Chương mười bảy
Đời cung nữ
Gia đình Ba Chiêu đã năm đời trồng dâu, nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ và dệt lụa. Tơ lụa Ba Chiêu dệt bằng những xe tơ quay tay và khung cửi đạp bằng chân. Mặt hàng gồm cả hàng, lụa, thao, đũi, nhiễu… Dâu xanh nuôi tằm quanh năm tươi tốt nên kén vàng óng ả. Lụa Ba Chiêu mịn, bóng và có vẻ sang trọng hơn là các mặt hàng tơ lụa buôn từ Tô Châu, Hàng Châu và Thượng Hải đưa qua nên rất được ưa chuộng trong giới quyền quý ở kinh thành.
Khách thường trực quanh năm là các ông hoàng bà chúa. Họ là những hoàng thân quốc thích được phong tước và chia đất tùy theo thứ bậc. Căn bản kinh tế là sống bằng lợi tức, xâu thuế thu từ nông dân trong từng thôn ấp được chia. Một số hoàn cảnh, nguồn thu nhập giới hạn không đủ cung ứng cho nếp sống vương giả nên họ thường lâm vào cảnh nợ nần vì quen ăn ngon mặc đẹp.
Liên tiếp hai năm Thân, Dậu mất mùa, sự nghiệp canh cửi, vải vóc của gia đình Ba Chiêu cũng kiệt quệ theo số con nợ mỗi ngày một lớn, không có tiền để trả. Chủ nhân một gia đình quý tộc ở kinh thành có thế lực và ảnh hưởng lớn ở cung đình đến gặp Ba Chiêu, tuyên bố thẳng là hoàn cảnh kinh tế của họ đã kiệt quệ, không thể nào đủ sức trả món nợ quá lớn về số vải vóc đã mua trong mấy năm qua. Cuối cùng hai bên đi đến chỗ thương lượng và viên quý tộc sẽ đưa Ba Gấm, cô con gái út của gia đình Ba Chiêu vào nội cung để xóa nợ.
Ba Gấm ra đời khi gia đình Ba Chiêu khá giả nhờ nghề nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa. Chỉ có lụa Ba Chiêu mới địch nổi với tơ lụa Hàng Châu của Trung Hoa. Gia đình toàn con trai, nên khi sinh được một cô con gái, cả gia đình Ba Chiêu sung sướng và trân quý cô con gái út vô cùng. Ba Chiêu muốn cô gái út phải thoát ra khỏi cảnh ruộng lúa, nương dâu của nghề tang tằm khó nhọc. Sự “đổi đời” đầu tiên là khi Ba Chiêu mang lễ vật đến thỉnh ý cụ Nghè. Cụ là bậc đại khoa hưu trí duy nhất ở trong vùng để xin một cái “tên chữ” cho cô gái út. Cụ Nghè vuốt râu dạy rằng, người con gái quý nhất là đức hạnh và vẻ đẹp tự nhiên làm cho người “quân tử” cầu cạnh mong được gần gũi. Theo lời cụ Nghè, người đẹp ví như gấm, như hoa. Cho nên cụ đặt tên cho cô gái út là Hoa Gấm, nhưng khi cụ chấm ngọn bút lông vào giấy hồng đào để viết lên hai chữ Hoa Gấm thì bỗng dừng tay lại. Cụ phải kiêng húy. “Hoa” là trọng húy nên cụ theo trào lưu “kiêng cữ” chung bằng cách đổi “Hoa” thành “Ba”; Hoa Gấm thành Ba Gấm.
Giấc mơ đổi đời cho cô gái út bay bổng xa hơn khi viên quý tộc mắc nợ vải vóc gạ gẫm rằng, ông ta có người em là quan tuyển cung, nên việc đưa những cô gái đẹp như Ba Gấm vào nội cung làm thê thiếp của vua chẳng có gì khó cả. Quan tuyển cung chuyên tìm gái đẹp tiến cung. Mục đích là để sung vào đội nữ binh trừ bị, chờ đợi cơ hội được làm thê thiếp của Vua. Ba Gấm sẽ được đưa vào vị thế chờ đợi đầy hy vọng. Mong được có ngày “dựa mạn thuyền rồng”, trở thành hoàng hậu. Với hàng dân dã như Ba Chiêu, thì cái bánh vẽ “hoàng hậu” lá ánh sáng vinh quang chói lọi, mấy ai dám ước mơ. Lòng thương con đã thắng. Gia đình Ba Chiêu đưa Ba Gấm vào cung với hy vọng tràn đầy vào một tương lai huy hoàng đang chờ cô con gái út.
Đối với hàng dân dã, nếp sống cung đình sau lớp hào lũy và hoàng thành uy nghi, kiên cố hoàn toàn là một thế giới khác. Thế giới có vẻ gần với thần thoại của các bậc đế vương trong cổ tích. Một thiếu nữ đã được đưa vào cung cấm là bước qua một thế giới vẫn sống, nhưng cuộc đời sẽ sang kiếp khác, kiếp của một con người sống trên cùng một hành tinh này, nhưng không mong ngày trở lại với cuộc đời thường. Trong dân gian, những vùng quanh Huế, khi nói đến “đưa con vô Nội” là có ý nói một đứa con đưa vào cung cấm sẽ vĩnh viễn mất đi. Một khi đã được tuyển vào cung, các phi tần, cung nữ không còn được phép gặp mặt bất cứ ai ở bên ngoài nữa. Họa hoằn trong những trường hợp đặc biệt hiếm hoi, nếu cha mẹ được đặc ân cho phép vào Đại Nội thăm con, thì cũng chỉ có thể nói với con qua một bức sáo, chứ không được phép nhìn thấy mặt con.
Thế nhưng, cái tâm lý “một ngày dựa mạn thuyền rồng, còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài” vẫn thôi thúc các bậc cha mẹ mơ ước những đứa con gái đẹp nhất, khéo nhất, ngoan nhất của mình gặp dịp may nghìn năm một thuở nào đó, được tiến cung và sẽ có cơ hội làm vợ vua. Con được tuyển vào cung cấm, được hầu hạ vua giữa chốn triều đình là cả một sự vẻ vang không những cho cha mẹ, gia đình mà còn là niềm vinh quang của cả dòng họ, tiếng vang chung cho làng xã, tỉnh thành.
Ba Gấm được đưa vào cung. Cô bé dân dã lớn lên trong khung cảnh làm lụng hái dâu, nuôi tằm, dệt lụa cùng với gia đình trở thành cung nữ. Thế giới mới hoàn toàn xa lạ với cô bé bình dân chưa ra khỏi lũy tre làng. Một thế giới đàn bà được tuyển chọn vì nhan sắc, vì địa vị xã hội có cha ông là quan lớn trong triều hay vì có tài năng trội bật trong thiên hạ… nhưng tất cả đều có một mục đích cao nhất và cuối cùng là được hầu hạ, cung phụng, phục vụ, hiến trọn đời mình cho một ông vua.
Cũng như các cung nữ mới tuyển, Ba Gấm được đưa vào Viện Đoan Trang. Đây là nơi tập sự cho những con chim non đang tập tểnh bước vào đời cung cấm. Trong thế giới Tam Cung, Lục Viện uy nghi, lạnh lẽo nhưng cũng xô bồ, hừng hực muôn thứ lửa đua tranh này, mỗi người đàn bà là một mảnh thân phận sẽ trôi theo dòng sông lạnh lùng không còn sự mơ mộng đợi chờ của “mười hai bến nước”. Ngoài các thái giám trơ lì phi giới tính, không có một bóng đàn ông nào được đặt chân tới nơi này. Từ Viện Đoan Trang, lên tới viện Đoan Tường, viện Đoan Huy là một cuộc hành trình đầy gai góc. Càng ngày Ba Gấm càng khám phá ra rằng, cung nữ chỉ là một người đầy tớ gái trong cung vua. Như con mèo chẳng bao giờ thành con cọp, cung nữ là kẻ hầu hạ suốt đời đủ hạng người trong cung vua. Hầu hạ từ những bà cung phi già có, trẻ có cho đến những đứa bé sơ sinh con vua, cháu chúa… Chẳng bao giờ có cơ hội làm được gì cao hơn. Nhìn được dáng vua từ đằng xa đã khó, nói chi đến giấc mơ hoàng hậu, ái phi bên vua.
Ngay cả những người đẹp được tuyển vào cung làm thê thiếp của vua, phần đông, đều mang số phận hẩm hiu “cung oán”. Biết bao giai nhân khi vào viện Đoan Trang là một trinh nữ và ra đi, nhắm mắt lìa đời, là một… “trinh lão” mà vẫn chưa một lần thấy mặt quân vương.
Ba Gấm tập làm cung nữ là tập bỏ thói đời thường để tự dọn mình và được uốn nắn thành một mẫu người riêng trong cung cấm. Cách ăn mặc cũng phải thay đổi từ trong ra ngoài. Cách nói năng cũng phải dè chừng, cẩn trọng, tinh tươm, đài các trong mỗi một lời ăn tiếng nói. Với các bậc quyền quý ăn thì gọi là “thời”. Vua ăn cơm thì phải nói là vua “ngự thiện”. Vua bệnh thì gọi là vua “se”. Vua ngủ thì gọi là “ngơi”, thức dậy thì gọi là “tánh”… Thà ngậm miệng suốt ngày, còn đỡ khổ hơn là nói ra mà phạm húy bị phạt. Sự kiêng cử gọi tên tục của vua sống, của các đấng tiên vương, các bà vợ được vua sủng ái, các nhân vật quan trọng trong hoàng tộc đã làm cho ngôn ngữ triều đình cũng bị nhốt vào cung cấm. Các cung nữ mới nhập cung phải biết nhớ việc kiêng húy trước khi nhớ cha, nhớ mẹ. Phải biết tránh hay “nói trại” âm “ánh” (tên tục của vua Gia Long) thành “yếng”, long thành “luông”, cảnh thành “kiểng”, hoa thành “huê”, nguyên thành “ngươn”, nghĩa thành “ngãi”… Cả một chuỗi trọng húy (tên các vua) và khinh húy (tên các thân thích của vua) dài lê thê phải học thuộc nằm lòng mà hầu hết toàn là những tiếng xa lạ với cuộc sống ngoài cung cấm.
Sau những tháng ngày được dạy dỗ chi li, tập tành cặn kẽ ở viện Đoan Trang, toán cung nữ mới được đưa vào các viện khác trong lục viện Tử Cấm Thành. Ba Gấm được gởi đến “học”, nhưng thật sự là chỉ để hầu hạ các cung nữ về già. Cung nữ nào độ tuổi ba mươi, bốn mươi là đã xem như hết thời hương phấn. Niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng của một đời người là được kề cận với vua dần dần lịm tắt.
Ba Gấm chưa bao giờ biết đời người con gái có nỗi cô đơn nào ghê rợn hơn là số phận người cung nữ về già bị quên lãng. Tất cả những người đẹp được tuyển vào cung cấm đều có chung giấc mơ và nỗi ám ảnh thường trực là đem phận má hồng đi làm vợ cho một người… ông vua. Nỗi hy vọng và lòng mong đợi lóe lên trong từng khắc. Tiếng tăm, tước vị, quyền hành là lớp vỏ huy hoàng, nhưng nỗi chờ đợi mong rạo rực nhất của tuổi thanh xuân khi vào cung cấm là chuyện ái ân. Phấn son, xiêm áo mỗi ngày cũng chỉ là phương tiện để một người đàn bà chuẩn bị thế sẵn sàng được nhìn ngắm, được vuốt ve, được thương yêu và ân ái. Nhưng im lặng là sự tàn nhẫn cùng tột của khát vọng. Nỗi đợi chờ tiếng gọi của vua càng ngày càng quá cao vời, mất hút ngoài tầm tay với. Người cung nữ cố trốn chạy niềm tuyệt vọng, nhưng tuyệt vọng là bàn tay quỷ quái càng ngày càng siết chặt. Khi con người mang tâm lý tuyệt vọng thì dễ xa người thường để về gần với thánh thần hay ma quỷ. Họ phải tự tử hay ứng xử một cách cực đoan, phản kháng để thách đố và đương đầu với cô đơn và tuyệt vọng. Họ phải làm gì để bù lại cho cái duyên kiếp phũ phàng của họ. Đời cung nữ bị lãng quên là tiếng rên dài trong vắng lặng.
Khác với chuyện thần tiên ngày xưa mẹ kể. Sau ba vòng thành quách huy hoàng của chốn hoang cung là những khuôn mặt đanh lại, lạnh dần vì thiếu vắng nụ cười âu yếm. Giữa vòng thành tím trơ trơ của Tử Cấm Thành, con người sống cho mình chưa đủ, còn đâu hương hoa dư thừa chia sẻ. Những tia nhìn không còn biểu cảm gần với thảo mộc vì bị cấm cung hàng chục năm trường không có tình yêu hay đối tượng để mà yêu. Giọng nói the thé và cách sai bảo, ra lệnh thẳng thừng của các “tỷ tỷ” bằng tuổi mẹ mình làm Ba Gấm nhiều lần run rẩy. Cố cúi mình thật thấp để sống, để làm vui lòng các bậc trên mình. Nhưng dù có cố mềm mỏng đến thế nào chăng nữa thì Ba Gấm cũng là kẻ thù một cách vô hình chung đối với lớp cung nữ già. Vũ khí đáng sợ nhất mà Ba Gấm đang mang trên người: Tuổi trẻ!
Nhiều lớp lá mùa Thu xếp thành tầng trên khung nhà kiếng làm cho ngôi nhà trở nên mờ ảo dưới cơn nắng xế chiều. Lần đầu trong đời, Ba Gấm kể lại đoạn đời cung nữ của mình cho một người nghe. Giọng kể khi muộn phiền tủi cực, khi dửng dưng khô khan, khi ngậm ngùi xúc động; rồi bỗng đột ngột dừng lại. Ngừng kể không phải để kết thúc câu chuyện mà để chắp lại những mảnh rời của ký ức về một sự tình cờ đã làm chuyển hướng, thay đổi hẳn cả đời mình.
Trí Hải dè dặt gợi ý:
- Thế rồi, phu nhân làm sao thoát được đời cung nữ?
Ba Gấm nói như đùa nhưng với đôi mắt nhìn thẳng vào người đối diện bằng tất cả vẻ dịu dàng và chân thật:
- Chỉ nhờ một miếng vá thôi huynh ạ.
Trí Hải ngỡ như nghe lầm, hỏi lại:
- Một miếng vá? Miếng vá gì mà kỳ diệu đến như vậy?
- Thì cũng chỉ là miếng vá áo rách thôi. Nhưng đây là chiếc áo đại triều của hoàng tử.
Nguyên nhân của những biến cố làm thay đổi con người và hoàn cảnh nhiều khi cũng chỉ là sự tình cờ. Một vị thái giám mới được tuyển vào cung đã lỡ tay rơi đổ cây đèn, làm cháy xém một miếng bằng nửa bàn tay trên chiếc áo quý của hoàng tử. Vì chiếc áo may bằng một loại tơ sợi quá đặc biệt, quý hiếm; trên áo lại điểm thêu rực rỡ, nên không một cung nữ nào có khả năng vá lại mà có thể hoàn toàn che được dấu vá. May một chiếc áo mới cho nghi lễ đại triều phải mất hàng tháng trời, trong khi cuộc lễ thiết đại triều nghi gần kề. Ba Gấm nhận lãnh việc khâu lại chỗ rách. Vốn đã quen nghề thêu thùa kim chỉ, dệt lụa, đan khâu từ hồi còn bé, Ba Gấm miệt mài làm trong ba hôm là chiếc áo liền lặn lại như cũ. Đường kim mũi chỉ vừa thêu, vừa khâu, vừa đan, vừa dệt của Ba Gấm khéo đến độ nhiều người xúm lại cố tìm cho ra chỗ vá mà không tài nào phân biệt được đâu là dấu rách.
“Miếng vá đại triều” đã đưa Ba Gấm từng bước ra khỏi cung cấm.
- Huynh có biết nhờ đâu mà em học được chữ Hán, chữ Nôm; học được sách vở của bách gia chư tử và bắt chước cách viết chữ Nho theo nét thư pháp tài hoa của Vương Hy Chi, Vương Duy, Trương Húc, Tề Hoàng Mễ Sái và đặc biệt gần gũi nhất là của Trí Hải không?
Câu hỏi bất ngờ của Ba Gấm đã hé mở ra một cánh cửa còn đóng kín cho mối thắc mắc là tại sao một cung nữ xuất thân trồng dâu, nuôi tằm, dệt cửi như Ba Gấm lại có được một sở học cao xa như ngày nay. Trí Hải cười rạng rỡ, ngẫm nghĩ và nêu lên thắc mắc của mình:
- Phải rồi, phu nhân… muội…à…
Ba Gấm không để cho Trí Hải nói hết câu, cởi mở ngắt ngang:
- Huynh cứ gọi Ba Gấm bằng tên, bằng muội, bằng… em gì cũng được, có sao đâu. Một người đàn bà lớn tuổi hơn thì gọi bằng bà, bằng chị; người nhỏ tuổi hơn thì gọi bằng cô, bằng em đâu có gì lỗi đạo. Con người là chính chứ có quan trọng gì về nhân xưng đâu mà chúng ta cần phải chấp nhặt.
Một thoáng im lặng lúng túng hiện ra trong giọng nói Trí Hải:
- Đành vậy, nhưng có những giới hạn…
- Dạ, giới hạn là do con người tự đặt ra nên con người cũng có quyền hủy bỏ, nới rộng hay sửa đổi giới hạn chứ, phải không huynh?
Giọng nói sắc sảo và tự tin của Ba Gấm đầy sức thuyết phục. Được đi xa, tiếp cận với cách ứng xử thoáng đạt của người phương Tây, nên Trí Hải chẳng ưa gì lề lối tôn xưng nặng bài bản của chốn cung đình, thế nhưng vẫn ngạc nhiên và cảm thấy hơi lạ lùng trước sự phóng khoáng ở người đàn bà trước mặt. Trí Hải càng muốn biết rõ hơn về người đối diện:
- Phu nhân… à, à Ba Gấm vẫn chưa nói về đường kinh sử của mình.
Ba Gấm lại cười giòn tan. Nhưng tiếng cười nghe có vẻ như ẩn chứa sự chua xót lẫn giễu cợt:
- Em làm học nô chứ có phải là học quan đâu mà dám nói chuyện về đường kinh sử.
- Học nô? Học nô là gì vậy?
- Dạ huynh, học nô là làm nô tỳ, hay là đầy tớ gái, để hầu hạ cho việc học của các hoàng tử và công chúa. Tuy làm đầy tớ, nhưng là đầy tớ trong cung vua, nên đây vẫn là chỗ ngồi mơ ước của hàng cung nữ. Nhờ “miếng vá đại triều” em mới được làm học nô đã là khó lắm rồi, nhưng cố giữ cho được chỗ đứng của mình còn trăm lần khó hơn. Hàng cung nữ hầu hết đều xuất thân từ những gia đình quyền thế trong nước; hoặc phải có tài năng đặc biệt hay đẹp tuyệt vời trong hàng dân dã mới được tiến cung. Riêng em chẳng có gì cả ngoài món nợ may mặc giữa hai gia đình. Bởi vậy, một cung nữ tầm thường mà được làm học nô như em là bị đặt lên đỉnh đồi ganh tỵ của bao nhiêu người, kể cả cung nữ và các phe nhóm triều thần có thân nhân là cung nữ. Ba Gấm kể lại mảnh đời cung nữ làm học nô. Giọng kể khi buồn thấm nước mắt, khi vui hồn nhiên khúc khích tiếng cười...
Mỗi ngày, Ba Gấm phải thức dậy từ lúc gà gáy lại để chuẩn bị cho một ngày mới. Tắm gội sạch sẽ, tóc tai áo quần tươm tất, đến đợi ngoài cửa phòng riêng của các công chúa đang theo học. Ba Gấm có nhiệm vụ ôm tráp, mang văn phòng tứ bảo đi theo hầu các công chúa học trò vào học đường. Thầy giáo là những học sĩ được vời vào cung làm học quan để dạy dỗ cho các hoàng tử và công chúa. Cách dạy có khác nhau nhưng các thầy đều giống nhau về hình thức dùng roi vọt để trừng phạt học trò một cách nghiêm khắc theo tiêu chuẩn được toàn xã hội chấp nhận và tôn trọng. Tuy nhiên, con vua thì phải khác, các thầy không được, hay nói đúng hơn là không dám, dùng roi vọt trực tiếp trên thân thể của các hoàng tử và công chúa học trò phạm lỗi. Trực tiếp chịu đòn là các học nô. Giới gần gũi với học nô thường đùa: “Mũi dại thì lái chịu đòn. Con vua làm biếng liệu hồn học nô”.
Ba Gấm vốn là cô bé chân quê, lại nhát gan, nên đã ráng hết sức mình để đỡ ăn đòn. Lớp vỡ lòng bắt đầu từ “Tam Thiên Tự”. Quyển sách ba nghìn chữ ghi một bên là chữ (Hán), một bên là nghĩa (Nôm) mà học trò để chỏm thường nhắm mắt đọc làu làu như chơi hát đồng dao ngoài đường: “Thiên - trời, địa - đất; cử - cất, tồn - còn; tử - con, tôn - cháu; lục - sáu, tam - ba; gia - nhà, quốc - nước; tiền - trước, hậu - sau; ngưu - trâu, mã - ngựa…”.
Đọc mà không nhớ mặt chữ hay đọc mà vấp trước, thiếu sau là cây roi mây trong tay thầy giáo đã quơ gió vi vu, đánh “bốp” trên sàn hoặc phi thân bay xuống đầu học nô.
Ba Gấm đã học thuộc làu từng chữ để cứu viện cho thân chủ, mà thật ra là để cứu viện cho chính mình trước. Các hoàng tử, công chúa sau giờ học thường có không biết bao nhiêu cuộc vui để tham gia, đến khi trả bài chỉ còn ngậm miệng hay nhớ trước quên sau. Ba Gấm nhìn thân chủ trả bài mà mặt xanh như tàu lá, hồi hộp đợi chờ roi vọt của thầy sẵn sàng giáng xuống đầu mình. Bản năng sống còn đã dạy cho Ba Gấm sự tinh nhanh của trò “học thế”. Khi đến những điểm bí, Ba Gấm cố dùng hết mọi khả năng diễn tả thành ngôn ngữ của thân thể mình để nhắc bài cho những cành vàng lá ngọc đang ủ rũ vì bí chữ. Như nheo mắt trái là bộ mộc, nheo mắt phải là bộ thổ, khịt mũi là bộ thủy, vuốt tóc là bộ miên, chúm môi là bộ khẩu…và cứ thế, những quy ước “thân ngữ” kéo dài. Tuy không bao quát hết cả 214 bộ thủ trong chữ Hán, nhưng khả năng ứng phó cứu nguy chữ nghĩa mang hiệu quả rất cao làm nức lòng đám học trò ham chơi hơn ham học. Ngoài ra có rất nhiều chữ tượng hình, hội ý trong ghép lục thư của chữ Hán cũng được Ba Gấm gợi ý làm cho đám vương tử học trò nhớ chữ và học chữ nhanh hơn cả thầy dạy. Lạ lùng thay là cách “gợi chữ” của Ba Gấm đánh trúng tâm lý ham vui của các nhà quý tộc tí hon làm cho đám nhóc tì hoàng tử, công chúa học qua một lần là nhớ hoài mặt chữ.
Lên các bậc học cao hơn thì sự lười biếng thường để lại những dấu vết rõ ràng hơn. Học Tứ thư, Ngũ kinh mà không chịu tự mình đào sâu nghĩa lý của tư tưởng thì rất dễ rơi vào tình trạng nô lệ sách vở, tìm chương, trích câu một cách máy móc của lối mòn học vẹt. Các vị danh sư hiểu rằng họ đang đào tạo những người chăn dân, chủ nước tương lai nên được giao trọng trách là phải dạy dỗ học trò đến nơi, đến chốn. Nhưng tiêu chuẩn đến nơi đến chốn của thời đại khoa bảng và học theo sách vở Trung Hoa cũng chẳng đi đâu xa hơn là quanh quẩn trong những khe suối của ngũ kinh Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Lý luận làm căn bản trị nước an dân cũng chỉ là những khung thếp úa mòn của Tứ Thư gồm bốn tập sách Luận ngữ, Đại học, Trung Dung và Mạnh Tử. Ba Gấm phải học thuộc lòng từng chương, từng đoạn, có khi từng chữ. Cái học để thờ phụng và bắt chước chứ không phải để khai phóng. Cả thầy trò chìm lỉm trong ao hồ chữ nghĩa.
Ba Gấm là một trường hợp ngoại lệ trong cung. Thông thường, một hoàng tử hay công chúa có một hay hai người hầu riêng. Ba Gấm là cung nữ hầu cận riêng cho công chúa Ngọc Nữ, nhưng vì không có một cung nữ thứ hai có khả năng “học thế” nên Ba Gấm đã bị “mượn” thường xuyên để hầu cận, làm bài giúp và làm học nô cho những công chúa và hoàng tử khác.
Cho đến một hôm công chúa Ngọc Nữ hỏi:
- Thầy ta bảo là phải tìm một ý mới nào đó khác với lời dạy của đức Khổng Phu Tử mà thầy đã dạy từ bấy lâu nay. Từ nhỏ đến lớn, ta chỉ biết Khổng Tử là đấng Vạn Thế Sư Biểu, phụ hoàng ta là bề trên tất cả thiên hạ cũng phải hết lòng tôn kính, nên ta chỉ biết cúi đầu vâng theo chứ làm sao dám nói khác. Nay ngươi là con nhà dân dã, lời nói có khi quê mùa thô lậu nên dẫu lỡ mồm lỡ miệng nói trái với bậc thánh hiền cũng không bị quở như ta, nếu lỡ lời. Ngươi có thể giúp ta tìm ý mới được không?
Ba Gấm thưa:
- Bẩm, lời công chúa phán ra quả thật là chí lý. Lời công chúa là sấm là lệnh. Kẻ nô tỳ đâu dám nghĩ khác mà chỉ biết xin tuân hành.
- Tốt lắm. Ráng giúp ta, nếu được thầy khen, phụ hoàng và mẫu hậu hài lòng ngươi sẽ được thưởng xứng đáng.
- Bẩm công chúa, nô tỳ học và chép sách của cụ Khổng Tử và chư hiền mỗi ngày, mỗi đêm trong bao nhiêu năm qua. Nhưng chỉ nghe toàn lời ca tụng, chưa từng nghe ai dám nói khác bao giờ. Nay được lệnh cô nương, nô tỳ cũng xin thử một phen.
Lời của Khổng Tử dạy là nhắm vào các bậc cao siêu tôn quý mà luận bàn, mà tôn xưng và ca ngợi ơn vua lộc nước. Vua là con Trời, là cái rốn của vũ trụ. Bất chấp phải quấy, hễ vua ra lệnh là phải tuân hành răm rắp. Vua bắt chết là phải chết, không chết là không trung thành. Riêng kẻ quê mùa thô lậu thì chỉ biết tuân theo lời dạy của cụ Khổng mà một lòng trung với vua lo làm ăn và nộp thuế để mong báo đền ơn vua.
Ba Gấm bẩm với công chúa Ngọc Nữ rằng:
- Bẩm công chúa, người dạy thì xin vâng. Công chúa dạy là phải cố tìm một cách nói khác với cụ Khổng, kẻ nô tỳ mới dám có ý như vầy: Cụ Khổng dạy là phải lấy dân làm quý. Nhưng mặt khác, cụ lại khinh rẻ đám dân nghèo ít học là hàng tiểu nhân. Đàn bà thì bị coi khinh như hàng độn căn, thấp trí. Lời cụ dạy trong sách Luận Ngữ rằng: “Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán”. Bởi vậy cụ Khổng đã cho đàn bà thành chiếc lá trôi phăng phăng theo chữ tòng để phục vụ suốt đời, hết cha đến chồng, hết chồng đến con. Như vậy người đàn bà không phải là dân, theo lời Mạnh Tử, vì họ không được lấy làm quý. Họ cũng chẳng phải là người mà chỉ là công cụ phục vụ. Phải chăng lời dạy của cụ Khổng không tôn trọng sự công bằng. Đã không có đạo công bằng thì khó mà có đạo làm người công chính để tinh thần Luận ngữ, Trung dung… Đức Khổng Tử sinh vào thời loạn lạc, Xuân Thu, Chiến Quốc. Cụ Khổng không được trọng dụng ngay trên quê hương nước Lỗ của mình, phải qua Vệ, Tề và chu du khắp mười bốn nước trong mười bốn năm nhưng chẳng có nơi nào được trọng dụng, phải về lại quê hương năm sáu mươi tám tuổi và mất năm bảy mươi hai tuổi. Chỉ về sau này, khi nhà Hán đã gồm thâu thiên hạ, muốn nắm vững quyền lực đời đời với vinh danh cụ Khổng Tử và các bậc Trình, Chu. Đạo Khổng là cái búa chăn voi, cái roi giữ ngựa bảo vệ chính danh và uy quyền của thiên tử và quý tộc; nhưng lại là cái gông đẹp đẽ, êm ái nhân danh đạo lý đối với con người bình thường. Sự trói buộc dựa trên một căn bản trật tự xã hội tưởng tượng nhằm bảo vệ quyền lợi của vua quan và đem áp bức buộc lên đầu, lên cổ đám dân lành thấp cổ bé miệng, không bao giờ dám ngẩng mặt nhìn lên để nói lời phản kháng trước bạo quyền. Nếu bậc thiên tử thương dân như con, muốn lấy dân làm quý thì không nên lấy đạo Nho làm gốc.
Công chúa Ngọc Nữ theo ý của Ba Gấm để làm văn nghị luận mà nộp lên thầy và được thầy khen. Từ đó Ba Gấm có niềm tự tin rằng, nếu ném cả vốn lẫn lời chăm bẳm tin theo sách vở không hề nghi vấn, thì thà đừng có sách vở hay hơn. Sự suy nghĩ độc lập đã làm Ba Gấm trở thành một nguồn tư liệu nghị luận văn sách đáng quý cho giới học trò ông hoàng bà chúa, vốn bị mụ người vì ý nghĩ và lời nói chỉ toàn hình thức một chiều trong cung. Tất cả các học nô khác đều bị thay đổi từng tháng, từng mùa, riêng Ba Gấm vẫn giữ được vai trò học nô trong suốt nhiều năm làm cung nữ.
Tuy cung nữ Ba Gấm làm học nô thì vẫn là học nô, nhưng nhiệm vụ hầu hạ thì được cất nhắc từ mài mực, ôm quyển lên thành phụ việc trợ giáo. Trong nhưng đợt bình văn chấm quyển, Ba Gấm đã làm cho các danh sĩ học quan nể phục vì sở học sâu rộng về cả chữ Hán và chữ Nôm. Từ tâm lý sợ hãi roi vọt của một học nô, Ba Gấm đã chăm chỉ học hành từ cấp vỡ lòng đến trình độ cao cấp bình văn, điểm sách để đủ sức “cứu nguy” cho thân chủ là các ông hoàng bà chúa học trò, nhưng trước hết là cứu nguy chính mình. Học để hiểu biết, học vì bị bắt buộc hay học để tự sống còn tuy khác nhau về động cơ, nhưng phương tiện và kết quả thì cũng giống nhau. Đó là sự miệt mài đèn sách, chăm chỉ bút nghiên đã mở mang tầm hiểu biết. Cái học đã giúp đưa cô cung nữ xuất thân trồng dâu nuôi tằm lên ngang tầm với các tay văn học quen vẫy vùng trong trường văn trận bút.
- Huynh à! Không hiểu cuộc đời này có số phận xếp đặt hay tất cả mọi chuyện xảy đến đều chỉ là sự tình cờ?
Ba Gấm dừng ngang câu chuyện đang kể về quãng đời học nô của mình và đột ngột hỏi. Trí Hải không trả lời thẳng vào câu hỏi mà lại đưa ra một câu hỏi khác:
- Trả lời “có” hay trả lời “không” đều là suy đoán. Những người trang bị và áp dụng luật nhân quả của đạo Phật thì trả lời là “không”. Họ cho rằng, một người đã gieo nhân thì phải nhận nghiệp quả, không ai có thể thay thế thụ hưởng hay chịu quả báo thay cho ai được cả. Đã không có một sức mạnh bên ngoài chi phối, con người tự quyết định số phận của mình, nên chẳng có một sự sắp xếp nào trên số phận của mỗi người, hiểu như định mệnh hay số phận cả.
- Huynh có đồng ý với khuynh hướng “vô định mệnh” ấy không?
- Chỉ đồng ý có một nửa thôi.
- Tại sao?
- Tại vì có người mà cũng có mình. Có Trời mà cũng có Ta.
- Như vậy thì người bình dân nói “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” là đúng hay sai và ý nghĩ ấy đi ngược lại lý thuyết “nhân nào quả nấy” của Phật giáo hay sao huynh?
- Những người theo đạo Phật có niềm tin riêng của họ. Nhưng nếu có người hiểu và áp dụng tinh thần Phật giáo nửa vời thì cũng mới chỉ đi được một nửa đường trong suy nghĩ và thực hành. Thậm chí, còn có người phân vân cảm thấy dường như là lý thuyết Phật giáo trở thành mâu thuẫn với nhau.
- Mâu thuẫn như thế nào, hở huynh?
- Nếu ai làm nấy chịu thì cầu nguyện làm gì. Bà Mục Liên Thanh Đề ác thì phải đọa vào địa ngục chứ làm sao người con hiếu thảo Mục Kiền Liên có thể nhờ năng lực của chính mình và các bậc tu hành hợp lại để cứu bà mẹ độc ác của mình ra khỏi địa ngục được. Nếu mỗi người là một hạt bụi đơn độc giữa đời, không có sự tương quan, tương tác thì trong số những người theo đạo Phật ai sẽ là kẻ sẽ được vào cảnh sung sướng nhất của ước mơ, đó là cảnh Tây Phương Cực Lạc - trong khoảng một niệm sanh về Cực Lạc - có đức Phật A Di Đà dang tay ra đón?
- Như vậy là có những luận sư Phật giáo cho rằng, chẳng có ai giúp mình ngoài chính mình là sai lầm cả sao?
- Không hẳn là sai lầm nhưng họ chỉ chú mục vào lý Tánh Không, nghĩa là vạn sự và vạn vật không có một gốc rể riêng; không có một tự tánh riêng. Không có một nguyên nhân đầu tiên như Đấng Tạo Hóa tác tạo muôn loài; cũng chẳng có một đấng thần linh cứu độ dắt dẫn tâm linh con người vào nước Trời an vui tuyệt đối.
- Nếu thế thì có gì sai?
- Sai ở chỗ là họ dừng lại ở chỗ “tất cả đều không có tự tánh” để nhìn muôn vật, rồi suy diễn ra một chiều là “tất cả đều không”. “không” - chính là cốt tủy của vạn sự, vạn vật. Nhưng vạn sự, vạn vật đều đang quay cuồng, thay đổi, biến hiện trong từng chớp mắt. Nghĩa là hằng hà sa số “cái không” đang quay. Chính sự quay cuồng, biến hiện này làm cho mọi vật không bao giờ đứng yên để trở thành một “cái gì đó” đời đời bất tuyệt. Sự tác động lên nhau, dính mắc mọi phía, san sẻ qua lại, hút đẩy triền miên này rất phức tạp. Nhà Phật gọi đó là “Duyên”. Duyên hợp, duyên tan, duyên tàn, duyên tận, duyên cạn, duyên đầy… làm cho mọi sự, mọi vật tác động lên nhau hết sức mạnh mẽ, thường xuyên, không có một điểm ngừng. Một hạt đậu đơn giản thôi, nhưng vốn đã chứa vô số vạn sự và vạn vật trong nó rồi. Hạt đậu đó vừa hiện hữu thì lại có vô số tác động và điều kiện xung quanh như đất, nước, ánh sáng, chất dinh dưỡng, khí hậu, môi trường sống… làm cho nó có khả năng bị tiêu diệt để biến thành vô số hạt bụi mang tính chất khác nhau; hay phát triển thành vô số mức độ (tươi tốt, cằn cỗi, sinh sôi nẩy nở thành vô số hạt đậu khác…). Có thể nói sự khác nhau vô cùng, vô tận đó của một hạt đậu là “định mệnh, số phận” của một hạt đậu.
Vỗ hai bàn tay vào nhau một cách khoái trá, Ba Gấm tươi cười và kêu lên, nối tiếp lời Trí Hải:
- Một hạt đậu còn có “định mệnh” huống chi là con người, phải không huynh?
Trí Hải biểu đồng tình, cười nói theo:
- Phải. Định mệnh của một hạt đậu, định mệnh của một hạt bụi, định mệnh của một con người, định mệnh của cả vũ trụ bao la này đều theo cách “tùy duyên” ấy chứ có khác gì nhau đâu.
- Như thế khi người ta nói “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” hay “nhờ phước đức ông bà, phúc ấm tổ tiên… mới có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay” là hợp lý phải không?
- Không đúng mà cũng không sai.
- Huynh cứ quanh quẩn với trò chơi “huề vốn” hoài.
- Nhưng đó là sự thật mà. Ta hiểu tánh của vạn vật là “không”, nhưng “tướng” là có, do duyên hợp mà thành. Khi tướng đang xuất hiện thì cũng là khi nó đang biến nên tướng có mà không. Duyên hợp tương tác, tương sinh. Ăn mặn, khát nước, phúc ấm, hạnh phúc, tốt, xấu, rủi, may… đều không có một cái gốc nào tác tạo ra cả mà do sự tác động qua lại theo những mô thức và quy ước của chính nó mà sinh ra như đám mây, bụi nước, ánh sáng mặt trời, sự ấm lạnh, hướng nhìn… mà sinh ra cầu vồng năm sắc. Cầu vồng năm sắc chuyển đổi hình dáng vùn vụt rồi tan đi. Cầu vồng chết và sinh trong mênh mông. Giả dụ như cầu vồng sinh ra và chết đi một tỷ lần thì ta thấy như nó đang “có” trước mắt ta dày bằng thời gian tàn điếu thuốc. Ánh sáng chết và sinh ra muôn vạn tỷ lần nên ta có được một ngày. Con người sinh ra và chết với số lần gấp ba vạn sáu ngàn nên ta có được một đời. Nó hiện diện và vắng mặt đâu đó quanh ta nhưng chẳng bao giờ đứng lại nguyên hình là chính nó, dẫu trong một mảnh li ti nhỏ nhất của thời gian.
Cả hai người bỗng im lặng. Họ cảm thấy dường như mình đang lạm bàn về một vấn đề trời biển nào đó mà cả hai chỉ mới kiếm tìm trong sách vở, chưa có một lần nếm trải bằng kinh nghiệm. Ba Gấm hỏi mà như đã tự trả lời:
- Em cố đi loanh quanh và đi xa như vậy vì em đang nhìn sâu vào mắt huynh từ hồi nãy đến giờ. Em thấy có một câu hỏi rất lớn vẫn còn đọng trong mắt huynh dẫu rằng em đã kể hết chuyện thật về đời mình. Câu hỏi đó phải chăng là em mang cô cung nữ quê mùa lên hàng mệnh phụ nửa mùa?
Trí Hải vỗ tay và cười giòn. Chưa bao giờ người đàn ông dè dặt theo lối cung đình ấy lại bộc trực đến như vậy:
- Ba Gấm thông minh tuyệt vời, nhưng cũng chủ quan quá lắm. Thắc mắc của Trí Hải này không ăn nhập gì đến số phận cả. Cũng chẳng có gì quan trọng hay khác nhau giữa hai người đàn bà sinh ra và lớn lên hai nơi khác nhau; nếu ở bầu thì tròn, ở ống thì dài mà thôi. Có số phận hay không thì trăm năm vẫn hết và cuộc đời này vẫn thế. Đúng! Câu hỏi chiếm ngự trong tôi từ lúc mới đọc mấy dòng chữ thảo của Ba Gấm từ đêm cầm chầu đến giờ vẫn là nét chữ…
- Đúng là em nhìn người không lầm. Cả non nước này chỉ có một mình Trí Hải mới thấy được nét chữ của em.
Ba Gấm hai tay ôm nửa mặt. Không có tiếng khóc mà nước mắt ràn rụa. Với giọng buồn sũng nước mắt, Ba Gấm kể:
- Sau năm năm ở trong cung cấm, làm học nô, ngày lại ngày mài mực chép bài, lần mò đọc sách bách gia chư tử, có khi bị ăn đòn oan uổng không phải lỗi của mình, em mới thấy rõ sự phi lý của tuồng đời diễn ra trước mắt. Một sự hiểu biết đáng là bao nhiêu trang sách của một học nô, không bằng một lời phán vội vàng của vị học quan và thua cái nhảy mũi của nàng công chúa. Thước đo giá trị là cả một tuồng ảo hóa. Những tài năng tiểu xảo lại được vinh danh như chuyện lấp biển vá trời. Vị học quan khen công chúa dám nói trái với lời Khổng Tử bị cho về quê cày ruộng, làm dân đen. Em may được công chúa Ngọc Nữ che chở chứ không thì cũng bị đuổi vào chốn mạt cung làm kẻ nô tỳ tắm ngựa. Em phải biết tập cho trí óc của mình thành giả dối. Phải biết nói khác để mà khen, mà ca ngợi công lao cụ Khổng chứ không phải nói khác để phê phán kêu đòi sửa đổi. Trong sự cô đơn cùng cực đó, em phải tự tìm cho mình một sự giải thoát mà không ai nhòm ngó hay bắt tội được mình. Đấy là thư pháp, là con đường khổ luyện để viết chữ đẹp, sống với chữ đẹp, mơ mộng với chữ đẹp cho đến mức cùng ăn, cùng ngủ, cùng thức, cùng hạnh phúc và đâu buồn với chữ đẹp.
- Thì thư pháp là một nghệ thuật tao nhã mà ai cũng trân trọng. Nhưng sao trong giọng nói của Ba Gấm tuồng như có gì u uẩn?
- Giờ lại đến lượt em phải khen huynh là thông minh và nhạy bén vô cùng.
- Nữa! Lại khen gì nữa đây?
- Dạ, phải khen qua khen lại mới toại lòng nhau chứ huynh. Hì, hì… Huynh nói đúng, tài mọn viết chữ đẹp của em phải giữ bí mật để khỏi bị tội.
- Hừm…?! Viết chữ đẹp cũng là một cái tội sao?
- Em đã đem chữ đánh lừa cả cung đình và thiên hạ.
- Lại càng khó hiểu hơn nữa…
- Sẽ rất dễ hiểu nếu huynh biết rằng em đã tìm lẽ sống trong công phu luyện chữ đẹp. Thường những mẫu chữ đẹp nhất của các bậc đại danh gia thư pháp, hầu hết thuộc Trung Hoa thời cổ, đều được mang đến làm mẫu cho các hoàng tử và công chúa đang đi học bắt chước viết theo. Chốn cung đình, giấy mực nhiều như núi, nhưng học trò vương giả có quá nhiều cuộc vui nên thường ham chơi hơn ham học. Mỗi ngày em phải lén lút làm hộ bài cho những vương tử học trò lười biếng.
Ngạc nhiên, Trí Hải hỏi:
- Thầy vẫn không biết có người khác làm bài thế?
- Em phải bắt chước viết theo những tuồng chữ khác nhau của từng người cực kỳ khéo léo để thầy không nghi là bài học trò của thầy do người khác làm hộ. Có đêm em về đau nhức rã tay vì viết quá nhiều. Ban đêm còn phải chong đèn thức đọc bài, chép văn, bình sách hộ cho các công nương và công tử lớp cao cấp. Em đã học và tập luyện tay viết của mình siêng năng như một người làm ruộng.
- Như một Nho sinh chứ sao lại là người làm ruộng?
- Phải nói là tệ hơn người làm ruộng huynh ạ, vì ngoài nỗi mệt mỏi của thể xác còn có sự đày đọa tinh thần. Càng chép, càng đọc, càng viết em càng cảm thấy chán ngắt với những lời khuyên, lời dạy vô hồn về một thứ trung quân ái quốc cuối đường một chiều như: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” mà không cần biết người xử có xứng đáng làm quan tòa công chính không hay cũng chỉ là phường tội phạm. Kinh sách cổ nói đến con người như nói đến loài sinh vật có hai chân. Sinh ra đời dưới một ngôi sao định mệnh và ngoan ngoãn chấp nhận định mệnh. Rồi cuộc sống cứ thế mà nương theo cái sơ đồ vớ vẩn có thứ, có lớp, có luật tắc, quy trình tưởng tượng về con trời cháu đất gọi là đạo lý, là trung, là nghĩa. Cuối cùng, con người vẫn phải phủ phục quỳ gối trước thân phận nô lệ bé nhỏ của mình để khoanh tay nhận cái ân sủng sau chót của một kiếp đời là cái chết. Sự chán nản của em kéo dài tưởng như không còn lối thoát, cho đến một hôm…
Ba Gấm bỏ lửng giữa lưng chừng câu nói. Trí Hải nhắc:
- Một hôm như thế nào?
- Một hôm em được đọc Phù Sinh Ký của Trí Hải. Em lạnh thoát, tưởng chừng như tê cóng cả người.
- Những dòng chữ bóng bẩy đầy tính hư cấu trong Phù Sinh Ký có một tác dụng tâm lý mạnh đến thế sao?!
- Dạ, huynh ạ, chính sự tưởng tượng của những đầu óc tài hoa, kiệt xuất mới là sự sống của sáng tạo. Tứ đại kỳ thư - bốn đại kiệt tác - cổ của Trung Hoa cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng thôi mà. Vâng, cũng như thế thôi, suốt bao nhiêu năm xào nấu, nhào nặn đủ loại hình hài với Tứ Thư, Ngũ Kinh… em chỉ thấy một thế giới người đã được đúc cứng lạnh lùng như tượng đá. Phù Sinh Ký đã thổi hơi người vào đá. Đá sống lại. Con người bỗng có cảm xúc, biết khóc, biết cười, biết yêu thương và hờn giận đã lập tức chinh phục em như một đạo hào quang lan tỏa trong đêm. Em đã đọc Phù Sinh Ký và khóc mùi mẫn như một đứa bé mới chào đời. Từ mê nội dung em đâm ra mê tuồng chữ viết. Phù Sinh Ký em có trong tay thuở đó là bản gốc…
Trí Hải trầm ngâm nhớ lại và tiếp lời:
- Phải rồi. Thời đó Phù Sinh Ký được chép tay thành hai bản. Ấm Thuyên giữ một bản, tôi giữ một bản. Sau đó bản của tôi bị mất. Không ngờ lại lọt vào tay Ba Gấm.
Ba Gấm nói trong hồi tưởng:
- Tác giả có lối viết cuồng thảo làm dậy sóng cảm xúc của người đọc. Một lối viết chữ Nôm đầy sáng tạo, tuy vẫn dựa trên phép lục thư cổ điển của Trung Hoa, nhưng những nét giản thư chấm phá vừa độc đáo, vừa đẹp như tranh vẽ. Thuở đó, em thường mê mẩn tưởng tượng đến tâm hồn người viết tràn vào cả đầu ngọn bút lông để nói lên cả ý, cả chữ, cả sức sống tinh thần miên man, cuồn cuộn tràn vào đường nét. Chính nét chữ viết và lối dùng chữ Nôm trong Phù Sinh Ký đã trở thành mẫu mực cho em theo. Em đã đi theo Phù Sinh Ký cho đến phút này.
Ba Gấm cúi mặt, che miệng cười, nói nho nhỏ:
- Ngày đó, em ước ao đời mình chỉ được gặp tác giả Phù Sinh Ký một lần rồi chết cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Trí Hải nói đùa theo:
- Nhưng không ngờ, sự tình cờ đã biến tác giả thành con nợ của mình phải không?
Chân tình, Ba Gấm giải thích:
- Thật ra, chẳng phải là tình cờ đâu huynh ơi!
- Nghĩa là …
- Em dàn xếp mọi chuyện.
- Kể cả đêm trình diễn cho toàn thể cung đình xem?
- Dạ. Đúng.
- Sao một mình Ba Gấm mà có thể làm chuyện động cả một guồng máy lớn đến như thế?
- Cung đình như một cổ xe trăm ngựa, nhưng chỉ có một xà ích đánh xe giỏi mà thôi. Đó thường là người mạnh nhất điều khiển toàn cổ xe.
- Vua?
- Không …
- A, vậy thì có thể hiểu được.
- Huynh hiểu gì ạ?
- Hiểu về sự phi lí của những biến cố trọng đại về triều đình, xã hội, lịch sử.
- Dạ…
Tiếng “dạ” đằm thắm của Ba Gấm có vẻ hiền và ngoan như cô gái sống nếp tròn đầy của người lo nội trợ, bếp núc.
Chuyện kể chân thật qua giọng nói ngọt ngào của Ba Gấm đưa Trí Hải vào một trời mơ. Khung trời quá khứ đẹp phiêu bồng đã bị thực tế kéo về giữa đấu trường đau xót sau vụ án văn chương phản nghịch. Trí Hải, nói một mình: “Phải, Ấm Thuyên và ta đã viết Phù Sinh Ký từ hai phương không thấy mặt nhau. Ta viết một chương, Thuyên viết tiếp một chương. Hai nét bút cuồng lãng không cùng chung nghiên mực; hai tư tưởng dậy lên trong ngọn triều cùng chung sự thao thức và trăn trở để nhìn lại kiếp phù sinh. Tập sách ba mươi chương đến với người đọc mà chẳng có ai phân biệt được đâu là Trí Hải, đâu là Ấm Thuyên”.
Trí Hải mơ màng:
- Nếu Ấm Thuyên còn sống, quả thật chúng ta đã tìm được một trần ai tri kỷ.
Ba Gấm tiếp lời:
- Đâu cần phải có hai người mới thấy được một bầu trời đẹp, hả huynh?
Trí Hải chìm trong tiếng nói của Ba Gấm:
- Một mình, thấy sợ!
- Sợ cô độc?
- Không, cô đơn.
- Cô đơn vì tự lòng mình cứ mãi mãi thấy bầu trời xa quá. Thật sự, tất cả đều rất gần huynh ạ.
- Gần đến chừng nào?
- Có lẽ chỉ trong tầm tay với.
- Cũng có cái với tay tuyệt vọng mà cũng có cái với tay để níu kéo nghìn trùng.
- Cả hai lối với tay mà huynh vừa nói cũng chỉ là một mà thôi vì cả hai cùng làm cho sự cô đơn trở nên cùng cực. Em có biết một cách với tay khác. Hay hơn. Này huynh nghe em đọc: “Kéo mây vào trong mắt và níu nắng vàng vào trong tâm. Chừng nào mây và ta là một, nắng và ta giao hòa không tiếng nói thì con người dẫu một mình nhưng vẫn cảm thấy không cô độc. Và khi mình không còn nhỏ bé trước vũ trụ vì chính mình cũng là một tiểu vũ trụ nên chẳng thấy cô đơn”.
Trí Hải khen:
- Một ý nghĩ thật hay và rất nên thơ!
Ba Gấm bình phẩm qua tiếng cười đùa gần gũi:
- Mèo khen mèo dài đuôi. Có lẽ mèo khen vì không thấy được đuôi mình chăng?
- Ai khen ai vậy?
- Thì ông Hoàng Trí Hải khen nghệ sĩ Trí Hải chứ chẳng ai vào đó.
- Có chuyện như vậy sao?
- Đó là câu cuối cùng trong sách Từ Chương của Trí Hải viết mấy mươi năm về trước!
Vỗ tay lên trán, Trí Hải reo vui:
- A! Thôi, chết! Nhớ ra rồi…
Qua dáng vẻ bên ngoài thanh tú, đơn sơ mà vẫn đượm nét gấm hoa của người đàn bà trước mặt, Trí Hải mường tượng đằng sau vẻ đồng nội ấy có một thế giới khói sương của ngọn núi Kim Phụng soi bóng sông Hương đang nhốt mình trong nó