Truyện tích
Tu Bụi
Trần kiêm Đoàn Nhà Xuất Bản Thuận Hoá 2006
20/02/2553 00:05 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG CHÍN 
Rỗng Lặng
      

Chẳng ai phân biệt được đó là ngôi nhà hoang, cái miếu cũ hay ngôi chùa cổ nếu không có âm thanh ngân nga như tiếng cầu kinh từ một nơi xa vắng vọng về.  Tất cả ẩn sau tàn cây xanh.  Mái ngói đóng rêu xanh rì và mép ngói nhấp nhô sắp đến hồi sụt lỡ. Sợ gây tiếng động làm tì vết tiếng hát trong ngần, Trí Hải và Phạm Xảo rón rén vén hiên lá bước vào.  Phải qua cái cổng gạch tô vôi hàu loang lổ mới đến cái bình phong chắn trước bể cạn nứt nẻ lâu ngày không còn một giọt nước.  Núp dưới bóng những cây sanh, cây bồ đề, cây phong... cổ thụ, ngôi nhà gạch xưa cũ suốt ngày không ngoi lên được cho ánh nắng mặt trời rọi vào, dù chỉ là dăm bảy chấm nắng vàng lốm đốm.

Trước hiên nhà, hai mẹ con mèo mướp quyện nhau nằm ngủ lim dim. Trong số những người ngồi xếp bàn hay duỗi chân, lưng tựa vào tường thoải mái, có cả thằng Vui điên nổi tiếng cả kinh thành.  Thằng Vui điên nổi tiếng một cách tội tình không phải vì được phong tước vương hầu, hay vì đậu bằng tiến sĩ làm ông nghè ông cống mà chỉ vì cái quần đùi. Quanh năm nó chỉ có độc một chiếc quần xà lõn.  Mưa lạnh buốt da cũng như nắng cháy lưng trần, thằng Vui chỉ thắng độc nhất cái quần xà lõn với đầu trần, mình trần và chân trần chạy rông khắp kinh thành. Tấm giấy thông hành độc nhất của nó là nụ cười muôn thuở trên môi. Nụ cười bất tận trên khuôn mặt tiếu lâm và cái quần cộc của thằng Vui đã an ủi được cả những kẻ khốn cùng nhất.  Nhìn thằng Vui chạy tóe nước trong cơn lạnh mùa đông cắt da của xứ Huế, người khốn khổ nhất cũng cảm nhận và an ủi được rằng, ít ra trên đời cũng còn có kẻ khốn cùng hơn mình.

Tiếng tụng kinh của ai đó như một tiếng hát phiêu linh. Ngôn tự vẫn ràng buộc  trong một qui ước mơ hồ của lời kinh. Nhưng âm thanh bay lượn vào cõi mênh mông, không phải đậu trên mỗi nhịp chuông, tiếng mõ. Âm thanh hồn nhiên như tia nắng mai phủ cả bầu trời lồng lộng:

Sâu thẳm, cao vời huyền diệu quá

Trăm, ngàn, vạn kiếp khó tìm nhau

Nay nghe thấy được điều tâm nguyện

Hiểu nghĩa Như Lai ý nhiệm mầu... 

Trí Hải nhẩm đọc theo bốn câu "Khai kinh kệ" bằng chữ Hán:            

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp

Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì

Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa

Cuối căn phòng không rộng, mờ trong ánh sáng xanh hắt ra từ những bờ lá thấp phản ánh mặt trời, một nhà sư áo vàng ngã mầu đất sậm, giơ cao dùi mõ nhưng không đánh xuống mà chỉ chạm vào thành mõ rất khẽ, tạo ra một âm thanh đục trầm thấm sâu mà không dội. Giọng nhà sư trong và ấm, ngân nga tự do như hoà điệu với thời gian buổi chiều trôi chầm chậm ngoài kia. Cùng với đám người đang ngồi sẵn lặng nghe từ bao giờ, Trí Hải và Phạm Xảo chẳng ai nói với ai một lời, cùng ngồi xuống. Có những thanh âm huyền diệu làm cho tiếng lá rơi cũng thành một tạp âm chẳng ai chờ đợi. Có những sự gào thét im lìm mà chỉ có tâm thức mình nghe. Tiếng niệm kinh của nhà sư chấm dứt lâu rồi mà đám người nghe vẫn còn ngồi im lặng trong váng vất của dư âm.  Cho đến khi nhà sư đứng dậy, tươi cười  tiến về phía cửa vào, mọi người mới lần lượt di chuyển theo.

Một chút ngỡ ngàng nhưng không mấy ngạc nhiên khi Trí Hải nhận ra nhà sư là người đốt than đã gặp trên núi.  Trí Hải bước đến trước mặt nhà sư, chào hỏi:

- Xin chào sư bác.  Sư bác còn nhớ tôi không?

Nhà sư nhìn Trí Hải với đôi mắt dịu hiền và tươi mát của người mới gặp lần đầu, trả lời một cách hồn nhiên làm người nghe chưng hửng:

- Có mà không!

Trí Hải cố gợi lại điểm tựa của ký ức:

- Lần đầu chúng ta gặp nhau khi sư bác đốt than và lần cuối gặp nhau là khi sư bác nhắc tôi về cái "tâm không – xả bỏ..." trong thuật đánh cờ đó mà, lẽ nào sư bác lại không nhớ?

Nhà sư vẫn giữ dáng cười hiền hậu và chân tình, trả lời:

- Không nhớ quý hữu mà chỉ nhớ một nhân vật cao cờ đang chết đuối.  Đã ngoi lên bờ được rồi, sao quý hữu không nhớ hiện tại mà phải quay lui mang quá khứ về đây?

Trí Hải vẫn thắc mắc:

- Không có quá khứ thì làm sao có hiện tại.  Không có hiện tại làm gì có tương lai?

Giọng nhà sư nhỏ lại và trầm xuống như nhắc nhở:

- Ích gì đâu để kéo những vui buồn đã qua hay chưa tới. Cột dính chùm quá khứ với hiện tại, làm cho hiện tại bị lay động và mất hết vẻ hồn nhiên vì những cái không phải là chính nó hay của nó. Cơm nóng hôi hổi trước mắt không chịu ăn lại phải trộn cơm nguội hôm qua và gạo sống chưa nấu vào cơm nóng trước mắt để làm gì. Mỗi lần gặp nhau muốn có niềm vui và giao tình chân thực thì  cần được xem như là lần đầu và cũng là lần cuối. Quên chuyện đã qua và khoan nghĩ tới chuyện chưa đến để dành cho hiện tại chút tươi mát, thảnh thơi. Lắng lòng nghe một câu kinh, uống một chén nước chè xanh và giữ lòng an lạc là hạnh phúc trong tầm tay. Nắm lại và giữ nguồn hạnh phúc khỏi mất tiền mua vì nó ở trong ta. Nào mời quý hữu...

      Vị sư đưa tay mời nhóm khách lơ thơ chừng mươi người vào lại căn phòng trống duy nhất của ngôi nhà gạch quá cũ kỹ rêu phong để dùng trà. Quay về phía Trí Hải bên cạnh, nhà sư nói vừa đủ hai người nghe:

- Quý hữu biết rồi, một ngày qua là một chuỗi đổi thay. Trong giờ khắc nầy quý hữu gặp tôi là một thầy tu; và quý hữu là một khách thập phương ghé lại nghe kinh. Bị than không còn trên vai tôi và những thế cờ cũng chẳng còn trong trí quý hữu. Mỗi chúng ta là một con người khác, một nhân vật mới. Mọi người, mọi vật đều đang thay đổi. Sự thay đổi tiếp diễn liên tục trong từng nháy mắt. Có khi sự thay đổi toàn triệt đến tận cùng như là chết đi và sống lại...

Trí Hải chợt nhận ra cái ý nghĩa thâm sâu trong giọng nói ấm áp của nhà sư:

- Ý sư bác muốn nói đến sự vô thường trong từng nhấp nháy của dòng sống không biết đâu là điểm khởi đầu hay kết thúc?!

Nhà sư im lặng thay cho một sự trả lời đồng tình. Đám khách thập phương, từ người mặc áo gấm lam có hoa văn chìm, thêu nhãn hiệu "Cô Ba Gấm" nức tiếng đương thời–một chỉ dấu thuộc hàng quý tộc–đến những người dân nghèo áo quần vá chằm, vá đụp, đều ngồi xuống nền nhà lót bằng đá thanh đã nứt nẻ nhiều nơi nhưng còn sạch sẽ. Cái bình trà lớn và chục cái chén đất nhỏ kiểu rất lạ bày sẵn trên hai tàu lá chuối xanh còn nguyên vẹn để giữa phòng. Nhà sư mở cửa hông, đến bên lò nước đang sôi, xách ấm nước sôi chế vào bình trà với một phong thái nhẹ nhàng và cẩn trọng. Mùi thơm phảng phất thoảng hương khói man dại của một loại gỗ rừng đang cháy lọt vào khung cửa hẹp.  Trí Hải nhắm mắt và hít mạnh. Mùi hương cũ của bếp than đang cháy bị nhà sư tưới nước tắt nửa chừng trong rừng hôm nào phả mạnh vào mũi. Từng cảm quan bén nhạy nhất  của Trí Hải trỗi dậy. Thì ra, than chín chỉ mang lại sức đốt, nhưng than "sống" mới mang theo hơi hưởng của loài cây phát sinh ra nó.

Trà đến từ đọt non mới nhú ra hai lá của vô số cây trà hoang trên núi mà nhà sư đã hái về ướp sen rồi sao khô để dành đãi khách.  Hương trà thơm như hương rừng tổng hợp muôn ngàn cây núi.  Vị trà chát đầu lưỡi, lưu lại vị ngọt sau cùng trong cổ có sức níu kéo mang đầy ấn tượng thanh thoát lẫn huyền hoặc khó phân tích hay gọi tên vì nó là vật mời của một nhà sư kỳ lạ... "không giống ai."  Nhà sư âm thầm xuất hiện giữa kinh thành nổi tiếng là kinh đô của chùa chiền; và cũng là đất thánh của hàng tu sĩ cấp cao nầy bằng một cung cách riêng. 

Theo dấu nhà sư, người ta nhớ lại từ đầu, không rõ từ đâu lại, một người có dáng vẻ như nhà sư vì chiếc đầu tròn nhẵn bóng và nét an lạc tự tại trên một khuôn mặt vừa già vừa trẻ. Căn nhà hoang một thời, được dùng làm nơi thờ tự của "tôn nhơn" Đoan Vương thứ phi, bỏ hoang vì không người thừa tự.  Một người thuộc hàng con cháu xa của dòng Đoan Vương bỏ công của ra sửa sang chút đỉnh và mời nhà sư vào ở. Từ đó, căn nhà hoang sống lại trong vẻ côi cút ẩn nhẫn nhưng vẫn tỏa ra cái không khí quý tộc, đài các vô hình của một cung phi thất sủng về chiều. Người cư trú cũng có vẻ vừa thật, vừa thần thoại như ngôi nhà. Người đàn ông khi khoác áo nhà sư; khi vác cuốc, mặc áo cộc chàm của người lao động; khi cầm rìu mang gánh của gã tiều phu.  Bởi vậy, nhân vật lạ lùng nầy mang nhiều tên mà không ai biết tên nào là đúng, vì gọi tên nào nhà sư cũng hoan hỉ gật đầu. Người căn cứ vào cách sống đạm bạc, đơn sơ và lam lũ và bất chấp hình tướng của nhà sư thì gọi là "Thiền Sư Tu Bụi."  Người chỉ chú ý cặp mèo lúc nào cũng có mặt trước hiên nhà thì gọi là "Thầy Miêu."  Người nghe được vài ba câu nói sâu xa hiếm hoi và biết chút ít tông tích của nhà sư thì gọi là "Sư Minh Thiền."  Và, thậm chí có người chỉ gặp nhà sư khi đốt than, đốn củi thì gọi là "Thầy Tiều"... Có vẻ như không tên gọi nào sai mà cũng chẳng có tên gọi nào vừa vặn cho nhà sư.  Cái tên như bóng nắng nhuộm sáng thịt da nhưng chợt đến, chợt đi không nằm lại với con người.

      Trên bệ thờ chạm bằng đá Thanh đặt ở cuối phòng không biết đã xuất hiện ở đó từ thời nào, cắm đầy hoa tươi và trái cây đủ loại. Trên tường chỉ thấy hình hai bàn tay nuột nà bằng thạch cao, nét chạm rất tinh vi.  Một bàn tay chỉ mặt trăng và một bàn tay cầm đóa sen nở hàm tiếu.  Hai bàn tay như đang nâng một khung kính soi hình bầu dục, chiều cao to bằng người đứng thẳng.  Khung kính thếp vàng đã lóc men và cũ kỹ, nhưng mặt kính vẫn còn trong vắt. Chẳng thấy tượng Phật hay tượng thánh nào khác ngoài chiếc kính lồ lộ mà tất cả mọi người trong phòng chỉ cần ngước nhẹ nhìn vào tấm kính thì cũng thấy được ảnh mình soi trong đó.

      Những người ghé lại nghe kinh ngày một đông.  Dường như nhà sư chỉ đọc kinh khi nào đang ở một trạng thái thanh tịnh, siêu thoát nhất. Người theo dõi có cảm giác rằng, nhà sư đọc kinh bằng một cảm xúc trọn vẹn hay hứng khởi vô biên như nghệ sĩ xuất hiện trên sân khấu, chẳng có một thời biểu nào rõ rệt.  Tất cả đều theo cái tinh thần "tùy duyên"; có duyên thì gặp. Hầu hết những lời kinh gốc từ chữ Phạn và chữ Hán, đều được nhà sư dịch ra bằng một thứ ngôn ngữ thuần Việt trong sáng như ca dao và giàu vần điệu đẹp như thơ.

Sau ngày gặp sư Trúc Lâm từ hai năm trước, Trí Hải nghe như có sự thay đổi từ trong cách nhìn và cách cảm nhận về thế giới xung quanh.  Đó không phải là một thế giới lạnh lùng và cô quạnh. Con người không phải sinh ra để đếm ngày tháng đi qua; để đón những đứa bé mới ra đời và tiễn biệt những người vừa mới chết hay để tiếc nuối tuổi thanh xuân nhạt dần với sự già nua hiện đến.  Người ta biết rõ sự tan hợp rất vô thường nên không "chạy lui về tương lai" bằng cách đem cái quá khứ đặt vào tương lai mà quên mất hiện tại.  Mỗi con người không phải là một thế giới riêng. Không ai tự cô lập khỏi cuộc đời để rút về một nơi trú ẩn tốt nhất mà núp bóng hạnh phúc, chống lại sự biến dịch và giữ được mãi những gì mình ưa thích.

      Ngày xưa, những thế giới an toàn vương giả nhất, nhưng cũng đầy chuyện thêu dệt hoang tưởng nhất trong cung cấm như Vọng Nguyệt Thành, Tử Cấm Thành, cung A Phòng... chỉ là những thế giới an toàn mong manh của cái tổ chim treo trên ngọn cây trước sức công phá của gió bão thời gian đầy biến dịch.  Đó là sự thu mình vào cái ngã tưởng tượng được xem như là lâu đài kiên cố. Vì tưởng tượng nên đấy chỉ là "giả ngã" – một cái tôi bọt bèo nấp bóng dưới một cái cái ta không có thật. Chỉ khi nào cái Giả Ngã bị xua tan như màn đêm thì cái Chân Ngã mới xuất hiện. Và khi chân ngã xuất hiện thì sẽ thấy được Ngã là một cái gì rộng lớn bao gồm toàn thể vũ trụ: Cái giới hạn vươn tới và hòa nhập vào cái vô cùng là khi Tiểu Ngã chuyển hóa thành Đại Ngã! Một giọt sương đã hòa vào đại dương thì không bao giờ mất mà cũng chẳng bao giờ còn. Giọt sương treo đầu cành là thật vì rõ ràng nó hiện hữu dưới dạng một giọt nước đang long lanh dưới ánh mặt trời.  Nhưng đồng thời nó cũng không thật vì nó vừa kết tụ bằng hơi nước và sẽ tan đi rất nhanh cùng với tia nắng ban mai.  Giọt sương có đó và không đó.  Giọt sương như có, như không vì nó được tạo ra bằng hơi nước, độ lạnh, bóng đêm, cành cây và sẽ tan đi vì nắng, vì gió, vì hơi ấm của ánh sáng ban ngày. Con người "vĩ đại" và hiện hữu lâu hơn vì nó là kết tụ của hằng tỉ tỉ giọt sương, hàng muôn muôn hạt bụi.  Nó có sự kết tụ qua lại của hằng hà sa số tế bào vật chất và ngọn lửa ý thức. Dẫu sự hiện hữu của con người có lâu hơn giọt sương nhưng khi khối giả hợp nầy tan rã thì khoảng không gian nhỏ bé của thân người đã chiếm cũng sẽ khép lại không còn dấu vết.

      Rốt lại, cõi người ta và cuộc sống hiện tại nầy dù chỉ là một sự trú chân tạm bợ của những giọt sương. Thế nhưng kiếp người hiện hữu vẫn là một trạm trú chân sống động nhất, hiện thực nhất, đầy ý thức nhất để con người tìm một hướng đi, tìm một con đường về và tìm một nơi sẽ đến...  Chỉ có con người chính mình chứ không ai khác chịu trách nhiệm lấy đời mình. Con người có khả năng tìm một con đường mình thích:  Một sự bám víu đơn giản, dễ dãi và tự nhiên “ai sao mình vậy” vào cuộc sống trước mắt mà chẳng suy tư gì hơn là đời sống áo cơm. Một sự cố chấp đứng lại nhìn mình tàn lụi theo mỗi ngày qua, ý thức được mình đang bị hủy diệt mà không làm gì cả. Một sự buông xả cầu giải thoát.

Tạm trốn trong bóng mát của thời gian để cỡi trên chuyến tàu thành, trụ, hoại, không đang lăn bánh về chân trời hủy diệt là một thái độ không chọn lựa–mà tự nhiên thành chọn lựa–của con người.

      Trí Hải đã tìm thấy nơi nhà sư một phong thái riêng hợp với danh xưng "Thầy Tiều" hơn cả.  Đấy là một con đường thênh thang của tự do đầy gió rừng, dáng núi và mây trắng phiêu du của tư tưởng.  Không rõ phát xuất từ một khát vọng hay một biên kiến nào ẩn kín trong tâm hồn, Trí Hải cảm thấy mỗi ngày mình càng gần gũi hơn với thầy Tiều.  Đặc biệt là khi nhà sư tụng kinh với giọng ngân vang đầy cảm khái của một lời thông đạt đến nhân sinh, nhưng cũng rất u trầm mang tiếng gọi từ sự khát khao giải thoát.         

      Theo nhà sư thì kinh là một phương tiện truyền thông của tình cảm, tư tưởng và đức tin.  Thiếu đức tin thì kinh chỉ là thơ ca đầy tưởng tượng lãng mạn; thiếu tình cảm thì kinh chỉ là bộ luật tôn giáo; và thiếu tư tưởng thì kinh chỉ là một hệ thống thần chú bí ẩn.  Có lần Trí Hải hỏi rằng, người ta thường đọc kinh với sự tha thiết hít hà, đôi khi ai oán như tiếng khóc than để nói lên thân phận bọt bèo của thân phận làm người, nỗi đau khổ nhân sinh và niềm kính sợ sức mạnh siêu hình đang vây bủa xung quanh. Thế nhưng vì sao sư lại đọc kinh với phong thái đam mê và sự xướng âm trầm bổng của một nhà nghệ sĩ như vậy, nhà sư trả lời:

- Khác nhau ở chỗ là nhiều người tụng kinh với cái tâm cầu khẩn những thế lực thần linh cao cả đâu đó để xin ban ân, chứng giám, tự  xem bản thân mình cũng chỉ là vật trợ lực phát ra tiếng như cái mõ, cái chuông. Nơi đây không phải là chốn cầu khẩn mà là nơi tu tập. Tu tập không phải là họp nhau để ca ngợi sự cao siêu của một đấng siêu quần bạt tụy nào đó, và run rẩy ăn năn hối cải, kính sợ cầu xin.  Tu tập là tìm về với sự cao cả có sẵn trong chính mình đã bao năm bị vùi lấp.  Nên đọc kinh là hát, là nói lời ngợi ca.  Tiếng hát làm cho trong trẻo mặt đời bụi bặm.  Từ đó, cái chân tâm, Phật tánh nằm sẵn trong chính mình hiển lộ.  Đừng đọc kinh để làm vui lòng ai cả.  Đọc kinh để làm vui lòng mình trước đã. Đọc kinh để cho con ngựa bất kham, khó tính và nhạy cảm trong lòng mỗi con người ngừng hí lộng, tạm dừng chân lại và lắng nghe.

Nói về kinh kệ nhà Phật, Trí Hải lại thắc mắc:

- Nhưng trong tôn giáo nào cũng giống nhau, kinh là lời của vị giáo chủ chứ đâu phải là một bài thơ hay để ngâm, hoặc như một bản nhạc du dương để hát?

- Đạo Phật khác với tất cả các tôn giáo khác. Tôn giáo nào cũng cần một Thượng Đế, một cuốn kinh thánh và một đấng tiên tri. Riêng đạo Phật thì chỉ cần con người chính mình và một đầu óc biết quét dọn cho thành rỗng không như mây trắng.

- Nếu chỉ cần một tâm não rỗng lặng như mây trắng thì đâu cần kinh sách nhiều đến thế?

Thầy Tiều khoác tay như muốn vứt bỏ một điều gì:    

- Tất cả kinh sách và sự hành trì theo tinh thần đạo Phật là phương tiện để học cách rũ bụi, quét bụi, tu bụi… làm cho cái trí được rỗng không và cái tâm phẳng lặng.  Kinh là viên kim cương sắc bén giúp cạo sạch lớp lớp cáu bẩn của lòng ham muốn, ý hung ác và trí lì lợm.  Kinh là cái chổi giúp quét sạch bụi trần. Kinh là cỗ xe giúp chở người qua bờ an lạc bên kia.  Kinh không bao giờ là tín điều, là phù phép, là những lời hô gió, gọi mưa làm phép lạ. Kinh không bao giờ là sản phẩm để thờ phụng hay đọc tụng mê man. 

Một cách e dè, Trí Hải hỏi lại:

- Nói thế thì kinh văn chẳng phải lời chí thánh của Phật và chư Tổ để cung nghinh, đọc tụng và thờ phụng hay sao?

Vẫn nở nụ cười vui, thấy Tiều trả lời:

- Kinh là đôi giày bảy dặm, thoăn thoắt bước đi, giúp những bàn chân trần vượt gió bụi và đè chông gai để về nơi bến cũ của chính mình.  Kinh đọc tụng rình rang để khấn đảo, cung bái là lời vô hồn bị đọc và bị lãng quên. Kinh vang vọng như tiếng sóng dâng lên ngoài biển cả để thức tỉnh dòng suối đang ngủ yên trong thế giới riêng sâu kín của mỗi con người là kinh giữa đời, kinh đang sống.

- Làm sao biết được đâu là dòng suối đang ngủ yên trong mỗi con người?

- Chân không. Tâm rỗng lặng, trí rỗng lặng, tình rỗng lặng thì chân tánh hiện.

Trí Hải nhìn vào vẻ mặt an hòa như đang cười của nhà sư và hỏi lại:

- Có phải ý thầy nói là một đầu óc trẻ thơ chăng?

Nhà sư ngẫm nghĩ và trả lời:

-  Làm sao quý hữu biết được đầu óc trẻ thơ là rỗng không? Chân không là một trạng thái rỗng lặng tuyệt vời trong tỉnh thức chứ không phải là trống rỗng. Khi ta biết ta là ai, biết ngôi chùa là ngôi chùa, biết ông Phật là ông Phật, biết người là người, biết cành hoa là cành hoa, biết con chim là con chim, biết ánh nắng là ánh nắng, biết đau khổ là đau khổ, biết niềm vui là niềm vui... là khi ta đang bước những bước đầu tiên vào vùng đất tỉnh thức, vùng trời tĩnh lặng.  Nếu ta không ôm đồm của người làm của mình, đừng tìm hoa trong lửa, không tìm nắng trong mưa... là tìm ra lối vào an lạc.

      Trí Hải nhận xét:

      - Nếu chỉ đơn giản như thế mà thôi thì chẳng khó, ai cũng có khả năng tìm được.

      Nhà sư lắc đầu:

      - Vậy mà có biết bao người tìm cả một đời không thấy đó quý hữu ạ.

      - Vì bị lạc?

      - Căn cứ vào điểm tụ nơi đâu hay bản đồ chỉ hướng nào để biết lạc hay không?

      Trí Hải còn đang theo dòng suy nghĩ thì nhà sư đã tự trả lời:

- Người ta vẫn quen bám víu vào điểm lạc của mình để kéo người khác lạc theo. Đó là trường hợp những người bỏ chính mình để đi cầu xin những tha lực trên trời dưới đất và năng nỗ kéo người khác theo mình đi cầu xin. Họ níu người làm ta; níu vật làm tâm nên cũng níu mê lầm làm giải thoát. Họ níu Phật, níu thánh, níu thần mà không chịu níu mình. Họ đem phương tiện làm cứu cánh, như xây một ngôi chùa thật lớn và núp bóng trong bốn bức tường vôi mà cứ tưởng lầm mình đang núp bóng từ bi của đức Phật. Họ núp trong chiếc áo mà cứ tưởng lầm rằng mình là chiếc áo. Họ chỉ mặt trăng mà cứ tưởng ngón tay mình là mặt trăng. Họ nguyện cầu, van xin, hứa hẹn và tự chôn mình dưới những tàng kinh mà không chịu vực cái tâm quý giá nhất của mình vươn dậy để lên đường.

- Lên đường! Đường nào?

Nhà sư không nói gì mà ra dấu mời Trí Hải đứng dậy theo mình. Trí Hải theo nhà sư đến trước đài gương sáng. Cả hai lẳng lặng ngồi xuống.  Trí Hải ngước mắt nhìn và thấy bóng mình hiện ra lồ lộ trong gương.  Mới ngoài năm mươi mà dáng mệt mỏi đã hiện ra rõ nét. Lần đầu Trí Hải mới có dịp nhìn mình chăm chú đến như thế.  Đã có những đốm đồi mồi dấu hiệu của tuổi già hiện trên khuôn mặt thanh tú một thời. Những đường nhăn sẵn sàng xông tới như những đoàn quân hẹn hò giáp trận trên khuôn mặt đã qua giờ ngọ.  Học theo động tác của nhà sư, Trí Hải ngồi ngay ngắn, xếp bàn và đôi mắt quan sát từ từ kéo xuống trong thế mở lim dim. Trạng thái bồn chồn ban đầu dịu xuống. Những ý nghĩ muốn nhảy xổ ra khỏi đầu lắng lại. Đầu óc đầy đặc bao nhiêu là chuyện đời như tạm đóng cửa không trao đổi với bên ngoài để chất chồng thêm phiền muộn. Khi không còn liên tục nạp thêm thức ăn hỗn tạp phi vật thể, vô hình, trí óc từ từ rỗng lặng. Cái tâm không bị những xung động nghịch chiều làm rối loạn, cái tâm như mặt trăng không có mây che, chiếu vằng vặc và xa vời trên bãi vắng của cảm xúc. Trí Hải có thể nghe từng tiếng lá khô và hạt vông vang rơi trên mái và bắt gặp hơi thở của mình dường như dài và sâu hơn. Trí Hải cảm nhận được rằng mình đang có một trái tim, không phải một trái tim đập rộn ràng vì tham lam và cảm xúc, mà một trái tim làm việc cần cù một cách dễ thương và gần gũi như con trâu cày ruộng trên đồng. Trí Hải cảm nghe niềm hạnh phúc khi biết mình đang sống. Sống trong từng chớp mắt của thời gian. Người ta quen đếm dòng sống bằng năm mà quên đếm bằng chớp mắt nên tất cả đều quên giây phút đang sống nầy trong biển đời trôi nổi đã qua và trong dòng đời hứa hẹn chưa tới của câu chuyện cứ lập đi, lập lại hoài hết năm ngoái đến sang năm.

Trí Hải đứng dậy theo vị sư.  Nhà sư chẳng nói một lời nào và thản nhiên như thể cả hai vừa uống một tách nước lạnh.

Trên đường về một mình, bao nhiêu ý nghĩ vừa lạ, vừa quen ào ạt kéo đến vây bủa Trí Hải trong im lặng.  Nhiều câu hỏi về thân thế nhà sư hiện đến. Trí Hải đã từng được thấy nhiều nhóm, nhiều trường, nhiều lớp, nhiều khóa học, nhiều môn phái... tu thiền. Từ hình thức đơn giản đến rình rang lễ lạt, cúng rước hoa đèn cũng lắm, nhưng chưa có một cách kiểu ngồi thiền theo môn phái tu nào mà lỏng lẻo một cách gần như nhạt thếch đến thế. Bao ý nghĩ so sánh về những pháp tu thiền xuất hồn đi bốn cõi, đạt đến định lực thần thông tự tại không ngừng lay động tâm tư Trí Hải.  Sự ngây thơ của một người lắm khi không đến từ sự hiểu biết giới hạn, giản đơn mà đến từ sự uyên bác–hiểu biết quá nhiều mà không áp dụng như người ăn no mà không tiêu hóa–hóa thành bội thực. Kiến thức không có hệ thống thường chạy rông như thỏ lạc đường. Ngã ba nầy rẽ quanh, rẽ quất, mở ra nhiều ngã ba khác và cứ thế, cả vạn nẻo đường không biết đâu là một hướng đi đích thực dẫn đến nơi mình muốn đến. Đúng hướng, con chim về tổ, con thỏ về hang, con người về nơi an trú.

Lạc đường thì cả trăm con đường vẫn không có một lối đi.  Khi đã lạc đường thì dù là nhà thông thái, người hoang dã, bà giàu sang, ông bần cùng... cũng chỉ là kẻ lạc đường. Lạc đường là lạc đường. Không có lạc đường cao hay lạc đường thấp; lạc đường giỏi hay lạc đường kém.  Lạc đường càng lâu, càng cách xa nơi đến hơn. Tu một trăm năm mà bị lạc thì khoảng cách với bờ giác ngộ càng xa một trăm lần so với người mới đến mà nhận ra rằng, mình bị lạc, để quay về đúng hướng. Mê muôn kiếp mà ngộ nhất thời vì đi lạc suốt muôn kiếp. Bỗng có một giây phút nào đó tỉnh thức quay về đúng hướng để tiến ngay vào điểm chuẩn đã nằm sẵn đợi chờ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp ngay chính trong tâm mình.

Vì mải miết theo đuổi dòng suy nghĩ về khái niệm lạc đường, Trí Hải vượt qua lối rẽ vào dinh ông Hoàng đã qua xa mà vẫn tiến bước. Trong đêm tối, con đường len lõi giữa những bụi cây mọc hoang bỗng cụt lối. Trí Hải chợt nhìn lên, đôi mắt bắt gặp bóng tối, mới nhận ra mình đã bị lạc đường.  Có thể bị lạc đường ngay trong khu vườn mình làm chủ.  Có ánh đèn di chuyển phía xa, Trí Hải đi về phía đó và gặp một người đang dò đường bước đi với cây đuốc bện bằng rơm gọi là "con cúi" khi đỏ, khi tắt lay lắt theo gió.

Người cầm đuốc mừng rỡ lên tiếng:

-  May quá, được gặp bác!  Tôi tìm đường về xóm Sông mà bị lạc.  Xin bác làm ơn chỉ cho tôi lối đi ra khỏi khu vườn cây dại mọc um tùm nầy. Tôi muốn tìm đường về xóm Sông. 

Trí Hải thân mật:

- Tôi cũng về ngã xóm Sông.  Chúng ta cùng đi.

Người bộ hành lạ mặt hỏi như muốn khẳng định lại niềm tin của mình:

- Bác biết đường vùng này quá rành rõi rồi phải không?

Trí Hải đáp nhanh:

- Không! Tôi cũng đang bị lạc như bác.

Người khách lạ đưa cao cây đuốc lên trời:

- Trời đất! Hai gã lạc đường định dắt nhau đi tìm phương hướng hay sao đây?

Trí Hải cười cười:

- Tôi và bác đều lạc nhưng cũng đều biết mình đang lạc. Biết lạc thì thế nào cũng tìm ra đường mà. Chỉ sợ kẻ lạc đường mà không biết mình lạc nên cùng dắt mình và dẫn người đi lạc mà thôi. 

      Kẻ đồng hành biểu đồng tình:

      - Phải.  Biết mình lạc đường thì sớm muộn gì cũng tìm ra lối. Ta đi cả con đuốc cúi sắp tàn.

      Gió mạnh.  Đốm lửa cuối cùng ở đầu cây đuốc bện bằng rơm rụng xuống. Hai người xa lạ bỗng cảm thấy gần nhau hơn vì chung một bóng tối trên một con đường.  Dẫu là con đường đang lạc lối. Nhưng chắc chắn không sớm thì muộn sẽ có nẻo quay về.