Tự do và khuôn thước
Tất cả chúng ta đều yêu thích tự do, thậm chí có thể sẵn sàng làm bất cứ
điều gì để bảo vệ sự tự do trong cuộc sống.
Sự khao khát tự do càng mãnh liệt hơn ở ngưỡng cửa bước vào đời, khi các
bạn trẻ lần đầu tiên có cảm giác được tự quyết về việc làm của mình. Vì
thế, đôi khi các bạn cảm thấy rất khó chịu hoặc thậm chí cho rằng bị xúc
phạm nếu có ai đó ngăn cản, giới hạn sự tự do của bạn.
Nhưng bạn ơi, trước khi bạn có một phản ứng nào đó để bảo vệ sự tự do
của mình, tôi muốn bạn hãy thử đưa ra một định nghĩa khái quát về sự tự
do ấy.
Rất có thể bạn sẽ cho là điều ấy quá dễ dàng. Nhưng hãy suy nghĩ thêm
một chút, bạn sẽ thấy vấn đề không thực sự đơn giản chút nào. Sự thật là
đã có không ít những tranh cãi và lập luận khác nhau về cái gọi là tự do
trong cuộc sống. Và cho dù nền văn minh nhân loại đã tự hào tiến bộ rất
xa so với chỉ một vài thập kỷ trước đây, nhưng khắp mọi nơi trên thế
giới này người ta vẫn giữ những nhận thức, khái niệm khác nhau về tự do,
không thể đạt đến một nhận thức chung hay một định nghĩa khái quát có
thể phù hợp cho tất cả mọi người.
Không cần thiết phải làm cho các bạn đau đầu với những khái niệm khác
nhau về tự do trên thế giới – nhưng nếu muốn bạn vẫn có thể tìm hiểu để
biết, bởi vì đó là điều hoàn toàn có thật. Chỉ cần phân tích ngay trong
những bối cảnh rất gần của chúng ta, cũng có thể thấy được điều này.
Chẳng hạn, nếu không phải là khác với những trường hợp thông thường thì
khái niệm về tự do của bạn và cha hoặc mẹ bạn có rất nhiều khả năng là
không giống nhau. Vì thế, sẽ có những việc bạn cho là hoàn toàn hợp lý
để tự do thực hiện, nhưng cha hoặc mẹ bạn lại cho là cần phải ngăn cấm
hoặc đặt ra những giới hạn nhất định. Vấn đề cũng sẽ tương tự với các
anh, chị hay thầy cô giáo... và vì thế bạn sẽ có đôi lúc thấy băn khoăn
về giới hạn thực sự của cái gọi là tự do: có hay không có, hoặc có đến
mức độ nào là hợp lý?
Rất có thể bạn sẽ nghĩ về tự do như là một trạng thái không bị kiềm chế,
luôn được quyền làm theo ý muốn của chính mình. Nhưng thực ra thì trong
cuộc sống này chưa bao giờ đã từng có một trạng thái như vậy cả! Bởi một
lẽ rất đơn giản là ý muốn của mỗi người sẽ có thể tạo ra những xung đột,
mâu thuẫn nhất định với người khác, và do đó nhất thiết phải có những
giới hạn được đặt ra để đảm bảo một sự tự do chung cho tất cả mọi người
trong một cộng đồng.
Lấy một ví dụ nhỏ như khi bạn đang vui và thích ca hát ầm ĩ, nhưng lúc
bấy giờ đã là 12 giờ khuya. Bạn không thể thực hiện theo ý muốn của mình
một cách tự do trong trường hợp này, vì như thế thì những người hàng xóm
của bạn sẽ không sao ngủ được!
Những giới hạn như vừa nói là phát sinh từ môi trường sinh hoạt khác
nhau của mỗi cộng đồng, nên tất yếu là chúng không thể giống nhau ở
những cộng đồng xã hội khác nhau. Chẳng hạn, những giới hạn trong một
cộng đồng xã hội Hồi giáo khác với trong một cộng đồng xã hội phương
Tây, và những giới hạn trong một cộng đồng xã hội phương Tây lại không
thể giống với trong một cộng đồng xã hội Á Đông...
Nhưng giới hạn đến mức nào là hợp lý và không bị xem là xâm phạm hoặc
tước bỏ quyền tự do của mỗi cá nhân?
Hình thức giới hạn đầu tiên mà chúng ta có thể dễ dàng thấy được là luật
pháp. Chẳng hạn, khi đi đường bạn phải giới hạn sự tự do của mình trong
khuôn khổ luật đi đường quy định, không thể tự do vượt đèn đỏ hoặc lấn
sang phần đường của người đi ngược chiều...
Nói chung, trong mỗi lãnh vực khác nhau đều có những quy định bằng văn
bản của pháp luật để mọi công dân đều phải tuân theo, nhằm đảm bảo một
mức độ tự do hợp lý, không ai có thể xâm phạm đến quyền lợi chính đáng
của người khác bằng sự tự do của cá nhân mình.
Vì thế, có người nói rằng: tự do là quyền làm tất cả những gì mà luật
pháp cho phép. Nhưng câu nói này chỉ đúng mà chưa đủ, bởi vì ngoài luật
pháp ra, còn có nhiều hình thức giới hạn khác nữa mà chúng ta sẽ đề cập
đến sau đây.
Hình thức giới hạn thứ hai thuộc phạm trù phong tục, tập quán của từng
xã hội. Có những hành vi luật pháp không ngăn cấm, nhưng bạn vẫn không
thể tự do thực hiện chỉ vì nó trái với phong tục, tập quán của xã hội mà
bạn đang sống. Chẳng hạn như trong các lễ nghi cưới hỏi, bạn không thể
hoàn toàn làm theo ý mình, mà phải tuân theo một số các tập tục được mọi
người khác trong xã hội chấp nhận... Trong giao tiếp xã hội cũng vậy,
nếu bạn không quan tâm đến những giới hạn thuộc loại này, sự tự do của
bạn sẽ bị những người khác xem là lố bịch hay lập dị, cho dù những điều
đó hoàn toàn không vi phạm vào luật pháp.
Hình thức giới hạn thứ ba là những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Bạn
không thể tự do thực hiện những điều đi ngược lại với các tiêu chuẩn đạo
đức được mọi người trong xã hội thừa nhận, bởi vì tuy những điều đó
không được quy định trong luật pháp, nhưng lại chính là những kinh
nghiệm quý giá trong việc đào luyện, hình thành một cuộc sống tốt đẹp.
Khi bạn đi ngược với những tiêu chuẩn đạo đức, bạn sẽ trở thành người
“vô đạo đức”, và theo kinh nghiệm chắc chắn của nhiều thế hệ đi trước đã
truyền lại thì một người như thế không thể có được cuộc sống an vui,
hạnh phúc.
Hình thức giới hạn thứ tư thuộc về quan điểm của mỗi cá nhân. Xuất phát
từ khuynh hướng hoàn thiện bản thân và hướng thượng, mỗi người chúng ta
đều có những quan điểm riêng được đúc kết từ các vấn đề đạo đức, tri
thức đã được tiếp nhận, cũng như từ môi trường giáo dục, tín ngưỡng đã
được đào luyện từ thuở nhỏ. Tất cả những điều đó được phản ánh qua lăng
kính của cá nhân để tạo thành quan điểm sống của chính cá nhân đó. Và
khi đã hình thành một quan điểm sống của riêng mình, chúng ta sẽ không
chấp nhận sự buông thả phóng túng bản thân đi ngược lại quan điểm sống
của mình.
Chưa phải là đã hết, nhưng chỉ tạm nêu ra các vấn đề như trên cũng đủ để
chúng ta thấy được sự phức tạp và khó khăn trong việc đưa ra một định
nghĩa chung về tự do. Các hình thức giới hạn như trên bao hàm cả những
vấn đề cụ thể (như luật pháp) và mơ hồ (như các khái niệm về đạo đức,
phong tục, tập quán...), cả khách quan và chủ quan, và do đó bao giờ
cũng hình thành một ý niệm về tự do với những khác biệt nhất định ở mỗi
người trong chúng ta.
Quay trở lại vấn đề đã nói, giờ đây bạn có thể đã hiểu được vì sao các
bậc cha mẹ, anh chị hay thầy cô giáo lại không hoàn toàn đồng ý với bạn
về những giới hạn của tự do. Và cũng qua đó bạn có thể hiểu được vì sao
mà cho đến nay giữa phương Tây và phương Đông, giữa nước này và nước
khác... vẫn luôn có những tranh cãi khác biệt nhau về khái niệm tự do.
Những hiểu biết như thế là rất cần thiết để bạn thấy được tầm quan trọng
của việc chấp nhận khép mình vào một khuôn thước nhất định. Bởi vì đó là
phương cách hay nhất, có hiệu quả nhất để đảm bảo cho bạn có được một
tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Với những nền tảng tri thức và kinh
nghiệm còn non nớt ở ngưỡng cửa vào đời, bạn chưa thể có được một cái
nhìn toàn diện về mọi khía cạnh của vấn đề. Vì thế, cho dù rất mong muốn
được tự do trong cuộc sống, bạn vẫn phải nhớ nhận thức đầy đủ về những
giới hạn của sự tự do, và nhờ đó mà có thể vui vẻ, tự nguyện khép mình
vào một khuôn thước hợp lý để tự hoàn thiện bản thân mình.
Nhưng thế nào là một khuôn thước hợp lý? Đây chính là một cơ hội khác
nữa để bạn thể hiện sự tự do chọn lựa của chính mình. Bạn có thể tự do
chọn cho mình một quan điểm sống không phóng túng, luôn hướng đến sự
hoàn thiện bản thân và biết tôn trọng những lời khuyên dạy của các bậc
trưởng thượng. Khi hiểu và thực hiện được những điều này, chính là bạn
đã tự chọn khép mình vào một khuôn thước hợp lý. Giống như một con ngựa
biết tuân theo sự điều khiển của dây cương sẽ không bao giờ đi sai
đường, tương lai của bạn sẽ không thể đi vào tăm tối nếu bạn biết chọn
cho mình một khuôn thước hợp lý như thế.