Triết học
Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm
Thích Nữ Giới Hương Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn
09/10/2554 07:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

 

Chương 10. Ba tiệm xứ

 

 

Kết Luận về Bản Nhân của Điên Đảo để Khởi Mối cho Ý Nghĩa Tiệm Thứ Tu Tập:

“A Nan, như thế, chúng sinh trong mỗi mỗi loài, cũng đều đủ hết 12 thứ điên đảo. Cũng như dụi con mắt, thì hoa đốm đủ thứ phát sinh ra, chân tâm diệu viên trong sạch sáng suốt mà điên đảo, thì đầy đủ những tư tưởng càn loạn giả dối như vậy. Nay, thầy tu chứng Tam ma đề của Phật, thì đối với những tư tưởng càn loạn, làm nguyên nhân cỗi gốc của các điên đảo, nên lập ra ba tiệm thứ mới trừ diệt được, cũng như, trong khí mãnh trong sạch, trừ bỏ mật độc, dùng nước nóng và các thứ chất tro, chất thơm rửa sạch khí mãnh rồi, về sau, mới đựng nước cam lộ”.

Khai Thị Ba Tiệm Thứ:

“Thế nào gọi là ba tiệm thứ? Một là tu tập, trừ các trợ nhân; hai là chân tu, nạo sạch chính tính; ba là tăng tiến, trái lại hiện nghiệp”.[1]

Chúng sanh trong mỗi loài đều có đủ 12 thứ điên đảo này, như bị nhặm mắt thì thấy đủ loại hoa đốm 12 màu. Chân tâm vốn thanh tịnh sáng suốt nhưng do điên đảo thì biến ra đủ loại vọng tưởng càn loạn giả dối. Nay Phật khuyên A-nan nếu phát tâm tu chứng Tam-ma-đề của Phật, nên thực tập ba thứ tiệm thứ này.

Tiệm có nghĩa là dần dần, tu dần dần, học hiểu dần dần và chứng đắc dần dần từ quả vị thấp đến quả vị cao.

Đốn là nhanh chóng, thẳng tắt vượt bậc. Như tu thiền tông hoặc nghe pháp liễu nghĩa đại thừa, bậc thượng căn liền tỏ ngộ một cách sâu sắc, không bị sự phân vân đấu tranh trong quá trình nhận thức chân lý. Do đó, sự giải thoát giác ngộ vượt bậc không bị hạn cuộc bởi thời gian ‘khảy móng tay lên bậc vô học’.

Còn ở đây ngài dạy chúng ta từ sơ tâm cho đến thành thánh quả có ba thứ học từng thứ lớp và đi dần dần (tam tiệm thứ). Ví như một cái bình từ vô thủy đến giờ đựng tham, sân và si. Nếu bây giờ muốn thành một pháp khí để chứa đựng Phật pháp, để thành Phật, thì việc đầu tiên là phải súc bình, dùng chất thơm rửa sạch bình rồi mới đựng nước cam lộ nghĩa là phải dùng ba tiệm thứ này để rửa thân tâm của mình. Ba thứ này là:

1. Trừ trợ duyên sanh tử.

2. Khoét tánh phàm phu tức là giữ giới.

3. Trái với nghiệp hiện tiền.

Ngoài thì trừ duyên, trong thì giữ giới, không buông lung theo tánh phàm phu nữa. Tu ngay sáu căn, nghiêm hộ ngay sáu căn, ngay khi gặp cảnh, để ý cái tâm, hộ không cho tham, sân, si nổi lên. Đó là đạo nghiệp của bậc chân tu.

Tiệm thứ nghĩa là số một mình làm được rồi thì lên đến số hai rồi đến số ba. Dĩ nhiên chúng ta đi thấp nhất rồi lên nấc hai, rồi lên nấc ba. Ngôi nào cũng thế từ thấp đến cao, hẹp đến rộng, cứ thế từ từ thứ lớp trừ cái duyên, tránh cái nhân rồi tu ở sáu căn cho đến ngày thành Phật chỉ tu ba việc này nên gọi là ba tiệm thứ.

TRỪ CÁC TRỢ DUYÊN SANH TỬ

Thế nào là trợ nhân?

A Nan, 12 loài chúng sinh đó trong thế giới, không thể tự toàn, phải nương theo bốn cách ăn mà an trụ, nghĩa là, nương theo đoạn thực, xúc thực, tư thực và thức thực; vậy nên Phật bảo tất cả chúng sinh, đều nương với cái ăn mà an trụ.

A Nan, tất cả chúng sinh, ăn thức lành thì sống, ăn thức độc thì chết; vậy, các chúng sinh, cầu Tam ma đề, nên dứt bỏ năm thứ rau cay trong thế gian. Năm thứ rau cay nầy, ăn chín, thì phát lòng dâm, ăn sống, thì thêm lòng giận. Những người ăn rau cay đó, trên thế giới, dù biết giảng nói 12 bộ kinh, Thiên tiên 10 phương, hiềm vì nó hôi nhớp, đều tránh xa cả; các loài ngạ quỷ v.v... nhân trong lúc người kia ăn rau cay, liếm môi mép của người đó; người ấy thường ở với quỷ một chỗ, phúc đức ngày càng tiêu, hằng lâu không được lợi ích. Người ăn rau cay đó, tu phép Tam ma đề, Bồ Tát, Thiên tiên, Thiện thần thập phương không đến giữ gìn ủng hộ; Đại lực Ma vương được phương tiện đó, hiện ra thân Phật, đến thuyết pháp cho người kia, chê phá cấm giới, tán thán dâm dục, nóng giận, si mê; đến khi mệnh chung, tự mình người ấy làm quyến thuộc của Ma vương; khi hưởng thụ phúc ma hết rồi, thì đọa vào ngục Vô Gián.

A Nan, người tu đạo Bồ đề, phải đoạn hẳn năm thứ rau cay; ấy gọi là tiệm thứ tu hành tăng tiến thứ nhất[2].

Ăn lành thì sống, ăn độc thì chết. Mình có thích những nguy hiểm này cho nên đây Đức Phật mới minh bạch nói rõ sự thật nguy hiểm là như thế nào. Như con nít bảo cấm đừng ra nắng nhưng nó lại thích ra nắng, bởi nó mê, nó không biết phân biệt. Cũng thế chúng ta không biết nên đây Phật dạy những chỗ có rau cay (hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ) thì hộ pháp với chư thiên ít ở đó, thường là nơi của các quỷ có mặt.

Chúng ta đừng đến chỗ rau cay, ăn rau cay vì mình đến và tiếp xúc hoặc ăn dùng chỗ đó thì thông thường mình gặp ma quỷ. Vì ma quỷ thích ngửi, ưa mến năm món hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ, nên người ăn ngũ tân này là quyến thuộc của ma, cùng với ma quỷ ở chung một chỗ và khiến vị này phúc đức ngày càng tiêu, hằng lâu không được lợi ích.

Duyên là rau cay mà tham, sân, si là nhân. Tránh duyên để cho tham sân đừng bật ra. Tham, sân, si thật ra không phải là duyên mà nó là gốc. Tránh duyên để cho những cái gốc đừng bật ra, tức tránh năm thứ rau cay bởi vì ăn sống thì nổi sân, ăn chín thì nuôi lòng dâm dục, vì vậy tránh duyên không ăn những thứ này. Người nhập vào chánh định phải dứt bỏ năm thứ rau cay này. Dù pháp sư có giảng thuyết 12 bộ kinh, nhưng còn dùng ngũ tân, thì hộ pháp, tiên, chư thiên tránh xa không đến, còn ma quỷ thì đến gần liếm môi liếm mép. Vì bản chất ma quỷ là một loại chúng sanh hay thích làm những điều ác, cho nên Đức Phật khuyên chúng ta không được dùng những thứ này giống chúng ma quỷ.

Đức Phật chỉ đưa ra một thứ trợ duyên là năm thứ rau cay, chứ thật ra chúng ta có không biết bao nhiêu nhân duyên xung quanh đều là những trợ duyên đưa đến sanh tử. Những việc không có lợi ích cho sự tu hành, phá rối thì mình đều phải trừ hết, chứ không phải chỉ có rau cay. Cả đời sống của chúng ta ở trong gia đình, xã hội, bao nhiêu thứ duyên để cho tâm của chúng ta bật ra tham, sân. Khi tâm của mình bật ra tham sân thì đó là tướng, là gốc của ngu si, tưởng thật nên nổi tham sân.

Bây giờ phải tránh những duyên, bởi vì duyên khiến cho mình huân tập. Mình biết cô đó ghét mình, không thích mình, mỗi khi cô trông thấy mình, cô có những dáng điệu khiêu khích, cô có những lời nói chát chúa, inh tai, nhức óc thì mình sẽ nổi sân lên. Biết cô đó có chỗ ác ý đó thì mình nên tránh đi, chứ đừng nghĩ không cần, ta cứ đối đầu, cứ đi trước mặt cổ để chọc cổ, gợi thù oán lẫn nhau thì không nên, phải tránh duyên đi để nhẹ nghiệp cả hai.

Những người nói nhiều hay tranh cãi khiến trong chúng không được bình an thì phải ra ngoài chúng chứ không ở trong chúng được. Kêu ra ngoài chúng là trừ trợ duyên khiến cho trong chúng được bình an tu hành.

Chúng ta phải cẩn thận, không những chỉ để tránh năm thứ rau cay mà sáu căn gặp sáu trần, tâm của chúng ta phải cẩn thận tránh duyên, đừng để những tham, sân, si sanh khởi.

Thế nên, đầu tiên Đức Phật dạy chúng ta phải rời cha mẹ vào chùa, đó là tránh duyên. Bởi vì ở nhà bố mẹ thương quý con, bao nhiêu cái hay cái tốt vơ về con rồi, mà hễ trái cho con mình thì sân giận. Chính tình thương yêu của cha mẹ là cái gốc để cho mình bật cái tham sân lên và tăng trưởng ngã ái.

Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải xuất gia, chính là tránh cái duyên sanh tử, tránh cái duyên tham sân, thế cho nên gia đình, xã hội, tất cả đều là duyên sanh tử. Bởi vì, cha mẹ cho đến tất cả mọi người đang sống trong vòng ‘Hoặc nghiệp khổ’ mê hoặc, không tỉnh. Nếu mình cứ sống với các vị là mình chìm trong vòng ‘hoặc nghiệp khổ’, cho nên phải rời để tỉnh ra. Sau khi tỉnh rồi thì quay về nhắc nhở các vị trong gia đình tỉnh ra. Thế cho nên tránh được những trợ duyên sanh tử.

Cho đến khi xuất gia thì phải cạo đầu. Tóc của mình cũng là một cái duyên để chúng ta khỏi phải sáng vuốt chiều chải, thế nên Đức Phật dạy cắt đứt phăng đi cho xong chuyện. Nên ca dao có câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là vậy. Ở ống mà muốn tròn cũng không được, ở bầu mà muốn dài cũng không được.

Ca dao nói như vậy để nhắc chúng ta đừng coi thường các duyên, nên chọn bạn mà chơi, chứ không có bừa bãi được, thấy những chỗ nào người ta đánh bạc, người ta uống rượu hay cho đến những người hay ưa bới móc kể xấu người này kia thì mình tránh luôn, đừng nghĩ người ta nói kệ việc người ta, không việc gì đến mình mà đây việc đầu tiên là tránh những duyên, cho nên cẩn thận chọn thầy, chọn bạn, chọn chỗ ở.

Chúng ta đang bắt đầu tu nên chúng ta cũng theo tam tiệm thứ này, trong nhà Phật lấy chữ hiếu làm căn bản. Bổn phận đạo làm con phải hiếu thảo với cha mẹ coi như đó là cái gốc, đó là nền tảng.

Ấy thế mà Đức Phật bảo, chúng ta rời bỏ gia đình, rời bỏ ‘công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’, phải từ biệt vào chùa, cắt đứt hẳn nếp sống gia đình, vì nếp sống gia đình còn nhiều duyên ràng buộc, không có nhiều thời gian để lo tu học như đời sống xuất gia. Thế cho nên Đức Phật khuyên bảo người xuất gia phải sống đời sống không gia đình để có nhiều thời gian tu học và để hướng tới đời sống an lạc và giải thoát đích thực cho tự thân và cho tha nhân.

Phải tránh duyên, phải rời gia đình, vào chùa, không được ra ngoài tụ lạc xóm làng, rồi theo cái duyên bắt chước sống giống người tại gia. Người xuất gia trân quý đời sống không ràng buộc gia đình thì họ có nhiều hoa trái an lạc và giải thoát, họ có nhiều thời gian tu tập và hướng dẫn người tu tập, họ phải sống môi trường tốt, một môi trường tập thể để có nhiều cơ hội làm mới và xây dựng tình huynh đệ lâu bền.

Các bậc Cổ Đức nói minh bạch ‘Hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn’. Con hổ hung mạnh mẽ lắm nhưng nếu nó lìa chỗ sơn lâm của nó thì nó sẽ bị người bắn chết. Người xuất gia sống không gặp môi trường tu học tốt, phần lớn họ thất bại nhiều hơn là thành công trong việc tu học và hiếm có cơ hội hướng dẫn đời sống tâm linh cho mọi người. 

Tại làm sao bắt buộc phải ở trong chúng? Ở trong chùa, ngã ái, ngã chấp sẽ được mài dũa. Tuy học kinh điển nhiều, nhưng chấp ngã, ngã kiến vẫn ngấm ngầm ở trong tạng thức, cho nên mình dễ tha thứ cho mình, dễ bỏ qua những tâm niệm, chủng tử xấu của mình, cho nên phải có bạn đồng phạm hạnh ở đằng trước đằng sau, có người bên trái bên phải, trăm con mắt người ta ngó lại mình, người ta bắt mình phải sửa những sai sót.

Thế cho nên phải nhờ thầy, nhờ bạn mà chúng ta gột rửa được những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Những tâm này thường ngấm ngầm và tẩm độc trong lời nói, việc làm, ý nghĩ sẽ hiển lên ở hình dung, sắc tướng, từng cử chỉ, từng cái đưa mắt, từng cái mỉm cười, từng bước đi của chúng ta. Nó hiển lộ những cái độc ở trong tâm của mình thì những cái ấy phải nhờ những con mắt bên ngoài, người ta trông thấy rõ, người ta nhắc nhở và bắt buộc mình phải sửa đổi. Do đó, người ở trong chúng được nhờ chị em. Cho nên, Đức Phật dạy chúng ta là nương tựa lẫn nhau, sám hối lẫn nhau và được dắt dìu lẫn nhau, đời sống lục hoà trong chùa bảo đảm sự thanh tịnh, do đó chúng ta mới tu đến nơi đến chốn được, cho nên Đức Phật nói minh bạch ‘hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn’.

Muốn thành tựu đạo thánh hiền phải nhờ có thầy bạn, mình ở một mình thì nó cũng được chỗ an tĩnh nhưng con đường thánh hiền nhất là đối với những vị còn sơ tâm mới đặt chân cất bước xuất gia, không thể tin cậy ở một mình mà phải nương tựa đức của toàn chúng.

Tóm lại, người tu đạo bồ đề dứt hẳn ngũ tân cũng là cách để tránh duyên cho nhân tham, sân, si khởi. Bởi lẽ chúng ta thường coi thường những duyên, nhưng chính do cái duyên mà nó đưa vào cái nhân, cho nên những cái duyên phải thận trọng lắm.

Nhân đây nói bốn cách ăn, 12 loài chúng sanh nói trên đều phải nương bốn cách ăn này mới sống được. Thế nào là bốn cách ăn:

i. Đoạn thực: Ăn bằng cách từng miếng (bịnh nhân uống súp cà-rốt, cũng ực ực từng ngụm nên cũng gọi là đoạn), từng phần: cho súp vào thẳng đường ruột, thay vì miệng nhai thì nhờ máy xay nghiền giùm nên cũng gọi là đoạn.

Cõi nào có cách ăn đoàn thực? Trời, người, súc sanh.

Ba cõi này dùng:

- Ba trần làm thể là hương thơm, mùi hôi và không thơm hôi.

- Ba vị: ngọt, lạt, chua.

- Chạm: chạm dùng thức ăn hay ngửi từng mãng (đoạn) hương thơm thì no.

ii. Xúc thực: Lấy tâm sở tương ưng của sáu thức làm miếng ăn, tiếp xúc với cảnh vừa ưa thích của ý, yêu thích mừng giận, năm căn thỏa thuận, vui sướng làm cách ăn. Đây là cách ăn của quỷ, tức quỷ thần xúc chạm vào hương thơm của đồ ăn cúng thí mà no.

iii. Tư thực: lấy tư tâm sở hữu lậu của ý thức để chuyên tinh nghĩ nhớ (tư) chẳng dứt, chuyển thành cảnh thắng diệu thiền, giúp ích duy trì thân mạng của cõi trời.

Thiền duyệt vi thực, pháp hỉ vi thực: Trong đời sống hằng ngày, thực tập thiền định, đọc kinh sách, chúng ta nếm được pháp lạc của việc thực tập và chúng ta cảm thấy an vui, hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Đức Phật ngồi thiền 49 ngày không ăn vì sự an lạc của tinh thần tức tư thực duy trì thân mạng.

iv. Thức thực: thức thứ tám nối nhau giữ căn thân khiến chẳng rã hoại. Móng tay ra dài, tóc mọc, tế bào già chết đi, tế bào non sanh ra... đều là do thức thực duy trì và vận hành tiếp tục. Thức thực là món ăn bằng tâm thức. Là người tu tập, chúng ta không nên xem những phim ảnh, sách báo bạo động, không lành mạnh vì đây cũng là những chất không tốt cho thức thực.

Thật ra, bốn thánh sáu phàm chung đủ thức thực này chỉ có khác là mê và ngộ.

Thánh nhân thì thức tánh đã giác ngộ viên mãn, vốn sẵn trong sáng gọi là Như lai tạng. Vì nó duy trì tất cả công đức có tánh vô lậu, phi có, phi không, phi trụ và phi chẳng trụ. Đây là cách ăn bằng cách vốn có công đức chẳng thể nghĩ bàn mà làm sanh trụ. Còn như những người sống ở địa ngục sống bằng tâm thức, cho nên cũng gọi là thức thực.

Chúng ta có đoạn thực, tư thực và thức thực. Khi chúng ta ngồi thiền cảm thấy an lạc thì năm hay sáu tiếng đồng hồ vẫn không nhúc nhích, không tê chân, không muốn đứng lên, không thấy đói bụng, mà nhẹ nhàng khinh an thì đó cũng là trạng thái của ý thức, thức thực và tư thực.

Ngay cả đến tứ thiền như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và tứ không như không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng là thiền duyệt vi thực, tư thực tức dùng định lực duy trì mạng sống. Nhưng dù định lực Tứ thiền hay Tứ không có kéo dài mạng sống đến mấy vạn kiếp nhưng cũng có ngày hết và rơi xuống, vì chưa chứng thực được diệu chân như tánh tức định Thủ Lăng Nghiêm.

Điều này cho thấy đường đi của ta còn dài và thấy tánh rất khó.

KHOÉT BỎ CHÁNH TÁNH CHÚNG SANH

Thế nào là chính tính?

A Nan, chúng sinh như vậy vào Tam ma đề, cốt yếu trước hết, phải nghiêm chỉnh giữ giới thanh tịnh, đoạn hẳn lòng dâm, không dùng rượu thịt, chỉ ăn đồ ăn trong sạch nấu chín, không ăn đồ sống.

A Nan, người tu hành đó, nếu không đoạn dâm dục và sát sinh, mà ra khỏi được ba cõi, thì thật không có lẽ như vậy. Nên xem sự dâm dục như là rắn độc, như thấy giặc thù. Trước hết, phải giữ tứ khí, bát khí của giới luật Thanh Văn, nắm giữ cái thân không lay động; về sau, hành trì luật nghi thanh tịnh Bồ Tát, nắm giữ cái tâm không móng lên. Cấm giới đã thành tựu, thì ở trong thế gian, hẳn không còn những nghiệp sinh nhau, giết nhau; đã không làm việc trộm cướp, thì không còn mắc nợ nhau và cũng khỏi phải trả các nợ kiếp trước trong thế gian. Con người thanh tịnh ấy, tu phép Tam ma đề, chính nơi nhục thân cha mẹ sinh ra, không cần thiên nhãn, tự nhiên thấy được thập phương thế giới, thấy Phật nghe pháp, chính mình vâng lĩnh thánh chỉ của Phật, được phép đại thần thông, đi khắp thập phương thế giới; túc mạng được thanh tịnh, không còn những điều khó khăn nguy hiểm; ấy gọi là tiệm thứ tu hành tăng tiến thứ hai.[3] 

Việc thứ nhất vào chùa xuất gia để tránh duyên sanh tử.

Việc thứ hai tiếp theo là khoét bỏ chánh tánh chúng sanh tức là chúng ta bắt đầu thọ giới sa-di-ni, thức-xoa, tỳ-kheo-ni từ thấp lên cao. Bởi vì chúng ta từ bao thai lấy máu nhơ làm bản chất, lấy máu mà kết thành da thịt xương, cho nên bản thể của chúng ta là vô minh, là cái ngu muội, bao nhiêu những mê lầm từ vô thủy đến giờ vẫn sống trong thói quen, trong nếp sống mê muội.

Vì thế phải khoét cho sạch, y theo giới luật, học kinh để tỉnh ra, có một tầm tri kiến cho nó đúng, rồi nếp sống hàng ngày phải ở trong kỷ luật, đi con đường thánh hiền, từng hơi thở, từng bước đi, từng tiếng nói chúng ta phải tập, phải theo các thánh hiền, chuyển bản chất vô minh ngu muội, chuyển thành trí tuệ bồ đề sáng suốt. Đây là nấc thứ hai.

Khoét bỏ chánh tánh chúng sanh tức phải đi ngược lại, làm chủ mình đừng theo những tánh ham muốn tài, sắc, danh, lợi, ngủ, nghỉ nữa. Những tánh này thành tánh của mình rồi, thành con người của mình rồi, nên muốn bỏ khó lắm, không thể chỉ nạo vỏ sơ sơ là được, mà hãy khoét sâu vào trong để lấy ra. Ví như bị bịnh ung thư, buớu độc, phải giải phẩu bên trong để lấy ra. Khoét bỏ lòng tham, lòng thâu vào, lòng tự cao, ngã chấp, ngã kiến, ái kiến... tức là nhân chánh yếu để đưa về đọa lạc. Nhân này làm tâm tánh của mình, nhận tham làm mình, lấy cái tôi nóng lắm làm tánh thể của mình. Phải nạo khoét cho sạch ra vì nó đã gắn liền vào da vào thịt, nó là máu, cho nên bây giờ chúng ta bỏ nó không phải dễ, cho nên nạo sạch những cái mà chúng ta đã lầm.

Vào tam-ma-đề là chánh định cốt yếu để giữ giới luật cho thanh tịnh, trong các giới luật đặc biệt là giới đoạn hẳn lòng dâm, không dùng rượu thịt là thứ làm cho người ta say sưa mê muội phải rửa cho sạch những lòng ái nhiễm sát sanh này.

Tại sao mình bỏ tánh phàm phu mình lại đau? Làm sai một việc gì đó, thầy tổ, ba má rầy liền ngồi khóc hu hu, hoặc đùng đùng cãi lại, thế nên rất khó khoét tánh tự ngã hay hỗn láo này. Ai nói xấu mình, liền nói xấu lại nên chúng ta chưa khoét, hay chọc thủng được lưới chấp thủ.

Da thịt mình làm bằng máu mà máu là do mình ăn cơm, uống nước vơ vào thân. Tâm của mình tạp vào da thịt, kết thành thịt xương, thiết tha nhận những cái đó cho là mình. Bây giờ phải vứt nó đi, bỏ lòng tham, chấp ngã về thân này, chúng ta chịu không nổi. Thâu vào gọi đó là lòng tham, thế nên ai nắm lấy mình, đụng đến mình, mình giận. Ai nâng niu chìu chuộng săn sóc mình, mình thương, đó là tánh chúng sanh.

Những cái tham giận, chính mình nhận làm thể chất của mình rồi, thân thể da thịt xương của mình, mình nhận là mình rồi, bây giờ vứt đi thì mình đau mình xót, khó khăn lắm, chứ không dễ gì mỗi chốc là khoét được, cho nên giữ những giới ‘không sát sanh’ để không ăn thịt chúng sanh, trưởng dưỡng lòng từ. ‘Không trộm’ để đừng tham vơ vào mình, trưởng dưỡng lòng bố thí.

Bốn giới: không sát, đạo, dâm, vọng là gốc của các giới khác, phải giữ như băng sương, tỉ mỉ từng tâm niệm, từng lời nói, việc làm. Giới-định-tuệ là ba cái liên quan đạo hạnh không thể rời nhau.

Miệng định nói lời cho bỏ ghét thì dừng lại; tay định lấy trộm bánh ăn thì dừng lại; bước chân định dẫm con kiến thì nhẹ nhàng né đi đường khác, phải có lòng từ, phải có năng lực, định lực thì mới giữ được giới, chứ tán loạn bạ đâu nói đấy thì làm sao mà giữ được giới.

- Phải có trí tuệ mới biết phải trái.

- Phải có định lực để kèm thân miệng, kèm thân miệng tập khí đừng cho buông lung.

Nếu biếng nhác chẳng siêng tu định lực, giới định tuệ thì cứ làm phàm phu hoài, sanh tử luân hồi hoài, không khoét được tánh phàm phu, không khoét được phận trong của mình. Nó vốn là tánh ngoài mà mình nhiễm quá lâu ngày, thành phận trong, như giặc chiếm nhà lâu ngày nghiễm nhiên trở thành ông chủ nhà.

Tập khí là thói quen từ nhiều kiếp, nó vẫn tiềm ẩn ở trong tâm. Có những người thật lòng không muốn đi ăn cắp, nhưng vì tập khí thấy của để đó, tay cứ tấy mấy muốn vơ về mình, phải trì chú để tuyệt duyệt những tập khí để chế ngự tà tư, mới bảo hộ được giới mình mà mình đang hứa giữ.

Hễ chuyên trì chú thì tâm không có những mống nghĩ hư vọng, nhờ thần lực của thần chú cho nên những tập khí, những thói quen từ vô thủy nó không có khởi ra được. Vì vậy, giữ giới là để buông xả, buông bỏ những tánh khí. Giữ được giới là chúng ta đã có một sự cố gắng rất nhiều.

Bây giờ, những vị xuất gia và nhất là những vị đồng chơn học đạo (tức vào chùa khi tuổi còn bé, còn nhỏ) và giữ các giới được hoàn chỉnh là những thánh nhân hiện đời. Vì vậy, chúng ta phải kính trọng chúng xuất gia. Bậc xuất gia phải sống đời sống lìa bỏ gia đình sống không gia đình, sống đời sống uy nghi và phạm hạnh để làm mẫu mực cho nhiều người, mọi ham muốn thế gian nên xa lìa và buông bỏ.

 Nếu còn ái dục thì còn luân hồi sinh tử, còn trộm cướp còn có kiếp này sang kiếp khác để đền trả, chứ không phải mình lấy của người ta là xong. Nhất là chúng xuất gia ở trong chùa, thí chủ cúng dường tức người ta đến bố thí cho nhà chùa tức là cho Tam Bảo. Nhưng nếu chúng ta sống không đúng lời Phật dạy mà thọ dụng tùy tiện thì chúng ta phải mắc nợ tài vật của đàn na tín thí. Nhưng nếu chúng ta tu tập thanh tịnh, chúng ta sống đời sống hạnh phúc cho số đông, thì của đàn na tín thí đó sẽ là phương tiện hữu ích thiết thực cho việc xây dựng Tam Bảo, thì chúng ta an lạc và không bị mắc nợ. Do vậy, tăng chúng phải thực hành đời sống an lạc để đem lại hạnh phúc cho nhiều người.

Sống đúng nếp sống thánh hiền, xa nếp sống đọa lạc.

Nhân giới đó sanh định, sáu căn thanh tịnh là nhờ chúng ta giữ giới được trọn vẹn.

Nhân định sanh tuệ tức viên tròn ý nguyện xuất thế.

TRÁI VỚI NGHIỆP HIỆN TIỀN

Thế nào là hiện nghiệp?

A Nan, người giữ gìn cấm giới thanh tịnh như vậy, tâm không tham dâm, không hay giong ruổi theo lục trần ở ngoài; nhân không giong ruổi, tự xoay lại về tính bản nguyên; trần đã không duyên, thì căn không ngẫu hợp với đâu nữa; trở ngược dòng về chỗ toàn nhất, sáu cái dụng không hiện hành, cõi nước mười phương sáng suốt thanh tịnh, ví như ngọc lưu ly, có mặt trăng sáng treo ở trong ấy. Thân tâm khoan khoái, tính diệu viên bình đẳng, được đại an ổn, tất cả mật viên tịnh diệu các đức Như Lai đều hiện trong đó; người ấy liền được Vô sinh pháp nhẫn.

Từ đó, lần lượt tu tập, tùy cái hạnh phát ra mà an tập các thánh vị, đó gọi là tiệm thứ tu hành tăng tiến thứ ba.[4]

Tiệm tu cái đầu là vào chùa tránh duyên sanh tử, rồi cái thứ hai là giữ giới rồi, tiến lên việc thứ ba là trái với nghiệp hiện tiền.

Chúng ta là những vị vào chùa đã lâu, thọ giới rồi học kinh và đồng thời phải tập cái thứ ba là tỉ mỉ từng tầm nhìn, từng niệm từng niệm quay về soi rọi lại mình, làm chủ mình từng niệm sáng suốt, tự tri mình.

Công phu này là mỗi khi mắt nhìn, tai nghe, mỗi một niệm mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm suốt ngày sáu giác quan đối chạm với sáu trần, chúng ta phải tập tuệ giác hiện tiền, lúc nào cũng phải sáng suốt. Lúc nào cũng phải tỉnh thức để ý, bởi tâm ý thức của mình Đức Phật ví như con vượn nó nhảy từ cành này sang cành kia suốt ngày. Đức Phật cũng ví chúng ta như người chăn trâu, lúc nào cũng phải tỉnh thức cảnh giác, không để cho vọng tâm nó mở ra các nguồn tâm tham si. Đây là công phu mà người tu phải tỉ mỉ, cho nên phải ở chỗ an tĩnh vắng vẻ, tránh tất cả những ồn náo để sáng suốt quay về soi mình từng tâm niệm, làm chủ mình từng tâm niệm, có như vậy chúng ta mới thanh lọc được những tập khí từ vô thủy.

Đây chính là việc mà hiện tại chúng ta đang phải làm.

Do kiếp trước có túc duyên nên giờ chúng ta có lòng tin về lý luân hồi, nhân quả, thiện ác nên chúng ta giữ giới luật của Đức Phật không dám sai phạm. Trái với nghiệp hiện tiền tức là hiện tại chúng ta có chánh báo (thân mình) và cảnh chúng ta sống là y báo.

Nếu nghiệp hiện tiền của mình hoàn toàn là nghiệp tốt do kiếp trước tạo những nghiệp lành thì bây giờ chúng ta sẽ có đầy đủ như ý muốn, sáu căn được gặp những cảnh thuận lợi. Có thí chủ cứ mang tứ sự đến cúng dường cầu phước. Thế thì khi mắt trông thấy vật cúng dường, thấy sự tùy thuận của mọi người, phật tử cung kính lễ bái, tai nghe tiếng khen ngợi, miệng được ăn những món ngon, mũi ngửi mùi thơm, thân đắp những y áo mát dịu sang trọng, được sống trong cảnh chùa thanh tịnh mát mẻ, không phải lo nghĩ, sáu căn yên ổn. Cảnh hiện tiền thật là trang nghiêm phúc đức, yên vui... toàn là những chuyện vừa ý muốn.

Tuy nhiên, bậc trí phải tuệ tri quán biết những điều này là phúc đức kiếp trước để lại. Nếu hiện tại mà mình không tu hành, khởi tâm kiêu mạn cậy mình thì phúc đức dần dần tiêu mòn hết đi và bị cảnh nó chi phối. Cho nên thấy những cảnh đó đừng cam tâm yên lòng thọ dụng. Dùng trí Bát nhã biết thân mình huyễn không thật, sống với tâm thanh tịnh, trái với nghiệp phúc đức hiện tiền mà bình tĩnh điềm đạm thấy ngoại cảnh không thật.

Nếu nghiệp hiện tiền của mình là nghiệp xấu, gặp toàn những cảnh trái tai gai mắt, bị phỉ báng, thấy những cái không vừa ý, thất bại, chống đối, thì chúng ta cũng quán chiếu biết đây là nghiệp báo của mình, đừng phiền, đừng giận. Phải quán vọng thân, vọng tâm và vọng cảnh như vậy thọ nhận nhưng nhẹ nhàng vì huyễn hoá hiện ra để tâm đừng sầu, đừng nhọc, giữ tâm bình yên, lắng đọng, yên tịnh và an hoà, thì hy vọng mai sau về cảnh an lành.

Nghiệp hiện tiền nếu tốt, chúng ta cũng biết huyễn, không bận lòng làm chủ tâm mình, không có để cho hoàn cảnh chi phối theo nghiệp hiện tiền. Một lòng trì giới thanh tịnh, quay về tánh bản nguyên căn bản bồ đề của mình, căn không vướng mắc trở về toàn nhất.

Trở về toàn nhất bởi vì người thế gian chạy rong theo sáu trần, bây giờ ngược dòng buông cảnh trần trở nhất tâm. Vị tu thiền thì cứ an định vào căn bản bồ đề. Vị tu tịnh độ thì nhất tâm niệm Phật, trở về toàn chân an định vào tánh Phật của mình, sáu dụng không hiện hành thì thân 1y, sáu căn an định lại, cõi nước 10 phương sẽ như ngọc lưu li, bởi vì cái tâm an định, an hòa. Tâm thanh tịnh ví như ngọc lưu li của mình, như là trăng sáng. Trí sáng của mình, tâm của mình thanh tịnh, khoan khoái, diệu viên bình đẳng.

Diệu viên tức là nhận được chân tâm bản tánh, còn thân mình là theo nghiệp báo. Thân này là cái giả tạm, không phải thật. Đang biết thấy, biết nghe, tánh ấy gọi là tánh A-di-đà vô lượng thọ không sanh không diệt. Thân này tan, chứ tánh biết thấy, biết nghe vẫn có. Ở con chó con mèo cũng vậy, thân mèo, thân chó tan, nhưng mà tánh biết thấy, biết nghe của nó vẫn thường trụ vô lượng thọ. Đến con sâu, con kiến, tánh A-di-đà vẫn bình đẳng với mình, nhận tánh A-di-đà này diệu viên cùng khắp.

Mê muội biến ra con cua, con cá, con người, con ốc, trời, địa ngục... hình tướng khác nhau nhưng tánh vô lượng quang biết thấy biết nghe giống nhau. Vị nào mà nhận được như thế thì người ấy hiện tại đang ở tịnh độ, bồ tát thánh hiền, an ổn, mật viên tịnh khiết hiện ở trong đó, những cái mà chúng sanh bình thường sẽ không biết.

Sở dĩ chúng ta không muốn làm ác, không muốn phạm giới, nhưng vẫn cứ tạo tội, vẫn bị nô lệ theo sự điều khiển của nghiệp lực hiện tiền, đó là do tập khí. Tập khí là thói quen từ nhiều kiếp, nó vẫn ở ẩn trong tâm.

Có những người thật lòng không muốn nói láo, nhưng đụng việc chưa kịp suy nghĩ là miệng nói thêm, nói bớt, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Có vị xuất gia rồi nhưng vì khi xưa là vũ công hay nhảy múa nên đang đi khất thực mà nghe nhạc xập xình là tay chân ngứa ngáy, gõ gõ theo nhịp điệu nhạc, phải trì chú để tuyệt duyệt những tập khí, để chế ngự tà tư tán loạn mới bảo hộ được ý chí lập trường của mình.

Khi trì chú không được móng nghĩ hư vọng, nhờ thần lực của thần chú khiến những thói quen từ vô thủy không có khởi ra được thì chúng ta mới đi ngược lại, mới trái với nghiệp hiện tiền. Đời sống hàng ngày chạy theo thói quen, cứ đi cái đà xuống dốc. Bởi vì xuống dốc, đâm đầu xuống hố dễ lắm, còn bây giờ đi lên, leo dốc lên thì khó thoát hố thì thành vất vả, nhọc nhằn. Những thói quen tập khí, mê lầm tham, sân, si phải tan hết từ đáy lòng, từ ở trong tạng thức, những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, những thứ phiền não phải sạch hết mới tròn quả vị thánh.

Đức Phật dạy dù hoàn cảnh nào, địa vị nào cũng lấy ba món tiệm thứ làm nền tảng. Tu tam-ma-đề chánh định, là an định vào tánh nghe, là chọn một căn tánh hoặc thấy hoặc nghe hoặc hay hoặc biết rồi chuyên an định vào đó, tức là sống với căn bản bồ đề để lọc bỏ căn bản sanh tử, lọc bỏ ngũ trược.

Ý nghĩa của ba tiệm thứ này để trừ các điên đảo tán loạn. Chúng ta có cái điên đảo số một là thường ăn cơm, uống nước, thở không khí và hút ánh nắng mặt trời chế ra máu, da, thịt rồi gọi là nơi nương tựa, là chỗ ở, chỗ trụ của mình. Cho nên, các tổ cứ ví chúng ta như những con tằm kéo kén, nó cứ rút ruột và rút tơ ra xây thành một cái kén để có nơi yên thân, yên ổn, nhưng không ngờ chính cái kén đó là cái gốc để người ta bỏ con tằm vào nước sôi.

Chúng ta cũng thế, mê muội từ lúc ở bụng mẹ ra cho đến già chết cứ tối ngày lo ăn lo mặc không lo tu tập để làm nơi nương tựa tâm linh vững chãi cho mình. Chúng ta biết thân là ngục tù vướng mắc, cứ nhận nó làm thân thể của mình, chấp ta là thật, là điên đảo số một.

Chúng ta cho là có thân thật, rồi nhìn bên ngoài cảnh mình sống đây gọi là thế giới sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cho là thật, chấp cảnh là thật là điên đảo số hai.

Sáu thức nương gá vào cảnh và thân đó khởi phân biệt đo lường tốt xấu, lợi hại rồi sanh phiền não, chấp đó là tâm của mình là điên đảo số ba.

Trong thì chấp ngã, ngoài thì chấp pháp, cứ thế mà tạo nghiệp báo sát, đạo, dâm, vọng chuyển dẫn khởi chúng sanh và thế giới tương tục. Cho nên bây giờ cần tập tu ba tiệm thứ này để trừ cái điên đảo này. Như bình đã đựng thuốc độc, đã chứa ngũ trược trong tạng thức, thì phải dùng ba tiệm thứ này rửa cho sạch thoát hết những mê lầm, chướng ngại, chứa đựng được rồi mới nhận chứa đựng pháp thủy, tức là trở về sống với tánh chân như.

 


[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 639-42.

[2] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 642-3.

[3] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 643-4.

[4] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 644-5.