Chương
02. Nhân duyên nói kinh
Khi ấy
vua Ba-tư-nặc, nhân ngày kỵ phụ vương, mở tiệc chay mời Phật thọ trai nơi cung
điện. Vua sắm đủ các món ăn quý báu, rồi thân đến rước Phật và các vị Đại Bồ
tát. Trong thành lại có các trưởng giả cư sĩ đồng thời cũng trai tăng, chờ Phật
đến chứng. Phật khiến ngài Văn-thù chia lãnh các vị Bồ-tát và A-la-hán đi đến
các nhà trai chủ.
Duy có tôn giả A-nan trước đã
nhận lời mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng tăng chúng. Tôn giả về một
mình, không có Thượng tọa và A-xà-lê cùng đi và ngày ấy cũng không được ai cúng
dường. Lúc bấy giờ, tôn giả cầm bình bát vào trong một thành, trên đường đi,
theo thứ lớp khất thực, tâm ngài trước hết cầu được một người tối hậu đàn việt
làm trai chủ, không kể sang hèn, phát tâm làm sao cho tất cả chúng sanh được
viên thành vô lượng công đức. Tôn giả A-nan đã biết đức Thế-tôn quở tôn giả
Tu-bồ-đề và Đại Ca-diếp làm A-la-hán mà tâm không công bằng. Tôn giả kính vâng
lời dạy vô giá của Phật độ thoát mọi điều chê bai nghi hoặc. Ngài đến bên
thành, thong thả vào cửa, uy nghi nghiêm chỉnh, kính giữ phép hóa trai.
Trong khi khất thực, tôn giả đi
ngang qua nhà người dâm nữ Ma-đăng-già bị phép huyễn thuật. Nàng ấy dùng tà chú
Tiên Phạm thiên đạo Sa-tỳ-ca-la bắt vào phòng riêng dựa kề vuốt ve làm cho tôn
giả A-nan gần phá giới thể.
Đức Như-lai biết A-nan mắc phải
dâm thuật, nên dùng trai rồi, liền trở về tịnh xá. Vua cùng đại thần, trưởng
giả cư sĩ đều đi theo Phật, mong nghe những pháp chủ yếu của đạo Phật.
Khi ấy trên đỉnh đức Thế Tôn
phóng hào quang bách bảo vô úy, trong hào quang hiện ra toà sen báu nghìn cánh,
có hoá thân của Phật kiết già ngồi trên, tuyên đọc thần chú, khiến ngài Văn-thù
đem chú này đến giúp đỡ, tiêu diệt tà chú, đưa A-nan cùng Ma-đăng-già đều đến
chỗ Phật ở.[1]
Nhân duyên chúng ta có kinh Thủ
Lăng Nghiêm để học là do có một chuyện xảy ra với tôn giả A-nan.
Tôn giả A-nan là anh em họ với
Phật. Thân phụ của thái tử Sĩ-đạt-đa là Tịnh Phạn vương, còn thân phụ của A-nan
là Bạch Phạn vương (bào đệ của Tịnh Phạn vương). Đề-bà-đạt-đa là hiền huynh của
A-nan. Sau khi xuất gia, tôn giả A-nan, một trong thập đại đệ tử của Phật, trở
thành thị giả thân tín của Phật và được mệnh danh là bậc đa văn đệ nhất, có thể
ghi nhớ những lời dạy của Phật chính xác như in. Sau khi Đức Phật nhập diệt,
chúng ta nhờ Tôn giả rất nhiều trong việc kết tập kinh điển, nói ra hàng trăm
bài pháp mà Đức Phật đã giảng nhiều nơi với nhiều thời điểm. Phật tử cũng rất
thích nghe A-nan giảng pháp vì tôn giả vừa trẻ trung, rất hảo tướng và thuyết
pháp rất trôi chảy lưu loát.
Các tổ có bài kệ tán thán tôn
giả A-nan như sau:
Tướng như thu mãn nguyệt
Nhãn tợ thanh liên hoa
Phật pháp như đại hải
Lưu nhập A-nan tâm.
Nghĩa là:
Tướng như trăng thu đầy
Mắt biếc tợ sen xanh
Phật pháp rộng như bể
Đều rót vào tâm A-nan.[2]
Một ngày kia, tôn giả A-nan có
phật sự xa về trễ, Đức Phật và chư tăng đã đi hoá trai ở cung vua Ba-tư-nặc. Sợ
trễ giờ độ ngọ, nên tôn giả phải đi khất thực một mình.
Tâm ngài trước hết cầu được một
người tối hậu đàn việt làm trai chủ, không kể sang hèn, phát tâm làm sao cho
tất cả chúng sanh được viên thành công đức nghĩa là
người nào mà chưa tu, chưa biết Phật pháp, chưa có phước, tôn giả A-Nan muốn mở
đường phước đức cho họ, đến đó thọ trai.
Ngài thong thả vào cửa, uy nghi
nghiêm chỉnh, kính giữ phép hóa trai: thong thả vào cửa thành,
từ bộ quách môn, túc cung trai pháp tức tôn giả từng bước rất từ hoà, khoan
thai điềm tĩnh, an hoà mà bước vào thành khất thực.
Đức Thế-tôn quở tôn giả Tu-bồ-đề
và Đại Ca-diếp làm A-la-hán mà tâm không công bằng: tôn giả
Tu-bồ-đề chuyên đi khất thực nhà giàu trong khi tôn giả Đại Ca-diếp chuyên đi
khất thực nhà nghèo. Bởi ngài Ca-diếp cho rằng nghèo là bởi vì người ta kém
phước, nên tạo phước cho họ. Họ chỉ cần phát tâm muốn cúng đường tức là đã bán
cái nghèo và đã trở thành giàu rồi. Chỉ cần phát tâm hổ thẹn là bán cái thiếu
hụt về quần áo che thân mà tạo phước có quần áo ăn mặc đầy đủ rồi. Vì vậy ngài
Ca diếp chuyên đi khất thực nhà nghèo.
Ngài Tu-bồ-đề do định lực mạnh
và do phép quán tưởng về tánh không mạnh nên lúc ngài vừa lọt lòng, ông bà thân
sinh và cả nhà thấy trong phòng trống rỗng, của cải đồ đạc biến mất. Còn ngài
Xá lợi phất cũng thế. Sức trí tuệ của ngài đã ảnh hưởng mạnh nên khi ngài còn
nằm trong bào thai, đã khiến thân mẫu trở nên ăn nói lưu loát, biện luận khúc
chiết mọi triết lý trên đời. Riêng thái tử A-xà-thế tâm ác mạnh nên khi hoàng
hậu Vi-đề-hy mang thai khiến bà thèm khát hút máu phu quân khi ốm nghén. Tất cả
đây đều là do từ trường của tâm phát ra hay tinh thần thế nào thì có sự ảnh
hưởng xung quanh thế ấy.
Do sức quán tưởng mạnh và lòng
ngài rỗng rang buông xả không vướng mắc, nên tôn giả Tu-bồ-đề không ngại lời
đàm tiếu rằng ngài chỉ thích đi khất thực nhà giàu. Vì ngài nghĩ rằng nếu nhà
giàu có cúng dường bố thí thì cũng không ảnh hưởng miếng ăn của họ, nên mặc
người phàm đàm tiếu cho rằng ngài thích ăn đồ ngon, nên lựa khu sang trọng mà
đi khất thực, ngài vẫn đều hoá độ nhóm nhà giàu.
Tôn giả A-nan nhớ hai đại sư
huynh đều bị Phật quở cả. Đức Phật thì bình đẳng không phân biệt sang hèn gì
cả, ai cúng thì ngài thuyết pháp độ họ.
Mỗi ngày vào lúc bình minh, Đức
Phật thiền tọa và rải từ bi quán đến mười phương và sau đó dùng dùng tuệ nhãn
quán xem chúng sanh ở hướng nào, làng nào thời tiết đã đến, cần ngài đến hoá độ
thì Đức Phật sẽ từ tốn, oai nghi thanh thoát, siêu phàm đi khất thực về hướng
đó để khất thực.
Nghe Đức Phật quở trách hai đại
sư huynh là tôn giả Ca-diếp và Tu-bồ-đề là tâm không bình đẳng khất thực, nên
A-nan khởi tâm đến hoá độ ở khu vực nào mà họ ít biết phát tâm, bất kể họ giàu
nghèo hay thuộc loại người nào, ngài không phân biệt gì cả. Do đó, tôn giả đi
ngang qua nhà kỹ nữ Ma-đăng-già và bị nàng dùng chú Phạm thiên thôi miên tôn
giả để đưa vào phòng thỏa mãn dục tính.
Một bề học rộng nhớ nhiều, chưa
toàn đạo lực: nghĩa là tôn giả A-nan không có khả năng tự chủ,
đưa đến mất chánh niệm trước sắc đẹp tuyệt vời của kỹ nữ.
Đức Phật cùng chư tăng đang thọ
trai tại cung vua Ba-tư-nặc. Với thiên nhãn, Phật biết A-nan đang sắp bị nạn
Ma-đăng-già và gần phá giới thể nên Đức Phật bảo tôn giả Văn-thù đem thần chú
Thủ Lăng nghiêm đến cứu A-nan. Từ trên đỉnh đầu Phật biến ra hóa thân Phật
tuyên đọc thần chú.
Có hoá thân của Phật kiết già
ngồi trên thiền tọa, tuyên đọc thần chú: nói hoá
thân tức là từ pháp thân hoá hiện. Đây là diệu dụng của pháp thân mà pháp thân
thì khắp 10 phương suốt ba đời là thân giáo, tức thần chú có hữu hiệu khắp tất
cả 10 phương ba đời chứ không phải chỉ từ miệng đức Phật Thích Ca nói. Nếu nói
do chính từ Phật Thích Ca nói thì sợ kẹt vào tính địa phương (địa danh là tại
thành vua Ba-tư-nặc) cho rằng thần chú nói ở đó mới hữu nghiệm hoặc thần chú
chỉ hữu dụng, cần thiết cho thời gian lúc đó thôi tức cách đây 26 thế kỷ, chứ
bây giờ hay lúc khác thì không hữu hiệu. Thế nên, thần chú phải từ pháp thân
nói với ý nghĩa cho suốt cả ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai) và ở mười
phương (đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, trên và
dưới) đều linh ứng.
Tôn giả A-nan thấy Phật, đảnh lễ
khóc lóc, giận mình từ vô thủy đến nay, một bề học rộng nhớ nhiều, chưa toàn
đạo lực, tha thiết xin Phật dạy cho những phép sa-ma-tha, tam-ma, thiền-na, là
những phương tiện tu hành đầu tiên để thành đạo bồ-đề của thập phương Như-lai.
Lúc ấy, lại có hằng hà sa Đại Bồ-tát, Đại A-la-hán và Bích-chi Phật, từ mười
phương đến, thảy đều mong nghe Phật dạy, lui về chỗ ngồi, yên lặng lãnh thọ
thánh chỉ của Phật.[3]
A-nan thấy Phật tủi khóc và xin
ngài chỉ dạy pháp Sa-ma-tha, tam-ma, thiền-na, là những phương tiện tu hành đầu
tiên để thành đạo bồ-đề của thập phương Như-lai. Vì lý do đó, Đức Phật mới
thuyết giảng về Sa-ma-tha, tam-ma, thiền-na tức là nội dung của kinh Thủ Lăng
Nghiêm.
1. Sa-ma-tha (chỉ): vi mật quán
chiếu, an định tinh thần để xét tâm hiện tại của mình đâu là chơn, đâu là vọng.
Tức phần này là chúng ta phải hiểu về lý thuyết phân biệt rõ ràng giữa chơn và
vọng, căn bản bồ đề và căn bản sanh tử.
2. Tam-ma (định): thực hành trở
về phần chân, căn bản bồ đề.
3. Thiền-na (huệ): ứng dụng chân
ngay vọng, bồ đề ngay sanh tử. Chân tức là vọng, vọng tức là chân. Hậu đắc trí
hiển hiện sau khi có căn bản trí. Đây là pháp chuyển y của Như lai: chuyển
phiền não thành Bồ đề, chuyển sanh tử thành Niết bà của Như Lai.
[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tâm Minh biên dịch, NXB Tp HCM,
1999, tr. 31-3.
[2] Thập đại đệ tử Phật,
Eastwest Printing, 1999, tr. 98.
[3]
Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 33.