nhằm cắt đứt dòng tư tưởng biện
biệt. Bởi vì, khi ta suy luận lý giải về vấn đề cốt tuỷ của Đạo, thì dù
vận dụng tư duy đến độ nào, ta cũng không nắm bắt được chân nghĩa của
nó. Những câu hoạt ngữ của Thiền sư như vách sắt tường đồng khiến học
nhơn không có chỗ bám vào; và nhờ không chỗ bám nên không sa vào mê trận
của chữ nghĩa. Nhận ngay được thì tốt, không nhận thì cứ ôm mối nghi;
và tuy khát khao giải tỏa mối nghi nhưng không khởi ý thức tư lường để
tìm lời giải đáp. Động não suy tư là hành vi của chất xám, là món ngon
của thức tâm phân biệt; nghi tình là bặt lối suy tư, là chặn đường ý
thức. Lý luận làm tâm tán loạn nên càng lý luận càng xa lẽ thật; nghi
tình làm dứt sạch vọng niệm, mới có cơ hội giải quyết vấn đề. Tổ Lâm Tế
dạy: “Càng tìm thì càng xa, cầu thì trái, gọi đó là bí mật”.
Lời dạy ngắn gọn nhưng ý nghĩa thâm trầm. Chúng ta lâu nay sống theo giả
ngã và khoác lên nó bao lớp hoá trang, bao nhiêu tâm lực phí hoài để
phục vụ cho nó, cuối cùng nó cũng tan hoại. Người tu là trở về nguồn
cội, tìm chơn ngã nơi cái ngã giả dối kia. Nhưng khó khăn ở chỗ, nếu
càng khởi niệm tìm thì Đạo càng xa, mà không tìm lại là phàm phu tục tử;
cầu Đạo thì trái , mà không cầu lại sống theo bản năng. Vì khó khăn như
thế nên Tổ bảo là “bí mật”. Bí mật nầy, mỗi người phải tự mình khám
phá.
Bài “Trữ từ tự răn” của Tuệ Trung
Thượng sĩ có đoạn:
Cầu chơn như đoạn vọng niệm
Dường la to át tiếng
vang.
Bỏ phiền não giữ Niết-bàn
Như sợ bóng ra ngoài
nắng.
Trong lớp, khi học sinh
làm ồn, thầy giáo la to để học sinh chú ý im lặng; khi lớp đã yên, nếu
thầy cứ la to mãi, hoá ra chính thầy làm ồn náo. Cũng vậy, hành giả dùng
khối nghi như phương tiện đánh bạt mọi vọng niệm, không phải xem khối
nghi là cứu cánh, càng không có tâm đoạn vọng cầu chơn. Bởi vì, cầu chơn
như đoạn vọng niệm, giữ Niết-bàn bỏ phiền não là còn ý thức phân biệt
hai bên, còn sở thủ sở đắc, tức còn xa lý Đạo; như người muốn át tiếng
mà cứ la to, muốn hết bóng lại mãi đứng ngoài nắng, bao giờ mới tròn ý
nguyện?
Thật ra, trong đời sống
văn minh hiện đại, tri thức rất cần cho sự phát triển tinh thần và tiện
ích của nhân loại, cũng cần cho bước đầu tu tập để tìm hiểu đường hướng,
phương pháp công phu. Tuy nhiên, tri thức không giúp hành giả giác ngộ,
đôi khi còn làm trở ngại nếu chấp vào vốn hiểu biết của mình. Động não
tư duy là dùng nhơn động, nhơn sanh diệt mà tu, nên kết quả nếu có cũng
còn trong sanh diệt. Hành giả tham công án, bặt hết lý giải biện luận
tức tu nhơn thanh tịnh, thì lúc có kết quả sẽ là thanh tịnh không nghi.
Đạo không phải là cái gì bên ngoài để ta mong mỏi suy tính. Đạo chính là
con người thật của chính mình, nên muốn được thì lại mất; khi buông
sạch sẽ, Đạo mới lồ lộ rỡ ràng . “Đi tay không về tay không”.
Tinh thần nầy, Ngài Nam Nhạc mất tám năm mới quán triệt, mới có thể đối
trước Lục Tổ trả lời câu hỏi: “Đem vật gì đến?” bằng lời đáp:
- Nói một vật tức chẳng
trúng.
Người bình thường khi
nghe hỏi, có thể trả lời nhiều câu khác nhau tuỳ trường hợp mình mang
theo vật dụng gì đến. Chúng ta tu Thiền, được nghe giảng quá nhiều và
hiểu cũng không ít, nên cũng không phải mất thời gian lâu như thế để có
câu trả lời. Nhưng thật ra, người xưa ôm mối nghi, thao thức với mối
nghi ấy, và lúc trả lời được tức là đã nhận ra bằng trực giác Bát-nhã.
Còn chúng ta ngày nay, hiểu biết trên kinh sách bằng ý thức suy luận tư
biện, thật không dính dáng. Đức Phật dạy: “Pháp lìa văn tự, chẳng
thuộc nhân chẳng thuộc duyên”. “Pháp” tức chân lý tuyệt đối, là
những gì Đức Phật muốn truyền đạt nhưng không thể diễn tả bằng lời.
Những điều Ngài chỉ dạy cho môn đệ suốt 49 năm hoằng hoá, chỉ là nắm lá
trong tay; những điều Ngài thấy được biết được như lá trong rừng. Kinh
điển văn tự là chân lý chết, không phải mục đích tối hậu của đời tu;
nhưng chúng ta phải nương vào kinh điển mà nhận ra thực tại phi ngôn
ngữ. Nhờ kinh điển chỉ dạy đường lối công phu, nhờ công phu mà tâm sáng
tỏ, khi sáng tâm liền rõ biết pháp lìa văn tự. Thuật khai tâm của các
Thiền sư, theo đúng đường lối “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt
truyền” giúp môn đệ không sa vào hai cực đoan: hoặc chấp vào kinh
điển làm cứu cánh mà không nỗ lực công phu; hoặc bài bác kinh điển,
không biết khiêm cung học thầy học bạn. Người ôm mãi chiếc bè không chịu
lên bờ, cũng như người đang ở giữa dòng mà vội phá bỏ chiếc bè, cả hai
đều lầm lẫn, không thể qua bờ bên kia được.
IV. NHỮNG
CÂU CHUYỆN THIỀN MINH HOẠ.
Khi có vấn đề trọng đại
chưa được giải quyết, hành giả mang tâm trạng khắc khoải, bồn chồn. Đến
nhờ thầy giải đáp, thầy không những không chỉ dạy mà còn có lời nói hành
động kỳ quặc, làm mối nghi càng lớn mạnh thêm. Đến khi mối nghi thành
khối, hành giả lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Ngài Tiệm Nguyên
lúc còn là thị giả của Thiền sư Đạo Ngộ, nhiều phen thưa thỉnh thầy dạy
cho: “Vì sao sanh không nói, tử cũng chẳng nói”. Thiền sư vẫn
một mực “Chẳng nói, chẳng nói!”. Thầy quá từ bi muốn trò nhận
ra lý vô sanh ngay trong sanh tử, nhưng trò cứ một mực bám chặt vào câu
nói, đau đớn cùng câu nói đến nỗi quên cả lễ nghi, đánh luôn thầy mình.
Ôm khối nghi đằng đẵng ba năm, một hôm chợt nghe tụng kinh Phổ Môn đến
câu: “Cần hiện thân tỳ-kheo được độ, liền
hiện thân tỳ-kheo vì người đó thuyết pháp”, Ngài hoát nhiên đại
ngộ, thấy con người thật có ngại gì sanh với tử. Nhưng khi cảm thông
được với thầy, thì thầy đã không còn nữa !
Các vị Thiền sư, bằng tâm
lão bà tha thiết, luôn muốn môn đệ mình nhận ra lẽ thật. Nhưng các Ngài
cũng rõ căn cơ trình độ của mỗi người, nên sử dụng rất nhiều thủ thuật
khác nhau, thật đa dạng mà cũng thật thích ứng. Có khi, các Ngài phải
dùng những biện pháp thật mạnh, dồn môn đệ đến điểm tận cùng, cận kề cái
chết. Trường hợp một đệ tử của Thiền sư Suiwo Nhật Bản là một ví dụ:
Người đệ tử nầy tham công án “Tiếng vỗ một bàn tay” suốt ba năm mà chưa
thấy đáp án. Anh đến khóc với Thiền sư và xin phép về nhà. Ngài khuyên: “Hãy
ở lại một tuần nữa”. Công phu miên mật, sau một tuần vẫn chưa có
kết quả, anh ta lại xin về và Thiền sư cũng bảo nán lại. Cứ thế may lần,
cuối cùng Ngài bảo:
- Anh hãy ở lại ba ngày
nữa và thiền định miên mật. Nếu không thấy gì, tốt nhất hãy tự tử đi !
Người đệ tử tuyệt đối tin
tưởng nơi thầy, tuyệt đối nghe lời thầy nên chỉ còn kỳ hạn ba ngày cuối
cùng nữa, nếu không loé sáng thì đành chấm dứt cuộc đời. Bằng sự chiến
đấu quyết liệt, vận dụng tất cả khí lực bình sinh trong tâm trạng tuyệt
vọng, người đệ tử giác ngộ vào ngày thứ hai của kỳ hạn.
Những câu trả lời hoặc cử
chỉ của các Thiền sư đều là những phương tiện chỉ thẳng, theo tinh thần
Trực chỉ nhân tâm. Môn đệ hầu cận bên các Ngài thường có cơ
hội nhận lãnh nếu công phu miên mật, còn không thì rất dễ bị đầu lưỡi
các Ngài dẫn đi xa tít. Những câu nói, hành động khó hiểu ấy trở thành
công án; hành giả tham công án ấy, khi vượt qua được, nhận ra chân lý
thì tất cả các công án khác trở nên rõ rang gần gũi biết chừng nào!
Một vị tăng hỏi Quốc sư
Đức Thiều: “Sơn hà đại địa từ đâu sinh ra?”.Ngài hỏi lại: “Câu
hỏi nầy từ đâu đến?”. Tăng lại hỏi:“Mắt của bậc kiến đạo thì
thế nào?”. Ngài đáp: “Đen như thùng sơn”. Thể tánh vốn
thanh tịnh, do hốt niệm vô minh nên khởi sanh sơn hà đại địa. Vừa khởi
hỏi là đã khởi niệm, khởi niệm là đã xa rời nguồn cội. Quốc sư bắt vị
tăng nhìn trở lại, ai biết hỏi ở đây? Nếu ngay đó
nhớ lại người biết hỏi thì thầy trò gặp nhau rồi,nhưng vị tăng bỏ mất
cơ hội,lại hỏi tiếp về mắt của bậc kiến đạo. Theo
tinh thần của Lục Tổ dùng đen đáp trắng,tối đáp sáng, Quốc sư trả lời:
“Đen như thùng sơn” để làm bặt đường suy nghĩ. Câu nầy trở thành mối
nghi cho vị tăng. Cách giải đáp chận đứng ý niệm nhị nguyên phân biệt
rất thường được sử dụng trong nhà Thiền, như Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ,
khi một thiền khách hỏi “Thế nào là pháp thân thanh tịnh?”,
Ngài đáp: “Ra vào bãi nước trâu, chui rúc đống phân ngựa”. Câu
nầy có khác gì lời khai thị của Lục Tổ cho Thượng tọa Minh “Không
nghĩ thiện, không nghĩ ác…”?
Vì sao các Ngài chặn đứng
ý niệm phân biệt hai bên?- Thể tánh vốn thanh tịnh hằng biết, là chính
mình; nếu ta muốn tìm muốn hiểu thì năng tri đã biến thành sở tri, vừa
khởi niệm tìm thì đã xa diệu vợi. Thể tánh lại vốn không hình tướng mà
trùm khắp, làm sao có thể thấy hay đến được? Hằng ngày hiển lộ ra sáu
căn, người khéo hội hãy từ các cửa ấy mà thầm nhận; các vị Thiền sư cũng
chỉ cho học nhơn đường vào thẳng tắt ấy, có điều không diễn tả được
bằng lời. Muôn ngàn lời nói cũng chỉ để tỏ bày một thể. Ví như đối với
câu hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”, Ngài Triệu Châu đáp “Cây
bá trước sân”, Ngài Đông Sơn lại nói “Ba cân gai”, Ngài
Lâm Tế hét một tiếng điếc tai, Ngài Đức Sơn đập cho một gậy thấu trời
xanh… Ai thấy, ai nghe, ai biết đau ? Giật mình nhận ra con người quen
thuộc muôn đời. Còn nếu mịt mù, hãy cứ ôm khối nghi làm món nợ truyền
đời phải trả.
Ngài Đạo Quang, một Luận
sư nổi tiếng của trường phái Duy thức đến tham vấn Thiền sư Huệ Hải:
- Thiền sư dùng tâm nào
để tu đạo?
Thiền sư đáp:
- Lão tăng không tâm có
thể dùng, không đạo có thể tu.
Lời phủ nhận nầy người
nghe khó mà chịu nổi! Nếu chúng ta được hỏi, chắc sẽ trả lời dùng tâm
thanh tịnh không sanh không diệt để tu, vì nhân vô sanh sẽ cho quả không
sanh diệt… Ấy là trả lời theo kiểu Pháp sư hay Luận sư, dùng tử ngữ.
Thiền sư sử dụng lối công phá của Bát-nhã, vì nếu còn thấy có dụng công,
có tâm tu là còn ngã tướng, còn tác ý hữu vi. Ngài Đạo Quang chưa hiểu ý
nên lại hỏi :
- Nếu không tâm có thể
dùng, không đạo có thể tu, sao mỗi ngày họp chúng khuyên học thiền tu
đạo?
Thiền sư phủ nhận lần thứ
hai :
- Lão tăng không có đất
cắm dùi thì nhằm chỗ nào mà họp chúng ? Không có lưỡi, lấy đâu dạy bảo
người ?
Luận sư bất bình thốt lên
:
- Thiền sư giáp mặt nhau
mà nói dối !
Thiền sư vẫn bình thản,
phủ nhận lần thứ ba :
- Lão tăng không có lưỡi
dạy bảo người thì nào biết nói dối ?
Mặc áo không dính một tấc
tơ, ăn cơm không nát một hạt gạo. Tâm vô trước vô nhiễm nên không dính
mắc với ngũ dục lục trần, không bị kiết sử ràng buộc sai khiến, như Đức
Phật từng bảo suốt 49 năm thuyết pháp mà chưa từng nói lời nào. Người
thường thấy có lưỡi để nói, có đất để cắm dùi nên rõ ràng bốn tướng
ngã-nhơn-chúng sanh-thọ giả. Thiền sư quá từ bi ba lần phủ nhận, cốt
cảnh tỉnh Luận sư, người luận biện hay giỏi mà không nắm được yếu lý nhà
Thiền. Chỉ tiếc Luận sư mãi chạy theo lời mà quên lãnh ý, nên cô phụ
người và cô phụ chính mình đến nỗi vội kết luận :
-Thật khó hiểu lối
đối đáp của Thiền sư Huệ Hải.
Và đây là tuyệt chiêu của
Thiền sư:
- Lão tăng cũng chẳng
hội !
- Hội thì
tốt, không hội cũng tốt. Người sáng mắt xin hãy xem xem !
Thiền sư Tam Bình hỏi
Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch :
- Ông tên gì ?
Ngài Ngưỡng Sơn thưa :
- Con tên Huệ Tịch.
- Huệ là gì ? Tịch là
gì ?
Nếu giải thích thế nào là
Huệ, thế nào là Tịch, Ngài đã mắc lừa Thiền sư. Nhưng vì biết Đạo tại
nhãn tiền nên Ngài Ngưỡng Sơn thoát được :
- Trước mặt Hòa
Thượng.
Thiền sư Tam Bình muốn
thử Ngài Ngưỡng Sơn, xem cái thấy trước mắt hay cái thấy trùm khắp thênh
thang, nên hạ một câu:
- Cũng còn có trước
sau.
Quả là thế gài bí hiểm,
người thường khó thoát. Ngài Ngưỡng Sơn, một lần nữa gỡ rất khéo và phản
công lại:
- Trước sau để qua
một bên, Hòa thượng thấy cái gì?
Thiền sư buông một câu
chấm dứt :
- Uống trà đi !
Thế là thầy trò gặp nhau,
tâm tâm tương đồng, cùng hòa nhịp ca trên đỉnh cô phong! Đọc trong
Thiền sử, chúng ta gặp nhiều bản hợp xướng giữa thầy và trò, những người
ca không lưỡi, với hòa âm phối khí của dàn nhạc đàn không dây, sáo
không lỗ, trống không dùi. Những bản hợp xướng ấy vang vọng từ ngàn xưa
đến ngàn sau trong thời gian vô cùng và không gian vô biên … Và những
bậc tri âm không tai, xin hãy cùng thưởng thức!