Triết học
Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm
Thích Nữ Giới Hương Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn
09/10/2554 07:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 11. Những tập khí sinh ra bảy đạo

 

 

A nan thưa: Bạch Đức Thế Tôn như tỳ kheo ni Bửu Liên Hương giữ Bồ tát giới nhưng lén lút làm việc dâm dục, lại nói càn rằng làm việc dâm dục không phải giết người, không phải trộm cắp, không có nghiệp báo. Phát ra lời nó ấy rồi, trước hết nơi nữ căn sinh ra ngọn lửa hồng lớn, về sau từng đốt, từng đốt, bị lửa đốt cháy, sa vào ngục vô gián.

Như Đại vương Lưu li, tỳ kheo Thiện Tinh, Lưu Li vì giết giòng họ Cù-đàm, Thiện Tinh vì nói càn tất cả các pháp đều rỗng không mà thân sống sa vào địa ngục a-tỳ.

Các địa ngục ấy, lại có chỗ nhất định, hay là tự nhiên khi các người kia gây nghiệp, thì mỗi người, mỗi người chịu riêng? Xin Phật rủ lòng đại từ, khai ngộ cho kẻ ngây thơ, khiến cho tất cả chúng sanh trì giới, nghe nghĩa quyết định, vui mừng tôn trọng kính cẩn giữ gìn không phạm.

Đức Phật bảo A-nan: “Hay thay lời hỏi đó, khiến cho các chúng sanh không mắc tà kiến. Nay thầy hãy nghe cho chín, ta sẽ vì thầy mà nói.”

A Nan, tất cả chúng sinh, thật vốn chân tính thanh tịnh, nhân những vọng kiến, mà có tập khí hư vọng sinh ra; vì thế, chia ra có phận trong và phận ngoài”.

Phận Trong:

“A Nan, phận trong, tức là ở trong phận của chúng sinh. Nhân các lòng ái nhiễm phát khởi ra vọng tình, tình chứa mãi không thôi, có thể sinh ra ái thủy; vậy nên chúng sinh, tâm nhớ thức ăn ngon thì trong miệng nước chảy ra; tâm nhớ người trước, hoặc thương, hoặc giận, thì trong con mắt lệ tràn; tham cầu của báu thì trong tâm phát ra ái diên, cả mình đều trơn sáng; tâm dính vào việc dâm dục, thì hai căn nam nữ tự nhiên dịch khí chảy ra. A Nan, các cái ái đó, tuy khác nhau, nhưng kết quả chảy nước là đồng; thấm ướt không lên được, tự nhiên theo đó mà sa đọa, ấy gọi là phận trong”.

Phận Ngoài:

“A Nan, phận ngoài, tức là ngoài phận của chúng sinh. Nhân các lòng phát ngưỡng, phát minh ra những lý tưởng; tưởng chứa mãi không thôi, có thể sinh ra những thắng khí; vậy nên chúng sinh, tâm giữ cấm giới, cả mình nhẹ nhàng trong sạch; tâm trì chú ấn, con mắt ngó hùng dũng nghiêm nghị; tâm muốn sinh lên cõi trời, chiêm bao thấy bay lên; để tâm nơi cõi Phật, thánh cảnh thầm hiện ra; thờ vị thiện tri thức, tự khinh rẻ thân mệnh mình. A Nan, các tưởng đó tuy khác, nhưng nhẹ nhàng cất lên thì đồng nhau; cất bay không chìm xuống, tự nhiên vượt lên, đó là phận ngoài”[1].

Phần quyết nghi tôn giả Phú-lâu-na đã hỏi vì nhân gì mà chúng sanh luân hồi lục đạo, Đức Phật trả lời rồi là chính do sát, đạo, dâm, vọng. Đây tôn giả A-nan hỏi cho rõ thêm: địa ngục là có chỗ nhất định, hay là tự nhiên khi các người kia gây nghiệp, thì mỗi người, mỗi người chịu riêng? Do vì câu hỏi này, Đức Phật mới giảng phần nhân những vọng kiến gì mà có tập khí phận trong và phận ngoài hư vọng sanh ra mà có bảy đạo.

Phần Sa-ma-tha và Tam-ma hoàn toàn nói trọn con đường chân thật để chúng ta thực hành. Đây A-nan thị hiện hỏi Phật để Phật nhắc cho chúng ta sự nguy hiểm, hiểm nạn đọa lạc cần phải đề phòng. Trong lúc tu chúng ta sẽ dễ có những hiểm nạn này, hễ đọa vào những hiểm họa này thì coi như là mất hết. Bởi bốn giới sát, đạo, dâm, vọng là căn bản, là then chốt, là gốc, còn các giới khác là cành lá.

Đức Phật nói hay thay câu hỏi của A-nan khiến cho chúng sanh thoát tà kiến. Này A-nan, tất cả chúng sanh chân tánh vốn thật thanh tịnh, chỉ vì vọng kiến mà thành vọng tập, thế rồi chia ra có phận trong và ngoài. Rồi tùy phận trong và ngoài ít hay nhiều, tùy tình nhiều hay ít mà có ra bảy đạo chúng sanh. Đây là mắt Đức Phật thấy đường đi giữa tình và tưởng, thấy rõ đường nhân quả giữa chúng nên từ bi nói ra.

Thế nào là vọng kiến thành vọng tập? Nhìn cô A, ta vọng kiến cho đây là cô A. Cô A cách đây 50 năm chưa sanh ra. Bây giờ giả hiện ăn cơm, uống nước thành có một hình ảnh hiện lên, nhưng mai đây lại già, lại bịnh, tức đất, nước, gió, lửa lại tan đi thì lại thành không có, cho nên thấy mình là cô A, B thì cái ấy gọi là vọng kiến.

Cô A là cái không có, là đất, nước, gió, lửa, là giả hiện mà lại cho là có thật, nên là vọng kiến. Bởi vì thấy mình là A, kia là B, thế cho nên hễ cô B cho ăn bánh thì vui, bằng lòng, đấy là một vọng tập. Nếu cô B có bánh mà ăn một mình không cho thì không thích, không thương, nổi ghét, thế đấy là những vọng tập. Vọng tập này xây dựng ở vọng kiến, hôm nay mình làm một tí, hôm mai mình cáu một tí, mốt phiền một tí… riết tạo thành tánh nết hay cáu. Người ta cho ăn thì mình thích hề hà tiếp đón. Ngày mai mình lại tìm mưu mô, cách thức ăn nói để có bánh ăn, tâm tham ấy cứ tập mãi nó thành tánh nết, là người hay tham ăn mà lại hay cáu giận.

Thế nên từ vọng kiến mà mình thành vọng tập mà chia ra thành có phận trong và phận ngoài.

Phận trong (nội phận) là tình yêu ghét, mừng, giận, phận ngoài (ngoại phận) là tưởng, là khát ngưỡng phát minh lý tưởng, cần chuyển phàm thành thánh mà phàm cũng chỉ là cái mê, cái hư vọng. Thánh là bản chất của mình, là sự thật, đó là chơn tâm bản tánh. Nó thật cho nên chúng ta bây giờ trở về tâm tánh của mình mà sống thì đó là thành thánh, thành Phật. Cái mê phàm phu là những hư vọng, là cái không có, chỉ cần buông ra là tỉnh ra thôi. Vậy chung quy phàm cũng ở cái tâm mình mà thánh cũng ở tâm mình, hễ tỉnh ra thì thành thánh.

Phận trong là tánh nết mình huân tập và coi như là phần của mình, nhận là mình, bản chất của mình thành có vọng tập và tánh nết. Phận trong này nó rất sâu nên gọi là trong. Tham, giận, ích kỷ, yêu ghét, mừng giận, thương, lo, buồn tủi từ chấp ngã, ngã ái, ngã kiến, kiến thủ mà ra, cái đó thành tánh nết của mình cho nên gọi là phần tình, phận trong.

Phận ngoài là bên ngoài, nhờ Phật thánh hiền, thầy tổ giảng dạy khiến mình biết ngửa lên mong cầu, khát ngưỡng những cái tốt đẹp về tinh thần, biết khát ngưỡng những lý tưởng, thành tâm cần cầu chuyển phàm thành thánh. Như người trì giới khát ngưỡng những điều tốt giới luật Phật dạy, nên tha thiết quyết định giữ giới như băng sương, nhận và biết không có nghi ngờ gì nữa, cứ một bề quyết định và đúng như luật của Đức Phật mà sống để chuyển phàm thành thánh thì đây là phận ngoài.

Nhờ học Phật, Phật dạy những tánh nết tham, sân, si này xấu, là đọa lạc, bây giờ tỉnh lại tập chừa bỏ, đừng vọng kiến nữa và tỉnh ra để đổi tánh nết tham sân ấy đi. Tập tu học để rửa và có thật rửa mới hy vọng gột rửa được một phần thôi, tức chỗ tu hành của chúng ta chỉ mới ngoài da thôi cho nên gọi là phận ngoại, bên ngoài.

Thật ra, phàm là cái mê, hư vọng. Thánh là bản chất, là sự thật, chân tâm bản tánh. Thánh là thật nên giờ trở về tâm tánh mình mà sống thì đó là thành thánh, thành Phật. Nặng về tình thì đi xuống khốn khổ. Nhẹ về tình nghiêng về tưởng thì lên làm thánh nhân giải thoát sung sướng.

Do nội phận là tình, ngoại phận là tưởng, chúng sanh mới có bảy thứ khổ, vui, cũng do một tâm mình mà biến hoá ra cả.

Cái mê phàm phu là hư vọng, là cái không có, chúng ta buông ra là tỉnh thôi. Chung quy: thánh hiền hay phàm hóa ma, hoá quỷ là ở tâm mình. Đang phàm mà tỉnh thì thành thánh.

Chỉ vì vọng kiến chỗ thấy sai, cho nên làm việc sai, vì thế có phận trong và ngoài. Cũng như cháu nội và ngoại. Nội là gần gũi, ngoại là ở bên ngoài. Đối với chúng ta tình là phần thể chất, lấy cái tình làm tâm tánh, đây là nội phận. Chúng ta có hai phần: tình là ngã ái, ngã chấp. Dục ái cảm quả ra nước thành có tâm ái và Đức Phật sợ nói chúng ta không tin, ngài mới lấy thí dụ rõ ràng trong hiện tại để thấy rằng hễ tâm ái nhiễm thì sanh ra ham muốn, cảm cái quả là như thế. Tâm sân thì nổi nóng. Tâm ngu si ngăn chướng thì nó thành đất mà tâm loạn động thì thành gió bão. Do đó, chúng ta cảm cái quả hiện tại, xung quanh toàn là những đất, nước, gió, lửa. Do tâm tính của mình hiện ra tất cả tướng đó là nội phận của chúng sanh.

Lý tưởng tức là tơ tưởng đến chân lý, ngửa lên mong cầu cái chân thật, tưởng mãi thì phát sanh thắng khí, phát ra cái hơi. Sống bằng tình cảm thì ra nước, bởi vì nước thì nặng chảy xuống. Cho nên cái tâm không học không tu, chỉ cầu lo lợi ích cho bản thân, rồi mừng, rồi giận thì đó là nội phận nặng nề của chúng ta. Biết tu theo Phật pháp, ngửa lên mong ước thì toàn thân mình biến thành chất hơi gọi là thắng khí, nó nhẹ nhàng, cho nên lâm chung buông xác thân này liền bay lên theo thắng cảnh.

Phân Biệt Tình Tưởng Nhẹ Nặng:

A nan, tất cả thế gian, sống chết nối nhau, sống thuận theo tập quán, chết thì đổi sang dòng khác. Khi gần mệnh chung, chưa hết hơi nóng, thiện ác một đời đồng thời liền hiện ra; cái nghịch của chết, cái thuận của sống, hai tập khí giao xen lẫn nhau.

Thuần là tưởng thì bay lên, chắc sanh trên các cõi trời. Nếu trong tâm bay lên, gồm có phúc đức trí tuệ cùng với tịnh nguyện, thì tự nhiên tâm được khai ngộ, thấy tất cả tịnh độ thập phương chư Phật theo nguyện mà vãng sanh.

Tình ít, tưởng nhiều, cất lên không xa, thì làm phi tiên, đại lực quỷ vương, phi hành dạ xoa, địa hành la sát, đi khắp bốn cõi trời, không bị ngăn ngại. Nếu có nguyện tốt, tâm tốt, hộ trì Phật pháp, hoặc hộ trì cấm giới, theo người trì giới, hoặc hộ trì thần chú, theo người trì chú, hoặc hộ trì thiền định, giữ yên pháp nhẫn, thì những hạng đó, chính mình được ở dưới pháp toà Như lai.

Tình và tưởng cân nhau, không bay lên khônng đọa xuống, thì sinh nơi nhân gian, tưởng sáng suốt nên thông minh, tình u ám nên ngu độn.

Tình nhiều tưởng ít, đi vào các loài hoành sinh, nặng làm giống có lông, nhẹ làm giống có cánh.

Bảy phần tình, ba phần tưởng, chìm xuống dưới thủy luân. Sinh nơi mé hỏa luân chịu khí phần của lửa hồng, thân làm ngạ quỷ, thường bị đốt cháy, vì nước có thể hại mình, nên trải trăm nghìn kiếp, không ăn không uống.

Chín phần tình, một phần tưởng, xuống thấu qua hỏa luân và giữa giao giới phong luân và hoả luân, nhẹ thì sinh vào hữu gián, nặng thì sinh vào vô gián, hai thứ địa ngục.

Thuần là tình, thì chìm sâu vào ngục a-tỳ, nếu trong tâm chìm sâu đó, lại có hủy báng đại thừa, phá cấm giới của Phật, lừa dối nói pháp để tham cầu tín thí, lạm nhận cung kính hoặc phạm ngũ nghịch, thập trọng thì lại còn sinh vào địa ngục a-tỳ thập phương.

Theo ác nghiệp gây ra, tuy tự chuốc lấy quả báo, nhưng trong đồng phận chung, vẫn có chỗ sẵn.[2] 

Mình thèm khát muốn sống, sợ hãi cái chết. Một bên là sợ chết, một bên muốn sống giao xen nhau. Sống thuận theo tập quán, chết thì đổi theo dòng khác. Khi gần mệnh chung chưa hết hơi nóng, thiện ác một đời đồng hiện ra. Cái nghịch của chết, cái thuận của sống, hai tập khí giao xen lẫn nhau.

1. Thuần là tưởng: chuyên tu, thân của mình không nhớ đến những yêu ghét, chỉ một lòng chuyên tu, chuyên niệm Phật, có phước đức, có trí tuệ, nguyện cầu vãng sanh thì tâm thức chuyên tu nhẹ nhàng, bay bổng thì thấy được 10 phương tịnh độ. Thấy rõ cõi Cực lạc cứ thế theo nguyện mà bay về.

2. Tình ít tưởng nhiều: vị này tưởng nhiều, lo tu hành nhưng hãy còn một chút tình, còn tơ tưởng đến mình, của mình, nên cũng nhẹ nhàng bay cất lên nhưng bay không xa lắm, nên làm phi tiên, đại lực quỷ vương, hộ pháp ủng hộ giúp đỡ cho các vị tu. Có vị hộ pháp phát nguyện hộ cho những vị trì giới, vì vị này hàng ngày thiên về trì giới; có vị hộ pháp tu về thiền định thì lo cho người thiền định, những vị này không có rời Phật pháp. Quỷ hộ pháp là những người cao hơn mình, là quỷ nhưng trên mình gọi là quỷ thần, thần hộ pháp. Quỷ đó tình ít, tưởng nhiều nên bay lên. Còn chúng ta thì tình tưởng cân nhau nên làm người. Ma quỷ nằm trong ba đường ác nhưng còn quỷ thần tình ít tưởng nhiều này thì thuộc loại quỷ vương có phúc đức hơn loài người. Các vị kim cang mật tích có răng nanh, những vị đại lực quỷ vương, thần hộ pháp có thần thông đi khắp bốn cõi trời.

3. Tình và tưởng cân nhau: không bay lên, không đọa xuống sẽ tái sanh làm người. Cũng tình tưởng ngang nhau, nhưng nếu có hơi nghiêng tình một tí thì sanh làm người đần độn, chậm hiểu và ngu dốt. Nhưng nếu nghiêng tưởng thì sẽ được làm người nhanh nhẹn, sáng suốt và thông minh.

4. Tình ít tưởng nhiều: chuyên tu thì tốt còn cứ lo cho mình thì chỉ chuyển về chỗ khổ, sẽ sanh về loại gọi là ngu si, ngã chấp, nhưng cũng có chút công đức tu hành, có chút tưởng nên được nâng lên sống ở cõi dương, được sanh trên trần gian làm loài bàng sanh.

5. Bảy phần tình, ba phần tưởng: chỉ có ba tưởng mà tới bảy phần tình lo cho mình, cho nên nặng nề chìm xuống thủy luân, thành ra hình như dưới và trong lòng đất của chúng ta có nước. Có nước nguồn thì có lửa. Nên tuy chưa rớt xuống hoả luân, chỉ ở thủy luân, nhưng bị hoả luân nó nung đốt, chịu khí phần của lửa hồng, thân làm ngạ quỷ, trải qua trăm ngàn kiếp không được ăn, không được uống, chỉ lo cho mình nghĩ đến mình, càng nặng với tình bao nhiêu thì càng khổ bấy nhiêu.

6. Chín tình một tưởng: thì xuống thấu hoả luân và giữa giao giới phong luân và hỏa luân, nhẹ thì sanh vào địa ngục hữu vi. Hữu vi tức chịu khổ nhưng còn có gián đoạn, để nghỉ ngơi; còn nặng thì vô gián chịu khổ triền miên không lúc nào không bị hành hình.

7.Thuần tình: thì chìm sâu vào ngục a-tỳ, nếu trong tâm chìm sâu đó, lại có tâm hủy báng đại thừa, phá cấm giới của Phật, nói pháp để cầu lợi, tham của tín thí, lạm nhận cung kính hoặc phạm ngũ nghịch, thập trọng thì sẽ sinh vào địa ngục A-tỳ thập phương.

Mười phương địa ngục nghĩa là thế nào? Địa ngục a-tỳ ở cõi này và có thời gian của nó. Cõi này tan đi thì địa ngục cõi này cũng tan đi. Lại thấy hoá thân vào cõi khác, chịu khổ địa ngục ở cõi khác. Rồi cõi khác tan đi thì địa ngục cõi khác cũng tan đi, như thế hết cả 10 phương. Điều này cho thấy thời gian chịu khổ cực hình vô cùng vô tận.

Theo ác nghiệp sanh ra tự chuốc lấy quả báo. Đây là lời Đức Phật đáp câu hỏi của tôn giả A-nan trong đồng vẫn có chỗ sẵn.

Địa ngục có sẵn, người nào làm quả thì tự chuốc lấy quả báo, nghĩa là người nào làm tội thì chịu quả báo, rất minh bạch rõ ràng. Thế nhưng cảnh của chúng ta sống ở đây, vẫn có một chỗ sẵn từ nhiều đời nhiều kiếp, vẫn có một chỗ sẵn để cho những người có tội thì vào. Giống như trên trần gian có những nhà tù để sẵn cho những người phạm pháp luật, phạm tội thì mới vào nhà tù ấy. Ai tạo nghiệp thì vào, ai không tạo nghiệp thì không vào. Nghiệp này là nội phận của mình. Chúng mình vẫn đồng nghiệp với nhau.

Làm việc Phật sự mà sân, là không phải do lỗi đại chúng, đây do chủng tử sân của mình, tạo thành nghiệp của mình. Dĩ nhiên, hễ còn sân, còn động là còn phải trả cái quả, còn có những vị không sân, nhưng hiện tướng sân, người ta làm mặt nghiêm nghị quát tháo, là cốt để sửa cái ác cho chúng sanh.

Những vị ấy có phước chứ không tội vì đây là ‘bi thể giới lôi chấn’ (vì lòng từ bi mà nói những lời răn dạy mạnh mẽ). Những vị chuyên tu thì đi lên, còn những vị xả thân phục vụ đại chúng thì có đi lên không? Phải thật xả mới được, còn chỉ nói miệng không thì không kết quả tu tập.

Vị chuyên tu, chuyên niệm Phật, thuần tưởng không muốn rộn ràng. Mục đích của vị ấy muốn được yên tĩnh, cầu được nhất tâm, nên không muốn trả lời nhiều, gạt nhiều chuyện khác qua một bên. Bây giờ tựa hồ như ích kỷ, nhưng khi vị ấy tâm sáng thành Phật rồi thì độ tất cả chúng sanh. Vì muốn bớt chuyện loạn động nên người chuyên tu không nói nhiều.

Căn bản sanh tử là căn, trần và thức. Căn bản bồ đề là sống với thức tinh nguyên minh. Nghe là tánh nghe của mình. Ý thức loạn tùng phèo nếu để phần rối loạn mạnh thì nó thắng tức là tình nặng nề.

Trong phần thuần tình có nói nếu pháp sư nói pháp để cầu lợi thì đọa lạc. Pháp sư không biết mà cứ nói bừa đi, ra điều ta hay ta giỏi khiến phật tử tưởng thật. Người vô tâm không biết, tưởng mình nói đúng, chứ không có định tâm giả dối, còn định tâm cố ý nói pháp cầu lợi thì tội nặng hơn, phải đọa. Người tu nói đúng và người nghe thấy lợi ích, thì vị pháp sư ấy có phước và người nghe cũng có phước. Còn cái tâm cầu danh, cầu lợi lại có quả báo riêng.

Nếu lỡ theo tình nhiều phạm tội mà hết lòng trì chú, sám hối thì mình cũng thoát tội, theo như lời ở đây nói nhất tâm trì chú thì mình sẽ hết. Tùy tội đã tiêu thì không còn quả báo. Tiêu thì làm gì có quả báo. Sám hối theo giới Bồ tát tức thấy hảo tướng của Phật thì tức tội tiêu (thủ tướng sám hối).

Chưa thọ giới mà phạm thì tội nhẹ hơn. Còn thọ rồi mà phạm thì tội nặng hơn. Tuy nhiên, nếu mình sám hối và biết cách làm mới, thì mình có thể chuyển hoá cái nghiệp của mình, từ đây mình có thể đem lại hoa trái an lạc và hạnh phúc cho nhiều người. Phạm giới nào thì tội theo giới ấy.

Thọ Bồ tát giới thì sám hối theo bồ tát giới.

Thọ Tỳ kheo ni thì sám hối theo tỳ kheo ni.

Thọ năm hay mười giới thì sám hối theo Ngũ giới hay Thập thiện.

 


[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 679-86

[2] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 687-9