Chương IV: Tâm Lý Luận
Theo thuận tự, sau chương nói về vật-chất-quan ta không thể không thể không đề cập đến tâm lý quan của A-tỳ-đạt-ma. Mà tâm lý quan là đề mục được A-tỳ-đạt-ma tận lực nghiên cứu. Ta có thể nói cái đặc trưng chủ yếu của A-tỳ-đạt-ma là chỗ đem những hoạt động tâm lý của người ta mà khảo sát và phân tích một cách rất mực tinh vi. Tại sao vậy? Vì mục đích của A-tỳ-đạt-ma chung cục là không ngoài việc “chuyển mê khai ngộ”. Mà việc chuyển mê khai ngộ, nếu đứng về phương diện tâm lý mà nhận xét, có liên quan rất nhiều đến sự thực tâm lý, vì thế các bậc A-tỳ-đạt-ma luận sư mới nỗ lực sự kinh quá của tâm để làm sáng tỏ đạo tu dưỡng, và kết quả là do đó mà tâm lý quan đã được phát triển một cách rộng rãi. Cho nên, đến bộ phái Phật giáo, vì vấn đề tâm lý quan này mà đã phát sinh ra nhiều ý kiến bất đồng, điều đó tưởng không có gì là lạ cả.
Bây giờ nếu muốn đưa ra điểm chủ yếu thì trước hết phải nói đến vấn đề chủ thể của tâm. Vấn đề này, tuy các bộ phái đều chủ trương vô-ngã-luận, nhưng một khi đề cập đến cái cách giải thích vô ngã như thế nào thì tự nhiên đã phát sinh ra nhiều ý kiến khác biệt. Có phái cho tâm hoàn toàn do nhân duyên sinh rồi muốn đứng trên lập trường cơ-giới-luận để thuyết minh; có phái thì lại muốn, đến một trình độ nào đó, thừa nhận chủ thể của tâm, và cứ như thế mà biện luận mà tranh cãi nhau. Lại nữa, con người có đủ sáu thức, đó là chủ trương tuy đã có từ thời Nguyên thủy Phật giáo, nhưng sáu thức ấy phải được coi là riêng biệt hay chỉ coi chúng là những phương diện bất đồng của cùng một tâm? Về vấn đề này, giữa các học giả cũng có nhiều dị luận, nhất là sự dị đồng của tâm thể với những hoạt động của tâm sở thì không những giữa các bộ phái khác nhau mà ngay trong cùng bộ phái cũng có nhiều ý kiến bất đồng. Ngoài ra, về nhận thức của ngũ quan cũng có những quan điểm dị biệt, chẳng hạn như ngũ căn nhận thức hay ngũ thức hay ngũ thức nhận thức? Rồi đến như bản chất của mê thì trong đó có ý thức hay vô ý thức? Về tất cả những vấn đề trên đây thật đã phát sinh nhiều quan điểm bất đồng (Căn-kiến-thức-kiến-luận; sở-hữu-vô-luận; Tương-ưng-phi-tương-ưng-luận; Nhất-tâm-đa-tâm-luận; Thức-tạm-trụ-vô-trụ-luận: những vấn đề như trên có thể xem Thành-thật-luận từ quyển 4 đến quyển 5).
Khảo cứu tất cả luận thuyết trên đây, từ những hoạt động tâm lý phổ thông cho đến những tướng đặc thù chính là đề mục của tâm lý quan vậy. Cái phạm vi của những vấn đề đó cực kỳ bao quát, nên khi nghiên cứu chúng một cách tinh tế tất phải liên quan đến nhiều sự hạn nhiên hậu mới có thể nói một cách rõ ràng. Cho nên, trong thiên này tôi chỉ hãy đề cập đến những vấn đề chủ yếu một cách nhất ban mà thôi, đợi trong thiên sau, khi bàn về Tâm-lý-luận, lúc đó tôi sẽ luận cứu đến những vấn đề đặc thù.