Chương
09. Mười hai loài chúng sanh
A Nan,
nay thầy muốn tu pháp Chân tam ma đề, đến thẳng Đại Niết Bàn của Như Lai, trước
hết, phải biết hai cái nhân điên đảo của thế giới và chúng sinh này; điên đảo
không sinh, đó là Chân tam ma đề của Như Lai.
A Nan,
thế nào gọi là điên đảo về chúng sinh? Do cái tâm bản tính là minh và tính minh
ấy viên mãn cùng khắp, nên nhân tính minh phát ra hình như có tính; mà vọng
kiến nhận là có tính sinh ra, từ chỗ rốt ráo là không, lại thành rốt ráo là có.
Có cái sở hữu như thế, là do phi nhân làm nhân và những tướng năng trụ, sở trụ
rốt ráo không có cỗi gốc. Rồi gốc nơi cái vô trụ đó, mà kiến lập ra thế giới và
các chúng sinh.
Vì mê, không nhận được tính viên
minh sẵn có, nên sinh ra hư vọng, tính hư vọng không có tự thể, không phải thật
có chỗ nương đứng. Cầu muốn trở lại chân tính, thì cái muốn chân đó, đã không
phải là tính chân như chân thật. Cầu trở lại không đúng chân lý, thì hiện thành
ra những phi tướng: không phải sinh gọi rằng sinh, không phải trụ gọi rằng trụ,
không phải tâm gọi rằng tâm, không phải pháp gọi rằng pháp.
Xoay vần phát sinh và sinh lực
phát huy, huân tập thành ra nghiệp báo, đồng nghiệp thì cảm với nhau, nhân đó,
lại cảm ra các nghiệp diệt nhau, sinh nhau, do đó, mới có điên đảo về chúng
sinh.
A Nan,
thế nào gọi là điên đảo về thế giới? Do có cái sở hữu đó, nên từng phần, từng
đoạn giả dối sinh ra, vì thế mà không gian thành lập; do phi nhân làm nhân,
không có năng trụ, sở trụ nên dời đổi mãi, không an trụ, vì thế mà thời gian
thành lập. Ba đời bốn phương, hòa hợp can thiệp cùng nhau, chúng sinh biến hóa
thành 12 loài. Vậy nên trong thế giới, nhân động có tiếng, nhân tiếng có sắc,
nhân sắc có hương, nhân hương có xúc, nhân xúc có vị, nhân vị biết pháp, sáu
vọng tưởng càn loạn thành ra nghiệp tính, do đó, 12 cách đối hiện xoay vần mãi
mãi. Vậy nên trong thế gian, những thanh, hương, vị, xúc biến đổi cùng tột, đến
12 lần xoay trở lại.
Dựa trên những tướng điên đảo,
xoay vần đó, nên trong thế giới có những loài noãn sinh, thai sinh, thấp sinh,
hóa sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô
sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng.
A Nan, nhân trong thế giới có hư
vọng luân hồi, điên đảo về động, nên hòa hợp với khí, thành ra 84.000 loạn
tưởng bay lặn, vì vậy, nên có mầm trứng trôi lăn trong cõi nước: cá chim, rùa,
rắn, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có tạp nhiễm
luân hồi, điên đảo về dục, nên hòa hợp với tư, thành ra 84.000 loạn tưởng ngang
dọc; vì vậy, nên có bọc thai trôi lăn trong cõi nước; người, súc, rồng, tiên,
các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có chấp
trước luân hồi, điên đảo về thú, nên hòa hợp với noãn, thành ra 84.000 loạn
tưởng nghiêng ngửa, vì vậy, nên có tế thi thấp sinh trôi lăn trong cõi nước;
nhung nhúc, quậy động, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có biến dịch
luân hồi, điên đảo về giả, nên hòa hợp với xúc, thành ra 84.000 loạn tưởng mới
cũ; vì vậy, nên có yết nam hóa sinh trôi lăn trong cõi nước; chuyển thoái, phi
hành, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có lưu ngại
luân hồi, điên đảo về chướng, nên hòa hợp với trước, thành ra 84.000 loạn tưởng
tinh diệu; vì vậy, nên có yết nam sắc tướng trôi lăn trong cõi nước; hưu cửu,
tinh minh, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có tiêu tán
luân hồi, điên đảo về hoặc, nên hòa hợp với ám, thành ra 84.000 loạn tưởng thầm
ẩn, vì vậy, nên có yết nam vô sắc trôi lăn trong cõi nước; không tán tiêu trầm,
các loại đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có võng
tượng luân hồi, điên đảo về ảnh, nên hòa hợp với ức, thành ra 84.000 loạn tưởng
tiềm kết; vì vậy, nên có yết nam hữu tưởng trôi lăn trong cõi nước; thần quỷ
tinh linh, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có ngu độn
luân hồi, điên đảo về si, nên hòa hợp với ngoan, thành ra 84.000 loạn tưởng khô
cảo; vì vậy, nên có yết nam vô tưởng trôi lăn trong cõi nước; tinh thần hóa làm
đất, cây, vàng, đá, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có tương đãi
luân hồi, điên đảo về ngụy, nên hòa hợp với nhiễm, thành ra 84.000 loạn tưởng
nhân y; vì vậy, nên có yết nam, không phải có sắc mà có sắc, trôi lăn trong cõi
nước; những giống thủy mẫu, dùng tôm làm mắt, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có tương dẫn
luân hồi, điên đảo về tính, nên hòa hợp với chú, thành ra 84.000 loạn tưởng hô
triệu; vì vậy, nên có yết nam, không phải vô sắc mà vô sắc, trôi lăn trong cõi
nước, chú trớ, yếm sinh, các loài đầy dẫy.
Nhân trong thế giới có hợp vọng
luân hồi, điên đảo về võng, nên hòa hợp với dị, thành ra 84.000 loạn tưởng hồi
hỗ; vì vậy, nên có yết nam, không phải có tưởng mà có tưởng, trôi lăn trong cõi
nước; những giống tò vò, mượn chất khác thành cái thân của mình, các loài đầy
dẫy.
Nhân trong thế giới có oán hại
luân hồi, điên đảo về sát, nên hòa hợp với quái, thành ra 84.000 tư tưởng ăn
thịt cha mẹ; vì vậy, nên có yết nam, không phải vô tưởng mà vô tưởng, trôi lăn
trong cõi nước; như con thổ kiêu, ấp khối đất làm con, và chim phá kính, ấp quả
cây độc làm con, con lớn lên, thì cha mẹ đều bị chúng ăn thịt, các loài đầy
dẫy.
Ấy gọi là mười hai chủng loại
chúng sinh[1].
Phần Chúng sanh tiếp tục trong
mục Ba tướng tương tục (thế giới, chúng sanh và nghiệp quả) thì nói chung
chung, còn phần Hai nhân điên đảo chúng sanh và thế giới này, Đức Phật nói tỉ
mỉ chi tiết về nhân điên đảo của 12 loài chúng sanh hơn.
Đức Phật dạy nên biết diệu tính
là viên minh, rời các danh tướng, bản lai không có thế giới chúng sanh. Vì nhân
vọng có sanh, nhân sanh có diệt, sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chân,
đó gọi là hai hiệu chuyển y Vô thượng bồ đề và Đại niết bàn của Như lai. Vì do
có sanh diệt hư vọng ấy mới có hai chuyển y: chuyển phiền não thành Bồ đề,
chuyển sanh tử thành Niết bàn của Như lai, cho nên Đức Phật mới đặt giáo pháp
quyền giáo và thật giáo.
Thế nào gọi là điên đảo về chúng
sanh?
Đức Phật cũng như vị thầy thuốc
giỏi, bởi vì chúng sanh có bịnh mà ngài mới ban thuốc. Khổ nạn, khổ bịnh của
chúng ta là đang biến ra 12 loài. Thế cho nên, Đức Phật mới chỉ ra cho thấy là
chúng ta đang ở trong 12 cái điên đảo này.
Chúng ta vừa mới từ bào thai ra
tức là ở trong cái điên đảo này ra, chúng ta có khổ nạn như vậy, nên Đức Phật
phải đặt giáo pháp. Nói về con đường tu hành, con đường tu chứng này mà có là
vì chúng ta có, nên Phật pháp có. Chứ tánh mình vốn viên mãn cùng khắp. Nhân
tính minh phát ra hình như có tính mà vọng kiến chấp cho rằng có tính. Thế là
từ rốt ráo không mà thành có và cái có này cứ tiếp nối. Như vậy, cái có này từ phi
nhân mà làm nhân và những tướng năng trụ, sở trụ rốt ráo không có cỗi gốc. Rồi
gốc nơi cái vô trụ này mà lập ra thế giới và chúng sanh.
Nay chúng ta cầu muốn trở lại
chân tánh thì khi khởi cái muốn chân đó, khiến trở thành không phải là tánh
chân như chân thật nữa rồi. Cầu trở lại không đúng chơn lý thì hiện thành ra
những phi tướng, bởi vì mình là Như lai tạng diệu chân như tánh, cho nên cái
muốn này là một phi tướng. Một cái sai lầm. Tất cả các pháp mình đang sống đây
đều là hư vọng cả, không phải sanh, trụ, tâm, pháp mà gọi là sanh, trụ, tâm,
pháp.
Xoay vần phát sanh và sinh lực
phát huy, huân tập thành ra nghiệp báo. Đồng nghiệp cảm nhau mà sanh ra nhau,
rồi nhân đó lại cảm các nghiệp diệt nhau, sinh nhau, do đó cảm quả báo có điên
đảo chúng sanh.
Thế nào là điên đảo về thế giới?
Do vọng kiến vào các pháp hiện
tượng sở hữu đó là thật nên khái niệm từng phần, từng đoạn, dài rộng, diện
tích, chu vi, kích thước của hiện tượng bắt đầu giả dối sanh ra. Vì thế mà
không gian thành lập. Bởi vì có hiện tượng vạn pháp, đất, nước, gió, lửa ở
trong hư không biến đổi, phi nhân làm nhân, không có năng trụ, sở trụ, nên dời
đổi mãi nên mới có ngày hôm qua khác, hôm nay khác, ngày mai khác, có quá khứ,
hiện tại và tương lai để đánh dấu đo lường sự thay đổi ấy. Do vậy, khái niệm
‘thời gian’ được con người xác lập. Thời gian và không gian được nói gọn là thế
giới.
Thời gian có ba (quá khứ, hiện
tại và tương lai). Không gian có bốn (đông, tây, nam và bắc). Ba tác động vào
bốn: 3 x 4 = 12. Bốn tác động vào ba: 4 x 3 = 12 hoà hợp can thiệp vào nhau,
chúng sanh biến hoá thành 12 loài.
Thân mình chính là thế giới, đầu
tiên có thân tức là có động, nhân động mà có âm thanh, nhưng có âm thanh mình
mới phân biệt hình sắc. Vì có hình sắc nên có hương, nó có cái sự biến chuyển.
Có hương nên mới có xúc, nhân xúc mà có vị, nhân vị biết pháp, thành ra biết
các pháp phân biệt những sáu trần đó mà thành có tham, sân, si mới tạo nghiệp,
sáu vọng tưởng càn loạn thành ra nghiệp tính. Do dó 3 x 4 = 12, 12 cách dối
hiện xoay vần mãi mãi. Vậy nên trong thế gian, những sắc, thanh, hương, vị, xúc
biến đổi cùng tột, đến 12 lần xoay trở lại.
Bốn phương và ba đời này biến
hoá thành 12 loài sanh. Chúng ta khởi tham thì lòng tham đó thông cả 10 phương
3 đời vì thế đây dùng đến sự biến chuyển, dùng 3 x 4 để chỉ con số tổng. Chúng
ta có ra khỏi cái biến chuyển này đâu, nên có cả bắt đầu, hiện tại và tương
lai, chứ đâu có phải chỉ là chuyện quá khứ. Cái điên đảo này mình đã chịu và
quen rồi. Hiện tại chúng ta đang ở trong 12 loài này. Nhân duyên sáu cái vọng
tưởng, nó làm nhân duyên lẫn cho nhau mà thành hình này là từ sắc mà có hương,
rồi từ hương mà có vị... rồi có vạn pháp, có hiện tượng thế giới. Thấy có thế
giới tức là chúng ta đã có cái nhận thức điên đảo về mặt sanh diệt hiện tượng
thế giới rồi.
Không có cái thấy thì làm sao có
hình sắc. Nhân vọng động mà có âm thanh, rồi từ âm thanh ấy mình để ý mình nhìn
thì thấy có hình sắc. Thế nên, đây nói là sáu vọng tưởng càn loạn, tức không
phải tất cả nó đều như thế. Không phải theo thứ tự, trước hết nó thấy có động,
có âm thanh, rồi về sau có sắc có hương. Đây giản dị mà nói như thế, sự thật ra
thế giới điên đảo càn loạn nghĩa là không nhất định có thứ nào trước và thứ nào
sau. Vì mình có nếm ăn, mình biết có vị ngọt chua, cho nên trong tâm của mình
có pháp trần, cho nên nhìn quả xoài là biết nó có vị, vừa chua, vừa ngọt, bởi
vì pháp trần trong tâm mình.
Chúng ta có bốn phương. Con mắt
thấy tiền khởi tâm tham muốn ăn cắp. Ăn cắp này là ở đằng trước tức thân của
chúng ta, nó dung thông khắp thân. Ăn cắp thật ra thì nó ở cái tay. Cái tay bên
phải lén lấy tiền, tay đó là thân mình, một cái tội.
Sau khi tạo tội ăn cắp phải làm
trâu trả nợ ăn cắp, tức là phải vào bào thai con trâu mẹ thì lúc vào bào thai
ấy, mắt thấy sự giao hợp của trâu cái và trâu đực, tâm khởi ham thích, động
niệm vướng vào chỗ đó.
Cho nên trong bốn phương, chúng
ta có thể ở một chỗ này, mình tạo ác, có cái nghiệp ác ăn cắp như thế. Ở một
chỗ khác, mình khởi lòng tùy hỉ việc dâm dục, có cái chủng tử ái nhiễm như thế.
Mỗi nghiệp, mỗi nghiệp đan dệt nhau từ cái nghiệp ăn cắp là phải trả nợ ăn cắp,
nhưng nó lại thêm nghiệp dâm dục nên vào bào thai, rồi lại còn đầu óc ngu si,
cho nên nó phải làm con vật để đền nợ.
Nếu nó giải thoát, nó làm ông
thánh thì nó lại đền nợ bằng cách khác. Thế cho nên các nghiệp trong thân của
chúng ta trước sau, trái phải, mỗi chỗ nó có mỗi nghiệp, mà mỗi nghiệp ấy nó
nhuận nghiệp với nhau, nó hoà hợp với nhau mà thành quả báo. Ví dụ chúng ta có
bốn, năm nghiệp: nghiệp ăn cắp, ngu si, dâm dục, nói láo, nghiệp vào bào
thai... nhưng nghiệp nào nặng nhất thì mình đi trước.
1. Thế giới đây là thân tâm của
chúng ta, là năm ấm hiện tại của chúng ta. Toàn thân, toàn tâm trong vòng luân
hồi vẫn có thói quen theo hư vọng. Tất cả các pháp mình đang sống đây đều là hư
vọng cả, không phải sanh, trụ, tâm, pháp mà gọi là sanh, trụ, tâm, pháp, cho
nên tâm động loạn cứ thế mà luân chuyển. Hư vọng là không sống với sự thật,
chân tâm bản tánh của mình, sống trong hư vọng không biết sự thật, điên đảo tạo
một cái nghiệp vọng động. Thế nên do trong thế giới có hư vọng luân hồi, điên đảo về động như thế, hoà hợp với khí, thành ra 84 ngàn loài loạn
tưởng bay lặn, vì vậy
nên có mầm trứng trôi
lăn trong cõi nước; cá, chim, rùa, rắn, các loài đầy dẫy.
Vì lúc lâm chung vọng động, điên
đảo chỉ hoà hợp với hơi khí, nương thở hơi khí thành ra 84.000 loạn tưởng, có
loài bay ở trên trời như chim, đại bàng, có loài lặn dưới biển như cá, tôm...
Tỷ căn của con gà mái chỉ lãnh
có hơi khí, chúng ta mắc vào hơi khí ấy thì ở trong quả trứng của con gà thành
thân gà. Có học đây mới thấy cái biến hoá mà chúng ta chịu ở trong sự vần xoay
này. Bây giờ cùng nhau ngồi trong đạo tràng, trong chùa, trong thiền đường đây,
chưa biết tương lai ai thế nào và sẽ trở thành cái gì? Có thể thân sau là con
gà, con cá, con cua, cái nghiệp báo xoay vần… Phải biết sợ chỗ này mà thành tâm
cầu vãng sanh. Tập quen đường đi giải thoát, quen niệm Phật để về cõi Phật.
Nguyện lúc lâm chung không ốm đau, để tỉnh táo niệm Phật, đừng có những vọng
động điên đảo này.
2. Nhân trong thế giới có tạp nhiễm luân hồi, điên đảo về dục, hoà hợp với tư, thành ra 84 ngàn loạn tưởng ngang dọc; vì vậy, nên có bọc thai trôi lăn trong cõi nước;
người, súc sanh, rồng, tiên, các loài đầy dẫy.
Đây là thói quen tạp nhiễm mà
toàn thân đều điên đảo về dục, tức điên đảo tạo một cái nghiệp dâm dục là
nghiệp chính để mà có quả báo. Mỗi loài theo các nghiệp nặng nhẹ khác nhau
nhưng nghiệp chính là dâm dục thì thuộc nhóm ngang
dọc này. Nếu có nghiệp nặng thì chun vào thai loài súc sanh, trâu
bò, chó mèo...; nghiệp nhẹ hơn vào các loài tiên cảnh. Loài người do tu phép
trường sanh mà thành tiên, như thế tiên cũng thuộc loài người; nghiệp không
nặng không nhẹ thì vào thai người. Lâm chung thấy chất tinh ướt của cha mẹ,
khởi ham thích tinh cha huyết mẹ ấy nên mắc vào bào thai. Tùy nghiệp tạm nhiễm
thành ra 84 ngàn loạn tưởng ngang dọc
đều chính là ở tại tâm của chúng ta. Loài người, tiên, súc sanh, loài rồng là
những loài từ bào thai mà ra.
Vậy chúng ta muốn thoát chuyện
bào thai, thì đừng có gặp cái gì cũng ưa, cái gì cũng ghét. Dĩ nhiên đừng tạo
dâm dục là điều quan trọng nhất, không có tạo nghiệp ấy, chừa cái thói tạp
nhiễm, chính tâm tạp nhiễm ấy mà chúng ta vừa ở bào thai ra.
Do thế giới tạp nhiễm, tạp loạn
thấy gì cũng thích, như thấy hoa cúc thì thích, rồi thấy hoa lan thì thích lan,
vướng cái này thích cái này, tiếp xúc cái kia thì thích cái kia cho nên gọi là
tạp nhiễm. Nhân đó mà vào bào thai thì đây gọi là dục điên đảo. Nhiễm là dính
mắc. Nhiễm nặng nữa thì gọi là ái, mà ái nặng nữa thì gọi là dục, nghĩa là bị
nhiễm mạnh lắm đấy, là nghiệp vào bào thai rồi.
3. Nhân trong thế giới có chấp trước luân hồi, điên đảo về thú, hoà hợp với noãn, thành ra 84 ngàn loạn tưởng nghiêng ngửa; vì vậy nên có tế thì thấp sinh trôi lăn trong cõi nước,
nhung nhúc, quậy động, các loài đầy dẫy.
Đây Đức Phật đã cặn kẽ chỉ ra để
chúng ta giữ gìn đừng có vướng mắc, đừng để tư tưởng vướng vào những cảnh sáu
trần. Nhân thế giới chấp trước luân hồi. Chấp là nắm lấy, tức là vướng mắc vào,
tức là vẫn có thói quen chấp cái này là đẹp, là xấu; chấp cái kia là hay, là
dở. Cứ chấp thủ như thế và vướng mắc vào chỗ mình đã chấp. Cái gì mình yêu thì
mình vướng vào và cái gì mình ghét thì mình cũng chấp thủ, thế thành ra nó tạo
nghiệp, ở đây gọi là tạo nghiệp su phụ.
Trong luật Sa-di dạy có chú
sa-di thích ăn sữa. Sau khi chết biến thành ra con bọ, con trùng ở trong hộp
sữa đó.
Như thế ghiền trà, ghiền café
thì cẩn thận không khéo thành con dòi trong cây café. Những vị nào ghiền cái gì
thì làm con bọ cái ấy. Một vị trụ trì, làm chủ ngôi chùa, chỉ vì thích một khóm
mía hàng ngày chăm sóc trông nom tưới tẳm, ưa thích khóm mía cho nên lâm chung
thành ra con sâu ở trong khóm mía.
Một người đàn bà gục bên cạnh
xác chồng khóc. Người chồng trong lúc hấp hối thần thức đang bất định, thêm vào
đó bởi vì có chỗ lưu luyến yêu thương với vợ, thấy bà khóc thảm thiết nên động
lòng thương, đi không đành, bèn hoá thành con sâu gá vào lỗ mũi của bà vợ, tức
tinh thần ông chồng thành con sâu. Tất cả không ra ngoài sắc, thọ, tưởng, hành
và thức. Người chồng trông thấy hoặc nghe tiếng vợ khóc, thế là lãnh thọ mà có
thọ là có tưởng, là mắc ngay vào. Những vị đặc biệt ưa thích cái gì, bởi vì cái
ưa thích là cái hèn, cái tầm thường, thì sẽ làm con trùng thấp hèn ở những cái
mình đang ưa thích. Do nhân duyên ấy mà chúng sanh cứ tiếp tục.
Thế nên, hễ mình ưa thích vướng
mắc một điều gì thì kẹt ở chỗ đó, đó là chấp trước luân hồi. Thói quen chấp
trước luân hồi. Chúng ta tạo cái nghiệp, chúng ta su phụ và thích cái nào thì
mình đầu thai vào đó. Gặp khí ướt thành con sâu, ở cái chỗ ấy tức ưa thích hợp
với cái chỗ đó thích ăn sữa thì thành con sâu trong sữa, ông thầy thích ăn mía
thì thành con sâu trong mía. Có thế thôi nhẹ nhàng như không mà thành tinh thần
của mình bị chuyển đi trong những đường luân hồi thật bất ngờ.
Các loài sâu bọ nhung nhúc này
gọi là 84 ngàn loài phản phúc. Phản là ngược và phúc là lật lại. Loài bọ di
chuyển bằng cách lật úp xuống (giống em bé mới sanh lật qua lật lại). Phúc là
bàn tay chân úp xuống là phúc. Có các loài loạn tưởng ngang dọc, có loài loạn
tưởng bay loạn, còn đây là loài loạn tưởng phản phúc. Phản phúc là nói về hình
tướng, chứ không phải nói về tâm địa, không phải là nói về tâm địa phản phúc mà
nói về thân, về hình tướng, về cách thức di chuyển.
Theo như trong kinh Thủ Lăng
Nghiêm, Đức Phật chỉ ra chân tâm bản tánh của mình hiển lộ ở tánh thấy, nghe,
hay, biết. Xin an định vào tánh thấy, nghe, kiến, tinh nguyên minh, lấy đấy làm
chỗ nương tựa. Đối với sáu trần bên ngoài, không khởi ham thích một thứ gì bởi
lẽ có nhiễm là có vướng mắc. Chúng ta gặp cái bánh kem là thích cái bánh kem,
gặp quả dưa hấu ngọt thì ham quả dưa ngọt, bây giờ tập thảnh thơi đừng ưa thích
cái gì, dùng tự tại, ai cúng món gì ăn món nấy, không khởi tham vướng.
Chung quy cũng chỉ ở tâm chúng
ta vướng mắc vào sáu trần. Bởi mình có thói quen đã tạp, đã nhiễm nên tạo cái
nghiệp dâm dục, đó là nghiệp chính để đi đầu thai. Bây giờ mình muốn tránh đừng
xảy ra cái lục dục, thì tập luyện cho cái tâm của mình đừng tạp nhiễm, su phụ
điên đảo.
Phần đầu kinh Thủ Lăng Nghiêm,
Đức Phật đã nói tất cả chúng sanh luân hồi sanh tử bởi không biết tịch thường
tâm tánh, không biết an định vào cái tịch thường tâm tánh của mình khiến sáu
căn vướng mắc sáu trần.
Chúng ta có sáu cửa để vướng
mắc, vì nghe âm thanh, ngữi hương, có thể cũng vì vị trần, mà cũng có thể chỉ
cần nhớ đến pháp trần, nhớ đến một trần là vướng rồi.
4. Nhân trong thế giới có biến dịch luân hồi, điên đảo về giả, hoà hợp với xúc, thành ra 84 ngàn loạn tưởng mới cũ, vì vậy, nên có
như có yết nam hóa sinh
trôi lăn trong cõi nước, chuyển hoá, phi hành, các loài đầy dẫy.
Như con tằm ở trong cái kén mọc
cánh, nó chui ra nó bay đi. Hoà hợp với xúc mà vào cái trứng của con tằm, vào
quả trứng của con sâu, con sâu mới biến con tằm bay đi, những ý này chúng ta
không biết rõ.
Hoà hợp với xúc thì xúc thế nào?
Học về các loài sinh vật này mới biết về sinh sản của nó.
5. Nhân trong thế giới có lưu ngại luân hồi, điên đảo về chướng, hoà hợp với trước, thành ra 84 ngàn loạn tưởng tinh diệu, vì vậy nên có yết nam sắc tướng trôi lăn trong cõi nước, hưu
cữu, tinh minh, các loài đầy dẫy.
Đần độn chướng tế, không có
thông minh, gọi là lưu ngại thế thì gặp chướng tại các nghiệp, tà kiến, chướng
điên đảo. Lâm chung thấy ánh sáng, sao lành, sao dữ do đần độn rồi chướng điên
đảo, tạo cái nghiệp ví như thờ lửa chẳng hạn. Thế cho nên lâm chung thấy ánh
sáng mà thành ra các ông thần tinh minh, giả can, quỷ thần.
Yết nam là cái thai nhưng cái
thai không phải bằng đất, nước, gió, lửa.
6. Nhân trong thế giới có tiêu tán luân hồi, điên đảo về hoặc, hoà hợp với ám, thành ra 84 ngàn loạn tưởng thầm ẩn, vì vậy nên có yết nam vô sắc trôi lăn trong cõi nước, hưu
cữu, tinh minh, các loài đầy dẫy.
Tiêu tán là thấy cái gì cũng
không hết, thân này chết rồi thì hết chuyện không có nhân quả gì cả, hợp với ám
tối bởi vì chấp không, lâm chung gặp ám tối thành ra các loài không tán tiêu
trần, số đông là thành các thần hư không vì yết nam vô sắc, vì chấp không, cũng
có những vị ở cõi trời vô sắc Tứ không như Phi Tưởng phi phi tưởng xứ, không
tán tiêu trần trong cái mù mịt cái không.
7. Nhân trong thế giới có võng tượng luân hồi, điên đảo về ảnh, nên hoà hợp với ức, thành ra 84 ngàn loạn tưởng tiềm kết, vì vậy nên có yết nam hữu tưởng trôi lăn trong cõi nước; thần
quỷ tinh linh, các loài đầy dẫy.
Thế giới luân hồi võng tượng,
điên đảo về ảnh, tưởng tượng những bóng ảnh không thật. Như ngồi tưởng mình mua
gà nuôi, rồi từ từ phát triển thành một đàn gà, bán rồi mua một heo con nuôi,
rồi từ từ được một đàn heo. Rồi chúng ta bán, mua con bò mẹ, bò mẹ đẻ bò con,
từ từ thành một đàn bò. Tưởng như thế gọi là vọng tưởng với bóng ảnh. Thế khi
lâm chung do nhớ nghĩ những bóng ảnh đó từ trong ký ức, điên đảo về ảnh thì số
đông chết thành quỷ thành ma.
Do tà kiến khiến làm chướng,
nhân thế giới vọng tưởng luân hồi, bóng ảnh điên đảo, chúng ta tưởng là thật.
Thật ra, mình chẳng bao giờ mình thấy hình thật, mà chỉ thấy cái bóng do ánh
sáng mặt trời phản chiếu bóng ảnh nơi thân kinh của con ngươi mà hiện chiếu
bóng ảnh lên và theo nghiệp làm người chúng ta biết đây là hoa cúc tím. Hàng
ngày chúng ta sống bằng những hư vọng như vậy, ở lưỡi, ở thân, những cảm giác
thơm ngon, chúng ta đâu có sống với sự thật mà chỉ sống bằng cảm giác, những
cái vang ở trong thần kinh biến ra sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, chính
mình y vào thần kinh mà biến ra sáu trần.
Cả đời mình sống trong vọng
tưởng như vậy. Bóng ảnh điên đảo nắm lấy một điên đảo vọng tưởng nào đó, cái đó
gọi là bóng ảnh điên đảo. Bóng ảnh là nhớ đến, chúng ta nhớ đến mẹ, nhớ đến
người thương, người ghét, toàn là nhớ đến những bóng ảnh vọng tưởng, cho nên số
đông loài người này sau khi chết thành ma quỷ.
8. Nhân trong thế giới có ngu độn luân hồi, điên đảo về si, nên hoà hợp với ngoan, thành ra 84 ngàn loạn tưởng khô cảo, vì vậy nên có yết nam vô tưởng trôi lăn trong cõi nước; tinh thần hoá làm đất,
cây, vàng, đá, các loài đầy dẫy.
Nhân thế giới u độn luân hồi,
không tuệ, thành ra đần độn, hợp với ngoan không, ngu ngơ nên khi chết liền
biến thành cây la, cây tùng, đất, đá, vàng tức thấy mình là rừng cây, đống đất,
khối vàng, cục đá khô khan.
9. Nhân trong thế giới có tương đãi luân hồi, điên đảo về ngụy, nên hoà hợp với nhiễm, thành ra 84 ngàn loạn tưởng nhân y, vì vậy nên có yết nam không phải có sắc mà có sắc, trôi lăn trong cõi nước;
những giống thủy mẫu, dùng tôm làm mắt, các loài đầy dẫy.
Do thế giới tương đãi luân hồi,
có thói dẫn dụ đưa người ta vào điên đảo, tạo nghiệp độc ác, trái với lương
tâm, không hợp với lẽ phải, cho nên chịu quả báo nên thành thân không phải có sắc mà có sắc ví như làm
thân con sứa nó mắc vào bọt nước lấy bọt nước mờ mờ không phải sắc mà có sắc
thành thân.
Thế nào là tương đãi luân hồi?
Đợi chờ người khác làm cho mình ăn cho nên gọi là tương, tương đãi.
Ngụy điên đảo: già, bé, lớn, nhỏ
đều tìm cách đánh lừa người ta.
Gian trá đánh lừa người ta khiến
người ta chịu những khó khăn để mình hưởng cái tốt, nên lúc lâm chung là hợp
với nhiễm thành thân. Đây nói con sứa, nó nhiễm, nó vướng vào bọt nước làm
thân. Nó không có thân, nó lấy bọt nước làm thân. Có 84 ngàn loài loạn tưởng
(các loài đầy nhãy) như thế, những người dân biển thường thấy loại này.
Chúng ta nương tựa vào vật khác
mà thành thân, cho nên gọi là do nhân ấy nó thành quả. Như con sứa nó nhiễm với
bọt nước mà thành thân nên gọi là nương tựa (nhân y). Nó loạn tưởng, vì nó cũng
đâu có biết gì, tâm cứ vướng mắc bừa bãi, gặp vướng thì thành thân, chứ nó
không biết rõ. Thân sứa màu trong vắt trông như nước biển không có gì khác cả.
Thật ra, nó cũng có vài vân đo đỏ chứ không phải như màu trắng trong. Mình nhìn
khó nhận ra, nhưng khi nó động đậy chạm vào chân mình, mình biết có con vật gì
đang bám vào chân. Thân của sứa trong suốt như nước biển.
10. Nhân trong thế giới có tương dẫn luân hồi, điên đảo về tính, nên hoà hợp với chú, thành ra 84 ngàn loạn tưởng hô triệu, vì vậy nên có yết nam không phải vô sắc mà vô sắc, trôi lăn
trong cõi nước; chú trớ, yếm sanh, các loài đầy dẫy.
Thế nào là tương dẫn luân hồi?
Có những người thông minh lắm mà vẫn bị người ta đánh lừa do bùa chú hay hô
triệu. Do nghiệp dẫn dụ người ta, xúi dục người ta, định tâm là lừa lọc cho nên
gặp quả báo là bùa chú, hô triệu làm mình sập bẫy.
Tại sao không phải vô sắc mà vô
sắc? Âm binh nó có hiện diện mà mình không thấy, nhờ bùa chú ấy nó mới hiện
lên, chứ không phải những bùa chú này tạo nên những âm binh. Bùa chú này hô
triệu những âm binh. Âm binh có sẵn ở các cây cỏ sông núi, chỗ nào cũng có sẵn
những vong linh, âm binh này, nhưng mà không hiện lên được, bùa chú gọi, nó mới
hiển linh. Bùa chú năng động nên mới biết có vong linh ấy, có những tinh thần
ấy đang bám ở những chỗ mờ mịt.
Những thầy ngải, thầy bùa, họ
nói chuyện với ma quỷ được, họ có phương pháp, thần chú bí mật của họ. Người
chuyên chữa tất cả bịnh về rắn cắn có những thần chú về hô triệu rắn. Nếu đúng
nửa đêm, họ trì thần chú nào đó để triệu rắn thì nhiều rắn sẽ từ các phía tụ về
dưới chân vị đó.
10. Nhân trong thế giới có hợp vọng luân hồi, điên đảo về võng, nên hòa hợp với dị, thành ra 84 ngàn loạn tưởng hồi hổ, vì vậy nên có yết nam không phải có tưởng mà có tưởng, trôi lăn trong cõi nước;
những giống tò vò, mượn chất khác thành cái thân của mình, các loài đầy dẫy.
Hợp vọng là cứ vơ lấy làm mình,
gọi là mình, bởi vì không phải mình mà nhận làm mình nên gọi là vọng, không
phải là của mình mà cứ nhận lấy làm của mình, bắt con người ta nhận làm con
mình... Đây gọi là hợp vọng.
11. Nhân trong thế giới có oán hại luân hồi, điên đảo về sát, nên hoà hợp với quái, thành ra 84 ngàn tư tưởng ăn thịt
cha mẹ, vì vậy nên có
yết nam không phải vô tưởng mà vô tưởng,
trôi lăn trong cõi nước; như con thổ kiêu, ấp khối đất làm con, và chim phá
cánh, ấp quả cây độc làm con, con lớn lên, thì cha mẹ đều bị chúng ăn thịt, các
loài đầy dẫy.
Man muội: man là dối trá tức
không phải của mình mà nhận làm mình.
Thế nào gọi là con thổ kiêu? Nó
cưu mang một hòn đất và cứ tâm tâm niệm niệm hòn đất này làm con nó. Ấy thế mà
hòn đất hóa làm con chim thật. Tâm tâm nghĩ đây là tâm mình mà hóa thành con
chim, cho nên gọi là hợp với quái dị, chứ nó không phải là cái bình thường. Mẹ
nó muốn nó lớn, nhưng khi nó lớn, nó ăn thịt luôn mẹ nó, cho nên gọi là yết nam
vô tưởng mà không phải là vô tưởng.
Cục đất là vô tưởng ấy thế mà
hóa thành con chim. Con chim lớn lên rồi ăn thịt cha mẹ. Con chim Phá cánh cũng
thế không có ấp hòn đất, nó ấp trái cây độc và trái cây hoá thành con chim,
chẳng những có tinh thần biết ăn uống, cũng mọc lông, mọc lá, có tay, có chân,
có cánh tử tế nên gọi là những loài quái gỡ.
Thế nào là thế giới oán hại luân
hồi? Đem cái lòng oán hận tức là các bậc ân nhân như cha mẹ mình, bây giờ mình
đem lòng oán hại tạo cái nghiệp sát, đạo, dâm, đem cái oán mà đáp cái ân để đến
nỗi giết cha giết mẹ, giết các bậc ân nhân, cho nên gọi là sát điên đảo. Vì vậy
mới có các loài quái gỡ này. Chim quái gỡ nên nó ăn thịt ngay mẹ nó, nó có thần
thức nên nó chuyển biến cái cây thành con chim, thành con chim Phá cánh. Đây là
những loài oán hận cha mẹ, ăn thịt các bậc ân nhân mà đây Đức Phật nói các loài
này đầy dẫy, những loài quái gỡ này đầy dẫy mà mình không biết, tức cái cực ác
đầy dẫy thế gian.
Tránh đi cái tâm oán hại, ngoan
cố, nham hiểm. Ngoan là si chấp. Hiểm là độc địa. Nham hiểm hai chữ ấy là tỏ
cái tâm của mình, độc ác, nó lại không có chỗ thẳng thắn, không có bộc lộ ra
ngoài, còn có chỗ che dấu được. Người nham hiểm là người ác, là nhân địa ngục.
Sau làm kiếp quỷ, cổ độc quỷ chịu vô cùng khổ sở, rồi lên làm sâu độc, thú độc
do ảnh hưởng tâm độc của mình.
Bên Ấn độ có loài sâu người ta
đặc biệt dùng làm thuốc độc. Loài sâu này là loài có chất độc trong thân. Bởi
do nóng giận, hiểm ác rồi về sau thành bàng sanh thành những con sâu có chất
độc ở trong.
Bài này nói về 12 nhân để sanh
12 loài, trong tâm mình cả ngày phần thế (ba đời) và phần giới (10 phương) đều
có những vọng tưởng này, có 12 thứ này. Cha con, anh em lớn lên ăn thịt mẹ mà
đây Đức Phật nói các loài đầy dẫy mà mình không biết thế thôi.
Bài này rất là quan trọng vì tâm
niệm hàng ngày chúng ta đang đi về 12 nhân để sanh ra 12 loài. Trong tâm chúng
ta cả phần thế và phần giới đều có những vọng tưởng này, có 12 thứ này, cho nên
chúng ta ngay trong thân này mà mạnh về chủng tử nào, khi tan thân này thì niệm
cuối cùng sẽ thuộc về loài đó thì là đi về đường ấy. Cho nên chính bài này rất
hay. Chúng ta cẩn thận phải soi tâm mình, cẩn thận từng niệm, bây giờ cứ tập
theo nhiễm một lần, rồi hai lần, riết nó thành thói quen.
Thói quen dần dần nó thành tánh
nết. Lúc lâm chung chợt có một niệm gì thì nghiệp ấy hiện lên, ấy thế là mình
lôi mình vào trong loài đó. Hiện tại chúng ta vừa ở trong bào thai đi ra tức là
ở cái số hai (loài thai sanh trong 12 loài).
Chúng ta đang ở trong đường này
cho nên pháp môn tịnh độ mới khuyên chúng ta tập niệm Phật nhiều cho tâm mình
quen, để lúc nào tâm mình cũng nhớ Phật, niệm Phật, cầu vãng sanh để ra khỏi
mạng lưới 12 loài nguy hiểm này. Chính là chúng ta đang ở trong cảnh này. Chúng
ta vừa ở bào thai ra với những chấp trước biến dịch, những lưu ngại tà kiến là
tâm thể vọng động. Chúng ta có đủ những thứ này, những chủng tử này, chúng ta
có đủ hết trong tạng thức, cho nên tập hàng ngày phải tập đổi lại hoặc là niệm
Phật hoặc là tu thiền.
Tu thiền thì sáng suốt ngay lúc
sáu căn gặp sáu trần không theo khách mà làm chủ nhân ông nghĩa là suốt ngày
giác tỉnh. Nếu chúng ta không thể suốt ngày giác tỉnh sáng suốt được thì tập
thói quen niệm Phật ‘Nam Mô A Di Đà Phật’ để cứ nhớ đến Phật, tập mãi thì thành
thói quen.
Thói quen ấy là thói quen giác
tỉnh thì nó giải thoát những nguy hiểm này. Tập hàng ngày thì lúc lâm chung ấy
may ra mới hy vọng những thói quen niệm Phật gạt đi những loạn tưởng này ra,
cho chúng ta vãng sanh về cõi Phật. Cho nên các tổ khuyên chúng ta hàng ngày
chịu khó niệm Phật để tập cho nó thành thói quen. Với thói quen ấy, may ra lúc
lâm chung thì niệm cuối cùng của mình là niệm Phật về với Phật.
Chúng ta hiểu nhận được đi về
cõi Phật là giải thoát vòng 12 nhân này. Hiện nay chính là chúng ta đang ở
trong 12 vòng này, cho nên bài này rất quan trọng. Chúng ta chịu khó ngẫm nghĩ
suy xét, rồi phổ biến lưu thông để tất cả cùng biết với ước mong tất cả thoát
màn lưới nguy hiểm này.
Nguy hiểm là cái đầu tức sanh
tướng vô minh. Nếu mình nắm được cái đầu thì coi như mình nắm được tất cả. Con
rắn vô minh nó dài từ vô thủy đến giờ. Chúng ta nắm được cái đầu vô minh là
biết vọng trần chứ chẳng có gì khác, chúng ta cứ quay về hiện tại. Cái hư vọng
này là cái gì? Tánh giác vốn minh cho nên bây giờ mới dạy chúng ta niệm Nam Mô
A Di Đà Phật. Trở về mình là tánh giác, tánh Phật. Tánh chúng ta vốn đầy đủ
rồi, trở về sống với chân tâm bản tánh. Còn cái gì giản dị hơn sao chúng ta lại
không chịu như vậy. Chúng ta không ai chịu sống với tánh A-di-đà sẵn có của
mình.
Chúng ta không chịu ngồi yên ổn
làm ông Phật, mà chúng ta cứ phân biệt, cứ có cái thói thích thấy, thích nghe,
phải đi du lịch đi chơi, chúng ta cứ thích mua thêm việc vào thân. Tâm nó cứ
động, mình cứ phải phân biệt, an định ở cái tánh Phật của mình. Vậy thì cái
vọng không có gì khác qua phân biệt.
Cái bản tánh của mình là Phật,
mà lại không để tâm đến. Sáu căn chạy theo sáu trần, cái hư vọng, thế là hóa ra
lầm lỗi mà cái tâm lầm lỗi này nó mở màn cho cả một trời si mê từ vô thủy tới
giờ không cản được và nó càng chảy thêm. Mở ra bao nhiêu nghiệp sát đạo dâm
vọng, cứ kéo dài mãi đường luân hồi cho đến giờ mà chúng ta vẫn chưa chịu tỉnh
ra, mà cái lỗi lầm không đâu xa, không phải cái gì khác, ham phân biệt, chạy
theo sáu trần, lỗi là chỉ ở chỗ ấy thôi. Một khi cái cảnh đã lù lù trước mắt,
đã có cái sắc tức là mình phải có cái thấy, tức sở đã có thì đồng thời phải có
năng, trước mắt phải có cái thấy để phân biệt cảnh.
Tóm lại, 12 loài là:
1. Noãn sanh
|
2. Thai sinh
|
3. Thấp sinh
|
4. Hóa sinh
|
5. Hữu sắc
|
6.Vô sắc
|
7. Hữu tưởng
|
8.Vô tưởng
|
9. Không phải có sắc mà có sắc
|
10. Không phải vô sắc mà vô
sắc
|
11. Không phải có tưởng mà có
tưởng
|
12. Không phải vô tưởng mà vô
tưởng
|
Mỗi một trong 12 loài này lại có
84.000 loài này đầy dẫy, mà giờ bảo chúng ta tìm một loài chúng ta cũng không
tìm được.
Hãy an định vào căn bản bồ đề
của thức tinh nguyên minh, nhất tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, giữ tâm định lại.
Đừng để nó cứ gặp duyên nó biến hoá, thành ra 12 loài như thế này, chuyên tâm
tu hành là cái cần yếu. Nhất tâm an định vào căn bản bồ đề luyện cho tâm chúng
ta thành một khối, đừng để cứ biến hoá 12 loài như thế này quá hảo huyền. Một
khi đã làm con bướm, con sâu thì khó đi lên cho nên phải biết sự nguy hiểm.
Bây giờ làm người có nhiều khả
năng để giải thoát. Trong nghiệp làm người này, chúng ta có nhiều cơ hội để
vượt khỏi cửa ải, qua cái khó khăn này. Nếu mất thân người mà đọa trong 12 loài
thì khó lên.
Đây là những lời dạy của Đức
Phật. Nghe lời ngài nói mà nhận ra chứ chúng ta làm sao biết được những chuyện
này. Ngài nói như vậy thì chúng ta biết như vậy. Đây là Nhất thiết chủng trí
tức trí tuệ thông biết tất cả chủng tử mọi loài của Đức Phật.
[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 624-9.