Chương mười tám
Lửa tình
Hạn hán kéo dài. Bao nhiêu cố gắng cầu mưa vẫn không có một giọt. Sông cạn, nguồn khô. Ruộng đồng nứt nẻ. Khi sự cầu đảo vào thần linh trở thành vô vọng, người ta quay lại với con người. Trong mắt nhìn của thế giới nam trị nặng tính phụ quyền và gia trưởng thì người đàn bà là một bông hoa, nhưng cũng vừa là tai họa. Đàn bà mang âm tính. Động lực âm bị coi là lực cản, lực chìm. Dẫu có đẹp như tứ đại mỹ nhân của xứ Tàu thì cũng chỉ làm vướng chân giới đàn ông khí phách. Hoặc có oanh liệt ngang tầm với tứ đại nữ anh hùng đất Việt như Âu Cơ, Triệu Nữ Vương, Hai Bà Trưng rồi cuối cùng cũng phải bó tay trước sức mạnh của đàn ông. Sự bất công trọng nam khinh nữ có cội nguồn từ nền văn minh tiểu nông, trong đó, người nào vỡ đất, cày ruộng giỏi hơn thì người đó nắm quyền chủ động.
Người ta tin rằng, muốn giải hạn cho có hiệu quả thì phải loại bỏ tính âm và cổ xúy tính dương. Nhà vua đương triều, sau nhiều lần triệu ý với các thầy huyền học, luận lý âm dương đã cho rằng số cung nữ trong cung quá đông nên đã làm cho âm thịnh, dương suy mà sinh ra hạn hán. Nhà vua xuống chiếu cho một trăm cung nữ rời cung cấm, trở về nguyên quán. Ba Gấm nằm trong số cung nữ rời cung.
Sau mười lăm năm nhập cung, Ba Gấm trở về với gia đình. Cô gái ươm tơ dệt cửi ngày xưa về lại chốn cũ bỗng nhận ra mình là người xa lạ. Người từ cung vua chẳng phải là người thường. Đụng đến tên húy của nhà vua còn sợ huống hồ là “người của vua”. Ba Gấm khó mà giải thích cho người bên ngoài, kể cả cha mẹ ruột của mình, hiểu được nếp sống buồn thảm, ngày lại ngày chờ đợi một ảo ảnh không bao giờ đến. Không ai tin lời người cung nữ ở hàng chục năm trong cung cấm mà chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy vua.
Sự cung kính phân biệt đối xử làm cho Ba Gấm nghẹt thở hơn cả những ngày đen tối nhất trong cung cấm. Đám người dân thường đang nói chuyện đầy tiếng cười vui bên đường, trên bến, ngoài vườn sẽ im bặt khi thoáng thấy bóng Ba Gấm đi qua. Mọi người chắp tay kính cẩn, có kẻ cúi đầu chào, có người chắp tay im lặng cho đến khi Ba Gấm đi khuất. Dẫu trong mơ mộng hoang tưởng nhất thì vẫn không có một người đàn ông bình dân nào dám mơ tưởng đến chuyện lấy người cung nữ làm vợ.
Nhưng rồi cũng đến một ngày lạ lùng xẩy đến giữa cuộc đời Ba Gấm. Hai người khăn áo chỉnh tề đến mai mối. Người đó ngỏ ý xin cưới Ba Gấm làm thiếp thứ tư cho quan Chánh Chưởng tuổi ngoài sáu mươi. Không phải là một sự lựa chọn mà là một lối thoát, Ba Gấm và cha mẹ bằng lòng. Ngày cưới dâu, chỉ có bà vợ cả và hai bà vợ thứ của quan Chánh Chưởng đứng ra làm chủ hôn xin rước dâu trong khi chú rễ là quan Chánh Chưởng vẫn còn bận phò ngự ở tận đâu đâu.
Ba Gấm lại lên đường về làm thiếp quan Chánh Chưởng. Những trái tim gỗ mục khô rốc tìm nhau. Ba Gấm về dinh quan Chánh Chưởng như về một miền quạnh hiu. Lạy tạ từ đường và ba bà vợ già của quan Chánh Chưởng, Ba Gấm muốn khóc nhưng khóc với ai đây. Nệm gấm, màn nhung phủ lên đời tủi cực. “Đêm tân hôn” trống vắng bên hai cô hầu gái ngủ gục, Ba Gấm chong mắt nhìn ngọn đèn lồng leo lắt, trí óc đặc quánh bóng đêm và chỉ còn nhớ man man dăm câu thơ chữ trong Kinh Thi: “Quan quan thư cưu. Tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu…” và dịch nghĩa để buồn: “Thư ơi! Chim hót ai nghe. Bãi sông vắng lặng ai về bến duyên. Có cô thục nữ dịu hiền. Mơ chàng quân tử về miền quạnh hiu”.
Hơn nữa tháng sau ngày cưới, quan Chánh Chưởng trở về. Thì ra, cô dâu mới là món quà thế thân mà ba bà vợ già đã mỏi mệt, muốn về hưu giữa cuộc ân tình đang tới mùa Đông… muốn tặng cho đức lang quân trong ngày lễ thượng thọ. Đêm tơ hồng, đêm động phòng hoa chúc, quan Chánh Chưởng ngất ngư trong men rượu, níu tóc cô dâu cười sặc sụa. Ba Gấm chết lặng, tê điếng người trong cơn chịu đựng tột cùng của thể xác với con quái vật đàn ông xa lạ…
Sáng hôm sau tỉnh rượu, quan Chánh Chưởng chợt khám phá ra rằng, mình vừa có người vợ mới trẻ trung xinh đẹp không ngờ. Từ đó, lạ thay, Ba Gấm đã trói chân ông quan già võ biền vốn coi đàn bà như phương tiện truy hoan và sinh sản, sau những cuộc liên hoan ngập ngụa trong rượu và đàn bà. Xuất thân là quan võ, nên quan Chánh Chưởng thường mang nặng mặc cảm vừa tự tôn, vừa tự ty với giới văn chương, sách vở bút nghiên. Khi khám phá ra rằng, Ba Gấm cũng là người tinh thông kinh sử và thư pháp, quan tò mò tìm hiểu. Càng tìm hiểu, quan càng bị cuốn hút bởi phẩm chất nghiên bút tài hoa mà trước đây quan không bao giờ nghĩ có thể có nơi một người đàn bà. Dần dần, quan hoàn toàn bị chinh phục bởi người đàn bà bằng tuổi con mình.
Tuổi sáu mươi ở người đàn ông có quyền lực và địa vị là một mốc thời gian đầy thử thách. Bao nhiêu năm say sưa chen chân vào đời tranh sống, tranh địa vị, tranh tiếng tăm. Tốc độ đời sống ngỡ như tăng tốc lên tới điểm cao nhất, nhưng thực ra chỉ là ảo giác do cái đà của năng lực quán tính còn sót lại. Người đàn ông sáu mươi, thật ra, đang rơi xuống thấp dần với đất, phía bên kia sườn núi phía Tây của tuổi già xế bóng. Quan Chánh Chưởng không còn nhớ rõ và phân biệt từng trường hợp mình đã gặp gỡ và kết hôn với ba bà vợ cũ trong hoàn cảnh nào. Quá khứ trải dài hơn ba mươi năm trước và về sau này chỉ để lại trong đầu quan Chánh một điều rất rõ là quan lấy vợ cũng như người sắm nhà. Hai bên mối lái thuận mua vừa bán thì người đàn bà độc thân thành vợ. Vợ về nhà chồng. Ăn ở với chồng sinh con đẻ cái. Tuổi già thì có thêm cháu nội, cháu ngoại. Những vòng tròn đơn giản của sinh, lão, bệnh tử quay đều đặn từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. thế nhưng từ khi gặp Ba Gấm quan bắt đầu hiểu ra là có một thứ tình trai gái lạ lùng hơn, lay động dữ dội hơn, sâu và bền hơn là những động tác và cảm giác lặp đi, lặp lại hoài trong bao nhiêu năm đến độ trơ lì trên giường ngủ. Người ta gọi thứ tình trai gái lạ lùng đó là tình yêu. Và quan nghĩ rằng mình mới bắt đầu nếm vị tình yêu đó từ khi gặp người đàn bà kỳ diệu ấy. Nhưng quan chỉ cởi bằng quyền hạn mà không mở được cánh cửa của tình yêu vì không có cái chìa khóa vàng để mở trái tim người đàn bà đã tạo ra nguồn rung cảm dữ dội của quan. Quan hiểu điều đó, nhưng không có lý do đòi hỏi nhiều hơn. Như trồng cây mẫu đơn trổ được hoa cũng đã là quý rồi, quan không có lý do đòi hoa ngũ sắc; dẫu rằng, quan biết trong lòng mẫu đơn có hoa ngũ sắc. Dẫu sao thì ở tuổi sáu mươi, quan vẫn thầm cảm ơn đời đã hé cửa cho quan biết có một chân trời khác mà quan biết rõ là có không biết bao nhiêu bạn đồng liêu của mình, từ ngày mới lớn cho đến khi nhắm mắt lìa đời, tuy con đàn cháu đống, nhưng chẳng bao giờ được hít thở một chút hương hoa của chân trời “khác” ấy.
Không tình yêu, nhưng Ba Gấm hiểu cái “nghĩa” của quan Chánh Chưởng và trân trọng cái nghĩa ấy. Ba Gấm thương chồng con và lo chu tất chuyện cơm áo gia đình. Tình cảm của Ba Gấm như cái giếng sâu, thản nhiên và lặng lẽ tụ nước cho người đến múc. Cái giếng không biết đến những khe suối, ao hồ, dòng sông và biển cả. Thế nhưng càng ngày, cái giếng tình cảm của Ba Gấm, từ trong thâm cung tự nhiên của tình cảm, vẫn phải nghe mơ hồ tiếng róc rách khe suối, đã thoáng thấy bầu trời soi bóng mặt hồ, đã nghe xao xác nước chảy ven sông, đã có lúc nổi sóng ba đào của biển lớn.
Người ta nói những văn tài, những nhà độc tài, những thiên tài và những nhà kinh tài là những người có quá nhiều mối tình hay không có được một mối tình nào dính túi. Nhưng tất cả đều giống nhau là không tìm thấy một tình yêu đích thực nào cả ở trần gian nên họ vẫy vùng trong tuyệt vọng và thành “tài” bao giờ không hay! Ba Gấm vẫn thường đem ý tưởng ngộ nghĩnh nầy để ví von với mình và sự thành công quá lớn lao của mình trong thị trường buôn bán gấm vóc.
Ba Gấm mang cả một nguồn tinh lực nghệ sĩ dạt dào trong mình để đối diện với sự ghẻ lạnh tình cảm riêng mình. Quan Chánh Chưởng càng say mê thiết tha, Ba Gấm càng nhận rõ hơn cửa ngỏ tình cảm của mình vẫn đóng chặt. Nỗi ám ảnh kinh hoàng trong buổi tân hôn là những cái đinh đóng chặt nắp áo quan của tình cảm. Tự bản chất sâu thẳm, người đàn bà khác với người đàn ông là khi không có tình yêu thì sự tương giao xác thịt là nỗi dày vò cực hình. Ba Gấm phải tự giải thoát cực hình bằng hoạt động bận rộn kinh doanh. Kinh nghiệm truyền đời trong nghề tơ lụa đã giúp Ba Gấm biết cầm vững phẩm chất và thị hiếu của khách sành điệu xem cái mặc trước cái ăn. Kiến thức văn chương và sở trường thư pháp giúp Ba Gấm biết nhìn cái đẹp độc đáo và tinh chuyên trong sở thích may mặc của giới giàu sang và quý tộc. Uy quyền của quan Chánh Chưởng giúp Ba Gấm vẫy vùng không biên giới trên mọi thị trường tơ lụa trong nước và các xứ lân bang. Hàng tơ lụa, gấm vóc mang nhãn hiệu Ba Gấm chiếm lĩnh ngôi vị không có địch thủ cạnh tranh trên thương trường. Sự giàu có ào ạt tìm cửa đại gia Ba Gấm mà đến.
Hàng tơ lụa, gấm vóc của Ba Gấm đến từ mọi phía. Phía Tây có hàng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh Cát Lợi và luôn cả hàng Ấn Độ, Ba Tư. Phía Đông có hàng Nhật Bản, Triều Tiên. Phía Bắc có hàng Hàng Châu, Tô Châu, Thượng Hải, Đài Loan. Dưới bóng dù che của quan Chánh Chưởng, Ba Gấm trực tiếp giao thiệp buôn bán, đổi chác, sinh hoạt với hầu hết các tàu buôn và khách thương ngoại quốc. Những chuyến đi buôn bán lặng lẽ hàng tháng trời ra các nước ngoài giúp Ba Gấm mở rộng tầm mắt, thay đổi nếp suy nghĩ chật hẹp của người đàn bà dưới chế độ phụ quyền nghiêm ngặt. Mùi nước hoa Marie Antoinette, mỹ phẩm trang điểm phương Tây, những kiểu may mặc Âu Á cải biên, phong cách giao tiếp cởi mở và tự nhiên của người phụ nữ… đã biến Ba Gấm thành người phụ nữ có sức mạnh gợi cảm kín đáo. Nếp xã giao thoáng đạt, tự nhiên nhưng cũng đầy trí tuệ của Ba Gấm gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với các nhà quyền quý, đầy thế lực ở kinh thành. Quyền lực của một người đàn bà thường dồn tụ ở một trong ba mặt sau: Sắc đẹp chín muồi, quý phái qua nghệ thuật trang điểm; sự thông minh, bén nhạy qua sinh hoạt giao thiệp; và tài tổ chức đời sống qua khả năng kinh doanh. Ba Gấm có luôn cả ba mặt đó trong cùng đời sống hàng ngày.
Quan Chánh Chưởng chỉ còn là bóng mờ khi tiếng tăm Ba Gấm trỗi lên được bao người hâm mộ và giá trị tuyệt hảo của hàng hóa Ba Gấm ngự trị khắp nơi. Và có vẻ như quan cũng chỉ mong bậc thang của đời mình đến được như vậy là tột đỉnh của danh vọng. Niềm hãnh diện lớn nhất của quan là đi đâu có Ba Gấm bên cạnh để được người đời giới thiệu là quan Chánh Chưởng phu nhân.
Khi người đàn bà vượt cao quá tầm người đàn ông trong gia đình, sự yếu đuối cảm xúc và nhu cầu vuốt ve mơn trớn của người đàn bà cần đến bàn tay rắn rỏi của người đàn ông nhạt dần. Cho đến một lúc nào đó thì vai trò quan hệ vợ chồng cổ điển bị thay đổi. Hình bóng người đàn bà không còn là hình ảnh nhành hoa lã ngọn dưới bàn tay âu yếm của chồng. Chồng không còn là sức mạnh ngự trị cả trong tâm hồn lẫn thể xác trên người vợ. Quan hệ hoa bướm thể xác nam nữ lắng xuống cho đến khi một trong hai người hay cả hai người nhận rõ ra rằng, vợ chồng sống với nhau vì “nghĩa”. Đó là khi cuộc tình chấm dứt. Vợ chồng thành hai người lính gác một viện bảo tàng kỷ niệm. Một gia tài kỷ niệm, có khi thực tế trống trơn vì bóng kỷ niệm chỉ hiện lên khi có ánh sáng ân tình.
Để tránh sự chung đụng xác thịt mỗi ngày một hiếm hoi và miễn cưỡng, Ba Gấm phải nài ép quan Chánh Chưởng cưới người hầu thiếp thứ năm. Cặp vợ chồng hãnh diện và hạnh phúc đi bên nhau trước mắt mọi người có khi chỉ là hai cái bóng. Mặt trời và hai con người thật của họ đã lặn từ phía bên kia đồi thời gian.
Ba Gấm cười buồn. Tiếng nói rơi vào lặng lẽ:
- Còn lại một nửa đời sau đối với em có lẽ quá dài để sống.
Nâng bình trà Nội phủ, rót một nửa vào hai tách trà trước mặt, Trí Hải góp lời:
- Nửa ly đầy, nửa ly cạn. Cũng chỉ là nửa ly nước mà người nầy cho là “còn đầy nửa ly”, kẻ khác lại cho là “cạn hết nửa ly”! Nửa đời sau quá dài hay nửa đời sau quá ngắn; đầy hay cạn, ngắn hay dài cũng chỉ là những ý nghĩ chủ quan có gì quan trọng đâu. Quan trọng là hiện tại mình có đang sống thực hay không. Dĩ vãng qua rồi và tương lai chưa đến. Cái đã qua và cái chưa đến đều nằm ngoài tầm tay. Quên hiện tại thì sống cũng như chết đều vô nghĩa như nhau. Nếu cứ kéo dài cái chết trong cái sống thì thêm nửa đời sau dài ngắn cũng bằng không.
Trí Hải trầm ngâm như đang đọc lại những trang sách của mình.
Không có tiếng trả lời của Ba Gấm. Trí Hải nhìn những tàn cây xanh. Hai người đều bình thản quá.
Thực tại, trái với những ngày qua, chỉ cần hình dung lại chút hình ảnh của Ba Gấm thoáng qua trong đêm cầm chầu là Trí Hải đã cảm thấy đầu mình rộn lên với bao ý nghĩ đầy mơ mộng, xen lẫn với cảm giác rạo rực, ấm áp. Nhưng bây giờ đối mặt, gặp nhau riêng tư trong khung cảnh hữu tình cây lá mơ phai của mùa Thu, cả hai lại ngỡ ngàng im lặng. Ba Gấm đã để ra hơn nửa ngày kể chuyện đời mình. Trí Hải lắng nghe, nhấm từng lời nói, hình dung từng hình ảnh, nghĩ về từng sự cố. Cả hai vẫn lặng yên. Lời nói xa xôi là những luồng gió nhẹ. Thường giữa cơn cuồng phong là tâm bão. Không còn một chút gió. Tình cảm lọt vào vùng tâm bão là sự lặng yên, như vô tình. Vẻ vô tình nằm chính giữa trục quay của những cơn gió cuốn ghê hồn đang lay đổ ngoài kia.
Hơn nửa ngày gặp nhau. Trời đã tối. Ba Gấm ra về. Hai người chào tạm biệt nhau, nét mỉm cười nói nhiều hơn tiếng nói.
Chỉ khi hai dòng sông tách nhau, mỗi bên mới nhìn ra được con nước ròng hay con nước lớn và hướng nhảy trong lòng nước của mình.
Dòng suy tư của Trí Hải như trái cây vừa chín. Vàng hươm, mọng nước, nhưng mất sự tươi tắn bén nhạy bình thường. Tất cả còn lại là nỗi nhớ. Cái nhớ leo dần. Nhè nhẹ đi từ cảm xúc mơn man được gặp một người lạ mà rất quen. Cảm xúc cao hơn chút nữa là tâm tình, chia sẻ. Cuộc sống vốn lạnh lùng với những hình thức giao tiếp hời hợt, có vẻ như gần gũi mà vẫn xa lạ ngoài nhau, nay có hai người đi vào thế giới của nhau không gài then cửa. Cảm giác được tiếp nhận, thuộc về nhau nhen lên ngọn lửa ấm áp, gần gũi. Tuồng như phía bên kia là một phần thân thể của chính mình. Khi một phần thân thể mất đi, có một sự réo gọi, kêu đòi vô hình lặng yên nhưng hết sức thường xuyên và mãnh liệt. Ăn, uống, ngủ, làm… vẫn không một nháy mắt quên đi phần thân thể tách lìa cần khép lại. Trí Hải cảm thấy yếu đuối. Người ta có thể đánh thắng con quái vật hiện hình, nhưng khó nhất là làm sao chế ngự được nỗi khát khao đang réo gọi từ bên trong.
Một người ái mộ mình và cũng là người mình ái mộ. Một người trải lòng ra với mình và mình cũng tự nguyện trải lòng ra để đón. Không có hàng rào chắn nào dựng lên giữa hai người. Nỗi nhớ là tên phù thủy tai quái nhất của tình cảm. Nỗi nhớ nhân thành hai, thành bốn, thành mười sáu… và cứ thế nhân lên cho đến một lúc nào đó hai kẻ cùng nhớ nối liền cảm xúc, chung một dòng sông, hòa quyện với nhau. Không còn thiếu một ngày, cô nữ hầu tâm phúc, nhưng lại mù chữ Hán, chữ Nôm của Ba Gấm mang đi và mang về liên tục những tờ thư viết và gởi từ cả hai phía. Ngôn ngữ “nói với người kia” thu dần khoảng cách để nói với chính mình. Gọi mình: “Mình ơi!” Đó là tiếng gọi của sự cuốn hút tình cảm giữa hai người cùng lạc loài giữa mênh mông tìm nhau, tìm về nhau, tìm đến nhau và tìm lại khát vọng của chính mình.
Một lần, Ba Gấm hỏi Trí Hải trong thư đi:
“Huynh ơi! Thế nào gọi là thương?”
Và thư lại:
“Thương là khi hai người cùng về một phía”.
“Và cùng nhìn về một phía?”
“Không! Nhìn mọi phía mà chẳng có phía nào để nhìn cả”.
“Thế thì nhìn vào đâu?”
“Không nhìn vào đâu cả!”
“Vậy thì thương là mù?”
“Mù hay sáng là cách nói của những người đứng ngoài để phê phán. Khi thương thật tình thì không còn phê phán. Phê phán là một cách dò hỏi tìm đường để cho hay giữ lại tình thương. Mẹ thương con không dò hỏi hay phê phán mà tình thương như suối nguồn trút xuống. Bạn bè thương nhau không tính toán hơn thiệt; không đong đếm cân đo. Người đàn ông, đàn bà thương nhau là đi vào đời nhau như hai dòng nước gặp nhau; trong hay đục, ấm hay lạnh đều hòa tan vào nhau mà không còn biên giới”.
“Nhưng vẫn có thương mà hận, thương mà buồn, thương mà vẫn gian dối, thương mà không gần nhau được thì sao?”.
“Đó chưa phải là tình thương đích thực mà chỉ là một khuynh hướng của tình thương hay chỉ là một mảng ngọt ngào của tình cảm đem cho và sẵn sàng lấy lại”.
“Huynh và em có thương nhau thật không?”
“Có!”
“Nghĩa là huynh sẽ không bao giờ lấy lại?”
“Thôi! Thua. Không trả lời được”.
“Hì! Hì…”.
Cô nữ hầu của Ba Gấm chỉ thấy nụ cười vui trên khuôn mặt thường đăm chiêu của Trí Hải.
Rồi một ngày vắng thư. Trí Hải băn khoăn. Lo cho mình thì ít mà lo cho Ba Gấm thì nhiều. Cô ấy buồn? Cô ấy giận? Cô ấy không khỏe hay cô ấy gặp chuyện bất thường. Nhiều khi Trí Hải bất mãn với chính mình, tự đay nghiến sự yếu đuối của mình, nhạo báng cảm xúc ngây ngô của chàng trai mới lớn nơi mình vì đầu óc thường xuyên nghĩ về Ba Gấm. Bao nhiêu kiến thức sách vở chẳng giúp ích gì được cho cố gắng tuyệt vọng một cách êm đềm để tìm ra một vài khoảng trống nhỏ cho riêng mình. Ba Gấm có mặt khắp nơi. Mở sách Chu Dịch luận về càn khôn, âm dương ngũ hành sinh khắc, cũng thấy Ba Gấm hiện hữu nơi đó. Ba Gấm là càn khôn, là vẻ đẹp tuyệt vời mà tạo hóa đã sinh ra. Mở những tác phẩm mình đã viết và đã từng tha thiết, tiếc nuối đến quặn mình vì cứ ngỡ là đã bị thiêu hủy theo vụ án “văn chương phản nghịch”, may nhờ Ba Gấm chép lại, Trí Hải cũng không tài nào thoát khỏi sự ám ảnh của Ba Gấm. Nghĩ đến bàn tay thoăn thoắt ghi lại từng trang sách, không quan tâm tiền rừng bạc bể trước mắt để chép lại từ những trang tốc ký trong suốt ba năm, Ba Gấm càng có mặt gần gũi với Trí Hải hơn bao giờ hết. Trí Hải nhìn vào khoảng không, nét chữ cuồng thảo của Ba Gấm lại bay lượn như bướm hoa trước mắt. Trí Hải nhắm mắt, mùi nước hoa Antoinette và tiếng cười trong, diễn cảm lạ lùng của Ba Gấm lại đến. Cố tìm một điểm tựa cuối cùng mà Trí Hải đặt ở tầm cao và chỉ khi nào cấp thiết nhất mới dùng đến. Đó là sự tĩnh cảm, dưỡng trí, định thần mà người tu theo đạo Phật gọi là thiền định. Ngồi xếp bàn an tịnh trong vài ba phút, vọng tưởng về Ba Gấm lại khởi lên. Trí Hải cố tưởng tượng tập trung về một tiếng chim Anh Lạc, giọng nói hồn nhiên ríu rít như chim của Ba Gấm lại về. Cố gạn hết bụi bặm của suy tư để mong tìm sự rỗng lặng, đầu óc Trí Hải lại lang thang với những câu hỏi mang nhiều ý nghĩa riêng và tư chưa được trả lời trọn vẹn của Ba Gấm.
Trí Hải tự hỏi: “Tại sao ta không thắng được mình; tại sao ta không thể làm chủ chính mình để cho một hình ảnh và cảm xúc đến hay đi vào hồn ta như đi vào gian nhà trống thế kia?”. Trí Hải nhớ và suy nghĩ đến hai chữ “dính mắc” của thầy Tiều: “Dính mắc vì lòng ta không có then gài cửa khóa hay vì cánh cửa trống đón nhận mở toang?”. Nhớ lại mình đã từng thao luyện và thành công về cái “trí không” trong cuộc đối đáp với Lê Trung Ẩn và nhóm sỹ phu Bắc Hà, Trí Hải lần theo thời gian và càng nhớ rõ hơn là mình đã từng có cái trí không dính mắc để tạo ra được những thế cờ muôn phương đánh bại Hàn Kỳ Vương. Thế nhưng tại sao bây giờ lòng Trí Hải lại bấn loạn giữa cuộc tương giao với Ba Gấm. Càng cố thoát ra, càng bị dính chặt“. Ta không còn là ta của ta thuở ấy nữa sao…?”. Trí Hải thất vọng với chính mình và tự hỏi tiếp.
Ngày thứ ba vắng tin, Trí Hải bồn chồn chờ đợi. Cô nữ hầu của Ba Gấm mang tin đến. Thư viết:
“Huynh ạ. Em sợ. Em cố ngoi lên cho thoát khỏi nỗi nhớ quay quắt này, nhưng em đã thua và đang bị nỗi nhớ đó đánh bại. Em hiểu là huynh cũng chẳng hơn gì em. Em đợi huynh. Cùng giờ, chỗ cũ…”.
Trí Hải thoáng ưu tư. Sự dính mắc sâu đến mức khó gỡ ra được như nhận xét của thầy Tiều qua tiếng trống chầu sẽ đi về đâu.
Ba Gấm và Trí Hải như sợi dây đàn và cần gảy của một cây độc huyền cầm. Phương tiện cần để cho cây đàn bầu đơn giản đã có sẵn. Chỉ cần một ngón đàn điêu luyện là sợi dây đàn và cần gảy đơn độc kia sẽ ngân lên tiếng đàn muôn điệu.
Hai người lại quấn quýt tìm nhau.
Tri thức, địa vị, hoàn cảnh, tiếng tăm xã hội là phương tiện tốt để cho người ta biết nhau, nhưng đó là chướng ngại xấu để cho người ta gần nhau. Biết nhau để tò mò, so sánh, nhờ cậy… thì dễ. Biết nhau để mà thành thật gần gũi nhau đã khó. Gần nhau để làm bạn lại càng khó hơn.
Có lần, Ba Gấm hỏi Trí Hải:
- Huynh ơi! Chúng ta biết nhau bao lâu rồi và thời gian có phải là thước đo chính xác sự gắn bó tình cảm giữa hai người không?
- Giữa chiều cao của trời đất, chiều rộng của sông hồ, chiều dài của đất nước còn có một chiều đáng nói nữa mà mọi người thường quên, đó là chiều sâu của thử thách hay độ bền của thời gian.
- Hì. Hì! Dạ thưa… trật!
- Tại sao?
- Trong tình cảm thì không những chỉ có bốn chiều huynh vừa nói mà có rất nhiều chiều. Đặc biệt trong tình yêu nam nữ thì lại có thể có vô số chiều.
- Vô số là bao nhiêu, là những chiều nào?
- Vô số là vô số. Không đếm được và cũng không kể tên hết được. Có bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu rung động, bao nhiêu đổi thay… thì có bấy nhiêu chiều tương xứng. Có khi tất cả mọi chiều cùng về lại với nhau thành một điểm. Người ta gọi điểm đó là “tình yêu”. Hì, hì! Ngụy biện nhưng mà đúng quá phải không huynh? Nếu huynh muốn đếm, muốn gọi tên thì trước hết phải biết tình yêu là gì trước đã.
- Thế thì theo Ba Gấm, tình yêu là gì?
Ba Gấm trả lời theo cách suy nghĩ riêng, sau những năm dài chiêm nghiệm về một đời sống hôn nhân mà chẳng có bóng dáng tình yêu của chính mình:
- Tình yêu là một điểm có vô số chiều và vô số chiều ấy tụ thành một điểm. Vì chưa ai từng diễn tả cho đúng ý nghĩa một nụ hôn của hai người yêu nhau, nên cũng chẳng ai biết được ý nghĩa thực sự của tình yêu là gì. Nếu có hằng hà sa số người yêu nhau, thì cũng có hằng hà sa số cảm xúc khác nhau mà chỉ có hai người mới biết. Thậm chí, cảm xúc của người nầy cũng hoàn toàn khác với người kia giữa hai người yêu nhau. Cho nên yêu là đi tìm và chia sẻ sự cô đơn. Càng tìm, càng chia sẻ, càng cô đơn. Nên tình yêu là một cuộc hành hương tình cảm không có giới hạn. Khi một trong hai người yêu nhau tuyên bố rằng, họ tìm được nhau và biết được tình yêu trong nhau là khi tình yêu tự nó chấm dứt. Tình yêu tự nó không còn nữa, nhưng cái đà thói quen và ham muốn vẫn còn. Người ta chỉ còn sống tiếp những ngày tình yêu bên trong vắng bóng với sự biểu hiện bên ngoài như ghen tương, hoài nghi, hoan lạc, đau khổ, mong muốn, chán chường… Nguồn cảm xúc phi tình yêu đó là khi kéo dài suốt một đời còn lại mà hai người trong cuộc chẳng ai nhận biết hay tự nhận rằng họ đang sống có Tình mà chẳng có Yêu.
Trí Hải nhìn những sợi tóc xòa làm mạng che khuôn mặt của Ba Gấm thành khói sương. Đọc sách và giao tiếp đã nhiều, nhưng Trí Hải chưa từng gặp một người phụ nữ nào có sự suy tư độc lập và linh hoạt về cảm xúc và tình yêu của con người đến như thế.
Một cảm giác rung động nhẹ nhàng và vui vui chợt đến, Trí Hải hỏi:
- Nhưng tất cả đó mới chỉ là một khung cảnh trang hoàng “rất Ba Gấm” cho một triết lý tình yêu. Một định nghĩa tình yêu vẫn còn vắng bóng. Thế Ba Gấm có một định nghĩa về tình yêu của riêng mình không?
- Dạ, có chứ!
- Yêu là…?
- Là có nhau, trong nhau, một lần và mãi mãi.
- Vì sao phải trong nhau?
- Trong nhau vì biết hy sinh và thương quý nhau. Không hy sinh và thương quý thì vẫn còn đứng bên ngoài nhau mà phán xét. Hai kẻ đối mặt nhau để mà phê phán thì làm sao chấp nhận nhau để mà thương yêu nhau, phải thế không huynh?
- Vì sao chỉ “một lần” rồi mãi mãi…?
Hỏi pha một chút đùa vui. Cả khuôn mặt, giọng nói và tiếng cười của Trí Hải đều trẻ lại.
- Lên đến đỉnh núi cao nhất một lần là đã lên tới Đỉnh Trời. Những lần đến được những đỉnh núi thấp hơn thì không tính vì cao không bằng. Nhưng dẫu có nhiều lần lên đỉnh núi cao nhất thì cũng chỉ lặp lại như một lần lên tới Đỉnh Trời chứ không còn lên cao hơn được nữa, nên dẫu có nhiều thì cũng như một mà thôi.
Ba Gấm trả lời và hỏi lại Trí Hải bằng một giọng rất lém lỉnh:
- Huynh đã có bao giờ được “một lần” đó chưa nhỉ?
- Lần nào?
- Lần lên tới được Đỉnh Trời.
- Chưa.
- Thử.
- Thử gì?
- Leo.
- Leo gì?
- Núi.
- Cần không?
- Cần chứ. Không leo sao tới được ngọn Đỉnh Trời…
Ba Gấm và Trí Hải mỗi ngày càng cảm thấy gần nhau hơn. Những câu hỏi, câu trả lời trước kia về thương, về yêu… càng ngày, càng dần dần trở nên chênh vênh, nhạt nhòa đến gần như vô nghĩa.
Không cần phải nói gì cả; cũng chẳng cần phải giải thích gì cả mà ngọn lửa tình bên nầy và bên kia, dẫu ngăn sông cách núi, vẫn cảm thấy hừng hực hơi nóng khi chỉ cần nghĩ đến.
Tình yêu nửa đời là một sự sáng thế giữa trần thế vốn khô lạnh và quạnh quẽ này. Khi người ta yêu, thế giới nầy bỗng nhiên đổi khác. Mọi người, mọi vật quanh ta đều như có tâm hồn thánh thiện và dáng dấp đẹp đẽ, dễ yêu. Người ta có thể cười rất vô cớ với một đám mây trên trời xa hay rung động vì tiếng con dế mèn thấp thỏm trong đêm. Người ta có một tâm hồn lúc nào cũng đầy vị tha. Thể xác được tắm trong tình yêu sẽ thành tươi mới. Dòng máu luân lưu rần rần trong cơ thể làm cho người ta đẹp hơn. Chàng trai sẽ nhìn đời bằng tia nhìn hiệp sĩ và cô gái má chín ửng hồng, xinh xắn tự nhiên hơn mười lần son phấn. Chỉ cần nghĩ đến người tình, da thịt đã gây gây như thể có bàn tay đang ve vuốt vô hình. Trí Hải đã từng sống đời vợ chồng, nhưng người đàn bà chỉ là người vợ, chưa phải là người tình. Khá lắm thì cũng chỉ là đi song song chứ chưa bao giờ thật sự ở trong nhau. Người vợ truyền thống là người em để phục tòng, người chị để chăm sóc, người mẹ để an ủi bao dung, người đàn bà để làm tình và sinh đẻ. Vợ chồng là để thương nhau chứ không phải để yêu nhau; để chăm sóc và lo lắng cho nhau như một người vợ, người chồng chứ không phải để chia sẻ, mơ mộng, nhớ nhung, xao xuyến, tình tự, lãng mạn như một người tình. Vợ chồng cưới nhau rồi là giống như sắm một cỗ xe song mã. Cô dâu và chú rễ trở thành hai con ngựa ngoan ngoãn và miệt mài cùng cong lưng kéo cổ xe gia đình nặng trĩu cho đến ngày cả hai cùng răng long đầu bạc, con cháu đầy đàn. Hầu hết những cặp vợ chồng Việt xưa có tất cả, biết tất cả, trừ chất vị tuyệt vời sóng sánh của tình yêu.
Tình yêu tự nó là một nghệ thuật, nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo và tô điểm thường xuyên như những đóa hoa tươi vẫn nở mỗi ngày. Tình yêu cũng là sự ngạc nhiên khám phá. Khám phá ra nét phù du, niềm cảm xúc ẩn chứa trong mỗi con người. Khám phá ra sự bùng vỡ mong manh của thể xác để đập vỡ biên cương của thể xác cho hai thế giới đam mê cùng tan loãng và hòa quyện với nhau.
Ba Gấm khám phá thế giới tri thức và tâm hồn của Trí Hải từ hơn mười năm trước qua những tác phẩm văn chương mà chàng Hoàng thân một thời tuổi trẻ đã viết. Trí Hải khám phá Ba Gấm qua giấc mơ dài hơn nửa đời. Giấc mơ của những mối tình vương giả từ trăng và thơ, từ những chuyện tình trong cổ sử, từ bóng dáng tình tự lãng mạn trong đời sống Paris và cung điện Versailles. Gặp nhau, không phải tình cờ mà cũng chẳng phải định số. Đấy là sự đợi chờ của một viên ngọc quý nằm ẩn trong tim. Viên ngọc không tên, không hình dáng, trong suốt như chẳng có gì. Nhưng khi có luồng sáng đợi chờ dọi đến, viên ngọc sẽ ánh lên nghìn hào quang. Tia hào quang mắt thường của nhân gian không thấy, nhưng hai người yêu nhau bỗng thấy chói lòa và tan biến trong nhau. Từ đó, kẻ có tình yêu nhìn trăng không phải là trăng; nhìn mây không phải là mây… vì tất cả đều đã đổi khác. Cả hai cùng cười trong khổ đau, cùng khóc trong sung sướng, cùng quằn quại trong nổi đam mê cùng tột mà kẻ đứng ngoài thấy không đáng một đồng trinh.
Trong tình thường, người đàn bà bao giờ cũng hơn người đàn ông nửa bước vì người đàn ông xuất thân là gã lãng du mà người đàn bà xuất thân là mẹ.
Ba Gấm báo tin:
- Huynh ạ. Em sắp đi xa. Em sẽ đi thuyền tới Quảng Châu, rồi từ đó đi đường bộ lên Hàng Châu. Tất cả hàng vải vóc băng qua Con Đường Tơ Lụa xuyên lục địa và sa mạc sẽ đổ đến Hàng Châu.
Trí Hải ngạc nhiên:
- Làm chủ kinh doanh lớn như Ba Gấm mà cũng phải trực tiếp cất công đi nhận hàng sao?
- Người Việt xứ mình rất thiện xảo về tài đánh giặc du kích hay tinh xảo trong cách lách mình để sống, nhưng trong thương mãi chỉ giỏi về tiểu xảo. Nếu em không trực tiếp tự tay mình chọn mặt hàng rất nghệ thuật, độc đáo và tự tay bấm nhãn hiệu “Ba Gấm” thì có lẽ đã có nhiều nhiệu Ba Gấm giả mọc lên khắp nơi rồi.
- Muội phải hết sức vất vả để kiếm cho nhiều tiền sao?
- Dạ không hẳn vậy, nhưng nghệ thuật sống khó lắm. Ông vua có quá nhiều quyền lực nhưng phải biết giữ quyền lực. Em đã có quá nhiều tiền nhưng phải biết giữ thế làm tiền. Cũng như huynh có quá nhiều kiến thức nhưng cũng phải biết dùng kiến thức. Vua vụng sẽ bị cướp ngôi. Kinh doanh như em không khéo cạnh tranh sẽ dễ dàng sạt nghiệp. Hiểu biết như huynh không biết dùng sẽ thành người ảo tưởng, nói suông.
Trí Hải mỉm cười, nhìn sâu vào đôi mắt đẹp vẻ man mác buồn của Ba Gấm:
- Cám ơn muội đã nhắc nhở. Tôi vẫn sợ nhất là thành người ảo tưởng, nói suông.
Ba Gấm cười rất xinh làm át đi chút mây mờ vừa thoáng qua với Trí Hải:
- Đừng nghĩ vậy, huynh. Trí Hải là một nghệ sĩ tài hoa. Nghệ sĩ không làm cho trái mau chín, lá mau vàng nhưng làm cho cuộc đời này đẹp hơn và con người thánh thiện hơn.
Gió xào xạc trút lá trên mái căn nhà kiếng. Lá xanh, lá đỏ, lá vàng, lá khô lay lắt với gió giữa hoàng hôn làm cho khung cảnh buồn và lãng mạn. Vẻ cô tịch nên thơ dễ làm cho những tâm hồn đang miên man trong tình cảm chưa biết sẽ về đâu gần nhau hơn. Ba Gấm ngỏ ý:
- Em muốn được kính mời huynh uống trà và ăn bánh nguyệt quế trong dịp Trung Thu này. Chỉ còn ba hôm nữa là đến rằm tháng Tám.
Trí Hải tỏ vẻ hơi ngần ngại:
- Dạ tiệc Trung Thu ở dinh quan Chánh Chưởng?
- Dạ không. Chỉ có em và nửa vầng trăng trong đêm Trung Thu từ ngày em mới lớn.
- Còn nửa vầng trăng kia?
- Chưa mọc huynh ơi!
- Vì trăng non?
- Dạ không. Trăng đúng độ nhưng em vẫn để dành một nửa…
- Dành cho ai?
- Cho tình cờ, cho số phận, cho định mệnh… Ơ! Mà em cũng không biết dành cho ai nữa.
Gió ngoài kia mà Trí Hải có cảm tưởng như gió lạnh đang thổi vào tai của mình. Cảm giác ngây ngây lay đổ làm Trí Hải cảm thấy yếu đuối. Ý nghĩ âm thầm, “có chăng ta là nửa vầng trăng kia?” khiến Trí Hải lo âu trong hạnh phúc. Cửa thiên đường và địa ngục vừa hé. Cả hai cùng một lối vào mà chỉ khác nhau về ngã rẽ. Trí Hải hình dung hai cái bóng từ cõi sống vừa đi vào cửa nhà trời. Mất hút.
Trăng trên sông là trăng sáng nhất vì trăng ngời bóng nước. Trên chiếc đò chỉ có hai người. Đêm thượng nguồn sông Hương ẩn hiện trong khói sương kỳ bí. Xa về phía Tây, có trái đồi hình dáng như chén ngọc chứa đầy sương trăng là đồi Vọng Cảnh. Chuyện truyền kỳ kể lại, ngày xưa khi chưa có bóng người thì nơi đó chỉ có dấu chân tiên. Cuộc tranh thắng giữa người và tiên nhập nhằng cả mấy trăm năm. Người thắng, người về trần; tiên thua, tiên cỡi chim phượng hoàng bay về núi Kim Phụng. Từ đó, đồi Vọng Cảnh trở thành Đồi Thiêng nên chẳng ai dám đến. Lâu ngày, những cơn mưa nguồn cuốn sạch những bàn cờ tiên trên vách đá, mé sườn Đông. Đồi Vọng Cảnh thành hoang phế. Nghìn năm sau, chỉ còn cỏ tranh lơ thơ trên đất sỏi.
Giữa lòng chiếc đò dọc có mui che, bàn trà bày sẵn bên ngoài, dưới ánh trăng dịu mát. Tiếng ấm nước sôi vi vo trên lò than thoảng mùi hương rất lạ làm cho vầng trăng có vẻ xuống thấp hơn để ánh trăng cùng chan hòa với nước. Sông vẫn trôi mãi về xuôi. Ba Gấm chèo đò thong thả ra giữa sông. Trí Hải ngồi trong mui đò nhìn về phía lái. Ba Gấm trong bộ quần áo màu đen bó sát. Thân hình đang độ chín tới của người đàn bà một con vừa thon thả, vừa cân đối một cách đầy đặn, uốn lượn với mái chèo dưới trăng thật khoan thai và linh động. Vì chỉ là người chèo đò giải trí trên sông nên từ thế đứng đến thế chèo của Ba Gấm đều để lộ ra vẻ lúng túng như thể đang mời gọi người khác đến tiếp tay một cách đầy cuốn hút. Người đàn ông vẫn thích ngắm vẻ đẹp của người đàn bà từ một góc khuất hơn là khi mặt đối mặt nhìn nhau. Đến giữa dòng sông, đò gác mái. Đò, sông, trăng và người… cũng lặng lờ trôi theo nước.
Ba Gấm bước vào khoang thuyền. Thuyền du lịch tư nhân có ba ngăn riêng biệt. Ngăn trong cùng được dùng như một nhà kho thu gọn. Trong đó chỉ chứa một cây đàn bầu, cái bàn độc tấu, cái ghế mây và cái áo khoác độc đáo vừa có dáng ki-mô-nô của Nhật, vừa có dáng đại yến phục của Trung Hoa và dáng tứ thân của truyền thống Việt. Ba Gấm khoác áo. Chiếc áo choàng đài các phản chiếu ánh nước đầy trăng càng làm tăng vẻ đẹp rực rỡ đầy thâm cung và bí ẩn của người đàn bà thầm lặng trong đêm. Ba Gấm lễ mễ ôm cây đàn bầu và bàn ghế trình tấu ra ngăn ngoài làm phòng khách. Trí Hải ngạc nhiên mở to mắt nhìn Ba Gấm với cây đàn bầu như một hiện tượng lạ lùng chưa từng thấy.
Đàn bầu là nhạc cụ độc đáo và hấp dẫn nhất trong kho tàng nhạc cụ Việt Nam. Nó chỉ có một dây nhưng là cây đàn muôn điệu. Trí Hải đã đi từ Đông sang Tây, đã chen chân tới khắp hang cùng ngõ hẻm và các đại nhạc viện quốc tế ở Paris nhưng vẫn chưa bao giờ thấy cây đàn nào lạ lùng và siêu tuyệt như cây đàn bầu. Những cây đàn một dây nổi tiếng thế giới như đàn Tung-ti-na của Ấn Độ, Đàn Cung ở vùng Đông Phi, đàn Độc Huyền Cầm (Tu-shuen-kin) của Trung Hoa đều là những cây đàn đệm hòa theo ban nhạc, không đứng độc lập để tạo ra âm vang muôn điệu như cây đàn bầu Việt Nam. Những nhạc sĩ đàn bầu đạt tới mức thượng thừa có thể đưa âm thanh tiếng đàn bắt chước cả tiếng người và thú vật. Âm thanh đàn bầu có thể cao vút như chim bay trên núi cao, “nga nga hồ chí tại cao sơn”; hay trầm xuống sâu thẳm dưới dòng nước chảy, “dương dương hồ chí tại lưu thủy”. Ở mức thông thường thì âm thanh đàn bầu rất mộc mạc, chân quê nhưng sâu lắng đến vô cùng.
Vừa nắn nót lên dây, sắp sẵn bàn ghế để dạo đàn, Ba Gấm vừa kể chuyện đời mình đã gắn bó với cây đàn bầu ra sao.
Đàn bầu có cấu trúc rất đơn giản. Nó mang tên là “bầu” vì nguyên thủy đàn bầu được làm từ ống tre và quả bầu khô. Cây đàn được cải tiến dần từ tre sang gỗ. Một cây đàn bầu lý tưởng phải hội đủ hai yếu tố “mặt ngô thành trắc”, nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ lưng của cây ngô đồng vừa xốp vừa nhẹ. Thớ gỗ óng chuốt thẳng hàng thì mới tạo ra tiếng ấm mà vang. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ vừa bóng láng lên nước rất đẹp, lại vừa bền. Cần rung hay đôi khi còn được gọi là vòi đàn của loại đàn bầu sơ khai cũng làm bằng tre. Dần dần chuyển qua làm bằng sừng trâu. Bầu đàn được lấy từ quả bầu kho hoặc càng về sau thì được tiện bằng gỗ.
Lượng âm thanh của đàn bầu nằm ở cấu trúc của thân đàn, nhưng cái phẩm âm thanh của đàn bầu là ở dây đàn có chiều dài chạy suốt thân đàn. Ngày xưa chưa có dây đàn kim loại, người ta dùng tơ tằm xe thành sợi. Ba Gấm từ thuở tập tễnh biết làm những công việc nhỏ giúp gia đình chuyên sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa. Riêng đối với Ba Gấm thì công việc thích thú nhất vẫn là xe tơ tằm thành sợi dây đàn bầu.
Đàn bầu ở vùng quê Ba Gấm làm bằng ống tre và eo trái bầu tròn, bầu nậm khô. Đàn quá dễ làm nên hầu như nhà nào cũng có. Đàn bầu ở vùng quê Ba Gấm hết sức giản đơn về hình thức nhưng tiếng đàn lại ăn đứt những vùng lân cận trong những cuộc hội diễn đàn bầu vào các dịp hội hè đình đám. Bí quyết độc đáo chỉ có một mình Ba Gấm biết. Tơ tằm lấy từ loại kén màu cổ đồng óng ánh là tốt và bền nhất. Dây đàn xe lại từ loại tơ này sẽ cho một thứ âm thanh vừa bền, vừa vang và sâu không loại nào bì kịp. Trong lúc dây đàn kim loại thì âm thanh sắc mà khô; tơ tằm loại thông thường thì cho âm thanh trầm à nhão.
Mặc dù về sau này, đã có dây đàn bằng kim loại để thay thế cho dây bện bằng tơ tằm, nhưng Ba Gấm vẫn xe riêng bộ dây bằng tơ tằm tuyệt hảo nhất để dùng riêng. Ngón đàn bầu với dây tơ tằm này chỉ dùng để đãi khách tri kỷ, tri âm…
Tầm nhìn của Ba Gấm bỗng tan vào đêm trăng khi bàn tay vừa chạm vào cần đàn. Người nghệ sĩ đang trình diễn cũng như một thi sĩ đang làm thơ, một nhà văn đang sáng tạo. Họ là một thiền sư đang nhập định. Tất cả mọi năng lực thể xác, tri thức và tâm linh đều dồn tụ lại trong cơn say sáng tạo. Thiền sư và nghệ sĩ đều cảm thấy đang sống đang bay lượn, đang tỉnh thức, đang trọn vẹn đạt đến hạnh phúc tuyệt vời trong giây phút hiện sinh. Hiện sinh của nghệ sĩ là sáng tạo, trình diễn. Hiện sinh của thiền sư là tâm bụi trần đang hòa vào tâm vắng lặng trong thiền định.
Khúc Phụng Vũ dập dồn như đang bay lượn bỗng chậm lại. Âm thanh luyến láy như đang quặn mình bay qua từng kẻ tay của Ba Gấm đang uốn lượn trên cần đàn. Khúc Tương Biệt nói lên nỗi lòng gặp nhau để mà chia xa, rắc xuống lòng người những mảnh vọng âm buồn hiu hắt. Trước mắt Trí Hải, người đàn bà với vị thế Chánh Chưởng phu nhân mờ dần và lặn đi mất dạng. Trí Hải thấy trước mắt mình dãi tóc đen tuyền là dòng sông đêm. Khuôn mặt che nửa bóng trăng là hoa đền thánh. Dáng nghiêng là suối nguồn đê mê đang đổ xuống. Và đôi bàn tay tài hoa làm dấy lên điệu buồn tương biệt đang xóa mất biên giới giữa ta và người. Trí Hải muốn dang tay thật rộng để ôm lấy, níu lấy hết thảy những gì đang nép mình trong cảm xúc.
Đêm càng khuya, trăng càng sáng. Cái lạnh giữa mùa Thu trên sông làm cho trăng và nước như ấp ủ nhau khiến hai người đơn độc xích lại gần nhau, thu dần khoảng cách. Hơi ấm trên vai, hơi ấm trên tay tan loãng rất nhanh. Ba Gấm rùng mình kéo tấm chăn gấm khoác lên vai Trí Hải cho đỡ lạnh. Trí Hải cố thu mình nhỏ lại để chia nửa tấm chăn cho Ba Gấm. Nhưng tấm chăn quá nhỏ, không đủ che vai cho cả hai người. Gió khuya về trên song. Đò chòng chành. Cái lạnh kéo hai người sát nhau. Khi hơi ấm trở thành nguồn sống, da thịt sẽ tê đi để chỉ còn hơi ấm. Vai sát vai không còn khoảng cách. Họ ngồi như thế rất lâu. Im lặng. Xúc cảm đê mê, cuốn hút chuyền nhau qua đôi vai sát cánh.
Chiếc đò không người lái, theo chiều gió trôi giạt vào bờ lau lách hoang vu ven sông. Tiếng vỗ cánh thảng thốt của bầy cò ăn đêm từ rừng lau sậy làm kinh động bầu không khí tĩnh lặng hoang sơ. Cánh trắng lấp loáng màu trăng tung lên giữa không gian và xa dần về phía núi. Âm thanh xao xác của đàn cò cánh dài vẫy nước tạo ra một cơn mưa trăng rây nước xuống đò. Trí Hải và Ba Gấm dìu nhau cùng nhảy vào mui đò khép kín để tránh mưa. Cơn mưa nhỏ qua nhanh như hơi thở nhưng cũng đủ mạnh để bật lên tia lửa đam mê cháy bỏng của cuộc tình.
Khi những cảm giác sâu lắng nhất của nhục thể đã bừng bừng trổi dậy trong một cuộc tình đắm đuối và đam mê, hai con người bỗng khám phá ra nhau, người nầy biết được mình có một sự hiện hữu khác bằng sự dấn thân tự nguyện hết mình cho và nhận với người bên kia. Hai người là hai nửa thân xác chia lìa từ khi mới sinh ra tìm nhau hòa làm một. Quằn quại. Bức phá, đau đớn và hoan lạc cùng mất hết biên giới để tan biến trong nhau. Nguồn tinh lực của hai bên đều vươn tới đỉnh điểm để phóng vào trận lửa của khát vọng. Một giấc ngủ đắm say, một giấc mơ kỳ diệu hòa quyện với nhau trong suối nguồn của hạnh phúc. Ba Gấm và Trí Hải đã mất hết ý niệm về thời gian và không gian. Một thoáng mắt sẽ dài như trăm năm và một mảnh da thịt cuồng say hơn bão tố. Cả hai cùng ngấu nghiến nhai trái cấm trong mê đắm, trong đêm dài. Tất cả dồn tụ vào cảm giác say sưa. Thỏa mãn, rã rời, buông thả cho một giác ngủ vùi tưởng như không bao giờ còn dậy nữa.
Trăng lặn. Mảnh sáng đầu tiên trên sông là đèn chài. Hai thân xác cùng thức giấc tìm nhau, tìm nguồn khơi động sự đam mê đang chực chờ sẵn trong mỗi con người. Lửa tình lại cháy. Hai thể xác quấn lấy nhau và cơn mưa tình dồn tụ bao nhiêu năm lại ào ào trút xuống.
Nhưng nửa mùa Thu sau thương tiếc vẫn về. Đêm hưởng trăng Trung Thu hết. Bình minh lên và chia tay.
Tình dục là con sói hoang dại của tâm lý chiếm hữu. Khao khát tình dục là cơn đói thường xuyên của cảm xúc trong một thể xác bình thường. Khi không có đối tượng lôi cuốn, cơn đói lắng xuống và âm thầm tràn vào các ngõ ngách của thân thể, của ý thức và vô thức như bầy sói phải chui vào các hang động để trốn tuyết mùa Đông. Khi mùa Xuân tới, nắng ấm tràn đầy như khi gặp đối tượng cuốn hút, bầy sói lại hau háu dùng mọi xảo thuật khôn khéo nhất để vồ mồi. Lại ăn no hả hê, nằm ngủ, đi loanh quanh kiếm mồi chờ cơn đói khác tiếp theo.
Sinh vật sống với bản năng thuần túy, tình dục diễn ra bình thường như đói thì ăn, khát thì uống. Tình dục là một thú tính. Con người là một sinh vật nhân văn nên tình dục thường biến tướng và biểu hiện dưới muôn ngàn thể cách. Nhờ đa dạng như vậy mà con người có thể “làm tình” bằng sự lựa chọn. Sự lựa chọn gần với thú tính tại các nhà thổ. Sự chọn lựa gần với nhân tính tại các nhà ở. Và sự lựa chọn “tình là đạo” tại các nhà tu. Nỗi đam mê tình dục là sự ám ảnh thường xuyên, là động cơ thường trực thôi thúc của vật và người. Thú tính và nhân tính là hai mặt không lìa nhau trong cùng một con người bình thường. Khi tình dục chỉ là sự thèm khát xác thịt mà vắng bóng tình yêu thì đi gần với thú tính. Nếu tình dục là kết quả của tình yêu thì đi gần với nhân tính.
Qua những tháng ngày cuồng nhiệt với sự chín muồi của tình yêu và nỗi đam mê tình dục, cái nhân tính trong Trí Hải bắt đầu máy động. Sau mỗi trận bão tình, Ba Gấm thường nằm úp mặt xuống gối, lấy những đường cong tĩnh lặng để che khuất những đường cong bão tố trên thân thể. Sự tĩnh lặng giúp Ba Gấm đi vào những giấc ngủ tròn đầy và trẻ thơ. Bên cạnh, Trí Hải chập chờn nửa thức nửa mê. Sự thỏa mãn càng thấm, nỗi trăn trở càng nhọn buốt. Lần sau cùng, Trí Hải không tài nào yên tâm chợp mắt. Mắt ráo hoảnh, nhìn vào khoảng không trên trần nhà và tự hỏi: “Ta là ai bây giờ? - Một người tình, một người chồng, một người đàn ông, một nhà quý tộc, một kẻ đi tìm nghĩa sống lạc đường, một gã lấy vợ người khác, một tên bất lương… hay ta là ai, là ai nữa?”. Cuộc tình với Ba Gấm càng sâu đậm, những câu hỏi càng lớn dần. Thảng thốt.
Khi cả Trí Hải và Ba Gấm hiểu nghĩa của tình yêu, nếm trải qua đỉnh điểm lạc thú của tình yêu thì những xao động nhất thời từ từ tĩnh lại. Từ trên đỉnh cao của sự lắng đọng, cả hai phóng tầm nhìn thật xa về mình, về nhau, về những gì đang vây quanh. Cái tĩnh lặng của viên chủ tướng vừa thắng trận trong đêm viễn chinh thường trống trải một cách bất ngờ. Khi đỉnh núi cao nhất đã phơi dưới chân; khi vùng đất xa nhất đã nằm trong doanh trại, đoàn thám hiểm sẽ múa hát quay cuồng trong giây lát rồi cũng phải đối diện với cái trống vắng của Vô Cùng. Lắm khi, chiến thắng cũng là tro tàn của hy vọng, nếu chỉ chiến thắng thân xác và khối óc nhưng cái hồn vẫn còn vô định, lang thang…
Thân xác và tâm trí dồn tụ vào cuộc tình, Trí Hải sống như cái bóng mơ hồ trong một góc còn ở được của tòa lâu đài gần như đổ nát. Một cuộc tình, dù kín đáo và khéo léo tới đâu thì cũng là một sự hiện hữu nóng bỏng dưới ánh mặt trời, hai người yêu nhau có thể giấu được tất cả, nhưng làm sao giấu được chính mình. Niềm hạnh phúc tươi mới thuở ban đầu dẫu có lắng xuống mất dạng trên bề mặt cũng sẽ trở thành nỗi thao thức tận bề sâu. Từng hạt mưa lấm tấm rơi xuống cuộc tình vương giả trái ngang mỗi ngày một nặng hạt hơn. Trí Hải phải đối diện với tấm gương soi bóng chính mình. Tấm gương soi bóng đầu tiên là vẻ buồn lặng lẽ của Phạm Xảo. Viên tướng già như voi trận đã từng xông pha ngoài trận mạc không bao giờ chấp nhận thần tượng hay vị thống soái chỉ huy mình sa đọa và hèn nhát. Từ ngày đầu dấn thân vào cuộc tình với Ba Gấm, Trí Hải đã thấy được tia nhìn trách móc, tuy nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc của Phạm Xảo hướng về mình. Tia nhìn càng ngày càng dữ dội. Nếp sống im lặng trong êm đềm và thông cảm giữa hai người như đang rộn lên với tiếng gào câm nín của Phạm Xảo. Trí Hải cảm thấy đau nhói mỗi lần bắt gặp đôi mắt đăm chiêu và đôi môi mím chặt đầy nghiêm khắc của Phạm Xảo khi người đóng vai lão bộc mềm nhũn ngày xưa, vẫn hàng ngày pha trà, nấu cơm cho mình đang có cái nhìn đổi khác.
Mỗi đêm trước giờ đi ngủ, Trí Hải không bao giờ bỏ quên thú đọc sách. Bậc trí giả đọc sách là chuyện trò và chia sẻ. Độc giả bình thường đọc sách là thu nhận và lắng nghe. Bởi vậy người cầm bút như kẻ cầm kiếm. Thiếu tri thức, vắng chân tâm xách bút làm kiếm chém bậy chém càn thì không khác gì tên tội đồ bạo hành nơi công cộng. Đêm nay, Trí Hải đọc hoài mà thần trí cứ khơi vơi, không thể nào hòa nhập vào câu chuyện chữ nghĩa đang bày ra trước mắt. Hình ảnh quyến rũ của Ba Gấm, nổi bật với chất keo mềm mại trên thân thể, đường cong thu hút, hơi ấm êm ả, mùi da thịt nồng nàn, màu mắt môi ẩn giấu đã làm cho Trí Hải chỉ còn là cái xác đối bóng với sách, thần hồn, thần trí bay tận đâu đâu. Tác giả cuốn sách không phải là tên bạo hành. Nhưng người đọc chỉ là ngọn đèn không có bấc nên ánh sáng không biết tựa vào đâu để soi vào chữ nghĩa. Đã bao đêm như vậy. Trí Hải vứt sách trên gối, đi ra sân. Bầu trời sao vẫn long lanh trăm thẳm, nhưng Trí Hải lại có cảm tưởng hàng loạt con sao đang nhảy múa cười nửa miệng; rúc rích mỉa mai trên đầu mình. Một tâm hồn và trí óc từng làm chủ vũ trụ, bây giờ đang bị vũ trụ bắt làm con tin trong khung tình nhỏ bé. Trí Hải ray rứt, ưu tư, phiền muộn và nôn nóng muốn tháo gỡ cái khung vây bủa lấy mình để bay ra khỏi lưới tình mà trở lại với vũ trụ bao la trên đầu, trước mắt mình, nhưng mọi khung cửa đều khóa chặt. Ba Gấm có mặt khắp nơi. Chỉ cần một bàn tay nuột nà vuốt nhẹ của Ba Gấm là Trí Hải đã bủn rủn chân tay, khuỵu xuống trong trùng vây êm ái của ân tình. Tình yêu là bùa ngải của cảm xúc; tình dục là phép lạ của ham muốn. Trí Hải yếu đuối trước tình yêu và bị chinh phục hoàn toàn bởi tình dục.
Nỗi bức xúc muốn thoát ra khỏi trùng vây của đam mê không mạnh hơn chính cơn sốt của đam mê. Cuộc chiến đấu giữa phải và trái, đục và trong, lương tri và khoái lạc, đạo lý và buông thả càng ngày càng bão liệt hơn trong lòng Trí Hải.
Chàng Thiện trong Trí Hải lên tiếng:
“Này ông Hoàng, yêu đương ngoài vòng luân lý là sai trái. Tư tình với vợ người khác là trái đạo. Hái trộm một cành hoa có chủ là bất công với người làm chủ”.
Gã Ác trong Trí Hải phản bác ngay:
“Ai cho phép tên đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp; trong lúc bó buộc người đàn bà phải chính chuyên một chồng. Mỗi người chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi để sống, tại sao lại cấm cản khi hai người thật sự yêu nhau”.
Chàng Thiện cãi lại:
“Con người ta sống cần phải hợp với đạo lý. Ngoại tình là hành động đồi phong bại tục”.
Gã Ác bác bỏ:
“Cái gọi là đạo lý chẳng qua là sản phẩm của một xã hội, một giai cấp, một giống người tự đặt ra để phục vụ cho quyền lợi nhất thời, trước mắt của mình. Sống lâu với những cách ứng xử nào đó thành thói quen. Thói quen lâu đời thành phong tục tập quán. Tại sao khi cần con người lại không có can đảm quăng cái thói quen lâu đời kia vào hố rác để tự do thoải mái và thật sự sống cho mình. Sống nô lệ cho tập quán, dư luận là uổng phí một kiếp người ngắn ngủi”.
Mới chia tay với Ba Gấm trên chiếc đò neo giữa sông Hương lúc quá nửa đêm, Trí Hải nằm thức đến sáng vẫn chong mắt không tài nào ngủ được. Cuộc đối thoại nội tâm dật dờ đẩy tới kéo lui làm Trí Hải muốn ôm đầu trốn chạy để tìm một giấc ngủ bình yên, nhưng ngựa đã lên yên khó lòng dừng lại.
Trí Hải tìm đến am thầy Tiều lúc trời chưa sáng. Từ sau hàng giậu bông cẩn cao quá đầu người, Trí Hải đã vẳng nghe tiếng tụng kinh sớm của thầy Tiều. Tiếng tán, tiếng tụng ngân nga, phát ra âm điệu trầm lắng, phảng phất một thoáng buồn buồn nhưng đầy an lạc. Trí Hải bước nhẹ chân vào trước cửa ngôi nhà cổ. Thầy Tiều vừa tụng kinh xong, ngồi xếp bàn tĩnh tọa. Cũng là khung cảnh quen thuộc cũ nhưng sao Trí Hải cảm thấy xa lạ vô cùng. Tất cả khung cảnh ấy và tiếng kinh kia vẫn điềm nhiên an trú trong một cõi hư không tịch mịch nào đó mà xác thân này đã thay đổi. Trí Hải có cảm tưởng tay mình đã nhúng chàm. Nhìn vào bệ thờ, Trí Hải mường tượng như những cuốn kinh, những bình hoa lạnh lùng quay mặt về nơi khác. Trí Hải tự dưng quay lưng bước ra khỏi cửa am. Sương mai và cây cối đua nhau thức dậy cười sặc sụa chê cười. Tiếng gà gáy sáng cất lên thông báo cuộc tình vụng trộm của Trí Hải.
Lòng muốn vùng bỏ chạy vì bị ám ảnh. Chốn kia thanh sạch quá cho thân xác lấm bụi này. Phải trốn. Phải tránh. Những cơn mê cuồng ham muốn của hai thể xác đã để lại nhiều dấu tích trên hình hài và tâm não của Trí Hải. Bao nhiêu vết sẹo của dục vọng chưa liền da giờ thi nhau mở miệng, rỉ máu. Nhức buốt. Nỗi đau nhức từ cảm xúc dị thường đau réo hơn là vết cắt trên da thịt. Trí Hải không tài nào giở chân lên được, ngồi gục xuống. Một bàn tay mát lạnh đặt lên sau gáy. Trí Hải không quay lên nhưng biết ngay là bàn tay của thầy Tiều:
- Thầy!
Trí Hải thì thầm nói với thầy Tiều. Tiếng thầy Tiều nhẹ nhàng:
- Vâng, tôi đây. Mời quý hữu về am dùng trà, ở đây lạnh lắm.
Trí Hải tựa trên vai thầy Tiều bước về ngôi nhà cổ.
Bình trà nóng có ai vừa pha sẵn để bên khay trà đặt trên chiếu ngồi. Trong vùng ánh sáng sớm mai, bên chén trà buổi sớm, Trí Hải ngồi đối diện với thầy Tiều. Trí Hải đang chờ đợi một thái độ của thầy Tiều. Nếu không phải là cái nhìn đầy phê phán lẫn xót xa như Phạm Xảo thì ít ra thầy Tiều cũng có đôi lời trách cứ nhẹ nhàng. Nhưng đôi mắt thầy vẫn như mặt hồ trong không vướng một bóng mây. Tất cả chỉ có mặt hồ trong như pha lê và bầu trời xanh lồng lộng trên cao. Nhìn sâu vào đôi mắt thầy Tiều, Trí Hải mới hiểu sâu hơn về khái niệm “Không dính mắc” mà thầy Tiều thường nói đến. Ánh mắt thầy đậu trên tất cả mà dường như chẳng đậu vào đâu. Ý nghĩ thầy dàn trải mọi hiện tượng của cuộc sống mà chẳng đeo mang nỗi vui buồn của cuộc sống.
Trí Hải gợi ý trước:
- Lâu nay tôi vắng mặt thường xuyên nên ít khi gặp thầy. Thầy có thắc mắc là tôi đi đâu không?
Giọng thầy Tiều bông đùa dễ dãi:
- Đời người ta có nhiều lần đi chơi và một lần đi thật. Không đi chơi lỡ một ngày “đi thật” thì còn đâu nữa mà đi chơi!
- Ý tôi muốn nói về sự quan hệ của tôi…
- Với Ba Gấm?
- Thầy đã biết hết mọi chuyện?
Thầy Tiều lắc đầu:
- Chuyện riêng của chư quý hữu, tôi biết để làm gì?
Trí Hải lại hỏi:
- Thưa thầy, tôi nghĩ thầy cũng cần biết chuyện của những người xung quanh thầy. Biết để khen cái tốt mà theo đuổi và để chê cái xấu mà bỏ đi chứ thầy!
Thầy Tiều lại cười tủm tỉm:
- Căn cứ vào đâu để biết tốt xấu, hay dở đây?
- Thì đúng với quy ước xã hội là tốt mà trái với quy ước xã hội là xấu.
- Lỡ như quy ước xã hội thay đổi nghịch chiều thì sao? Tỷ như ngày xưa ai theo Tây Sơn là tốt, nhưng ngày nay ai theo Tây Sơn là xấu, là bị chém bêu đầu thì biết đâu biên giới đúng, sai?
Trí Hải đi ngay vào đề nói về hoàn cảnh riêng của mình:
- Như trường hợp tôi đang có tình riêng với Ba Gấm là đúng hay sai?
- Không sai, không đúng; không đúng, không sai.
- Ô, tại sao lại kỳ lạ như thế hở thầy?
- Đúng sai chăng thì cũng chỉ xét tình cảm trong hiện tại mà thôi.
- Nếu không xét trong hiện tại, chả lẽ lại xét từ thuở chưa sinh ra hay sau khi chết đi?!
Thầy Tiều ngồi trong thế xếp bàn một hồi lâu, rồi thầy lên tiếng. Giọng nói rõ và chậm của người vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa:
- Đúng vậy quý hữu à. Trong chuỗi dài ân tình vay trả, trả vay thì chẳng thiếu một tơ hào mà cũng chẳng thừa một mảy may. Không có gì mất đi mà cũng chẳng có gì được lại cả. Lấy một giọt nước của biển cả thì biển cả mất đi một giọt nước. Tác cạn biển Đông thì biển Đông mất đi một biển nước. Nhưng trong cuộc xoay vần của tạo hóa thì tất cả là một khối nguyên vẹn. Lấy một hạt bụi nơi này thổi qua nơi nọ thì nơi này sẽ thiếu một hạt bụi và bên kia thừa một hạt bụi. Chỗ thiếu sẽ tìm sự bù đắp và chỗ thừa sẽ đẩy đi. Tạo hóa xoay vần, biến dịch nhưng mãi mãi vẫn ở trong một thế quân bình mà các tôn giáo gọi là Trung Đạo. Số phận, việc làm, cảnh ngộ của con người cũng biến đổi thường xuyên nhưng không bao giờ ra khỏi cái thế tuần hoàn quân bình đó của tạo hóa. Quy luật quân bình đó gọi là nhân quả, là vay trả hay gọi là gì cũng được. Mọi việc xoay vần tuồng như vô hình vô ảnh nhưng không ai có thể ra ngoài sự xoay vần đó. Có người gọi luật xoay vần đó là “lưới trời” là “thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu”, có nghĩa là lưới trời lồng lộng, thưa nhưng không ai lọt ra khỏi.
Ngẫm nghĩ một lát, Trí Hải hỏi thầy Tiều:
- Thầy có nghĩ là mọi việc xảy ra đều do duyên tiền định không?
- Tôi không nghĩ những điều xa xôi như thế, nhưng tôi tin vũ trụ có một sự quân bình tuyệt đối. Vòng quay luân hồi: sinh lão bệnh tử… chỉ là sự chuyển động của vạn vật để tự điều chỉnh cho hợp với quy luật quân bình đó.
- Như vậy việc tôi tư tình với Ba Gấm có nằm trong sự chuyển động theo quy luật quân bình đó không?
- Đó là quy luật khách quan, không ai tránh khỏi.
- Đã làm theo quy luật khách quan thì hành động chỉ còn là những tác động qua lại chứ đâu còn sai hay đúng nữa, phải không thầy?
Trí Hải hỏi, thầy Tiều giải thích:
- Nếu chỉ đứng ở vị trí hiện tại thì cuộc tư tình giữa quý hữu và tín nữ Ba Gấm là một điều sai trái, một hành động tội lỗi. Nhưng nếu đứng trên đường dây của dòng đời sinh diệt không ngừng từ vô thủy thì hôm nay cũng chỉ là một bến tạm ghé qua trong chuỗi dài vô tận. Những ai dính líu trong cuộc tình này như Hoàng thân, Ba Gấm, quan Chánh Chưởng và ngay những người trong gia đình của họ hay kể cả những người gần gũi với quý hữu như Phạm Xảo, như tôi, như cả xã hội này đều có sự dính dáng, mắc mớ với nhau trong chuỗi dài của những kiếp sống bất tận đó. Cuộc tính toán nợ nần chi ly, giây mơ rể má này với nhau chẳng mang ý nghĩa đúng, sai, tốt, xấu gì cả vì tất cả đều phải quay theo cái quy luật quân bình của tạo hóa.
Trí Hải nắm hay tay lại, hỏi:
- Như vậy, con người hoàn toàn bất lực trước quy luật quân bình của tạo hóa sao?
Thầy Tiều mở rộng hai tay, trả lời:
- Buông tay chỉ vì muốn buông tay mà thôi.
- Ý thầy muốn nói “buông tay” là không chịu chống lại cái quy luật quân bình đó phải không?
- Thật ra cái quy luật đó chính là cái bản năng thú tính tự nhiên trong mỗi con người mà không ai tiêu diệt được cả, vì tiêu diệt bản năng thú tính tự nhiên đó là đồng nghĩa với tận diệt sự hiện hữu của con người.
- Lạ quá thầy ạ. Nếu không diệt dục, diệt tham, diệt sân, diệt si… thì làm sao thầy tu cho yên.
- Trong đạo Phật không có gì là tự sinh ra hay tận diệt được cả. Tất cả xuất hiện dưới hình thức này nọ, cao thấp khác nhau chỉ là sự biến tướng. Nhưng thật sự thì vạn pháp đều bình đẳng.
- Khi tu, lòng dục của thầy đã biến tướng như thế nào?
- Hà, hà! “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!”. Hình như sinh hoạt ngoài đời người ta hay nói đùa theo kiểu này phải không? À, mà Hoàng thân cũng chỉ quen sống khép mình trong dinh thự và sách vở thì đâu biết chuyện ngoài đời nhiều. Câu nói đùa đó cũng nói lên được ý nghĩa của tinh thần tự chứng. Quý hữu đứng ngoài, có lẽ không hiểu được lòng dục của những người đi tu chuyển hóa như thế nào đâu. Như bản thân tôi chẳng hạn, tôi cũng có lòng ham muốn dục tình nam nữ trong lứa tuổi thanh xuân như bao nhiêu người trai trẻ khác. Lòng ham muốn sôi nổi từ từ dịu lại khi tôi cố tránh không nghĩ đến nó. Cuộc chiến đấu ban đầu rất mực khó khăn. Trong hoàn cảnh cô đơn, kham khổ, con người buông thả với chính mình thường rất dễ tìm một lối thoát dễ dãi. Lối thoát tự nhiên và đơn giản nhất là nghĩ tới hay hành động dục tình. Cửa thiền rộng mở khi cửa ngõ tình yêu trai gái và cửa lòng ham muốn dục tình khép kín. Hai cánh cửa không bao giờ cùng mở hay cùng đóng. Người có duyên tu thì cửa thiền rộng mở, cửa tình khép chặt. Người bị nghịch chướng thì hai cánh cửa này thường chỉ mở hé hay khép hờ nên vào cũng khó khăn mà ra cũng vướng vít. Khi tôi đã xuống tóc, khoác áo nhà tu, thường có một tiếng sấm nổi lên hàng ngày làm át đi âm thanh du dương quyến rũ của ái tình. Đấy là tiếng kinh, tiếng vọng từ muôn trùng thánh thiện dấy lên trong tôi. Tôi tựa vào hải triều âm vi diệu đó mỗi ngày, mỗi phút. Và có một bức thành chắn cao vời vợi chận đứng tia nhìn, cảm xúc riêng tư thành cái nhìn, cảm xúc chung. Trước mắt tôi, chẳng có một đối tượng nào, kể cả gia đình, cha mẹ, anh em, người tình, người bạn thuộc về riêng tôi. Vì vậy, cảm xúc của cá nhân tôi cũng không đậu trên một người, một vật nào cả. Khi không có sở hữu riêng tư thì mặt trời, mặt trăng, mặt đất này là của chung. Mặt trăng, mặt trời không phát ra ánh sáng cho riêng tôi nên cũng chăng có ai trên mặt đất nầy ôm ấp hay ban phát tình cảm riêng cho tôi. Từ đó tôi yêu đương tự do. Yêu người không phân biệt giới tính và nhẹ nhàng như yêu vầng mây ấm.
Đã từ lâu, Trí Hải bắt gặp trong đôi mắt của thầy Tiều một nét gì đó rất lạ lùng. Ánh mắt thầy lúc nào cũng như những rặng núi xa xăm. Trong mắt thầy không có một bến bờ ghé đậu. Cá tính, dáng vẻ của mỗi con người hình như chẳng có độ nhám để bám vào ánh nhìn không có thành trì biên giới của thầy. Với ý nghĩ đó, Trí Hải hỏi thầy Tiều:
- Vậy thì vào chùa là cách tốt nhất để xa lánh chuyện tình nam nữ giữa đời, phải không thưa thầy?
Thầy Tiều lúc lắc đầu, cười và nói:
- Thất tình, đi tu để khỏi đối diện với sự thật là đi ngược lại tinh thần vắng lặng nhưng lại đầy sức mạnh âm thầm từ bên trong của cửa chùa. Chùa chiền, tự viện là nơi tự mình đối diện với những dục vọng của chính mình, rồi từ đó tìm phương hóa giải. Ngoài đời thường, người ta dùng dục vọng lớn hơn để bao phủ hay đè bẹp những dục vọng nhỏ hơn. Dục vọng biến tướng và người ta hiểu lầm rằng dục vọng không còn nữa như một ông nhà giàu cho người nghèo của tiền bố thí để lấy lại tiếng khen. Ông ta chỉ tính gạo tiền đổ ra mà không tính cái hư danh mình đang lấy lại.
- Nếu như tôi muốn ra khỏi vòng vây của tình ái thì phải làm sao?
- Đừng trốn chạy vì không có chỗ nào trốn được cả. Người ta có thể trốn được một xã hội nhưng sẽ không có ai trốn được chính mình. Sống với nó, nhìn thẳng vào nó để thấy được những ngón tay bạch tuộc của nó bám chặt vào đâu và gỡ ra khỏi đời mình.
- Nói thì dễ nhưng làm khó quá.
- Vâng, khó thật! Riêng tôi thì gỡ bàn tay của dục vọng một mình làm không nổi nên tôi phải nương tựa vào lớp áo nhà tu.
- Thế thì ai cũng phải đi tu như thầy mới tìm được tâm vắng lặng sao?
- Mỗi người đều có căn cơ và phước đức riêng. Có một định lực vô hình nhưng nó đóng vai trò gần như quyết định cho mỗi cuộc đời riêng mà người ta quen gọi đó là đinh mệnh hay số phận.
- Ai là kẻ quyết định cho số phận đó hở thầy?
- Theo cách hiểu thông thường của nhà chùa thì cái định lực vô hình đó là sự tích lũy sau cùng của tất cả những ý nghĩ, lời nói, việc làm của mỗi người gồm cả cái được và cái mất, cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác gọi là nghiệp.
- Nghiệp! Một sức mạnh vô tình, lạnh lùng và độc ác đến thế sao?
- Nghiệp do mình tạo chứ có ai trừng phạt hay ban phát cho mình đâu. Rượu không bắt mình say, tiền không bắt mình mắc nợ. Say vì tự mình uống quá chén; mắc nợ vì mình xài quá nhiều. Đừng uống rượu quá đà thì khỏi say. Làm tiền ra nhiều hơn tiêu tiền thì có tiền dành để lại trong tay.
- Nghĩa là mình có thể làm chủ nghiệp của mình?
- Ồ, tất nhiên rồi quý hữu à. Người ta có thể cải nghiệp, giải nghiệp hay không tạo nghiệp.
- Hành động hôm nay là hạt giống cho số phận ngày mai hay đời sau. Tu không phải là chỉ có hình thức vào chùa để làm trụ trì, lên sư ông, thành sư cụ mà tu là tự mình làm thanh sạch cho cái tâm của mình để giải bớt nghiệp chướng cho chính mình bằng cách gieo hạt giống cho ngày mai.
- Có chăng một vùng đất lý tưởng để gieo giống cho đời sau?
- Ba ngàn thế giới, gieo đâu mà chẳng được, miễn sao là giống lành.
Trí Hải lặp lại lời sau cùng của thầy Tiều mà cảm thấy lòng ấm lại như vừa có một nơi nương tựa:
“Ba ngàn thế giới, gieo đâu mà chẳng được, miễn sao là giống lành”.