Chương mười bốn
Cầm chầu
Thời kỳ quốc tang và hiếu tang vua Gia Long đã mãn. Kinh đô vương triều bắt đầu trở lại nếp phồn hoa cũ. Phẩm phục đại triều lóng lánh phản chiếu làm nổi bật màu đỏ màu vàng chói lọi đang được phục hồi và trưng bày trở lại trong khắp Đại Nội. Áo kép, áo đơn của quan, quân, cung tần, mỹ nữ… lượt là thêu thùa hoa gấm; những bộ quần áo kiểu cách tân thời và đồ trang sức quý giá tung hô khoe sắc bắt đầu xuất hiện trở lại để bù cho những tháng ngày cuộn mình nằm im trong rương, trong tủ.
Không khí ca xướng rộn ràng. Ca hò, hát dạo, tuồng cổ hồi sinh và phát triển như những cơn nắng mới reo ca sau mùa mưa âm u. Thể loại sân khấu trình diễn phổ biến và được ưa chuộng nhất là hát bội. Sự lôi cuốn và hấp dẫn của hát bội mạnh đến độ làm cho người ta lo sợ:
Trồng trầu trồng lộn dây tiêu,
Con theo hát bội mẹ liều con hư!
Quanh mỗi gánh hát trình diễn thường mọc thêm phiên chợ đêm. Các gánh hàng quà vặt như bún, cháo, chè, bánh trái… tranh nhau mua bán bên ngoài trong khi đoàn hát chuẩn bị và trình diễn bên trong. Tiếng trống dạo, trống chầu giục giã đánh thức nếp sống trầm lặng thường ngày. Mùi nem nướng, thức ăn bốc lên mời gọi. Già trẻ lớn bé mê hát quên ăn, quên ngủ.
Những gánh hát bội đến từ nhiều miền khác nhau. Nhưng nổi bật nhất vẫn là các đoàn hát bội Bình Định và hát bội Huế. Các gánh hát bội Bình Định thường rất xuất sắc trong những tuồng cổ như Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng, Đông Châu Liệt Quốc. Các gánh hát Huế lại nổi tiếng với những tuồng xưa được các ông hoàng bà chúa soạn lại một cách ướt át và hợp thời hợp cảnh hơn như Tuyết Hồng Lệ Sử, Kim Bình Mai, Lầu Trai Hương Phấn…
Khán giả thuộc tuồng không thua gì nghệ sĩ. Họ nhớ nằm lòng từng câu nói, từng cử chỉ, từng sự cố trong cuộc đời của Tiết Đinh San, Hoàng Thiếu Hoa, Tạ Ôn Đình, Thoại Ba Công Chúa…
Đặc biệt là những màn phụ diễn nhạc võ Tây Sơn của các đoàn hát Bình Định với những dàn trống mang tên mười hai con giáp. Những nghệ sĩ nhạc võ Tây Sơn không bao giờ dám động đến hai tiếng “Tây Sơn” trong kinh đô nhà Nguyễn mà gọi là “Nhạc Võ Hùng Vương”. Những diễn viên đạt đến bậc thượng thặng, siêu thặng thì khi biểu diễn đến độ xuất thần, đánh trống không cần roi trống mà chỉ dùng hai tay. Với ngón tay, bàn tay, nắm tay, cùi chỏ… khi lướt, khi phi, nhảy múa trên mười hai cái trống, nghệ sĩ có thể diễn đạt nỗi lòng và tình huống qua âm vang của tiếng trống. Đôi tay tài nghệ của diễn viên khi yêu kiều lả lướt nhẹ nhàng, khi dồn dập gấp rút, khi hùng tráng đĩnh đạc… có thể “nói” lên được dòng đời qua tiếng trống. Những nghệ sĩ thượng thừa Bình Định đã tạo ra một loại nhạc pháp “Cổ bề thanh động Tràng Thành nguyệt” - trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt - vượt khỏi tầm kinh điển gọi là “Song Thủ Đả Thập Nhị Cổ” (hai tay đánh mười hai cái trống). Có những nghệ sĩ thượng thừa còn đặt thêm năm cái trống khác ở phía sau: Một cái ngang đầu để ngã ngửa hút vào; hai cái bên hông để thúc cùi chỏ vào và hai cái đặt vừa tầm gót chân để đá hậu vào. Với dàn “nhạc cổ” (mà cũng là cổ nhạc) mười bảy cái trống này, những màn nhạc võ Tây Sơn kếp hợp với các màn trình diễn tuồng tích hát bội đã đưa hát bội Bình Định lên đỉnh cao nghệ thuật trình diễn sân khấu đương thời tại kinh đô. Các vùng thôn ấp xa kinh đô cũng thi nhau rước những đoàn hát dạo về trình diễn. Rộn ràng nhất là thời điểm lễ hội đầu năm và sau vụ gặt Đông Xuân.
Chiều chiều, từ trên đỉnh đồi khuôn viên dinh ông Hoàng, Trí Hải có thể nghe tiếng trống dạo dập dồn của các gánh hát theo gió Nồm bay đến. Một quá khứ ngỡ như đã khép lại hiện về.
Một thời, Trí Hải và Ấm Thuyên cùng các vương tôn công tử của kinh thành đã từng rước các bầu gánh hát chân truyền về tập luyện nhạc võ Tây Sơn. Vốn là tâm hồn tài tử nhạy cảm và đam mê nghệ thuật, Trí Hải đến với hát bội Bình Định vừa như là một nhà soạn tuồng tài hoa nức tiếng, vừa là một vị Mạnh Thường Quân hào phóng không ai bì kịp. Với kiến thức uyên bác về tuồng tích và tài đánh trống uốn lượn như múa kiếm của phái nhạc võ Tây Sơn, Trí Hải được diễn viên cũng như khán giả ca ngợi, ngưỡng mộ phong là Ông Hoàng Cầm Chầu Hát Bội. Tiếng trống chầu của Trí Hải không chỉ đơn giản là hiệu lịnh âm thanh thưởng phạt mà còn là phương tiện diễn đạt.
Nghệ thuật dân gian Việt Nam đặt nặng cái trí và cái cảm ngang nhau. Khán giả thưởng thức nghệ thuật có phong cách để khen chê không phải là khối quần chúng đến xem mà phải là người vừa có tâm hồn nhạy cảm với nghệ thuật. Đấy là người cầm chầu, một nhân vật vừa có tri thức hiểu rõ nghệ thuật và vừa có vị thế xứng đáng để tỏ lời khen chê đúng mức công minh và đúng điệu nghệ thuật.
Người cầm chầu hát bội là kẻ đại diện cho khán giả để nói lên sự thưởng phạt các diễn viên trên sân khấu qua tiếng trống chầu. Trống chầu là một thứ trống lớn được đặt trên giá ba chân. Đối với những gánh hát nhỏ, diễn viên đơn sơ, trình diễn nơi những vùng quê xa xôi thì thường chỉ có một trống chầu và một người cầm chầu. Gánh hát quy mô hơn và diễn những tuồng lớn tại các tụ điểm quan trọng vừa có hai trống chầu đặt phía trước, hai bên tả hữu sân khấu và có hai vị cầm chầu. Gặp những màn trình diễn đại sân khấu trong một khung cảnh hoành tráng với sự tham dự của các nhân vật quan trọng thì có thêm một trống chầu đặt ở giữa, ngay trước sân khấu gọi là “chầu bổ”. Chầu bổ thường chỉ dành cho các vị có chức phận danh tiếng. Nhân vật cầm chầu bổ không điểm trống sôi nổi và dồn dập như hai trống chầu tả hữu mà chỉ vung tay điểm trống khi thấy cần phải nhấn mạnh những điểm nổi bật trong một câu hát tuyệt hay, một sự diễn đạt tài tình, điệu nghệ diễn viên. Hoặc là điểm trống để bổ khuyết cho hai trống chầu tả hữu chưa thưởng phạt đúng mức.
Tiếng trống chầu của Trí Hải nức tiếng kinh thành với ngón chầu điểm xuyết thích đáng, tài hoa, bay bướm và phảng phất nét phóng khoáng, lãng tử.
Trí Hải điểm chầu theo quy cách thông thường là nếu sau một hơi hát hay thì được thưởng một tiếng “thùng”, đánh ngay giữa vòng trăng tròn của mặt trống. Nếu hay hơn nữa thì được thưởng hai tiếng gọi là “chầu đôi”, nếu tuyệt vời xuất sắc thì được thưởng ba tiếng trống gọi là “chầu ba”. Nếu gặp khúc hát hay tuyệt luân trong không khí tưng bừng và hào hứng thì điểm nhiều tiếng liền tay. Cũng là chầu một, chầu đôi, chầu ba, chầu liên, nhưng tiếng trống của Trí Hải nặng nhẹ gần như hòa điệu với hơi thở của diễn viên và vực sân khấu dậy bằng muôn trùng cảm xúc. Họa hoằn lắm người ta mới nghe một tiếng “tan” đánh lên bìa mặt trống để cảnh cáo một câu hát diễn sai quy cách như hát dọc, hát gãy, hát đâm hơi… hay diễn một điệu bộ lạc dòng, không đúng làn hơi, thanh sắc. Nghiêm khắc hơn là tiếng “cắc” gõ vào thành trống để cảnh cáo diễn viên về một sai lầm lớn hơn trong diễn xuất.
Một tiếng trống chầu của Trí Hải là một cung nhạc cao cấp, yếu mạnh, nhanh chậm… diễn đạt hết tinh hoa và thần khí của nghệ sĩ trình diễn. Trí Hải nổi tiếng là cẩn trọng và tiết kiệm tiếng trống. Nhưng khi tiếng trống đã điểm ra rồi thì vang lên với một độ bền và độ sâu đầy ấn tượng cuốn hút vào cõi mênh mông vô biên.
Sự nghiêm khắc trong vai trò cầm chầu và kỹ thuật điểm trống điêu luyện của Trí Hải thường góp phần nâng cao nghệ thuật trình diễn của diễn viên và làm nức lòng khán giả. Với tay chầu tuyệt hảo đến độ xuất thần, tiếng trống chầu của Trí Hải thường gắn bó hài hòa với nghệ sĩ trình diễn. Tiếng trống vang lên sau câu hát vừa tròn trịa, vừa vững chãi làm giá đỡ cho làn hơi và câu hát của đào kép một cách nhịp nhàng và chí thiết.
Ngày sân khấu kinh thành tưng bừng khai mở lại, cũng là lúc Trí Hải muốn yên thân để sống đời lặng lẽ. Bên cạnh thầy Tiều, Phạm Xảo và Tâm An, Trí Hải vừa có cảm giác bình an như đã thật sự được sống mai danh ẩn tích. Nhưng vẫn có những đêm ra đứng ngắm trời, cái cảm giác cô độc vì bị đời bỏ quên lại lấm tấm trong suy tư. Trí Hải tự cảm nhận rằng, mình không có duyên tu đạo nhưng có thiện ý tu đời. Tu đời là tu bụi. Ngày ngày rũ bớt những lớp bụi ham muốn, bỏ bớt những tham vọng cao xa, quét bớt những phiền muộn quanh mình. Trong vùng an lạc trước mắt, Trí Hải vẫn không tìm thấy ra một điểm dừng làm điểm tựa cho đời mình. Trí Hải linh cảm một điều gì đó khó hiểu như số phận vẫn không buông tha mình, vẫn chực chờ đâu đó…
Có tiếng xe ngựa dừng chân và tiếng người lao xao ngoài cổng dinh ông Hoàng. Phái đoàn tổ chức và trình diễn hát bội nổi tiếng nhất tại kinh thành xin vào yết kiến Hoàng thân Trí Hải. Phạm Xảo ra mở cổng rồi cùng đi vào với sáu người. Đi đầu là ông bầu Nam Sơn, một soạn giả hát bội cựu trào rất được nể trọng và cũng là một cựu diễn viên sân khấu hát bội được nhiều người hâm mộ vì vẻ uy dũng và giọng hát tuyệt vời trong những vài trò như Quan Vân Trường, Tạ Ôn Đình, Tần Thủy Hoàng… Theo sau là nhân vật đại diện Tôn Nhân phủ. Sau cùng là bốn đào kép lẫy lừng trên sân khấu. Phía nữ chỉ có đào Nguyệt Nga, một ngôi sao đang lên trong ngành hát bội. Phường hát bội có bao nhiêu kiểu mặt, đào Nguyệt Nga đều dồi trát hóa trang thành thạo, vai nào mặt nấy, đầy quyến rũ hớp hồn khán giả. Cùng đi chung, có ba “kép độc”. Kép nổi tiếng đương thời có kép Nam Xuyên, con trai của bầu Nam Sơn; kép Minh Hùng, kép Sáu Út. Tuy tài năng phát tiết mỗi người một vẻ nhưng quy tụ lại trên sân khấu thì họ đều là những ngôi sao sáng chói đã làm cho hàng vạn khán giả khắp mọi miền đất nước mê say, mong đợi.
Sáu người khách cung kính thi lễ với Trí Hải. Ông bầu Nam Sơn bày mấy món lễ vật tượng trưng trên chiếc khay gỗ chạm khảm xà cừ do đào Nguyệt Nga nhẹ nhàng nâng trên hai tay. Bầu Nam Sơn lên tiếng:
- Khải bẩm Hoàng thân đại nhân, chẳng hay quý thể vẫn khinh an; tinh thần vẫn hằng thường tự tại chứ ạ?
Trí Hải bật cười trước câu vấn an na ná như ngôn ngữ diễn tuồng, đáp lời:
- Chào nghệ sĩ Nam Sơn và quý khách. Chúng ta đều là chỗ quen biết cũ, lâu ngày được gặp lại, thấy quý vị đều khỏe tôi rất mừng. Nếu tôi đoán không sai thì quý vị đến đây cũng vì chuyện cầm chầu, có phải không ạ?
Mọi người cười vui vẻ. Bầu Nam Sơn trở lại với ngôn ngữ đời thường:
- Dạ, quả thật là Hoàng thân đoán không sai. Sắp có vụ diễn lớn trên sân khấu cung đình cho triều thần thưởng lãm và có thể có cả hoàng thượng hạ cố ghé xem nữa đấy. Bởi vậy, chúng tôi rất hãnh diện nhưng cũng rất lo lắng. Chỉ một chút sơ hở nhỏ cũng không chừng vong mạng. Nhân vật cầm chầu trong một tuồng hát quy mô và quan trọng như thế không ai có đủ bản lĩnh cao cường hơn là Hoàng thân.
Bầu Nam Sơn đưa mắt tìm sự tiếp trợ của nhân vật đại diện Tôn Nhân phủ. Tôn Nhân phủ là hội đồng hoàng tộc dòng họ Nguyễn Phúc của nhà vua. Lời của vị đại diện Tôn Nhân phủ tuy mang ý nghĩa nghi lễ tượng trưng, nhưng thường được coi trọng như một tiếng nói đầy danh dự và quyền lực. Vị đại diện Tôn Nhân phủ lên tiếng ngắn gọn:
- Kính thưa Hoàng đại huynh, mục đích đã rõ, vậy xin rước tôn huynh cầm chầu cho tuần hát mở đầu để tưởng thưởng bá quan văn võ và đại chúng triều đình đã có công phục vụ và phò trợ nghiêm cẩn nghi lễ đại tang của tiên đế trong thời gian qua.
Trí Hải nghiêm giọng trả lời:
- Nghệ thuật là nghệ thuật, triều nghi là triều nghi xin chư vị chớ lẫn lộn. Bình sinh tôi chỉ quen cầm chầu vì nghệ thuật. Tiếng trống chầu của tôi gắn liền với tài nghệ của diễn viên trên sân khấu, bất chấp khán giả là ai và không quan trọng việc họ có thích hay không. Trong trường hợp diễn tuồng trên sân khấu triều đình như một hình thức lễ nghi tưởng thưởng các quan, tôi rất tiếc là không cầm chầu được.
Mọi người đều ngạc nhiên khi đào Nguyệt Nga e dè lên tiếng:
- Dạ thưa Hoàng thân và các quan chức, lời của Hoàng thân thật chí lý. Nghệ sĩ mà phải diễn tuồng vì run sợ trên quở phạt, dưới răn đe thì cái giỏi, cái hay chỉ còn một nửa.
Bầu Nam Sơn tỏ vẻ thất vọng, băn khoăn:
- Thưa, thế thì trong hoàn cảnh này, đoàn hát chúng tôi phải làm sao đây?
Trí Hải trả lời không do dự:
- Đem sân khấu ra khỏi triều đình!
Bầu Nam Sơn hoảng hốt:
- Ồ chết! Dạ không được đâu. Các quan đầu triều đã quyết định và xuống chỉ thị cho đoàn hát chúng tôi phải diễn tại sân khấu triều đình.
Trí Hải nói rạch ròi như đọc trình văn:
- Ra khỏi cái sân khấu triều đình trong đầu nghệ sĩ, trong trí diễn viên chứ đâu cần phải ra khỏi cái sân khấu chạm trổ, sơn son thếp vàng trong Đạo nội…
Những người có mặt dường như chưa hiểu hết ý của Trí Hải, bỡ ngỡ nhìn nhau rồi chăm chú nhìn Trí Hải chờ đợi. Vẻ mặt không thay đổi, Trí Hải tiếp lời:
- Con chim núi Ngự hát hay vì chỉ biết hát tiếng hát tự do. Con sông Hương quanh co ngoài kia vì không uốn mình cho ai cả. Cũng thế, diễn viên và nghệ sĩ phải sống tự do, sống hồn nhiên, sống tận tình với thiên chức nghệ sĩ của mình. Nếu có sợ chăng thì chỉ sợ mình bất tài không đủ sức thủ diễn, lột tả hết tinh thần của nhân vật mà mình đang đóng mà thôi.
Những nghệ sĩ tài danh có mặt gật gù tâm đắc. Riêng người đại diện Tôn Nhân phủ hỏi lại, giọng pha một chút kiêu kỳ:
- Triều đình là chốn cửu trùng mà không biết kính sợ thì còn đâu là giềng mối quốc gia, thưa đại huynh?
- Nếu giềng mối quốc gia bắt đầu từ sự kính sợ triều đình mà không bắt đầu từ sự kính sợ thiên chức của mình thì nên học Tứ thư Ngũ kinh để thi đỗ ra làm quan, chứ đừng học làm nghệ sĩ.
- Ô hay! Đại huynh nói vậy thì nghệ sĩ cao hơn cả nhà quan nữa sao?
- Tôn huynh đệ à, chúng ta đang bàn về chốn nghệ thuật. Nhà quan không có mặt ở nơi này.
Sau câu đối đáp của người Tôn Nhân phủ và Trí Hải, bầu không khí rơi vào im lặng, im lặng vì mọi người đều đồng ý với Trí Hải về vài trò người nghệ sĩ, nhưng tìm đâu cho ra một thế giới nghệ thuật đích thực trên mặt đất này. Một mặt đất ngự trị bởi giống người. Con người thưởng thức và rung động với nghệ thuật nhưng lại cố quay mặt đi và ném vào mặt nghệ sĩ lời bình phẩm bất công và thô bạo: “Xướng ca vô loại!”. Chính sự im lặng kéo dài với sự hiện diện của những người “quan trọng” đã chinh phục được Trí Hải. Chỉ có sự im lặng mới là ngôn ngữ chung của những tâm hồn bão nổi. Sự im lặng bên nhau là một thái độ cảm thông và an hòa mang nhiều ý nghĩa tích cực nhất.
Trí Hải nâng chén trà, ngỏ lời:
- Mời chư vị nhấm trà. Thưa nghệ sĩ Nam Sơn và chư vị, tôi nhận lời cầm chầu. Nhưng tôi chưa rõ là sẽ ở vai nào, chầu tả, chầu hữu hay chầu bổ?
Bầu Nam Sơn giải thích:
- Chắc chắn là tình huống cũng như những năm xưa, Hoàng đại nhân sẽ cầm chầu bổ. Nhưng hai chầu tả hữu sẽ xin gác chầu để cung thỉnh Hoàng đại nhân vào vai đệ nhứt chánh chầu.
- Tuồng đầu sẽ là tuồng gì vậy?
- Thưa, tuồng Đào Viên Tụ Nghĩa.
- Sao lại không giữ nguyên bản Đào Viên Kết Nghĩa của quý huynh mà lại đổi thành Đào Viên Tụ Nghĩa vậy kìa?
- Vâng, đã bao năm diễn tuồng, hiệu chính và thay đổi tôi mới luận ra rằng kết nghĩa không hay bằng tụ nghĩa. Kết rồi chia, hợp rồi tan, nhưng cần phải tụ lại mới làm nên việc lớn. Quả thật là ba anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa ở Vườn Đào. Nhưng đấy chỉ mới là giai đoạn đầu gặp gỡ để mưu cầu sự tụ nghĩa của thiên hạ mới làm nên việc lớn được.
Đào Nguyệt Nga duyên dáng chen vào:
- Vậy, hôm nay chúng ta may mắn gặp nhau ở dinh Hoàng thân là kết nghĩa hay tụ nghĩa đây?
- Bẩm Hoàng thân và thư chư quan viên, có lẽ cả hai ạ. Kết nghĩa để diễn tuồng và tụ nghĩa để làm vui cho thiên hạ.
Mọi người cười xòa và vui vẻ chia tay sau câu nói của kép độc Nam Xuyên.
Tiễn khách về. Trí Hải cảm nhận một niềm lo lắng vô hình vừa ập đến. Tuy chưa định hình được mối lo là gì và từ đâu đến, nhưng lần này, nhận lời cầm chầu xong Trí Hải cảm thấy như sắp thiếu một cái gì rất gần gũi và thân quen. Điểm lại những đêm cầm chầu hát bội trong những màn hát huy hoàng ngày trước, Trí Hải gợi lại trong trí từng khuôn mặt thân cận. Phạm Xảo chăm chút lo khăn là áo lượt cho chủ nhân từ ba ngày trước. Cô hầu kép Ngọc Tú chuẩn bị tráp trầu thuốc. Trưởng Thái Ấp chuẩn bị lọng. Đông Hoàng phi đánh bóng khay bạch trắc khảm ngọc để đựng đầy các thẻ tiền thưởng… Nghĩ đến đây, Trí Hải giật mình đứng phắt dậy với tiếng kêu vang động không lọt ra khỏi miệng thành lời: “Tiền! Phải rồi, tiền!”. Tiền thưởng mà tiếng nhà nghề gọi là “Thưởng”. Tiền đâu để ba ngày nữa cầm chầu mà thưởng bây giờ.
Trí Hải đã trải qua chặng đời chẳng chút bận tầm về tiền bạc, vật chất. Tất cả nhu cầu vật chất tiêu dùng hàng ngày đều có người lo. Thời trẻ tuổi theo phò hoàng tử Cảnh thì mọi việc đều đã có hai chính phủ Phát Việt lo. Khi trưởng thành, làm chủ Thái Ấp với mấy trăm mẫu đất nhất đẳng điền, tiền bạc kho lẫm lúc nào cũng đầy ắp và có cả đoàn gia nhân lo xếp đặt mọi việc liên quan đến cơm áo gạo tiền, vui chơi, đình đám.
Trí Hải không tài nào ngủ được khi tiếng trống chầu từ quá khứ cứ liên tục dội về. Theo tiếng trống thúc chầu đơn, chầu đôi, chầu ba, chầu liên là những thẻ thưởng tiền từ chiếc khay chạm ngọc được người hầu cận ném bay lên sân khấu. Thẻ bạc, thẻ vàng và thẻ hồng bảo bay lóng lánh dưới ánh đèn như tín hiệu khẳng định giá trị của nghệ thuật. Sau buổi trình diễn, đoàn hát sẽ mang thẻ thưởng để ban tổ chức đổi thành tiền. Thẻ bạc năm quan, thẻ vàng mười quan, thẻ hồng bảo một lạng bạc. Năm lạng bạc đổi được một lạng vàng. Trí Hải nhớ như in sức mạnh và linh hồn của tiền thưởng đối với các diễn viên và ngay đối với khán giả. Tiền thưởng như một thước đo tiêu biểu đối với tài năng và nghệ thuật của diễn viên sân khấu đương thời. Tiếng trống chầu đôi hay chầu ba chỉ là một kiểu cách thể hiện âm thanh suông nếu không có các thẻ tiền thưởng đi kèm làm biểu chứng. Trí Hải lạnh mình khi nhớ lại những màn diễn hài của những tên hề mạt hạng dành cho những tay cầm chầu kiết cú, không thưởng tiền thích đáng.
Trí Hải không biết phải xử trí bằng cách nào. Không lẽ rút lui cầm chầu vì thiếu tiền? Chẳng lẽ tiến tới cầm chầu mà không tiền? Tất cả những câu danh ngôn về tiền đều hay, nhưng toàn là những câu nói đến việc cần phải tiêu tiền như thế nào cho thích đáng. Chẳng có câu nào chịu khó nói đến việc làm sao để kiếm ra tiền dễ dàng hơn.
Nỗi ưu tư của Trí Hải lan dần qua Phạm Xảo. Bao nhiêu năm hầu cận, gần gũi với Trí Hải, Phạm Xảo chẳng bao giờ hỏi chủ một đồng lương. Tất cả đều tự nguyện. Xuất thân là một vị tướng, Phạm Xảo mang những thành bại trên chiến trường làm đơn vị đổi chác. Tướng khai quốc công thần đem mạng sống của chính mình làm tài sản cho đất nước. Tướng quốc phá gia vong đem đất nước làm tài sản cho mình. Cũng như Trí Hải bên cạnh hoàng tử Cảnh, một đời xuôi ngược bên cạnh Nguyễn Ánh, Phạm Xảo không biết đến tiền. Giờ đây hai ông “tiên không dính đến tiền” bỗng đối diện với thực tế. Một thực tế mà trong đó đồng tiền là bảng thang giá trị, là huyết mạch cho đời sống giao lưu trao đổi đầy sinh động.
Càng gần đến ngày diễn tuồng, Trí Hải càng cảm thấy xuống tinh thần và quay quắt như sắp ngồi trên lửa đỏ. Một ông Hoàng tiếng tăm lừng lẫy sắp tự thú một cách gần như công khai trước mọi người, trước quan chức triều đình rằng, mình là kẻ khánh tận, mình là người trắng tay. Mình nghèo khổ đến độ không có chút tiền thưởng cho con hát lúc cầm chầu.
Gặp thầy Tiều trên vườn rau, Trí Hải không muốn chào hỏi gần gũi như trước mà chỉ muốn tách vào bụi rậm ngồi suy nghĩ một mình. Vẻ mặt lúc nào cũng hồn nhiên tươi cười của thầy Tiều như trên thế gian này đã hết mọi nỗi phiền muộn và khổ đau làm cho Trí Hải tăng thêm sự bực mình trong lúc này.
Đang muốn yên thân, tiếng cười khúc khích của thầy Tiều lại đến gần, lên tiếng:
- Hì! Hì! Này Hoàng thân, quý hữu đang lo lắm phải không?
Biết là sẽ không có điều gì có thể giấu giếm hay qua mặt vị sư này, Trí Hải trả lời cộc lốc:
- Đời là bể khổ mà thầy, ai lại chả có chuyện lúc này hay lúc khác phải lo.
Thầy Tiều lại cười, vui vẻ đáp lại:
- Bể khổ cũng như bầy gián, càng xua đuổi trên bề mặt chúng lại càng sinh sôi nẩy nở. Ý nghĩ càng rối rắm lộn tùng phèo như căn nhà đầy rác, bầy gián lại có đất tốt để thành bầy, thành lũ nhanh hơn. Quét nhà cho sạch gián sẽ không sinh. Lọc trí mình chó sáng, bể khổ sẽ cạn dần.
- Thầy à, ý thầy nói là người ta có thể diệt được nổi khổ một cách dễ dàng và chủ động như thể quét bầy gián phải không?
- Chỉ dễ dàng khi biết được đâu là cái gốc để đốn từ gốc.
- Vậy thì một người đang cần tiền chẳng hạn thì đâu là cái gốc để kiếm ra tiền đây?
- Tiền không phải là cái gốc mà cái gốc là tại sao phải cần tiền và tiền để mua gì?
- Chẳng mua gì cả, nhưng phải cần tiền để thưởng cho con hát lúc cầm chầu.
Thầy Tiều lại cười hề hề vào vẻ ưu tư của Trí Hải:
- Hì, hì! Quý hữu coi bộ sắp tìm ra cái gốc của tiền rồi đó. Cần tiền để cầm chầu cho đẹp; cầm chầu cho đẹp để mua danh; mua danh cho nhiều để trội hơn thiên hạ. Nếu giữ Trí Hải là Trí Hải. Đừng hơn mà cũng chẳng thua ai cả. Không tránh mà cũng chẳng gây. Có tiền cho con hát thì cầm chầu cho vui, mà không có tiền thì đứng cầm chầu. Có sao đâu.
- Nhận lời cầm chầu cho gánh hát bội Nam Sơn lần này tôi chẳng mua danh hay bán danh gì cả. Đây chỉ là một việc làm cần thiết mà tôi phải làm thôi.
- Con người ta sinh ra, lớn lên, làm việc kiếm ăn, già nua, rồi chết là một chuỗi sự việc biến hiện lặp đi lặp lại hoài trên dòng sống bất tận. Trước ngày ta sinh ra và sau ngày ta chết đi thì dòng đời vẫn trôi xuôi không đổi khác. Có gì là cần thiết đâu.
Trí Hải không bắt gặp một nét gì thắc mắc hay băn khoăn trên khuôn mặt thầy Tiều, hỏi lại:
- Nếu thầy không thấy bất cứ một việc gì là cần thiết, sao thầy lại phải đi tu. Như thế, việc đi tu của thầy có cần thiết không?
Lắc lư đầu ra chiều thích thú, thầy Tiều nói giọng khề khà như kể chuyện:
- Đi tu có cần thiết không? Có ai trả lời họ cho ai được điều này. Thử nói chuyện một ông chài sinh ra trong một chiếc thuyền đánh cá nghèo khổ trên sông Hương. Có lẽ đây là một câu chuyện đời đơn giản nhất mà ai cũng đã từng gặp. Lớn lên, anh chài theo nghề cha mẹ bắt cá trên sông để sống. Có một ngày mưa to gió lớn gây cuồng lũ. Thuyền chìm. Ông chài không bơi nổi. Chết chìm. Chết vì tình cờ hay số mệnh? Ông chài kia đâu có chọn lựa sinh ra trên thuyền chài nghèo khổ. Ông ta cũng không chọn lựa chết chìm. Cuộc đời đơn giản và thầm lặng của ông chài cũng đầy những biến cố chằng chịt theo một cách riêng của ông ta. Việc gì cũng có vẻ cần thiết mà thực ra cũng chẳng có gì cần thiết. Vì tất cả mọi việc lớn nhỏ đều là những phản ứng qua lại. Người ta càng lăn xả vào đời sống thì chuỗi phản ứng càng nhanh và càng rắc rối dính chùm với nhau. Nhu cầu càng tăng, người ta càng tốc lực chạy theo tìm phương tiện để thỏa mãn nhu cầu. Quý hữu, cầm chầu vì cho rằng việc đó rất cần thiết. Cũng có người cho đấy là một việc làm không cần thiết nên khuyên quý hữu khỏi cần bận tâm. Không ai trả lời thay cho quý hữu được cả. Và dù có trả lời thì chắc gì đã đúng.
Chưa hiểu rõ thầy Tiều muốn dẫn câu chuyện về đâu, Trí Hải hỏi lại:
- Vậy theo thầy thì việc cầm chầu hát bội là không cần thiết và tôi nên từ chối việc đó?
- Quý hữu đặt câu trả lời trước câu hỏi rồi.
- Thứ tự xuất hiện trước hay sau có phải là nhân quả của nhau không, thưa thầy?
- Tất cả đều cần và tất cả đều không cần. Khi đã gieo giống thì cần hay không cần cũng phải gặt quả. Tiếng hát là quả của diễn viên, nhưng là nhân của người cầm chầu. Tiếng trống, tiền thưởng là quả của người cầm chầu, nhưng là nhân của người diễn viên. Cứ thế, mọi việc tác động lên nhau và biến hiện không ngừng.
Trí Hải vẫn không rời được ý nghĩ về cuộc cầm chầu sắp đến, hỏi thầy Tiều:
- Tại sao tôi lại phải loay hoay về những điều tầm thường mà trước đây tôi không màng nghĩ đến, như ý nghĩ về tiền bạc chẳng hạn.
- Tất cả đều nằm sẵn sờ sờ ra đó. Không gọi thì không thưa, không nghĩ thì không hay, không tìm thì không thấy. Chẳng có gì tầm thường mà cũng chẳng có gì cao quý.
Giọng buồn buồn, Trí Hải nói như luyến tiếc:
- Tiếng trống chầu tưởng đã vắng, nào ngờ nó đến như một tảng đá ném xuống dòng sông yên tĩnh của lòng tôi.
Thầy Tiều giọng xác quyết hơn:
- Đá chẻ dòng sông nổi sóng, nhưng khi đá chìm rồi thì dòng sông sẽ lặng.
- Phải chờ đến bao lâu mới lặng?
- Sông không dính đá, đá chẳng dính sông, nên chỉ khoảnh khắc nước chảy, đá chìm thì sông lặng.
- Giữa đời làm sao không dính? Chỉ một cái tâm mà phải chịu cả hai thái cực, an bình và náo loạn thì làm sao mà phân định rạch ròi?
- Quý hữu muốn đi tìm sự an lạc hay đi tìm sự náo loạn của tâm thần? Cũng chính nơi này, Tâm An đã không chịu nỗi sự nhiễu loạn tinh thần, phải bỏ đi vì khả năng kinh doanh cây cảnh có quá nhiều tiền nên chí tu học không bền vì chỉ lo loay hoay kiếm phương tiện để xây chùa to, viện lớn. Và ở đây, phút này, quý hữu cũng đang bị nhiễu loạn tâm thần vì không có tiền cho cuộc chầu sắp đến. Nhiều tiền và không tiền là hai đối cực sinh ra giao động. Chỉ mấy ngày trước đây thôi thì quý hữu cũng như tôi bây giờ. Chẳng có gì nắm trong tay. Chẳng có gì cần sở hữu. Đời sống như một con thoi trở về ngưng lại điểm giữa của khung cửi cuộc đời; không bị đưa qua phải, không bị đưa về bên trái nên lặng yên nơi điểm giữa. Điểm giữa là điểm dừng. Điểm dừng là trung đạo, là gốc của suối nguồn an lạc.
- Vậy tôi phải làm sao?
- Quên phứt nó đi.
- Nghĩa là…?
- Dùi trống cầm trên tay thì đánh. Hát hay thì khen. Hát dở thì chê. Có tiền thì cho. Không có tiền thì không cho. Đừng sợ ai cười mà cũng chẳng cầu ai khen. Ráng tìm cái tĩnh trong cái động. Đừng dính mắc thì thân tâm an lạc. Đã làm điều gì thì phải làm rốt ráo, làm tới nơi tới chốn. Đừng bán lộ đào hồi, nửa đường bỏ chạy.
Trí Hải cười xòa:
- Lại “đừng dính mắc”! Thầy làm tôi nhớ ván cờ quyết đấu với Hàn Kỳ Vương trên sông Hương.
Thầy Tiều cùng cười:
- Trên sông chẳng còn bên trong bóng, nhưng ván cờ dĩ vãng vẫn còn tiếp diễn trong lòng quý hữu sao? Ví thử hôm đó cả quý hữu cùng Hàn Kỳ Vương cùng bị sóng nước cuốn trôi giữa dòng cuồng lũ, hoàn toàn mất dạng thì cũng chẳng có gì thay đổi. Người đời sẽ nhắc đến đôi khi và quên đi vĩnh viễn.
- Nghĩa là mọi việc đến rồi đi, còn và mất chẳng có gì quan trọng cả?
Thầy Tiều lại quay xuống với vườn rau, vừa bước vừa ngoái lại, nhắn với:
- Có chứ! Có một điều quan trọng là chả có gì quan trọng cả!
Tiếng cười của hai người giòn giã, vang vọng một góc vườn.