Chương
II: Nguyên Tắc Tu Đạo Với Giới Định Tuệ
1-
QUAN HỆ GIỮA TU ĐẠO VÀ TAM HỌC.
Về đức mục tu đạo, tuy có nhiều, nhưng chủ yếu thì không
ngoài Tam học giới, định, tuệ. Từ đây, tôi tưởng nên trình bày qua về
Tam học (nhưng, về giới, đặc biệt về luật, đã nói trong thiên trước
rồi, nên ở đây không đề cập đến nữa). Trước hết hãy nhận xét về tổng
thể của Tam học. Sự quan hệ giữa nguyên tắc căn bản của Tu đạo luận như
thế nào? Tôi tưởng phải thuyết minh cái quan hệ tất nhiên bất ly giữa
Tu đạo và Tam học. Tam học của Phật giáo không phải chỉ là chia làm ba
để tiện cho phương pháp tu dưỡng, nhưng trong đó giáo lý căn bản và tổ
chức nhân sinh có sự quan liên mật thiết.
Theo Phật giáo, sự sinh hoạt của chúng ta lấy dục làm cơ
sở để thành lập, ngã chấp, ngã dục là nền tảng của sự sinh tồn. Như đã
nói nhiều lần, trong cái căn bản của ngã chấp, ngã dục ấy có yêu cầu
sinh mệnh vô hạn mà, như đã trình bày qua, tuy được gọi là tâm tính bản
tịnh, nhưng về phương diện một hiện tượng thì sự sinh hoạt của chúng
ta do vô minh và ái dục chi phối; đó là quan điểm nhất ban của Phật
giáo. Như trước đã nói, người ta có nghiệp tập từ vô thủy, tự nhiên
phải theo hạn định dự trước, người ta tuy sống nhưng được quy định bởi
tính tích hay cảnh ngộ mà trong đó đặc trưng của sinh mệnh không thể
không phát hiện hoạt động tự phát được. Cái lý do tại sao Phật giáo cho
thế giới này là khổ là do sự sợ hãi tự nhiên về khổ khổ, hoại khổ và
hành khổ như trên kia đã nói, tuy ở lực chi phối nhưng trong đó đã mang
đầy đủ nghiệp tập tự nhiên ràng buộc mất tự do (đại khái được gọi là
hành khổ), phương pháp để giải thoát khỏi sự ràng buộc tự nhiên từ cả
bên trong lẫn cả bên ngoài ấy mà đạt đến tự do chân chính, ta không thể
tìm kiếm ở bên ngoài mà phải tâm cầu bên trong, nếu nói một cách đơn
giản thì đó là sự cải tạo tinh thần của ta, đây không những là con
đường giải thoát duy nhất; mà là con đường tắt tất nhiên: có thể nói, đó
là chú ý nhất quán của Phật giáo. Theo Phật giáo thì sức ép thiên
nhiên có thể được cải tạo, nhưng phải rất từ từ chứ không gấp rút được.
Trái lại, tâm người ta, trên thực tế, thật vô cùng khó khăn nếu không
có một ý chí kiên quyết và cố gắng không ngừng thì không thể nào cải
tạo được nó một cách triệt để. Đây chính là lý do tại sao Phật giáo,
nhận xét về phương diện giá trị, chủ trương thế giới là sản phẩm của
tâm, bất luận mê hay ngộ, tất cả đều do nơi tâm. Về điểm này, xin trích
mấy câu kinh văn để chứng minh:
Xe do các nghiệp mà khởi, tâm thức quay với xe, theo nhân
mà chuyển đến, hễ nhân hoại thì sẽ diệt – Tạp-a-hàm, Kinh 49 (Đại chính,
2, trang 356, cột dưới).
Tâm mang thế gian đi, tân dẫn thế gian đến, chỉ có tâm là
thể chế ngự được thế gian – Tạp-a-hàm, Kinh 36 (Đại chính, 2, trang 264,
thượng).
Tâm là căn bản, tâm sai tâm khiến, trong tâm nghĩ ác thì
tức làm ác, tội khổ đuổi theo cũng như bánh xe quay theo trục xe. Tâm là
căn bản, tâm sai tâm khiến, trong tâm nghĩ thiện thì tức tâm thiện,
hạnh phúc đi theo cũng như bóng theo hình – Xá-lợi-phất-a-tỳ-đàm luận,
quyển 15 (Đại chính, 28, trang 628, trung).
2-
TUỆ HỌC.
Đến đây, vấn đề được nêu lên là: làm thế nào để cải tạo
tâm một cách triệt để? Ở đây, phát sinh tác dụng là tam học Giới, Định,
Tuệ.
Để cải tạo tâm, trước hết không thể không biết rõ sự thự
hiện tại. Nói một cách khác, đồng thời với cảm giác thống khổ mất tự do,
phải thức tỉnh tinh thần mong cầu lý tưởng vĩnh viễn bất động. Phật
giáo nói đến như thực tri kiến và bát nhã rốt ráo không ngoài ý nghĩa
đó. Phật giáo sở dĩ được coi là một tôn giáo trọng trí tuệ nhất trong
các tôn giáo là vì Phật giáo lấy sự tự giác chân chính làm trọng yếu.
Bởi thế, mà trí tuệ kể là một trong Tam học. Song, có điều quan trọng
là chúng ta đừng lầm lẫn trí tuệ ở đây với trí thức do học vấn. Phật
giáo, đặc biệt đến A-tỳ-đạt-ma, như đã trình bày ở trên, tuy rất giàu
thuyết minh tri thức học vấn, nhưng đó thật ra chỉ là phương tiện để đạt
đến trí chứ không có một nhiệm vụ tất nhiên nào cả. Trí tuệ của Phật
giáo có nghĩa là trí phán đoán cuộc đời là vô giá trị, đầu đau khổ, và
tin chắc chắn vào giá trị của giải thoát Niết bàn: đó là điều chúng ta
cần ghi nhận (về sau, kinh Bát nhã lấy không làm đối tượng của trí tuệ
chính cũng từ đây mà ra). Theo ý nghĩa ấy, Phật giáo trên đại thể, có
thể nói bao hàm khuynh hướng chủ trí chủ nghĩa và hợp lý chủ nghĩa.
Nhưng, nếu cho Phật giáo là chủ nghĩa hợp lý, và chủ nghĩa chủ trí thì
lại là một sai lầm lớn, bởi lẽ, trong trí tuệ của Phật giáo còn bao hàm
cả phán đoán tình ý, cho nên, trọng trí tuệ mà không bỏ qua tình tình
ý.
3-
BA TUỆ VĂN, TƯ, TU.
Song, làm thế nào để nuôi thành trí tuệ đó? Theo Phật
giáo, trí tuệ có nhiều giai đoạn, phải dần dần và theo thứ tự mà tiến
sâu vào. đầu tiên phát tâm cũng do trí tuệ mà cuối cùng được giải thoát
cũng lại do trí tuệ. Về điểm này tôi xin nói sau, ở đây, hiện đang bàn
về vấn đề tu dưỡng, và trên đại cương, có thể chia tuệ làm ba giai
đoạn, tức là ba tuệ văn, tư, tu. Trong luận Thành Thật, quyển 16, phẩm
Tam tuệ 194, lấy nó làm một đề mục độc lập để luân cứu; trong Câu xá,
quyển 22, thì nó làm phương tiện để vào kiến đạo. Đương nhiên, đây chưa
hẳn đã là cách phân loại đặc hữu của Phật giáo. Trong kinh Du Già
(Yogasutra I, 48), cũng nói “Do thánh giáo lượng, tỷ lượng và nhiệt liệt
tu tập thiền định, do ba thứ đó mà hành giả được trí tuệ, được vô
thượng Du già”. Cứ theo chú giải của Vi Da Xá thì câu đó vì là truyền
thuyết được dẫn dụng cho nên được thừa nhận là phương pháp đạt đến trí
tuệ cần thiết cho tất cả hạng người tu hành, nhưng trong Phật giáo, sự
phân loại này, ít ra cũng có một ý nghĩa rất trọng yếu.
Tựu trung, cái gọi là văn tuệ, như Thành-thật-luận nói,
chỉ là cho trí tuệ phát sinh các Tu Đa La. Nếu nói một cách đơn giản thì
đó là trí tuệ do nghe mà hiểu được nghĩa lý của điều mình nghe mà có.
Trong tất cả trí tuệ, đây tuy là nông cạn nhất, nhưng, về phương diện
tu dưỡng nhập môn trong Phật giáo, sự xuất hiện của nó được coi là rất
trọng yếu. Vì văn tuệ ở đây không phải hàm ý tất cả học vấn thuộc về
tai, nhưng tất phải là văn tuệ của Phật giáo. Theo ý nghĩa ấy,
Thành-thật-luận trích lời trong kinh nói: “nghe các kinh điển của Vi Đà
của thế tục vì không thể sinh trí tuệ vô lậu nên không thể gọi là văn
tuệ” (Tam tuệ phẩm 194). Đệ tử của Phật được xưng là Thanh văn rốt cục
cũng không ngoài ý nghĩa đó. Bởi vậy, ta có thể giải thích văn tuệ
trong Phật giáo đã bao hàm ý thức tín ngưỡng Tam bảo, tức niềm tin vững
chắc cho rằng duy chỉ có Phật, Pháp, Tăng là điểm tựa chân chính cho
việc cầu giải thoát. Do đó, nếu đứng về phương diện tiêu cực mà nói,
ngoài Phật giáo ra, tất cả kinh điển, chế đa và giáo pháp khác, trên
căn bản, không có sức cải tạo con người. Trên thực tế, so với các nơi
Đại thừa Phật giáo thịnh hành, tại những xứ mà Thanh văn thừa (Tiểu
thừa) được truyền bá, người ta thấy rất ít yếu tố khác xâm nhập Phật
giáo, và nền Phật giáo tại các nơi đó được bảo trì một cách thuần tịnh,
có thể nói, cũng nhờ ở ý thức tín ngưỡng trên. Đối với ý nghĩa và giá
trị của văn tuệ, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý. Tóm lại, nếu muốn từ
Phật giáo để rút ra một sự phán đoán chính xác về đời người, thì điều
kiện tiên quyết là phải hiểu rõ nghĩa lý trong các giáo phái được ghi
chép trong kinh điển hay trực tiếp nghe Phật dạy.
Nghe chính pháp mà hiểu một cách chính xác và nếu chỉ ghi
nhớ trong đầu óc không thôi thì rốt cục nó cũng chỉ là tri thức, không
giúp ích cho tâm linh con người. Muốn cải tâm tất phải sinh hoạt hóa
chính pháp, tức là phải sống theo chính pháp. Mà cái phương pháp sinh
hoạt hóa chính pháp được đưa ra là hai loại tu tuệ và tư tuệ tiếp sau
văn tuệ. Tư tuệ có nghĩa là nghiền ngẫm những điều mình đã được nghe để
xác định nghĩa lý của nó. Bà sa, quyển 42 (Đại chính, 27, trang 217,
trung), nói: văn tuệ chủ yếu là nơi câu văn, tư tuệ tuy cũng do văn
nhưng lại đặt nặng ở nghĩa (tham chiếu Câu xá, quyển 22). Lại tiến lên
bước nữa, bỏ văn theo nghĩa mà sự quy định sinh hoạt nội tâm của người
ta là tu tuệ, mà trên phương diện pháp tướng của A-tỳ-đạt-ma, chủ yếu là
do thiền định mới có thể đạt được. Đến tu tuệ thì trí tuệ mới triệt để
đến tâm linh, bởi thế, cái cực trí của tu tuệ là tâm giải thoát[1] (nghĩa là thoát dục),
tuệ giải thoát (nghĩa là thoát vô minh), cuối cùng trở thành đại tự
giác tận trí và vô sinh trí.
4-
ĐỊNH HỌC.
Muốn đưa tu tuệ tiếp tục tiến lên, thì không phải chỉ dựa
vào sự hoạt động cân não hay tác dụng quan niệm là đủ, mà thật ra, phải
đợi đến năng lực thiền định và thực hành mới có thể tiến lên được.
Trong việc sinh hoạt hóa tư tưởng, mà tư tưởng lại phải do hành vi để
tiến tới cụ thể hóa. Như vậy là ở đây, cuối cùng phải có công phu dung
hóa tư tưởng và công phu làm cho hành vi đi đến cụ thể hóa. Cái phương
pháp dung hòa tư tưởng là thiền định, còn quy định hành quy để đi đến
cụ thể hóa là giới luật. Tựu trung, thiền định như sẽ trình bày sau, về
phương diện tiêu cực thâm cảm sự tồn tại là vô giá trị, ức chế ngã
chấp, ngã dục; còn về phương diện tích cực thì lấy sự tự do giải phóng
sinh hoạt tinh thần làm tổ chức. Theo đồ thức ấy, một mặt ức chế cảm
giác, mặt khác nhờ sức tập trung tinh thần để cải tạo sự sinh hoạt của
người ta. Có thể nói, phương pháp này là căn bản trong tất cả phương
pháphành đạo của Phật giáo và thông cả Đại, Tiểu thừa, không miột giáo
lý nào trong Phật giáo được thành lập ngoài thiền. Nhất là Tiểu thừa
giáo, vì xấy dựng trên cái gọi là tự lực chủ nghĩa, nên, nếu rời xa
thiền thì tất cả chỉ còn một lý luân suông. Theo ý nghĩa ấy, tôi cho
rằng, nếu rời xa thiền thì không có tuệ là tất nhiên, nhưng đồng thời
cũng không có giới nữa.
5-
GIỚI HỌC.
Như vậy thì giới hạnh chẳng qua chỉ là sản phẩm phụ thuộc
của thiền thôi sao? Không phải thế. Vì đứng ở một phương diện mà nói,
nếu xa lìa tuệ và thiền thì giới hạnh chỉ là hình thức, nhưng đứng ở
phương diện khác mà nói, nếu không thực hành giới hạnh thì tuệ và thiền
không thể được hoàn thành; đồng thời nhờ thực hành giới hạnh mà tuệ và
thiền mới trở nên thuần chân, bởi thế, giới hạnh quyết không thể được
coi nhẹ hơn tuệ và thiền. Không những thế, nếu khảo sát xa hơn chút
nữa, thì tuệ và thiền không khỏi có tính cách cá nhân, còn giới hạnh,
bất luận theo ý nghĩa nào đều có tính xã hội, vì mỗi cử động của người
giữ giới có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, về quan hệ, ít ra là về
mặt thực tế, nói theo một ý nghĩa nào đó, giới hạnh, so với thiền, tuệ,
có ý nghĩa rất trọng yếu, đây là điểm chúng ta cần ghi nhận. Cái lý do
tại sao Phật giáo đồ nguyên thủy tuy coi coi trọng thiền, tuệ, nhưng
cũng nhiệt liệt thảo luận về giới luật chính là ở đó. Theo ý nghĩa ấy
thì tuệ và thiền cần phải có giới mới được hoàn thành, nếu xa rời giới
hạnh thì thiền và tuệ không thể coi là hoàn toàn.
6-
SỰ QUAN HỆ HỖ TƯƠNG GIỮA TAM HỌC.
Tam học giới, định, tuệ, về mặt biểu diện, tuy thuộc những
phạm trù khác nhau, nhưng về phương diện căn bản cải tạo sự sinh hoạt
của người ta, thì chúng có quan hệ rất mật thiết, hay có thể nói, là
quan hệ nhân duyên mà các bậc cổ đức thường ví như chiếc đỉnh ba chân,
thiếu một chân không đứng được. Tức là, muốn hoàn thành tuệ tất phải dự
tưởng thiền và giới hạnh; cũng thế, muốn cho giới được hoàn thành tuệ
tất phải dự tưởng thiền và tuệ, nếu không, sẽ chẳng thể nào đạt đến
giải thoát hoàn toàn. Đây không phải chỉ là chủ trương của Phật giáo
chính thống mà ngay đến Phật giáo bộ phái cũng không có gì thay đổi.
Đương nhiên, cứ theo văn tự mà nhận xét Tam học thì đó là phương châm
lý tưởng để tu đạo, thể hiện tam vị nhất thể, nhưng, trên thực tế, từ
thời đại Phật giáo nguyên thủy đã do ý kiến nhiều người mà có ít nhiều
điểm bất đồng. Cũng vì thế mà đã sản sinh ra khuynh hướng các nhà
chuyên môn (như Tu Bồ Đề[2] chuyên ở trong núi. Ưu
Ba Li là nhà chuyên về luật, và A Nan thì chuyên về thiền định v.v…).
Nhất là thời đại bộ phái[3] thì khuynh hướng ấy lại
càng rõ rệt, rồi đến Trung Quốc, Nhật Bản thì cuối cùng đã chia thành
Luật tôn, Thiền tôn, Học vấn tôn (Giáo tôn) v.v… tuy có lập ra phái,
nhưng đến Phật giáo bộ phái thì, tóm lại, lấy Tam học làm nhất thể mà
hướng tời tu đạo, đó là nghĩa căn bản mà ta không thể bỏ qua.
[1]
Về ý nghĩa tâm giải thoát và trí tuệ giải thoát, có thể tham chiếu
Visuddhimagga, “Dùng định để ngăn phiền não nên gọi là tâm giảithoát”
(Thành-thật-luận, quyển 44, thiện giác phẩm 182).
[2]
Tăng nhất a hàm,quyển 2 (Đại chính, 2, trang 557) – A. I,p. 24 – 26,
có đưa ra cả Tỷ khưu, Tỷ khưu ni, Tín nam, Tín nữ.
[3]
theo Bộ chấp dị luận thì như Khôi sơn trụ bộ (Kê dân bộ, Ngưu gia
bộ) lấy luật làm phương tiện, nghiên hẳn về thiền, đó là một thí dụ.
Lại nữa, về giá trị tu đạo của giới, định, tuệ thì trong
visuddhimagga Chapt, I, p. nói: “Do giới mà vượt ác thú, do định mà
siêu Dục giới, do tuệ mà vượt “Tam giới”.