Đã hơn một thế kỷ qua
kể từ khi Wassiliew cố gắng xác định ngày tháng của Thế Thân,[2] vấn đề vị luận
sư này đã sống vào thời nào vẫn không ngừng gây tranh cãi. Sau đó đã có rất
nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề này nhưng vẫn không có kết quả rõ ràng. Vào khi
Péri tiến hành cuộc nghiên cứu chính yếu của mình nhằm tìm ra một giải đáp qua
việc tra cứu toàn bộ các dữ liệu có được vào thời ông,[3] mọi người có khi đã
vui mừng thấy rằng dường như ông đã có thể giải quyết được vấn đề. Nhưng buồn
thay cho những người nghiên cứu tư tưởng Thế Thân, giải đáp của Péri vẫn không
hoàn toàn thỏa đáng như sự tin tưởng ban đầu. Thật vậy, nó không thỏa đáng ở
điểm đã đòi hỏi một giải pháp căn bản theo dạng giả thuyết hai-Thế-Thân được
Frauwallner đề ra.[4] Vì thế, giờ đây ngoài vấn đề Thế Thân sống vào thời nào,
chúng ta còn phải đối mặt với vấn đề đã có bao nhiêu nhân vật Thế Thân trong
lịch sử triết học Ấn độ.
Nguyên nhân tình cảnh
rắc rối này không khó tìm, vì qua các dữ liệu lịch sử Trung quốc Péri đã nhận
ra có ít nhất ba thời điểm khác nhau về sự xuất hiện của Thế Thân: có thể ông
đã ra đời sau Phật Niết bàn 900 năm, 1000 năm hoặc 1100 năm. Péri còn thấy rằng
các số liệu này đã được rất nhiều học trò của Huyền Tráng tra cứu kỹ nhưng vẫn
không có kết quả chung quyết nào. Đến lượt Péri, ông đã thử giải quyết vấn đề
bằng thuyết riêng của mình, mặc dù không thành công. Tuy nhiên, thất bại lớn
nhất của Péri là ông đã tưởng rằng hai thời điểm 900 và 1100 P.N. được gán cho
cùng một người đều xuất phát từ cùng một tài liệu. Vì thế, không những chúng ta
phải giải thích tại sao có đến hai thời điểm khác nhau của cùng một nhân vật mà
còn giải thích tại sao hai thời điểm khác nhau lại do cùng một tài liệu đưa ra.
Ý kiến vừa nêu của Péri là thất bại lớn nhất của ông vì nó đặt nền tảng cho sự
phát khởi tất cả những ngộ nhận về sau, cuối cùng đã dẫn đến giả thuyết
hai-Thế-Thân của Frauwallner.
Có thể nói giả thuyết
của Frauwallner hoàn toàn dựa vào giả định rằng Chân Đế đã đưa ra hai thời điểm
về người hay những người mang tên Thế Thân. Tuy nhiên, chỉ xem qua tất cả tác
phẩm kể cả các dịch bản mang tên Chân Đế còn giữ được, chúng ta sẽ không thấy
bất cứ thông tin nào cho phép khẳng định hoặc giả định rằng Chân Đế đã đưa ra
hai thời điểm khác nhau về Thế Thân. Trái lại, theo Chân Đế, tất cả những gì
chúng ta biết được là Thế Thân sinh sau Phật Niết bàn 900 năm; tức ông chỉ đưa
ra một thời điểm nhất định cho Thế Thân chứ không phải hai. Nếu vậy, ý kiến cho
rằng Chân Đế đã đưa ra hai thời điểm khác nhau về Thế Thân bắt nguồn từ đâu?
Câu trả lời bây giờ đã rõ. Nó bắt nguồn cùng với Péri. Chính Péri là người đầu
tiên đã chỉ ra một đoạn trong Thành Duy Thức Luận Liễu Nghĩa Đăng của Huệ Chiểu
như sau:
“Theo Thiên Thân Bồ
Tát Truyện, sau Phật Niết bàn hơn một ngàn một trăm năm, có ngoại đạo tên Dĩnh
Xà Ha Bà Sa (Vindhyavāsin). Dĩnh Xà là tên một ngọn núi; Bà Sa nghĩa là ở. Vì
ngoại đạo này ở tại núi này nên gọi tên như thế.”[5]
Và rồi Péri kết luận:
“À la date près,
c’est presque littéralement le texte de Paramārtha, que nous connaissons.”[6]
(Ngoài ngày tháng ra, hầu như đây chính là bản của Chân Đế mà chúng ta biết.)
Như vậy, theo Péri,
Huệ Chiểu đã chép lại đoạn văn trên của mình từ truyện ký về Thế Thân do Chân
Đế viết hoặc dịch. Tuy nhiên thật không may là kết luận này dường như quá non
nớt. Thứ nhất, những thông tin về các thời điểm và niên đại được dẫn trong các
bài viết của Huệ Chiểu hầu như không đáng tin cậy; thứ hai, nhan đề truyện ký
do Huệ Chiểu dẫn không giống với nhan đề do Chân đế viết hoặc dịch; thứ ba, vào
thời Huệ Chiểu ta biết rằng ít nhất có trên một truyện ký về Thế Thân được lưu
hành. Do tác động lớn của việc Péri suy đoán Chân Đế có đưa ra hai thời điểm
khác nhau về Thế Thân đối với các bài viết sau đó của các nhà nghiên cứu khác,
đặc biệt là Frauwallner, mà ba lý do trên phải được nghiên cứu tường tận.
Về lý do thứ nhất:
các ngày tháng và niên đại được đưa ra trong các bài viết của Huệ Chiểu hầu như
đều thiếu sót. Ta có thể dễ dàng chứng minh điều này bằng cách trưng dẫn một
thí dụ: phát biểu của ông cho rằng “Long Thọ ra đời vào 200 năm sau Phật Niết
bàn”[7] là hoàn toàn không thể chấp nhận dù xét theo tiêu chuẩn hay cách diễn
giải nào. Vì thế, bất cứ khi nào Chiểu đưa ra một ngày tháng nào, chúng ta đều
phải xem xét cẩn thận. Trường hợp này cũng thế. Niên đại về Dĩnh Xà Ha Bà Sa có
lẽ đã được Chiểu dẫn trực tiếp từ Thiên Thân Bồ Tát Truyện hoặc có thể chỉ nghe
nói hoặc từ một bản chép tay đã được sửa đổi hoặc sửa sai bởi những người trước
đó. Dù tạm thời cho rằng khả năng đầu là đúng, điều này vẫn không cho phép Péri
kết luận như trên, vì nhan đề tài liệu Chiểu trích dẫn không giống với Chân Đế
viết hoặc dịch.
Như ta đã thấy, nhan
đề Chiểu dẫn là Thiên Thân Bồ Tát Truyện, trong khi truyện ký về Thế Thân do
Chân Đế viết hoặc dịch có tên là Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện.[8] Vậy thì hoàn
toàn rõ ràng hai cuốn này không đồng nhất ở bất cứ mặt nào, về kết cấu cũng như
hình thức. Tuy nhiên Péri cứ cho rằng trích dẫn của Huệ Chiểu từ Thiên Thân Bồ
Tát Truyện là “gần như chính là bản của Chân Đế mà chúng ta biết ngày nay”.
Péri đã làm thế, hình như còn với lý do là ngôn ngữ của hai bản này hoàn toàn
tương tự. Thế nhưng sự giống nhau về ngôn ngữ trong các tác phẩm khác nhau của
các tác giả khác nhau về cùng chủ đề như sử ký hay truyện ký không phải là hiếm
trong các tác phẩm Trung quốc, cả Phật giáo cũng như không phải Phật giáo. Các
trường hợp của loại đầu có thể dễ dàng tìm thấy nếu so sánh phần còn giữ được
của cuốn Thần Tăng Truyện của Bảo Xướng với phần tương đương trong cuốn Cao
Tăng Truyện của Huệ Kiểu.[9] Về các trường hợp của loại sau ta có thể dẫn chứng
các tài liệu đời Hậu Hán, như Đông Quan Hán Ký, Hậu Hán Ký và Hậu Hán Thư. Như
vậy, sự tương tự về ngôn ngữ giữa hai tác phẩm không thể dùng làm tiêu chuẩn để
nhận dạng chúng có cùng một tác giả, nhất là khi chúng có nhan đề khác nhau như
trong trường hợp này.
Hơn nữa, sau khi nói
rằng ngoại đạo Dĩnh Xà Ha Bà Sa sống vào năm 1100 sau P.N. và viết Thất Thập Luận,
tác phẩm đã dẫn đến việc Thế Thân phải viết cuốn Kim Thất Thập Luận để phản
bác, Huệ Chiểu đã thêm vào đoạn sau:
“Nhưng Pháp Sư Truyện
nói rằng một ngàn một trăm năm sau Phật Niết bàn, ngoại đạo này ra đời và viết
Thất Thập Luận, và khi Thế Thân ra đời thì ngoại đạo này đã mất rồi. Như vậy,
cho thấy Thế Thân cũng sinh vào một ngàn một trăm năm hoặc còn lâu hơn sau Phật
Niết bàn. Tuy nhiên điều này hình như không đúng. Tại sao vậy? Bởi vì trong bản
Trung Biên Phân biệt Luận của mình, Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế nói rằng Thế Thân
sinh vào chín trăm năm sau Phật Niết bàn. Vì thế, ngoại đạo này chắc hẳn cũng
đã sinh trước chín trăm năm sau Phật Niết bàn.”
Bây giờ đã rõ rằng Chiểu không nói Chân Đế ấn định thời gian 1100 năm cho Thế
Thân; ngoài ra Chiểu còn dẫn chứng Chân Đế để bác rằng thời gian nói trên là
sai. Vì thế, chừng nào Chân Đế được trích dẫn một cách minh nhiên thì sẽ không
có thắc mắc về ngày tháng mà ông đưa ra rõ ràng về Thế Thân. Vì thế điều nan
giải nhất của toàn bộ vấn đề ông có thật sự đưa ra hai thời điểm khác nhau về
Thế Thân hay không nằm ở câu hỏi liệu nhan đề Thiên Thân Bồ Tát Truyện do Chiểu
dẫn có thể được xem như đồng nhất với Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện do Chân Đế
viết hoặc dịch hay không. Chúng ta đã thấy rằng Péri xem chúng là một. Tuy
nhiên, trường hợp như thế không thể xảy ra, không chỉ vì sự tương đồng về ngôn
ngữ sẽ không, và không thể, bảo đảm cho một phỏng đoán, như đã nói ở trên, mà
còn vì đã có trên một truyện ký về Thế Thân lưu truyền vào thời của Chiểu. Giả
sử như chúng ta chỉ biết đến một cuốn thì chúng ta có thể có lý khi nghĩ rằng
hai nhan đề khác nhau được dẫn bởi hai tác giả khác nhau chỉ là một. Nhưng vì
đã có trên một truyện ký về Thế Thân vào thời của Chiểu, cho nên thật khinh
suất để nghĩ ngay rằng những gì Chiểu đã dẫn trong Thiên Thân Bồ Tát Truyện
đương nhiên đến từ Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện của Chân Đế, bởi vì cũng có
thể Chân Đế đã trích dẫn từ một số tài liệu khác. Sự tương tự về ngôn ngữ không
thể được chấp nhận làm chứng cứ, huống hồ là một chứng cứ quyết định. Vậy, tình
trạng các bản văn về cuộc đời Thế Thân vào thời Chiểu là gì?
Khi Chân Đế còn hoạt
động ở Quảng Châu, một trong những cộng sự chính của ông là Huệ Khải có đề cập
đến một truyện ký về Thế Thân có nhan đề Biệt Truyện [10]. Sau đó một trăm năm,
Pháp Tạng (640-710) xác nhận có truyện ký này và thêm rằng có thêm một cuốn nữa
tên là Bổn Truyện.[11] Ngoài ra, Tỉnh Mại, trong Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kỷ viết
năm 664 sdl, có liệt kê một truyện ký khác về Thế Thân mang tên Bà Tẩu Bàn Đậu
Truyện và ghi rằng do Cưu Ma La Thập dịch.[12] Với tất cả các cuốn này, bây giờ
chúng ta biết rõ rằng vào cuối thế kỷ thứ VII đã có ít nhất năm truyện ký về
Thế Thân được giới văn học của thế kỷ đó biết đến. Đó là:
1. Bà Tẩu Bàn Đậu Truyện của Cưu Ma La Thập dịch.
2. Bà Tẩu Bàn Đậu
Pháp Sư Truyện của Chân Đế dịch.
3. Biệt Truyện được
Huệ Khải và Pháp Tạng đề cập.
4. Bổn Truyện được
Pháp Tạng dẫn.
5. Thiên Thân Bồ Tát
Truyện được Huệ Chiểu dẫn.
Tất cả các truyện ký
này ngày nay đều không còn ngoài cuốn số 2. Thật không dễ trả lời câu hỏi cuốn
nào trong số năm cuốn này có thể nhận ra là chỉ có tên mà không có thật và, vì
thế, có thể xem như là một với một trong bốn cuốn còn lại hay không. Péri đã
tập trung giải quyết câu hỏi này và đã do dự đề nghị rằng các cuốn số 1 và 4 là
một, trong khi các cuốn số 2, 3 và có thể cả cuốn 5 chắc chắn là giống nhau.
Một lần nữa, tiêu chuẩn cho sự nhận dạng này lại là sự tương tự về văn từ của
chúng. Kết quả là sự nhận dạng vẫn dựa trên một nền tảng không chắc chắn, như
chúng ta đã bàn về các sử truyện Trung quốc.
Trong trường hợp này,
các trích dẫn từ Bổn Truyện của Pháp Tạng thật sự có đặc điểm của các truyện ký
được cho là của La Thập về phương diện chúng có đầy các chuyện thần dị. Nhưng
những mô tả theo cách thần thoại như thế không liên quan gì đến khả năng Bổn
Truyện phải tương đồng với Bà Tẩu Bàn Đậu Truyện được xem là do La Thập dịch,
bởi vì hai cuốn này có thể lấy thông tin từ cùng một nguồn, và trong trường hợp
này nguồn tài liệu đó thường là từ Ấn độ. Và dù sao đi nữa thì một truyện ký Ấn
độ vẫn luôn luôn có khuynh hướng có nhiều điều thần dị. Thật ra Péri đã chú ý
đến sự kiện Huệ Tường, trong Pháp Hoa Kinh Truyện Ký [13] của mình, đã nhiều
lần nói đến phát biểu của Chân Đế về sự xuất hiện của một Tây Vức Truyện Ký nào
đó. Kết quả là chỉ một mình sự kiện có tương đồng về ngôn ngữ trong hơn một bản
văn thì không phải là chứng cứ cụ thể để kết luận rằng chúng giống nhau và được
viết hoặc dịch bởi cùng một người. Ta cũng có thể nói như vậy về phần còn lại
của sự xác minh về chúng do Péri đưa ra.
Thật ra giờ đây vấn
đề trở nên hoàn toàn sáng tỏ khi mà giả định của Péri không được chứng minh là
đúng. Cho dù đúng, đó vẫn là giả định chứ không phải sự thật. Sự thật là trong
tất cả các bản dịch cũng như các bản còn giữ được hoặc được dẫn bởi Chân Đế
không có chỗ nào cho thấy ông đã ấn định thời điểm 1100 năm cho Thế Thân, và
trong tất cả các trích dẫn của nhiều người viết sau đó cũng không có chỗ nào
nói rõ hay hàm ý Chân Đế có ý đó. Ngược lại, ông đã được dẫn như là người bác
bỏ điều đó, như chúng ta đã biết. Vì thế, chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc
rằng Chân Đế không đưa ra hai thời điểm khác nhau về Thế Thân, và theo ông thì
Thế Thân sinh vào năm 900 sau P.N. Mọi khẳng định của các học giả như
Frauwallner chỉ là tưởng tượng riêng của họ.
Một tình huống gây
nhiều ngạc nhiên hơn khi những người chống lại giả thuyết hai-Thế-Thân của
Frauwallner dường như mặc nhiên thừa nhận sự chính xác trong giả định của Péri
cũng như khẳng định của Frauwallner cho rằng có hai thời điểm về Thế Thân.
Trong một bài phê bình dài về cuốn On the Date of the Buddhist Master of the
Law Vasubandhu của Frauwallner, Sakurabe không hề nhắc đến giả định của Péri và
khẳng định của Frauwallner.[14] Jaini thì khẳng định thẳng thừng rằng “Chân Đế
có đưa ra hai thời điểm về Thế Thân” nhưng lại không chịu khó kiểm tra xem điều
đó có thật hay không.[15] Wayman, mặc dù bác bỏ giả thuyết hai-Thế-Thân do
Frauwallner suy đoán, đã hoàn toàn im lặng về nền tảng thiết lập giả thuyết
này.[16] Đó là chưa kể đến sự kiện ông tự gánh lấy thuyết hai-Thế-Thân của
riêng ông, một thuyết chắc chắn không có gì khả quan hơn thuyết của
Frauwallner, nếu không phải là tệ hơn, do việc ông đã sử dụng các chứng cứ non
nớt của các sử gia Tây Tạng ở đời sau. Vấn đề này cuối cùng đã được Lê Mạnh
Thát giải quyết dứt khoát khi ông phát hiện việc “Chân Đế đưa ra hai thời điểm
về Thế Thân” chỉ là một phát biểu sai lạc.[17]
Bây giờ, nếu giả định
của Péri là sai thì chúng ta phải tìm ra ai là người đầu tiên ghi lại các thời
điểm này mà không cần phải dựa vào bất kỳ giả định nào cả. Chúng ta biết rằng:
1. Chân Đế đề cập đến
thời điểm 900 P.N. về Thế Thân.
2. Huyền Tráng mô tả
thời điểm 1000 P.N.
3. Huệ Khải đưa ra
thời điểm 1100 P.N.
Đây là ba thời điểm
và những người ghi lại chúng sớm nhất, và người ta có thể tự mình nhận ra đã có
sự sai lệch lớn về thời gian giữa các thời điểm này. Để giải quyết, tôi đề nghị
trước hết hãy bàn đến hai thời điểm sớm hơn ở đây, bởi vì các thời điểm do Chân
Đế và Huyền Tráng đưa ra thì dễ dàng phối hợp hơn thời điểm của Huệ Khải.
Theo Chân Đế, Thế
Thân sinh vào năm 900 P.N. Phổ Quang, trong Câu Xá Luận Ký, cho chúng ta thông
tin: “Chân Đế nói,[18] ‘Một ngàn hai trăm sáu mươi lăm năm đã trôi qua kể từ
khi Đức Phật qua đời đến nay’”. Chúng ta biết đích xác Chân Đế và Phổ Quang
sống vào năm nào. Vì thế, để biết được thời điểm 900 P.N. dành cho Thế Thân
chính xác chỉ cho năm nào, chúng ta phải biết Đức Phật qua đời năm nào; và để
biết được Đức Phật qua đời năm nào, chúng ta phải xác định được nhóm từ “đến
nay” của Phổ Quang chính xác có nghĩa là gì. Frauwallner đã diễn dịch là “đến
thời Chân Đế”, tức khoảng 564 sdl khi Chân Đế bắt đầu dịch Câu Xá Luận ở Quảng
Châu. Do điều này mà Sakurake đã chỉ ngay ra rằng trong trường hợp đó nhân vật
được gọi là Thế-Thân-lớn-tuổi-hơn có lẽ sinh vào thế kỷ thứ III sdl đúng hơn là
năm 320 sdl như Frauwallner đề nghị. Tuy nhiên, diễn dịch của Frauwallner sai
lầm không phải về điểm này mặc dù một tính toán sai lầm như thế thật là đáng
thương. Diễn dịch này sai bởi vì dường như nó đã dựa vào một kiến thức nghèo
nàn về Hán ngữ của người diễn dịch.
Nhóm từ “đến nay”
(chí kim), khi được dùng bởi một tác giả, ngay cả trong trường hợp tác giả này
dẫn thông tin từ một tác giả khác, luôn luôn chỉ cho cái “nay” của tác giả
trích dẫn chứ không phải của tác giả được trích dẫn. Thí dụ, trong Nhị Giáo
Luận, Đạo An viết:
“Theo Pháp Sư Cưu Ma
La Thập Niên Kỷ và Thạch Trụ Minh, phù hợp với Xuân Thu, thì Như Lai sinh vào
năm thứ 5 của Chu Hoàn Vương, tức năm Ất sửu, [...], và Ngài nhập diệt vào năm
thứ 15 của Tương Vương, tức năm Giáp thân. Từ đó đến nay đã một ngàn hai trăm
linh năm năm”.[19]
Chúng ta biết rằng Đạo An viết Nhị Giáo Luận năm 568 sdl và năm thứ 15 của Chu
Hoàn vương tương đương với năm 687 tdl. Chỉ tính nhẫm từ năm 687 tdl xuống đến
năm 568 sdl sẽ cho ta con số 1205 năm. Vì thế, không còn nghi ngờ gì nữa về năm
mà nhóm từ “đến nay” trong đoạn văn trên nói đến. Nó chỉ cho năm 568 sdl của
Đạo An chứ không phải năm của La Thập, người được Đạo An trích dẫn. Kết quả,
đối với những gì Phổ Quang đã đề cập về lời của Chân Đế, ta phải hiểu rằng hai
chữ “đến nay” trong đó nhằm chỉ cho thời điểm của Phổ Quang chứ không phải của
Chân Đế như Frauwalner diễn giải.
Nếu nhóm từ này chỉ
cho thời của Phổ Quang, vậy Quang đã sống khi nào? Ta biết rằng Quang là học
trò và cũng là đồng sự thân cận của Huyền Tráng. Tuy nhiên, điều chúng ta không
biết là thời điểm ông viết Câu Xá Luận Ký, tức tác phẩm mà trong đó ta tìm thấy
câu nói vừa được dẫn. Thật may là chúng ta biết rằng Huyền Tráng dịch Câu Xá
Luận trong khoảng thời gian 651-654.[20] Vậy thì đương nhiên Phổ Quang phải
viết Câu Xá Luận Ký sau năm 654 sdl, thời điểm Huyền Tráng hoàn tất việc dịch
và giảng Câu Xá Luận cho những đồng sự của ông. Rất có khả năng Câu Xá Luận Ký
đã được viết sau năm 664 sdl, khi Tráng chết và Phổ Quang phải tự lo liệu lấy
và có thời gian cho riêng mình. Trong bất cứ trường hợp nào, ta có thể chắc
chắn rằng câu nói trên của Phổ Quang hẳn phải được đưa ra sau 654 sdl, thời
điểm mà Huyền Tráng chính thức hoàn tất việc dịch Câu Xá Luận. Như vậy, nếu ta
chọn năm 664 sdl làm thời điểm Quang bắt đầu viết Câu Xá Luận Ký, ta có thể
thấy rằng năm đó thật sự là những gì được Phổ Quang diễn tả qua hai chữ “đến
nay”. Nói cách khác, cho đến năm 664 sdl thì một ngàn hai trăm sáu mươi năm đã
trôi qua kể từ khi Phật Niết bàn. Vì thế, ta có thể nói năm 664 sdl tương ứng
với năm 1265 P.N. Một khi điều này đã được xác quyết, việc tìm ra Thế Thân sinh
vào thời nào đương nhiên sẽ trở thành đơn giản.
Chân Đế nói rằng Thế
Thân sinh năm 900 sau P.N. Qua đó ông muốn nói rằng Thế Thân ra đời trong thế
kỷ thứ IV sdl bởi vì nếu 664 sdl tương đương với năm 1265 P.N. và nếu ta bắt
đầu tính ngược lên, ta sẽ có năm 900 P.N. rơi đúng vào năm 300 sdl.
Năm T.L. 664 600 500 400
300
Năm P.N. 1265 1200 1100
1000 900
Bảng 1
Như vậy, Thế Thân đã sinh vào thế kỷ thứ IV sdl. Từ kết luận này, hiển nhiên là
ta đã thoát khỏi tất cả những cạm bẩy mà Frauwallner và những người khác đã mắc
phải, những gì Sakurabe đã chỉ ra và chúng ta đã đề cập đến trước đây. Ngoài ra
phải thêm rằng Hán ngữ không hoàn toàn tối nghĩa như người ta muốn nghĩ nếu
được diễn giải đúng.
Bây giờ, nếu năm 900
P.N. do Chân Đế đề ra tương ứng với thế kỷ thứ IV sdl, thì năm 1000 sau Phật
Niết bàn của Huyền Tráng nhằm chỉ cho thế kỷ nào? Để trả lời câu hỏi này, ta
phải chú ý rằng nhóm từ “năm 1000 sau Phật Niết bàn” được dùng khá rời rạc và
vì thế có thể làm hiểu sai. Điều Huyền Tráng thật sự muốn nói là Vô Trước (Asaṅga) sinh “trong vòng 1000 năm sau Phật Niết
bàn”.[21] Nhưng vì Huyền Tráng cũng nói rõ rằng Thế Thân là anh em cùng mẹ với
Vô Trước cho nên ta có thể đoán định một cách chính xác là Thế Thân chắc hẳn
cũng sinh “trong vòng 1000 năm P.N.” hoặc không lâu sau đó mới có thể đến thăm
Vô Trước khi người anh đang hấp hối.
Thế nhưng, nhóm từ
“trong vòng 1000 năm P.N.” đã đặt thành một vấn đề nào đó trong cách diễn giải
nó. Có người hiểu rằng nó chỉ cho số năm từ 1000 đến 1100. Ít ra đó là cách
diễn giải của Takakusu và Frauwallner. Tuy nhiên, đối với chúng ta một lối diễn
giải như thế hình như không đúng, nếu không muốn nói là sai hoàn toàn. Một thời
gian dài trước khi Frauwallner công bố nghiên cứu của mình, Péri đã lưu ý rằng
mặc dù nhóm từ “trong vòng 1000 năm P.N” có thể được diễn dịch theo hai cách
hoàn toàn khác nhau, tức giữa những năm 1000 và 1100 hoặc 900 và 1000, nhưng
ông vẫn chọn cách thứ hai hơn.[22] Bởi vì nếu chọn cách thứ nhất, người ta sẽ
không tìm ra nhóm từ nào để chỉ thời khoảng giữa năm 1 và năm 100. Lý do Péri
đưa ra đã chứng tỏ khả năng biện biệt của ông đối với cách dùng Hán ngữ. Thật
vậy, nay ta buộc phải hiểu nhóm từ “trong vòng 1000 năm” đích thực nhằm chỉ cho
những năm giữa năm 900 và 1000, bất kể chúng ta có thích hay không. Tại sao?
Đúng hệt như Péri đã nói. Thật ra, khi người Trung quốc nói “trong vòng 100 năm
của đời người” thì cái mà anh ta ám chỉ không phải là khoảng thời gian sau năm
100, mà là thời khoảng trước đó và kết thúc vào năm đó. Vì vậy, người ta không
có cách nào để diễn giải “trong vòng 1000 năm” là chỉ cho số năm giữa năm 1000
và 1100, như Takakusu và Frauwallner đã làm. Trái lại, phải hiểu là khoảng thời
gian giữa các năm 900 và 1000.
Khi được hiểu như
thế, câu nói này sẽ tương đương với câu nói “sau 900 năm”. Thật ra khi Huyền
Tráng nói Thế Thân sinh trong khoảng 1000 năm sau Phật Niết bàn, ông thật sự
muốn nói rằng Thế Thân sinh sau Phật Niết bàn 900 năm. Một khi được hiểu như
thế, người ta có thể nhìn vào bảng 1 ở trên mà nhận ra rằng Huyền Tráng đã đưa
ra một thời điểm giống như Chân Đế về Thế Thân. Tuy nhiên, vì bảng 1 được thiết
lập nhờ vào các dữ liệu Chân Đế cung cấp nên câu hỏi đặt ra ở đây là bảng này
có thể được dùng để xác định thời điểm Huyền Tráng đưa ra không. Thật may là
chúng ta không cần phải trả lời vì kết luận vừa đạt được có thể được chứng minh
độc lập bằng các tài liệu do chính Huyền Tráng cung cấp, và chúng không gì khác
hơn các tài liệu Tráng đã viết về Pháp Hộ.
Trong Đại Đường Tây
Vức Ký Huyền Tráng cho chúng ta một bản tường thuật chi tiết đầy đủ các thông
tin về Pháp Hộ, và nhờ các thông tin này mà ta đã có được một thời điểm hợp lý
về Pháp Hộ, đó là những năm giữa 531-560 sdl.[23] Nay, theo Huyền Tráng, người
ta cho rằng Pháp Hộ sống “sau 1100 năm sau Phật Niết bàn”. Như vậy thời khoảng
giữa các năm 1100 và 1200 tương ứng với thế kỷ thứ VI sdl. Từ kết luận này,
thật dễ thấy rằng thời điểm 1000 P.N. của Huyền Tráng về Thế Thân nhằm chỉ cho
thế kỷ thứ IV sdl và như vậy sẽ tương đương với thời điểm 900 P.N. của Chân
Đế.[24]
Tóm lại, không thể
nào phủ nhận được hai thời điểm về Thế Thân do Huyền Tráng và Chân Đế đưa ra
đều cùng chỉ cho thế kỷ thứ IV sdl. Nay chỉ còn lại thời điểm 1100 P.N của Huệ
Khải. Đây là vấn đề khá đặc biệt mà Huệ Khải đã đặt ra cho chúng ta. Trước hết,
mặc dù ít ra có đến bốn trong số các tác phẩm của ông còn giữ được và truyền
đến tay chúng ta ngày nay,[25] nhưng trong thực tế ta không biết được gì chính
xác về cuộc đời và hoạt động của ông suốt thời gian trước khi ông gặp Chân Đế
vào năm 562 sdl. Thời gian đó là một khoảng thời gian dài bởi vì sáu năm sau
lần gặp này thì ông mất, tức năm 568, trước cả Chân Đế. Chân Đế mất vào năm sau
đó, ở tuổi 71.[26] Kế đến, chúng ta không biết gì về nguồn tài liệu có thể Khải
đã dùng đến khi viết về Thế Thân. Do thiếu tư liệu nên liên hệ giữa ông và Chân
Đế là sự kiện duy nhất các học giả dùng đến để chống đỡ lập luận của họ khi cho
rằng Chân Đế có đưa ra thời điểm 1100 P.N về Thế Thân. Họ khẳng định bất kỳ
điều gì Khải viết về Thế Thân phải đến từ không ai khác ngoài Chân Đế vì Khải
là “học trò cưng” của ông.[27] Như vậy, thời điểm Khải đưa ra chắc hẳn là thời
điểm mà Chân Đế đưa ra trong tác phẩm nào đó của ông. Do lối lý luận này, chúng
ta đề nghị hãy khảo sát vấn đề có phải Khải đích thực là “học trò cưng và cộng
sự thân cận” của Chân Đế hay không, trước khi giải thích và xác định thời điểm
1100 P.N. là chỉ cho thế kỷ nào.
Đạo Tuyên (593-667)
đã không quá xem trọng Khải đến độ phải bàn riêng đến ông trong tác phẩm nổi
tiếng Tục Cao Tăng Truyện của mình; mà chỉ nhân tiện nhắc đến Khải khi viết về
tiểu sử của Chân Đế [28]. Vì thế những gì chúng ta biết về Khải hầu như đều
được rút ra từ chính các tác phẩm của ông. Bốn tác phẩm trong số này vẫn còn,
trong đó hai bài tựa ông viết cho hai bản dịch Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahāyānasaṃgraha) và Câu Xá Luận là có nhiều thông tin
nhất.[29] Trong bài tựa Nhiếp Đại Thừa Luận, Khải nói:
“Bao năm qua Khải tôi
[...] đã vân du và trú ngụ nhiều pháp đường khác nhau ở nhiều nơi, đã có nhiều
dịp tham vấn các danh sư và thiện hữu... Thế nhưng nhìn chung hiểu biết của tôi
vẫn còn nông cạn [...] tôi mới hay rằng có nhiều điều vẫn chưa thấu tỏ. Càng
nghĩ về điều này tôi lại càng buồn hơn [... cho đến khi] tôi gặp được Tam tạng
Pháp sư.”[30]
Tiếp đó, Khải đã kể
lại việc Chân Đế đối đãi ông như thế nào:
“Khải tôi trước đây
đã từng học đạo [với Ngài], đã gột rửa được phần nào những điều trầm trệ. Trong
lòng kính ngưỡng chẳng được bao lâu thì lại xa cách. Nay được gặp lại, lòng
càng vui sướng, mong cùng chia sẻ đức hạnh [của Ngài], mong được hỏi đạo, bày
tỏ chỗ nghi. Nhưng dù ân cần thưa thỉnh, mà vẫn không được thỏa nguyện, bàng
hoàng mất cả chí hướng; tâm trí chẳng biết phải nương vào đâu”.[31]
Qua những lời trên rõ
ràng Chân Đế đã không đối đãi tốt với Khải, huống hồ là “một học trò cưng và
cộng sự thân thiết” của ông. Thật vậy, chỉ sau khi Âu Dương Hột chính thức mời
Chân Đế dịch Nhiếp Đại Thừa Luận, Khải mới trở thành người “bút thọ” của ông
như chính Khải cho biết.[32] Ta thấy lại điều này trong bài tựa của ông cho bản
dịch Câu Xá Luận.[33] Vì thế, nói rằng Khải là học trò cưng và cộng sự thân
thiết của Chân đế như Frauwallner đã làm là trái với chính lời của Khải và như
thế sẽ tạo nên một biện giải sai lạc về quan hệ của họ. Quả thật, Khải đã tự
nhận là rất chính xác khi ghi lại những gì Chân Đế nói như chính ông đã nhiều
lần xác nhận. Ông làm vậy, chỉ vì sợ rằng “nếu thay một chữ thì nghĩa sẽ khác
hoàn toàn”. Cuối cùng, mặc dù có lẽ Khải đã làm việc với tất cả nhiệt huyết của
mình nhưng dường như Chân Đế đã chưa từng tỏ ra thân thiết với ông. Ta có thể
nói Chân Đế ít ảnh hưởng đến Khải trong suốt quan hệ ngắn ngủi của họ. Vì thế
khẳng định rằng bất kỳ những gì Khải viết trong các tác phẩm của ông đều phải
đến từ Chân Đế có thể được loại bỏ một cách dễ dàng và dứt khoát. Những gì ông
đã viết là của riêng ông, từ học vấn và suy nghĩ của chính ông. Như vậy, thời
điểm 1100 P.N ông đã ghi về Thế Thân không nhất thiết, hoặc ngay cả tình cờ,
xuất phát từ kiến thức hay các tác phẩm của Chân Đế, vì chúng ta biết chắc rằng
Chân Đế không bao giờ định ra thời điểm đó về Thế Thân. Nhưng nếu năm 1100 P.N
không đến từ Chân Đế thì Khải lấy ở đâu ra?
Trả lời câu hỏi này
mà không biết đến cuộc đời của Khải một cách chi tiết thật là việc không dễ
dàng. Ta biết rằng Khải mất năm 568 sdl. Trong ghi chép của mình về đời Khải,
Yen K’o-Chun (1762-1843) nói rằng Khải đã “nổi tiếng trong đời nhà Lương”.[34]
Nhà Lương trị vì từ năm 502 đến 557 sdl. Vì thế, nếu Khải đã nổi tiếng dưới đời
nhà Lương và mất năm 568 thì chúng ta có thể đoán không sai rằng ông phải sinh
khoảng 501-510 sdl. Từ năm 500 sdl xuống đến khi Khải mất, Phật giáo ở miền nam
Trung quốc có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, các nghiên cứu tinh thâm văn hệ Bát
nhã và các luận thư Trung luận[35] đang diễn ra và được học hỏi một cách sôi
nổi bởi các nhân vật tiếng tăm như Lương Võ đế và nhiều người khác. Chúng ta
còn nghĩ rằng Khải đã có mặt trong số những người này vì chính Khải thú nhận
rằng “ông đã vân du đến nhiều pháp đường”.
Sau khi nghiên cứu
các luận thư về Trung luận và văn hệ Bát nhã, chắc chắn Khải sẽ nhận ra rằng
tất cả những người có thẩm quyền về Trung luận ở Trung quốc cho đến thời ông
đều đồng ý là Long Thọ ra đời sau Phật Niết bàn chín thế kỷ.[36] Vì thế nếu
Long Thọ sinh vào thời điểm đó, dĩ nhiên Khải sẽ không ấn định thời điểm đó cho
Thế Thân, ngay cả khi điều này do Chân Đế nói ra.
Thứ hai, đã có một
khuynh hướng tái lập hệ truyền thừa Phật giáo rập theo phổ hệ Trung quốc, dẫn
đến sự xuất hiện khắp nơi[37] nhiều hệ thống niên đại về các tổ sư Ấn độ,[38]
trong đó phổ biến nhất là Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện.[39] Bản này có lẽ là
một ngụy thư “được tạo ra ở Trung quốc vào giữa hoặc cuối thế kỷ thứ sáu bằng
cách sưu tập các phần còn sót lại của các tác phẩm đời trước”, trong đó “danh
sách hai mươi bốn vị tổ là sản phẩm của cùng ngụy thư trên” như Maspéro đã
chứng minh.[40] Danh sách các vị tổ này chỉ là “một trong số nhiều dòng truyền
thừa của các luận sư Phật giáo được quảng bá ở Trung quốc vào thời kỳ đó”. Dù ta
có thể bác bỏ khẳng định truyền thống cho rằng Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện
là do Cát Ca Dạ (Kikeya) dịch năm 472 sdl và đồng ý với Maspéro rằng nó chỉ là
một tác phẩm ngụy tạo, ta vẫn phải thừa nhận danh sách hai mươi bốn hoặc hai
mươi ba vị tổ đã lưu truyền vào thời Huệ Khải dưới dạng này hay dạng khác.
Bản này liệt kê tên
các tổ, gồm cả Long Thọ và Thế Thân, cách nhau bởi sáu vị khác là Ca Na Đề Bà
(Kanadeva), La Hầu La (Rahūlatā), Tăng Già Nan Đề (Sanghanandi), Tăng Già Da xá
(Gayasata), Cưu Ma La Đà (Kumārāta), và Xà Dạ Đa (Jayata). Tóm lại, từ Long Thọ
xuống đến Thế Thân có tất cả tám vị tổ. Xét thời gian làm việc của mỗi vị trung
bình khoảng hai mươi lăm năm thì tất cả mất khoảng 200 năm. Đó có lẽ là lý do
Huệ Khải đề nghị “Thế Thân sinh vào một ngàn một trăm năm hoặc nhiều hơn sau
Phật Niết bàn”, chỉ vì “Long Thọ sinh năm 900 P.N.”, tức sớm hơn 200 năm.
Nhưng có thật sự Khải
đưa ra năm sinh của Thế Thân là vì lý do đó không? Ta không thể trả lời đầy đủ
và chính xác như ý muốn. Khải chỉ nói rằng ông dẫn từ một Biệt Truyện nào đó.
Péri lại đoán rằng đó chính là Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện do Chân Đế viết
hoặc dịch, vì các lý do sau. Thứ nhất, nhan đề Biệt Truyện thường chỉ cho một
truyện ký được viết tiếp theo sau một truyện ký tiêu chuẩn có sẵn, thường gọi
là Bổn Truyện. Pháp Tạng thực sự có đề cập một cuốn Bổn Truyện trong Hoa Nghiêm
Kinh Truyện Ký của ông. Vì thế Biệt Truyện của Khải phải được viết sau Bổn
Truyện. Thứ hai, Bổn Truyện trong trường hợp này có nhiều chuyện kỳ lạ, một
điểm đặc trưng của tất cả các truyện ký khác thuộc La Thập, như truyện ký về
Long Thọ, Mã Minh (Aśvaghoṣa) và Thánh Thiên
(Āryadeva), v.v.. Vì thế, cuốn Bổn Truyện chắc hẳn đã được La Thập viết và có
thể đồng nhất với Bà Tẩu Bàn Đậu Truyện mà Tỉnh Mại thuật lại là một truyện ký
về Thế Thân. Cuốn này cũng do La Thập dịch. Péri kết luận rằng nếu Biệt Truyện
rập khuôn theo Bổn Truyện thuộc La Thập thế thì chắc chắn Biệt Truyện phải là
Bà Tẩu Bàn Đậu Pháp Sư Truyện của Chân Đế. Tuy nhiên, kết luận này không giá
trị.
Trước hết, chúng ta
không thể tìm thấy chứng cứ nào trong tài liệu Trung quốc ủng hộ thuyết của
Péri cho rằng Bổn Truyện được viết trước Biệt Truyện. Thật ra các sử gia Trung
quốc chưa bao giờ dùng đến chữ “Bổn Truyện”, và trong nhiều phân loại khác nhau
về thể văn truyện chưa có ai nhắc đến từ ngữ “Bổn Truyện”.[41] Mặt khác, mọi
người đều biết từ “Biệt Truyện” được dùng để chỉ cho một tuyển tập các huyền ký
về cuộc đời của một người và vì thế thường được xem như đồng nghĩa với truyền
kỳ tiểu thuyết.[42] Kết quả, ý kiến Péri cho rằng Biệt Truyện phải được viết
sau Bổn Truyện là không thể chấp nhận. Và như vậy, lý do thứ hai ông đưa ra trở
thành một lập luận không nhất quán vì cuốn Bổn truyện Pháp Tạng dẫn, mặc dù có
đủ chuyện huyền thoại, không đòi hỏi bản gốc Bổn truyện phải nhất thiết như
thế. Trong vài trường hợp có thể còn ngược lại. Hai truyện ký sau sẽ minh chứng
trường hợp này.
Truyện ký thứ nhất kể
về cuộc đời một vị sư tên Đàm Hoằng (khoảng 425-454), đã đến Việt Nam và
đã nỗ lực tu tập pháp môn niệm Phật A Di Đà. Hơn hai mươi năm sau, một cuộc
tranh cãi dữ dội đã nổ ra giữa các vị cao tăng Huệ Lâm, Đạo Cao, Pháp Minh và
vua Lý Miễu về lý do tại sao những người tu theo đạo Phật không thể tận mắt
nhìn thấy đức Phật. Để chứng minh cách tu Niệm Danh Hiệu Phật có thể đem lại
kết quả cụ thể cho những ai thành tâm, Đàm Hoằng đã tự thiêu và “người ta nhìn
thấy thân thể ông chiếu sáng vàng rực trên không, cỡi con nai vàng đi nhanh về
hướng tây”.[43] Đó là cách cuộc đời của Hoằng được mô tả trong Cao Tăng Truyện
của Huệ Kiểu với câu kết là “dân chúng đã thu thập di thể của Hoằng để gìn giữ
trong một cái tháp”. Khi câu chuyện này được Giới Chu kể lại trong Tịnh Độ Vãng
Sinh Truyện, vì không vừa ý với câu chuyện li kì này ông đã thêm rằng “sau khi
tìm kiếm trong đống tro tàn, các đệ tử của ngài đã nhặt được hàng trăm xá lợi
(śārirās) và đã lập đền để thờ”,[44] một chi tiết không thể tin được cũng như
toàn thể câu chuyện.
Truyện ký thứ hai
liên quan đến một nhà sư Việt Nam tên Khuy Xung, người đã đi chiêm bái ở Ấn vào
khoảng năm 680 sdl và đã gặp Nghĩa Tịnh ở đó. Tài liệu về cuộc đời ông được tìm
thấy trong Đại Đường Tây Vức Cầu Pháp Cao Tăng Truyện của Nghĩa Tịnh. Năm trăm
năm sau trong cuốn Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục của mình,[45] Phi Trược đã viết
lại tiểu sử Khuy Xung với nhiều chi tiết li kì không thấy Nghĩa Tịnh nói đến
trước đây, như lòng thành tín của Xung đối với vị thánh giả đã tán trợ mình là
Phổ Hiền (Samantabhadra). Thế nhưng ông lại nói rằng ông đã lấy tài liệu từ
Nghĩa Tịnh. Qua các thí dụ này, ta có thể thấy Pháp Tạng có lẽ đã trần thuật
tường tận về cuộc đời của Thế Thân, được rút từ Bổn Truyện. Trong bất cứ trường
hợp nào đi nữa, ta thấy không thể có bất cứ liên hệ nào giữa Bổn Truyện và Biệt
Truyện, cũng như giữa chúng và Bà Tẩu Bàn Đậu Truyện của La Thập và Bà Tẩu Bàn
Đậu Pháp Sư Truyện của Chân Đế. Tất cả những gì ta có thể nói là Biệt Truyện
chắc chắn phải được lưu truyền trước thời của Huệ Khải cho nên ông mới có thể
dùng nó như một trong các nguồn tài liệu. Trong sự kết nối này có thể Biệt
truyện không gì khác hơn chính là tiểu sử của Thế Thân ở trong Phó Pháp Tạng
Nhân Duyên Truyện, mặc dù nếu đúng như vậy, ta cũng không thể giải thích tại
sao trong bản Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện hiện nay không tìm thấy ngày
tháng của Thế Thân. Tuy thế ta có thể chắc chắn rằng thời điểm 1100 P.N. về Thế
Thân có nguồn gốc ở Biệt truyện. Rất có khả năng, thời điểm này sẽ được biết
khi liên kết với thời điểm 900 P.N. về Long Thọ, bởi vì dường như đây là đề
nghị có vẻ hợp lý nhất vào lúc này.
Vấn đề về ngày tháng
của Long Thọ cũng rắc rối và phức tạp không kém trường hợp của Thế Thân. Mặc dù
chính La Thập không đưa ra bất kỳ thời điểm riêng biệt nào về Long Thọ nhưng
những gì những đồng sự của ông đã viết lại cho chúng ta một cái nhìn khá rõ về
thời điểm Long Thọ ra đời. Trong bài tựa cuốn Đại Trí Độ Luận, Huệ Viễn nói:
“Có vị Bồ tát Đại
thừa, tên là Long Thọ, sinh ở Ấn độ, xuất thân từ chủng tộc Bà la môn; sau
nhiều đời tích tập công đức, tâm ngài khế hợp với cõi này, đón nhận vận mệnh
chín trăm [năm], an ủy thời kỳ suy bạc...”[46]
Tăng Triệu (383-414)
có cùng ý kiến khi ông viết về Thánh Thiên như sau:
“Hơn tám trăm năm sau
Phật Niết bàn có một Bồ tát tăng tên Đề Bà”.[47]
Tăng Duệ (352-436)
cũng diễn tả ý tương tự trong bài tựa của ông cho Đại Trí Độ Luận:
“Vì thế, Mã Minh khởi
vào thời gian còn lại của thời kỳ Chánh pháp; Long Thọ sinh vào thời gian cuối
của thời kỳ Tượng pháp”.[48]
Vì thế, theo lời kể
của chính họ, tất cả những người đồng sự của La Thập đều đồng ý Long Thọ ra đời
hoặc “trong thế kỷ thứ chín P.N.” hoặc “cuối thời kỳ Tượng pháp”. Tất cả những
người này đều sống và làm việc rất lâu trước khi Huệ Khải ra đời.
Tuy nhiên, khoảng hai
mươi năm sau khi Khải mất, Cát Tạng (549-622) viết Bách Luận Tự Sớ, trong đó có
đoạn như sau:
“Thành Thực Luận Tự
của Sư Duệ, được viết sau khi Sư Thập mất, có dẫn lời của Sư Thập nói rằng ba
trăm năm mươi năm sau Phật nhập diệt Mã Minh ra đời và năm trăm ba mươi năm
Long Thọ ra đời. Mã Minh hưng thịnh vào cuối thời kỳ Chánh Pháp và Long Thọ
khởi vào đầu thời kỳ Tượng pháp.”[49]
Trong Trung Quán Luận
Sớ, Tạng nhắc lại ý trên với cách hành văn hơi khác:
“Thành Thực Luận Tự
của Sư Duệ dẫn lời Sư Thập nói rằng Mã Minh sinh năm 350, và Long Thọ năm
530.”[50]
Như vậy, theo Cát
Tạng, cả Tăng Duệ và La Thập đều được cho là đồng ý với nhau về việc Long Thọ
“khởi vào đầu thời kỳ Tượng pháp” hoặc “sinh vào năm 530 P.N.”, hoàn toàn ngược
lại với khẳng định của chính Tăng Duệ là “Long Thọ sinh vào cuối thời kỳ Tượng
pháp”. Quan điểm trái ngược này có thể giải quyết ổn thỏa bằng cách loại bỏ lời
của Cát Tạng vì các tài liệu của ông có nguồn gốc về sau. Tuy nhiên vì mới đây
chúng đã được Lamotte dùng để định ngày tháng của Long Thọ, ngay cả đến độ
không lý đến lời của Tăng Duệ,[51] cho nên sẽ có nhiều điều hữu ích hơn nếu ta
bàn qua về hiệu quả của những gì mà cách dùng các tài liệu có ý nghĩa không rõ
ràng có thể mang lại.
Lamotte cho rằng lời
của Cát Tạng có thể diễn giải theo hai cách. Nó có thể có nghĩa rằng Mã Minh
sinh năm 350 P.N. và Long Thọ năm 530 P.N.; hoặc nó cũng có thể có nghĩa rằng
Mã Minh sinh năm 350 P.N. và Long Thọ sinh sau Mã Minh 530 năm. Nếu chấp nhận
cách hiểu đầu và dùng thời điểm của La Thập về Phật Niết bàn năm 637 tdl, chúng
ta sẽ có Long Thọ sinh khoảng 107 tdl. Nếu hiểu theo cách sau, năm sinh của ông
sẽ là 243 sdl. Rồi Lamotte kết luận: “Rõ ràng chính thời điểm sau đã được La
Thập, các học trò của ông là Tăng Triệu và Tăng Duệ, cũng như người cùng thời
với ông là Huệ Viễn thừa nhận”.[52]
Tuy nhiên, kết luận
này không giá trị vì trong bài tựa cho Thành Thực Luận Tăng Duệ đã nói rằng “Mã
Minh hưng thịnh vào cuối thời Chánh pháp và Long Thọ khởi vào đầu thời Tượng
pháp”; như vậy, ta thấy rõ rằng Mã Minh và Long Thọ đã nối tiếp nhau xuất hiện
trên thế gian và không thể cách nhau trong khoảng 530 năm như đã tưởng. Kết quả
là khi phát biểu trên nói rằng “vào năm trăm ba mươi năm Long Thọ đã xuất hiện
ở thế gian”, ta phải hiểu là chính năm trăm ba mươi năm sau Phật Niết bàn, chứ
không phải sau Mã Minh, mà Long Thọ đã ra đời. Vì vậy, khi xem lời thuật của
Cát Tạng dẫn từ bài tựa Thành Thực Luận, ta phải chấp nhận hay bác bỏ hẳn, chứ
không phải chỉ một phần nào đó.
Nói cách khác, hoặc
chúng ta chấp nhận Long Thọ sinh năm 107 tdl hoặc phải bác bỏ hoàn toàn, cho dù
Robinson đã gọi kết luận của Lamotte là một “đề nghị rất hợp lý khi cho rằng
con số 530 có nghĩa là 530 năm sau Mã Minh đúng hơn là sau Phật Niết bàn”.[53]
Thật ra, Robinson muốn nói rằng việc truyền bá Thành Thực Luận đã gây ra một số
vấn đề khó khăn đáng kể.[54] Ngoài ra, trong bản Chú Duy Ma Cật Kinh của
mình,[55] Tăng Triệu có nhắc rằng Pārśva, thầy của Mã Minh, có thể sinh năm 37
tdl nếu ta chấp nhận năm 637 tdl là thời gian Phật Niết bàn. Hơn nữa, trong Ma
Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Thích Luận Tự nay vẫn còn của Tăng Duệ, ông đã nói rõ
rằng “Mã Minh khởi trong thời Chánh pháp và Long Thọ sinh cuối thời Tượng
pháp”,[56] hoàn toàn trái với những gì mà người ta nói là của ông do Cát Tạng
trích dẫn. Vì những lý do này, chúng ta nghĩ rằng không chỉ thứ tự thời gian
dựa trên tường thuật của Cát Tạng do Lamotte đề nghị phải bị bác bỏ mà ngay cả
tường thuật của Cát Tạng cũng thế.
Như vậy, vấn đề còn lại là các thông tin từ Huệ Viễn, Tăng Triệu và Tăng Duệ.
Viễn nói Long Thọ “đón nhận vận mệnh vào chín trăm” năm (tiếp cửu bách chi vận)
sau Phật Niết bàn. Duệ nói “Long Thọ sinh cuối thời Tượng pháp”. Triệu thuật
“tám trăm năm hay hơn nữa sau Phật Niết bàn có một Bồ tát tăng tên Đề Bà” mà
người ta nói là học trò của Long Thọ.[57] Tuy nhiên nếu Đề Bà ra đời và sống
tám trăm năm hoặc nhiều hơn sau Phật Niết bàn thì ta có thể khẳng định rằng
điều Huệ Viễn ám chỉ khi nói Long Thọ “đón nhận vận mệnh vào chín trăm” là
khoảng thời gian Long Thọ đã trải qua hết đời ông sẽ kết thúc vào năm 900 P.N.
Nói cách khác, Long Thọ phải sống khoảng 750-850 P.N. như Ui đã giả thiết.[58]
Vì thế, nếu ta chấp nhận thời điểm Phật Niết bàn là năm 637 tdl như La Thập đã
định và chấp nhận truyền thống Tây tạng cho rằng Long Thọ mất lúc 60 tuổi, thì
năm ra đời của ông vào “thế kỷ thứ chín” P.N sẽ tương ứng sít sao với thời
khoảng 113-173 sdl. Và việc ông “đón nhận vận mệnh vào chín trăm” có nghĩa rằng
ông đã sống đến năm 173 sdl. Vì lý do đó, Long Thọ đã sống và mất trong thế kỷ
thứ II sdl và thời điểm 900 P.N không chỉ cho cái gì khác hơn thế kỷ đó.
Nay nếu thời điểm 900
P.N. tương ứng với thế kỷ thứ II sdl thì đương nhiên thời điểm 1100 B.N dành
cho Thế Thân sẽ tương ứng với thế kỷ thứ IV sdl. Kết quả, ngay cả thời điểm
này, được Huệ Khải ấn định về Thế Thân, cũng vẫn phù hợp với các thời điểm của
Chân Đế và Huyền Tráng. Vì thế, mặc dù tất cả đều thuật lại các thời điểm khác
nhau đối với Thế Thân, điều đã khiến cho cuộc đời ông tưởng như trải dài hơn ba
thế kỷ, nhưng trong thực tế tất cả đều đồng ý Thế Thân đã sống vào thế kỷ thứ
IV sdl, khi mà tất cả các sự kiện đều đã được mang ra ánh sáng và tách rời khỏi
mọi giả định và giả thiết không chắc chắn.
Với kết luận này, rõ
ràng Chân Đế đã không đưa ra hai thời điểm khác nhau về Thế Thân, thời điểm ông
đưa ra và của Huệ Khải thuộc cùng một thế kỷ, và thời điểm của Huyền Tráng
không khớp với thế kỷ thứ V như Frauwallner đã nhận sai,[59] mà lại khớp với
thế kỷ thứ IV như Chân Đế và Huệ Khải đã đồng ý. Từ đó, thuyết về hai Thế Thân
do Frauwallner giải thích bị bác bỏ. Không có bất kỳ chỉ dẫn có thật nào nói
rằng Chân Đế có đưa ra hai thời điểm về Thế Thân, cũng như không có hai mà chỉ
là một Thế Thân, vị triết gia vĩ đại mà chúng ta biết đến.
Nhưng mười năm sau,
Frauwallner lại nhấn mạnh đến chứng cứ Yaśomitra đề ra để hỗ trợ thêm giả
thuyết của ông về hai Thế Thân.[60] Những sự kiện liên quan đến Thế Thân trong
văn học Sanskrit không có tầm quan trọng đầy đủ so với văn học Trung quốc. Hai
sự kiện đáng chú ý nhất liên quan đến việc Yaśomitra có đề cập một Vṛddhācārya Vasubandhu nào đó và các vị vua
triều Gupta, những người mà Thế Thân, theo lời thuật của Chân Đế, đã có quan
hệ. Những sự kiện này đã được Lê Mạnh Thát[61] và sau đó là Anacker[62] tra cứu
và giải quyết một cách triệt để. Dưới đây là tóm tắt những kết luận có sửa đổi
chút ít của họ.
Thứ nhất, cái tên Vṛddhācārya Vasubandhu hay Sthavira Vasubandhu
chỉ được nhắc đến ba lần trong tác phẩm của Yaśomitra: trong Vyākhyā ad I
13-14c; ad III 27; và ad IV 2b-3b.[63]
1/ Vyākhyā ad I
13-14c, p 40:
aśrayabhutarūpanād
ity apara iti vṛddhācārya-vasubandhuḥ/ bhutagrahanam aśrayabhutapradarśanārtham/
ataś cetaraḥ prasanjayati/ evaṃ tarhi cakṣurvijñānādinam apīti vistaraḥ/ cakṣurady-aśrayarūpanāt
tadvijñāna-nām api rūpatvaprasaṅgaḥ/ visamo’yam upanyasa iti/ vṛddhācāryavasubandhudeśiyaḥ kaścit pariharati/ avijñaptir hīti vistaraḥ/ chāya vṛkṣam upaslastāśritya
vartate/ prabhāpi maniṃ tathaiva/
utpattinimittamatraṃ tani teṣam iti nopaslastaniti bhavaḥ/ tam itaraḥ pratyaha/ idaṃ tavad avaibhaṣikiyam iti vistaraḥ/ naitad vaibhāṣikamatam/ vaibhāṣikamataṃ tu chāyavarņaparamanuḥ svabhutacatuṣkam aśritya
vartate/...
2/ Vyākhyā ad III 27,
p 43: yoniśomanaskarahetuka’vidyokta sūtrāntara iti/ (...)/ avidyāhetukaś
cāyoniśomanaskara iti/ (...) sa cehāpy upadanāntarbhutatvād ukto bhavatīti/
(...) apara iti/ sthaviravasubandhor acāryo manorāthopadhyāya evam āha/ acārya
āha/ katham iti vistaraḥ/ katham ayoniśomanaskarasyopadane’ntarhavaḥ/...
3/ Vyākhyā ad IV
2b-3b:avasthānahetvabhavāt (...)/ sthaviravasubandhu-prabhṛtibhir ayaṃ hetur uktaḥ/... Đó là ba đoạn
trong Vyākhyā nơi Yaśomitra có nhắc đến Vṛddhācārya hay Sthavira Vasubandhu. Đoạn thứ nhất nói rõ chính ý
kiến của Vṛddhācārya Vasubandhu
cho rằng vô biểu nghiệp thuộc sắc pháp vì nương vào sắc thân. Ý kiến này đã
được diễn tả trong Đại Tỳ Bà Sa (Mahāvibhāṣa)[64] và hiển nhiên là được Câu Xá Luận thừa nhận.[65] Đoạn thứ
hai đã bị de la Vallée Poussin hiểu lầm khi cho rằng đoạn này muốn nói Sthavira
Vasubandhu chủ trương vô minh khởi từ phi lý tác ý và rằng ông là thầy của
Manorātha.[66] Thật ra hoàn toàn ngược lại: chính Manorātha chủ trương thuyết
trên và là thầy của Sthavira Vasubandhu. Điều này loại bỏ một cách hiển nhiên
khả năng đã có một Vṛddhācārya Vasubandhu
là thầy của Manorātha, và vì thế cũng loại bỏ luôn khả năng đã có hai
Vasubandhu, một người là thầy và người kia là trò của Manorātha, như de la
Vallée Poussin và sau này là Wayman, với chút thay đổi, đã đề nghị.[67] Hiểu
lầm của de la Vallée Poussin có lẽ xuất phát từ chính bản chép tay, trong đó
ghi: “sthaviro vasubandhur acāryo manorāthopādhyāya evam āha”, câu văn mà N. N.
Law đã sửa lại chính xác như đã trích ở trên.
Người ta có thể chống
lại sự sửa văn này bằng cách chỉ ra rằng Phổ Quang,[68] khi sớ giải cùng đoạn
văn trên, đã thuật rằng thuyết được đề cập ở trên là thuyết của một “Thế Thân
Trưởng Lão” nào đó. Tuy nhiên điều này không thành vấn đề bởi lẽ nó không nói
lên điều gì có thể xem là mâu thuẩn với thuyết do Manorātha thành lập. Như vậy,
nó còn có thể được xem như chính là thuyết của Thế Thân. Vì thế “Thế Thân
Trưởng Lão” được Quang nói đến không chỉ cho ai khác ngoài Thế Thân của Câu Xá
Luận. Đoạn cuối có nghĩa Sthavira Vasubandhu và những người khác nói rằng một
ngọn lửa diệt là vì không có trụ làm nhân (trụ vô vi nhân). Đây lại chính là
quan điểm của Thế Thân, và điều phản bác lại “‘không có’ không thể làm nhân”
(vô phi nhân) thuộc về Tỳ Bà Sa.[69]
Trong mỗi một trường
hợp trên, rõ ràng thuyết được cho là thuộc về Vṛddhācārya Vasubandhu hay Sthavira Vasubandhu thật sự là thuyết
được chính Vasubandhu của Câu Xá Luận chấp nhận. Nhưng tại sao Yaśomitra lại có
ý gợi lên tên của Thế Thân trong những trường hợp này mà không có trong tất cả
các trường hợp khác trong tác phẩm ông. Và tại sao ông lại gắn cho Vasubandhu
sau một hình dung từ gây nhiều nghi ngờ là “Vṛddhācārya”? Thật vậy, hình như khá kỳ lạ khi tên của Thế Thân
được gợi lên chỉ ba lần trong cả cuốn Vyākhyā dài, trong khi ở những trường hợp
khác tác giả chỉ gọi ông là “Sư” mà không phải từ nào khác. Tuy nhiên điều kỳ
cục này sẽ dễ dàng tan biến nếu chúng ta có thể nhớ rằng trong mỗi ba đoạn văn
này đều chứa đựng một vài ý kiến khác, và điều này sẽ dẫn đến tình trạng tối
nghĩa nếu cứ dùng mãi một từ “Sư”. Về hình dung từ gây nghi ngờ “Vṛddhācārya”, chữ “vṛddha” trong từ kép này không nhất thiết có
nghĩa là “xưa cũ”, như chúng ta thường nghĩ để rồi tiếp tục diễn giải rằng cụm
từ này chỉ cho một vị sư nào đó vào thời xưa, giống như Frauwallner và Wayman
đã làm. Bởi vì nó cũng có nghĩa là “cao cả”. Trong trường hợp này “vṛddhācārya” đồng nghĩa với “sthavira”,
“trưởng lão”. Trong sự nối kết này, một khi Thế Thân được xưng là vṛddhācārya thì Vô Trước sẽ được Yaśomitra
xưng là “pūrvācārya”, có nghĩa là “cổ đức” hay “tiên sư”. Vô Trước là bậc “cổ
đức” đối với Yaśomitra và chắc chắn là bậc “tiên sư” đối với ông và Thế Thân,
vốn là một trong những người đi theo ông. Tóm lại, việc Yaśomitra có đề cập đến
Vṛddhācārya Vasubandhu
không cho thấy một chút chứng cứ nào để chống đỡ giả thuyết hai-Thế Thân.
Thứ hai, Chân Đế
thuật rằng Thế Thân sống dưới triều vua có tên là Vikramāditya và đã dạy cho
con trai nhà vua cho đến khi vị thái tử này lên ngôi và được biết đến dưới danh
hiệu Bālāditya.[70] Nói cách khác, Thế Thân là thần dân của hai vị vua này. Một
số vua của triều đại Gupta mang tên Vikramāditya và Bālāditya. Thí dụ như
Candragupta được gọi là Candragupta Vikramāditya, giống hệt như Skandhagupta
được gọi là Skandhagupta Vikramāditya. Tương tự, Govindagupta và Narasimhagupta
đều kèm theo danh hiệu Bālāditya. Ngoài ra, khi bình về câu thơ “soyaṃ samprati Candraguptanayaś candraprakāśo
yuvā/ jāto bhūpatir āśrayaḥ kṛta-dhiyām distyā kṛtārthaśramaḥ// (Chính người con trai này của Candragupta, trẻ tuổi, chiếu
sáng như mặt trăng, người tán trợ các văn nhân lỗi lạc, bây giờ đã trở thành
chủ và xứng đáng với lời chúc tụng về những nỗ lực thành công của người)”,
Vāmana đã viết trong Kāvyālankārasūtravṛtti rằng trong bài thơ trên “‘người tán trợ các văn nhân lỗi
lạc’ hàm chứa một đề cập đến sự giáo huấn của Thế Thân”[71] (Āśrayaḥ kṛta-dhiyām ity asya Vasubanhu-sācivyopakśepa-paratvāt
sābhiprāyatvam). Như vậy, nếu thông tin của Vāmana đáng tin cậy thì Thế Thân
phải là thần dân của Candragupta Vikramāditya, được cho là trị vì khoảng từ 375
đến 415 sdl. Vì vậy, nếu Thế Thân thực sự sống trong thế kỷ thứ IV, ông không
thể là thần dân của vua Bālāditya như Chân Đế nói, vị vua đã nối ngôi
Candragupta vào đúng hoặc ngay sau năm 415 sdl. Thật ra, Frauwallner đã dựa vào
sự sai lệch này để thuyết phục người khác về sự chính xác của giả thuyết ông
đưa ra. Ông lập luận rằng trong tất cả các vua triều Gupta mang hiệu
Vikramāditya và Bālāditya, chỉ có hai người được biết là nối ngôi nhau: đó là
Skandhagupta Vikramāditya (tại vị: 455-467) và Narasimghagupta Bālāditya (tại
vị: 467-473). Vì thế họ phải là các đời vua mà Vasubandhu đã sống, như Chân Đế
thuật lại. Vì lý do đó, Frauwallner lập luận, tiểu sử về Thế Thân do Chân Đế
dịch phải bao gồm hai cuộc đời khác nhau của hai Thế Thân khác nhau, một người
sống vào thế kỷ thứ IV và một người vào thế kỷ thứ V. Thế nhưng luận chứng của
ông không có nền tảng. Thứ nhất, có một vua khác tên là Prakaragupta không kèm
theo danh hiệu Bālāditya đã trị vì một thời gian ngắn ngay sau Skandhagupta và
trước khi Narasimhagupta lên ngôi. Thứ hai, Chân Đế thuật rằng liên hệ giữa
Vikramāditya và Bālāditya là liên hệ cha con, trong khi Narasimhagupta không
phải là con của Skandhagupta; điều này rõ ràng mâu thuẩn với việc Frauwallner
đã đồng nhất Narasimhagupta và Skandhagupta với Bālāditya và Vikramāditya. Vậy
thì, phải giải quyết như thế nào vấn đề được nêu ra ở trên? Nhờ khám phá được
một loạt các bản khắc, tìm thấy ở Vaiśālī, ta biết được rằng sau vua
Candragupta Vikramāditya còn có một Vua Trẻ tên Govindagupta mang hiệu
Bālāditya.[72] Các bản khắc này được ban bố nhân danh vị Vua Trẻ. Bản thứ nhất,
kết hợp với mẹ của vua, ghi:
“Mahārājādhirāja
Śrīcandraguptapatnī mahārāja-srīgovindagupta-mātā mahādevī śrīdhṛuvasvaminī śrīyuvarājabhattārakapadīya-kumārāmātyādhikāranasya”.
Điều này cho thấy một
cách rõ ràng liên hệ gì Govindagupta đã có với Candragupta. Bản khắc ghi:
“Vợ của Srī Candragupta, Hoàng Đế, Đại Vương của các Vua, mẹ của Đại Vương
Govindagupta, Māhādevī Srī Dhṛuvasvaminī (ban bố
điều này) từ cung Thái tử-đại thần đến đấng Tối Cao, Vua Trẻ”.
Vì thế, vua
Candragupta Vikramāditya là cha của Govindagupta; Dhruvadevī là mẹ của Govinda
và là vợ của nhà vua. Bản khắc thứ hai được ban bố kết hợp với các đại thần
dưới quyền ông:
“Mahārāja-Govindagupta-Bālādityo
yuvarājabhattārakapadāyablādhikāraņasya”.
Điều này cho chúng ta
biết danh hiệu của Vua Trẻ và Đại Vương Govindagupta là gì. Bản khắc ghi:
“Đại Vương Govindagupta Bālāditya (ban bố điều này) từ Phủ Quân vụ của Đấng Tối
Cao, Vua Trẻ”.
Vì thế, Govindagupta, con trai của Candragupta Vikramāditya, đã có hiệu là
Bālāditya. Như vậy, chúng ta có hai vua thuộc triều Gupta có liên hệ cha con
mang hiệu Vikramaditya và Bàlàditya mà Chân Đế đã nói đến. Vậy thì có phải
chính họ là Vikramāditya và Bālāditya mà Chân Đế nói đến?
Để trả lời câu hỏi
này, ta gặp ngay hai khó khăn. Thứ nhất, Candragupta Vikramāditya được cho là
trị vì giữa các năm 375-415 sdl và vì vậy loại trừ bất cứ khả năng nào cho rằng
Thế Thân có thể đã sống dưới đời vua kế vị có hiệu là Bālāditya, như Chân Đế
thuật, nếu chấp nhận Thế Thân sống vào thế kỷ thứ IV. Thứ hai, không thể chứng
minh rằng Govindagupta thật sự nối ngôi Candragupta. Trước hai khó khăn này, Lê
Mạnh Thát đã đề nghị định lại niên đại của các vua triều Gupta, giả thiết rằng họ
đã trị vì khoảng hai mươi năm trước thời điểm được định lâu nay.[73] Hướng giải
quyết này không phải không làm được, cho dù điều này có thể dẫn đến việc tái ấn
định thời gian toàn bộ lịch sử Ấn độ. Tuy nhiên mới đây Anacker đã lưu ý rằng
danh hiệu Yuvarājan được gắn cho Govindagupta[74] và được chứng thực qua các
bản khắc ông ban bố có thể xem như chỉ ra rằng Govinda đã lên ngôi làm “Vua
Trẻ”, khi Candragupta vẫn còn sống. Thật ra, từ yuvaràjan thường được dịch là
“Hoàng Thái Tử”, nhưng như Anacker nhận ra, nó phải dịch là “Vua Trẻ”, để đối
lại với “Vua Già”. Vậy thì, trong trường hợp đó Vua Trẻ Govindagupta đã ban bố
các bản khắc được phát kiến ở Vaiśàlì vào khi nào?
Do các bản khắc được
tìm thấy ở Vaiśālì (Besarh), ta có thể giả định một cách chính xác khả năng sau
đây. Thứ nhất, khi Pháp Hiển đến Ấn vào những năm 399-412 sdl, ông đã thuật lại
rằng Pātaliputra là kinh đô của dòng họ Gupta.[75] Thứ hai, từ các nguồn tài
liệu khác ta còn biết rằng Candragupta có thời đã xây dựng Ujjain làm kinh đô
trong chiến dịch chống lại người Tây Kṣātrapa của Gujerat.[76] Thứ ba, dù không có bi ký chứng minh,
một số tài liệu đời sau có nói rằng Dhṛuvadevī nguyên là vợ của người anh của Candragupta II là
Rāmagupta, người đã giao nạp bà cho Sakasatrap vì bị đe dọa. Tuy nhiên nhờ lòng
can đảm của Candragupta II, bà đã được giành lại, và chẳng bao lâu sau khi
Candragupta lật đổ Rāmagupta, để đền ơn, bà đã làm vợ Candragupta. Sử ghi
Candragupta lên ngôi năm 375 sdl.[77] Vì thế, Dhṛuvadevī hẳn phải trở thành vợ của ông không lâu sau thời điểm
này, và một năm sau đó, có lẽ năm 376 sdl thì sinh ra Govindagupta. Với tất cả
những chứng cứ gián tiếp này, ta có thể đi đến các kết luận sau.
Về Govindagupta, chắc
chắn ông đã được phong hiệu “Vua Trẻ” vào khoảng năm 390 sdl bởi vì mười sáu
tuổi là độ tuổi thông thường đối với một thái tử lên ngôi làm Vua Trẻ. Vào
khoảng 390 sdl, Candragupta mở chiến dịch chống lại người Tây Kṣātrapa và đã chọn Ujjain làm kinh đô trong
một thời gian. Vì Pātaliputra từng là kinh đô trong những năm 399-412 cho nên
Govindagupta Bālāditya, sau khi được phong làm Vua Trẻ, phải là vị thái tử
nhiếp chính khi cha mình vắng mặt trong suốt chiến dịch đó. Chiến dịch này có
lẽ đã kéo dài hơn hai năm ở thung lũng trung lưu sông Hằng, bao gồm cả Ayodhya
và Vaiśālī cũng như các thành phố khác. Vì vậy, các bản khắc Vaiśālī do ông ban
bố chắc hẳn nằm trong thời gian này, tức những năm 390-395 sdl.
Vì vậy, sự thực là
Candragupta và Govindagupta đã có liên hệ cha con và mang các hiệu Vikramāditya
và Bālāditya, và Thế Thân đã sống dưới hai đời vua nối tiếp nhau này như Chân
Đế thuật. Candragupta và Govindagupta là hai vị vua Gupta duy nhất có điểm đăc
biệt trên, một điểm mà không có vua nào có, ngay cả Skandhagupta và
Narasimghagupta. Như vậy trong kết cấu này, Thế Thân đã hoạt động trong suốt
phần còn lại của đời ông, qua hết khoảng thời gian những năm 380-390 sdl, trong
đó ông là người giáo huấn cho Govindagupta trẻ tuổi và đã qua đời chẳng bao lâu
sau khi Govindagupta trở thành Bālāditya. Govindagupta tự phong cho mình tước hiệu
Bālāditya và tự xưng là “Vua Trẻ” và “Vua Lớn” lúc cha mẹ ông vẫn còn sống.
Thật vậy, như ta đã thấy, mẹ ông đã nói về ông là vị Vua Trẻ khi bà ban bố bản
khắc có liên quan đến ông. Vì vậy, thật lâu trước khi triều đại Candragupta
chấm dứt năm 415, đã có một Govindagupta Bālāditya nắm quyền cai trị ở Vaiśālī
và vùng phụ cận. Từ điều này, ta còn có thể kết luận rằng Vasubandhu hẳn đã mất
khi cả Vikramàditya và Bālāditya vẫn còn sống, tức khoảng 395 sdl.
Một điều vô tình và
hoàn toàn bất ngờ là sự cộng tác chung giữa họ còn có thể giúp ta lập lại chính
xác một thời điểm cuối cùng về Thế Thân, một thời điểm trong trường hợp này
không gì khác hơn năm 395 sdl và là thời điểm mà các sử liệu Trung quốc đã
không đưa ra được. Kết quả, việc Chân Đế đề cập đến Vikramāditya và Bālāditya
không đặt ra vấn đề nan giải nghiêm trọng nào; trái lại, nó còn có ích một khi
một số khó khăn liên quan đến điều này được giải quyết đúng.
Như vậy, các dữ liệu
của cả Trung quốc và Ấn độ đều cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng và sắc nét về
Thế Thân. Ông đã mất khoảng 395 sdl, ở tuổi 80. Vì vậy, ông ra đời khoảng năm
315 sdl ở Puruṣapura trong một gia
đình Bà la môn. Ông có một người anh nổi tiếng là Vô Trước, và một người em tên
Virincivatsa. Vì Puruṣapura, cũng giống như
toàn bộ Vương quốc Gandhāra, vẫn là căn cứ địa của Phật giáo Hữu bộ
(Sarvāstivāda), cả Vô Trước và Thế Thân đều xuất gia theo bộ phái này. Chẳng
lâu sau đó, Vô Trước không vừa lòng với giáo lý bộ phái này nên quay sang
nghiên cứu với Di Lặc (Maitreya) và kết quả là rất nhiều tác phẩm đã ra đời từ
sự hợp tác này, trong đó tác phẩm nổi tiếng và đồ sộ nhất chắc chắn là Du Già
Sư Địa Luận (Yogācārabhūmiśāstra).
Chẳng bao lâu Thế Thân cũng không hài lòng với bộ phái đó. Nhưng trước khi ra
đi, ông đã viết bộ Câu Xá Luận nổi tiếng, là một bản tóm tắt có phê phán về học
thuyết của bộ phái này.
Trong tác phẩm này,
lần đầu tiên ông đặt ra những vấn đề đã chiếm hết nỗ lực suy tư của ông và công
khai phá hủy tất cả các vấn đề ngụy tạo mà Hữu bộ đã gán cho Phật giáo. Có lẽ
ông chỉ mới ba mươi tuổi khi viết xong bộ luận này, tức khoảng năm 345 sdl. Từ
năm 345 đến khoảng năm 355 sdl ta không biết rõ những gì Thế Thân đã làm. Có
lẽ, nhiều tác phẩm luận lý được cho là của ông đã được viết ra suốt thời gian
đó. Vào năm 355 sdl, có lẽ Thế Thân hoàn toàn bất mãn với luận lý và tất cả các
vấn đề liên quan. Vào lúc đó, Vô Trước ngã bệnh và cho người gọi Thế Thân.
Trong lần hội ngộ này, chắc hẳn Thế Thân đã bàn luận với Vô Trước về nhiều vấn
đề ông cưu mang bấy lâu và kết quả là một loạt các tác phẩm mới ra đời, những
tác phẩm sau đó đã lập thành những gì thường được gọi là tư tưởng về Thức
(Vijñānavāda). Từ 355 sdl cho đến khi ông mất năm 395 sdl, ông đã viết nhiều
tác phẩm, gồm Viṃśatikā, Triṃśikà, Trisvabhāvanirdeśa, Karmasiddhiprakaraṇa, Vyākhyāyukti, v.v. cùng các sớ giải về
nhiều bộ kinh cũng như về các tác phẩm của Vô Trước và Di Lặc; đồng thời ông
cũng sáng tác một số kệ tán như Sambharaparikatha, Śīlaparikatha, v.v. Trong
suốt thời gian này, rất có thể là ông đã sáng tác bộ luận Paramārthasaptati,
được lưu truyền sau khi ông mất, để bác bỏ Sāṃkhya Vindhyavāsa, và ông đã từ chối tranh biện với các luận sư
Phật giáo khác của thời ông, nhất là với vị luận sư nổi tiếng Chúng Hiền, lấy
cớ là ông đã già.
Qua các tác phẩm của
ông, có lẽ ông đã chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng và nhân cách người anh của
mình cũng như Di Lặc, mặc dù không phải là toàn bộ. Ông cũng đã viết một sớ
giải về Bách Luận của Thánh Thiên, một sớ giải mà La Thập, theo lời thuật lại
sau này của học trò ông là Tăng Triệu, đã nói rằng đó là tác phẩm duy nhất mà
ông đánh giá cao nhất.[78] Vào năm 375 sdl, có lẽ Thế Thân vẫn đang sống ở
Ayodhyā, vốn là “kinh đô định cư” của Candragupta trong một thời gian, nơi ông
được nhà vua mời dạy cho con trai mình. Chính ở Ayodhyā, không xa với Vaiśālī
nơi học trò ông, Govindagupta Bālāditya, cư ngụ, mà Thế Thân đã sống hết những
ngày cuối cùng của đời ông. Ông mất đi, ở tuổi tám mươi, vào năm 395 sdl, kết
thúc sự nghiệp hoàn bị của một người cầm bút, đối với bản thân cũng như xã hội.
Trên đây là một trần
thuật sơ thảo về cuộc đời của Thế Thân được hình thành từ nhiều nguồn tài liệu
khác nhau của Chân Đế, Huyền Tráng và Bu-sTon.[79] Chúng ta cũng đã đề cập đến
nhan đề một số tác phẩm của ông. Lamotte đã nói: “Thế Thân đã viết quá
nhiều”.[80] Ở Trung quốc người ta còn gọi ông là Thiên Luận Sư.[81] Thật vậy,
từ những gì chúng ta có ngày nay, Thế Thân chắc chắn là một người cầm bút quá
phong phú. Mặc dù Chân Đế và Bu-sTon đều cho chúng ta một bảng liệt kê tổng
quát và sơ lược về các tác phẩm của ông hiện còn đọc được, chúng ta có thể căn
cứ vào các tường thuật và các danh mục khác của các bản dịch Trung quốc và Tây
tạng để tái lập tạm thời một danh sách các tác phẩm của ông, đã mất hay vẫn còn
nguyên hoặc từng phần mà chúng ta biết.
Trong danh sách dưới
đây, chúng tôi không có ý bàn đến tính xác thực của mỗi tác phẩm được các tường
thuật và danh mục này cho là của Thế Thân. Chúng tôi chỉ lấy thông tin từ giá
trị bề mặt của chúng, ngoại trừ trường hợp chỗ nào mà những thông tin như thế
được biết rõ là ngụy tạo, bởi vì một bàn luận thuộc loại đó thì không hợp lý
trong một nghiên cứu dành cho tư tưởng Thế Thân như nghiên cứu này. Hơn nữa,
vấn đề chân ngụy hình như phần lớn chỉ xoay quanh các tác phẩm thuộc về danh
mục sớ giải, vốn không quan trọng bằng các tác phẩm độc lập của chính Thế Thân,
như đã nói. Vì thế, cốt để cho rõ ràng, tác phẩm của ông sẽ được chia làm ba
loại với các tiêu đề Tác Phẩm Độc Lập, Sớ Giải, và Kệ Tán. Đối với mỗi tác
phẩm, nếu nhan đề Phạn ngữ vẫn còn thì nó vẫn được giữ nguyên; nếu không, nhan
đề Hán ngữ hoặc Tạng ngữ sẽ được dùng tùy theo trường hợp. Các tác phẩm không
được tìm thấy ở đâu cả sẽ ghi là “Mất”. Các tác phẩm hiện chỉ còn rời rạc sẽ
ghi là “Phần”. Bất cứ nhan đề nào vẫn còn nguyên chữ Phạn sẽ ghi là “Phạn”.
Những nhan đề nào vẫn còn qua các bản dịch Hán ngữ hoặc Tạng ngữ hoặc cả hai sẽ
ghi là “ĐTK X” (Đại Tạng Kinh) hoặc “TT X” (Tam Tạng Tây Tạng), trong đó X thay
cho số thứ tự trong ấn bản hiện nay của Tam Tạng Trung quốc hoặc trong ấn bản
Suzuki hiện nay của Tam Tạng Tây Tạng.
I. Tác phẩm Độc lập:
1. Abhidharmakośa (A
Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận): Phạn; ĐTK 1588, 1559 & 1560; TT 5590 & 5591.
2. Vādavidhi : Phần.
3. Vādavidhāna: Phần.
4. Vādahṛdaya: Mất.
5. Viṃśatikā (Nhị Thập Luận Tụng): Phạn; ĐTK 1588,
1589 & 1590; TT 5557 & 5558.
6. Triṃśikā: (Tam Thập Luận Tụng): Phạn; ĐTK 1586
& 1587; TT 5556.
7.
Trisvabhāvanirdeśa: Phạn; TT 5559.
8.
Pratītyasamutpādavyākhyā: Phần Phạn; TT 5560.
9.
Pañcaskandhaprakarana (Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận): ĐTK 1612; TT 5560.
10. Đại Thừa Bách
Pháp Minh Môn Luận: ĐTK 1614; TT 5564.
11. Vyākhyāyukti: TT
5562.
12.
Vyākhyāyuktisūtrakhandaśata: TT 5561.
13.
Karmasiddhiprakaraṇa (Nghiệp Thành Tựu
Luận): ĐTK 1608 & 1609; TT 5563.
14. Triniḥsvabhāvaśāstra (Tam Vô Tánh Luận): ĐTK 1617.
15. Buddhatāśāstra
(Phật Tánh Luận): ĐTK 1610.
16. Tarkaśāstra (Như
Thực Luận): Phần; ĐTK 1633.
17. Chuyển Thức Luận:
ĐTK 1587.
18. Hiển Thức Luận:
ĐTK 1618.
19. Vivṛtagūhyārthapindavyākhyā: TT 5553.
20. Nirvāṇaśāstra (Niết Bàn Luận): ĐTK 1527.
21. Aṣṭādaśaśūnyatāśāstra (Thập Bát Không Luận):
Phần Phạn; ĐTK 1616.
22. Lục Môn Giáo Thọ
Tập Định Luận: ĐTK 1607.
23. Chỉ Quán Môn Luận
Tụng: ĐTK 1655.
24. Vajrasuciśāstra
(Kim Cang Tiên Luận): ĐTK 1512.
25. Pañcakamaguṇopalambhanirdeśa: TT 5680.
II. Sớ Giải:
26. Viśeṣacintabrāhmanaparipṛcchāsūtraṭīkā (Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn Kinh Luận): ĐTK 1532.
27. Āryākṣayamatinirdeśaṭīkā: TT 5495.
28.
Āryabhadracāryāpraṇidhānaṭīkā: TT 5516.
29.
Āryacaturdharmakavyākhyāna: TT 5490.
30.
Āryagayāśirsasūtraṭīkā (Văn Thù Sư Lợi
Bồ Tát Vấn Bồ Đề Kinh Luận): ĐTK 1532; TT 5492.
31. Daśabhūmikasūtraṭīkā (Thập Địa Kinh
Luận): ĐTK 1522; TT 5494.
32. Saddharmapuṇḍarīìkasūtropadeśa (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Ưu Ba Đề Xá): ĐTK 1519 & 1520.
33. Āryabhagavatīprajñāpāramitāvajracchedikāsaptārthaṭīkā (Kim Cang Bát Nhã Luận; Kim Cang Bát Nhã
Ba La Mật Kinh Luận; Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận Thích):
ĐTK 1510, 1511 & 1513; TT 5216.
34.
Amitāyursūtropadeśa (Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá): ĐTK 1524.
35. Dharmacakraparavṛttisūtropadeśa (Chuyển Pháp Luân Kinh Ưu Ba
Đề Xá): ĐTK 1533.
36.
Bodhicittotpādasūtraśāstra (Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận): ĐTK 1659.
37.
Āryasammukhidhāranivyākhyāna (Đại Môn Đà La Ni Kinh Luận): ĐTK 1361; TT 5489.
38. Buddhānusmṛtiṭīkā: TT 5487.
39.
Caturdharmakaratnoṣṇīsasūtropadeśa (Bảo
Kế Kinh Tứ Pháp Ưu Bà Đề Xá): ĐTK 1526.
40. Niết Bàn Kinh Bổn
Hữu Kim Vô Kệ Luận: ĐTK 1528.
41. Di Giáo Kinh
Luận: ĐTK 1529.
42. Śataśāstravṛtti (Bách Luận): ĐTK 1569.
43.
Āryanirdeśaprakaraṇa (Hiển Dương Thánh
Giáo Luận): ĐTK 1602.
44. Mahāyānasaṃgrahabhāṣya (Nhiếp Đại Thừa Luận Thích): ĐTK 1595, 1596 & 1597; TT
5551.
45. Mahāyānasūtrālamkaravyākhyāna (Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận): Phạn; ĐTK
1604; TT 5527.
46. Madhyāntavibhāgaṭīkā (Trung Biên Phân Biệt Luận): Phạn; ĐTK
1599, 1600; TT 5528.
47. Dharmadharmatāvibhāgavṛtti; Phần Phạn; TTT 5529.
48.
Tryupasampadasūtropadeśa (Tam Cụ Túc Kinh Ưu Ba Đề Xá): ĐTK 1534.
III. Kệ Tán và Kệ Tán
Luận:
49. Triratnastotra:
TT 2057.
50. Śīlaparikatha: TT
5421 & 5664.
51.
Sambharaparikatha: TT 5422 & 5666.
52. Saptaguṇaparivadanakatha: TT 5420 & 5663.
53. Ekagāthabhāṣya: TT 5488.
54. Gāthāsaṃgrahaśāstra: TT 5603.
55. Gāthāsaṃgrahaśāstrārtha: TT 5604.
IV. Tạp phẩm:
56.
Paramārthasaptatī: Mất.
Như vậy, có ít nhất
năm mươi sáu tác phẩm của Thế Thân vẫn còn biết đến và phần lớn còn giữ được
qua các bản dịch Hán văn và Tạng văn. Nhờ sự làm việc miệt mài của nhiều học
giả, đặc biệt là Frauwallner,[82] nhiều tác phẩm lý luận của Thế Thân, trong đó
Vādavidhi là tác phẩm gây hứng thú đặc biệt nhất, đã được tái lập. Những gì chúng
ta biết về sự khám phá và những thành tựu của Thế Thân trong lãnh vực luận lý
sẽ xuất phát chính yếu từ những dữ liệu được tái lập này. Mặc dù Tucci không
tin tưởng Như Thực Luận là tác phẩm của Thế Thân,[83] nhưng do sự kiện tác phẩm
này nói về biểu-đồ-suy-luận-năm-chi và đã được trích dẫn trong Pramānasamuccaya
của Trần Na, giờ đây chúng ta không cần phải hoài nghi như thế, nhất là sau các
kết quả tra cứu được Takemura trình bày trong tác phẩm thú vị của ông.[84] Vì
thế, Như Thực Luận cùng với các tác phẩm luận lý được tái lập khác của ông sẽ
có thể cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng về luận lý học Thế Thân là gì.
Trong mối quan hệ
này, cần phải chỉ ra rằng có thể Thế Thân đã viết hai bản khác nhau của cùng
một tác phẩm có nhan đề Như Thực Luận. Bản thứ nhất mà những phần của nó là bản
dịch Hán văn chúng ta có được ngày nay có lẽ đã được viết khi ông vẫn còn
nghiên cứu về Chánh Lý Kinh (Nyāyasūtra) và các bản kinh khác nói về thuật
tranh biện. Thật vậy, sự khác biệt chính tạo ra điểm đặc trưng của nó là việc
giới thiệu ba điều kiện cho sự thiết lập giá trị loại suy thuộc kiểu Nyāyika đề
ra.[85] Rất có khả năng, Thế Thân đã viết nó trong khoảng những năm 335-340
sdl. và chắc chắn trước khi viết Câu Xá Luận. Bản thứ hai là bản Trần Na đã dẫn
trong Pramāṇasamuccaya của ông
liên quan đến thuyết cho rằng một loại suy có luận lý chỉ cần hai chi chứ không
phải ba hay năm.[86] Thuyết này, như chúng ta sẽ thấy, được chính Thế Thân sử
dụng để trình bày tư tưởng của ông, trong Nghiệp Thành Tựu Luận chẳng hạn. Vì
thế bản này là một bản sao có duyệt lại của bản đầu và được viết vào những năm
sau này của đời ông, có lẽ khoảng 370 sdl. Vấn đề liên quan đến việc Thế Thân
thay đổi quan điểm về luận lý sẽ được bàn đến sau. Những điều trên cũng đủ để
nói ngay lúc này rằng việc chúng tôi liệt kê Như Thực Luận vào danh sách các
tác phẩm của ông không phải là việc làm không có lý do và chứng cứ.
Cũng nhờ vào công
việc ấn hành của nhiều nhà nghiên cứu mà các bản gốc và các phần còn lại bằng
tiếng Phạn của nhiều tác phẩm của Thế Thân đã dược xuất bản, đặc biệt là
Abhidharmakośa,[87] Viṃśatikā và Triṃśikā,[88] Trisvabhā-vanirdeśa,[89]
Pratīyasamutpāda-vyākhyā,[90] Dharmadhar-matāvibhāgavṛtti,[91] Mahāyānasūtralamkara- vyākhyāna[92]
và Madhyāntavibhāgabhāṣya.[93] Và chúng sẽ
được sử dụng thường xuyên ở các chương sau trong khi nghiên cứu về tư tưởng
ông, dù rằng các bản dịch và luận giải hiện nay của chúng vẫn không bị gạt qua,
nhất là các bản dịch Kośa, Viṃśatikā và
Trisvabhāvanirdeśa của de la Vallée Poussin,[94] bản dịch Viṃśatikā và Triṃśikā của Lévi, và các luận giải của Ui về hai tác phẩm này. ◘
Bản dịch Việt: Đạo
Sinh
[1] Nguyên tác Anh
ngữ, The Philosophy of Vasubandhu. Tiếp theo tập san 8.
[2] Wassiljew, Der
Buddhismus, St. Petersburg,
1860: 235 ff.
[3] Péri, A Propos de
la Date de Vasubandhu, BE FEO X (1911): 339-390.
[4] Frauwallner, On
the Date of the Buddhist Master of the Law Vasubandhu, Roma, 1951.
[5] Huệ Chiểu, Thành
Duy Thức Luận Liễu Nghĩa đăng, ĐTK 1832: 658b3-28.
[6] Péri, op. cit.:
257.
[7] Huệ Chiểu, sđd.,
tr. 659c8-12; Lê Mạnh Thát, Sơ Thảo Lịch Sử Hình Thành Văn Hệ Bát Nhã, Sài Gòn,
1986: 210.
[8] Chân Đế, Bà Tẩu
Bàn Đậu Pháp Sư Truyện, ĐTK 2049: 188a6-191a17.
[9] Arthur F. Wright,
“Biography and Hagiography: Hui-Chiao’s Lives of Eminent Monks”, Silver Jubilee
Volume of the Zinbun Kagaku Kenkyusho, Kyoto
University, Kyoto: Kyoto University Press: 408-412.
[10] Huệ Khải, A Tỳ
Đạt Ma Câu Xá Thích Luận Tự, ĐTK 1559:161a16-20:
Phật diệt độ hậu
thiên nhất bách dư niên, hữu xuất gia Bồ tát danh Bà Tẩu Bàn Đậu... tạo đại tiểu
thừa luận, phàm số thập bộ... thạnh tuyên hành, mi bất tôn học. Pháp sư đức
nghiệp, cụ như biệt truyện.
[11] Pháp Tạng, Hoa
Nghiêm Kinh Truyện Ký, ĐTK 2073: 156b27-c10:
Bà Tẩu Bàn Đậu Bồ
tát, thử vân Thiên Thân, ư sơn trung thích Thập Địa phẩm, điệp bổn kinh văn, y
thứ tiêu giải. Bồ tát sơ tạo luận thành, cảm kinh phóng quang minh sơn chấn địa
động. Kỳ quốc chủ thần dân, câu lai khánh hạ, thán vi hy hữu thụy dã, quảng như
bổn truyện... Hựu biệt truyện vân, Thiên Thân tạo Hoa Nghiêm Kinh Luận ký vị
hoạch cụ bổn; thử Thập Địa hoặc thị.
[12] Tĩnh Mại, Cổ Kim
Dịch Kinh Đồ Kỷ, ĐTK 2151: 359b29.
[13] Huệ Tường, Pháp
Hoa Kinh Truyện Ký, ĐTK 2068: 49b13, 49c29; Cf. Péri, op. cit.: 351-352.
[14] Jaini, Fu ra wa li no shi no Se shin nendai ron ni tsuite, IBK I (1952):
202-208.
[15] Jaini, On the
Theory of Two Vasubandhus, BSOA S XXI (1958): 48-53.
[16] Wayman, Analysis
of the Śrāvakabhūmi Manuscript, Berkeley: University of California Press, 1961: 19-24.
[17] Lê Mạnh Thát,
“Đưa Vào Việc Nghiên Cứu Triết Học Thế Thân”, Tư Tưởng I (2), 1967: 211-258.
[18] Phổ Quang, Câu Xá Luận Ký, ĐTK 1821; cf. Frauwallner,op. cit.; Sakurabe,
op. cit. p. 208.
[19] Đạo An, Nhị Giáo Luận, trong Quảng Hoằng Minh Tập, ĐTK 2103: 142a18-20:
Hựu y Thập pháp sư
niên kỷ cập Thạch Trụ Minh tịnh dữ Xuân Thu phù đồng, Như lai Chu Hoàn Vương
ngũ niên tuế thứ Ất sửu sinh, Hoàn Vương nhị thập niên tuế thứ Quý mùi xuất
gia, Trang Vương thập niên tuế tại Giáp ngọ thành Phật, Tương Vương thập ngũ
niên tuế tại Giáp thân diệt độ. Chí kim nhất thiên nhị bách ngũ niên.
[20] Thích Minh Châu,
Hsuan Tsang the Pilgrim and Scholar, Saigon:
Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản, 1966: 162.
[21] Huyền Tráng, Đại
Đường Tây Vức Ký, ĐTK 2087: 896b27-29:
Am-một-la lâm tây bắc
bách dư bộ hữu Như Lai phát trảo tốt-đổ-ba. Kỳ trắc cố cơ thị Thế Thân bồ tát
tòng Đổ sử đa thiên hạ kiến Vô Trước bồ tát xứ. Vô Trước bồ tát Kiện-đà-la quốc
nhân dã; Phật khứ thế hậu nhất thiên niên trung đản.
[22] Péri, op. cit.,
p.256; Frauwallner, op. cit.; Takakusu, A Study of Paramārtha’s life of Vasubandhu
and the Date of Vasubandhu, JRAS (1905): 51, note 1.
[23] Ui, “Genjo izen
no Indo sho ronshi no nendai”, trong Indo tetsugaku kenkyu V, Tokyo, 1929: 134; Kajiyama, Bhāvaviveka,
Sthiramati and Dharmapāla, WZKSOA XII_XIII (1968/1969): 193-203.
[24] Lê Mạnh Thát, sđd.
[25] Ui, “Shintai
sanzô den no kenkyu”, trong Indo tetsugaku kenkyu VI, Tokyo, 1930: 6.
[26] Ui, op. cit.:
122-128.
[27] Frauwallner, op.
cit.; Péri, op. cit.: 257.
[28] Đạo Tuyên, Tục
Cao Tăng Truyện, ĐTK 2060:430a19.
[29] Huệ Khải, Nhiếp
Đại Thừa Luận Thích Tự, ĐTK 1595: 152c3-153b26; sđd, A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận
Sớ, ĐTK 1559, 161a3-b28.
[30] Huệ Khải, Nhiếp
Đại Thừa Luận Thích Tự, ĐTK 1595, 152c16-21:
Huệ Khải chí tàm phụ
nang, cần quý tụ huỳnh, mậu đắc xỉ tích học đồ, bẩm thừa huấn nghĩa, du ngụ
giảng tứ, đa lịch niên sở, danh sư thắng hữu, bị đắc tư tuân, đản tông thiệp sơ
thiển, toản ngưỡng vô thuật, tầm ba thảo nguyên, đa sở vị ngộ, thử cái lự cùng
ư văn tự, tư mê ư hoằng chỉ, minh phát hưng sai, phụ tâm phi nhất, mỗi dục
thuận phong vấn đạo, nhi vị tri quyết lộ, hữu, Tạng Pháp sư.
[31] Huệ Khải, sđd:
153a1417:
Khải tích thường thọ
nghiệp, dĩ thiểu địch trầm tệ, phục ưng vị cửu, tiện trí khuê vi. Kim trùng
phụng trị, bội hoài đạo vũ, phục dục san hòa bẩm đức, phỏng đạo trần nghi, tuy
ân cần thỉnh, nhi bất mông doãn toại, hoảng nhiên thất đồ, tâm hồn mi thác.
[32] Huệ Khải, sđd:
153a18-64:
Hành châu Thích sử
Dương sơn công Thế tử Âu Dương Hột, phong nghiệp tuấn chỉnh, uy võ trinh bạt,
cai duyệt văn sử, thâm đạt trị yếu, sùng lan nội trạm, thanh huy ngoại ích,
khâm hiền vị đạo, đốc tín ái kỳ, cung vi thỉnh chủ, kiêm thân lễ sự, pháp sư
nãi hân nhiên thọ thỉnh, hứa vi phiên dịch.
[33] Huệ Khải, sđd.:
161b8-16.
[34] Yen K’o Chun,
Ch’uan shang ku san tai Ch’in Han San kuo liu ch’ao wen, IV, Peking:
Chung hua shu chu, 1958: 3501; Ch’uan Ch’en wen, ch. 18, f2b3.
[35] Robinson, Early
Mādhyamika in India and China, Madison: University of Wisconsin, 1967: 165.
[36] Huệ Viễn, Đại Trí Luận Sao Tự trong Xuất Tam Tạng Ký Tập, ĐTK 2145, 75b
27-29; Cf. Robinson, op. cit. p. 211.
[37] Ch’en, Buddhism
in China, Princeton:
Princeton University Press, 1964: 450; Lamotte, Histoire du Bouddhisme Indien, Louvain, 1958: 210-222.
[38] Robinson, op.
cit.: 21-25.
[39] Phó Pháp Tạng
Nhân Duyên Truyện, ĐTK 2058: 321b22-29.
[40] Maspéro, “Sur la
Date et l’Authenticité du Fou fa tsang yin yuan tchouan”, Mélanges Sylvain
Lévi, Paris, 1911: 129-149. Cuốn này không đề cập đến ý kiến của Kikeya về bản
dịch của nó vào khoảng 472 sdl, có lẽ vì còn nghi ngờ; Phó Pháp tạng Nhân Duyên
Truyên chắc hẳn đã tồn tại dưới dạng nào đó trước năm 519 sdl vì Tăng Hựu, mất
năm 519 sdl, đã biết đến tác phẩm này. Để có thêm thông tin, xem Lê Mạnh Thát,
Nghiên Cứu Về Phú Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện, bản đánh máy, Sài Gòn, 1967.
[41] Tetsuji Morohashi,
Dai Kan Wa
Jitan I: 881c-882b.
[42] Tetsuji
Morohashi, op. cit., II: 23c-240b.
[43] Huệ Kiểu, Cao
Tăng Truyện, ĐTK 2059: 405c19-28; cf. Lê Mạnh Thát, Góp Vào Việc Nghiên Cứu
Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam
Kể Từ Thế Kỷ Thứ Năm, Tư Tưởng I (1972): 69-88 & II (1972): 55-80.
[44] Giới Chu, Tịnh
Độ Vãng Sinh Truyện, ĐTK 2071: 112a22-b7; Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Đàm
Hoằng, bản đánh máy, Sài Gòn, 1973.
[45] Nghĩa Tịnh, Đại
Đường Tây Vức Cầu Pháp Cao Tăng Truyện, ĐTK 2066: 4b1-6; Phi Trược, Tam Bảo Cảm
Ứng Yếu Lược Lục, ĐTK 2084: 850a11-24; Lê Mạnh Thát, Về Pháp Sư Khuy Xung, sẽ
xuất bản.
[46] Huệ Viễn, Đại
Trí Luận Sao Tự, trong Xuất Tam Tạng Ký Tập, ĐTK 2145: 75b27-29:
Hữu Đại thừa cao sỹ,
quyết hiệu Long Thọ, sinh vu Thiên Trúc, xuất tự Phạm chủng, tích thành nẵng
đại khế tâm tại tư, tiếp cửu bách chi vận, phủ đồi bạc chi hội.
[47] Tăng Triệu, Bách
Luận Tự, ĐTK 1569: 167c13-14:
Phật nê hoàn hậu bát
bách dư niên, hữu xuất gia đại sỹ, quyết danh Đề Bà.
[48] Tăng Duệ, Ma Ha
Bát Nhã Ba La Mật Kinh Thích Luận Tự, ĐTK 1509: 57a12-13 & 57b13-14: Thị dĩ
Mã Minh khởi ư chánh pháp chi dư; Long Thọ sinh ư tượng pháp chi mạt. Chánh dư
dị hoằng... truyện vân: tượng chánh chi mạt, vi Mã Minh Long Thọ; đạo học chi
môn, kỳ luân tư nịch táng hỹ.
[49] Cát Tạng, Bách
Luận Tự Sớ, ĐTK 1827: 233a8-11:
Duệ sư Thành Thực
Luận Tự thị Thập sư khứ thế hậu tác chi, thuật Thập sư ngữ vân, Phật diệt hậu
tam bách ngũ thập niên Mã Minh xuất thế... Mã Minh hưng Chánh pháp chi mạt,
Long Thọ khởi Tượng pháp chi sơ.
[50] Cát Tạng, Trung
Quán Luận Sớ, ĐTK 1827, 233b23-25: Vấn: Long Thọ ư Tượng pháp trung hà thời
xuất da? Đáp: Duệ sư Thành Thực Luận Tự thuật La Thập ngữ vân Mã Minh thị tam
bách ngũ thập niên xuất, Long Thọ thị ngũ bách tam thập niên xuất.
[51] Lamotte,
L’Enseignement de Vimalakīrti, Louvain, 1962:
70-77; Lamotte, Le Traité de la Grande Vertu de Sagesse, III, Louvain: Université de Louvain, 1970: 51-55.
[52] Lamotte,
L’Enseignement de Vimalakīrti: 75-76: “C’est évidemment cette dernière date qui
fut adoptée par Kumārajīva, ses disciples Seng-tchao et Seng-jouei et son
contemporain Houei-Yuan. (...) Deux indices, relevés par M. R. Hikata,
permettent de controler l’exactitude de la date 243 P.C. proposée pour la
naissance de Nāgārjuna”.
[53] Robinson, op.
cit.: 26.
[54] Lê Mạnh Thát, Sơ
Thảo Lịch Sử Hình Thành Văn Hệ Bát Nhã: 220-225.
[55] Tăng Triệu, Chú
Duy Ma Cật Kinh, ĐTK 1775: 399b5-27.
[56] Tăng Duệ, sđd;
Cát Tạng, sđd.
[57] Đề Bà Bồ Tát
Truyện, ĐTK 2048: 186c18; cf. Lamotte, L’Enseignement de Vimalakīrti: 75; Cát
Tạng, Bách Luận Tự Sớ, ĐTK 1827: 233a7-b1.
[58] Ui, The Vaiśeṣika Philosophy, London: The Royal Asiatic Society, 1917:
42-43; Lê Mạnh Thát, Sơ Thảo Lịch Sử Hình Thành Văn Hệ Bát Nhã: 220-221.
[59] Frauwallner, op.
cit.
[60] Frauwallner,
“Landmarks in the History of Indian Logic”, WZKSOA V (1961): 125-148; Die
Weltliteratur, 3. Band, Wien, 1954: 1849; Die Philosophie des Buddhismus: 531.
[61] Lê Mạnh Thát,
Đưa Vào Việc Nghiên Cứu Triết Học Vasubandhu: 30-36.
[62] Anacker,
Vasubandhu: Three Aspects: a Study of a Buddhist Philosopher, Doctoral
Dissertation, The University of Wisconsin,
1970: 8-26.
[63] Yaśomitra, The
Abhidharmakośavyākhyā of Yaśomitra, ed. N. N. Law, London, 1949.
[64] Kohuyaku
Issaikuô, Abidatsuma bu 25: 25, note 155.
[65] Abhidharmakośa,
I, 13-14c, LVP: 23-27.
[66] Abhidharmakośa,
III, 27, LVP:70.
[67] de la Vallée
Poussin, “Notes Bouddhiques”, Bulletins de l’Académie royal de Belgique XVI
(1930): 15-19; L’Abhidharmakośa de Vasubandhu, Introduction: xxvii-xxviii;
Wayman, op. cit.
[68] de la Vallée
Poussin, op. cit.
[69] Lê Mạnh Thát,
Đưa Vào Việc Nghiên Cứu Triết Học Vasubandhu: 34-35.
[70] Bà Tẩu Bàn Đậu
Pháp Sư Truyện, ĐTK 2049: 190b.
[71] Vamāna,
Kāvyālamkārasūtravṛtti, Vanavilasam
Press ed.: 86.
[72] Besarh Seals of Govindagupta, IA
(1923): 12.
[73] Lê Mạnh Thát,
Đưa Vào Việc Nghiên Cứu Triết Học Vasubandhu: 34-35.
[74] Anacker, op.
cit.: 9-10.
[75] Pháp Hiển, Fo
kuo chi, ĐTK 2085: 859b.
[76] Saletore, Life
in the Gupta Age: 84.
[77] Saletore, op.
cit.: 16-18.
[78] Robinson, op.
cit.: 33 & 248; cf. Péri, op. cit.: 375-376.
[79] Chân Đế, Bà Tẩu
Bàn Đậu Pháp Sư Truyện, ĐTK 2049: 191a; Huyền Tráng, Đại Đường Tây Vức Ký, ĐTK
2087: 896b27-29; Bu-sTon, History of Buddhism, Obermiller transl., Heidelberge,
1932: 136-147.
[80] Lamotte,
Introduction au Karmasiddhiprakaraṇa, MCB IV (1935/1936): 178-179.
[81] Cát Tạng, Bách
Luận Sớ, ĐTK 1827: 243c9-10
[82] Frauwallner,
Vasubandhu’s Vādavidhih, WZKSOA I (1957): 104-142; Miyasaki, Vasubandhu oyobi
Dignāga no dampen, IBK VII (1958): 23-33.
[83] Tucci,
Pre-Dinnāga Buddhist Text on Logic from Chinese Sources, Baroda: Gaekwads Oriental Series, 1931, pp
ix-xi; Buddhist Logic before Dinnāga, JRAS (1929): 451-488.
[84] Takemura, Seshin
no ronrisho ni tsuite, Jojoron (Rtsod pa sgrub pa) no ki suka o megutte, IBK
VII (1958): 237-240; Cf. Frauwallner, Vasubandhu’s Vādavidhiḥ, WZKSOA I (1957), Abhang II: 139-142;
Stcherbatsky, Buddhist Logic, Leningrad:
Bibliotheca Buddhica XXVI, 1932: 29-30; Ui, Bukkyo ronrigaku, Tokyo, 1933: 173-194.
[85] Tucci, Buddhist
Logic before Dinnāga, JRAS (1929): 451-488; J. F. Staal, “Contra-position in
Indian Logic”, trong Logic, Methodology and Philosophy of Science: Proceedings
of the 1960 International Congress, Stanford: Stanford University Press, 1962:
634; Ui, Bukkyo ronrigaku: 155-173.
[86] Tucci, Buddhist
Logic before Dinnāga, JRAS (1929): 451-488; Frauwallner, Vasubandhu’s Vādavidhiḥ, WZKSOA I (1957) Anhang II 139-142;
Takemura, op. cit.
[87]
Abhidharmakośabhāṣya, ed. Prahallad
Pradhan, Patna:
K.P. Jayashwal Research Institute, 1967.
[88] Lévi, Deux traités de Vasubandhu, Paris: H. Champion, 1925.
[89] de La Vallée
Poussin, Le petit traité de Vasubandhu-Nāgārjuna sur les trois natures, MCB II
(1933): 147-161.
[90] Tucci, A
Fragment from the Pratītyasamutpāda of Vasubandhu, JRAS (1930): 611-623.
[91] Yamaguchi,
Hohoshin bumbetsu ron no bonbun dampen, Otani gakuho XVII (1933): 558-63.
[92] Lévi, Mahāyānasūtrālamkārabhāṣya exposé de la doctrine du Grand Véhicule selon le système
Yogācāra, Paris:
H. Champion, 1907:11.
[93] Nagao,
Madhyāntavibhāgabhāṣya, Tokyo: Suzuki Research Foundation, 1964.
[94] de La Vallée Poussin,
L’Abhidharmakośa de Vasubandhu, Paris: Paul Geuthmer, 1923-1931; Lévi,
Matériaux pour l’étude du système Vijñāptimātra, Paris:
H. Champion, 1932; de La Vallée Poussin, La siddhi de Hsuan Tsang, Paris: P.
Geuthmer, 1928-1929; Ui, Shiyaku taishò yuishiki nijusshôron kenkyu, Tokyo, 1954; Ui, Anei Gohô yuishiki sanjusshô shakuron, Tokyo, 1953.
Để có thêm thông tin về các tác phẩm và nghiên cứu khác của Thế Thân, xem The
Encyclopedia of Indian Philosophies I, ed. K. H. Potter, Dehli: Motilal
Banarsidass, 1970: 28-39, mặc dù cần lưu ý rằng The Encyclopedia chỉ cung cấp
một thông tin bao quát. Thí dụ, trong đó không có bài báo của Yamaguchi, được
đề cập ở trên, về một phần Phạn văn của Dharmadharmatāvibhāgavṛtti.