Thiên
Thứ VI: Tu Đạo Luận
CHƯƠNG I
ĐỘNG CƠ TU ĐẠO
VỚI TU ĐẠO PHÁP NHẤT BAN
1-
ĐỘNG CƠ TU HÀNH VỚI KHỔ QUAN.
Trở lên là tiếp theo tâm lý luận để trình bày một cách đại
yếu về luận lý quan của A-tỳ-đạt-ma. Song, những điểm được trình bày
trong chương cuối cùng thứ tư, cứ theo A-tỳ-đạt-ma, thì luân lý chủ yếu
là thuộc phạm vi luân hồi, tuy có phân biệt thiện nghiệp sinh thiện
thú, ác nghiệp sinh ác thú, nhưng tất cả chỉ là biến dị hữu lậu. Cho dù
thiện nghiệp được luôn luôn kế tục nhưng phần kết quả thu lượm được
vẫn dao động chứ không thể là cứu kính an định. Vả lại, hữu tình thường
lấy ngã dục làm trung tâm, cho nên, có khi vì không biết, có khi vì
tham dục, sân huệ mà ác nghiệp; và trường hợp đó xảy ra rất thường, bởi
vậy mà kết quả thụ hưởng ra sao cũng có thể thấy rõ rồi. Như vậy, nhận
thấy tầm mắt thấy xa thì tất cả mọi sự trong thế gian này đều không an
định, nói một cách tóm tắt, tất cả đều là khổ. Cái chứng cứ lớn nhất
của Khổ quan là: vì cũng là một hiện tượng thiên nhiên nên, con người,
mật mặt tuy phải phục tòng định luật tất nhiên của vận mệnh, nhưng, mặt
khác, vì cũng là một sự tồn tại tinh thần nên lại có yêu cầu tự do vô
hạn. Đó là sự mâu thuẩn bất tương dung và vì phải sống trong thế giằng
co ấy mà con người cảm thấy đau khổ: điều này tôi đã thường trình bày
qua. Đức Phật cho tất cả đều là khổ, cái lý do chính cũng ở đó. Song,
cái cảm thống khổ đau ấy cũng lại là động cơ thúc đẩy con người tìm đến
sự giải thoát trong tôn giáo. Đức Phật chủ trương đời là bể khổ chính
là vì cái thực tướng này của thế gian. Do đó, chủ trương này, về sau đã
trở thành một đặc trưng về nhân sinh quan Phật giáo thông cả Tiểu thừa
và Đại thừa. Nhưng làm thế nào để giải thoát khỏi khổ? Cũng như các
vấn đề khác trong Phật giáo, vấn đề này một khi được đặt ra thì cũng
lại có nhiều nghị luận bất đồng. đạo Đại thừa Bồ tát chẳng hạn, xác lập
lý tưởng vĩnh viễn, lấy tất cả hoạt động tự phát mà định giá trị của
lý tưởng đó, do vậy khổ cũng được coi như thứ hồi hướng tới đại lý
tưởng ấy. Trong Tiểu thừa Phật giáo con đường giải thoát khổ có tính
cách tiêu cực, trên thực tế, làm cách nào để có thể đạt đến thế giới
hết khổ đau? Đây chính là vấn đề chủ yếu. Như ai nấy đều biết,
A-tỳ-đạt-ma y theo giải thích bình diện, ở nhiều trường hợp, nói rõ
nguyên nhân của thế giới khổ đau chính là đã phê phán giá trị của thế
giới vậy. Đời là khổ, và chính đó là động cơ tu đạo. A-tỳ-đạt-ma đã
thuyết minh khổ như thế nào? Trong các kinh có nhiều cách thuyết minh
về khổ, và để thích ứng, A-tỳ-đạt-ma đối với khổ, cũng có nhiều thuyết
minh. Nhưng nếu nói một cách tóm tắt thì cái phương pháp xử lý phổ thông
là đem định nghĩa khổ chia ra làm nhiều loại. Chiếu theo Khế kinh thì
định bình của khổ có tám, đó là sống khổ, già khổ, chết khổ, cầu thương
khổ, lo buồn khổ, oán ghét mà gặp gỡ là khổ, yêu thương mà chia lìa là
khổ, tất cả sự cầu mong không thỏa mãn là khổ (Vism, p. 498). Lại nói
một cách đơn giản là: tất cả vô thường là khổ, tất cả khổ là vô ngã,
“biết các hành vô thường, đều là pháp biến dị, bởi thế nói thụ tất cả
khổ, đó là điều người chính giác đã biết rõ” (Tạp-a-hàm quyển 17, Đại
chính, 2, trang 121, cột trên). Vì vô thường nên khổ, khổ vì vô ngã.
A-tỳ-đạt-ma tuy thuyết minh nhiều về những nỗi khổ đó, nhưng dần dần đã
đem thống nhất và, cuối cùng, còn muốn tập hợp lại nữa. Về định nghĩa
của khổ, Phật Âm nói:
Khổ tướng là sự buồn bực liên miên và là hình của sự buồn
bực liên miên đó (Vism, p. 640).
Lại có bốn trạng thái: 1- Trạng thái buồn bực, 2- Trạng
thái vô thường (hành), 3- Trạng thái thiêu đốt, 4- Trạng thái biến hoại
(ibid p. 494). Trạng thái một và trạng thái ba là bản thân của khổ đau,
còn trạng thái hai và trạng thái bốn, đại khái trong nhất thời không
là khổ đau nhưng cuối cùng lại quy về khổ. Về pía Bắc truyền thông lệ
chia khổ thành ba loại[1], tức là khổ lhổ, hành
khổ và hoại khổ (Câu xá, quyển 22). Khổ khổ là tự thân của khổ; hành
khổ là sự vô thường, bất an nên khổ; hoại khổ là vì những khoái lạc
hiện tại cuối cùng cũng có lúc tiêu tan nên khổ (có thể so sánh với ba
khổ của Số luận là y nội khổ, y ngoại khổ, y hành khổ - Sáu Phái Triết
Học Ấn Độ trang 7). Tựu trung, hai loại sau này là đặc trưng của nhân
sinh Phật giáo, tức cuộc sống của con người, dù là hữu lậu, về mặt cảm
giác, cho dù không thấy khổ, nhưng vì vô thường biến hoại, thiếu mất
tính bất biến thường hằng, cho nên, về điểm này, có thể nói tất cả ở
thế gian đều là khổ.
Từ nhân sinh quan đó, vấn đề tất nhiên phải được đặt ra
là: làm thế nào để có thể đạt đến cảnh giới triệt để giải thoát và rốt
ráo yên ổn? Đây là đề mục tối cao của Phật giáo. Tập hợp và hiển bày
một cách đơn giản khóa để này là Bốn Đế: khổ, tập, diệt, đạo. Cội nguồn
thống khổ của kiếp người lấy bất tuyệt dục làm cơ sở, vì y vào phiền
não, bởi thế, muốn hết khổ phải diệt phiền não thì phải tu đạo: đó là
căn cứ của Tu đạo luận.
2-
NHỮNG ĐỨC MỤC TU ĐẠO.
Nhưng cái đạo diệt phiền não ấy là gì? Nói theo Tứ đế luận
thì phổ thông là Bát chính đạo, tuy đưa ra tám đức mục, nhưng dần tiến
đến A-tỳ-đạt-ma thì một mặt nói Bát chính đạo, mặt khác, trên Bát chính
đạo, như Tứ niệm xứ, Bát chính đoạn, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực,
Thất giác chi, lại đưa ra cái gọi là bảy khoa ba mươi bảy đạo phẩm làm
thông lệ. Ngoài Bát chính, sáu khoa kia, về ý nghĩa, đứng ngang hang
với Bát chính, nếu nói một cách thực tế, thì bảy khoa là những đức mục
chỉ khác nhau về lập trường chứ không phải bất đồng về tính chất. Kỳ
thực, những đức mục tu đạo trong Khế kinh không hạn định trong bảy
khoa, mà ngoài ra còn có mười niệm, mười tưởng, bốn thiền, bốn vô
lượng, bốn vô sắc v.v… do đó không thể đưa ra con số nhất định được. Do
những đức mục đó không phải bất đồng trên tính chất, nên yêu cầu giải
thoát không nhất định phải tu theo tất cả pháp môn. Cứ theo Phật giáo
nguyên thủy thì tuy chuyên tu một pháp môn nào đó, nhưng vì thời cơ và
tình thế có khác, nên, theo ý nghĩa “tùy bệnh cho thuốc”, đức Phật đã
chỉ bày nhiều phương thức. Như đã trình bày ở trên, đặt chất của bộ
phái Phật giáo là, thay vì lấy thế gian pháp làm chủ, lại đặt ra trong
tâm cái gọi là xuất thế gian pháp (giải thoát pháp) và, để thích ứng
đức mục tu đạo là đối tượng là các A-tỳ-đạt-ma luận sư đã tận lực luận
cứu, chỉnh lý và phân loại. Nhất là A-tỳ-đạt-ma ở thời kỳ, như tôi đã
trình bày trước, chuyên lấy việc giải thích các đức mục tu hành làm đề
mục chủ yếu. Thế rồi, đến A-tỳ-đạt-ma tiến bộ, ngoài Tu đạo luận ra,
đối với việc thuyết minh thế giới sự thực, tuy có tăng gia nhiều, nhưng
cái phương pháp của Tu đạo luận dần dần đã trở nên tinh tế, và nhiếp
thủ toàn bộ các đức mục phối hợp chúng với quá trình tiến triển trong
việc tu đạo, để muốn chỉnh lý chúng theo thuận tự: đó là một đặc trưng
lớn của thời kỳ tiến bộ này. Bởi thế, trong các kinh, luận cổ, những
đức mục được coi là trọng yếu cũng chỉ được thuyết minh một cách giản
dị, đơn thuần; trái lại, trong các kinh, luận mới,tuy được chỉnh lý
nhiều, nhưng thuyết minh về tu đạo, so với thời đại Phật giáo nguyên
thủy, phức tạp hơn nhiều, và, nói theo một ý nghĩa nào đó, đã xa rời
thực tế: đây là một sự thật hiển nhiên. Để thích ứng với tín ngưỡng, ở
thời đại Phật giáo nguyên thủy, quả A-la-hán không phải khó khăn để
đạt được, nhưng một khi đã được A-tỳ-đạt-ma chỉnh lý thì nó biến thành
quả vị tối cao, người thường khó mà đạt được. Do sự tiến bộ về học vấn
mà Tiểu thừa Phật giáo thật đã mất hẳn cái hương vị tôn giáo. Nếu nhận
xét điều này về phương diện thần học, thì các phiền não, đạo diệt phiền
não, và những cảnh giới nhờ đó mà đạt được, tất cả Tiểu thừa đều muốn
chỉnh lý cho có trật tự hẳn hoi: đây là điểm rất lý thú mà ta không thể
bỏ qua.
3-
TƯ CÁCH TU ĐẠO.
Về Tu đạo luận vẫn còn đề mục nữa không thể không bàn đến,
đó là người ta phải có tư cách như thế nào để thích ứng với việc tu
đạo? Về luân lý đạo đức được trình bày trong thiên trước thì người ta,
bất luận ai cũng đều nên theo, nhưng về tu đạo, nếu nói theo nghĩa hẹp,
thì so với luân lý, phạm vi của nó còn hẹp hơn, và tính chất của nó
không thích dụng. Điều này, chiếu theo các giáo phái Bà-la-môn thì
người tua đạo thích hợp đại khái chỉ hạn cục trong ba giai cấp trên mà
thôi (tham chiếu kinh Phệ Đàn Đa, mục nói về tư cách; trong phái Số
luận, tuy lấy ba giai cấp trên làm chủ, nhưng cũng có khi chấp nhận cả
giai cấp thứ tư). Nhưng Phật giáo chủ trương bốn giai cấp đều thanh
tịnh, vì đặc chất ấy cho nên đến Phật giáo Bộ phái, đối với bốn giai
cấp, tự nhiên đã không đặt ra mật hạn chế nào cả. Về nam nữ tính thì
Phật giáo nguyên thủy đã thừa nhận có sự tu đạo thích hợp cho cả nam
nữ, và cũng có khả năng tính đạt được giải thoát, mà trên thực tế, nữ
tính đắc quả cũng không phải ít. Bởi thế, đến Phật giáo Bộ phái đối với
vấn đề này cũng không có dấu hiệu đã đặt ra hạn chế hay sự khu biệt
đặt biệt nào. Duy có vấn đề là sự khu biệt giữa tại gia và xuất gia;
tức muốn tu đạo phải xuất gia hay ở tại gia cũng có thể? Vấn đề này,
chiếu theo Phật giáo nguyên thủy, đức Phật bảo là tuy ở tại gia nhưng
nếu tâm nay thẳng, dốc lòng tu đạo thì tại gia cũng có thể tới giải
thoát, nhất là Ưu bà tắc, Ưu bà di, trong bốn quả, đức Phật nhận là có
thể đạt được quả thứ ba, điều này tôi đã trình bày qua rồi (Nguyên Thủy
Phật Giáo Tư tưởng Luận). Song, sự tu dưỡng triệt để, muốn được giải
thoát thật sự ngay trong hiện tại, thì công năng xuất gia lớn hơn công
năng tại gia, đây cũng là một sự thật rõ rệt (như trong Trung a hàm
quyển 31, Lại-tra-hòa-la-kinh, và Trung a hàm quyển 8,
sa-kê-đế-tam-tộc-tính kinh v.v…). Nhưng thuyết này, đến Phật giáo Bộ
phái thừa kế như thế nào? Nói một cách đại thể thì đến Phật giáo Bộ
phái, thuyết này tuy cũng giống nhau, nhưng về phương diện tinh thần
thì có điểm rất bất đồng. Phật giáo nguyên thủy tuy tưởng lệ xuất gia,
nhưng cũng rất chú trọng đến sinh hoạt luân lý tại gia, đến Phật giáo
Bộ phái thì, cứ theo A-tỳ-đạt-ma lại coi thường phương diện luân lý tại
gia mà chuyên đề cao pháp tu dưỡng xuất gia và kết quả, đó là sự thật
không thể chối cãi (Thành-thật-luận 17, Ác giác phẩm 182, bảo hành giả
ngoài việc không được khởi dục niệm, tâm sân khuể và tâm não hại, còn
đưa ra thân lý giác (tâm lo cho nước), quốc độ giác (tâm muốn đi du
lịch các nơi), bất tử giác, lợi tha tâm và khinh tha tâm v.v… Tựu
trung, bất tử giác, là trước hết đọc tụng năm tạng là tam tạng, tạp
tạng và Bồ tát tạng rồi mớinghiên cứu ngoại điển, nuôi dưỡng đệ tử và
giáo hóa chúng nhân, tu đạo dần dần như thế. Đây là sự ngộ nhận về
trước, sau). Nền thần học của A-tỳ-đạt-ma thật vô cùng phiền tỏa, nhận
xuất gia là do nhà chuyên môn mà phát đạt. Tóm lại, theo ý nghĩa ấy,
người chính đầy đủ tư cách tu dưỡng là người xuất gia, tại gia nhờ tôn
kính cúng dàng xuất gia mà được tham dự phần phúc đức, đó là tư cách
phổ thông, còn người tại gia nào dốc lòng tu dưỡng theo đạo xuất gia
thì điều đó không ai cấm. Do đó, song song với sự hưng thịnh của Phật
giáo Tiểu thừa, sự xuất gia cũng phát đạt rất nhiều, đến đây người ta
không lấy làm lạ tại sao có nhiều người xuất gia. Ở thời đại đức Phật,
vì Phật giáo hưng thịnh nên có đủ loại động cơ xuất gia, bởi thế đức
Phật đã phải phân biệt thành nhiều thứ. Như trong Trường-a-hàm quyển 3,
Du hành kinh, trong phần Phật dạy Chân Na, có nói đến bốn loại xuất
gia: 1- Hành đạo thù thắng, 2- Thiện quyết đạo nghĩa, 3- Y đạo sinh
hoạt, 4- Vị đạo tác uế (Đại chính, 1, trang 18, trung)[2]. Tựu trung, hành đạo thù
thắng nghĩa là đạo hạnh hơn người; thiện quyết đạo nghĩa, là đối với
giáo nghĩa của Phật giáo có tài tuyên thuyết khéo léo, y đạo sinh hoạt
là đạo hạnh tuy không thù thắng, thuyết pháp tuy không khéo léo, nhưng
dù sao vẫn giữ được nếp sống người xuất gia; còn vị đạo tác uế là những
Tỷ khưu phá giới[3]. Lại Thập tụng luật
quyển 1 (Đại chính, 23, trang 2, thượng), cũng đưa ra bốn loại Tỷ khưu:
1- Danh tự Tỷ khưu, 2- Tự ngôn Tỷ khưu, 3- Vị khất Tỷ khưu, 4- Phá
phiền não Tỷ khưu (Câu xá, quyển 15 trích dụng). Tựu trung, Danh tự Tỷ
khưu nghĩa là tuy xưng danh là Tỷ khưu nhưng thật ra là thế tục; Tự
ngộn Tỷ khưu nghĩa là người tự xưng là Tỷ khưu; Vị khất Tỷ khưu, chiếu
theo nghĩa đen là người ăn xin, tức những người hành khất; Phá phiền
não Tỷ khưu là những người Tỷ khưu chân chính. Tỷ khưu của Phật giáo
phải là hạng thứ tư này: chính sự phân loại trên đã bao hàm ý nghĩa ấy.
Ở thời đại Phật giáo nguyên thủy, về mặt đạo hạnh, đã cần phải có sự
khu biệt như thế rồi, bởi thế, đến thời đại Phật giáo Bộ phái vốn chủ
nghĩa hóa và hình thức hóa đạo xuất gia, thì dĩ nhiên,trên thự tế đã
chia ra nhiều loại Tỷ khưu. Do đó, A-tỳ-đạt-ma luận thư lấy đó làm một
trong nhiều vấn đề cũng là lẽ tự nhiên vậy. Như các nhân phẩm được nói
đến trong các A-tỳ-đạt-ma luận thư (chẳng hạn, Nhân phẩm trong
Xá-lợi-phất-a-tỳ-đàm luận, quyển 7), tuy chưa hẳn chỉ là những người
xuất gia, nhưng dù sao cũng lấy trình độ tu hành của những người xuất
gia làm trung tâm mà phân loại căn cơ hay tính chất của họ để hiển bày
tiến trình đưa đến địa vị cao tột.
Như vậy, đến thời đại Phật giáo Bộ phái, ít ra là trên
hình thức, đã trở thành chủ nghĩa xuất gia, mà những người xuất gia đó,
bất luận trên sự thực hay trên lý luận đều phân loại thành nhiều căn
cơ, và đối với cái phương thức tu dưỡng, một mặt thừa nhận, không nhiều
thì ít, có sự bất đồng, mặt khác lại muốn nhất ban hóa, thống chế hóa
những đức mục tu dưỡng, cho nên Tu đạo luận đã nghiễm nhiên trở thành
cực phức tạp và chi ly. Tuy nhiên, nếu phân loại một cách đơn giản thì
những đức mục đó rốt cục không ngoài tam học giới, định, tuệ, bởi thế,
nói một cách giản dị thì sự tu dưỡng của Tỷ khưu không ngoài ý nghĩa tu
tam học: đây là phương châm căn bản và nhất quán từ Phật giáo nguyên
thủy và Phật giáo bộ phái. Do đó, trong thiên thứ sáu này, tuy đã lấy
những đức mục đã được biểu thị ở trên làm bối cảnh, nhưng ở đây chỉ lấy
đề mục tam học để nói rõ phương pháp tu dưỡng một cách đại thể, rồi từ
đây, tiến lên bước nữa tôi tưởng lại phải bàn qua về quá trình đắc
quả.
[1]
Xuất xứ đầu tiên của 3 khổ thấy trong Trường Hàn, Chúng Tập
Kinh, xem Đại Chánh, 1 trang 50, trung.
[2]
Ngoài ra, trong kinh Phật Ban Nê Hoàn còn nói có bốn loại Tỷ khưu:
1- Nghèo cùng không tự nuôi thân được, 2- Mắc nợ mà không trả nổi, 3-
Vô dụng đối với xã hội, 4- Cao sĩ sống thanh khiết, khi nghe Phật
pháp thì bổng nhiên tâm ngộ xuất gia (Đại chính, 1, trang 172,
trung).
[3]
Bà sa, quyển 66, giải thích rằng: Thắng đạo là Phật và Độc giác; Thị
đạo là Xá Lợi Phất; Mệnh đạo là A Nan; Ô đạo tuy chỉ cho Mạt Hát Lạt
Ca có vết như ăn trộm, nhưng cũng còn chỉ cho những Tỷ khưu đặc thù
hóa khác (Câu xá, quyển 15)