Văn học Phật giáo
Chú tiểu ngắm sen
Ngô Khắc Tài
19/07/2554 05:18 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

I.

Đôi khi tôi tự hỏi, tổ chức những đám tang hay đám giỗ thật linh đình có phải là bày tỏ lòng hiếu thảo hơn so với những đám tang, đám giỗ đơn sơ của nhà nghèo hay không? Cặp mắt vô minh của chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi hình thức bên ngoài, nên thường cho là việc tổ chức linh đình tỏ ra có hiếu đạo hơn. Nhưng thật ra, đối với những dịp tưởng niệm cha mẹ đã khuất thì sự phân biệt không ở chỗ nghèo hay giàu, mà tùy thuộc nơi tấm lòng của người con. Còn xét về mặt lâu dài thì ai có thể giữ mãi được hình bóng cha mẹ trong lòng mình, nhớ mãi những lời dạy dỗ của cha mẹ, sáng mãi như ngọn lửa trong hồn, đó mới thật là người con hiếu!

II.

Một bà mẹ đang cặm cụi làm lụng, thằng bé theo nghịch ngợm mãi. Bà bực mình cầm cây roi giơ lên. Tưởng là mẹ đánh con. Không ngờ mẹ hạ roi xuống xoa đầu con, rồi lấy cho con cái bánh, bảo con đi chỗ khác chơi. Sở dĩ “tưởng là”, là vì mình đứng bên ngoài. Bước vào trong lòng mới thấy lòng mẹ mênh mông, thương con bằng cả trái tim. Mẹ con tuy hai mà là một, thật diệu kỳ!

III.

Nhưng trái lại, con đối với mẹ một mà là hai. Hầu hết các bà mẹ không mấy khi chịu sống với đứa con khá giả, thường hay chọn đến sống đứa con nghèo, hoặc sống với con trai út. Thế là, những đứa con lớn hay giàu có mỗi tuần lại mang tiền bạc, quà bánh đến thăm mẹ. Chẳng lẽ bà nội ngồi ăn để cháu ngó miệng? Chẳng lẽ trong nhà thiếu tiền chợ mà bà nội lại giữ tiền bo bo? Thế là những đứa con lớn đôi khi phải cằn nhằn “Má lo phần má đi, tụi nhỏ bao nhiêu cho đủ!” Thế đấy, con thương mẹ nhưng lại không để ý trong lòng mẹ nghĩ gì, muốn gì. Để rồi mẹ phải nước mắt rưng rưng vì tuổi già phải lệ thuộc con. Mẹ đứng giữa những đứa con khá giả và gia đình đứa con nghèo khó, lòng mẹ chỉ muốn san sớt, bảo bọc cho nó được phần nào hay phần ấy. Mà những đứa con may mắn khá giả kia nào có hiểu cho! Thành ra cũng muốn thực hành đạo hiếu nhưng vì không hiểu lòng mẹ mà thành ra bất hiếu.

IV.

Khi một đứa con hỏi mẹ “Mẹ ăn gì? Con mua cho.” Rất ít có bà mẹ nào trả lời. Nhưng đừng hỏi, con mang tới để đó, mẹ sẽ ăn. Chẳng phải già cả sinh khó tính đâu, mà tuổi già quý con ở tấm lòng hơn món ăn. Thiếu thốn thì chịu, rất ít khi mẹ đòi hỏi ở con.

Có một bà mẹ già sống trong căn nhà mái tôn, nóng bức suốt ngày, quạt máy cũng chẳng ăn thua gì. Các con đôi ba ngày đến thăm mẹ một lần, tiền bạc, thuốc men, quần áo thay nhau phụng dưỡng không thiếu món gì... Có một người con nghèo quá, không có gì cho mẹ, nhưng thấy mái tôn thiếc nóng quá, anh mới cất thêm cho mẹ một mái lá kế bên. Mẹ thủ thỉ “Nhờ mày chắc tao sống thêm được vài năm nữa.”

Đôi khi việc thực hiện chữ hiếu lại là nhu cầu của người muốn được tiếng đời khen, hoặc chỉ vì sợ cái quả bất hiếu mà ngày sau con cái trả lại. Trong những trường hợp ấy, người “báo hiếu” thường không nghĩ đến nhu cầu của đối tượng ở đây chính là cha mẹ. Lẽ nào phải đợi cha mẹ nói cần gì thì con mới biết?

V.

Tài sản cha mẹ để lại chẳng những không phát triển, đôi ba năm sau lại làm tiêu sạch. Được cha mẹ sinh ra thân thể lành lặn, không làm cho mập mạp cường tráng lên mà để sinh ra ốm yếu, bệnh tật; không có tật nguyền lại làm cho trở nên tật nguyền, mang vào thân những sự nghiện ngập rượu chè, ma tuý... Đó là đại bất hiếu!

VI.

Có một người con nghe hàng xóm báo tin mẹ chết mà vẫn cứ đi chậm rãi trên đường về. Người hàng xóm vừa lấy làm lạ, vừa bực mình lên tiếng hối: “Lẹ lên cha, đồ con bất hiếu.” Anh trả lời: “Dù sao thì mẹ tôi cũng đã chết rồi, về nhanh cũng có làm được gì?”

Về đến nhà, càng ngạc nhiên hơn. Ai nấy đều khóc lóc, riêng anh ta vẫn lạnh lùng không rơi một giọt nước mắt. Thật ra, người con này đã có sự chuẩn bị từ lâu trước khi mẹ mất. Trong lòng anh luôn có tình yêu mẹ cuộn chảy. Dù mẹ còn sống hay đã chết, lúc nào mẹ cũng vẫn hiện diện trong anh. Vì thế nên anh mới có được thái độ bình tĩnh trước sự ra đi của mẹ.

Sau đó, người con đã từng nuôi mẹ làm ăn ngày càng khá giả, giàu có. Anh cất một ngôi nhà mới, vất bỏ hết những món đồ cũ kỹ của mẹ. Trong đó có cả cái trang thờ Phật Quán Âm mà mẹ anh đã thờ phụng sáu bảy chục năm qua. Người con trước đây không nhỏ một giọt lệ khi mẹ mất, bây giờ lại ngậm ngùi đến nhặt lại cái trang thờ cùng những chén đĩa, bình vôi cũ kỹ mang về nhà.

Nhiều năm sau đó, anh vẫn thường chỉ cho con cái mình xem những kỷ vật ấy, nói cho con biết rằng bà nội đã từng sử dụng chúng như thế nào, kể cho con nghe từng câu chuyện về bà nội khi còn sống...

Cũng không biết là hương hồn người mẹ sẽ theo đứa con nào. Chỉ biết là sự mất mát đang diễn ra từng ngày trong gia đình người con giàu có. Mẹ qua đời rồi, chỉ năm năm sau, con cái không còn biết gì đến bà nội... Thậm chí những ngày rằm tháng bảy, tiết thanh minh... cũng không thăm viếng mộ ông bà. Chữ hiếu chỉ tới đời con, không truyền được xuống đời cháu!

Tiêu điểm: