CHƯƠNG VII: NHỮNG LỜI KHAI THỊ NIỆM PHẬT
Khi thân có bệnh không nên hoàn toàn dựa vào thuốc men, niệm Phật vô sự là tốt thôi. A-di-đà Phật là vua của mọi thầy thuốc.
Kinh điển tức là con đường, ý là lúc phiền não khởi, bạn cầm cuốn kinh lên thì phiền não liền được chuyển. Nếu như làm được một chút như vậy thì gọi là “phiền não tức Bồ-đề”, nếu không thì “phiền não tức vô minh”.
Lúc vọng tưởng đến, đừng sợ, bất kể nó là gì. Nó là nó, ta là ta. Ta vẫn A-di-đà Phật, niệm liên tục thì vọng tưởng tiêu tan. Tu hành phải chịu khổ cực, càng khổ cực thì càng có tâm đắc.
Hỏi: “Phải niệm Phật như thế nào mới được nhất tâm?”. Đáp: “Nói câu này cũng là chấp trước. Vọng tưởng đến không cần biết nó, đừng nói : Ta phải làm thế nào mới được?”.
Phàm việc gì cũng phải nhẫn nại, niệm Phật cũng phải như thế. Tu một cách thong thả, không vọng tưởng. Sau này sẽ cùng ở với Phật A-di-đà.
Niệm Phật nhất tâm tức là Thiền, cho nên nói: “Có Thiền có Tịnh độ”. Niệm Phật phải tùy duyên, bất cứ việc gì cũng phải tùy duyên trong niệm Phật, không nói: “Tôi phải niệm Phật bao nhiêu? Tôi đang niệm Phật, tôi đang làm cái gì?”. Đi, đứng, nằm, ngồi, nhất cử nhất động đều ở trong niệm Phật.
Trong kinh A-di-đà, sáu phương Phật xuất tướng lưỡi dài rộng che khắp Tam thiên đại thiên thế giới. Sáu phương thế giới là: phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương trên và phương dưới đều là hữu sắc tướng, bất kể ở đâu đều phải về Tây Phương.
Người già biết hồi đầu niệm Phật thì sẽ không bị đến trong bốn loài: thấp sinh, thai sinh, noãn sinh, hóa sinh. Không thì rơi trong Lục đạo.
Mạng người vô thường, chỉ cần hơi thở ra không hít vào thì đã sang đời khác. Phải dũng mãnh, tinh tấn, khẩn thiết chớ buông lung. Niệm Phật nhiều chính là vông việc cần thiết nhất phải làm.
Đi, đứng, nằm, ngồi không được lìa Phật. Như đại sư Ấn Quang, Đại sư Hoằng Nhất là những người có tu chứng mà còn niệm Phật, huống hồ phàm phu chúng ta! Phải coi vấn đề niệm Phật là việc cấp thiết nhất!
Người đời lấy khổ làm vui, lúc già thì sợ chết, buông xả không được con cháu. Còn người xuất gia chúng ta, tu hành khổ hạnh, vừa làm việc vừa niệm Phật, lâu ngày chầy tháng thể hội ra có thiên đường, địa ngục, Lục đạo luân hồi, vui vì mình được xuất gia. Niệm Phật nhiều, trí huệ sẽ khai mở, sẽ có chỗ ngộ, lúc già không sợ chết vì đã có Tây Phương Cực Lạc để đến.
Hỏi: “Phật là cái gì? Giải thích thế nào?”. Đáp: “Phật không phải là cái gì, trên đời thì có đủ thứ vật dụng, muôn màu muốn sắc. Học Phật thì không là cái gì cả. Không có tâm sắc tướng mới là học Phật”.
Hỏi: “Niệm mãi một danh hiệu Phật hay Bồ-tát tốt hơn phải không?”. Đáp: “Tất cả chư Phật và Bồ-tát đều như nhau, không phải niệm Thánh hiệu Phật này thì tốt, Phật kia thì không. Đó là còn phân biệt”.
Người ăn chay xem những người ăn mặn là tội lỗi, họ cảm thấy ăn chay là Cực Lạc. Người hưởng phước cho rằng mình đang ở thế giới Cực Lạc, nhưng lại không biết không thể an hưởng vĩnh viễn, nếu phước báo hết thì khổ não, phiền não nghiệp chướng theo đó mà đến. Cho nên, quý vị đã quy y Tam Bảo, cần phải buông xả tất cả, thiết thực niệm Phật, đừng tham cầu con cháu làm trở ngại quý vị!
Rất ít người được hưởng phước cả đời, có bao nhiêu phước thì có bấy nhiêu khổ.
Chúng ta chỉ biết mình do cha mẹ sinh ra, nhưng trước khi cha mẹ sinh chúng ta ra, thì bộ mặt thật chúng ta thế nào? Lúc chết đi về đâu? Chúng ta đã nghe Phật pháp, biết có Phật A-di-đà đã phát 48 lời đại nguyện, chỉ cần niệm danh hiệu Ngài thì sẽ được tiếp dẫn đến Tây Phương Cực Lạc. Phật A-di-đà có nguyện này, chúng ta cũng nên nguyện như vậy: “Nguyện vãng sinh Tây Phương”. Chúng ta phải tin rằng có Tây Phương Cực Lạc, có Phật A-di-đà đại từ đại bi. Đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh, chỉ cần sẵn sàng niệm Phật thì lúc sắp mệnh chung tâm có chánh niệm, thường luôn niệm Phật, Phật A-di-đà sẽ đến tiếp dẫn chúng ta. Nếu còn nhớ tưởng cho dù là cây kim ngọn cỏ của thế giới Ta-bà thì sẽ phải sinh tử luân hồi.
Lúc vọng tưởng hoặc phiền não khởi lên thì phải dừng ngay, tiếp tục niệm Phật. Nếu vọng tưởng cứ khởi, thì mặc kệ nó, vẫn tiếp tục niệm Phật, như thế mới không thoái thất đạo tâm.
Thân giả hợp của chúng ta khó tránh khỏi khổ đau của bệnh tật, những bệnh này còn nhẹ, vọng tưởng tham, sân, si mới là đại bệnh.
Có vọng tưởng thì có luân hồi, không thể liễu được sinh tử. Vì để giữ chánh niệm lúc sắp mệnh chung, hằng ngày phải nên uống nhiều thuốc A-di-đà Phật, không thì chết sẽ không biết về đâu.
Tất cả ai cũng có phiền não, nhưng đời người không lâu, có phiền não thì mãi ở trong sinh tử, mới ở trong Tứ sinh Lục đạo. Trong Tứ sinh, thậm chí ngay cả thân người cũng khó được, hễ một niệm phiền não khởi lên thì đầu thai trong Tứ sinh, cho nên phải niệm Phật mới được liễu sinh tử.
Đả Phật thất là phải độ chúng sinh vãng sinh Tây Phương thế giới. Thế giới Ta-bà có sinh có diệt, thế giới Cực-lạc không còn sinh diệt
Phải tâm không lìa Phật, niệm Phật rõ ràng, nghe phải minh bạch. Dùng tâm tưởng, dùng tai nghe, dùng miệng niệm, cần phải tâm trụ trong tiếng niệm, buông xuống muôn duyên, phải nương vào tiếng niệm Phật mới được nhất tâm bất loạn. Không có tâm “năng niệm”, “sở niệm”, “anh đang niệm” hoặc “tôi đang niệm”, mọi người đều nương theo âm thanh đồng âm này mới được nhất tâm. Tây Phương Cực Lạc cũng y âm mà niệm (nhất tâm chính là chú tâm vào tiếng niệm Phật, nghe âm thanh mà niệm). Đả Phật thất đừng để bị niệm thế gian lôi kéo. Nếu không chuyên tâm thì đáng tiếc chuyến đi đả Phật thất này, nên phải nhất tâm niệm Phật, một lòng lóng nghe.
Niệm Phật mới là con đường thanh tịnh chân chính. Niệm Phật tức là con đường đến Tây Phương, đồng âm niệm Phật tức đáo Tây Phương, không cần phải mua vé máy bay, con thuyền đến Tây Phương không hình không tướng.
Hỏi: “Niệm Phật nếu tâm bị tán loạn, phải làm thế nào?”. Đáp: “Chỉ có một cách là cứ tiếp tục niệm Phật, tập trung hết tinh thần vào sáu chữ Nam mô A-di-đà Phật”.
Quý vị xem con tò vò không con, nó bắt một con trùng nhỏ rồi lấy đất hoàng thổ (đất màu vàng, hạt mịn, bở, xốp) bọc lại, ngày ngày kêu. Quý vị có biết nó đang nói cái gì không? Nó đang hết lòng nói với con tiểu trùng rằng: “Mày phải giống tao! Mày phải giống tao!”. Cứ như vậy, lấy con trùng khác làm con của mình, sau vừa ra khỏi tổ cũng thành con tò vò, chuyên tâm nhất ý, siêu phàm nhập Thánh, chuyên tâm niệm A-di-đà Phật! A-di-đà Phật! Ngày ngày công phu cho thuần thục, tương lai nhất định thành Phật.
Tây Phương ở đâu? Ở trong tâm chúng ta. Chúng ta hiện tại tuy đang ở Ta-bà, nhưng nếu niệm Phật, tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Tâm thanh tịnh, không phiền não, không vọng tưởng chính là Tịnh độ.
Hỏi: “Niệm Phật thế nào mới được nhất tâm?”. Đáp: “Đây cũng là chấp trước. Lúc vọng tưởng đến không cần để ý đến nó, càng bảo nó lặng thì kết quả lại càng vọng tưởng nhiều. Cho nên, để ý đến nó thì cũng nhiều vọng tưởng. Niệm Phật phải tùy duyên, nghĩ đến thì niệm, không nên chấp trước “ta phải niệm thế nào?”. Niệm phải niệm đến “niệm mà vô niệm”.
Niệm Phật không đơn giản, cần phải bỏ hết những lo âu phiền muộn, phải nhất tâm thanh tịnh xưng niệm Nam mô A-di-đà Phật mới có thể được tương ưng. Phải niệm sáu chữ một cách rõ ràng, không được có một chút hào ly nghi ngờ thì những tạp niệm sẽ được tiêu trừ, chắc chắn sẽ được nhất tâm bất loạn. Nếu như quý vị tin tôi, thành thật, chí tâm niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi không lìa sáu chữ, thậm chí cho đến trong mộng cũng vẫn duy trì, trong tâm luôn luôn có sáu chữ Nam mô A-di-đà Phật. Không cho trần cảnh xâm nhiễm, đạt đến mức độ ấy thì tâm không còn tham luyến, ý không điên đảo. Công phu đến lúc thuần thục thì cảnh Cực Lạc hiện tiền, nhất thiết không được không lưu ý.
Hết thảy người thế gian đều bị sinh lão bệnh tử khổ. Chúng ta phải biết sinh tử từ đâu đến, chết đi về đâu. Là con trai, người vợ càng âu yếm, bạn lại càng khó rời xa, tham luyến thế gian, không biết thoát ly khổ hải thì vẫn phải ở trong luân hồi. Đây cũng là trọng nghiệp, nghiệp chướng chính là phiền não lo âu, ví dụ lo lắng trai gái, lớn bé trong nhà. Mỗi người có một nỗi lo khác nhau, nhưng cũng đều giống nhau ở chỗ là quên đi việc lớn sinh tử của chính mình, thậm chí ngay cả lúc mạng chung, sắp bỏ cõi đời mà cũng không quan tâm.
Có những đứa trẻ biết lễ Phật, tụng kinh, đây là có căn lành, cho nên nói chúng sinh theo nghiệp chuyển. Nghiệp chướng mỗi người không đồng, nếu không chuyển được nghiệp thì phải luân hồi, phiền não vô tận.
Mỗi người nghiệp cảm khác nhau, nếu không giác ngộ, nhận rằng Ta-bà là Cực Lạc thì không khác gì những con giòi dưới hầm phân, lại giống như mua gà vịt thịt cá ở chợ, cho rằng rất vui nhưng khi giác ngộ rồi thì cho đó là tội lỗi.
Chủng tử xấu từ vô thỉ đến nay rất nhiều, nếu mang nghiệp đến thì rồi lại mang nghiệp đi, vẫn mãi ở trong luân hồi.
Hỏi: “Mang nghiệp đến, làm sao khai trí huệ?”. Đáp: “Niệm Nam mô A-di-đà Phật” cho nhiều.
Mọi việc không được so bì tỵ nạnh, thấy việc gì làm chưa tốt thì tự mình đi làm, không nên sai bảo người khác, vì công đức thuộc về chính mình. Nếu như sai bảo người khác, đó chính là bạn đã tạo khẩu nghiệp. Làm việc không phải là làm cho ai khác, làm là tiêu nghiệp chướng cho mình.
Chúng sinh theo nghiệp chuyển trong Tứ sinh. Chúng ta phải tìm đường liễu sinh tử, nhất tâm niệm Phật thì theo nghiệp chuyển. Nếu không, bạn sẽ luân hồi trong sáu đường sinh tử.
Có người vì không thấy được nên không tin luân hồi. Thực ra, chúng ta có thể thấy được như trâu, heo do ai đầu thai? Ở trong thế giới phồn hoa cũng có thể thấy được Lục đạo luân hồi, như diễn kịch trong truyền hình, cũng giống như chúng ta đang diễn.
Chúng ta nhiều đời tạo nhiều ác nghiệp, nghiệp tạo còn cao hơn núi. Đời này xuất gia tu hành thì nghiệp luôn xuất hiện trước mắt; cho nên có lúc cảm thấy sau khi xuất gia, nghiệp lại đổ nhiều hơn. Chúng ta phải cố sức để nhảy qua. Nếu không khắc phục phiền não, lại khởi tâm động niệm, như vậy thì lại tạo thêm nghiệp mới.
Nghiệp chướng đến thì vô minh phiền não khởi, như không có chánh niệm thì tà niệm khởi, nhìn ai cũng thấy trái tai gai mắt, cái gì cũng không vừa ý, muốn bỏ chùa này đi tìm chùa khác; hoặc thấy tu hành không có ý nghĩa, muốn hoàn tục quách cho rồi. Thật ra, hễ khởi phiền não là mình đã sai rồi. Không cần bạn có lý hay không. (Chú): Có phiền não thì nghiệp chướng hiện tiền, không thể an ổn tu hành, cho nên nói: “Một niệm sân hận khởi lên thì trăm ngàn nghiệp chướng đều mở cửa”.
Chúng ta tu khổ hạnh là muốn tiêu trừ nghiệp chướng. Do đó, các bạn phải chú ý lời nói, hành động của mình để khỏi chiêu mời nghiệp chướng.
Vì sao chúng ta bị luân hồi? Là do thất tình (bảy thứ tình cảm của con người: mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn). Ngũ dục (tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ) quá nặng, bị thất tình ngũ dục mê hoặc. Cả ngày vì tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ mà phiền não. “Nghiệp” cũng do như thế mà ra.
Có người nói: “Định nghiệp không thể chuyển”. Đáp: “Nếu tin Phật, hồi đầu niệm Phật tu đạo thì nghiệp có thể chuyển được”.
Chúng sinh theo nghiệp chuyển, muốn lấy thanh tịnh Phật pháp để chuyển nghiệp rất không đơn giản. Muốn giải thoát lại càng khó hơn. Mỗi người tính khí bất đồng, “hiểu tính nhau thì dễ ở cùng” (Sư phụ đặc biệt nhấn mạnh chúng ta sống phải biết thuận lòng người). Cho nên nói, độ chúng sinh phải tùy duyên chúng sinh, phải có lòng từ bi, phải cho chúng sinh phương tiện.
Các bạn phải làm hết thảy mọi công
việc, nếu ăn không ngồi rồi thì phước báo sẽ hết, nghiệp chướng sẽ đến.
Sinh ra không đem gì đến, chết cũng chẳng mang gì theo. Cho dù khi sống có tiền muôn bạc triệu, khi chết cũng không thể mang theo, cho nên nói: “Mọi thứ phải để lại, duy chỉ nghiệp theo mình”. Đừng vì sự vật bên ngoài mà lãng phí một đời người, hãy tranh thủ thời giờ tu hành đi!
“Cá lớn ăn cá nhỏ”, con người giống như con cá lớn, cái gì cũng ăn, ngay cả con hổ hung dữ cũng muốn ăn, nghiệp chướng rõ ràng là sâu nặng. Nếu không sớm cầu sám hối, lễ Phật nhiều thì đến lúc Phật Di-lặc giáng sinh, một chút thiện căn cũng sẽ không có chớ nói gì đến tu hành. Nếu niệm Phật nhiều, hay sám hối, tu hành nỗ lực, trồng nhiều thiện căn thì đến lúc đó, không chừng được làm đệ tử của đức Di-lặc.
Cái túi da (chỉ thân xác chúng ta) hôi thối này là chúng ta chỉ tạm mượn, nhưng chúng ta lại thường hay vì nó mà tạo vô biên nghiệp báo.
Hỏi: “Thưa Sư phụ! Việc đó thật không dễ!”. Đáp: “Đừng nói rằng khó, cứ làm đi thì sẽ dễ thôi!”.
Hỏi: “Tôi là phàm phu, cho nên…”. Đáp: “Nói mình là phàm phu cũng là chấp trước”.
Thường nói người xấu, ta tốt. Nói mình tốt thì vui, nói xấu thì khó chịu. Đây chính là “tướng nhân, tướng ngã” thì không thể tu được. Nếu có “ngã tướng” thì làm việc gì cũng có “cái ta” rất là quan trọng, phân biệt ta người rất rõ ràng, như vậy là không thuận lợi cho việc tu hành, thường hay sinh khởi phiền não.
Phải bỏ “ngã chấp” ngay từ vấn đề cơm lạt áo thô. Phải ít ham muốn, không khởi tâm phân biệt. Phải tu không “tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả”.
Người khác nói ta không tốt, không nổi giận; nói ta tốt, cũng không vui mừng. (Chú): Sự phê bình, chỉ trích của người khác, có thể khiến chúng ta phản tỉnh, phải cảnh giác, như vậy cho nên nói “những lời nghịch tai là duyên tốt” (nghịch tăng thượng duyên).
Tai chúng ta luôn thích nghe những lời người khác nói tốt về ta, mắt cũng thế, luôn thích nhìn cái đẹp. Những điều này đối với việc tu hành sẽ không thuận lợi.
Thân khẩu ý của người xuất gia chúng ta khác với người đời, phải biết thế nào mới được “liễu sinh thoát tử”, mục tiêu của chúng ta là “liễu sinh thoát tử”. Nếu trong lòng bạn còn tham lam, yêu ghét, lo lường… Như vậy thì lúc sắp mạng chung, cảnh giới ấy sẽ tùy tâm hiện khởi. Tâm hễ chấp trước thì liền đi vào cảnh giới luân hồi.
Cha mẹ tốt với chúng ta, càng thương yêu lúc chết càng khó bỏ. Đừng có luôn luôn phiền não cha mẹ thế này hay thế khác, phải chuyên tâm nơi đạo, không thì lại phải thương yêu xa lìa là khổ (ái biệt ly khổ), con đường sinh tử luân hồi thật là nguy hiểm.
Giới cũng đừng quá chấp trước, phải hiểu rõ nhân duyên chế giới, học tập tinh thần giới điều này, không nên chấp trước vào giới tướng. Trì giới là không sinh phiền não, không xung đột với người.
Không được có ngã chấp, nếu có ngã chấp thì trí huệ không khai mở. Không được có tâm cống cao ngã mạn, không thì sẽ chướng đạo.
Phải xả bỏ tất cả. Nếu còn thích, lưu luyến cái gì ở thế gian thì lúc lâm chung sẽ hiện ra cái đó.
Bình thường không nên lo lắng bất cứ việc gì để tránh lúc lâm chung, các cảnh lo lắng hiện ra, sẽ phải tiếp tục luân hồi (bởi vì những suy nghĩ thường ngày chính là những ý niệm của lúc lâm chung).
Người xuất gia phải vô sở cầu, vô sở trụ.
Đối với bất cứ việc gì cũng buông bỏ hết. Buông bỏ tức là công phu.
Phải bỏ cho được, nhìn cho thấu suốt thì mới có thể vượt qua sinh tử.
Xuất gia phải xả tình chấp “ái biệt ly khổ”, không được phan duyên.
Người xuất gia không chú trọng ăn mặc, chỉ cần cơm đạm áo thô, ấm thân no bụng là được.
Tu hành không chấp trước, chấp trước tức sinh phiền não.
Bị người khác công kích hoặc phê bình, cần phải nhẫn chịu. Cho dù oan ức cũng phải nhẫn nhục, thậm chí còn cảm ơn mọi người, bởi vì nhờ họ mà có cơ hội tu pháp “nhẫn nhục”. Nhẫn nhục tức là trí huệ.
Tu hành phải bỏ ngã tướng, không được nói ra thân phận trước khi xuất gia của mình là gì, nếu nhớ địa vị xã hội trước đây thì không thể hạ quyết tâm tu đạo được. Đã xuất gia thì không có thân phận, sở học cao thấp, mọi người đều như nhau. Cho dù là học vị bác sĩ, khi đến cửa Phật tu hành cũng phải từ nhỏ học lên. Tu hành phải xả thân, phải phát tâm vì thường trụ. Nếu cứ chăm sóc cho thân thể thì không thể tu hành, mà ngược lại còn bị cái bị thịt hôi thối này lôi chuyển.
Phải lập đại nguyện như vậy: “Hết thảy mọi người thành Phật hết tôi mới thành Phật”. Nói một cách đơn giản là giúp mọi người an tâm tu đạo, để mọi người an trụ kỳ tâm, giảng đạo lý cho mọi người nghe khiến họ tăng trưởng trí huệ. Sau khi mọi người thành Phật, ta mới thành Phật. Không được có tâm tật đố, sợ người khác hơn mình.
Chúng ta xuất gia thì phải tu hành liễu sinh thoát tử, không phải đến hưởng thụ. Tu khổ hạnh chính là mài dũa thân tâm chúng ta. Không có “ngã tướng”, không có tham, sân, si mới đạt được thân, khẩu, ý thanh tịnh.
Không được mong cầu thí chủ đem vật thực đến cúng dường, không được dựa vào thí chủ (ý chỉ không được phan duyên tứ xứ). Chỉ cần nỗ lực tu hành, thành tựu rồi thì Thiên long Bát bộ sẽ hộ pháp ta.
Trước đây La Trạng Nguyên đã bỏ chức vị mà xuất gia, ông ta sợ mọi người biết thân phận mọi người trước đây nên khổ hạnh làm tất cả công việc. Có một ngày, ông ta khai ngộ, nhớ lại việc rửa chén đĩa trước đây, làm bể bao nhiêu cái, tức tốc lấy của bồi thường.
La Trạng Nguyên không có ngã tướng cho nên dụng đắc công phu, được khai ngộ rất nhanh.
Lúc phiền não, đừng nói với người này, nói với người kia, nói đi nói lại chỉ thêm thị phi. Tốt nhất là nên lễ Phật nhiều sẽ hết phiền não.
Tòng lâm Đại Lục trước đây, hễ có người phạm lỗi, thầy Tri khách không cần nói nhiều, viết họ tên bố cáo lên bảng, người này thấy được bèn phải bỏ đi. Người thời nay, nếu thầy Tri khách trách mắng vài câu, liền cãi lại, căn cơ còn kém hơn người xưa xa.
Giấy loại (giấy đã viết) cũng phải quý tiếc, không được tùy tiện chà đạp, vò xé, cần phải đốt bỏ, đây cũng là một đức tính tốt.
Đừng sợ phải đắc tội với người, điều quan trọng là công việc của mình (ý muốn nói là chỉ cần mình làm đúng). Cái gì đáng nói thì phải nói. Không được lấy Phật làm ơn huệ, để tránh rơi vào nhân quả (mất người chứ nhân quả không mất).
Trước đây xuất gia ở Tòng lâm Đại Lục không phải dễ dàng như vậy, vừa xuất gia là phải ra ngoài đào núi vỡ đê, làm những công việc nặng nhọc, cho đến lúc thấy bạn đạo tâm kiên cố mới cho lãnh chức sự. Hôm nay, chúng ta có đạo tràng tu học như thế này, đừng có vọng tưởng đạo tràng nào tốt hơn, nếu tâm không an định thì không thể tu hành.
Làm việc là phải làm một cách tình nguyện, đừng có làm một cách miễn cưỡng. Như thế mới tăng trưởng trí huệ.
Có một số người cho rằng, giả sử nếu tất cả mọi người đều xuất gia thì xã hội này sẽ thế nào? Nói: “Mọi người đều xuất gia thì chúng ta cùng lên Cực Lạc thế giới, như vậy không tốt hơn sao?”.
Người đời bị năm món dục mê hoặc, muốn được ăn ngon nên giết hại để nuôi dưỡng cái thân thể này, không biết rằng thịt mình ăn đây là quyến thuộc nhiều đời trong quá khứ. Ăn một cân nhất định phải đền trả 16 lạng (16 lạng bằng một cân, theo lối tính của người Trung Quốc), không thể trốn chạy. Như vậy, vay vay trả trả, tử tử sinh sinh, vĩnh viễn không bao giờ ra khỏi vòng lẩn quẩn của luân hồi. Hơn nữa, ăn thịt của lục thân quyến thuộc trước đây, lòng sao nỡ nhẫn?
Tu hành phải trừ bốn tướng (tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả).
Thấy khuyết điểm của người khác, không được khởi tâm phân biệt, phải quan sát tự tâm, cảnh giác chính mình.
Chúng ta là phàm phu, nam nữ cần phải phân ra cho rõ ràng, phải giữ khoảng cách để khỏi phải chướng đạo
Thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Nay đã được thân người lại được nghe Phật pháp, phải nên tu hành cho nghiêm chỉnh.
Lục đạo là: nhân, thiên, A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Trời, người tuy được hưởng phước báo nhưng chỉ cần khởi một niệm không lành thì sẽ bị đọa lạc. Con người chúng ta đã phạm sai lầm, chỉ cần thật tâm sám hối thì đồng với thanh tịnh không khác.
Người tu hành gặp cảnh ngộ càng xấu thì càng tốt. Người xuất gia khác với người tại gia, đã xuất gia rồi thì càng khổ càng hay. Trên đường tu hành có rất nhiều chỗ khác với thế tục, không phải tranh cãi đúng hay sai. Trước đây, có hai đồ đệ ngồi thiền, một người ngồi rất trang nghiêm, một người thì ngược lại, ngã bên Đông, ngoẹo bên Tây, nhưng Sư phụ thì lại đánh người ngồi ngay thẳng. Nếu như người thời nay thì sẽ lập tức sinh khởi phiền não, nhưng vị đồ đệ đó thì không như bạn. Ngài rất hổ thẹn xin Sư phụ khai thị chỗ dụng công sai của mình. Người tu hành không phải tranh luận đúng hay không đúng mà phải là có công phu như vậy. Bạn đúng, mọi người nói bạn sai, bạn cũng phải nhẫn chịu.
Tu hành là phải thủ tĩnh ở trong động, nếu chỉ thủ tĩnh trong tịnh thì công phu ấy chưa đạt đến rốt ráo. Cần phải động tĩnh đều không quái ngại.
Tu hành nhất định phải ở chốn Tòng lâm đông người, như vậy mới có cơ hội rèn luyện. Không nên chỉ ở chỗ có hai ba người, đã không có Tòng lâm, lại không có quy củ Phật môn thì không có cơ hội mài dũa chính mình, không có cái gì lĩnh hội.
Những người khen ta, nói tốt ta đều không phải là thiện tri thức. Những người chửi mắng ta (bất luận là ta đúng hay sai) mới là thiện tri thức chân chính. Lúc kích động ta, chính là đang thành tựu nhẫn nhục cho ta. Lúc chúng ta bị công kích, nên thường nghĩ: “Đừng có mỉa tôi, tôi sẽ làm cho bạn xem”. Thoát ra những chí khí như vậy, nhất định bạn sẽ thành tựu.
Nam nữ phải phân ra cho rõ ràng, cho dù sống đến trăm tuổi, cũng vậy. Trừ phi đã đắc ngộ, có định lực, không thì sẽ dễ xảy ra vấn đề.
Xuất gia là phải xả thân. Người ta chửi mắng, sỉ nhục thế nào cũng không oán giận, trước phải bỏ “ngã tướng” thì mới có thể tu hành được. Phải thể hội “Tam quy y” cho rõ ràng, có hành được không?
Trí huệ vượt quá thần thông, trí huệ biện biết được phải trái, liễu được sinh tử.
Người đến giới đàn cầu giới đến từ khắp nơi, chúng ta không nên mặc đẹp, ăn ngon, ở chỗ tốt hơn người. Ở giới trường ít nói, giảm bớt phan duyên với người. Có thời gian nên lễ Phật, niệm Phật, sám hối cho nhiều.
Thọ giới năng nhẫn tức vào đạo, phàm những việc đơn giản, thuận tiện thì tốt. Không nên so bì giường anh lớn, thức ăn anh ngon. Thọ giới là đi học oai nghi quy củ, không phải là đi tranh luận phải trái, tạo khẩu nghiệp, cho nên không được phan duyên, tiếp xúc nhiều.
“Tham” chính là “tham” cái xấu. Nếu như bạn thấy sai lầm của người khác, cần phải cảnh giác mình để đừng sai phạm, người khác không hành đúng pháp, chúng ta phải như pháp.
Đừng nghĩ rằng xuất gia mấy năm thì được làm Pháp sư, phải bế quan, ít nói. Nếu như đạt được trình độ đó, công phu chưa đến nơi thì ăn mặc ngủ đều còn cần thiết, làm sao mà bế quan? Sau này cũng xảy ra vấn đề.
Chúng ta phải học tập chư Phật, Bồ-tát, Lịch đại Tổ sư, phải dũng mãnh tinh tấn lên.
Xử sự phải cẩn thận, mọi việc đều có nhân quả. Nếu phí phạm vứt bỏ hay làm hư hoại một vật gì đó đều không thể thoát khỏi nhân quả. Nhân quả không sai một tơ hào và cũng không ai thay thế cho ai được. Cho nên nói: “Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”.
Hỏi: “Sư phụ thường hay dạy chúng con học tập chư vị Tổ sư, nhưng ở hoàn cảnh quá hậu hỹ, ăn mặc ngủ nghỉ quá dư thừa thì làm sao học theo được? Đáp: “Chúng ta đừng tham chấp, chỉ cần sống được là tốt rồi. Không thể vì nhiều của cải bèn ra sức mà ăn, đây là có niệm tham. Cũng không được cố ý ăn ít để phải đói, cần phải theo thực lượng vừa đủ của mình. Ăn no là được, đừng phân biệt ngon dở”.
Người xuất gia không luận bái ai làm thầy, chỉ cần giữ được quy củ trong chùa. Mọi người đều như nhau, mọi người đều là đệ tử Phật. Nếu phân biệt, anh là người ngoài, tôi là đệ tử ruột thì chẳng phải là người xuất gia. Người xuất gia chỉ cần y giới tu hành, sống khiêm nhường, tinh tấn thì đến đâu cũng được cung kính, Thiên long Bát bộ sẽ ủng hộ; Tòng lâm mười phương đều có thể là nhà.
Thức dậy buổi sáng, trước phải rờ đầu, đặt câu hỏi vì sao ta phải xuất gia? Vì “liễu sinh thoát tử” (đề khởi đạo tâm).
Tại gia có khổ, xuất gia cũng khổ. Cái khổ của tại gia không có mục tiêu còn cái khổ xuất gia là cái khổ liễu sinh tử, không còn bị luân hồi.
Miếng cơm của người xuất gia không phải dễ ăn đâu! Nếu muốn ăn một cách an ổn thì phải tu hành cho tốt.
Phàm mọi việc không phải người ta nói sao mình nghe vậy, phải dùng trí huệ của mình mà suy xét.
Điều chúng ta phải học là “tâm địa pháp môn” không sắc tướng, đây mới là pháp vô thượng.
Có người thì sẽ có thị phi, cho nên đừng nói chuyện thị phi cùng người. Bởi vì nói chuyện phải trái là “người thị phi”. Người xuất gia, nếu rảnh rỗi nên lễ Phật niệm Phật.
Tu hành phải chú ý khẩu nghiệp, miệng tốt thì tâm tốt, đừng nói: “Tuy tôi nói vậy chứ trong lòng không có gì”
.
Mỗi người độ sinh theo mỗi pháp môn riêng, không được tùy tiện hủy báng, phê bình làm ảnh hưởng tín tâm của người khác đối với Phật pháp, có nhân quả đấy!
Phải không có tâm phân biệt mới có thể bỏ “ngã tướng”. Nếu như chấp “ngã tướng” thì không thể tu hành, trí huệ không thể khai mở.
Tiếp xúc với tín đồ chỉ nói Phật pháp. Nếu họ nói chuyện thế tục với bạn, thì nói: “Xin lỗi! Bây giờ tôi không rảnh”. Sau đó thì đi lễ Phật. Nếu gặp người bất thiện, mặc kệ, không để tâm.
Nếu không bỏ lìa tham, sân, si thì không thể khai mở trí huệ.
Đừng có nhìn người khác đúng hay sai, hãy trở lại soi xét chính mình, xem mình đúng hay không đúng. Tu là tu cho chính mình. Ai cũng có lỗi lầm, nhưng phải thành tâm sám hối.
Người xuất gia không nên coi thường địa dư, nhưng tu hành đạt đến trình độ nào đó thì sẽ không chịu sự ảnh hưởng của địa lý, bởi vì tâm có thể chuyển vật.
Lúc người khác bình luận chuyện tốt xấu, không nên tham gia ý kiến, trong lòng hay biết là được cũng không nên tham gia nói chuyện thị phi, không bị chuyện phải trái.
Nóng tính dễ khởi vô minh. Cho nên phàm làm việc gì, trước phải giữ tâm định tĩnh.
Tín đồ mang phẩm vật tứ sự đến cúng dường, là đến để cầu phước. Cho dù là một cọng cỏ, chúng ta vẫn phải vui vẻ nhận lấy. Nếu mang phẩm vật quý giá đến, chúng ta vì phẩm vật này mà khởi tâm niệm tham thì không thể đạt đạo. Nếu đem phẩm vật hư thối đến, chúng ta vẫn dùng làm thức ăn thì phước huệ song tu. Nếu không xử lý thích đáng mà còn trở lại chỉ trích họ đã đem phẩm vật không thể dùng được mà bố thí, thì không những chính mình bị phiền não mà còn tạo thêm khẩu nghiệp.
Thọ giới không phải là thọ mấy cái tướng giới ấy, mà giới là hành vi giới, không phải lấy những kích thước này (những giới mà mình đã nhận giữ để chỉ trích lỗi lầm của người khác). Nếu không thì đó lại là chính mình phạm giới trước.
Phải tu “nhẫn nhục”, “nhẫn” là căn bản của tu hành. Nếu không nhẫn được, thì chỉ xuất gia ở hình tướng bên ngoài.
Xuất gia là phải hành đại hiếu, phải trên đền bốn ân, dưới cứu ba cõi. Độ cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, bao gồm cha mẹ rất nhiều đời nhiều kiếp.
Xuất gia tu hành là phải tìm cho được khuôn mặt thật trước khi cha mẹ sinh ra của mình. Cái này các bạn vẫn còn chưa biết, do trí huệ chưa sinh. Giống như mặt trăng bị đám mây mù che lấp nên ánh sáng không thể tỏ lộ. Người xuất gia phải lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa. Đại bi đại thể, tất cả đều từ trong đó mà ra.
Tây Phương ở đâu? Ở trong tâm chúng ta, trong tâm vô sự, không phiền não thì Tây Phương.
\
Những hành động nghịch đến, giống như để bạn kiếm tiền đi Tây Phương mà bạn lại không muốn. Bạn không biết tu nhẫn nhục mà ngược lại còn khởi phiền não.
Phải thương yêu tất cả chúng sinh, đó là tu, là trồng xuống hạt giống tốt lành. Cho nên phải phát Bồ-đề tâm, từ bi tâm.
Tu hành, thì đến nơi đâu cũng như nhau (ở đâu cũng đều tự tại). Tu, chính là tu những cái này.
Sống mà biết vì người thì mới đáng là người xuất gia tu hành. Nếu không như thế thì cũng như tất cả những người trong xã hội sinh con đẻ cháu, lúc sắp chết không xả bỏ được, quyến luyến không muốn ra đi.
Người có căn cơ, nếu bạn trách mắng họ thì họ biết là bạn đang dạy họ, họ sẽ cầu xin sám hối. Người căn cơ thấp kém thì trở lại nói bạn sao bảo họ không đúng? Bởi vậy sinh phiền não, có người thậm chí muốn bỏ đi.
Tu hành phải tu được từ bi tướng, để người khác trông vào thấy rất hòa ái, dễ gần.
Nghe khai thị, không phải là nghe nhiều hay ít mà là nghe có vào hay không? Nghe vào mới có ứng dụng.
Mặc y phục nâu sòng này, phải tu đến bất cứ điều gì cũng không quái ngại, lo lắng gì hết đến nhân tình thế thái.
Tu hành phải phước huệ song tu. Tu đến lúc phước huệ đầy đủ thì mọi người tự nhiên cung kính bạn.
Xuất gia phải điều phục tâm viên ý mã.
Thiện tri thức ở đâu? Ở tại trong tâm bạn.
Làm việc là không phải làm cho ai khác, mà là vì để sạch nghiệp chướng của mình. Tất cả đều làm việc, nếu có người không muốn làm thì chúng ta đến nhắc nhở; nếu họ làm không tốt thì ta hãy làm giúp. Không được chia việc ra làm, không được so bì tỵ nạnh. Nếu không thì bạn sẽ khởi phiền não. Nếu họ không làm thì bạn tự làm lấy, phải có tâm từ bi.
Những người đả kích bạn thì bạn cho rằng họ là người xấu, nhưng nếu ở trên đường tu hành mà nói thì họ lại giúp đỡ cho chúng ta, chúng ta cần phải cám ơn họ mới phải. Bởi vì đó là chiếc vé đi Tây Phương, xem bạn có muốn kiếm không?
Người khác làm ác, bạn không nên vui theo họ làm ác. Phải phân biện được phải trái, tâm cần có chủ, các bạn phải rộng kết thiện duyên, chưa thành Phật, trước phải kết thiện duyên với người.
Hôm nay là hôm nay, ngày mai là ngày mai. Hôm nay có thể thân thể khỏe mạnh, không bệnh tật, niệm Phật nhiều thì sẽ cảm thấy đầy đủ. Ngày mai đến, ngày mai hãy nói, không cần phải bận tâm.
Lúc Hòa thượng Hư Vân triều sơn đi chân đất, một chiếc gậy, một dãy vải, nhẫn chịu mọi đói khát. Đi đến đâu hay đến đó, việc ngày mai ngày mai hãy nói, tâm vô sở trụ, sẽ được Long thiên Hộ pháp hộ trì. Chúng ta chưa có nguyện, chứ có nguyện thì việc gì cũng đều làm được.
Tu hành không phải cái gì cũng không muốn, đó là “thiên về không”. Tu hành là phải tùy duyên, cần ăn là ăn, cần dùng là dùng.
Chúng ta ở đây có thể thấy người khắp mười phương, đủ hình tướng sắc màu. Những người xuất gia trẻ tuổi, ý niệm tình ái tương đối nặng, giả như nếu thấy một đối tình nhân đang yêu nhau mà sinh khởi ý niệm thích thú là chưa có đạo tâm. Phải cho rằng họ đang tạo nghiệp, như thế mới có đạo tâm.
Làm một vị Bồ-tát không thể cứ chỉ mình tốt là được, phải lấy “lợi người” làm trọng, còn mình thì không quan hệ, mỗi mỗi đều phải lợi người. Nếu chỉ nghĩ lợi ích cho riêng mình thì vô minh phiền não sẽ lớn chồng chất.
Thế nào mới được gọi là khổ hạnh, chính là tất cả đều không so bì tỵ nạnh, làm những việc người khác không làm, ăn những vật người khác không ăn, sống không phân biệt. Đây chính là tu khổ hạnh.
Hòa thượng Hư Vân chỉ một bộ đồ, rách thì vá, vá rồi lại mặc. Ăn ngày một bữa, qua ngọ thì không ăn nữa. Chỉ vì “liễu sinh thoát tử”, dũng mãnh tinh tấn, xả bỏ tất cả.
Đoàn thể chúng ta được trang nghiêm, mỗi người cũng phải trang nghiêm chính mình, bất luận chỗ nào cũng đều trang nghiêm. Lúc khóa tụng, người ngoài đến thấy đại chúng rất oai nghi, rất trang nghiêm, tự nhiên họ sinh tín tâm với Phật pháp.
Hằng ngày phải nên luôn niệm Phật, lễ Phật, làm việc. Không có việc gì thì không có phiền não, chính là mọi sự trôi qua một cách êm ả. Không nên khởi vọng tưởng làm cái gì (không có lỗi tức là công phu).
Người phương Tây không dễ gì hiểu được đạo lý câu nói: “Thân người khó được” này, và câu: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”, lại càng không thể hội. Thân thể chúng ta sẽ hoại, nhưng Phật tánh thì mãi trường tồn, chúng sinh tuy có Phật tánh, nhưng ngày ngày ở trong mộng, ngay cả ba bữa ăn cũng ở trong mộng. Mộng trong Lục đạo luân hồi, không ra khỏi Ta-bà, cần phải hữu duyên được nghe Phật pháp, theo lý đạo đó mà tu hành.
Xã hội không theo tổ chức của Phật pháp nhưng thế giới Ta-bà hướng về Phật pháp. Do đó, người xuất gia xả thân vì đạo, không để bị xã hội nhiễm ô, nên dùng hạnh nguyện của mình để thanh tịnh hóa xã hội.
Nếu bạn đã quét sạch mà Sư phụ nói bạn quét chưa sạch, lúc đó nếu bạn cãi lại thì đây là tính tình của kẻ tại gia, còn chưa thoát tục. Nếu bạn tiếp thọ, nói: “Thưa vâng! Con sẽ quét lại”. Đây mới là kẻ tu hành.
Cơm đạm áo thô, tu hành phải bắt đầu từ đó mà hạ thủ. Nếu như cả ngày tìm tòi, nghiên cứu ăn mặc, lo lắng vì những điều đó thì vốn là muốn tiêu nghiệp chướng mà nay trở lại ăn hết phước huệ, nghiệp chướng cũng theo đó mà sinh.
Người tại gia cả ngày bận bịu là do truy cầu danh lợi, tiếng thơm, chú trọng hưởng thụ ăn ngon mặc đẹp. Người xuất gia làm việc là để huấn luyện trí óc, làm việc không tham nhiều, không vội vã, lại càng không nghĩ được người khác khen ngợi. Trước đây, ở Tòng lâm Đại lục, mặc thì áo gai nhuộm màu, ăn thì cháo loãng lơ thơ (chén có thể không cần rửa), thức ăn thì rất đơn giản, không có giống như bây giờ, được ăn cơm, thức ăn lại rất nhiều.
Phật, Bồ-tát trước đây cũng từ khổ hạnh mà thành tựu Phật đạo. Người thời nay không thể ăn khổ, cũng không tin lý xả thân của chư Phật, Bồ-tát, do đó vào đạo rất khó! Nguyện lực của Phật, Bồ-tát mỗi mỗi không đồng; như Phật A-di-đà có 48 lời nguyện, Phật Dược Sư có 12 đại nguyện. Người tu hành nên bắt chước chư Phật, Bồ-tát, mỗi người đều nên phát đại nguyện, luôn giữ chớ để thoái thất, cho đến khi thành Phật mới thôi.
Lúc lâm chung đừng có muốn thấy sắc tướng Bồ-tát, cầu thấy cũng chưa chắc là chính xác, không thể dựa vào đó. Phải không có sở cầu, tịnh tâm niệm Phật, xuất hiện từ bên trong mới là chân thật.
Không đơn giản, cần phải có thiện căn. Không đơn giản, không phải nói dùng cách gì để luyện tập hoặc đối trị, như vậy là chấp trước. Đây là người có đủ thiện căn có tâm tu hành, chánh niệm trong mọi hành động, tự nhiên mà thành. Nếu có người muốn luyện tập không đơn giản, một khi xuất ra câu hỏi, lầm lỡ đó không phải chính mình đáng tiếc sao? Vì thân người khó được!
Không được khởi sân nhuế cho dù một hào tơ, không thì bạn không thể nhập đạo.
Người tại gia sát sinh, những con vật bị giết hại đó quá khứ đều là anh em, cha mẹ, vợ con của họ. Anh giết tôi, tôi lại giết anh cho nên mới có luân hồi.
Cha mẹ sinh ra chúng ta, ân tình rất nặng, không xuất gia muốn đền báo thâm ân rất khó, bởi vì đều là oán thân mà đến. Xuất gia muốn trên đền bốn ân nặng, muốn cha mẹ cũng được liễu sinh tử mới là độ chúng sinh.
Người tại gia không biết, cho rằng không có con là khổ, tự than không bằng con cháu đầy nhà, không biết rằng đó là oan thân trái chủ của họ.
Y phục của người xuất gia chẳng phải mọi người đều mặc được, chỉ có người hữu phước mới được mặc.
Tốt cũng cười, xấu cũng cười. Xấu tốt do phân biệt mà ra.