Chương mười lăm
Hát đổ khay
Sân khấu rộng lớn lót thảm, thêu hoa sáng lên rực rỡ vì ánh đèn ngũ sắc và ánh sáng phản chiếu từ những thiết bị trang hoàng lộng lẫy xung quanh. Đối diện với sân khấu là đang đứng trước một “thực tế ảo”. Mọi người có cảm tưởng như là mình đang chuẩn bị khai phá một phương trời nào đó từ trong chính mình mà lại xa lạ với chính mình. Vua thật, quan thật, tướng thật, người thật, việc thật, thiện thật, ác thật giữa đời đang chen chúc và đối mặt với vua giả, quan giả, tướng giả, đời giả, thiện giả, ác giả trên sân khấu. Nhưng “lộng giả thành chân” - cái giả biến ảo thành cái thật - vẫn thường là bi hài kịch của sự đời. Những nhân vật xuất hiện trên sân khấu có khi còn uy nghi, lộng lẫy và xinh đẹp hơn nhiều nhân vật thật đang ngồi im trong bóng mờ, ngước mắt nhìn lên nhưng diễn viên đang đóng và diễn vai của chính mình trên sân khấu.
Hát bội cũng là hát tuồng, một hình thức hát diễn theo những tuồng tích, nhập vào nước Việt kể từ khi Hưng Vương Trần Quốc Tuấn bắt được Lý Nguyên Cát trong đám quân Nguyên. Cát có tài múa hát, diễn tuồng, được tướng Trần Nhật Duật giao cho việc tổ chức các đội hát tuồng để ủy lạo giúp vui cho tướng sĩ. Hơn ba trăm năm sau, hát bội lại theo chân Đào Duy Từ vượt sông Gianh vào Nam gọi là “hát tuồng xứ Nam”, lần đầu tiên đến Phủ Hoài Nhơn, Bình Định. Các tuồng tích theo lớp lang của những câu chuyện kể mang tính đạo lý và lý tưởng hào hùng của các nhân vật lịch sử theo nghệ thuật hát tuồng xứ Bắc vẫn giữ hình thức trình diễn. Nhưng hình thức diễn tuồng thay hình đổi dạng từ hình thức mang đậm tính biểu diễn, ca múa, trở thành một bộ môn trình diễn sân khấu có tính nghệ thuật cao là Hát bội Bình Định.
Cái lý tưởng thiện của minh quân và hiền thần đối nghịch với tuyến nhân vật ác gồm toàn những hôn quân và gian thần là xương sống của các tuồng hát bội đương thời. Nghiêu Thuấn không lập luật hình, Võ Thang chẳng xây khám đường ngục thất, người người an vui, nhà nhà sung túc, thiên hạ thái bình là vương đạo. Mặt trái, gồm những nhân vật phản diện như bạo chúa Kiệt Trụ là bá đạo. Hai tuyến nhân vật “trung” và “nịnh” trở thành biểu tượng đạo đức sân khấu.
Đêm đêm, những văn thần võ tướng hiền tài “trung” như Quan Công, Nhạc Phi, Tiết Hiền, Địch Vương, Bàng Cử… mang mặt đỏ, áo mão uy nghi, mắt nhìn thẳng băng không chớp, giọng sang sảng như hịch truyền nói toàn những lời trung liệt đã làm cho khán giả tôn vinh, khính sợ. Những gian thần, nịnh thần như Bàng Hồng, Tôn Tú, Tần Cối, Trương Hườn sơn mặt trắng, mắt nhìn láo liên, âm mưu phản phúc, nịnh trên nạt dưới gây tâm lý khinh chê, phẫn nộ cho khán giả. Cái hiện tượng xã hội nghịch lý “người trung mắc nạn lao tù, để ba thằng nịnh lộng dù nghênh ngang” đã dấy lên thành một cảm giác rất thật trong lòng người xem. Thật đến nỗi bà chủ bún bò mụ Rơi có món bún bò giò heo ngon nhất kinh thành vẫn thường để dành những miếng giò khoanh, giò nạc luộc chín vừa, sứa thịt còn chắc nịch cho các đào kép hát bội đóng vai người trung. Trong khi các đào kép dóng vai kẻ nịnh thì mặc dầu cũng trả cùng giá tiền, nhưng những tô bún múc cho “thằng nịnh” bao giờ cũng là lỏng bỏng toàn giò ngoéo, mỡ sa… cho bỏ ghét! Nhiều lần các diễn viên ghiền bún bò Huế mụ Rơi cố giải thích sân khấu không phải là đời thường, nhưng mụ Rơi vẫn chứng nào tật nấy, vừa múc bún, vừa nói lầu bầu: “Tui rứa đó! Thương ghét rạch ròi. Ưng thì tới ăn, không ưng thì thôi”. Nhưng vì bún mụ Rơi là “độc chiêu” bún bò ở kinh thành nên thường thường, kép “trung” đành phải mua bún bới về nhà cho đào kép “nịnh”!
Tiếng trống chầu của Trí Hải cũng đã một thời chinh phục lòng người vì cái âm vang “trung - nịnh” hòa quyện vào tiếng trống. Cũng là sau một câu hát trầm bỗng tuyệt vời của đào kép “độc”, nhưng tiếng trống chầu dành cho các nhân vật quang minh, trung liệt bao giờ cũng có âm vang bay bổng như tâm hồn kẻ cầm chầu. Tiếng trống chầu dường như cũng nương theo hướng bay hào sảng của con đường nghĩa khí hay ngõ cụt đục ngầu vướng mắc của kẻ nịnh thần phản phúc.
Lần đầu tiên, một sân khấu cung đình mở rộng cho bàng quan thiên hạ được mở ra tại chốn đế đô. Quý tộc và bình dân hiếm khi gặp nhau trong những cuộc mua vui bằng loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật không có giai cấp, sang hèn. Nhưng giai cấp thường ngăn chận đường bay và sức bật của nghệ thuật. Những tuồng hát trên sân khấu làng xã và sân khấu cung đình cũng như hoa dại dưới đất và phượng đỏ trên trời. Vẻ đẹp tự nhiên của hoa thì muôn đời vẫn thế, vẫn vô tư như nghệ thuật. Thế nhưng người cắm hoa vẫn quen thói tôn vinh những đóa hoa vô thường chưng trong bình ngọc là “vương giả chi hoa”!
Đêm nay, khoảng cách tạm thời khép lại. Trong màu áo gấm của hàng quan chức, vương tôn công tử có xen lẫn màu áo vải của dân thường. Bộ trang phục dành cho hội hè thuở của Trí Hải đã cũ. Hoa thêu trên gấm xuống màu như một sự với tay ngọc ngà của quý tộc, nắm lấy bàn tay thô nhám của bình dân, bỗng trở thành khiêm cung, thân ái và ấm áp lạ thường. Chiều chưa xuống hết mà người đi xem hát đã nườm nượp khắp các nẻo đường. Họ cố đi nhanh để kiếm một chỗ không quá xa sân khấu.
Đoàn hát bội Phụng Vũ Bình Định của ông bầu Nam Sơn tiếng tăm lừng lẫy, nhưng trên miệng người đi xem hát ít trầm trồ nhắc đến hơn là nhân vật cầm chầu hôm nay. Trí Hải đang trở thành một huyền thoại. Một ông hoàng theo phò đông cung thái tử Cảnh bôn ba tận bên trời Tây. Một nhân vật kề cận vua trong những ngày chiến đấu gian khổ, những khi vua đăng quang lên ngôi bá chủ thiên hạ, không nhận một chức tước nào. Một nghệ sĩ bạn chí thân của tử tội Ấm Thuyên, kẻ chết vì thơ. Một cao thủ đánh bại Hàn Kỳ Vương, vô địch đánh cờ trong thiên hạ. Một Hoàng thân bị đương kim hoàng đế nghi ngờ hài tội. Một chủ Thái Ấp chỉ còn vườn hoang nhà trống. Một ẩn sĩ trong lâu đài đổ nát. Và có lẽ trên tất cả trong đêm nay là Trí Hải, một chầu vương trở lại cầm chầu.
Đi vào khu vực sân khấu, Trí Hải chầm chậm bước theo sự hướng dẫn của ông bầu Nam Sơn và các quan trong ban lễ tân. Nổi bật lên trong biển người xuôi ngược là long án dành cho Vua và hoàng hậu. Chỗ bọc gấm thêu hoa, chỗ kẻ son thếp vàng chói lọi, long án được đặt ngay chính giữa Duyệt Thị Trường ngay trước sân khấu. Duyệt Thị Trường chỉ mới là khu vực được chọn làm sân khấu tạm thời, chuẩn bị cho Duyệt Thị Đường là nhà hát chính thức của Hoàng cung trong tương lai. Long án Duyệt Thị Đường vẫn buông rèm lặng lẽ chờ nghênh tiếp ngự giá của nhà vua. Đội hát bội lặng lẽ như đang nín thở đợi chờ. Đội lính hầu phẩm phục uy nghi đứng yên như tượng gỗ trái ngược với biển người đang râm ran trò chuyện, vang vọng tiếng cười. Trí Hải theo chân đoàn tiếp tân tiến dần vào khu vực gần sân khấu.
Nơi đây, các quan triều gần như đủ mặt. Đây là một thế lực quyền uy nắm quyền sinh sát thiên hạ trong tay. Quan đại thần ngồi ghế bọc nhung xanh thêu tam linh vì con rồng trong tứ linh chỉ dành riêng cho vua. Rồng chầu có tam thập nhị thế, gồm ba mươi hai dáng đứng, ngồi, bay, lượn, tranh, chìm, nổi… Quan tam phẩm trở xuống ngồi ghế bọc gấm ròng - không thêu - màu bạch nhũ. Mỗi màu sắc, mỗi loại vật thêu, mỗi kiểu ghế ngồi đều mang một ý nghĩa riêng và được cân nhắc kỹ càng và chi ly từ cả năm trước.
Trí Hải hết hướng về bên phải lại quay sang phía trái, liên tục cung mình thi lễ và đáp lễ các quan đầu triều cũng như các hoàng thân quốc thích, các vương tôn công tử. Lê Trung Ẩn bước ra khỏi ghế ngồi, đến cầm tay Trí Hải, chào vui với giọng thân tình, ấm áp:
- Ha, ha! Hôm nay hùm thiêng đã chịu ra khỏi hang động để xuống núi cầm chầu. Thật là tuyệt vời! Tuyệt vời! Quả tình là chư quân ghiền hát bội, dĩ nhiên trong đó có Ẩn này, đến đây không mê “điệu thán trường vĩ” chết người của đào hiếm Nguyệt Nga hay lời diễn “xướng bạch quân bang” dậy sóng của kép độc Nam Xuyên bằng mê tiếng trống chầu của tôn huynh đấu nhé!
Trí Hải chẳng biết nói gì hơn là bóp chặt tay Lê Trung Ẩn rung rung, nói nho nhỏ vừa đủ cho người bên cạnh nghe:
- Cảm tạ thiện ý của huynh. Nghiệp cầm chầu cũng như làm quan thượng thư hay làm đào kép trên sân khấu. Cứ ngỡ như mình điều khiển được thiên hạ nhưng may lắm thì cũng chỉ mới giữ được mình và điều khiển được mình thôi.
Bầu Nam Sơn quay nhìn hai người bạn cũ. Tiếng cười đùa của quan thượng thư Lê Trung Ẩn, chầu vương Trí Hải, bầu gánh Nam Sơn vang lên hồn nhiên và tươi vui như ngày mới lớn.
Bước lên chiếc ghế dành cho người cầm “chầu bổ”, toàn thân chiếc ghế đã được bọc gấm đoạn hoa vàng, Trí Hải ngẩn người vì xúc động khi một thoáng quá khứ bỗng đâu hiện về trong chớp mắt. Quá khứ của một thời màu hồng. Một thời mà thực tại và ước mơ thật gần nhau, tưởng như với tay là tới. Thế nhưng thời gian càng đi qua, càng làm cho cái thực tại ù lì, nhàm chán mỗi ngày một gần và mỗi ước mơ tươi đẹp mỗi ngày một xa… Tia chớp quá khứ lóe lên và biến mất. Tất cả đi qua rất nhanh, để lại một thực tại mà Trí Hải chưa bao giờ trải qua. Sau tia chớp hồi ức đó, Trí Hải có cảm tưởng như mình bị giật lùi lại và quăng đi rất xa; xa đến nỗi bản thân mình không còn hiện hữu và thuộc về thế giới hiện thực chung quanh nữa.
Trí Hải tự trấn tĩnh để kéo mình trở lại với hiện tại. Cái hiện tại sau cơn say tâm lý chớp nhoáng làm con người vừa tỉnh cảm thấy váng vất và cô đơn. Với tay cầm dùi trống. Nâng dùi trống lên và nhìn quanh một lượt. Trí Hải có cảm giác ớn lạnh như đang đối diện trong đấu thủ, giương cung lên mà không có mũi tên nào còn sót lại.
Tiếng dàn nhạc cung đình nổi lên báo hiệu xa giá của vua vừa đến ngự lãm. Trí Hải theo đám đông làm lễ cung nghinh hoàng thượng một cách máy móc như cái chong chóng giấy quay tít theo gió. Không bao lâu nữa sân khấu sẽ khai diễn. Trí Hải chưa gióng tiếng trống mở đầu mà đã có vô số những cặp mắt từ mọi phía đang đổ dồn về hướng chầu bổ. Hít vào một hơi thở thật sâu, Trí Hải nhớ lời dặn của thầy Tiều “đừng dính mắc” để tâm không chạy theo cảnh mà cảnh cũng khoa học chui vào tâm. Nhưng cái trí thiền định không thắng nổi cái hồn nghệ sĩ trong cùng một con người Trí Hải. Trí thiền sư rỗng lặng như bóng mây trên biển. Hồn nghệ sĩ mông lung như đốm nắng trên đầu sóng biển. Bóng mây thiền lặng yên; đốm nắng nghệ sĩ dính mắc, quằn quại, vật lộn, gào thét đến sủi bọt, tỏa hào quang… trước khi cả hai cùng trả lại cái hư vô về cho biển cả. Trí Hải nhớ lời thầy Tiều trong trí nhưng giờ này trôi về một góc rất xa. Trong khi cái tâm cảm của dòng máu nghệ sĩ đang cuồng lên sống thực từng hồi làm cho Trí Hải cố đè nén ngọn trào trong lòng mình đến thắt ruột. Làm sao đây, khi tiếng trống chầu không dính một đồng trinh khen thưởng kèm theo trước những cái nhìn hau háu của diễn viên và khán giả, khối khán giả lẫy lừng trong cả nước từ vua đến cả cung đình; từ hoàng tộc đến bàng thiên hạ. Cơn yếu đuối từ đâu ùn ùn kéo lại. Trí Hải có cảm giác sự yếu đuối truyền dần vào cánh tay, xuống dần vào hai bàn tay làm cho dùi trống sắp rớt ra khỏi tay mình…
Trong cơn nguy khốn nhất đang vùi dập cảm xúc nhức buốc đến tận cùng tâm lực, Trí Hải muốn buông tay, ôm đầu gục xuống vì bất lực thì một tình huống giải cứu chợt hiện ra như phép lạ. Trí Hải mở lớn mắt. Từ đâu… một mùi hương rất lạ. Mùi hương quen quá mà xa vời từ tiền kiếp. Mùi hương làm Trí Hải tức khắc sống lại với tuổi đôi mươi. Mạch sống mới là Trí Hải nhận ra rồi. Đấy là mùi nước hoa thoang thoảng toát ra từ hoàng hậu Marie Antoinette mỗi lần Trí Hải theo hoàng tử Cảnh vào gặp vua Louis và hoàng hậu tại cung điện Versailles. Hai thể nữ áo hồng và áo xanh tha thướt tiến đến bên cạnh ghế chầu bổ. Cô áo hồng tiến sát gần Trí Hải, hai tay trao một phong thư xếp trong túi gấm nhỏ, tiếng nhẹ như hơi thở:
- Cung thỉnh Hoàng thân đại nhân xem thư.
Trên mảnh giấy hoa tiên lớn bằng hai bàn tay, chỉ ghi đôi hàng chữ viết tay. Nét chữ thảo, rõ ràng là người gửi viết trong vội vàng. Trí Hải kêu lên trong trí: “Chữ Nôm!” Thư viết : “Kính thưa Hoàng thân đại nhân. Xin đại nhân vui lòng cho phép hai thể nữ được kính hầu ngài trong cuộc diễn tuồng đêm nay. Tiểu nữ áo xanh lòng cung phụng trầu nước và tiểu nữ áo hồng lo cung ứng tiền thưởng, thẻ thưởng sẽ chấp hành đúng theo tiếng trống của ngài. Thời gian chuẩn bị gấp rút, xin đại nhân miễn xá cho những điều khiếm lễ. Mọi việc xin giải thích rõ ràng sau. Đại nhân gắng điểm chầu đêm nay cho thật hay ngài nhé. Kính ngưỡng. Tiện muội Ba Gấm”.
Tiếng hô cung bái của toán ngự binh rước vua lên long án để xem tuồng làm Trí Hải bàng hoàng tỉnh lại trước một màn “cứu nguy khẩn cấp” đang diễn ra như câu chuyện thần tiên có Bụt hiện lên giúp người hiền mắc nạn. “Ba Gấm, tên nghe dường như rất quen. Ba Gấm là ai mà lại viết được chứ Nôm với nét chữ thảo kỳ tú và tài hoa đến như vậy?”. Trí Hải vừa sắp gióng tiếng trống đầu tiên chuẩn bị khai diễn thì phải dừng lại vì ông bầu Nam Sơn đã vội vàng đưa hai vị cầm chầu bên phải và bên trái đến thi lễ với Trí Hải để xin gác chầu nhường lại cho chầu bổ trở thành “chính chầu” trong buổi diễn hôm nay. Sau khi vị đại khoa hưu trí cầm chầu bến phải ngỏ lời nhường chầu lại, ông bầu Nam Sơn giới thiệu người cầm chầu bên trái:
- Bẩm Hoàng thân đại nhân, đây là phu nhân quan lớn Tổng Chánh Chưởng Thân Binh tục gọi là “cô Ba Gấm”. Phu nhân quan Tổng tuy là nữ lưu nhưng sự hiểu biết về văn sách kim cổ và tuồng tích nghệ thuật thì rất sâu rộng. Bởi thế, phu nhân là nữ đại gia duy nhất thường được mời cầm chầu hát bội. Xin trân trọng giới thiệu cùng đại nhân.
Trí Hải bị đặt giữa một sự bất ngờ quá lớn, thi lễ vội vàng và hỏi không thành câu:
- Ba Gấm… cái thư chữ Nôm?
Người phụ nữ đứng trước mặt Trí Hải chẳng mang một vẻ gì mệnh phụ phu nhân. Đó là một người đàn bà nhỏ nhắn, da trắng mịn hồng, mơn mởn. Miệng cười không thành tiếng với đôi môi cong cớn đầy vẻ thách thức nghịch ngợm của thiếu nữ đang độ xuân thì hơn là nét già dặn của một thiếu phụ. Một người đàn bà khó đoán tuổi chính xác vì mái tóc bồng cuốn gọn mà không bối cao kiểu miền Nam hay cuộn tròn trong khăn như đàn bà miền Bắc. Đôi mắt sắc nhẹ, thông minh, ẩn chứa nét trầm tư hơi mệt mỏi. Khuôn mặt tròn đầy, thanh tú, bắt nét hài hòa với sống mũi không cao lắm nhưng kín đáo nhu mì. Người đàn bà lẳng lặng, hai tay nâng dùi trống “nhường chầu” cho Trí Hải. Khi hai khuôn mặt tiến lại rất gần nhau, Trí Hải sững người bắt gặp cái nheo mắt thoáng nhanh rất Tây phương với những ngọn sóng vô hình:
- Dạ, bẩm phải… Ba Gấm.
Người đàn bà quay đi rất nhanh để tránh vô số những cặp mắt xung quanh đang đợi chờ, theo dõi. Trí Hải chỉ còn kịp nhận ra mùi nước hoa Marie Antoinette. Tiếng trống mở màn. Buổi diễn tuồng khởi động.
Rung động là một cảm xúc bất ngờ mở toang những cánh cửa cảm nhận ngoài tầm kiểm soát thường tình của con người. Có những sự rung động mơn man, nhẹ nhàng, yếu ớt đến rồi đi âm thầm và mất dạng lúc nào không hay. Nhưng cũng có sự rung động bất ngờ tạo ra những “chấn động dị thường”, mở một khúc quanh mới trong đời mà con người không cưỡng lại nổi. Trí Hải đã buông tay khi sự chấn động dị thường đó vỡ ra trước cuộc cứu viện bất ngờ ở phút đỉnh điểm của sự bối rối vì không có một xu tiền thưởng cho đêm cầm chầu. Sự xuất hiện ngắn ngủi của người phụ nữ lạ lùng như đến từ một thế giới thần tiên nào khác. Lạ lùng vì nét chữ Nôm hiếm thấy, vì điệu bộ phương Tây còn quá mới mẻ với người dân thường và mùi nước hoa của một hoàng hậu nổi tiếng của Pháp đã bị đưa lên máy chém. Khuôn mặt mang nét đẹp đầy ẩn giấu và dáng vẻ chín muồi hương sắc cùng với lời trao gởi đầy bối rối, hay làm ra vẻ bối rối nửa vời, luôn luôn là sức mạnh lôi kéo tâm lý khám phá của người đàn ông. Tất cả gom lại tạo ra sức cuốn hút nỗi đam mê của dòng máu nghệ sĩ ẩn giấu bao nhiêu năm trong Trí Hải. Nòi nghệ sĩ thường có một tinh lực. Đó là sự sắc bén nhạy cảm, là nỗi đam mê, là sức mạnh vô hình, nằm trong góc khuất của ý thức. Tinh lực ấy vẫn thường hằng và thể hiện qua muôn màu, muôn vẻ như mặt trống, như dây đàn, như tư tưởng sáng tạo. Nghệ thuật đúng thời gian và tầng số của sức mạnh tinh túy nằm sờ sờ mà bí ẩn một cách đầy mâu thuẫn đâu đó. Sự đánh động có thể gióng lên bất ngờ trong một giây phút nào đó hay suốt một đời không bao giờ xảy đến. Tình yêu, đặc biệt tình yêu đam mê của nghệ sĩ, là tiếng ngân vang, là sự bốc cháy của tinh lực, là sự thiêu rụi toàn triệt hết những biên giới bình thường.
Tiếng trống chầu làm nức lòng diễn viên và khán giả. Người nữ áo hồng ném tiền thưởng lên sân khấu thướt tha và khéo léo như điệu vũ uyển chuyển múa theo cùng tiếng trống. Chầu đơn thưởng thẻ bạc, chầu đôi thưởng thẻ vàng, chầu ba thưởng thẻ hồng bảo. Thẻ bạc sẽ được đổi ra mười tiền, thẻ vang hai mươi tiền và thẻ hồng bảo năm mươi tiền theo đơn vị và giá trị của đồng tiền “Gia Long thông bảo”. Mỗi lần tiểu nữ áo hồng rướn người lên ném tiền thưởng. Trí Hải mường tượng như có bàn tay của cô Ba Gấm đang mơn man vỗ vào tiếng trống lan xa và bay cao đến vùng trời của nghệ thuật. Tuồng diễn càng về khuya, diễn viên và ông Hoàng cầm chầu càng gắn bó không còn khoảng cách. Đào hiếm Nguyệt Nga và những kép độc Nam Xuyên, Minh Hùng, Sáu Út cùng dốc hết tài năng và bản lĩnh nghệ thuật để lột tả và sống thật với tâm lý và động thái của vai trò. Qua điệu bộ, diễn viên phải diễn xuất bằng cả ánh mắt, nụ cười, dáng đi, cách ngồi, kiểu đứng để lột tả được hết lòng trung thành, tính nịnh hót, vẻ đoan chính, thói lẳng lơ… Cái xảo trá gian hùng, cái trung tín nhân nghĩa ở đời không bao giờ cũ nên có người xem đến thuộc nhẵn nằm lòng mà vẫn không thấy chán. Ngay một kiểu đi diễn tuồng gọi là “đi bộ hạ” của Châu Thương do kép độc Sáu Út thủ diễn cũng làm nức lòng khán giả. Châu Thương là tên cướp núi, khi gặp Quan Công là bậc cái thế anh hùng nên đã ví mình như lau sậy bên tùng bách; như con đom đóm đông tàn bên mặt trời mới mọc. Chỉ một kiểu đi mà lột tả được tình cảm, thái độ, vị thế một cách tuyệt vời làm cho tiếng trống chầu vang lên từng hồi giục giã.
Đến cuối tuồng diễn, cả ba vai Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi hội ngộ để nhớ thuở Đào Viên kết nghĩa. Những câu nói lối sâu nặng tình nghĩa. Câu hát Nam cởi mở ân tình. Câu hát Khách với điệp khúc Đại quá trường anh hùng và dũng cảm làm cho tiếng trống chầu đổ dồn với âm vang hào hùng phấn khích. Tuồng hát chấm dứt với tiếng trống chầu dồn dập và tiểu nữ áo hồng vươn lên như gió lượn thảy nguyên cả khay thẻ còn lại lên sân khấu để tán thưởng. Có tiếng của một vị đại quan ngồi gần sân khấu cổ võ:
- Hát hay đỏ khay là phải!