Chương mười sáu
Nợ ân tình
Đêm cầm chầu của Trí Hải đã qua. Đoàn hát Phụng Vũ vẫn tiếp diễn những xuất hát mỗi đêm. Cuộc lưu diễn kéo dài cả hai tuần trăng mới hết. Dư vang của một đêm vui, một cuộc chơi, một lần gặp gỡ đạt đến trình độ tuyệt vời của cái đẹp tinh thần thường sống mãi trong trí nhớ của những người có mặt. Trí Hải chỉ xuất hiện một lần, sau Trí Hải, tiếng trống chầu đêm đêm vẫn len lỏi trong bầu không khí trầm lặng của kinh thành, những khán giả coi đó cũng chỉ là sinh hoạt tự nhiên như tiếng mõ cầm canh.
Trí Hải trở về dinh ông Hoàng với nếp sống cũ, hay nói đúng hơn là cố gắng giữ nếp sinh hoạt đều đặn hàng ngày. Nhưng cái bình thủy tinh vô hình giữa mặt thủy triều lên xuống đều đặn của tâm hồn đã vỡ. Nước tràn lênh láng. Sự kêu réo của tâm hồn khi trăn trở bơ phờ, khi quay quắt mãnh liệt làm Trí Hải không làm chủ được mình trong tương quan với hoàn cảnh xung quanh. Đêm xuống giữa ban ngày và ngày lên giữa ban đêm là một chuỗi mộng mị bất thường của những tâm hồn vừa bước qua một khúc ngoặt tình cảm. Một tình cảm bỗng nhiên dậy thì, một trạng thái tâm lý mới mẻ xâm nhập Trí Hải lòng chống đỡ nổi.
Bên cạnh thầy Tiều và Phạm Xảo, Trí Hải không cô độc mà cảm thấy cô đơn. Sự cô đơn của một người đi loanh quanh để gặp lại dấu chân mình, trong một thế giới chưa hề có dâu chân ai chạm đến.
Trí Hải càng ít nói, đắm mình trong suy nghĩ, Phạm Xảo càng dè dặt. Riêng thầy Tiều thì vẫn cứ vô tư cười khúc khích. Dường như thế giới này đều là bạn đối với thầy. Loài vật cũng như cây cỏ xung quanh, tất cả đều rỉ rả trò chuyện không ngớt với thầy Tiều.
Chiều đến, ba người lặng lẽ vác cuốc trở về. Trên đường đi, Trí Hải nhìn về phía kinh thành thở dài. Bất ngờ, thầy Tiều tiến sát bến tai, cười cười nói nhỏ:
- Nhiễm sâu quá rồi. Khó gỡ…
Trí Hải tròn xoe mắt, hỏi lại:
- Nhiễm gì hở thầy?
- Nhiễm tình.
Tiếng “tình” có sức lay động mãnh liệt kéo Trí Hải về với thực tại:
- Tình nào? Tình gì? Sao thầy biết mà nói vây?!
- Tiếng trống chầu đêm nọ nói hết rồi mà.
Cảm giác kỳ lạ cầm dùi trống trên tay, hình ảnh cô Ba Gấm nhẹ nhàng khuất trong đám động và mùi nước hoa Marie Antoinette thoang thoảng như thật, như hư loáng hiện về. Trí Hải không giấu nổi sự xúc động hiện hình trong giọng nói:
- Ý thầy muốn nói đến tiếng trống chầu hát bội của tôi đêm nọ? Thầy không đi xem hát sao biết? Ơ, mà cũng chẳng có gì. Cũng chỉ là những tiếng trống điểm chầu trong tuồng hát thế thôi. Chẳng khác…
Thầy Tiều lắc lư cái đầu cười dễ dãi, trả lời:
- Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh, tiếng trống… đều có độ vang bền khác xa nhau tùy theo người tạo tiếng quý hữu à. Độ vang bền không phải là kết quả của bắp thịt mà là tiếng vọng và sức hút của hai trái tim. Trái tim tạo tiếng và trái tim nghe tiếng. Nếu trái tim Bá Nha tạo tiếng mà không có trái tim Tử Kỳ nghe tiếng thì làm sao có sự hòa điệu của tri âm. Tiếng chuông phát ra từ bàn tay của người có tâm sự u uất khác xa với tiếng chuông gõ nhẹ bởi bàn tay của vị xuất trần. Tiếng trống chầu của quý hữu trong đêm cầm chầu không u uất mà cũng chẳng xuất trần, nhưng nghe ra còn lắm đa đoan, nhiều hệ lụy giữa đời này.
Trí Hải hỏi dồn:
- Nguyên nhân nào từ trong tiếng trống đã làm cho thầy nghĩ như thế?
- Tiếng trống chầu đôi, chầu ba không khoan thai đều nhịp mà tiếng trước đuổi tiếng sau dập dồn như vừa đam mê, vừa lo sợ.
- Theo thầy thì từ đâu sản sinh ra nhịp trống chầu khác thường như thế?
Thầy Tiều đáp gọn lỏn:
- Sóng tình!
- Tình gì?
- Tình ái. Nỗi đam mê dính mắc của một sự rung động chợt đến.
- Làm sao để tránh nó?
- Muộn rồi!
- Sao lại muộn?
- Khối tình bên trong đã vỡ òa và đuổi theo một hình bóng…
Lần nầy đến lượt Trí Hải cười kiêu bạc:
- Biển dâu muốn tránh còn tránh được huống chi chỉ là một cuộc tình nam nữ.
Thầy Tiều nói lẩm bẩm:
- Tội nghiệp. Những người chưa bao giờ biết một tình yêu đích thực là gì mới cho rằng tránh được tình yêu dễ dàng như thế.
Chưa nghe rõ và hiểu hết ý thầy Tiều, Trí Hải hỏi lại:
- Theo thầy thì tình cảm trai gái là một “biến cố” mà khi đã xảy ra thì không thể nào tránh được sao?
- Tình cảm trai gái và quan hệ thường tình nam nữ khác với tình yêu quý hữu ạ.
- Như vậy tình yêu là gì?
- Là một trạng thái tình cảm đam mê, một ấn tượng tâm hồn sâu sắc, một sự gắn bó vô hình quấn quyện hai người tình với nhau mà chỉ có những người trong cuộc tình mới hiểu được.
- Thầy! Sao thầy đi tu mà lại hiểu sâu khái niệm tình yêu đến thế?
Thầy Tiều lại cười khúc khích:
- Ơ! Vì tôi đã yêu. Yêu mình và yêu cả thế gian đâu khổ này.
- Thầy lại trả lời theo kiểu “huề vốn” rồi!
- Lời to. Không huề vốn đâu.
- Lời?!
- Yêu sự đau khổ mà không bị đau khổ yêu lại thì nói theo giọng nhà buôn là “một vốn bốn lời” đó quý hữu à.
- Yêu mà không nhận yêu lại ăn gian chứ thầy.
Thầy Tiều lại cười to hơn:
- Hay! Tu là cõi phúc, tình là… ăn gian. Ha, ha…!
Dáng thầy Tiều chỉ còn là cái bóng xa dần trên đường cỏ. Trí Hải lững thững trở về với Phạm Xảo; vừa đi vừa ngẫm nghĩ đến sự bén nhạy của thầy Tiều. Nghe tiếng chuông, tiếng trống mà hiểu được nỗi lòng thầm kín của kẻ tạo tiếng và cảm xúc thực sự của người khua chuông, gióng trống thì quả thật xưa nay hiếm. Lời thầy Tiều như một chén nước lạnh đổ thêm vào khố cảm xúc đang run rẩy, ướt đẫm của Trí Hải. Bản chất kiêu hãnh giấu kín của một ông Hoàng, sự thông minh uyên bác của một thiện tri thức và sự nhạy cảm, khao khát sống vỡ bờ của một nghệ sĩ càng làm cho Trí Hải nhận thấy sự yếu đuối tình cảm của mình. Mặt hồ phẳng lặng vừa bị cả một trái núi rơi xuống. Sự xao động dữ dội không ngờ. Hơn nửa đời người, Trí Hải vẫn chưa từng kinh qua cơn say tình cảm như thế bao giờ. Lần đầu say chếnh choáng vì nếm phải một thứ rượu cấm không thể nào uống được làm Trí Hải muốn phủ phục, ngửa mặt đón từng giọt hiếm. Nhưng cùng lúc có những khuôn mặt dữ tợn, những bàn tay đầy đe doạ vươn ra từ phía sau kéo Trí Hải bước lùi lại. Thiên thần và ma quái cùng xuất hiện một lần khiến Trí Hải vừa say mê vừa chống lại.
Có bóng người thấp thoáng ngoài ngõ. Phạm Xảo ra đón và trở vào nói với Trí Hải:
- Có khách. Một người nữ muốn vào gặp Hoàng thân để trao thiệp.
Trí Hải đồng ý mời vào. Thì ra, đấy là cô gái ôm khay thẻ tiền thưởng trong đêm cầm chầu. Với phong thái nghiêm cẩn đến khô khan so với dáng vẻ trẻ trung và mềm mại của mình, cô gái đặt một phong thư nhỏ lên chiếc khay rút ra từ túi xách mang theo bên mình, chắp tay thi lễ và thưa:
- Bẩm Hoàng thân đại nhân, Chánh Chưởng Phủ phu nhân xin gửi thiệp này đến đại nhân. Kính xin ngài chiếu cố khai thiệp.
Trí Hải chưa vội với tay nhận thiệp mà đuổi theo dòng suy nghĩ mông lung với ý nghĩ tức thời rằng, đây hẳn là cái thiệp ngỏ lời xin đến gặp của cô Ba Gấm. Những nỗi dao động tình cảm, suy tư nằm sâu kín từ đâu trong mấy ngày qua lũ lượt ùa đến. Bên này là sự mời gọi êm đềm: Cô Ba Gấm, Chánh Chưởng phu nhân, người đẹp chín muồi không dấu vết tuổi tác, một Mạnh Thường Quân hào sảng nặng tình nghệ sĩ với nét vẽ vời thư pháp tài hoa. Từ chối không gặp lần này là mặc nhiên tiếp tục đóng kín cánh cửa của một đời khổ hạnh. Bên kia là chướng ngại đầy gai góc: Nhân luân, phẩm hạnh, hoàng tộc, triều đình, tiếng tăm, vinh dự. Nhận lời gặp mặt là mở cửa cho khát vọng tình cảm bùng lên. Trí Hải nhắm mắt định thần trong giây lát. Trực giác tự nhiên cho biết là cánh cửa địa ngục và thiên đường đang từ từ hé ra. Đam mê và đau khổ, địa ngục và thiên đường có khi chỉ là hai mặt chẵn, lẻ của một số phận thật mong manh và phi lý. Có một câu thần chú nào, một lời nguyện cầu nào linh ứng cho phút giây này. Có một chỗ dựa vào cho con người muốn sống thực, nhưng vẫn phải nói chuyện bâng quơ hoài trên sân khấu cuộc đời…
Tiếng cô gái nhỏ nhẹ nhắc đến lần thứ ba:
- Cung thỉnh đại nhân khai thiệp.
Trí Hải giật mình cầm lấy cái thiệp trên khay và mở ra. Vẫn mảnh giấy hoa tiên và nét chữ tài hoa bay bướm. Nhưng nội dung bức thư bằng chữ Nôm không phải là một cái thiệp xin tiếp kiến bình thường, mà là một cuộc hẹn gặp đầy quyết đoán, không cho Trí Hải một sự lựa chọn nào hơn là phải đến gặp người viết thư. Thư viết rằng:
“Kính bẩm Hoàng thân đại nhân.
Trước hết tiểu thiếp xin kính lời vấn an đại nhân. Mục đích thư này là chỉnh ý đại nhân cho tiểu thiếp được một dịp hội kiến với ngài để thanh thỏa vấn đề tiền thưởng trong đêm cầm chầu hát bội vừa qua. Dù cho đại nhân có chiếu cố chuẩn lời quá bộ đến hay không thì tiểu thiếp cũng sẽ chờ nơi nhà kiếng trong vườn cây cảnh của Tâm An vào giờ Ngọ ngày mai, mồng hai tháng Tám. Đa tạ đại nhân.
Kính bút. Ba Gấm”
Người tiểu nữ đã ra tới cổng ngoài mà Trí Hải vẫn còn ngồi đắm mình trong suy nghĩ. Một trời hương hoa lãng mạn bay đâu mất. Cái thiệp rõ ràng là một cái thư đòi nợ. Giọng điệu trong thư khô khan và rạch ròi như một tờ thông báo hợp đồng thương mãi. Sự thất vọng từ đâu biến thành cái buồn chợt đến. Ngăn kéo tâm hồn sâu kín nhất trong Trí Hải đã báo động lầm về một hiện tượng tình cảm xảy ra đột ngột.
Trí Hải uể oải đưa cái thiệp cho Phạm Xảo xem với lời bình luận mệt mỏi pha một chút lo lắng:
- Thanh toán tiền thưởng bằng cách nào đây huynh?
Phạm Xảo xem qua tờ thư, cười cười nhận xét:
- Có lẽ vì tôi xuất thân là con nhà tướng nên nhìn thư này có khác. Trong binh thư có nói: “Dụ tướng không gì bằng khích tướng”. Cô Ba Gấm đem chuyện nợ nần ra để khích Hoàng thân phải đến tận điểm hẹn vì lòng tự trọng chứ không thể chối từ. Chữ dùng rất khéo là “thanh thỏa” chứ không phải là “thanh toán” vấn đề tiền bạc. Nếu đây chỉ là một cái thư nhắc nhở chuyện tiền bạc tầm thường thì người viết không thể nào là một người nổi tiếng như cô Ba Gấm.
Trí Hải thắc mắc:
- Tôi chỉ biết Ba Gấm là phu nhân quan Chánh Chưởng. Thật ra bà ấy là ai và nổi tiếng như thế nào thì tôi không rõ. Huynh cũng biết về bà ấy?
- Nhiều năm qua tôi chỉ quanh quẩn trong dinh này nên ít biết chuyện bên ngoài. Riêng trường hợp cô Ba Gấm thì không biết cũng phải biết vì từ hàng nông dân nghèo khổ đến bậc quyền quý giàu sang đều nhắc đến “Ba Gấm” hàng ngày trên cửa miệng.
- Sao lạ vậy? Nhắc đến để làm gì?
- Tất cả mọi kiểu gấm vóc, tơ lụa dẫu có đắc tiền, đẹp đẽ đến đâu mà không mang nhãn hiệu “Ba Gấm” đều bị coi như là hàng tiểu phẩm quê mùa. Hàng đại quan, hàng triều thần lương đống, hàng quý tộc cho đến cung tần, mỹ nữ… hễ có dịp gặp nhau đều tò mò tìm một dấu hiệu ở một nơi nào đó trên áo để coi có phải đang mặc hàng Ba Gấm hay không. Những người lao động, những kẻ chân lấm tay bùn… cũng ước mơ có ngày được mặc hàng Ba Gấm.
Trí Hải vừa ngạc nhiên vừa tò mò vói tay lấy cái áo lễ hội đã hơi cũ do một người giàu có trong hoàng tộc may tặng, đưa cho Phạm Xảo xem, rồi hỏi:
- Thế cái áo này có phải là hàng Ba Gấm không huynh?
Phạm Xảo nhận ra ngay nhãn hiệu Ba Gấm từ góc cổ áo và chỉ cho Trí Hải:
- Chính hiệu. Cái nhãn hiệu cành hoa ba lá, nhỏ cỡ móng tay. Thêu bằng chỉ nhung này là dấu hiệu đặc biệt của hàng Ba Gấm. Đơn giản thế mà bao năm rồi không ai giả được, hay không dám giả, nên càng làm cho hàng Ba Gấm tăng thêm giá trị và nổi tiếng lừng lẫy hơn. Cái áo hàng Ba Gấm đắt giá hơn cả chục lần vo với cái áo cùng loại mang nhãn hiệu khác.
Nhìn vào cành hoa ba lá thêu chỉ nhung, Trí Hải không nói gì. Phạm Xảo nhăn mặt kêu lên:
- Cái áo chỉ là phương tiện che thân thôi, tại sao người ta lại chuộng những hình thức phù phiếm đến như thế?
- Cái bụng thường có giới hạn, nhưng cái đẹp thì vô cùng. Vì vô cùng nên vô giá. Nụ cười của Bao Tự đáng giá cả sự nghiệp của quân vương cũng chỉ vì cái đẹp.
Mỗi người đuổi theo một ý nghĩ riêng. Đêm tháng Tám bắt đầu lạnh.
Mặt trời càng lên cao trên đỉnh mái, Trí Hải càng bồn chồn. Trong lặng im của hai người, chỉ có tiếng Phạm Xảo cất lên đầy quyết đoán:
- Hoàng thân phải đi thôi. Dẫu không có một đồng dính túi nhưng Hoàng thân còn có cả một vòng hào quang ẩn hiện trong lòng người. Nếu nói như Hoàng thân hôm qua thì hào quang đó cũng là cái đẹp. Biết đâu cái đẹp này cũng có giá riêng của nó và có thể trả được nợ nần.
Trí Hải đặt tay lên vai Phạm Xảo. Người bạn già mang bản chất ngay thẳng của con nhà tướng này đối diện với thực tế một cách thật thà nhưng cũng đầy cảm động.
Mặt trời sắp đứng bóng. Trí Hải men theo con đường nhỏ ngập lá mùa Thu đi về khu vườn cây cảnh của Tâm An, lòng không yên với nhiều ý nghĩ mâu thuẫn. Gặp người thân thiện là một niềm vui; gặp kẻ thương quý là một nguồn hạnh phúc; gặp nhân vật ngưỡng mộ là một ân sủng; gặp phường gian dối là một tai họa… Nguồn suy tư đầy tràn bỗng giật mình trống không khi Trí Hải chỉ nhận ra cái bóng thấp thoáng của Ba Gấm sau những tàn cây cảnh. Tâm An bỏ đi nhưng vẫn mướn người chăm sóc ngôi nhà thiền và khu vườn quý hiếm bởi có cây kỳ nam cổ mộc. Khu vườn đẹp dáng mơ phai vì nhiều cây đã chuyển màu sang Thu.
Trí Hải tiến tới chào trước:
- Kính chào Chánh Chưởng phu nhân. Mỗi là vạn hạnh mới được diện kiến phu nhân ngày hôm nay.
Người đàn bà đáp lại bằng nét cười tươi, nhưng đôi mắt vẫn không cười cùng cửa miệng. Đôi mắt đẹp mở to, dò hỏi. Đôi mắt có sức cuốn hút người đối diện vì nét kiêu sa và bí ẩn. Đôi mắt quyết đoán và lạnh lùng trong cách nhìn, nắm bắt đối tượng; nhưng đa tình và lãng mạn khi diễn đạt:
- Dạ, kính chào Hoàng thân đại nhân.
Một thoáng yên lặng hơi bỡ ngỡ làm Trí Hải có cảm tưởng như mình đang bị chới với trong tầm quan sát của người trước mặt. Người đàn bà lại lên tiếng, phá vỡ mảnh im lặng khó khăn:
- Thưa Hoàng thân, có thể nào chúng ta giải quyết ngay chuyện vay trả liên quan đến những thẻ thưởng trong đêm cầm chầu hát bội không ạ?
Lúng túng vì một đời chưa quen với việc vay mượn bao giờ. Trí Hải hỏi mà không biết câu trả lời sẽ về đâu:
- Vâng, tôi cũng đang mong như thế nhưng trả bằng cách nào xin phu nhân cho biết.
Người đàn bà cười rất thoáng, nửa như nghịch ngợm trêu chọc, nửa như chân thành kính cẩn, trả lời:
- Vay một lần thì phải trả một lần cho hết mà thôi, thưa đại nhân.
Sự căng thẳng tinh thần nằm trong giọng nói của Trí Hải:
- Có lẽ đó là cách hợp lý nhất. Vậy, thưa phu nhân, tổng ngân khoản của toàn khay tiền thưởng là bao nhiêu?
- Là vô giá, thưa ngài.
- Xin phu nhân vui lòng nói rõ hơn…
- Là vô giá. Cái dụng thường có giới hạn, nhưng cái đẹp thì vô cùng. Vì vô cùng cho nên vô giá.
Trí Hải giật mình nhận ra đây là câu mình nói với Phạm Xảo hồi đêm, nhưng cũng ráng hỏi, ngập ngừng:
- Ý này tôi nghe đâu… quen quen?
Người đàn bà bỗng cười khanh khách. Tiếng cười giòn, vui làm nứt rạn bức rào chắn hình thức nghi lễ giữa hai người. Người đàn bà hết cười, cắn môi, mặt nghiêm lại và đôi mắt trở nên buồn thăm thẳm như đang để buông trôi về một dĩ vãng:
- Của tác giả Hoàng thân Trí Hải viết chung với cậu ấm Nguyễn Văn Thuyên trong sách Phù Sinh ký đó ngài ạ.
Thảng thốt đứng bật dậy từ chỗ ngồi đối diện với người đàn bà, Trí Hải chưa tin hẳn những điều mình vừa nghe là có thật, hỏi dồn:
- Phù Sinh Ký? Tác phẩm đầu tay của ta đã bị thiêu hủy sau vụ án “văn chương phản nghịch” Ấm Thuyên?
Người đàn bà vẫn ngồi điềm nhiên, giọng xa vắng có vẻ như đang nói với những kẻ vô hình năm cũ:
- Không chỉ Phù Sinh Ký mà năm tác phẩm khác về Thi, Thư, Chuyện, Ký, Sử của đại nhân vẫn còn nguyên vẹn.
Hy vọng bừng lên trong tuyệt vọng khiến Trí Hải than van một cách yếu ớt:
- Tất cả đều bị thiêu hủy. Không ai dám chống lệnh triều đình khi tả quân Lê Văn Duyệt là quan chấp sự của vụ án.
- Thưa Hoàng thân, đúng là như vậy. Nhưng nội tình có khác. Việc thu sách và đốt sách được tả quân giao cho quan Chánh Chưởng.
- Ô như vậy cho nên phu nhân có cơ hội giấu một số sách không đốt?
- Dẫu sao thiếp cũng là người nhà của quan Chánh Chưởng, nên nếu muốn thì cũng có nhiều cơ hội để giấu sách, nhưng cả tàng thư của Ấm Thuyên và bằng hữu có được bao nhiêu cuốn sách hay đâu mà phải mất công giấu giếm. Sách Tàu thì toàn cả kinh sử Trung Hoa xưa cũ. Sách ta thì rặt thơ văn ngâm hoa vịnh nguyệt vu vơ. Hơn nữa, thiếp không muốn vi phạm luật của triều đình đã ban ra.
Trí Hải nóng lòng hỏi cho ra sự thật:
- Nếu đã không cất giấu thì làm sao phu nhân còn giữ được những cuốn sách vừa kể trên?
- Chép. Luật triều đình không ghi điều cấm chép sách.
- Chép?! Như thế phải cần có một ban sao chép bao nhiều người và phải làm việc mất trong bao lâu?
- Dạ, một mình! Phải chép xong trong bảy ngày đêm để cho quan Chánh Chưởng kịp thi hành án lệnh khẩn cấp.
- Lẽ nào chỉ một mình phu nhân mà chép hết mấy nghìn trang sách trong bảy ngày đêm?
- Mẹo tốc ký chấm phá của Vương Hy Chi đời Tấn và Vũ Bá Thiên đời Đường có thể giúp ghi lại cả trang sách trong dăm ba dòng bằng ký hiệu. Khi đã thích thì việc chép lại những dòng kim cổ hùng văn, những áng thiên hạ danh văn trở thành nỗi đam mê không mỏi mệt.
- Về sau ai chép lại từ ký hiệu tốc ký ra văn thường?
- Thiếp!
- Vẫn chỉ một mình?
- Dạ.
- Bao lâu?
- Ba năm.
Trí Hải từ từ nhắm mắt lại. Những hàng nước mắt chảy thành dòng.
Có từng quằn quại vì một câu thơ, từng dõi ánh mắt trỏm sâu vào đêm khuya một mình, từng xác để giữa đời mà thần trí chơi vơi bên khung trời cao viễn mới thấm hiểu dòng nước mắt ngắn dài của Trí Hải. Nghệ sĩ lòng mang nghiệp nặng giữa trần gian. Sáng tạo nghệ thuật có khi chỉ là những con đom đóm ma trơi. Con đom đóm không sáng bằng một giọt nắng mặt trời, nhưng nghiệp tiền kiếp muốn đốt hết xác thân của nó thành ánh sáng. Có thể chẳng soi đường cho con kiến cỏ, nhưng con đom đóm vẫn cứ đốt sáng cho hết một kiếp lập lòe bay bổng hay nằm bẹp dí dưới những gốc cỏ dại vô danh. Nó chỉ có một đời và dám sống hết một đời cho bóng tối.
Từ từ mở mắt, nhìn sau cuốn sách bọc trong gói lụa đào vừa được Ba Gấm mở ra, Trí Hải dang tay vươn tới. Một tay đặt lên mân mê từng cuốn sách, một tay đặt lên vai Ba Gấm như một cử chỉ gần gũi biết ơn, nghiêng mình trân trọng. Trí Hải nói như trong cơn mộng du:
- Ô! Sách cũ vẫn còn? Thưa phu nhân, Ba Gấm…
Nỗi nghẹn ngào làm cho người đàn ông hóa đá. Nhưng cơn hóa đá chỉ là một thoáng qua mau. Trí Hải rụt tay lại. Đã muộn. Bàn tay nuột nà và ấm ấp của Ba Gấm đã kịp giữ bàn tay Trí Hải nằm yên trên vai mình. Ba Gấm, giọng lạc đi vì xúc động:
- Hoàng thân, đại nhân. Ngài… Huynh… Muội hiểu.
Hiểu. Có khi không cần tri thức mà chỉ cần biết mở tung cánh cửa tâm hồn đúng lúc để cho sự xúc cảm ùa vào. Ba Gấm đã từng có những cảm xúc ngây hồn và nỗi rung động tê dại khi một mình chép những dòng văn tài hoa và lãng tử của Trí Hải. Chữ như gươm, ý như lửa đi khai phá những con đường tươi mới.