Văn học Phật giáo
Chú tiểu ngắm sen
Ngô Khắc Tài
19/07/2554 05:18 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Trái núi nhỏ bé có tới bảy ngôi chùa. Người ta thường lui tới sáu ngôi chùa kia vì nằm ở mặt núi giáp với thị trấn sung túc nên các chùa ấy khang trang, nhiều tượng Phật. Phía sau núi hiu quạnh, giáp với đồng ruộng bao la là chùa của hai thầy trò. Trước kia là miếu thờ Thần Nông bị bỏ hoang, Sư về mới sửa sang lại. Gọi là chùa, nhưng thật ra nó chỉ là một mái nhà lá khô giòn theo mưa nắng. Tượng Phật trang nghiêm đặt ở giữa nhà.

Sư về đây có một mình. Một mình Sư phát hoang cây cỏ rậm rạp phía sau hậu liêu, biến thành miếng rẫy trồng trọt. Trong xóm hầu hết là dân nghèo. Ban đầu người ta nghe tiếng mõ lốc cốc khuya sáng, cảm thấy góc núi hiu quạnh như ấm lên. Nhưng Sư vẫn chưa thu hút mọi người lắm. Dần dần, ở vị sư gầy gò ấy như toát ra vẻ gì đó thật dễ mến và đáng kính. Chẳng hạn, Sư bán khoai củ được ít tiền liền đem giúp người trong xóm. Chẳng hạn, Sư không chấp nhận những ai đến xin tu với lý do chán đời, thất tình...

Trường hợp của chú tiểu Tâm Minh, thật ra sư đã không nhận, mặc dù mẹ của Tâm Minh theo nài nỉ mãi, chỉ vì chú mới mười tuổi, chưa đủ trí khôn để tự quyết định cuộc đời. Cuối cùng, Sư chỉ chấp nhận cho Tâm Minh tạm ở chùa, đến năm 16 tuổi mới cho quy y chính thức.

Năm nay Tâm Minh được mười bốn. Tâm Minh còn trẻ con, hiếu động, thường dậy trễ, ngủ gà ngủ gật lúc tụng kinh, tiếng mõ lúc nhanh lúc chậm. Tâm Minh bị phạt quỳ hương không biết bao nhiều lần rồi. Lúc buồn, chú tiểu lại nghêu ngao mấy câu vọng cổ. Nhưng bù lại Tâm Minh có tâm tánh hiền lành. Một buổi chiều chú mở cửa chánh diện, lỡ tay làm kẹt chết con thằn lằn, chú khóc ngon lành.

Thấy thiên hạ xúm nhau ăn thịt chó, Tâm Minh xin ở đâu một con chó đem về chùa nuôi, cố chứng minh rằng con vật bốn chân này cũng có trí khôn. Sư cằn nhằn, Tâm Minh năn nỉ: “Con sẽ nhịn cơm nuôi nó.” Chú đặt tên cho con chó là Giác. Một hôm, Sư nghe trong buồng chú tiểu vọng ra tiếng mõ lốc cốc lẫn tiếng chó kêu ăng ẳng. Té ra Tâm Minh vả con chó phù mỏ để dạy việc chi đó... Hai tháng sau, mỗi lần có khách đến chùa, Tâm Minh hớn hở đem con Giác ra khoe. Màn thứ nhất, nghe tiếng mõ, Giác đứng hai chân xá xá. Màn thứ hai, Giác kêu lên mấy tiếng bên chén cơm trộn nước tương, rồi cúi đầu ăn. Khách khen con Giác và cho Tâm Minh ít tiền. Qua màn thứ ba, con Giác chạy rong qua nhà ông Sáu thợ mộc, mấy đứa cháu nội của ông Sáu lấy cơm trộn cá cho con Giác ăn. Thế rồi một bên có tóc, một bên trọc đầu xảy ra cuộc đánh nhau. Chú tiểu Tâm Minh chưa hết buồn vì thầy tỏ ra giận chú. Đến màn thứ tư, con Giác đến tuổi rượn đực nên bỏ chùa đi. Cô Hà nói nó đi vài ngày sẽ quay về, nhưng chú tiểu thì coi như tới đây xong chuyện, vì con chó đã hết duyên...

Ở lưng chừng núi mà chùa có một hồ sen với xi măng trộn đá bao quanh là cả một kỳ công! Việc làm hồ sen này phát xuất từ bà Tư Nhanh. Bà là người khá giả trong xóm nghèo. Bà nói, dù là góc núi hiu quạnh, xóm toàn dân nghèo, nhưng ngôi chùa cũng phải được xây cất lại khang trang để sau này cho con cháu noi theo. Bà bàn với ông Sáu thợ mộc quyên góp để xây tường, lót gạch bông cho chùa. Thầy của Tâm Minh khăng khăng không chịu nhận. Cuối cùng sư đề nghị, thay vì cất chùa, lấy đá xây quanh chỗ trũng trên núi để làm hồ sen. Nước mưa trên núi tràn xuống, vừa có nước sinh hoạt cho xóm, vừa có sen hái cúng Phật.

Đêm qua, dường như là tình cờ, Sư nhắc đến phút nhiệm mầu được nhìn hoa sen run run hé nở.

Tiêu điểm: