Chương II: Các Yếu Tố và Sự Phân Loại Các Pháp
1- LỜI TỰA.
Trở lên, chúng tôi đã trình bày ý kiến của các bộ phái đối với bản chất tồn tại gồm có ba khuynh hướng là thực-tại-luận, duy-tượng-luận và hình-nhi-thượng-học-thực-tại-luận. Song đây là sự kiện liên quan đến vấn đề bản chất. Đứng trên lập trường hiện tượng mà nói thì tất cả các phái đều dễ thừa nhận sự tồn tại của vạn hữu. Nguyên Thủy Phật Giáo cho rằng vạn hữu được cấu tạo bởi nhiều yếu tố, và cái thông lệ đó cũng được mọi phái thừa nhận. Nghĩa là, tất cả các pháp do nhân duyên (quan hệ) hòa hợp mà có chứ tuyệt nhiên không có cái gọi là đệ-nhất-nhân, hay đệ nhất nguyên lý nào cả: đó là ý kến nhất trí của tất cả A-Tỳ-Đạt-Ma (Câu-xá quyển 26, Quốc dịch trang 749). Kết luận của thuyết Giả-danh-vô-thực-thể của nhất-thuyết-bộ tuy không được rõ như thế nào, nhưng nhận xét theo những A-Tỳ-Đạt-Ma-thư hiện còn thì các bộ phái dù chủ trương chủ nghĩa nào đi nữa, khi thuyết minh về hiện-tượng-luận cũng đều theo cái thông lệ là kể đến các loại yếu tố.
Nhưng cái số mục mà các bộ phái thành lập những yếu tố đó cứu kích như thế nào? Và phân loại nó ra làm sao? Vấn đề này, nếu nói một cách chặt chẽ thì trong mỗi phái đều có đặc sắc riêng, nhưng nói một cách đại thể thì giữa các bộ phái cũng có cách lập pháp cộng thông, bởi vì các bộ phái đều thừa kế sự phân loại các yếu tố của Phật giáo nguyên thủy rồi dần dần đem nó khoáng trương và phát triển thêm mà thôi. Trước hết Chúng-tập-kinh trong bộ Trường-A-hàm đưa ra số mục này, đến kinh Tăng Nhất A-Hàm đưa ra phương pháp thuyết minh, A-Tỳ-Đạt-Ma rất ưa chuộng phương pháp thuyết minh ấy và đem ứng dụng nó trong tất cả mọi phương diện. Do đó, nếu nhất nhất đề cập đến mỗi phái thì công việc sẽ hết sức phiền tạp, cho nên, ở đây chỉ đề cập đến những điểm chủ yếu mà thôi, và, sau cùng, tôi tưởng ta chỉ căn cứ vào phương pháp thuyết minh về đặc chất của các yếu tố nào mà ta cho là thích đáng nhất.
2- Ý NGHĨA SỰ PHÂN LOẠI CÁC PHÁP.
Vấn đề tiên quyết phải được nêu lên ở đây là: những yếu tố về mặt pháp tướng của A-Tỳ-Đạt-Ma là gì? Cái cơ sở để phân loại các yếu tố ấy ra sao? Đó là vấn đề căn bản của yếu-tố-luận.
Nói một cách tóm tắt thì Phật giáo gọi tất cả những yếu tố cầu tạo vạn hữu là “Pháp”. Do đó mà trong Phật giáo vạn hữu được gọi là “nhất thiết pháp”. Song, ý nghĩa của chữ “pháp” là gì? Theo thông lệ, các vị luận sư của A-Tỳ-Đạt-Ma đều giải thích là “tự-tính-nhậm-trì”, nghĩa là chữ “pháp” có một đặc chất nhất định, không thay đổi. Các nhà chú thích Duy-thức-thuật-ký-nhất-bản (Đại chính, 43, trang 239, hạ), Câu-xá-luận-ký quyển I (Đại chính, 43, trang 8, hạ) lại thêm một điều kiện nhận-thức-luận nữa bằng từ ngữ “quĩ-sinh-vật-giải” để định nghĩa chữ “pháp”. Như vậy, hợp lại thì cái gì có một đặc chất nhất định để phát khởi một nhận thức thích ứng với cái đó thì gọi là “pháp”. Nói cách khác, cái gì đó đặc chất nhất định và được nhận thức thì gọi là “pháp”. Như vậy, cái mà Phật giáo gọi là yếu tố là muốn nói: khi đem phân tích và giải phẩu cái tổ chức và hoạt động của vạn hữu thì thấy có một đặc chất nhất định do đó vạn hữu được nhận thức. Song đây mới chỉ là luận về đại thể mà thôi. Tiến lên bước nữa, làm thế nào để cụ thể hóa cái tướng đặc thù của các pháp được nhận là có một đặc chất nhất định? Đây thật là vấn đề cực khó khăn. Vì trong mọi hiện tượng, bất luận là vật hay tâm, các yếu tố đều hỗ tương quan liên, cho nên, nếu đem phân tích chung một cách rõ ràng là một việc rất khó. Nói một cách đơn giản, nhu những màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, đặc chất của mỗi màu tuy khác nhau nhưng trên thực tế, cái giới hạn của chúng rất khó phân biệt. Hoặc như cùng là một cảm tình, mừng, giận, thương, vui.v.v.. mỗi mỗi đều có đặc chất riêng, nhưng giới hạn của chúng thì thật cũng khó phân biệt. Vấn đề này lấy kinh nghiệm và phản tỉnh làm cơ sỏ, tất kính không ngoài kết quả của sự quan sát. Nhưng cái xu thế ưa sự phân tích nghiên cứu của thời đại Phật giáo nguyên thủy càng tiến bộ thêm ở thời đại Bộ phái Phật giáo. Hơn nữa, vì sự sản sinh ra pháp-thể-hằng-hữu-luận, nên, việc thích ứng với luận thuyết đó cũng đã trở thành một vấn đề rất trọng đại đối với Bộ phái Phật giáo. Về chủng loại và số mục của các yếu tố, trên đại thể, các phái tuy có chỗ cộng thông, nhưng đến chi tiết thì giữa các phái cũng có nhiều điểm bất đồng. Chính do đó mà về vấn đề định số của pháp-số cùng tính chất giả, thật đã phát sinh ra những luận thuyết bất đồng.
Trở lại vấn đề, chúng ta phải phân loại các pháp như thế nào? Đây cũng là một vấn đề trọng đại, vì nếu cứ thành lập vô số pháp một cách hỗn tạp thì đó không phải là phương pháp rõ ràng để quan sát tính chất của các pháp, cho nên cần phải căn cứ vào nguyên tắc nào để có thể phân loại các pháp một cách tận cùng mà đơn giản. Vấn để chính là ở đó (đương nhiên, vấn đề này cũng còn do thái độ và mục đích quan sát như thế nào mà có điểm bất đồng, vả lại, trên thực tế, từ Nguyên thủy Phật giáo đến các vị A-Tỳ-Đạt-Ma Luận sư, tuy phần lớn căn cứ và áp dụng phương pháp phân loại nào tiện lợi, song cũng vẫn phải dựa vào một nguyên tắc để lập thành phương pháp phân loại). Chính vì thế mà cái gọi là “Nhiếp Phẩm” được biểu hiện trong các A-Tỳ-Đạt-Ma luận thư đã trở thành đề mục cho mục đích đó. NHiếp Phẩm muốn đứng trên nhiều lập trường khác nhau để thí nghiệm qua phưng pháp “tương hổ tương nhiếp” (về Nhiếp phẩm tham chiếu Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm luận quyển 21-24). Còn như cái tiêu chuẩn thì giữa các bộ phái cũng có những nghị luận khác nhau, Đại-tỳ-bà-sa luận quyển 59 (Đại chính, 27, trang 306, trung) nói: Các nhà Phân-biệt-luận chủ trương rằng cái gọi là “tương nhiếp” chỉ có nghĩa nhiếp tha tính chứ không phải nhiếp tự tính. Nghĩa là, theo phái này thì cái gọi là “phân loại” chỉ có nghĩa là đem thống nhiếp tất cả những sự vật bất đồng lại thành một loại mà thôi, bởi thế nên cái nguyên lý của nó có thể nói tất kính cũng chỉ nhằm đến mục đích tiện lợi mà thôi. Thuyết của các nhà Phân-biệt-luận, theo chỗ lập cước của một loại duy-danh-luận, chỉ coi vật thể cá biệt như những đơn vị tồn tại, rồi đem thống hợp tương nhiếp tất cả những đơn vị đó trong những phạm trù khác nhau, thật ra không ngoài sự chỉnh lý khái niệm của người ta mà thôi. Thuyết-giả-bộ dùng cách phân loại “Tam khoa” cho rằng hết thảy đều là giả đã hoàn toàn xuất phát từ thuyết trên này. Theo Luận-Sự 7, 1 thì Vương-sơn-bộ, Nghĩa-thành-bộ cũng phát biểu cùng một ý kiến. Trái lại, theo lập trường của Thực-tại-luận tuy là đơn giản, nhưng có thể lập thành cái nguyên lý thỏa đáng đó vẫn là Bà sa (quyển 59, Đại chính, 27, trang 306), Câu xá (quyển 1, Quốc dịch, trang 46-48), bởi thế, ở đây ta hãy lấy đó làm đại biểu để quan sát.
Theo Bà sa, Câu xá thì cái tinh thần của phương pháp phân loại ngụ trong câu: “nhiếp tự tính, ly tha tính”; nghĩa là cho những sự vật cùng một tính chất vào một loại, những sự vật không cùng tính chất vào một loại khác, chẳng hạn như những hiện tượng của tâm (tâm sở) tuy có nhiều loại, nhưng bất luận loại nào cũng đều lấy tự tâm làm chủ thể; về mặt hoạt động của tâm, thống hợp tất cả những yếu tố hoạt động đó lại mà gọi là “tâm sở”. Lại như những hiện tượng vật tuy có nhiều loại nhưng vì đặc chất của chúng là biến hoại và chấp ngại nên gọi chúng là “sắc pháp”. Tức là một mặt nhiếp tự loại, nhưng mặt khác, không hòa nhập với tha loại: đó là quy tắc căn bản của sự phân loại này. Hữu Bộ có nhiều pháp, tức đặc sắc “tự tính nhậm trì, quỹ sinh vật giải”, trong các hiện tượng, dần dần đã nhiếp một khái niệm cao, ước khoảng trăm pháp (Câu xá 75 pháp). Rồi lại đem tương nhiếp phụ loại để trở thành phương pháp phân loại trong Phẩm-loại-túc-luận trở về sau đến Bà sa, Câu xá, v.v… Không những thế, theo Bà sa luận thì giáo đồ của Hữu Bộ trở về sau không hẳn chỉ hạn định trong cách phân loại “ngũ vị”, từ thời đại Phật giáo Nguyên thủy, cái mô phạm phân loại vạn hữu như ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới, tất cả đều theo quy tắc này. Có thể nói, cách phân loại “Tam khoa” muốn đặt một nền tảng khoa học.
BỊ KHẢO: - “Về tính chất giả, thực của Tam khoa, giữa các bộ phái có nhiều nghị luận khác nhau. Chẳng hạn sự phân loại uẩn, xứ, giới của Thuyết-giả-bộ, bất luận loại nào, chẳng qua chỉ căn cứ vào sự tiện lợi mà thôi, vì thế cho rằng hết thảy là giả. Kinh-lượng-bộ thì nói, phân loạo ngũ uẩn và thập nhị xứ là phương tiện (giả), còn phân loại thập bát giới là chân thực. Luận chủ Câu xá là Thế Thân thì lại chủ trương: thập nhị xứ, thập bát giới là chân thực, nhưng phân loại ngũ uẩn là giả. Còn như lập trường cố hữu của Hữu Bộ thì dĩ nhiên chủ trương tam khoa đều là thực cả”.
Như vậy, tuy các bộ phái muốn nêu rõ cái tinh thần và nền tảng của sự phân loại, nhưng, như trên đã nói, vì chỉ nhằm vào tiện nghi nhất thời nên đã đưa ra nhiều cách phân loại, và về quan hệ, thật tế mà nói, tất cả đều không hợp lý. Song, A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo, ở điểm lấy sự phân loại, tương nhiếp, phân loại làm phương pháp nghiên cứu chủ yếu, luận cứu về vấn đề này, có thể nói rất có ý nghĩa học vấn.
3- NHỮNG PHƯƠNG PHÁP PHÂN LOẠI.
Bây giờ ta lại xét đến các loại pháp mà các bộ pháp áp dụng hay đề xướng cùng với phương pháp tương nhiếp của chúng. Về điểm này, Từ chỗ cực đơn giản tiến đến chỗ cực phức tạp có rất nhiều phương thức.
Trước hết hãy đề cập đến giai đoạn cực đơn giản đã. Lúc ban đầu, vạn hữu được chia thành hai loại mà ai cũng biết là: hữu-vi-pháp và vô-vi-pháp. Đây là cách phân loại mà đức Phật - đặc biệt đứng trên lập trường giá trị - đã đề xướng. Sau do sự phát triển của vô vi quan mà cách phân loại đó đã trở nên rất phổ thông. Chẳng hạn A-Tỳ-Đạt-Ma-pháp-yếu-luận cũng lấy cách phân loại này làm một tiêu chuẩn. Đến luận Câu xá, khi giải thích về vạn hữu, lúc đầu chia thành hữu lậu và vô lậu, nhưng sau chia ra hữu vi và vô vi (Câu xá luận quyển 1) chính thật đã phát xuất từ phương thức trên đây. Rồi lại có những khuynh hướng muốn chia vạn hữu thành ba loại mà trong đó, theo chỗ tôi biết, Câu xá luận vẫn trội hơn cả, Câu xá thử chia vạn hữu thành nhất-uẩn, nhất-xứ, nhất-giới ba khoa, muốn thu nhiếp hết thảy mọi yếu tố vạn hữu (Câu xá luận quyển 1 (Quốc dịch trang 47): Tóm thâu hết thảy pháp, do một uẩn-xứ-giới; nhiếp tự tính, xa lìa tha tính). Nghĩa là, trong sắc uẩn bao gồm vật chất, trong ý xứ nhiếp thâu hết thảy tinh thần, và trong pháp giới bao gồm tất cả pháp bất-tương-ưng, các pháp vô vi và những hiện tượng tương đương với tinh thần. Nói một cách đơn giản, vạn hữu được chia thành ba loại: vật, tâm và vô vi. A-Tỳ-Đạt-Ma-pháp-yếu-luận (8-13) đại khái cũng đề cập cách phân loại này, do đó chia vạn hữu thành danh (tâm), sắc (vật) và thi thiết ba loại. Rồi lại tiến thêm một bước nữa, cái phương thức chia vạn hữu thành bốn yếu tố cũng đã phát xuất từ thời đại Phật giáo Nguyên thủy: đó là thuyết Tứ thực. Thuyết này chủ yếu chỉ muốn nói rõ những yếu tố cấu tạo các loài hữu tình, nhưng nếu nói rộng ra, thì nó cũng có thể bao hàm toàn thể các yếu tố vạn hữu. Tứ thực là: đoạn thực, xúc thực, ý tư thực và thức thực. Đoạn thực chỉ các yếu tố vật chất, còn ba thực kia chỉ những yếu tố tinh thần hợp lại để cấu tạo và duy trì các loài hữu tình, như thực vật nuôi dưỡng thân thể vậy. Chính vì theo ý nghĩa ấy nên nói là “thực” (về Tứ thực, tham chiếu Phật giáo Nguyên thủy tư tưởng luận, 340). Song, thuyết Tứ thực mang rất nhiều ý nghĩa thí dụ, hơn nữa, nó không bao hàm các pháp vô vi, cho nên A-Tỳ-Đạt-Ma tựa hồ không cho đó là phương pháp phân loại phổ cập.
Một thuyết khác nữa tuy cũng cùng một khuyết điểm như thuyết Tứ thực là không bao hàm các pháp vô vi, nhưng từ thời đại Phật giáo Nguyên thủy đến A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo đã tở thành một phân loại tiêu chuẩn rất quen thuộc: đó thuyết Ngũ Uẩn. Thuyết này chia vạn hữu thành sắc (vật chất), thụ (cảm giác, cảm tình), tư (biểu tượng), hành (ý chí) và thức (ngộ tính, thống giác) năm loại, trong đó một loại thuộc vật chất và bốn loại thuộc tinh thần. Lại một cách phân loại nữa tuy không chiếm được ưu thế lắm, nhưng theo một ý nghĩa nào đó, nhưng có thể ngang hàng với thuyết Ngũ Uẩn. Đó là thuyết địa, thủy, hỏa, phong, không, thức sáu loại, và, trái ngược với thuyết ngũ uẩn, trong đó chỉ có một yếu tố tinh thần, còn tất cả là vật chất. Cách phân loại này đã được nói đến trong A-Hàm bộ, Đa-giới-kinh (Đại chính, 1, trang 723) và tiến lên nữa, trong thuyết Lục-đại-duyên-khởi của Chân-ngôn-tông cũng đã bàn đến, nhưng trong A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo nó vẫn không được coi là trọng yếu lắm.
Thuyết Ngũ uẩn, như đã thuật ở trên, tuy được coi là phân-loại-pháp rất có ưu thế, nhưng trong đó lại không bao hàm vô vi và như vậy không khỏi có chỗ khiếm khuyết, cho nên, giữa các học phái cũng có phái chủ trương thêm các pháp vô vi vào để bổ khuyết cho phân-loại-này này. Người được coi có ý đồ đó là Ngộ Nhập, tôn sư của Thế Thân. Trong Nhập-A-Tỳ-Đạt-Ma-luận, ngoài ngũ uẩn ra, Ngộ Nhập còn thêm vào ba pháp vô vi là trạch diệt, phi-trạch-diệt và hư không, muốn chia vạn hữu thành tám cú nghĩa (Thiện-thệ-chi-tông hữu Bát-cú-nghĩa: I) sắc, 2) thụ, 3) tưởng, 4) hành, 5) thức, 6) hư không, 7) trạch diệt, 8) phi-trạch-diệt, thử tổng nhiếp nhất thiết nghĩa (Nhập-A-Tỳ-Đạt-Ma-luận quyển thượng, Đại chính, 28, trang 980, hạ).
Tuy có nhiều cách phân loại như thế, nhưng, từ nguyên thủy Phật giáo đến A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo, cách phân loại được coi là trọng yếu nhất mà tất cả đều áp dụng là phân loại Thập-nhị-xứ và Thập-bát-giới.
Thuyết thập-nhị-xứ, thập-bát-giới đều đứng trên căn bản nhận-thức-luận, trong có thể thu nhiếp hết thảy mọi yếu tố. Hai thuyết này cộng thêm với thuyết ngũ uẩn kể trên thành ra cái gọi là “tam-khoa-phân-loại” và hầu như đã trở thành phương thức tiêu chuẩn của tất cả A-Tỳ-Đạt-Ma.
Dưới đây là đồ biểu về thập nhị xứ:
Sự phân loại trên đây là căn cứ vào cái quan hệ giữa lục cảm và đối tượng của chúng. Trong đồ biểu trên, ý nghĩa của ngũ căn và ngũ cảnh đã rất rõ ràng, riêng về ý nghĩa ý căn của căn thứ sáu và pháp xứ của cảnh thứ sáu cần phải được giải thích thêm.
Về mặt pháp tướng của A-Tỳ-Đạt-Ma, ý căn tuy có nhiều giải thích khác nhau, nhưng ở đây nó đồng ngĩa với ý thức thứ sáu và được gọi là căn, có ý nghĩa một cơ quan nhận thức đối tượng. Còn về pháp xứ[1] thì không phải là đối tượng của năm cảm quan trước mà chỉ là đối tượng ý thức mà thôi, trong đó gồm có vô vi, bất-tương-ưng-hành-pháp và những hiện tượng tinh thần và khách quan. Như vậy, về mặt nhận-thức-luận nó có thể bao hàm hết thảy. Về điểm này, đức Phật đã trực tiếp gọi nó là “nhất thiết” (toàn vũ trụ) (tham chiếu Tạp-A-hàm quyển 13, Đại chính 2, trang 91, thượng; Nguyên Thủy Phật Giáo Tư-Tưởng-Luận trang 153). Giữa các học giả, sự phân loại này được nhận là hay nhất.
Thứ đến Thập-bát-giới. Đem lục căn và lục cảnh kể trên phối hợp với lục thức thành ra Thập-bát-giới, và điều này đúng ra không ngoài việc khoáng đại tinh thần của Thập-nhị-xứ.
Giản ước hơn, luận Câu-xá quyển 1 (Quốc dịch trang 66) chỉ đưa ra có ba lý do: “1) Vị sai biệt tối thắng; 2) nhiếp dụ; 3) tăng thượng pháp, cố nhất danh pháp xứ”.
Còn về pháp giới thì luận Bà sa quyển 74 (Đại chính, 27, trang 370, hạ) giải thích: “Chư pháp vị ý dĩ chính đáng, thị danh pháp giới”.
Dưới đây là đồ biểu về Thập-bát-giới:
Khi phối hợp như thế thì vấn đề được đặt ra là: sự sai khác giữa ý-căn-giới và ý-thức-giới cứu cánh là như thế nào? Vấn đề này giữa các bộ phái có nhiều giải thích bất đồng. Đứng về phương diện pháp tướng của A-Tỳ-Đạt-Ma mà nói, đây tuy là một vấn đề rất khó, nhưng ở đây chúng tôi xin tạm giải thích như sau: ý-căn-giới chuyên chỉ ở phương diện bị động, còn ý-thức-giới phán đoán, suy lý, v.v…không nhiều thì ít, bao hàm phương diện của tâm.
Trong những cách phân loại kể trên, như đã được trình bày, Ngũ uẩn, Thập-nhị-xứ, Thập-bát-giới, được gọi là Tam khoa, là những phân loại cơ bản của tất cả A-Tỳ-Đạt-Ma (về tinh thần “Tam khoa phân loại”, xin xem Bà sa 71, (Đại chính, 27, trang 366, hạ).
Ngoài ra, còn một phương thức nữa cũng đã được tất cả A-Tỳ-Đạt-Ma luận cứu một cách tận lực: đó là Nhị-thập-nhị-căn-luận. Theo chỗ chúng tôi nghiên cứu thì trong Ni-ka-da tuy chưa biểu hiện một cách thống hợp, nhưng đã được đề cập rải rác ở nhiều chỗ. Đến luận bộ thì bắt đấu từ Tỳ-bà-băng-già (chương 5) rồi lần lượt tất cả luận, kể cả các luận bộ Bắc-Phương luận cứu đến, (Phát-trí-luận quyển 5 (Đại chính, 26, trang 43, trung) lấy Nhị-thập-nhị-căn, thập-bát-giới, thập-nhị-xứ, ngũ uẩn, ngũ-thủ-uẩn và lục-giới làm phương thức phân loại chủ yếu của vạn hữu). chẳng hạn như Căn luận trong các luận Vấn-phận-căn-phẩm trong Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm quyển 5 (Đại chính, 28, trang 560, thượng), Căn phẩm trong Câu xá luận (quyển 33-7). Do đó, trong luận Bà sa quyển 142 (Đại chính, 27, trang 729, thượng) tuy có trích dẫn Khế kinh nói về Nhị-thập-nhị-căn, nhưng trong kinh A Hàm hiện nay người ta không tìm ra.
Nhị-thập-nhị-căn (đây chỉ căn cứ theo thuận tự tong Câu xá luận mà thôi) là:
Nhãn căn, nhĩ căn, tỵ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, nữ căn, nam căn, mệnh căn, lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, tín căn, cần căn, niệm căn, đinh căn, tuệ căn, vị-tri-đương-căn, dĩ-tri-căn, và cụ-tri-căn.
Lúc đầu, cái gọi là căn chỉ dùng theo thông lệ trong các Kinh với nghĩa tăng tượng mà thôi, chứ trong không có một liên lạc nào; nhưng đến A-Tỳ-Đạt-Ma thì lại muốn cho nó có một liên lạc. Theo Câu xá, Bà sa thì sáu căn đầu nói rõ chỗ y chỉ của tâm, thứ đến, hai căn nam, nữ là chỉ rõ sự khu biệt giữa các loài hữu tình, mệnh căn thuyết minh căn bản của sinh mệnh; trở lên là bộ phận liên quan đến những yếu tố cấu tạo các loài hữu tình; còm từ đó trở xuống là bộ phận nói rõ cái đạo trình tu dưỡng phải trải qua. Trước hết nói đến ngũ-thụ-căn để chỉ rõ cái tướng tạp đa của sinh hoạt tình cảm, rồi dùng nó làm phương tiện tịnh hóa mà thuyết minh năm tín, cần, niệm, định, tuệ, và cuối cùng để hoàn thành mục đích tối hậu mà nói rõ ba căn vô lậu: đó là cái nguyên lý thành lập Nhị-thập-nhị-căn. Trong luận Câu xá quyển 3 (Quốc dịch trang 168) có bài tụng như sau:
“Tâm sở y, thử biệt, thử trụ, thử tạp nhiễm, thử tư lương, thử tịnh: do thử lượng lập căn”.
Theo Lân ký trong Tụng Sớ thì đây là luận thuyết của Pháp tạng bộ (Phật-giáo-đại-hệ-bản-đệ-nhất, trang 224). Còn Câu xá (quyển 3, Quốc dịch, trang 170) thì lại cho rằng vì muốn do căn để kiến lập nguyên lý “lưu-chuyển-hoàn-diệt” mà thuyết minh Nhị-thập-nhị-căn. Do nhưng ý kiến trên đây ta thấy về căn cứ của thuyết Nhị-thập-nhị-căn có nhiều thuyết khác nhau: đó là một sự thật hiển nhiên. Song, dù thế nào đi nữa thì, như đã trình bày ở trên, vì nó là một phương thức phân loại, cho nên, đứng trên lập trường thế-giới-quan mà nói, nó vẫn có một giá trị riêng.
4- ĐẶC BIỆT VỀ PHÂN LOẠI NGŨ VỊ.
Như vậy là đã có nhiều phương thức phân loại vạn hữu và, do đó, tính chất của các yếu tố cũng đã rõ ràng dần dần đã tăng thêm và như thế vẫn còn có chỗ chưa được thỏa mãn. Cho nên, khuynh hướng muốn thử đưa ra những phương thức phân loại mới mà không câu chấp vào các kinh cũng đã phát sinh. Theo chỗ người ta biết, cái phương thức xảo diệu nhất được coi là do Thế Hữu của Hữu Bộ đề xướng là thuyết Ngũ Vị. Bởi thế ở đây chúng tôi xin giới thiệu qua những điểm chủ yếu của thuyết đó trước khi chấm dứt chương này.
Thế Hữu (ra đời vào khoảng 500 năm sau Phật nhật diệt) chia những yếu tố cấu tạo vạn hữu thành năm loại: Sắc, tâm, tâm sở, Tâm-bất-tương-ưng-hành và vô vi. Ở đầu phẩm Biện-ngũ-sự trong Phẩm-loại-túc-luận, năm loại lớn trên lại được chia thành những thành phần nhỏ một cách rất đơn giản và rõ ràng, bởi thế, dưới đây chúng tôi xin trích toàn văn của đoạn đó trong Biện-ngũ-sự-phẩm:
Có năm pháp: 1- sắc, 2- tâm, 3- tâm sở, 4- tâm bất ưng hành, 5- vô-vi-pháp.
Sắc là gì? Là tất cả những vật chất có hình sắc và do bốn đại tạo thành. Bốn đại là: đất, nước, lửa, gió. những sắc được hợp tạo là: nhãn căn, nhĩ căn, tỵ căn, thiệt căn, thân căn, sắc, thanh, hương, vị xúc và biểu sắc.
Tâm là gì? Là tâm, ý, thức. Tâm, ý, thức là gì? Là lục-thức-thân, tức là nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
Tâm-sở-pháp là gì? Là những pháp tương ứng với tâm. Pháp đó là gì? Là: thụ, tưởng, tư xúc, tác ý, dục, thắng giải, niệm, định, tuệ, tín, cần, tầm, tư, phóng dật, bất phóng dật, thiện căn, bất thiện căn, vô ký căn, nhất-thiết-kết-phọc, tùy miên, tùy-phiền-não, triền, chư-sở-hữu-trí, chư-sở-hữu-kiến, chư-sở-hữu-niệm-quan. Ngoài ra, tất cả các pháp khác tương ứng với tâm như thế thì đều gọi là Tâm-sở-pháp.
Tâm-bất-tương-hành là gì? Là những pháp không tương ứng với tâm. Những pháp đó là gì? Là đắc, vô-tưởng-định, diệt-định, vô-tưởng-sự, mệnh-căn, chúng-đồng-phận, y đắc, sự đắc, xứ đắc, sinh, lão, trụ, vô-thường-tính, danh thân, cá thân, văn thân. Ngoài ra, tất cả các pháp không tương ứng với tâm đều gọi là tâm-bất-tương-ứng.
“Vô vi là gi? Là ba vô vi: hư không, phi trạch diệt, trạch diệt” (Phẩm-loại-túc-luận quyển 1, Đại chính, 26, trang 692, trung).
Đoạn văn trên đây tuy cực đơn giản nhưng rất đầy đủ, ta có thể cho đó là mô phạm của sự phân loại cũng không phải là quá đáng. Cách phân loại này, vế sau, không những đã trở thành điển hình của Hữu Bộ, mà ngay cả đến phái Duy thức của Đại thừa cũng lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự phân loại của mình. Hơn nữa, chiếu theo luận bộ Nam phương, trong bảy bộ luận tuy chưa thấy có sự phân loại đó, nhưng trong những sản phẩm thuộc thời kỳ sau, người ta đã phát hiện cùng một loại phân loại ấy. Đó là cách phân loại trong A-Tỳ-Đạt-Ma-Pháp-Yếu-Luận được coi là trứ tác của a-nâu-lâu-đà khoảng từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 12. Mở đầu, quyển 1 nói: “Pháp có bốn loại: 1) tâm thức, 2) tâm sở, 3) thô sắc, tế sắc, 4) Niết bàn (vô vi)”. Nếu chỉ có bốn pháp trên thì so với thuyết Ngũ vị của Thế Hữu còn thiếu mất “tâm-bất-tương-hành”. Nhưng, ở một nơi khác, luận này còn đến “thí thiết”, “khái niệm”, “quan niệm”. Như vậy, Nếu đem các pháp tâm-bất-tương-ưng-hành và nhân-duyên-pháp của Hữu Bộ thu nhiếp vào những thi thiết, khái niệm và quan niệm A-tỳ-đạt-ma-pháp-yếu-luận thì ta có thể nói, trên phương diện toàn thể, sự phân loại trên đây hoàn toàn cùng một tinh thần với sự phânloại của Thế Hữu. Đương nhiên, ta không thể nói một cách vô đoán rằng A-nâu-lâu-đà đã chịu ảnh hưởng của Thế Hữu, bởi lẽ, đứng về phương diện tính chất của các pháp mà nói thì sự phân loại nào thì tất nhiên cũng phải như thế. Tuy nhiên, cái công đầu trong việc đề xướng Ngũ-vị-phân-loại vẫn là của Thế Hữu: đó là điều ta cần phải thừa nhận.
Thế Hữu tuy đã thâu nhiếp các pháp vào năm loại (ngũ vị), nhưng về pháp số thì vẫn chưa thành con số nhất định. Không những Phẩm-loại-túc-luận như thế mà ngay cả Đại-tỳ-bà-sa-luận cũng vẫn chưa quyết định thu nhiếp các pháp nào vào năm vị và bỏ những pháp nào, vì định số chủ yếu về tâm sở vẫn chưa được quyết định. Vế sau, Duy-thức-phái căn cứ vào luận Bà sa mà liệt một trăm pháp vào ngũ vị, nhưng trong Nhập-A-tỳ-đạt-ma-luận của Ngộ Nhập, bề ngoài tuy không dựa vào cách phân loại ngũ vị, nhưng bên trong cũng ngấm ngầm dự tưởng phương thức đó mà liệt kê bảy mươi bảy pháp, song như thế cũng vẫn chưa có được một con số thống nhất và quyết định. Để chính lý lại điều này chính là con số năm vị bảy mươi lăm pháp của luận Câu xá, bởi thế, tôi tưởng nên lấy con số đó làm đại biểu cho toàn thể và đồ biểu như sau:
Chú: Ngày nay ai cũng nhận là Câu-xá-luận liệt kê 75 pháp và căn cứ vào đó để học tập hay nghiên cứu. Nhưng, nói một cách chặt chẽ thì Câu-xá vẫn chưa xác định con số của Bất-định- pháp trong tâm-sở-hữu-pháp. Đến Câu-xá-luận-ký của Phổ Quang mới xác định số của Bất-định-pháp là 8 gồm ác tác, thụy miên, tầm từ, tham sân, mạn, si và căn cứ vào đó mà nói là 75 pháp của Hữu Tôn.
5- KẾT LUẬN
Như trên đã trình bày về những yếu tố tụ, tán, ly, hợp, tức thế giới, tiếp theo, chúng tôi sẽ nói về những tướng của các yếu tố đó và, theo nguyên lý luận, trước hết hãy thuyết minh cái đặc chất của chúng đã. Căn cứ theo tinh thần của thuyết Ngũ Vị, ta sẽ lần lượt đề cập đến: (i) Vật-chất-quan, (2) Tâm-lý-quan, (3) Tâm-bất-tương-ưng-hành-quan, (4) Nhân-duyên-quan, (5) Chư-môn-phân-biệt-thế-giới-quan. Song, về Vô-vi-luận, vì là một đề mục muốn được bàn đến sau khi đề cập về hữu-tình-luận, cho nên, ở đây, chúng tôi sẽ chỉ luận cứu về vật chất, bất-tương-ưng và nhân-duyên mà thôi.
[1] Thể của Thập-nhị-xứ đều là pháp cả, vậy tại sao chỉ lập có một pháp xứ? Về điểm này, luận Bà sa quyển 73 (Đại chính, 27, trang 380, thượng) đưa ra 11 lý do như sau: 1) hữu-thí-dụ cố; 2) bất cộng danh vô cố; 3) sinh tướng; 4) tứ-hữu-vi-tướng; 5) danh, cú, văn, thân duy ư thử xứ nhiếp cố; 6) thông sinh chư pháp cố; 7) không giải thoát môn; 8) trạch-diệt-niết-bàn; 9) như thực giải tuệ, diệt duy nhiếp ư thử xứ cố; 10) nhiếp đa pháp cố; 11) đối ý xứ cố.