Tri thức và đạo đức
Nhân cách, giá trị của một con người có thể nói là được tạo thành bởi
hai yếu tố: tri thức và đạo đức. Người xưa đã phân biệt rõ hai lãnh vực
này, và điều đó có những lý do xác đáng của nó. Cho dù những hiểu biết,
lý luận về đạo đức có thể được tìm thấy trong rất nhiều sách vở, và đã
được mang ra giảng dạy trong nhà trường, nghĩa là cũng giống như bao
nhiêu kiến thức khác trong vốn liếng tri thức của mỗi chúng ta, nhưng
điều đó vẫn không làm mất đi sự khác biệt giữa đạo đức và tri thức.
Tất nhiên là để có được một nền tảng đạo đức, trước hết bạn vẫn phải học
tập giống như bất kỳ môn học nào khác. Nhưng sự học tập đó là hoàn toàn
chưa đủ để tạo thành một con người đạo đức, mà yếu tố quyết định ở đây
phải là sự thực hành những điều đó trong cuộc sống, và sự rèn luyện để
biến chúng trở thành những bản chất tự nhiên trong tâm hồn. Chỉ khi ấy
thì đạo đức mới được thể hiện một cách đúng nghĩa.
Chẳng hạn, hiếu kính cha mẹ là một tiêu chí đạo đức. Bạn đã được học
điều đó ở nhà trường. Những bài học ấy giải thích rất rõ về việc vì sao
phải hiếu kính cha mẹ, và cũng khuyên dạy chúng ta nên hiếu kính cha mẹ
như thế nào...
Nhưng việc học thuộc và trả bài được điểm 10 hoàn toàn không liên quan
gì đến tiêu chí đạo đức ấy trong con người của bạn. Bạn chỉ có thể trở
thành người con hiếu khi những điều đó thực sự trở thành những suy nghĩ,
cảm nhận của chính bạn. Và điều này đòi hỏi quá trình thực hành, nghiền
ngẫm sâu xa trong thực tế cuộc sống, đôi khi kéo dài cả một đời người
chứ không chỉ là một quá trình ngắn ngủi và cạn cợt như khi bạn ngồi ê a
học thuộc lòng bài học đạo đức ở nhà trường.
Hãy nghe câu ca dao sau đây:
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Cái “công lao mẫu từ” ấy đã có biết bao nhiêu sách vở nói đến, và thậm
chí cũng chẳng phải là điều gì xa lạ lắm mà chính bạn cũng thường xuyên
được quan sát, tiếp xúc trong cuộc sống. Nhưng bạn không bao giờ thực sự
“biết” được nó, theo nghĩa là một sự cảm nhận trực tiếp, sâu sắc và đầy
đủ, chừng nào mà bạn còn chưa tự mình trải qua việc “nuôi con”. Cũng như
ngọn núi cao kia, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng chỉ những ai đã thực
sự gian nan vất vả leo lên tận đỉnh núi thì mới có thể “biết” được là nó
“cao” như thế nào!
Bạn thấy đó, như vậy là chỉ để “hiểu” được hai câu ca dao ngắn ngủi ấy
thôi, bạn đã phải mất gần nửa đời người rồi, phải không?
Vì thế, đạo đức là vấn đề không thuộc về phạm trù của tri thức. Bởi vì
nếu như tri thức được nhận hiểu và biểu lộ qua lý trí thì đạo đức chỉ có
thể được cảm nhận và thực hành qua trái tim. Hay nói cách khác, đạo đức
là vấn đề của cảm tính, trong khi tri thức lại là vấn đề của lý luận.
Lấy một ví dụ khác, việc san sẻ, giúp đỡ người nghèo khó là một tiêu chí
đạo đức. Nhưng bạn không thể dùng lý trí để nhận hiểu được điều này. Bạn
có thể lý luận rằng, việc tôi đưa ra một số tiền để giúp người nghèo khó
chỉ có thể là mất hẳn đi, vì tất nhiên là họ không có khả năng trả ơn
cho tôi. Ngược lại, tôi vẫn sẵn lòng giúp đỡ, nhưng sẽ chọn giúp cho một
người khá giả chẳng hạn trong lúc người ấy đang gặp một khó khăn nào đó,
vì có nhiều khả năng hơn là khi họ vượt qua khó khăn họ sẽ tìm cách trả
ơn tôi.
Vâng, lý trí là như vậy, và điều đó hoàn toàn “hợp lý”. Nếu tôi nói với
bạn rằng, người nghèo thực sự cần sự giúp đỡ của bạn hơn, và vì thế việc
giúp đỡ họ sẽ mang lại cho bạn niềm vui lớn lao hơn. Hoặc tôi nói với
bạn về sự cảm thông và chia sẻ cần có giữa những con người, vì điều ấy
giúp ta sống thanh thản hơn và an vui hơn... Bạn sẽ thấy tất cả những
điều ấy đều là mơ hồ, khó nắm bắt và không “hợp lý”... Bởi rất đơn giản
là vì những điều ấy chỉ có thể được cảm nhận bằng trái tim mà không thể
nhận hiểu bằng lý trí. Và sự cảm nhận đó chỉ có được khi bạn thực sự bắt
tay vào việc chứ không chỉ là học hiểu qua những lý thuyết suông.
Tôi tin chắc là đã có rất nhiều bài học thực hành đạo đức được áp dụng
cho bạn từ thuở ấu thơ, ngay cả khi bạn chưa hề nhận thức được điều ấy.
Những nền tảng này là rất quan trọng để bạn có thể tiếp tục phát triển
khi bước vào đời. Nhưng ngay cả khi đọc những dòng này mà bạn vẫn còn
thấy mơ hồ về một ý niệm đạo đức trong tâm hồn, thì bạn vẫn còn có nhiều
cơ hội để rèn luyện yếu tố này nếu muốn vươn lên hoàn thiện chính mình.
Khi viết những dòng trên, tôi hoàn toàn không có ý cho rằng đạo đức là
quan trọng hơn tri thức. Ngược lại, như đã nói từ đầu, cả hai yếu tố này
đều góp phần tạo thành nhân cách, giá trị của mỗi người chúng ta. Chúng
ta không thể hình dung một mẫu người đáng kính nào đó lại có thể thiếu
đi một trong hai yếu tố này. Tuy vậy, vẫn có một vài lý do khá thuyết
phục để chúng ta nhấn mạnh hơn về khía cạnh đạo đức của con người.
Thứ nhất, chúng ta thử xét một trong hai khả năng bất toàn của con
người: có tri thức, thiếu đạo đức, hoặc là có đạo đức, thiếu tri thức.
Trường hợp thứ nhất, con người ấy có rất nhiều khả năng gây nguy hại cho
người khác, và ít có khả năng làm lợi ích cho xã hội, vì họ sẽ thường có
khuynh hướng vận dụng tri thức để giành lấy phần lợi về cho chính mình,
bất chấp sự thiệt hại của người khác.
Trường hợp thứ hai, con người ấy có rất nhiều khả năng sẽ nhận lãnh
nhiều thiệt thòi, thua kém trong cuộc sống vì thiếu tri thức, nhưng họ
ít có khả năng gây nguy hại cho người khác, vì họ sẽ thường có khuynh
hướng sống theo những tiêu chí đạo đức đã có trong lòng mình.
Tất nhiên cả hai trường hợp trên đây đều là những ví dụ cường điệu hóa,
bởi vì trong thực tế không có những trường hợp nghiêng hẳn về một phía
như thế. Tuy nhiên, khả năng mất cân đối giữa hai yếu tố này lại là điều
rất thường xảy ra. Có những người sống nghiêng nhiều về mặt tri thức, và
có những người khác chú trọng hơn đến mặt đạo đức.
Thứ hai, tri thức là một yếu tố hầu như có thể được tiếp thu và phát
triển trong suốt cuộc đời, cho dù là vào mỗi giai đoạn của đời người
cũng có những khác biệt nhất định trong việc phát triển tri thức. Trong
khi đó, nền tảng đạo đức của chúng ta được hình thành rất sớm, ngay từ
những năm tháng đầu đời, và có khuynh hướng trở thành những bản chất cố
định, hay ít ra cũng là rất khó thay đổi. Vì thế, nếu chúng ta không có
một ý chí hướng thượng mạnh mẽ để sớm thay đổi một nếp sống thiếu đạo
đức vừa được nhận ra, thì có rất nhiều khả năng là nếp sống ấy sẽ theo
đuổi ta cho đến tận cuối đời. Ngược lại, nếu may mắn có được một nền
tảng đạo đức vững chắc khi bước chân vào đời, chúng ta có thể tự tin là
sẽ bước được những bước vững chắc trong cuộc sống, ngay cả khi vốn liếng
tri thức của ta còn non yếu.
Nói một cách khác, ta có thể bồi đắp tri thức còn non kém trên một nền
tảng đạo đức tốt, nhưng ngược lại rất khó lòng dựa vào một nền tảng tri
thức tốt để thay đổi uốn nắn một nếp sống thiếu đạo đức. Tất nhiên là
điều này vẫn có thể xảy ra với những ai có đủ quyết tâm hướng thượng,
nhưng tất yếu cũng phải có nền tảng là một số đức tính nhất định nào đó.
Này người bạn trẻ, đến đây chắc có lẽ bạn cũng đồng ý với tôi rằng: sẽ
tốt đẹp biết bao nếu chúng ta có được sự phát triển cân đối cả hai yếu
tố tri thức và đạo đức. Vâng, đúng vậy. Và đó là điều mà bạn hoàn toàn
có thể làm được. Hay phải nói đúng hơn là chỉ có chính bạn mới tự làm
được điều đó cho bản thân mình mà thôi.
Như khi bạn muốn pha nước ấm để tắm. Không ai khác có thể giúp bạn làm
điều này một cách hoàn toàn vừa ý, vì người khác không thể biết được là
bạn thích nhiệt độ nào. Chỉ có chính bạn mới biết chắc được là phải pha
thêm nước nóng hay nước lạnh để đạt được nhiệt độ như ý muốn.
Cũng vậy, những người lớn dù quan tâm đến đâu, hiểu biết đến đâu cũng
chỉ có thể đưa ra những lời chỉ dẫn và khuyên dạy, nhưng họ hoàn toàn
không thể biết chính xác là bạn đang cần điều gì và nên làm điều gì. Như
khi bạn muốn tự mình rèn luyện đức tính vị tha, chỉ có chính bạn mới có
thể nhận biết là mình đã tiến bộ đến đâu và cần phải thực hành những
gì...
Vì thế, nếu bạn nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sự phát triển cân
đối cả hai yếu tố tri thức và đạo đức, bạn sẽ có thể tự quyết định là
phải học tập và rèn luyện những gì, bởi vì có rất nhiều lời khuyên tốt
đẹp mà bạn thì không thể cùng lúc thực hành tất cả những lời khuyên ấy.