Văn học Phật giáo
Chú tiểu ngắm sen
Ngô Khắc Tài
19/07/2554 05:18 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

I.

Trong kho tàng ca dao Việt Nam có bài “Thằng Bờm”. Rõ ràng người đời đã gọi Bờm là “thằng”. Nhưng riêng tôi, tôi cứ nghĩ ngày mai chưa biết rồi ai sẽ thế nào, hơn nữa Phật tánh có trong mỗi chúng sinh nên càng không dám xem thường. Và chẳng những thế, khi đọc bài ca dao tôi còn cảm thấy rằng Bờm chính là một vị thiền sư! Chắc sẽ có người cho rằng tôi có suy nghĩ méo mó, chủ quan gì đó... Nhưng với sự dè dặt cần thiết, thôi thì cứ trao đổi nơi đây một vài suy nghĩ, biết đâu lại chẳng có dịp học hỏi thêm?

Về hành trạng, thiền sư Bờm của tôi là một anh nông dân nghèo. Nói thẳng ra là chẳng có học hành gì! Tình trạng chung của xã hội thời ấy, người nghèo chẳng ai mời đi dự đám tiệc. Có đến chùa nghe giảng kinh cũng chỉ đứng bên ngoài. Như ta đã biết, đạo Phật truyền vào nước ta hơn ngàn năm qua. Văn hóa Phật giáo đã thấm sâu trong lòng người Việt không biết từ lúc nào, được biểu hiện qua cách suy nghĩ, ứng xử, lối sống... Và vì thế mà có người vào chùa giác ngộ, và cũng có người ngoài đời, tuy không học nhưng do bản giác thanh tịnh mà được chứng ngộ nữa. Có lẽ đó là trường hợp thiền sư Bờm của tôi.

Câu chuyện về ngài bắt đầu từ một buổi trưa hè. Bờm cầm quạt mo đi chơi. Và người ta kể lại câu chuyện ấy qua bài ca dao:

Thằng Bờm có cái quạt mo,

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu,

Phú ông xin đổi một xâu cá mè.

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè,

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim,

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi,

Phú ông xin đổi nắm xôi... Bờm cười.

Câu chuyện của thiền sư Bờm là như vậy, và công án của thiền sư là ở chỗ nụ cười. Đạo Phật có rất nhiều nụ cười, ở đây lại thêm nụ cười bí ẩn, thâm thâm diệu diệu của Bờm. Thông thường, vì không hiểu nhau nên hay vu oan cho nhau – kiểu bi kịch rất thường gặp ở những bậc vĩ nhân. Nào cho là Bờm ngu dốt, quạt mo đáng giá bao nhiêu mà không chịu đổi... Cũng có người lại cho là Bờm có chút thông minh, biết phú ông giàu có kia đang cố lừa gạt mình nên tránh được, nhưng cuối cùng vẫn cứ rơi vào chỗ thực dụng, vì không thắng nổi chính mình nên chịu nhận lấy nắm xôi... rồi cười!

Có phải vậy không? Nụ cười của Bờm quả là nụ cười của thiền sư, vì trở thành câu hỏi cho nhiều người. Hãy thử hình dung vào buổi trưa hè ấy, ngài cầm quạt mo, cử chỉ ung dung tự tại, an lạc...

II.

Một người cha giàu có dẫn đứa con về một vùng quê nghèo khó, nghĩ rằng đó sẽ là bài học thực tế có ích cho con mình. Trên đường về, người cha hỏi:

- Con thấy chuyến đi như thế nào?

- Thật là tuyệt vời, thưa cha.

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào. Vậy con rút ra được bài học gì?

Đứa con nói ngay không ngần ngại:

- Vâng, con thấy nhà ta chỉ có một con chó, họ có đến ba, bốn con, nhiều hơn ta. Nhà ta có hồ bơi dài rộng, nhưng họ có con sông dài hơn, rộng hơn. Nhà ta có quạt máy, nhưng vẫn không được mát mẻ bằng họ!

Đứa con đã nhìn thấy nơi người nghèo những thứ mà nhà nó không có. Trường hợp của phú ông khi gặp Bờm cũng vậy. Cái quạt mo của thiền sư Bờm tượng trưng cho giá trị tinh thần, nên có thể nói phú ông cũng là người có chút thiện tâm.

Nhưng thiền sư Bờm vẫn im lặng, trả vấn đề trao đổi về cho phú ông. Phú ông tiếp tục đưa ra chuyện trao đổi vu vơ, nhưng đã hạ dần giá trị trao đổi từ cao xuống thấp, cho đến khi chỉ còn là một nắm xôi! Đây là quá trình đi tìm giá trị tương đương của sự vật. Vật nào có giá trị của vật đó. Người đi tìm vật mà vật cũng hằng đợi người. Ý nghĩa đích thực là phú ông ngày càng đạt đến gần chỗ cứu cánh, nhưng thiền sư Bờm vẫn cười một cách bí ẩn...

Nụ cười của Bờm gây ra bao dấu hỏi. Người ta cho rằng Bờm đã nhận lấy nắm xôi. Nhưng ở đây thật ra không thấy nói điều đó, mà chỉ nói là Bờm cười. Chẳng thấy đức Phật, các vị cao tăng đắc đạo, nét mặt luôn hoan hỉ, lúc nào cũng cười đó sao?

Nụ cười của thiền sư Bờm ở đây mang ý nghĩa gì, xin nhường lại cho mỗi người tự suy ngẫm. Về phần tôi, thuở nhỏ vào những buổi trưa hè gió luồn cửa trước vườn sau, thường nghe mẹ hát ru em bài ca dao “Thằng Bờm”. Tôi nhớ lúc ấy tôi cũng cười với Bờm, nhưng đó là nụ cười ngây ngô. Lớn lên, nhìn thấy nhiều cảnh đời ngang trái rồi nhớ lại bài ca dao, tôi cũng tiếp tục cười nhưng vẫn chưa biết mình cười gì.

Cho đến lúc bắt đầu đọc sách Phật, tình cờ tôi bắt gặp lời Phật dạy: “Người đời có ba thứ lửa. Thứ nhất là lửa ngoài đường, đừng đem vô nhà bị cháy vạ lây. Thứ hai là lửa trong nhà, đừng đem ra đường cháy nhà hàng xóm. Thứ ba là lửa chân tâm hằng thắp sáng...” Tôi nhớ đại ý như vậy, nhưng không nhớ chính xác trong kinh nào... Phải chăng lửa chân tâm hằng thắp sáng để giúp ta luôn vững vàng trước dục vọng? Thực tại vừa rất thực lại vừa huyễn mộng chính là lời giải mã nụ cười của thiền sư Bờm, chẳng những cho phú ông mà cũng là cho tất cả chúng ta!

Tiêu điểm: